II Các-Vua


Nước bị chia hai, Ê-li-sê
130 năm sau rốt của nước phía Bắc
250 năm sau rốt của nước phía Nam
Nước Y-sơ-ra-ên bị người A-si-ri bắt làm phu tù
Nước Giu-đa bị người Ba-by-lôn bắt làm phu tù

Sách II Các vua theo liền sách I Các vua, bắt đầu khoảng 80 năm sau khi nước bị chia hai, và cứ ghi chép song song lịch sử của hai nước ước chừng 130 năm, cho tới khi nước phía Bắc suy sụp; đoạn, cứ chép thêm lịch sử của nước phía Nam 120 năm nữa, cho tới khi nước nầy cũng suy sụp. Sách nầy chép về 12 vua sau rốt của nước phía Bắc, và 16 vua sau rốt của nước phía Nam (xem dưới I Các vua 12), tổng cộng thời gian chừng 250 năm, khoảng 850-600 T.C..
Nước phía Bắc, gọi là Y-sơ-ra-ên, sụp đổ năm 721 T.C., vì tay của người A-si-ri đóng đô ở Ni-ni-ve (xem dưới đoạn 17).
Nước phía Nam, gọi là Giu-đa, sụp đổ năm 600 T.C., vì tay của người Ba-by-lôn đóng đô tại Ba-by-lôn (xem dưới đoạn 25).
Ê-li và Ê-li-sê là tiên tri của Ðức Chúa Trời sai đến để cố gắng cứu nước phía Bắc. Chức vụ của cả hai ông kéo dài 75 năm, ở khoảng giữa thời kỳ của nước phía Bắc, chừng 875-800 T.C., và trải qua 6 đời vua, là A-háp, A-cha-xia, Giô-ram, Giê-hu, Giô-a-cha, Giô-ách.

Ðoạn 1 -- A-cha-xia, vua Y-sơ-ra-ên (885-854 T.C.)
Truyện tích đời trị vì của vua nầy bắt đầu ở I Các vua 22:51. Trị vì 2 năm. Cùng trị vì với cha mình, là A-háp, và cũng gian ác như cha. Ðây chúng ta lại thấy một phép lạ khác của Ê-li bằng lửa (câu 9-14).

Ðoạn 2 -- Ê-li được biến hóa
Ê-li là người miền Ga-la-át, quê hương của Giép-thê. Ông sanh trưởng nơi khe nước trên núi hoang dại, trơ trọi, mặc áo choàng bằng da chiên và lông lạc đà thô sơ, tóc dài buông xuống sau lưng. Sứ mạng của ông là tống đuổi đạo Ba-anh ra khỏi nước Y-sơ-ra-ên. Có lẽ chức vụ ông kéo dài chừng 25 năm, trải qua đời trị vì của hai vua gian ác, là A-háp và A-cha-xia. Ông phải làm một công việc nặng nề, gay go và khó chịu. Ông tưởng mình đã thất bại. Dầu ông thân mật với Ðức Chúa Trời tới mức ít ai đạt được, nhưng ông vẫn hoàn toàn là người y như chúng ta; ông đã xin Ðức Chúa Trời cất mạng sống mình đi. Nhưng Ðức Chúa Trời chẳng nghĩ rằng ông đã thất bại. Khi ông làm xong công việc, thì Ðức Chúa Trời sai một đoàn xe thiên sứ đến chở ông về trời cách khải hoàn.
Ê-li vừa mới ở núi Hô-rếp, là nơi Môi-se ban bố Luật pháp. Bây giờ cảm thấy đã tới lúc mình ra đi, ông bèn đi thẳng tới nơi Môi-se được an táng, là núi Nê-bô (Phục truyền luật lệ ký 34:1), ở phía Ðông sông Giô-đanh, dường như ông muốn được chôn cùng một chỗ với Môi-se. Chúng tôi đoán rằng Ê-li không mất nhiều thì giờ kiếm được Môi-se, và hai ông liền trở thành thiết hữu ở trên trời. Hai ông cũng vui mừng hơn hết mà trông đợi sự ngự đến của Vị Thiết Hữu cao trọng hơn mà cùng với Ðấng ấy, Ðức Chúa Trời đã gia ơn cho phép hai ông được xuất hiện trong chốc lát trên mặt đất (Ma-thi-ơ 17:3).
Ê-li là một tiên tri "lửa." Ông đã xin "lửa" từ trời giáng xuống núi Cạt-mên; ông đã xin "lửa" giáng xuống tiêu diệt sĩ quan và binh lính của A-cha-xia. Bây giờ ông được "xe lửa" rước về trời. Chỉ có một người nữa là Hê-nóc, đã được cất lên nơi Ðức Chúa Trời, không phải trải qua sự chết (Sáng thế ký 5:24). Có lẽ Ðức Chúa Trời định dùng biến hóa của hai ông nầy để thoáng tỏ trước sự biến hóa Hội Thánh trong ngày hân hỉ mà các xe thiên sứ sẽ ào tới và hạ thấp để thâu nhóm chúng ta đi mừng đón Cứu Chúa tái lâm.

Ê-li-sê (II Các vua 2 đến 13)
Do chỉ thị của Ðức Chúa Trời, Ê-li đã xức dầu cho Ê-li-sê để kế chức mình (I Các vua 19:16-21), và đã huấn luyện cho Ê-li-sê. Khi Ê-li được cất lên trời, thì áo choàng của ông rớt nhằm Ê-li-sê, và Ê-li-sê liền bắt đầu làm phép lạ như Ê-li đã làm.
Nước sông Giô-đanh rẽ ra cho Ê-li-sê trở về, cũng như đã rẽ ra cho Ê-li đi qua (2:8, 14). Nguồn nước ở Giê-ri-cô đã được chữa cho hết độc (2:21). 42 đứa con trai thờ lạy hình tượng ở Bê-tên đã bị gấu xé chết (2:24). Ðức Chúa Trời, chớ chẳng phải Ê-li-sê, đã sai gấu đến. Bê-tên là trung tâm thờ lạy Ba-anh. Ta đoán rằng bọn con trai đó có ý nhục mạ Ðức Chúa Trời của Ê-li-sê.
Ðức Chúa Trời đã ngụ ý bảo Ê-li rằng lửa và gươm chẳng phải là phương thức hoàn thành công việc thật của Ngài (I Các vua 19:12). Tuy nhiên, công việc của lửa và gươm vẫn tiếp tục. Bọn người thờ lạy Ba-anh không thể hiểu "lời nói" nào khác. Ê-li-sê xức dầu cho Giê-hu để tiêu diệt quốc giáo Ba-anh (I Các vua 19:16, 17; II Các vua 9:1-10). Giê-hu đã làm việc ấy kịch liệt quá chừng (đoạn 9, 10).

Ðoạn 3 đến 9 -- Giô-ram, vua Y-sơ-ra-ên (854-843 T.C.)
Trị vì 12 năm. Ông bị Giê-hu giết (9:24). Dưới đời trị vì của ông, vua Mô-áp dấy loạn, mặc dầu trước kia vẫn triều cống cho A-háp (3:4, 6).

Bí Chú Khảo Cổ:  Phiến đá Mô-áp
Ðoạn 3 chép về Giô-ram cố gắng để lại khắc phục xứ Mô-áp. Chính "Mê-sa, vua dân Mô-áp" (3:4), đã ghi chép cuộc dấy nghịch nầy, và người ta đã tìm thấy ký văn đó, có tên là "Phiến đá Mô-áp." Năm 1868, ông F.A.Klein, một Giáo sĩ người Ðức, đã tìm thấy phiến đá nầy ở xứ Mô-áp, tại thành Dibon, cách Biển Chết 20 dặm về phía Ðông. Ðây là một phiến đá huyền-vũ-nham, màu lam lợt, cao chừng 1 thước 20, rộng chừng 60 phân, và dày chừng 36 phân, có ký văn của Mê-sa. Ðang khi Bảo tàng viện Bá-linh (Ðức) điều đình để chiếm hữu phiến đá ấy, thì tòa Lãnh sự Pháp ở Giê-ru-sa-lem đã đề nghị trả một số tiền lớn, và các nhà chức trách Thổ-nhĩ-kỳ can thiệp.
Năm sau, người Ả-rập đốt lửa chung quanh và đổ nước vào phiến đá, khiến cho nó vỡ thành nhiều mảnh, để đem đi làm bùa. Sau đó, người Pháp đã lấy được phần nhiều các mảnh, ráp lại và giữ được bi văn nguyên vẹn. Hiện nay đặt tại Bảo tàng viện Le Louvre.
Bi văn rằng: "Ta, Mê-sa vua Mô-áp, lập đài nầy cho Kê-nóc (thần xứ Mô-áp) để kỷ niệm sự giải phóng khỏi tay người Y-sơ-ra-ên. Cha ta trị vì xứ Mô-áp 30 năm, và ta trị vì sau cha ta. Ôm-ri, vua Y-sơ-ra-ên, hà hiếp xứ Mô-áp lâu ngày, và con trai hắn (A-háp) lại hà hiếp xứ Mô-áp sau hắn. Nhưng ta giao chiến với vua Y-sơ-ra-ên, đuổi hắn đi, chiếm các thành của hắn, là Medeba, A-ta-nốt, Nê-bô và Gia-hát, mà hắn đã xây cất đang khi giao chiến với ta. Ta phá hủy các thành của hắn, phú dâng chiến lợi phẩm cho thần Kê-nóc, cùng đờn bà, con gái cho thần Ashtar. Ta dùng tù binh Y-sơ-ra-ên xây cất thành Qorhah, và đặt những kẻ chăn chiên tại Beth-Diblathaim."

Ðoạn 4, 5, 6, 7 -- Các phép lạ của Ê-li-sê
Ê-li-sê bắt đầu chức vụ bằng những phép lạ, theo như đã tỏ trong đoạn 2. Phép lạ nầy kế tiếp phép lạ kia. Dầu của bà góa tăng thêm. Con trai người đờn bà Su-nem được từ kẻ chết sống lại. Nồi canh độc được chữa cho hết độc. Những ổ bánh tăng thêm. Na-a-man được chữa lành bịnh phung. Lưỡi rìu nổi lên được. Thành Sa-ma-ri được giải cứu bởi các xe ngựa vô hình của Ê-li-sê. Quân Sy-ri bị đánh bại bởi ngựa và xe của Ðức Chúa Trời (7:6). Hầu hết tài liệu chép về Ê-li-sê là phép lạ do ông đã làm. Cũng như các phép lạ của Ðức Chúa Jêsus, hầu hết các phép lạ của Ê-li-sê là hành động nhơn từ và thương xót.
Ðức Chúa Jêsus kể việc Ê-li-sê chữa lành cho Na-a-man như lời tiên tri ngụ ý rằng Ngài cũng được sai đến với các dân ngoại (Lu-ca 4:25-27).

Ðoạn 8:1-15 -- Ê-li-sê xức dầu cho Ha-xa-ên
Ðể kế vị Bên-Ha-đát, làm vua xứ Sy-ri. Một tiên tri của nước Y-sơ-ra-ên xức dầu cho một vua ngoại bang để hình phạt chính dân tộc của mình. Ðức Chúa Trời đã ban chỉ thị phải làm như vậy (I Các vua 19:15), tức là chỉ định Ha-xa-ên làm một dụng cụ của Ðức Chúa Trời để hình phạt dân Y-sơ-ra-ên vì cớ tội lỗi kinh khiếp của họ (10:32, 83).

Bí Chú Khảo Cổ:  Bên-Ha-đát và Ha-xa-ên (8:7-15)
Việc Ha-xa-ên kế ngôi Bên-Ha-đát đã được xác chứng trong một bi văn của Sanh- ma-na-se, vua A-si-ri: "Ta giao chiến với Bên-Ha-đát và đánh bại hắn. Ha-xa-ên, con trai của một thường nhơn, đã chiếm ngôi hắn."

Ê-li-sê
Ê-li-sê bắt đấu chức vụ dưới đời trị vì của Giô-ram (3:1, 11), có lẽ vào khoảng năm 850 T.C., và cứ tiếp tục trải qua đời trị vì của Giê-hu và Giô-a-cha; ông qua đời dưới đời trị vì của Giô-ách (13:14-20), vào khoảng năm 800 T.C.. Vậy, ông thi hành chức vụ chừng 50 năm.
Ông vốn là một thanh niên nông dân, ở A-bên-Mê-hô-la, thuộc thung lũng miền trên sông Giô-đanh (I Các vua 19:16, 19). Ông đã được Ê-li huấn luyện làm tiên tri (I Các vua 19:21; II Các vua 3:11). Ông và Ê-li rất khác nhau. Ê-li giống như bão tố và động đất, còn Ê-li-sê giống như tiếng êm dịu, nhỏ nhẹ. Ê-li cứng như đá lửa, còn Ê-li-sê thì hiền lành, từ ái, có tài ngoại giao. Ê-li là người của đồng vắng, bận áo choàng bằng lông lạc đà; còn Ê-li-sê sống ở đô thị, ăn mặc như mọi người khác, có lòng thương xót, có tài xã giao, và tánh tình vui vẻ. Tuy nhiên, cái áo choàng của Ê-li đã rớt trên Ê-li-sê (I Các vua 19:19; II Các vua 2:13).


Bản đồ số 39


Các phép lạ của Ê-li-sê
Các phép lạ nầy được liệt kê ở các đoạn 2, 4, 5, 6, 7. Trong số các phép lạ ấy, có một trong bảy sự sống lại mà Kinh Thánh đã chép. Bảy sự sống lại nầy là: Ê-li làm cho con trai bà góa sống lại (I Các vua 17); Ê-li-sê làm cho con trai người đờn bà Su-nem sống lại (II Các vua 4); Ðức Chúa Jêsus làm cho con gái Giai-ru (Mác 5), con trai bà góa ở Na-in (Lu-ca 7) và La-xa-rơ (Giăng 11) sống lại; Phi-e-rơ làm cho Ðô-ca sống lại (Công vụ các sứ đồ 9); và Phao-lô làm cho Ơ-tích sống lại (Công vụ các sứ đồ 20).
Bảy sự sống lại nầy không gồm sự sống lại của Ðức Chúa Jêsus, là tuyệt điểm của tất cả. Sự sống lại của Ngài đã thực hiện mà không cần người ta làm dụng cụ, và cũng không cần việc ngẫu nhiên kỳ lạ do hài cốt của Ê-li-sê (II Các vua 13:21).

Ê-li-sê mở trường thần đạo
Căn cứ vào I Sa-mu-ên 19:20, dường như Sa-mu-ên đã mở một trường, hoặc thần đạo học đường, để huấn luyện các tiên tri tại Ra-ma. Ê-li-sê cũng điều khiển các trường như vậy tại Bê-tên, Giê-ri-cô, Ghinh-ganh và nhiều nơi khác (II Các vua 2:3, 5; 4:38; 6:1). Ngoài những nơi nầy, dường như ông còn ở tại núi Cạt-mên, và các thành Su-nem, Ðô-than, Sa-ma-ri (II Các vua 2:25; 4:10, 25; 6:13, 22). Chắc ông kiêm chức mục sư, tiên tri và giáo sư. Ông cũng là cố vấn của vua, và có ảnh hưởng rất lớn. Lời khuyến cáo của ông bao giờ cũng được làm theo. Ông không ưng chịu mọi việc các vua làm, nhưng trong lúc khẩn trương, ông vẫn đến cứu giúp họ.
Ê-li-sê ở nước phía Bắc, có lẽ đồng thời với Giô-ên ở nước phía Nam. Có lẽ ông là giáo sư của Giô-na và A-mốt, vì lúc đó hai tiên tri nầy còn thanh niên.
Bởi đời sống riêng và bởi sự nghiệp công khai, cặp Ê-li và Ê-li-sê dường như làm hình bóng linh động về cặp Giăng Báp-tít và Ðức Chúa Jêsus. Giăng được gọi là Ê-li (Ma-thi-ơ 11:14), và chức vụ nhơn từ của Ðức Chúa Jêsus là sự phát triển rộng rãi chức vụ nhơn từ của Ê-li-sê. Sự trạng nầy chứng minh rằng những người hoàn toàn khác nhau có thể làm việc chung nhau vì các mục đích giống nhau.

Ðoạn 8:16-24 -- Giô-ram, vua Giu-đa (Xem thêm II Sử ký 21)

Ðoạn 8:25:29 -- A-cha-xia, vua Giu-đa (Xem thêm II Sử ký 22)

Ðoạn 9, 10 -- Giê-hu, vua Y-sơ-ra-ên (843-816 T.C.)
Trị vì 28 năm. Vốn là một sĩ quan trong đội phòng vệ của A-háp. Có mặt lúc Na-bốt bị hạ sát. Nghe Ê-li tuyên án nhà A-háp. Ông được Ê-li-sê xức dầu làm vua để trừ diệt nhà A-háp và tuyệt trừ đạo Ba-anh. Ông lập tức bắt tay làm công việc đẫm máu một cách hung hăng. Thật là công việc thô lỗ, tàn ác. Nhưng Giê-hu xứng đáng làm điều ấy. Ông gan dạ, nghiêm khắc, không thương xót, và tận tâm làm việc. Có lẽ nếu không có những tư cách ấy, thì chẳng làm được việc nầy. Ông giết Giô-ram, là vua Y-sơ-ra-ên, Giê-sa-bên và A-cha-xia, vua Giu-đa (con rể của A-háp), 70 con trai của A-háp, các anh em của A-cha-xia, hết thảy bạn hữu và người ủng hộ nhà A-háp, hết thảy thầy tế lễ của Ba-anh và mọi kẻ thờ lạy Ba-anh. Ông hủy phá miễu thờ và các trụ thờ Ba-anh. Dầu Giê-hu tuyệt diệt sự thờ lạy Ba-anh, nhưng ông "không hết lòng cẩn thận theo luật pháp của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; người chẳng từ bỏ tội của Giê-rô-bô-am" (10:31).
Nếu chúng ta ngạc nhiên vì Ðức Chúa Trời dùng một cán bộ như Giê-hu, thì hãy nhớ rằng đạo Ba-anh xấu xa, hư hoại và tàn ác không thể tả xiết. Có khi Ðức Chúa Trời dùng những người và những dân ở rất xa địa vị họ đáng phải ở, để thi hành sự phán xét của Ngài trên kẻ gian ác.
Ðang khi Giê-hu mải miết với cuộc cách mạng đẫm máu ở trong nước Y-sơ-ra-ên, thì Ha-xa-ên, vua Sy-ri, chiếm mất miền Ga-la-át và miền Ba-san, là phần nước Y-sơ- ra-ên ở phía Ðông sông Giô-đanh (10:32, 33). Giê-hu cũng đã bị rối vì người A-si-ri mà sự hùng cường đang gia tăng ở bên kia sông Ơ-phơ-rát một cách mau lẹ đáng ngại.

Bí Chú Khảo Cổ:  Giê-hu
Năm 1845-49, tại Ca-lách, gần thành Ni-ni- ve, ông Layard tìm thấy trong di tích cung điện của Sanh-ma-na-se, một khối đá cứng đen cao hơn 2 thước tây, chạm trổ hình và chữ mô tả các huân công của ông. Khối đá nầy gọi là "Tiêm bi-đen," hiện nay bày trong Anh quốc Bảo tàng viện. Ở hàng thứ hai, tính từ trên xuống, có hình một người với đặc điểm Do-thái rõ rệt, đang quì dưới chơn vua, và bên trên có ký văn nầy: "Ta đã nhận cống phẩm của Giê-hu, con trai (kẻ kế vị) Ôm-ri, gồm có bạc, vàng, bát vàng, ly vàng, chén vàng, bình vàng, chì, cây phủ việt của vua, những cây giáo."

Bí Chú Khảo Cổ:  Giê-sa-bên
Giê-sa-bên "vẽ mắt mình" (9:30 -- theo một bản tiếng Anh). Năm 1908-10 và 1931, dưới sự bảo trợ của trường Ðại học Harvard, trường Ðại học Hê-bơ-rơ ở Giê-ru-sa- lem, Anh quốc Khảo cổ Học viện, và Quỹ Thám hiểm xứ Pa-lét-tin, một phái đoàn đã tìm thấy ở thành Sa-ma-ri, trong di tích "đền bằng ngà," chính các đĩa và hộp nhỏ bằng đá mà Giê-sa-bên dùng để trộn những chất hóa trang. Các đĩa và hộp nầy có nhiều lỗ nhỏ để chứa các màu khác nhau: phấn đen để đánh màu đen, lam ngọc để đánh màu xanh lá cây, và thổ hoàng để đánh màu đỏ; ở chính giữa có một chỗ trũng để trộn. Những dĩa và hộp nầy còn có dấu đỏ.

Bí Chú Khảo Cổ:  Mê-ghi-đô
Chính tại Mê-ghi-đô, gần thành Sa-ma-ri, trong địa tằng của thời A-háp và Giê-sa-bên, người ta tìm thấy nhiều chum đựng hài cốt của con nít đã bị dâng làm của lễ cho Ba-anh; vậy, đủ minh chứng tánh chất gớm ghiếc của sự thờ lạy Ba-anh.
Mê-ghi-đô chính là chiến trường trứ danh (Ha-ma-ghê-đôn) sẽ lưu danh nó cho trận đại chiến chung kết của các thời đại (Khải Huyền 16:16). Nó ở phía nam đồng bằng Ách-ca-lôn, cách Na-xa-rét 10 dặm về phía Tây-nam. Nó ở lối vào đèo chạy qua dãy núi Cạt-mên, trên con đường chính giữa Á-châu và Phi-châu; nó là ngã tư chánh yếu của thế giới thời xưa, là vị trí tối trọng giữa sông Ơ-phơ-rát và sông Ni-lơ, là nơi gặp gỡ của các đạo quân từ Ðông-phương và Tây-phương kéo đến. Vua Thothmes III đã làm cho Ai-cập thành đế quốc bá chủ thế giới(1), nói rằng: "Mê-ghi-đô quí bằng một ngàn đô thị." Năm 1918, trong cuộc Thế giới chiến tranh thứ nhứt, tại Mê-ghi-đô, Ðại tướng Allenby đã đánh tan đạo quân Thổ-nhĩ-kỳ. Người ta nói rằng máu đổ trên ngọn đồi nầy nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên mặt đất.
Năm 1924, nhờ chánh phủ xứ Pa-lét-tin giúp đỡ, nhơn viên Ðông phương Học viện của trường Ðại học Chicagođã được quyền kiểm soát ngọn đồi nầy. Từ ngày đó, họ theo phương thuật mà gỡ lên hết lớp nầy tới lớp khác, ghi chép và bảo tồn được mọi tài liệu lịch sử.

Ðoạn 11 -- A-tha-li, nữ hoàng Giu-đa(Xem thêm II Sử ký 22)

Ðoạn 12 -- Giô-ách, vua Giu-đa(Xem thêm II Sử ký 24)

Ðoạn 13:1-8 -- Giô-a-cha, vua Y-sơ-ra-ên (820-804 T.C.)
Trị vì 17 năm. Dưới đời trị vì của ông, nước Y-sơ-ra-ên bị quân Sy-ri hạ xuống rất thấp.

Ðoạn 13:10-25 -- Giô-ách, vua Y-sơ-ra-ên (806-790 T.C.)
Trị vì 16 năm. Giao chiến với quân Sy-ri, và chiếm lại những thành mà cha mình đã để mất. Giao chiến với nước Giu-đa, và cướp phá thành Giê-ru-sa-lem.

Ðoạn 14:1-22 -- A-ma-xia, vua Giu-đa (Xem thêm II Sử ký 25)

Ðoạn 14:23-29 -- Giê-rô-bô-am II, vua Y-sơ-ra-ên (790-749 T.C.)
Trị vì 41 năm. Kế tiếp cha mình, là Giô-ách, mà cứ chiến thắng quân Sy-ri; nhờ có tiên tri Giô-na giúp đỡ, ông đã đưa nước phương Bắc lên địa vị hùng cường hơn hết và có lãnh thổ rộng lớn hơn hết. Sự thờ lạy hình tượng và tình trạng xã hội gớm ghiếc dưới đời trị vì của Giê-rô-bô-am đã hiến cơ hội cho hai tiên tri A-mốt và Ô-sê thi hành chức vụ.

Bí Chú Khảo Cổ:  Cái ấn của tôi tớ Giê-rô-bô-am
Năm 1903-1905, tại Mê-ghi-đô, trong lớp di tích thuộc về thời Giê-rô-bô-am, ông Schumacher đã tìm thấy một cái ấn bằng vân thạch, có ghi hàng chữ nầy: "Thuộc về Shema, tôi tớ của Giê-rô-bô-am." Ấn nầy đã được đặt trong kho tàng của vua Thổ- nhĩ-kỳ.

Ðoạn 15:1-7 -- A-xa-ria, vua Giu-đa (Xem thêm II Sử ký 26).

Ðoạn 15:8-12 -- Xa-cha-ri, vua Y-sơ-ra-ên (748 T.C.)
Trị vì 6 tháng.

Ðoạn 15:13-15 -- Sa-lum, vua Y-sơ-ra-ên (748 T.C.)
Trị vì 1 tháng.

Ðoạn 15:16-22 -- Ma-na-hem, vua Y-sơ-ra-ên (748-738 T.C.)
Trị vì 10 năm. Can đảm và tàn ác, ông đã giết vị vua trước mình.

Bí Chú Khảo Cổ:  Ma-na-hem
Cống phẩm của Ma-na-hem gởi cho Phun, vua A-si-ri (câu 19, 20). Trong một bi văn của Phun, ông nói rằng: "Ta nhận... cống phẩm của Ma-na-hem ở Sa-ma-ri." Bi văn của Phun có kể tên Ô-xia, A-cha, Phê-ca và Ô-sê.

Ðoạn 15:23-26 -- Phê-ca-hia, vua Y-sơ-ra-ên (748-736 T.C.)
Trị vì 2 năm. Ông bị mưu sát như Xa-cha-ri và Sa-lum.

Ðoạn 15:27-31 -- Phê-ca, vua Y-sơ-ra-ên (748-730 T.C.)
Trị vì 20 năm. Ông là một võ tướng hùng mạnh, và người ta tưởng ông đã đồng trị vì với Ma-na-hem và Phê-ca-hia. Ông liên minh với xứ Sy-ri mà tấn công nước Giu-đa. Vua Giu-đa yêu cầu người A-si-ri cứu viện. Vua A-si-ri bèn đến, chiếm cả nước Y-sơ-ra-ên và xứ Sy-ri, và đem nhơn dân miền Bắc và miền Ðông nước Y-sơ-ra-ên đi: Ðó gọi là: "cuộc lưu đày Ga-li-lê" (734 T.C.). Nước phía Bắc chỉ còn lại Sa-ma-ri. Việc nầy được tường thuật đầy đủ hơn ở II Sử ký 28 và Ê-sai 7.

Bí Chú Khảo Cổ:  Dân Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc bị bắt làm phu tù
Bởi Tiếc-la-Phi-lê-se (câu 29). Chính bi văn của Tiếc-la-Phi-lê-se chép rằng: "Ta đày dân của xứ Ôm-ri qua A-si-ri cùng với tài sản của chúng."

Ðoạn 15:32-38 -- Giô-tham, vua Giu-đa(Xem thêm  II Sử ký 27)

Ðoạn 16 -- A-cha, vua Giu-đa (Xem thêm II Sử ký 28)

Dân Y-sơ-ra-ên bị quân A-si-ri bắt làm phu tù (721 T.C.)

Ðoạn 17 -- Ô-sê (730-721 T.C.), vua Y-sơ-ra-ên sau chót. Trị vì 9 năm. Ông phải triều cống vua A-si-ri, nhưng đã bí mật liên minh với vua Ai-cập. Bấy giờ, quân A-si-ri kéo tới, đánh cho nước phương Bắc một đòn chí tử cuối cùng. Sa-ma-ri sụp đổ, và nhơn dân ở đó phải theo mọi người khác trong nước Y-sơ-ra-ên đi làm phu tù. Các tiên tri đương thời nầy là Ô-sê, Ê-sai và Mi-chê. Nước phía Bắc tồn tại được chừng 200 năm. Trong số 19 vua, thì vua nào cũng đi theo tội lỗi của Giê-rô-bô-am, là người lập quốc. Ðức Chúa Trời đã sai hết tiên tri nầy đến tiên tri khác, đã giáng hết sự đoán phạt nầy đến sự đoán phạt khác, để cố khiến nhơn dân xây bỏ tội lỗi, nhưng vô ích, Y-sơ-ra-ên đã liên kết với các hình tượng. Không còn phương pháp cứu vãn, nên cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời đã nổi dậy, và Ngài đuổi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ.

Bí Chú Khảo Cổ:  Ô-sê
"Ô-sê... mưu phản Phê-ca,... và đánh giết người, rồi lên làm vua thế cho" (15:30). "Ô-sê... đóng thuế (Nên dịch là "triều cống") cho người (vua A-si-ri) (17:3).
Một bi văn của Tiếc-la-Phi-lê-se chép rằng: "Chúng đã lật đổ Phê-ca, là vua của chúng. Ta đặt Ô-sê cai trị chúng. Ta nhận nơi Ô-sê 10 ta-lâng vàng và 1000 ta-lâng bạc."

Bí Chú Khảo Cổ:  Dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù
"Vua A-si-ri... đến vây Sa-ma-ri trong 3 năm,... hãm lấy Sa-ma-ri, đem dân Y-sơ-ra-ên sang qua A-si-ri, đem người ở Ba-by-lôn..., đặt ở trong các thành của Sa-ma-ri" (17:5, 6, 24).
Một bi văn của Sa-gôn (Ê-sai 20:1) chép rằng: "Năm thứ nhứt đời trị vì của ta, ta đã chiếm Sa-ma-ri. Ta bắt 27.290 người dân làm phu tù. Còn dân nhiều xứ khác không hề triều cống, thì ta đem định cư tại Sa-ma-ri."

Bản đồ số 40


Ðế quốc A-si-ri
Nước Y-sơ-ra-ên đã bị tiêu diệt bởi đế quốc A-si-ri. Những năm gần đây, người ta đã tìm được biên niên sử của các vua A-si-ri, trong đó các vua ấy đã cho ghi chép nhiều võ công của mình. Trong biên niên sử nầy có ghi tên 10 vua Hê-bơ-rơ: Ôm-ri, A-háp, Giê-hu, Ma-na-hem, Phê-ca, Ô-sê, Ô-xia, A-cha, Ê-xê-chia, Ma-na-se. Người ta tìm được nhiều lời xác nhận, bổ túc, hoặc chứng minh những lời chép trong Kinh Thánh. Thủ đô của đế quốc A-si-ri là Ni-ni-ve.
Chánh sách của đế quốc A-si-ri là lưu đày những dân tộc bị chinh phục qua các xứ khác, để tiêu diệt tinh thần quốc gia của họ và để dễ khiến họ thuần phục mình. Người A-si-ri là chiến sĩ có tài. Họ luôn luôn đi viễn chinh và tấn công. Phần nhiều dân tộc thời đó chuyên nghề cướp bóc. Người A-si-ri dường như vào hạng xấu tệ nhứt. Chúng kiến thiết quốc gia bằng vật cướp bóc của những dân tộc khác. Chúng thi hành những thủ đoạn tàn ác. Chúng lột da tù binh đang còn sống, hoặc chặt tay, chơn, mũi, tai của họ, hoặc móc mắt họ, hoặc kéo đứt lưỡi họ, và cũng chất sọ người thành gò nỗng; mọi sự đó cốt để làm cho người ta khủng khiếp.
Ít lâu trước năm 2000 T.C., A-si-ri đã được sáng lập bởi những người thực dân Ba-by-lôn; trải qua nhiều thế kỷ, khi thì thần phục, khi thì chống đánh Ba-by-lôn. Khoảng năm 1300 T.C., Sanh-ma-na-se I và con trai, là Tukulti-Mas, bẻ gãy ách của Ba-by-lôn, và cai trị tất cả thung lũng sông Ơ-phơ-rát. Rồi đế quốc A-si-ri suy tàn. Năm 1120-1100 (gần đồng thời với Sa-mu-ên), Tiếc-la-Phi-lê-se lại làm cho A-si-ri trở thành cường quốc. Rồi lại có một thời A-si-ri suy tàn, đương thời ấy nước của Ða-vít và Sa-lô-môn dấy lên. Rồi có thời kỳ vinh quang 300 năm, trong khoảng đó A-si-ri là một đế quốc bá chủ thế giới(1) có những vua dưới đây trị vì:
Assur-banipal II (885-860 T.C.).-- Hiếu chiến và tàn ác. Tổ chức A-si-ri thành bộ máy chiến đấu tốt nhứt thế giới thời cổ.
Sanh-ma-na-se II (860-825 T.C.).-- Vua A-si-ri thứ nhứt giao chiến với nước Y-sơ-ra-ên. A-háp đánh ông, còn Giê-hu thì triều cống ông.
Shansi-adad (825-808); Adad-nirari (808-783); Sanh-ma-na-se III (783-771); Assur-dayan (771-753);Assur-lush (753-747). Suy tàn.
Tiếc-la-Phi-lê-se III (747-727).-- Biệt hiệu của ông là Phun. Ông bắt dân Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc đi làm phu tù, năm 734 T.C.. Xem dưới sách Ê-sai, đoạn 7.
Sanh-ma-na-se IV (727-722).-- Vây hãm Sa-ma-ri; chết trong cuộc vây hãm.
Sa-gôn II (722-705).-- Kết thúc sự phá hủy Sa-ma-ri và sự bắt dân Y-sơ-ra-ên đi làm phu tù. Sa-gôn I là một vua Ba-by-lôn từ 2000 năm trước.
San-chê-ríp (705-681).-- Vua A-si-ri có danh tiếng nhứt. Bị một thiên sứ đánh bại trước thành Giê-ru-sa-lem.Ðốt thành Ba-by-lôn. Xem dưới II Sử ký 22.
Esar-haddon (681-668).-- Xây lại thành Ba-by-lôn. Chiến thắng Ai-cập. Là một trong những vua A-si-ri oai hùng nhứt.
Assur-banipal (668-626).-- Cũng có tên là Sardanopalus, Osnapper. Hủy phá thành Thèbes. Thâu thập được một thơ viện lớn. Hùng cường, tàn ác, và thích văn chương.
Assur-etil-ila-ni, Sin-sar-iskun (Saracos) (626-607).-- Bị quân Sy-the, Mê-đi và Ba-by-lôn bao vây, đế quốc hung tàn nầy đã sụp đổ.
Ðoạn 18 đến 25 chép về 9 vua sau chót của nước Giu-đa, từ Ê-xê-chia đến Sê-đê- kia. Cước chú về các vua nầy và về người Giu-đa bị bắt đi làm phu tù, xin xem II Sử ký, đoạn 29 đến 36.

Người Giu-đa bị quân Ba-by-lôn bắt làm phu tù (năm 606 T.C.)
Ðoạn 25 -- Sê-đê-kia (597 T.C.), vua sau chót của nước Giu-đa. Sự bắt dân Giu-đa đi làm phu tù đã thực hiện trong 4 giai đoạn:
606 T.C..-- Nê-bu-cát-nết-sa chiến thắng Giê-hô-gia-kim, đem bửu vật trong Ðền thờ và dòng dõi nhà vua, kể cả Ða-ni-ên, qua Ba-by-lôn (II Sử ký 36:6-7; Ða-ni-ên 1:1-3).
597 T.C..-- Nê-bu-cát-nết-sa lại đến, chiếm các bửu vật còn sót, bắt vua Giê-hô-gia-kin, và 10.000 người hoàng tộc, sĩ quan, bậc sang trọng về Ba-by-lôn làm phu tù (II Các vua 24:14-16).
586 T.C..-- Quân Ba-by-lôn lại kéo đến, thiêu hủy Giê-ru-sa-lem, phá hủy thành lũy, móc mắt vua Sê-đê-kia, xiềng ông lại mà dẫn về Ba-by-lôn cùng với 832 phu tù, chỉ để một ít người nghèo nhứt ở lại trong xứ (II Các vua 25:8-12; Giê-rê-mi 52:28-30) Sách Giê-rê-mi thuật ít hơn sách II Các vua, có lẽ chỉ gồm những điểm quan trọng nhứt. Quân Ba-by-lôn phải mất 1 năm rưỡi mới khắc phục được Giê-ru-sa-lem. Chúng bắt đầu vây thành nầy ngày 10, tháng 10, năm thứ 9 đời trị vì của Sê-đê-kia, và chiếm được thành ngày 9, tháng 4, năm thứ 11. Một tháng sau, tức là ngày 7, tháng 5, thành bị thiêu hủy.
Như vậy, Nê-bu-cát-nết-sa mất 20 năm để hủy phá thành Giê-ru-sa-lem. Nếu muốn, ông đã làm được việc ấy ngay từ lúc đầu. Nhưng ông chỉ muốn thâu cống phẩm. Lại nữa, Ða-ni-ên mà ông đem về Ba-by-lôn lúc khởi đầu 20 năm ấy, chẳng bao lâu đã trở thành thân hữu và cố vấn của ông. Chắc Ða-ni-ên đã có ảnh hưởng kìm hãm ông, mãi đến khi nước Giu-đa cố quyết liên minh với Ai-cập, thì Nê-bu-cát-nết-sa mới buộc phải xóa Giê-ru-sa-lem khỏi bản đồ.
581 T.C..-- 5 năm sau khi Giê-ru-sa-lem bị thiêu hủy, quân Ba-by-lôn lại kéo đến, bắt thêm 745 phu tù (Giê-rê-mi 52:30) sau khi một số dân đông đúc, kể cả Giê-rê-mi, đã chạy xuống Ai-cập (Giê-rê-mi 43). Sự sụp đổ thành Giê-ru-sa-lem đã đưa tới chức vụ của ba đại tiên tri, là Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và Ða-ni-ên.
Việc dân Giu-đa bị bắt làm phu tù đã do hai tiên tri Ê-sai và Mi-chê dự ngôn từ 100 năm trước (Ê-sai 39:6; Mi-chê 4:10). Bây giờ, lời tiên tri ấy đã được ứng nghiệm rồi, Giê-rê-mi lại dự ngôn rằng cuộc lưu đày nầy sẽ kéo dài 70 năm (Giê-rê-mi 25:11, 12).
Vậy là chấm dứt nước của Ða-vít trên mặt đất. Nước nầy đã tồn tại 400 năm. Theo một ý nghĩa thiêng liêng, nước nầy đã phục hưng khi Ðấng Christ ngự đến, và sẽ được vinh quang tuyệt điểm khi Ngài tái lâm.

Bí Chú Khảo Cổ:  Nê-bu-cát-nết-sa
Về việc ông thiêu hủy các thành của Giu-đa (25:9; Giê-rê-mi 34:7), tại La-ki, Bê-tên, Ki-ri-át-Sê-phe và Bết-sê-mết, người ta đã tìm thấy nhiều lớp tro do lửa thiêu hủy nhằm khoảng 600 năm T.C.. Ðó là hỏa hoạn do Nê-bu-cát-nết-sa gây nên. tại La-ki và Bết-sê-mết, lửa thiêu thành thình lình đến nỗi dưới những lớp mảnh vụn, tro và than, người ta tìm thấy (tại La-ki) bửu vật của miễu thờ,bàn thờ lư hương, bát, xương của tế vật, và (tại Bết-sê-mết) những kho lương thực như đậu, nho khô, ô-li-ve và nhiều thứ khác.

Ba-by-lôn
Ðế quốc A-si-ri bắt dân Y-sơ-ra-ên đi làm phu tù (734-721 T.C.).
Ðế quốc Ba-by-lôn bắt dân Giu-đa đi làm phu tù (606-586 T.C.).
A-si-ri là phần phía Bắc của thung lũng sông Ơ-phơ-rát và sông Ti-gơ-rơ.
Ba-by-lôn là phần phía Nam của thung lũng sông Ơ-phơ-rát và sông Ti-gơ-rơ.
Ni-ni-ve là thủ đô của đế quốc A-si-ri.
Ba-by-lôn là thủ đô của đế quốc Ba-by-lôn.
Ni-ni- ve và Ba-by-lôn cách nhau chừng 300 dặm.

Ðế quốc Ba-by-lôn cũ
Ba-by-lôn là nơi loài người phát tích.
Chừng 2000 T.C., Ba-by-lôn là cường quốc bá chủ thế giới.
Rồi trong khoảng 1000 năm, thường có chiến tranh giữa Ba-by-lôn và A-si-ri.
Rồi A-si-ri nắm quyền bá chủ gần 300 năm (885-607 T.C.).

Ðế quốc Ba-by-lôn mới
606-536 T.C. Thường khi gọi là đế quốc Neo(1) Ba-by-lôn. Ðây là đế quốc đã phá tan oai lực của A-si-ri, và trong cuộc tiến qua phía Tây, đã tiêu diệt nước GIU-ÐA cùng chinh phục Ai-cập. Các vua của đế quốc Ba-by-lôn là:
Nabopolassar (625-604 T.C.), phó vương Ba-by-lôn. Ông bẻ gãy ách của người A-si- ri (625 T.C.), và kiện toàn nền độc lập của Ba-by-lôn. Với sự giúp đỡ của Cyaxares, người Mê-đi, ông đã chinh phục và phá hủy thành Ni-ni-ve (607 hoặc 612 T.C.). Năm 609 T.C., con trai ông, là Nê-bu-cát-nết-sa, làm thống tướng các đạo quân của ông; và năm 606 T.C., Nê-bu-cát-nết-sa đồng trị với cha mình.
Nê-bu-cát-nết-sa (606-561 T.C.) là vua có danh tiếng hơn hết trong các vua Ba-by-lôn, và cũng là một trong những hoàng đế oai hùng nhứt của mọi thời đại. Ông trị vì 45 năm. Ðế quốc Ba-by-lôn do ông tạo thành một phần lớn. Ông mở rộng quyền lực của Ba-by-lôn trên hầu hết thế giới mà ta biết thời đó, và làm cho thành Ba-by-lôn đẹp đẽ gần như quá trí tưởng tượng. Ông là vua đã bắt dân Giu-đa đi làm phu tù, kể cả Ða-ni-ên và Ê-xê-chi-ên. Ông hết sức quí chuộng Ða-ni-ên, và đặt ông nầy làm một cố vấn chánh yếu của mình. Chắc ảnh hưởng của Ða-ni-ên đã làm cho số phận của những phu tù Giu-đa được dễ chịu hơn. Xem thêm về Nê-bu-cát-nết-sa cùng đồ trang sức của ông làm bằng đá ngũ sắc, và về thành Ba-by-lôn ở mục: "Sách Ða-ni-ên."
Ê-vinh-Mê-rô-đác (II Các vua 25:27; 561-560 T.C.); Neriglis-sar (559-556); Labash-Marduk (556).
Nabonidus (555-536 T.C.).-- Con trai ông, là Bên-xát-sa, đồng trị với ông trong mấy năm sau chót đời trị vì của ông. Ðế quốc Ba-by-lôn sụp đổ. Quyền bá chủ sang qua Ba-tư. Về truyện bàn tay viết trên tường và sự sụp đổ của Ba-by-lôn, xin xem mục: "Sách Ða-ni-ên."
Ðế quốc Ba-by-lôn tồn tại được 70 năm. 70 năm người Giu-đa phải làm phu tù chính là 70 năm Ba-by-lôn thống trị thế giới. Chính năm Si-ru, vua Ba-tư, chiến thắng Ba-by-lôn (536 T.C.), thì ông cho phép người Giu-đa trở về cố hương.
Ba-by-lôn, đế quốc hà hiếp dân của Ðức Chúa Trời trong đời Cựu Ước, đã lưu danh của mình cho Hội Thánh bội đạo mai sau sẽ hà hiếp dân của Ðức Chúa Trời (Khải- huyền 17).



(1) Thế giới mà người ta biết thời đó.
(1) Thế giới mà người ta biết thời đó.
(1) "Neo" nghĩa là "mới."


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.