Sự chăm lo Hội Thánh tại Ê-phê-sô
Các thơ tín Giám mục. I, II Ti-mô-thê và Tít thường được gọi là "Thơ tín Giám mục." Ý kiến được nhiều người chấp thuận là các thơ tín nầy viết giữa lúc Phao-lô bị cầm tù lần thứ nhứt và lần thứ hai, giữa năm 64 và năm 67 S.C.. Một vài nhà phê bình duy lý thời nay đã nêu lên lý thuyết rằng những thơ tín nầy là tác phẩm của một trứ giả vô danh: Khoảng 3, 4 chục năm sau khi Phao-lô qua đời, ông nầy đã lấy tên Phao-lô mà viết sánh để tuyên truyền một vài giáo lý. Ý kiến nầy không căn cứ vào lịch sử. Ngay từ lúc đầu, những thơ tín nầy đã được coi là tác phẩm chân chánh của Phao-lô. Hơn nữa, lý thuyết kia phi lý. Thí dụ, ngày nay tôi viết một bức thơ, ghi niên hiệu 50 năm trước, ký tên D.L.Moody, rồi gởi cho một người bạn đương thời với ông, thì tôi có thể khiến ai tin là Moody đã viết thơ ấy chăng?. Hơn nữa, dầu các nhà phê bình lớn tiếng nhấn mạnh rằng một hành động như vậy chẳng có gì trái luân lý cả, song đối với trí óc trung bình, thì hành động ấy chỉ là việc giả mạo thông thường. Nếu các thơ tín nầy không phải là tác phẩm chân chánh của Phao-lô, mà là tác phẩm giả mạo của một người giả mạo làm Phao-lô, thì xin hỏi: Một người có ý thức lương thiện có thể coi nó là một phần của lời Ðức Chúa Trời chăng?
Ti-mô-thê. Ông là người thành Lít-trơ (Công vụ các sứ đồ 16:1). Mẹ là người Do- thái, cha là người Hi-lạp; tên mẹ là Ơ-nít, tên bà nội là Lô-ít (II Ti-mô-thê 1:5). Ông do Phao-lô dắt về tin Chúa (I Ti-mô-thê 1:2). Theo Phao-lô trong hành trình truyền giáo thứ hai, khoảng năm 51 S.C.. (Công vụ các sứ đồ 16:3). Sự lựa chọn ông được tỏ ra là do ý Ðức Chúa Trời (I Ti-mô-thê 1:18). Ðược biệt riêng bởi các trưởng lão và Phao-lô (I Ti-mô-thê 4:14; II Ti-mô-thê 1:6). Ði theo Phao-lô đến Trô-ách, Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, Bê-rê. Ở lại Bê-rê cho đến khi Phao-lô sai người đi bảo ông tới A-thên (Công vụ các sứ đồ 17:14-15). Rồi Phao-lô sai ông trở về Tê-sa-lô-ni-ca (ITê-sa-lô- ni-ca 3:1-2). Vào khoảng thì giờ ông quay lại, thì Phao-lô đã đi Cô-rinh-tô (Công vụ các sứ đồ 18:5, I Tê-sa-lô-ni-ca 3:6). Ðứng chung tên viết hai thơ Tê-sa-lô-ni-ca (ITê- sa-lô-ni-ca 1:1; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1). Về sau Phao-lô sai ông từ Ê-phê-sô đi Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 4:17). Phao-lô gặp ông tại xứ Ma-xê-đoan, và ông đã đứng chung tên viết thơ II Cô-rinh-tô (Công vụ các sứ đồ 19:22; II Cô-rinh-tô 1:1). Ði một phần đường với Phao-lô trong hành trình đến Giê-ru-sa-lem (Công vụ các sứ đồ 20:4). Kinh Thánh không chép ông có đi theo Phao-lô trọn đường đến Giê-ru-sa-lem và La-mã hay chăng, nhưng ông xuất hiện với Phao-lô tại La-mã (Phi-líp 1:1; 2:19-22; Cô-lô-se 1:1; Phi-lê-môn 1). về sau ông ở Ê-phê-sô, tại đó ông nhận được thơ tín nầy Phao-lô hối ông kíp đến thành La-mã (II Ti-mô-thê 4:9). Ta không biết ông có tới La-mã trước khi Phao-lô chết vì Danh Chúa chăng? Thơ Hê-bơ-rơ 13:23 chép rằng ông đã được phóng thích khỏi khám. Thiên tánh ông nhút nhát và thích ẩn dật, không có tài bằng Tít để đối phó với những kẻ gây rối loạn. Không được khỏe mạnh lắm (I Ti-mô-thê 5:23). Ông và Lu-ca là hai người đồng bạn trung thành hơn hết của Phao-lô. Phao-lô yêu quí ông tha thiết, và không có ông, thì Phao-lô tự thấy cô đơn. Theo truyền thoại, thì sau khi Phao-lô qua đời, Ti-mô-thê cứ chăn dắt Hội Thánh tại Ê-phê-sô, và ông đã tuận đạo dưới đời trị vì của Nerva hoặcDomitien. Như vậy, ông là bạn đồng sự của Sứ đồ Giăng.
Thành Ê-phê-sô. Ðây là nơi Phao-lô đã làm công việc lớn lao hơn hết khoảng năm 54-57 S.C.. (Công vụ các sứ đồ, đoạn 19). Chừng 4 năm, sau khi dời khỏi Ê-phê-sô và đang khi bị cầm tù tại thành La-mã, ông đã viết thơ tín cho Hội Thánh Ê-phê-sô, khoảng năm 62 S.C.. Sau đó ít lâu, khoảng năm 65 S.C., ông gởi thơ tín nầy cho Ti-mô-thê về công việc Chúa tại Ê-phê-sô. Sau nữa, Ê-phê-sô là nơi ở của Sứ đồ Giăng, tại đây, ông đã viết sách Tin Lành, các thơ tín và sách Khải Huyền.
Cơ hội viết thơ tín. Khi Phao-lô từ giã các trưởng lão tại Ê-phê-sô, thì ông bảo họ rằng họ sẽ chẳng thấy mặt ông nữa (Công vụ các sứ đồ 20:25). Nhưng dường như sự ở tù lâu ngày đã thay đổi chương trình của ông, và chừng 6 hoặc 7 năm sau, vừa khi được ra khỏi khám tù La-mã, ông thật đã ghé thăm Ê-phê-sô. Ông cứ đi tới xứ Ma-xê-đoan và để Ti-mô-thê ở Ê-phê-sô, mong rằng chẳng bao lâu chính mình ông sẽ trở lại (I Ti-mô-thê 1:3; 3:14). Ông phải ở xứ Ma-xê-đoan lâu hơn đã dự định (3:15), nên viết thơ tín nầy để ban chỉ thị về công việc Ti-mô-thê phải làm.
Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Do bản tường thuật ở sách Công vụ các sứ đồ, đoạn 19, dường như Phao-lô đã dắt đem được vô số người trở về làm môn đồ Ðấng Christ. Trong những năm kế tiếp, số tín đồ vẫn gia tăng. Trong khoảng 50 năm sau, tín đồ ở Tiểu-Á-tế á thêm lên đông đúc quá, đến nỗi các miễu thờ tà thần gần như bị bỏ trống. Trong thế hệ các Sứ đồ còn sống, Ê-phê-sô đã trở thành trung tâm của đạo Ðấng Christ, vì số giáo hữu cũng như vì vị trí địa dư, và là khu vực Tin Lành được thành công mau lẹ hơn hết.
Tình hình Hội Thánh. Không có nhà thờ. Mãi 200 năm sau thời Phao-lô, người ta mới xây cất nhà thờ làm nơi tín đồ thờ phượng Chúa, song cũng không phổ thông cho tới ngày Hoàng đế Constantin chấm dứt những vụ bắt bớ tín đồ Ðấng Christ. Như vậy, hàng bao nhiêu ngàn tín đồ ở trong và ở chung quanh thành Ê-phê-sô, đã họp thành hàng mấy trăm nhóm nhỏ ở các tư gia, chớ không phải chỉ là một hoặc mấy chi hội trung ương lớn lao. Mỗi nhóm (hoặc chi hội) nầy ở dưới quyền lãnh đạo của vị Mục sư riêng.
Các Mục sư. Chắc có hàng mấy trăm Mục sư. Sách Công vụ các sứ đồ 20:17 gọi họ là "trưởng lão." Thơ tín nầy gọi họ là "Giám mục" (3:1). Ngày nay hai danh hiệu nầy chỉ về những nhiệm vụ khác hẳn. Song đương thời chép Tân Ước, chỉ là hai tên của cùng một nhiệm vụ, tương đương với chức vụ "Mục sư" bây giờ.
Công việc của Ti-mô-thê trước nhứt liên quan với các Mục sư hoặc thủ lãnh chi hội nầy. Thời ấy không có Thần đạo Học đường để cung cấp cho Phao-lô những Mục sư được huấn luyện hẳn hòi. Ông phải cất nhắc một số tín đồ lên làm Mục sư. Có khi họ là những bậc xuất sắc, nhưng có lẽ phần nhiều Mục sư của ông thuộc về giai cấp bình dân. Ông phải hết sức lợi dụng những "vật liệu" sẵn có. Không có Thần đạo Học đường, không có nhà thờ, và mặc dầu bị bắt bớ, Hội Thánh đã tấn bộ hơn bất cứ thời kỳ nào từ đó đến nay; ấy vì Hội Thánh chăm chú vào những điểm cốt yếu của đạo Tin Lành, chớ không chăm chú vào những điểm nông cạn.
* * *
I Ti-mô-thê 2
Ðoạn 1 -- Các Giáo Sư Giả
Các giáo sư giả (câu 3-11). Bảy năm, trước khi từ giã thành Ê-phê-sô, Phao-lô đã cảnh cáo rằng muông sói tàn ác sẽ kéo đến phá hại bầy chiên tại Ê-phê-sô (Công vụ các sứ đồ 20:29-30). Lúc nầy chúng đã xuất hiện, hết sức hung hăng, gây nên vấn đề khó khăn lớn lao cho Ti-mô-thê. Dường như chúng cùng một nhãn hiệu với bọn người Cơ-rết mà Tít phải đối phó. Bọn chúng dạy nhiều điều kỳ lạ. dựa vào thần thoại trong ngụy kinh Do-thái có liên quan đến các gia hệ Cựu Ước.
Phao-lô nhận mình có tội (câu 12-17). Người duy nhứt có lẽ làm việc cho Ðấng Christ nhiều hơn hết mọi người khác hiệp lại, đã cúi xuống rất thấp vì cảm thấy mình chẳng xứng đáng chi. Ta càng đồng đi với Ðấng Christ, thì càng có ý thức khiêm tốn sâu xa. Ông cho rằng Ðức Chúa Trời đã định dùng sự hối cải của ông để đời đời treo gương nhịn nhục của Ðức Chúa Trời đối với những người ngoan cố.
Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ (câu 19-20) là hai thủ lãnh trọng yếu của bọn giáo sư giả. Phao-lô đã dùng quyền chức Sứ đồ mà loại họ, không cho làm giáo hữu của Hội Thánh nữa ("đã phó cho quỉ Sa-tan rồi" -- câu 20). Có lẽ chính là A-léc-xăn-đơ nầy (I Ti-mô-thê 4:14), sau đó ít lâu, đã đến thành Rô-ma để làm chứng nghịch cùng Phao-lô, và có lẽ chính hắn trước kia là một người bạn trung thành, tận tụy của Phao-lô (Công vụ các sứ đồ 19:33).
Ðoạn 2 -- Sự Cầu Nguyện, Ðịa Vị Của Phụ Nữ
Cầu nguyện cho các bậc cầm quyền (câu 1-8). Ðương thời ấy, Néron trị vì đế quốc La-mã; dưới tay vua nầy, Phao-lô đang bị cầm tù và chẳng bao lâu sẽ bị xử tử. Ðiều nầy tỏ ra rằng cần phải cầu nguyện và cầu thay cho kẻ cầm quyền gian ác cũng như cho bậc cầm quyền nhân đức.
Ðịa vị của phụ nữ trong Hội Thánh (câu 9-15). Xem ở I Cô-rinh-tô 11:5-15; 14:34-35. Ðây Phao-lô khuyên bảo đừng phô trương trang phục quá đáng, nhứt là trong cuộc thờ phượng của tín đồ; và cũng đừng làm giống như nam giới quá. Trên thiên đàng sẽ không còn phân chia nam, nữ (Ma-thi-ơ 22:30); nhưng trong thế gian nầy, tự nhiên có sự phân biệt giữa đờn ông và đờn bà mà tốt nhứt là chúng ta chớ có vượt qua, "Nhơn đẻ con mà được cứu rỗi" (câu 15), có lẽ chỉ về sự giáng sanh của Ðức Chúa Jêsus, vì Ngài do người nữ sanh ra mà không cần môi giới của người nam. Tội lỗi vào trong thế gian bởi người nữ (câu 14), và Cứu Chúa vào trong thế gian cũng bởi người nữ.
Ðoạn 3 -- Giám Mục Và Chấp Sự
Tư cách của họ (1-16). Có lẽ cốt nêu lên làm một lý tưởng, chớ không phải để làm qui luật. "Chỉ một vợ mà thôi" (câu 2), có lẽ cốt để loại trừ kẻ đa thê, chớ không phải để loại trừ người độc thân. Chính Phao-lô là người độc thân (I Cô-rinh-tô 7:8). "Vợ các chấp sự" (câu 11) có lẽ có nghĩa là nữ chấp sự. "Trụ và nền của lẽ thật" (câu 15). Nếu chẳng nhờ Hội Thánh, thì Danh Ðấng Christ sẽ biến mất. Người ta cho rằng câu 13 là một phần của một bài thánh ca Tin Lành.
Ðoạn 4 -- Sự Bội Ðạo Hầu Ðến.
Công Việc Của Mục Sư
Sự bội đạo (câu 1-5). Khúc sách nầy dường như tỏ ra rằng Hội Thánh là cột trụ của lẽ thật, nhưng trong Hội Thánh sẽ dấy lên những thuyết sai lạc thậm tệ, do ma quỉ mà phát sanh, dạy rằng phải kiêng ăn thịt và cấm cưới gả. Ðó là một trong những hình thức của thuyết duy trí(1) đã nảy nở ngay lúc ấy, và về sau bành trướng rất mạnh. Ðó là một tà giáo ngày nay hầu như tiêu diệt, chỉ còn sót lại trong Giáo hội kia.
Một Mục sư tốt (câu 6-16). Phương pháp tốt nhứt để đánh đổ tà giáo mới chớm nở hoặc đang lan tràn là luôn luôn lặp lại lẽ thật Tin Lành giản dị: "Ðọc sách, khuyên bảo, dạy dỗ," (câu 13). Nếu được hiến cơ hội, thì chính Kinh Thánh sẽ làm công việc của nó. Phải nghiên cứu Kinh Thánh ở nơi riêng, đọc và giải thích Kinh Thánh ở nơi công cộng. Nếu các Mục sư ngày nay chú ý vào lời khuyên bảo của Phao-lô, thì Hội Thánh sẽ nhận được sự sống mới, và lớn lên rất mau lẹ. Tại sao, ôi, tại sao các Mục sư không thể hiểu rằng sự giản dị bày giải lời Ðức Chúa Trời được tín đồ ưa thích hơn và có quyền phép bội phần hơn những bài giảng gọt giũa cẩn thận song buồn tẻ của họ?
Ðoạn 5 -- Các Bà Góa, Các Trưởng Lão
Các bà góa (câu 1-16). Hội Thánh Ê-phê-sô đã được chừng 10 tuổi; công cuộc từ thiện tại đó đã phát triển mạnh mẽ và được quản lý cẩn thận. Tín đồ nào không nuôi nấng người nhà mình, thì xấu hơn kẻ chẳng tin Chúa (câu 8). Hội Thánh Ê-phê-sô phải hết sức cẩn thận về những người nữ phục vụ trong nhà thờ, vì những người nữ phục vụ trong miễu thờ thần Ði-anh vốn là bọn kỵ nữ.
Các trưởng lão (câu 17-25). Ở đoạn 3:1-7 kêu họ là "Giám mục." Ở đó mô tả tư cách của họ, còn ở đây mô tả cách đối xử với họ. Thời ấy cũng như thời nay, những kẻ láu táu và nói bá láp vẫn lăng xăng thầm thì nghịch cùng các thủ lãnh Hội Thánh (câu 19). "Uống một ít rượu" (câu 23). hãy chú ý, đây Phao-lô nói: "Một ít" và phải dùng để chữa bịnh.
Ðoạn 6 -- Kẻ Tôi Mọi Và Của Cải
Kẻ tôi mọi (câu 1-2). Tham khảo I Cô-rinh-tô 7:20-24. Làm tôi mọi hay được tự do không quan hệ bao nhiêu. nếu có thể được, hãy tự giải phóng, còn nếu không thể được, thì hãy làm một người tôi mọi tốt. Kẻ tôi mọi thường được khuyên bảo như vậy (Ê-phê-sô 6:5-9; Cô-lô-se 3:22-25; Tít 2:9-10). Ðạo Ðấng Christ đã bãi bỏ chế độ tôi mọi, không phải bởi bài bác nó, song bởi dạy giáo lý bác ái.
Lòng tham của cải (câu 3-21) là cớ tích của nhiều sự dạy dỗ sai lạc (câu 5). Trải qua các đời, giáo lý của Hội Thánh đã bị sửa cho cong vạy để kiếm lợi tức cho "tủ sắt" của Hội Thánh. "Cội rễ mọi điều ác" (câu 10). Ôi, hỡi người của Ðức Chúa Trời, hãy tránh xa sự tham tiền bạc (câu 11)! Cũng hãy xây khỏi "những lời hư không phàm tục" của "tri thức ngụy xưng là tri thức" (câu 20).