Không tiếp rước những người giúp việc Sứ đồ Giăng
Gai-út (câu 1). Tại thành Cô-rinh-tô có một người tên là Gai-út (I Cô-rinh-tô 1:14; Rô-ma 16:23); đương thời Phao-lô, có một chi hội nhóm họp trong nhà ông nầy. Theo một truyền thoại, ông đã làm thơ ký cho Sứ đồ Giăng. Cũng theo một truyền thoại khác, Giăng đã cử một người tên là Gai-út, làm Giám mục tại Bẹt-găm. Nếu là cùng một Gai-út, thì đây là bức thơ riêng rất ưu ái gởi cho một Giám mục mà chi hội của ông vừa mới nhận được, hoặc sắp nhận được, lời cảnh cáo chánh thức và nghiêm khắc của cùng một tác giả (Khải Huyền 2:12-17).
Ði-ô-trép (câu 9). Chúng ta chẳng biết Gai-út và Ði-ô-trép là Mục sư của những chi hội khác nhau trong cùng một đô thị, hay là thuộc viên trọng yếu của cùng một chi hội. Chữ "Hội Thánh" khi thì chỉ về một Hội Thánh riêng biệt, khi thì chỉ về toàn thể các hội chúng trong cùng một đô thị. Có lẽ Ði-ô-trép là một người trong số giáo sư giả nói đến ở thơ I Giăng. Chúng ta chẳng biết là đô thị nào. Có lẽ là một đô thị gần thành Ê-phê-sô. Nếu Gai-út thật ở Bẹt-găm, đúng như truyền thoại, thì Ði-ô-trép chắc là một giáo sư "theo đạo Ni-cô-la" có nói đến ở sách Khải Huyền 2:15. Tuy nhiên, dầu là đô thị nào đi nữa, hắn cũng đã chiếm địa vị rất cao trong Hội Thánh đến nỗi dám táo tợn công khai bất chấp Sứ đồ Giăng. Hắn chẳng những không cho phép các viên Truyền đạo của Giăng đến giảng trong nhà thờ, song thậm chí còn loại trừ các thuộc viên chi hội đã tiếp đón họ.
Những người giúp việc Sứ đồ Giăng (câu 5-8). Khoảng 40 năm trước, Phao-lô đã sáng lập Hội Thánh ở trong và ở chung quanh thành Ê-phê-sô, nhưng không có Thần đạo Học đường để đào tạo các vị Mục sư cho ông. Ông phải chọn một số tín đồ mà đặt lên làm Mục sư. Về sau, Giăng lãnh nhiệm vụ Mục sư của các chi hội ấy; dường như ông đã qui tụ và huấn luyện một số đông người làm giáo sư và Truyền đạo để giúp việc mình. Hình như trong một cuộc lưu hành, một số viên Truyền đạo của Giăng đã không được phép vào nhà thờ mà Ði-ô-trép làm chủ tọa; song Gai-út đã tiếp rước họ. Khi trở về Ê-phê-sô, họ thuật lại truyện ấy trong nhà thờ do Sứ đồ Giăng lãnh đạo (câu 6). Lúc nầy, họ lại ghé thăm cùng một chỗ, đem theo thơ tín nầy cho Gai-út.
"Ðược thạnh vượng trong mọi sự" (câu 2) Ðây là lời của người rất thân cận với Ðấng Christ cầu nguyện cho một tín đồ được phước phần vật chất cũng như phần thiêng liêng. Ðó là bằng cớ tỏ ra đối với Ðấng Christ, nếu một người có của cải và lợi lộc đời nầy, thì chẳng phải là tội lỗi đâu. Rất ít là lúc thanh niên, Giăng cũng là một người khá giả. Nhưng chính Giăng lại cảnh cáo chúng ta chớ yêu mến các vật trần gian nầy (I Giăng 2:15-17).
Ðê-mê-triu (câu 12) có lẽ là người đem thơ tín nầy. Ðương thời Phao-lô, có một người tên là Ðê-mê-triu ở thành Ê-phê-sô (Công vụ các sứ đồ 19:24). Nếu là cùng một Ðê-mê-triu, thì người cầm đầu bọn vô lại toan giết Phao-lô về sau đã trở thành một tín đồ rất được quí chuộng.