Thơ II Phi-e-rơ


Nói tiên tri về sự bội đạo

Tác giả. Thơ tín nầy đặc biệt tự chứng tỏ là tác phẩm của Si-môn Phi-e-rơ (1:1). Tác giả tự nhận là đã chứng kiến sự Hóa hình của Ðấng Christ (1:16-18), và đã được Ðấng Christ bảo cho biết mình sắp qua đời (1:14). Ấy nghĩa là thơ tín nầy thật là tác phẩm của Phi-e-rơ, hoặc của một người nào tự nhận là Phi-e-rơ. Dầu thơ tín nầy chậm được nhận vào kinh điển Tân Ước (xem lời chú giải về "Kinh điển Tân Ước" ở dưới mục: "Chúng ta nhận được Kinh Thánh thể nào" trong sách nầy), nhưng Hội Thánh đầu tiên đã thừa nhận nó thật là tác phẩm của Phi-e-rơ, và trải qua các thế kỷ, nó đã được tôn kính như là một thành phần của Kinh Thánh. Một vài nhà phê bình kim thời cho đó là một tác phẩm về cuối thế kỷ thứ 2, chừng 100 năm sau khi Phi-e-rơ qua đời, và do cây viết của một kẻ ta không biết, đã giấu tên và đội danh Phi-e-rơ. Ðối với trí óc trung bình, thì đội tên như vậy là giả mạo, là vi phạm luật dân sự, luật đạo đức và không đúng đắn. Tuy nhiên, các nhà phê bình vẫn quả quyết rằng mạo danh người khác như vậy không có gì là trái luân lý cả.
Thơ tín nầy gởi cho ai? Khác với phần nhiều thơ tín, thơ nầy không ghi địa phương nào. Tuy nhiên, đây là "thơ thứ hai" của Phi-e-rơ gởi cho cùng một nhóm người (3:1). Dầu có lẽ Phi-e-rơ còn viết nhiều thơ tín khác nay đã thất lạc, song ta đoán mấy chữ "thơ thứ hai" nầy ám chỉ rằng có tác phẩm gọi là "thơ thứ nhứt" của ông gởi cho các chi hội ở Tiểu-Á-tế-á (I Phi-e-rơ 1:1). Phao-lô cũng đã gởi thơ tín cho các chi hội nầy (II Phi-e-rơ 3:15).
Niên hiệu. Nếu thơ I Phi-e-rơ viết đang khi Néron bắt bớ Hội Thánh và nếu Phi-e-rơ tuận đạo trong cơn bắt bớ ấy (xem lời chú giải giới thiệu thơ I Phi-e-rơ) thì thơ tín nầy chắc đã viết trước khi ông qua đời ít lâu, có lẽ khoảng năm 67 T.C..
Mục đích. Ðể cảnh cáo về sự bội đạo hầu đến, là lúc các thủ lãnh Hội Thánh, vì ham thích tiền bạc, sẽ cho phép phóng túng và làm bậy toàn thể; trong tình trạng bội đạo nầy, Hội Thánh sẽ không trông đợi sự tái lâm của Chúa nữa. Và để ngụ ý nói rằng sự tái lâm của Chúa có thể trì hoãn lâu lắm.
Thơ II Phi-e-rơ và thơ Giu-đe có vài câu rất giống nhau, đến nỗi một số học giả kim thời cho rằng ông nầy đã chép của ông kia, mặc dầu họ không đồng ý là ông nào đã chép. Không cần nghĩ rằng ai đã chép của ai. Các Sứ đồ thường du hành với nhau, và ông nọ luôn luôn nghe ông kia giảng đi giảng lại cùng một bài tại những chi hội khác nhau. Như vậy, một vài câu và thí dụ trong Kinh Thánh trở thành một phần ngữ vựng thông thường trong giới tín đồ Ðấng Christ.

Ðoạn 1 -- Các Lời Hứa Lớn Lao Và Quí Báu
"Tôi mọi" của Ðấng Christ (câu 1). Ðó là ý nghĩa của chữ dịch là "tôi tớ." Trong thơ I Phi-e-rơ, ông tự xưng là "Sứ đồ." Ðây ông thêm: "Tôi mọi." Phi-e-rơ càng gần lúc qua đời, thì càng khiêm cung. Phao-lô, Gia-cơ, và Giu-đe cũng nói về mình như vậy.
"Sự nhận biết"(1) (câu 2) được nhấn mạnh là môi giới của ân điển, bình an, và "mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính" (câu 3). "Sự nhận biết" cũng là một trong những phương pháp (câu 5) cho ta được "chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình" (câu 10). Cũng bởi "sự nhận biết" mà chúng ta thắng được "sự ô uế của thế gian" (2:20). Nó cũng là lời khuyên bảo cuối cùng của thơ tín nầy (3:18). Nó có nghĩa là hiểu biết Ðấng Christ qua Lời Ngài (Kinh Thánh). Như vậy, lời Phi-e-rơ cảnh cáo lúc từ biệt ta là: "Chớ xao lãng Lời Ðức Chúa Trời!"
Các "lời hứa rất quí" (câu 4) chẳng những gồm những vinh quang bề ngoài của Nước đời đời (câu 11), song còn gồm một bổn tánh được biến cải, tức là bổn tánh Ðức Chúa Trời ở trong chúng ta. Bởi ân điển Ngài, Ðức Chúa Trời ban bổn tánh Ngài cho ta, nhưng về phần ta, thì phải hết sức cố gắng đạt tới (câu 5-11).
Bảy đức tánh thiên thượng (câu 5-11) là nhơn đức, học thức, tiết độ, nhịn nhục, tin kính, yêu thương anh em(2) và yêu mến. Ðó là các "kết quả" (câu 8) của "đức tin quí báu" (câu 1) mà chúng ta phải "thêm" (câu 5) vào các ơn phước Ðức Chúa Trời đã "gia thêm" (câu 2) cho chúng ta. Ðó là những nấc thang từ đất lên trời, bắt đầu ở đức tin và lên đến tuyệt điểm, là sự yêu thương trong Nhà đời đời của Ðức Chúa Trời.
Phi-e-rơ linh giác mình sắp tuận đạo (câu 14, 15). Ðây dường như ông nhắc đến lời Ðức Chúa Jêsus đã bảo ông chừng 37 năm trước (Giăng 21:18, 19). Hoặc có lẽ Ðức Chúa Jêsus lại mới hiện ra với ông; hoặc cũng có lẽ là sự hiện ra của Chúa theo truyền thoại "Quo vadis" (Chúa đi đâu?" (xem lời chú giải giới thiệu thơ I Phi-e-rơ). "Tôi phải vội lìa nhà tạm nầy" (câu 14) là một danh từ tuyệt mỹ của Kinh Thánh để chỉ về sự chết. Moffatt dịch là: "Tôi gần xếp trại của tôi lại." Phao-lô cũng nói như vậy (II Cô-rinh-tô 5:1-4).
Phi-e-rơ biết chắc về Ðấng Christ và về sự vinh hiển tương lai (câu 16-21). Quang cảnh Hóa hình mà ông được thấy đã trừ bỏ mãi mãi khỏi tâm trí ông ý nghi ngờ đối với cái thực sự, là Ðấng Christ hằng sống và sắp tái lâm, nhứt là lại có chứng cớ của lời tiên tri thêm vào nữa. Lòng tin quyết đó khiến ông sẵn sàng tuận đạo. Ông càng tin chắc nơi thế giới tương lai vì thế giới hiện tại gần qua đi. Câu 20 nên dịch như thế nầy thì tốt hơn: "Chẳng một lời tiên tri nào trong Kinh Thánh do căn nguyên riêng mà có." "Những chuyện khéo đặt để" (câu 16): Một số người gọi sách Tin Lành như vậy, và họ là tiền khu của các nhà phê bình kim thời.

Ðoạn 2 -- Các Giáo Sư Giả
Các giáo sư giả sắp đến (câu 1-22). Tân Ước nói đi nói lại rằng chúng sẽ xuất hiện. Ðức Chúa Jêsus đã cảnh cáo rằng chúng sẽ đến (Ma-thi-ơ 7:15; 24:11, 24). Phao-lô (I Ti-mô-thê 4:1-3; II Ti-mô-thê 3:1-9), Giăng (I Giăng 4:1) và Giu-đe (4-19) cũng đã cảnh cáo như vậy.
* * *
Thơ  II Phi-e-rơ 2
Các giáo sư giả (2:1-22). Phi-e-rơ nói rằng "sẽ có giáo sư giả," nhưng một vài lời ở đây ngụ ý rằng chúng đã xuất hiện rồi. Những danh từ dùng đây không chỉ về thế gian, song chỉ về các thủ lãnh ở trong Hội Thánh. Họ "truyền những đạo dối làm hại;" "chối Chúa;" "luông tuồng;" "đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm pha;" "lấy lời dối trá khoét anh em;" "theo lòng tư dục ô uế mình mà ham mê sự sung sướng xác thịt;" "khinh dể quyền phép rất cao;" "nói hỗn đến các bậc tôn trọng mà không sợ;" "như con vật không biết chi, sanh ra chỉ làm thú vật;" "ưa thích sự dối trá mình đang khi ăn tiệc với anh em;" "cặp mắt chúng nó đầy sự gian dâm, chúng nó phạm tội không bao giờ chán;" "dỗ dành những người không vững lòng;" "có lòng quen thói tham dục;" "là những con cái đáng rủa sả;" "là những suối không nước;" là "những đám mây bị luồng gió mạnh đưa đi;" "dùng những lời văn hoa hư đản;" "đem những điều ham muốn của xác thịt và điều gian dâm mà dỗ dành" kẻ khác; "làm tôi mọi sự hư nát."
Thật là một bức tranh thê thảm! Sự phóng túng, hoang dâm, đạo đức lỏng lẻo, phạm thượng táo tợn đã xuất hiện ngay trong thế hệ các Sứ đồ và đã gia tăng kinh khủng trong Hội Thánh! Rồi tới bao nhiêu thế kỷ đằng đẵng có sự bại hoại của chế độ Thủ lãnh kia. Ngay bây giờ, trong thời kỳ sáng suốt của chính chúng ta, trên nhiều miền của thế giới, giới thủ lãnh Giáo hội có tổ chức chỉ là ký sanh trùng vô ích của xã hội loài người. Hội Thánh đã quá quên rằng dầu mình ở trong thế gian, song chẳng nên thuộc về thế gian!
Tiêu diệt kẻ không tin kính (câu 3-9). Ðây là một "âm điệu" không dứt trong Kinh Thánh, mặc dầu kẻ không tin kính vẫn choàng áo của Hội Thánh. Họ hãy tự cảnh tỉnh bởi việc xảy đến cho "các thiên sứ đã phạm tội" (câu 4) (xem lời chú giải ở thơ Giu-đe), cho thế gian đương thời Nô-ê (câu 5), cho Sô-đôm và Gô-mô-rơ (câu 6). Sự hủy diệt họ chắc không sao tránh khỏi. Tuy nhiên, dầu sự hủy diệt khốc liệt chừng nào, sự giải cứu dân Ðức Chúa Trời cũng rất chắc chắn.

Ðoạn 3 -- Chúa Trì Hoãn Tái Lâm
Thì giờ Chúa tái lâm (câu 1-15). Ðức Chúa Jêsus đã phán một vài lời mà ta có thể giải thích là ngụ ý rằng Ngài tái lâm trong thế hệ ấy (Ma-thi-ơ 16:28; 24:34). Các Sứ đồ dùng những danh từ tỏ ra Ngài gần hiện đến (Rô-ma 13:12; Hê-bơ-rơ 10:25; Gia-cơ 5:8; Khải Huyền 1:3). Nhưng trong thí dụ về các ta lâng, Ðức Chúa Jêsus ngụ ý rằng còn "cách lâu ngày" (Ma-thi-ơ 25:19) Ngài mới tái lâm. Trong thí dụ về Mười Nữ đồng trinh, Ngài nêu lên rằng "người khôn" là người dự trù cho trường hợp "chàng rể đến trễ" (Ma-thi-ơ 25:4, 5). Phao-lô cảnh cáo chúng ta chớ quá chắc chắn rằng Chúa tái lâm ngay, và ông quả quyết "phải có sự bỏ đạo đến trước," rồi Chúa mới tái lâm (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2-3). Trong đoạn nầy, Phi-e-rơ ngụ ý rằng cứ theo sự mong mỏi của loài người, thì có lẽ là theo tỷ lệ 1000 năm cho một ngày (câu 8); do đó, ông ngụ ý rằng có thể còn hàng ngàn năm trong tương lai, rồi Chúa mới tái lâm. Ðức Chúa Trời không tính thì giờ như loài người tính. Ðối với Ngài, 1000 năm cũng như ngày hôm qua (Thi Thiên 90:4). Ngài sẽ giữ lời hứa tùy theo niên biểu của Ngài, chớ không tùy theo niên biểu của loài người. Nếu đặt những khúc Kinh Thánh nầy chung với nhau, thì dường như Ðức Chúa Trời có ý định rằng mọi thế hệ kế tiếp nhau đều phải sống trong sự trông đợi Ðức Chúa Jêsus tái lâm.
Sau gần 2000 năm trì hoãn, tình trạng nầy có ảnh hưởng gì đến thái độ chúng ta đối với sự tái lâm của Chúa? Chúng ta phải bỏ hy vọng chăng? Không bao giờ. Ít ra, sự tái lâm của Ngài cũng gần hơn ngót 2000 năm. "Lời hứa rất quí" có thể gần thực hiện hơn là chúng ta vẫn tưởng. Nào ai biết rằng rốt lại, chính lúc nầy, đoàn xe lửa của Chúa chẳng đang tiến vào ga trung ương?
Lý do trì hoãn (câu 9). Câu nầy dường như có nghĩa rằng cơ hội được cứu rỗi sẽ chấm dứt khi Chúa tái lâm. Vậy, sự trì hoãn cốt để hy vọng rằng mùa gặt Tin Lành có thể hết sức phong phú.
Lửa (câu 7, 10). Sự tái lâm của Chúa đã được ví sánh với Nạn Nước Lụt. Phi-e-rơ đã nghe Ðức Chúa Jêsus phán như vậy (Ma-thi-ơ 24:37-39; Lu-ca 17:26-27). Trái đất đã bị nước lụt tiêu hủy. Lần sau, nó sẽ bị lửa thiêu đốt. Lửa thật chăng? Nước đã thật là nước. Khi ấy chỉ có mặt đất bị tiêu hủy thôi. Chính trái đất vẫn còn lại. Trái đất sẽ chỉ bị thiêu đốt bề mặt thôi chăng? Hay là nó sẽ nổ tung? Hay là bởi va chạm với một tinh tú nào khác. Các nhà thiên văn cho chúng ta hay rằng cả hai điều nầy thật đã xảy ra. Có những vật giống như "tinh tú mới," thình lình xuất hiện, sáng lên mau lẹ, rồi lần lần tắt và biến đi; hiện tượng nầy do sức nổ của một ngôi sao chết, tức là một ngôi sao đã nguội đi. Trái đất ngày nay là một trong những "tinh tú mới" đó, hoặc là một mảnh tinh tú xưa kia bị tung khỏi mặt trời, thành một khối nóng. Khi các kế hoạch của Ðức Chúa Trời đã sẵn sàng, thì trái đất có thể bị bùng cháy thành một khối lửa phừng phừng, hoặc bởi từ trung tâm nổ ra, hoặc bởi va chạm với một vì tinh tú nào khác. "Trời mới, đất mới" (câu 13) sẽ hiện ra. Chúng ta tự hỏi là trái đất nầy được lửa cải tạo, hay là sẽ có một trái đất khác?
"Phao-lô, anh rất yêu dấu của chúng ta" (câu 15), cũng đã gởi thơ cho những chi hội nầy, có lẽ Phi-e-rơ ngụ ý nói đến các thơ Ga-la-ti, Ê-phê-sô, và Cô-lô-se. Trong thơ Ga-la-ti 2:11-21, họ đã đọc truyện Phao-lô thẳng thắn quở trách Phi-e-rơ tại An-ti-ốt, mấy năm trước. Nhưng điều đó chẳng giảm bớt sự ngưỡng mộ và tận tụy của Phi-e-rơ đối với Phao-lô. Mấy chữ: "Mọi bức thơ" (câu 16) ngụ ý rằng một vài chi hội chẳng những có thơ tín gởi cho mình, song cũng có bộ thơ tín mà Phao-lô đã gởi cho các chi hội khác nữa. Chữ "mọi" chỉ về toàn bộ. Mấy chữ: "Các phần Kinh Thánh khác" tỏ ra Phi-e-rơ kể các thơ tín của Phao-lô là "Kinh Thánh." Câu nầy minh chứng rằng sự cấu tạo Kinh điển Tân Ước đã bắt đầu dưới sự giám sát trực tiếp của các Sứ đồ (xem các lời chú giải ở mục: "Chúng ta nhận được Kinh Thánh thể nào?" trong sách nầy). Ngay đối với Phi-e-rơ, cũng "có mấy khúc khó hiểu" (câu 16). Có lẽ ông đặc biệt ngụ ý đến bài giải luận của Phao-lô về Chúa tái lâm trong hai thơ Tê-sa-lô-ni-ca .




(1) Nên dịch là: "Sự hiểu biết" hoặc "Sự tri thức".
(2) Hoặc dịch là: "Nhơn từ đối với anh em."



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.