I Tê-sa-lô-ni-ca


Chúa tái lâm

Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca được sáng lập khoảng năm 51 S.C., trong hành trình truyền giáo thứ hai của Phao-lô, sau khi ông từ giã thành Phi-líp (Công vụ các sứ đồ 17:1-9).
Căn cứ vào Công vụ các sứ đồ 17:2, thì dường như Phao-lô chỉ ở đó 3 tuần lễ. Nhưng các thơ Phi-líp 4:16; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:9 và II Tê-sa-lô-ni-ca 3:8 ngụ ý rằng ông đã ở đó lâu hơn. Có lẽ ông đã giảng trong nhà hội 3 ngày Sa-bát, rồi sau giảng ở một chỗ nào khác nữa. Nhưng chắc ông không ở đủ thì giờ để dạy dỗ Hội Thánh cặn kẽ.
Bị đuổi khỏi Tê-sa-lô-ni-ca, ông đi tới Bê-rê, cách xa chừng 50 dặm về phía Tây. Chẳng bao lâu, ông lại bị đuổi khỏi Bê-rê, nhưng để Si-la và Ti-mô-thê ở đó. Khi một mình tới A-thên, cách 200 dặm về phía Nam, thì ông gởi lời về Bê-rê, bảo Si-la và Ti-mô-thê đến với mình hết sức mau chóng (Công vụ các sứ đồ 17:14, 15). Khi họ tới A-thên, thì Phao-lô quá lo lắng cho Hội Thánh trẻ trung ở Tê-sa-lô-ni-ca, nên lập tức sai Ti-mô-thê trở lại đó. Vào khoảng Ti-mô-thê trở về, thì Phao-lô đã từ A-thên đi Cô-rinh-tô. Ti-mô-thê đem tin rằng các tín đồ Tê-sa-lô-ni-ca đã anh dũng chịu cơn bắt bớ; song một số đã chết, còn một số bối rối, muốn biết những người đã chết kia sẽ được hưởng phước gì khi Chúa tái lâm; vả, rõ ràng lắm, Phao-lô đã đặc biệt nhấn mạnh vào giáo lý ấy tại Tê-sa-lô-ni-ca.
Vậy, mấy tháng sau khi sáng lập Hội Thánh đó, Phao-lô viết bức thơ nầy, cốt để bảo họ rằng những kẻ đã chết không bị thiệt thòi gì khi Chúa đến.
Thành Tê-sa-lô-ni-ca. Ngày nay là "Salonique." Ở góc Tây bắc của biển Égée, trông ra một hải cảng đẹp đẽ, giữa một đồng bằng phì nhiêu và có nhiều dòng nước, trên đại lộ chiến lược ở phía Bắc, từ La-mã đến Ðông phương. Ðứng trên núi Olympe, nơi phát tích của các "thần "Hi-lạp, ta nhìn thấy thành Tê-sa-lô-ni-ca. Ðây là một đô thị trọng yếu của xứ Ma-xê-đoan đương thời Phao-lô. Một đô thị Hi-lạp tự do, cai trị bởi các quan quyền riêng của họ. Ngày nay còn là một đô thị thạnh vượng.
Công việc của Phao-lô tại Tê-sa-lô-ni-ca. Dầu chỉ ở đó ít lâu, Phao-lô đã gây được một sự xúc động lớn lao. Kẻ thù tố cáo ông "đã gây thiện hạ nên loạn lạc" (Công vụ các sứ đồ 17:6). "Có rất nhiều người Hi-lạp.... và mấy người đờn bà sang trọng" tin Chúa (Công vụ các sứ đồ 17:4). Sự thành công của chức vụ ông đã được rao báo khắp xứ Hi-lạp (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:8, 9).

Ðoạn 1 -- Tiếng Tăm Của Hội Thánh Nầy
"Bằng quyền phép" (câu 5). Mấy chữ nầy chắc chỉ về những phép lạ cặp theo và chứng minh cho sự giảng dạy của Phao-lô tại đó, mặc dầu sách Công vụ các sứ đồ không ghi chép một phép lạ nào trong số ấy. "Gương tốt" (câu 7) cho cả xứ Hi-lạp về sự cương dũng trong cơn bắt bớ và về cách sinh hoạt thật tỏ ra Ðấng Christ. "Chờ đợi Con Ngài" (câu 10). Phao-lô chấm dứt mỗi đoạn bằng một lời nói đến sự tái lâm của Chúa như vậy đó (2:19; 3:13; 4:16-18; 5:23).

Ðoạn 2 -- Hành Vi Của Phao-lô ở Giữa Họ
Ðoạn nầy cốt để Phao-lô binh vực hành vi của ông tại Tê-sa-lô-ni-ca. Lời lẽ ở đây hơi cho ta có cảm tưởng rằng những kẻ thù nghịch đang kịch liệt bắt bớ các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca cũng hăng hái mở chiến dịch để "bôi lọ" tâm tánh của Phao-lô.
Ông nhắc nhở anh em tín đồ rằng ông chẳng lãnh lương bổng nơi họ chi hết; đó là bằng cớ tỏ ra không phải cớ tích tham tiền đã thúc đẩy ông làm việc, như bọn triết học lưu hành vẫn bị thúc đẩy.
Ông cũng nhắc nhở họ rằng ông đã tận tụy với họ một cách vô kỷ và từ ái, rằng về mọi phương diện, ông đã treo gương cho họ, làm sáng tỏ những điều mình giảng dạy.
Họ chịu khổ (câu 13-16). Dường như các người Do-thái không tin Chúa và "mấy đứa hoang đàng nơi đường phố" (Công vụ các sứ đồ 17:5) đã đuổi Phao-lô ra khỏi Tê-sa-lô-ni-ca, vẫn còn hung hăng, ác liệt trút cơn thạnh nộ của chúng vào Gia-sôn và các tín đồ khác ở đó. Phao-lô cố yên ủi họ bằng cách nhắc nhở họ rằng các Mẫu hội ở xứ Giu-đê cũng đã bị bắt bớ như vậy. Ðấng Christ cũng đã chịu bắt bớ như vậy. Chính ông cũng đã chịu bắt bớ như vậy. Song những kẻ giết Chúa và bắt bớ Hội Thánh sẽ bị "cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời" (câu 16). Không có hy vọng cho chúng ăn năn, và không có lối cho chúng thoát khỏi hình phạt: Thành Giê-ru-sa-lem sắp bị hủy phá, và trong Ngày Ðoán xét, chúng sẽ bị hình phạt đời đời.
Phao-lô toan định trở lại thành Tê-sa-lô-ni-ca (câu 17-20). "Ðã hai lần" (câu 18) ông cố gắng trở lại Tê-sa-lô-ni-ca, nhưng "quỉ Sa-tan đã ngăn trở" ông. Lúc khởi đầu hành trình truyền giáo nầy, Phao-lô đã có mấy kế hoạch, nhưng Ðức Thánh Linh ngăn trở ông (Công vụ các sứ đồ 16:6, 7). Khi ấy, Ðức Chúa Trời can thiệp vào các kế hoạch của ông. Bây giờ là quỉ Sa-tan. Chúng ta tự hỏi Phao-lô làm thể nào mà biết trong trường hợp kia là Ðức Chúa Trời, còn trong trường hợp nầy là quỉ Sa-tan? Quỉ Sa-tan ngăn trở ông cách nào? Có lẽ là bởi bịnh tật, hoặc bởi sự chống đối của chánh quyền. Dầu sao, Phao-lô cũng biết rằng kẻ thù số một của Hội Thánh đã ngăn trở không cho ông đến cùng anh em yêu dấu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Ông vẫn còn cầu nguyện "đêm ngày" (3:10-11) để có thể trở lại. Ông cảm thấy trong ngày Chúa tái lâm, một ngôi sao sáng chói nhứt trên mũ triều thiên của ông sẽ là Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca: Họ là "sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển" của ông (câu 19-20).

Ðoạn 3 -- Phúc Trình Của Ti-mô-thê
Phao-lô hết sức lo lắng cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca còn non nớt, nên đã sai Ti-mô-thê trở lại để khuyến khích họ trong cơn bắt bớ dữ dội (xem lời chú giải mở đường cho thơ nầy và Công vụ các sứ đồ 17:15; 18:1, 5; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:1, 2, 6). Và Phao-lô vui mừng khôn xiết vì Ti-mô-thê trở về, đem tin rằng anh em vẫn vững vàng và sốt sắng.
* * *
I Tê-sa-lô-ni-ca 2
Ðoạn 4 -- Hành Trình Vô Luân Lý,
Lòng Yêu Thương Anh Em, Sự Tái Lâm Của Chúa
Hành vi vô luân lý (câu 1-8) rất thông thường giữa vòng các dân thờ lạy hình tượng. Có lẽ khi phúc trình về tình trạng vững vàng chung của anh em tín đồ Tê-sa-lô-ni-ca, Ti-mô-thê đã nói đến một vài trường hợp đạo đức lỏng lơi, nên mới có lời khuyên bảo nầy. Chữ "nên thánh" (câu 3) dùng ở đây, có nghĩa là thanh sạch về nhục dục. Có người cho chữ "thân" (câu 4) có nghĩa là "vợ," tức là phải trung tín với lời hứa nguyện lúc thành hôn, hoặc mỗi người phải ở với vợ mình để tránh sự vô luân lý. "Làm hại anh em" (câu 6) nghĩa là xâm phạm quyền lợi của gia đình người khác, có lẽ một số người đã mắc tội nầy.
Lòng yêu thương anh em (câu 9-12). Dường như những người giàu có (không phải là ít -- Công vụ các sứ đồ 17:4) coi trọng giáo lý Tin Lành về sự từ thiện, nên đã phân phát tiền của cho các anh em nghèo khó ở khắp mọi chi hội thuộc xứ Ma-xê-đoan. Ðó là cơ hội tốt cho những kẻ có tánh biếng nhác, và họ đã triệt để lợi dụng lòng từ thiện kia. Phao-lô ngợi khen người từ thiện thể nào, thì cũng quở trách kẻ biếng nhác thể ấy. Muốn sống bám vào kẻ lân cận, thì trái với mọi nguyên tắc bác ái. Là những người hành khất có thân thể cường tráng, họ sung sướng vì kẻ khác thực hành lòng bác ái, còn chính mình họ thì biểu thị yếu tố của sự ái kỷ. Ðó là gương xấu cho những người còn ở ngoài Hội Thánh.
Sự tái lâm của Chúa (câu 13-18). Ðây, chúng ta tới đề mục chánh yếu của thơ tín nầy. Ðoạn nào cũng nói đến sự tái lâm của Chúa, thì ngụ ý rằng Phao-lô đã đặc biệt nhấn mạnh vào đó trong khi giảng dạy ở thành Tê-sa-lô-ni-ca.
Dầu sự tái lâm của Ðấng Christ thường được gọi là "Chúa đến" hoặc Chúa "hiện ra," nhưng ở thơ Hê-bơ-rơ 9:28, thì đặc biệt gọi là "Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai." Chữ "trở lại" của Ðức Chúa Jêsus dùng ở sách Giăng 14:3 có nghĩa là lần thứ hai. Vậy, ta nói là Chúa "tái lâm," thì hoàn toàn thích đáng và đúng với Kinh Thánh.
Hầu hết các sách Tân Ước có nói đến sự tái lâm của Chúa. Những đoạn giải thích sự tái lâm của Chúa đầy đủ hơn hết là: Ma-thi-ơ 24, 25; Lu-ca 21; I Tê-sa-lô-ni-ca 4, 5; II Phi-e-rơ 3.
Hai thơ Tê-sa-lô-ni-ca thường được coi là những sách Tân Ước viết sớm hơn hết. Hai thơ nầy luận về Chúa tái lâm. Sách sau cùng của Tân Ước là Khải Huyền, và lời sau chót của sách ấy là: "Phải, Ta đến mau chóng. -- A-men, lạy Ðức Chúa Jêsus, xin hãy đến! (Khải Huyền 22:20). Như vậy, Tân Ước bắt đầu ở sự tái lâm của Chúa, và cũng chấm dứt ở sự tái lâm của Chúa.
"Ngủ" (câu 14) là một danh từ Kinh Thánh dùng để chỉ về sự chết của tín đồ Ðấng Christ (Ma-thi-ơ 27:52; Giăng 11:11; Công vụ các sứ đồ 7:60; 13:36; I Cô-rinh-tô 15:6, 18, 20, 51; II Phi-e-rơ 3:4). Danh từ nầy thường thấy trên mộ chí của tín đồ Ðấng Christ trong các hầm mả. Ðức Chúa Jêsus đã dạy như vậy, và chắc thật là như vậy. Chỉ ngủ mà thôi. Một ngày kia, chúng ta sẽ thức dậy. Buổi sáng vinh hiển thay! Ấy không có nghĩa là chúng ta ở trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh cho đến ngày sống lại đâu. Có một tình trạng hạnh phước tự cảm biết ở giữa sự chết và sự sống lại của tín đồ (Phi-líp 1:23). "Sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn, cùng tiếng kèn của Ðức Chúa Trời" (câu 16). Ðây giống như lời Ðức Chúa Jêsus đã phán (Ma-thi-ơ 24:30-31). Có thể thật phát ra những tiếng như vậy. "Ðám mây" (câu 17) sẽ là xa giá khải hoàn của Ngài. Ngài ngự lên trời trong "đám mây" (Công vụ các sứ đồ 1:9), và cũng sẽ trở lại như vậy (Khải Huyền 1:7). Các thiên sứ sẽ theo hầu Ngài, với tất cả vinh hiển của Thiên đàng (Ma-thi-ơ 25:31). Thánh đồ của bao nhiêu đời trước sẽ sống lại, còn những thánh đồ đang ở trong xác thịt sẽ được biến hóa. Như Hê-nóc và Ê-li đã được cất lên, toàn thể Hội Thánh cũng sẽ được cất lên để hoan nghinh Cứu Chúa tái lâm và để ở với Ngài đời đời. Nghĩ đến quang cảnh ấy, toàn thân chúng ta rung động hớn hở!

Ðoạn 5 -- Sự Tái Lâm Của Chúa
Thình lình (câu 1-11). Ðây không có gì tỏ ra Chúa sẽ tái lâm lúc nào. Chỉ nói rằng lúc Chúa đến, thì đến rất thình lình, chẳng ai ngờ. Các "điềm lạ" sẽ có trước khi Chúa tái lâm, ngõ hầu trong khi thế gian chế nhạo ý tưởng ấy, thì các tín đồ kiên nhẫn cảm thấy đã gần rồi. Song cả đến những kẻ tỉnh thức trông đợi cũng được cảnh cáo, e rằng biến cố nầy xảy đến cho họ bất ngờ. Ấy sẽ "như kẻ trộm trong ban đêm" (câu 2). Ðức Chúa Jêsus đã nhiều lần phán như vậy (Ma-thi-ơ 24:36, 42; 25:13; Mác 13:32-37; Lu-ca 12:39, 46; 21:25-35). Một cách long trọng và nhiệt thành, Ngài cảnh cáo các môn đồ hãy "thức canh." Về lới chú giải thì giờ Chúa tái lâm, xin xem ở dưới II Tê-sa-lô-ni-ca 2 và II Phi-e-rơ 3.
Hãy tôn trọng các Mục sư (câu 12-13). Vì đây là một Hội Thánh rất non nớt, nên phần đông các Mục sư chắc chưa thành thạo. Nhưng Phao-lô khuyên giục tín đồ hãy yêu mến và quí chuộng họ. Khi các giáo hữu yêu mến Mục sư, ăn ở hòa thuận với nhau, và mọi sự khác quân bình, thì Hội Thánh chắc sẽ lớn lên.
15 lời khuyên bảo (câu 14-22). Ðẹp đẽ thay! Ðó là những đặc điểm của Phao-lô. Trong hầu hết các thơ tín, dầu là trừu tượng, lý luận hoặc khó hiểu tới mực nào, ông cũng kết luận theo cách đó, tức là khuyên hãy bình an, nhẫn nại, vui vẻ, cầu nguyện, cảm tạ Chúa và làm mọi việc lành.
"Tâm thần, linh hồn và thân thể" (câu 23). "Tâm thần" và "linh hồn" thường dùng cùng một nghĩa, song ở đây dường như có phân biệt. "Linh hồn" là yếu tố sự sống, còn "Tâm thần" là cơ quan thông công với Ðức Chúa Trời. Ðấng Christ cứu chuộc cả cá tánh loài người. Lời lẽ dùng đây chắc dự liệu sự sống lại của thân thể.
"Cái hôn thánh" (câu 26). Trong nhiều nước thuở xưa, người cùng một giống thường chào nhau bằng cách hôn trên má. Nó trở thành một tục lệ trong Hội Thánh. Hội Thánh không dùng cái hôn nữa từ khi nó không còn dùng để chào nhau.
"Hãy đọc thơ nầy cho hết thảy anh em đều nghe" (câu 27). Lời nầy tỏ ra rằng Phao-lô định cho các thơ tín của mình được đọc giữa các chi hội. Các sách Tân Ước đã viết ra vì mục đích đó (Cô-lô-se 4:16; I Ti-mô-thê 4:13; Khải Huyền 1:3).


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.