Gởi cho một Hội Thánh đang bị bắt bớ
Phi-e-rơ. Về đời niên thiếu của ông, xin xem lời chú giải ở dưới Mác 3:13. Về quãng đời lão thành của ông, thì Kinh Thánh không ghi chép chi hết, trừ ra hai thơ tín của ông. Do lời Ðức Chúa Jêsus phán ở sách Giăng 21:18, chúng ta đoán chắc ông đã tuận đạo. Là thủ lãnh của 12 Sứ đồ, chắc ông đã ghé thăm hết các trung tâm Hội Thánh quan trọng rải rác trong đế quốc La-mã.
Một giáo hội kia có truyền thoại rằng Phi-e-rơ sáng lập Hội Thánh tại La-mã và làm Giám mục ở đó 25 năm; song truyền thoại ấy chẳng căn cứ vào lịch sử chi hết. Ðó là một truyện giả tạo vào mấy thế kỷ sau, là lúc các Giám mục La-mã có dục vọng làm chúa tể của cộng đồng Cơ-đốc-giáo. Một vài sách chép lịch sử Hội Thánh tưởng rằng không có đủ chứng cớ tỏ ra Phi-e-rơ từng đến La-mã. Tuy nhiên, hầu hết đồng ý rằng khoảng năm cuối cùng của đời ông, Phi-e-rơ thật đã đi đến La-mã, hoặc do Hoàng đế Néron truyền lịnh giải ông, hoặc tự ý ông tới để giúp cho tín đồ đứng vững trong cơn bắt bớ ác liệt, khủng khiếp của Néron, và tại đó ông đã tuận đạo.
Theo truyền thoại "Quo Vadis" (Chúa đi đâu?), thì Phi-e-rơ nghe theo lời bạn hữu khuyên hãy tự cứu lấy mình, bèn chạy trốn khỏi thành La-mã; giữa đêm tối, trên đường Appienne, trong sự hiện thấy, ông gặp Ðức Chúa Jêsus và hỏi Ngài rằng: "Lạy Chúa, Chúa đi đâu?" Ðức Chúa Jêsus đáp: "Ta đi đến thành La-mã để chịu đóng đinh vào Thập tự giá một lần nữa." Hoàn toàn hổ thẹn và nhục nhã, Phi-e-rơ bèn trở lại kinh thành, chịu đóng đinh vào Thập tự giá, đầu chúc xuống đất, vì nhận mình không xứng đáng chịu đóng đinh như Chúa. Ấy chỉ là một truyền thoại, và chúng ta không biết trong đó có thể chứa bao nhiêu thực sự lịch sử.
Cũng theo truyền thoại, vợ Phi-e-rơ tên là Concordia hoặc Perpetua, cũng đã tuận đạo. Phi-e-rơ khuyến khích bà hãy mạnh dạn; ông nói rằng: "Hỡi vợ yêu dấu, hãy nhớ đến Chúa."
Thơ tín nầy gởi cho ai? Cho Hội Thánh ở 5 tỉnh thuộc Tiểu-Á-tế-á, là Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si, và Bi-thi-ni (xem bản đồ số 55 ở dưới Công vụ các sứ đồ, đoạn 13); các chi hội nầy đã do Phao-lô sáng lập. Dầu Kinh Thánh không chép, nhưng chúng tôi đoán rằng Phi-e-rơ đã có lần ghé thăm các chi hội nầy. Phao-lô cũng mới gởi các thơ Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Cô-lô-se cho một số chi hội ấy. Thơ I Phi-e-rơ có mấy điểm giống hệt thơ Ê-phê-sô. Về sau, Sứ đồ Giăng cũng gởi sách Khải Huyền cho các chi hội ở Tiểu-Á-tế-á đó.
"Những người kiều ngụ rải rác..., là những người được chọn" (1:1), dường như chỉ về các tín đồ gốc Do-thái bị tan lạc. Song đoạn 2:10 tỏ ra họ phần đông là dân ngoại. Danh từ "Kiều ngụ rải rác" lấy ở Cựu Ước, khi luận về dân Do-thái phải làm phu tù và tan lạc ở ngoại bang, thì đây áp dụng cho tín đồ Ðấng Christ, là khách bộ hành trên mặt đất, xa Nhà, chịu đau đớn, đang tiến về Quê hương Thiên thượng và mong mỏi tới đó (2:11). Thơ tín nầy tỏa ra hương thơm của Thiên đàng.
Viết ở đâu? "Ba-by-lôn" (5:13). Có người cho đó là thành Ba-by-lôn thật, ở trên sông Ơ-phơ-rát. Có người lại cho đó là kinh thành La-mã, gọi bóng là Ba-by-lôn. Trong sách Khải Huyền, đoạn 17, La-mã được gọi là Ba-by-lôn. Ðương thời bắt bớ đó, vì thận trọng, các tín đồ phải dè dặt khi nói đến chánh quyền và phải đặt cho nó một tên mà riêng họ hiểu với nhau, chớ người ngoài không hiểu được. Lúc nầy, Mác ở với Phi-e-rơ (5:13), và do II Ti-mô-thê 4:11, chúng tôi đoán rằng chắc Mác ở thành La-mã vào khoảng Phi-e-rơ viết thơ tín nầy.
Cơ hội viết thơ tín nầy. Néron bắt bớ tín đồ Ðấng Christ ở trong và ở quanh thành La-mã rất kịch liệt, song cơn bắt bớ nầy không lan khắp đế quốc. Tuy nhiên, gương của Hoàng đế Néron đã khuyến khích kẻ thù tín đồ Ðấng Christ ở khắp mọi nơi lợi dụng duyên cớ nhỏ mọn nhứt để bắt bớ họ. Thật là một thời kỳ thử thách nặng nề (xem lời chú giải ở dưới thơ II Ti-mô-thê). Lúc nầy Hội Thánh đã được chừng 35 tuổi, và đã chịu bắt bớ ở nhiều địa phương. Nhưng đế quốc La-mã bấy lâu vẫn thờ ơ và trong một vài trường hợp còn thân thiện là khác, bây giờ cáo Hội Thánh một trọng tội kinh khiếp và quyết ra tay trừng trị. Hội Thánh phải trải qua cơn thử thách đầu tiên "ở rải khắp thế gian" (5:9). Dường như đã đến ngày tận thế. Thật là một "lò lửa thử thách" (4:12). Ðêm nào cũng có tín đồ bị thiêu đốt trong các ngự uyển của Néron. Tưởng chừng "ma quỉ, như sư tử rống" (5:8) gần xé nuốt Hội Thánh.
Người ta cho rằng có lẽ Phi-e-rơ viết thơ nầy ngay sau khi Phao-lô tuận đạo và giao cho Si-la (5:12), một người giúp việc Phao-lô, cầm đến những chi hội mà Phao-lô đã sáng lập, để khuyến khích họ đứng vững trong sự đau đớn. Chính Si-la cũng đem tin Phao-lô tuận đạo tới các chi hội mà Phao-lô đã sáng lập. Như vậy, thơ tín nầy sanh ra trong một bầu không khí đau thương, trước khi Phi-e-rơ tuận đạo ít lâu, để khuyên bảo tín đồ chớ cho việc mình chịu đau đớn là kỳ lạ, và để nhắc nhở họ rằng Ðấng Christ đã làm xong công việc bởi chịu thương khó.
Ðoạn 1 -- Cơ Nghiệp Không Hư Ði Của Tín Ðồ
Những cơn thử thách (câu 6-11) và sự vinh hiển đời đời. Sự thử thách quí hơn vàng (câu 7), vì ta cần được nó tẩy sạch khỏi cáu cặn trần gian và vì đến cuối cùng, nó cho ta được vui mừng bội phần hơn. Nhiều lần sự đau đớn và sự vinh hiển đi đôi với nhau: Thử thách và vinh hiển (câu 7); sự đau đớn của Ðấng Christ và sự vinh hiển theo sau (câu 11); những kẻ có phần trong sự thương khó của Ðấng Christ sẽ được vui mừng nhảy nhót khi ngày vinh hiển của Ngài hiện ra (4:13); Phi-e-rơ là người chứng kiến sự đau đớn của Ðấng Christ, sẽ dự phần vinh hiển của Ngài (5:1); sau khi tạm chịu khổ, anh em sẽ được vinh hiển đời đời (5:10). Ðó cũng là sự yên ủi của Phao-lô (II Cô-rinh-tô 4:17), tức là sự vinh hiển đời đời theo sau hoạn nạn.
* * *
I Phi-e-rơ 2
Ðoạn 2, 3 -- Hành Trình Của Tín Ðồ Trải Qua Trần Thế
Một dân được lựa chọn (2:9-11) ở giữa cõi đời thù nghịch, được kêu gọi ra khỏi thế gian để cầm bó đuốc thiên thượng. Trong mọi mối liên quan trần thế, chớ có quên mình là ai.
Thái độ đối với chánh quyền (2:13-17). Hãy hết sức làm một công dân hoặc thần dân tốt của chánh phủ trần gian đang cai trị mình, ngõ hầu gia tăng tiếng tốt cho đạo mình, mặc dầu chánh phủ ấy do Néron cầm đầu.
Những tín đồ đang làm tôi mọi (câu 18-25). Trong Hội Thánh của thế kỷ thứ nhứt có rất nhiều tôi mọi. Phi-e-rơ khuyên bảo họ hãy trung tín, lương thiện và phục tòng ngay cả với bọn chủ tàn ác, vì cớ họ đã tự xưng là tín đồ Ðấng Christ. Hãy xem thêm ở Ê-phê-sô 6:5-9; Cô-lô-se 3:22-25; Tít 2:9-14.
Những người vợ tín đồ (3:1-6). "Gọi người là chúa mình" (câu 6) -- chắc không nên giải thích đó là làm tôi mọi hèn hạ cho chồng; trái lại, đó là sự tận tụy vô kỷ để được chồng kính phục, quí mến và để (nếu chồng chưa tin Chúa) dẫn chồng về tin Ðấng Christ bởi sự khéo léo, kính ái của mình. Xem thêm Ê-phê-sô 5:22-33; Cô-lô-se 3:18; Tít 2:3-5. Chúng tôi không cho rằng câu 3-4 cấm đờn bà trang điểm cho thêm phần diễm lệ, nhưng chúng tôi hiểu đó là cảnh cáo chớ trang điểm quá mức, và phải nhớ rằng duyên sắc chừng nào cũng không thể thay thế nhân cách khả ái trong Ðấng Christ.
Những người chồng tín đồ (câu 7). Tham khảo Ê-phê-sô 5:25-33. Dịu dàng đối với phái yếu mới là đáng mặt trượng phu. Ý định của Ðức Chúa Trời là vợ chồng phải thương mến lẫn nhau, người nầy ân cần đối với người kia. Nếu người nầy có tánh khí bần tiện hoặc môi miệng tục tằn, thì người kia sẽ khó ân cần lắm. "Hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em" (câu 7). Không gì dập tắt ngọn lửa cầu nguyện cho bằng sự xích mích giữa vợ chồng.
Ðấng Christ rao giảng cho các linh hồn bị cầm tù (câu 18-22). Mấy câu nầy dường như tỏ ra rằng giữa khoảng Ngài chết và sống lại, Ðức Chúa Jêsus đã thân hành đi giảng cho linh hồn những kẻ không vâng phục trong thời Nô-ê đang bị cầm tù. Kẻ khác lại cho rằng trước khi thành nhục thể, Thần linh của Ðấng Christ đã ở trong Nô-ê mà rao giảng cho loài người sống trước nạn nước lụt. Kẻ khác lại cho rằng "linh hồn"(1) đây không phải là của người, mà là của các thiên sứ gian ác, và sự rao giảng nầy không cốt để cứu rỗi họ, song để tuyên bố sự đắc thắng của Thập tự giá trước mặt họ; còn "kẻ chết" (4:6) không phải là người sống trước nạn nước lụt, mà là bạn hữu đã qua đời của những người nhận thơ tín nầy và đã nghe giảng Tin Lành lúc còn sống.
Ðoạn 4, 5 -- Lò Lửa Thử Thách
Hãy sẵn sàng chịu đau đớn (4:1-6). Ðương thời ấy có sự bắt bớ. Thơ tín nầy đặc biệt khuyên bảo tín đồ hãy sẵn sàng chịu cơn bắt bớ. Song đây cũng có sự yên ủi cho những tín đồ sống ở thời bình; vì rất ít người trải bước đường đời mà lại không qua nhiều nỗi đau đớn thuộc loại nầy hay loại khác, như bịnh hoạn, giày vò trong trí óc, đau lòng. Trong thiên cơ của Ðức Chúa Trời có một đường lối lạ lùng, ấy là nhiều kẻ phải chịu sự đau đớn mà mình không muốn chịu, và trên đời không được chính cái điều hầu hết mọi người muốn được. Những người ở trong tình cảnh ấy có thể tự yên ủi rất thích đáng bởi tin quyết rằng Ðức Chúa Trời mài giũa hết sức vì Ngài hy vọng viên kim cương hoàn thành sẽ hết sức sáng láng, đẹp đẽ. Càng chịu đau đớn trong xác thịt ở thế gian nầy, thì càng được vinh hiển trong cõi đời đời.
Lòng yêu thương anh em (câu 7-11). Nó che đậy nhiều tội lỗi (câu 8). Kỳ diệu thay, lời Phi-e-rơ khuyên hãy có lòng yêu thương dịu dàng, sốt sắng (1:22; 3:8, 13)! Hỡi các anh em cùng chung hy vọng vinh hiển, hãy làm anh em ruột thịt với nhau trong sự đau đớn.
Lò lửa thử thách (câu 12-19). Sự bắt bớ của Néron là công việc trực tiếp của ma quỉ (5:8). Tuy nhiên, theo thiên cơ mầu nhiệm của Ðức Chúa Trời, nó sẽ trở thành hạnh phước cho Hội Thánh, và là một sự thử thách quí hơn vàng (1:7). Từ đó đến nay, còn có nhiều cơn bắt bớ khác, phần nhiều tàn bạo và lan rộng hơn cơn bắt bớ của Néron, làm cho bao nhiêu triệu tín đồ Ðấng Christ phải chịu đủ thứ tra khảo, cực hình có thể tưởng tượng. Khi nghĩ đến tình trạng ấy, chúng ta đáng phải hổ thẹn vì hay băn khoăn mỗi khi gặp những sự bối rối nhỏ nhặt.
Sự khiêm nhường của Phi-e-rơ (5:1-7). Ông khác hẳn cả đoàn phẩm chức Giáo hội tự xưng là "kẻ kế vị Phi-e-rơ," song lại làm trái hẳn lời ông khuyên bảo. Dục vọng duy nhứt ung đốt họ là được làm "chúa của bầy chiên Ðức Chúa Trời."
Si-la (câu 12), cũng chính là Sin-vanh. Ông đem thơ tín nầy. Có lẽ ông đã viết giúp, như trong trường hợp một vài thơ tín của Phao-lô (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1).
Ba-by-lôn (câu 13). Xin xem lời chú giải giới thiệu thơ tín nầy cho biết có phải là thành La-mã, hay thật là thành Ba-by-lôn. Chính Ba-by-lôn là nơi các bác sĩ đã ra đi tìm Ðức Chúa Jêsus mới giáng sanh. Có nhiều người Do-thái ở đó. Chắc một vài Sứ đồ đã đi về hướng đó.
Mác (câu 13) ở với Phi-e-rơ lúc nầy. Người ta cho rằng ông đã nhờ Phi-e-rơ hướng dẫn mà viết sách Tin Lành (Mác). Mác đã ở La-mã khi Phao-lô bị tù lần thứ nhứt (Cô-lô-se 4:10), và có lẽ lắm ông cũng ở đó khi Phao-lô bị tù lần thứ hai (II Ti-mô-thê 4:11).