Ân Ðiển Của Ðức Chúa Trời

Ân Ðiển Của Ðức Chúa Trời

Kinh Thánh:     Rô-ma 3:21-26; 6:14-19
Câu Gốc:       "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình" Ê-phê-sô 2:8-9
Mục đích:     Cho tín hữu biết rằng sự cứu rỗi là một đặc ân của Ðức Chúa Trời ban cho cách vô điều kiện cho loài người chúng ta.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chúa Nhật:
Luật pháp và ân điển.
 Lu-ca 10:25-28; Giăng 1:17
 II Cô 4:6; Ê-phê-sô 2:8-9
Thứ Hai:
Trước luật pháp mọi người đều phạm tội.
 Rô-ma 3:9-20
Thứ Ba:
Ân diển của Ðức Chúa Trời.
 Rô-ma 3:21-31
Thứ Tư:
Chúng ta được cứu nhờ ân điển của Ðấng Christ.
 Ma-thi-ơ 20:28
 IICô 5:21; Ga-la-ti 3:13
Thứ Năm:
Chúng ta được giữ gìn trong sự sống của Ðấng Christ.
 Rô-ma 1-15; ITim 2:6;   IPhi 1:18-19
Thứ Sáu:
Chúng ta nhờ cậy ân điển của Chúa.
 Rô-ma 6:11-23
Thứ Bảy:
Hãy đi và đừng phạm tội nữa.
 Giăng 8:1-11

            Ân điển hoặc ân sủng là ân huệ lớn lao của người trên ban cho kẻ dưới một cách không điều kiện. Tại nhà trường, một học sinh được ban thưởng với điều kiện phải có điểm cao. Ðó không phải là ân điển.
            Ân điển của Ðức Chúa Trời là sự biểu lộ tình thương vô lượng của Ngài đối với kẻ không xứng đáng gì cả. Bởi ân điển của Ðức Chúa Trời ban cho loài người mọi sự một cách không điều kiện, tức là không tùy thuộc loài người tốt hay xấu, mà tùy thuộc sự nhân từ, thương xót của Ngài.

I. Chúng ta được cứu bởi ân điển của Ðức Chúa Trời. (Rô-ma 3:21-26)
            Kinh thánh lên án các dân ngoại bang, dân Do thái và toàn thể nhân loại điều đã phạm tội (Rô-ma 1:18-3:20). "Và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Ðức Chúa Giê-xu Christ" (Rô-ma 3:24).
            Chúng ta, cả thảy là những tội nhân khốn nạn, không thể làm gì để được cứu rỗi, cũng chẳng ai có thể cứu rỗi chúng ta. Song bởi ân điển của Ðức Chúa Trời, Chúa Giê-xu đã giáng thế, tình nguyện chịu chết trên thập-tự-giá làm của lễ chuộc tội chúng ta. Nhờ tin nhận công lao cứu chuộc đó, chúng ta được kể là công bình, vì đứng trong địa vị công bình của Chúa Giê-xu. Ấy chẳng phải bởi việc làm của chúng ta nên chẳng ai có một cớ nhỏ để khoe mình, mà chỉ có cớ để cảm tạ Chúa thôi.
            Người tội lỗi lại thích khoe khoang, muốn làm một việc gì để được cứu rỗi, hơn là chỉ nhờ ân điển của Chúa. Song người không biết rằng càng cố gắng càng thất bại. Ða-vít nói "Tôi bị lún trong bùn sâu, nơi không đụng cẳng, bị chìm trong nước sâu, dòng nước ngập tôi" (Thi 69:2). Ða-vít như người bị rơi vào chỗ đất lầy, bị lún xuống mãi mà không có chỗ nào vững chắc để đặt chân, nên càng vẫy vùng càng bị lún xuống mau hơn. Ông bị dòng nước lôi cuốn và nhận chìm trong hoàn cảnh đó, người tội lỗi phải tuyệt vọng, chỉ chờ chết mà thôi. Ða-vít đã kêu cầu Chúa và được Ngài giải cứu "Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm, Ngài đặt chân tôi trên hòn đá và làm cho bước tôi vững bền" (Thi 40:2).
            Ê-sai mô tả loài người đã trở nên một vật ô uế, một khối tội lỗi. Dầu có gắng làm việc công bình để có cớ khoe khoang, song trước mặt Ðức Chúa Trời, các việc công bình đó như một chiếc áo bẩn thỉu, mà kẻ mặc vào chỉ chuốc lấy cho mình sự hổ thẹn. Ai nấy như một chiếc lá héo, còn tội ác của mình như một ngọn gió đùa mình đi (Ê-sai 64:6). Trái lại, ân điển của Chúa như một lễ phục của chàng rể và cô dâu trong ngày thành hôn (Ê-sai 61:10).
            Cảm tạ Ðức Chúa Trời, Ngài đã cho chúng ta được cứu rỗi bởi đức tin đến Chúa Giê-xu, trong đó có sự tha thứ, xưng công bình, tái sanh, nên thánh, lựa chọn, kêu gọi, hy vọng một cách chắc chắn. Mọi sự đó không ai có thể mua được bằng tiền bạc, hay bằng công đức riêng. Song ai nấy có thể nhận được một cách vô điều kiện bởi ân điển của Chúa.

II. Ðược sống bởi ân điển của Ðức Chúa Trời (Rô-ma 6:14)
            Sau khi được cứu bởi ân điển, chúng ta cũng sống bởi ân điển mỗi ngày của đời mình. Có người đã lầm hiểu một cách tai hại rằng sau khi đã được cứu bởi ân điển, chúng ta có thể nhờ sức riêng của mình mà giữ luật pháp không? Ðành rằng luật pháp là thánh thiện, song không ai có thể nhờ sức riêng mà giữ trọn luật pháp, Phao-lô nói "Vì chúng ta không thuộc dưới luật pháp, nhưng thuộc dưới ân điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy!" (Rô-ma 6:15). Trái lại, ân điển giúp chúng ta không những làm trọn luật pháp, mà làm trổi hơn nữa. Ông chủ nào, nô lệ nấy, vì nô lệ phải hoàn toàn vâng phục ông chủ. Ông chủ xấu, nô lệ cũng xấu; ông chủ tốt, nô lệ cũng tốt. Khi trước chúng ta làm nô lệ cho tội lỗi, nên ai nấy phải phạm tội. Bây giờ, chúng ta đã được Chúa Giê-xu đổ huyết ra mua chuộc và vì vậy, chúng ta thuộc về Ngài, trở nên nô lệ của Ngài. Là nô lệ của Chúa, chúng ta vâng phục Ngài và ăn ở thánh khiết như Ngài.
            Luật pháp và ân điển trái nhau. Luật pháp đòi hỏi, ân điển ban cho. Luật pháp bảo phải làm để được, còn ân điển bảo phải tin để được. Luật pháp lên án, rủa sả; còn ân điển tha thứ, rửa sạch. Phao-lô đã cố gắng giữ luật pháp, song đồng thời ông bắt bớ Hội thánh của Chúa. Nhưng ông đã được cứu bởi ân điển, rồi được kêu gọi làm sứ đồ để suốt đời nhờ ân điển mà hầu việc Ngài. Ông nói "Tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ân điển của Ðức Chúa Trời đã ở cùng tôi" (ICô 15:10). Khi ông kêu cầu Chúa cứu mình khỏi sự yếu đuối, thì Chúa bảo "Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối" (IICô 12:9). Vì vậy, về sau ông nói "Tôi làm được mọi sự, nhờ Ðấng ban thêm sức cho tôi" (Phi-líp 4:13).
            Chúa Giê-xu đã sống cuộc đời thánh khiết tại trần gian. Bây giờ Ngài muốn tiếp tục sống cuộc đời đó trong mỗi chúng ta, nếu ai nấy tôn thờ Ngài làm Chúa của đời mình. Khi được Chúa ngự trị trong lòng mình, chúng ta không sống theo luật pháp là mắt đền mắt, răng đền răng, yêu người lân cận, ghét kẻ thù nghịch như sự công bình của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, mà trổi hơn họ là yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình (Ma-thi-ơ 5:38-45). Chúa Giê-xu đã cầu nguyện cho kẻ đóng đinh Ngài "Lạy Cha, xin tha cho họ" (Lu-ca 23:34). Ngài đã tiếp tục sống cuộc đời đó trong Ê-tiên, nên ông ấy cũng đã cầu nguyện cho kẻ ném đá mình "Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ (Công 7:60).
            Bởi ân điển, Chúa đã cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi cảnh nô lệ tại Ê-díp-tô song chưa hết, cũng bởi ân điển đó, Ngài chăm nuôi, dẫn dắt bảo vệ họ suốt 40 năm trong đồng vắng, cho đến khi đưa họ vào tận Ca-na-an đượm sữa và mật. Họ đã được cứu bởi ân điển và cũng đã được sống bởi ân điển. Nếu không nhờ ân điển của Chúa, dân Y-sơ-ra-ên không thể nào sống nổi 40 năm trong đồng vắng, chúng ta cũng vậy. Phi-e-rơ khuyên "Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa" (IIPhi 3:18).
            Trong ân điển vô lượng vô biên của Chúa, dầu chúng ta có tấn tới đến đâu cũng không bao giờ hết. Ân điển đó như dòng sông vô tận không bao giờ cạn. Dầu nhu cầu của chúng ta có lớn đến đâu, thì đối với ân điển của Chúa, nó vẫn còn là nhỏ mọn quá. Phao-lô khuyên "Hãy cậy ân điển trong Ðức Chúa Giê-xu Christ mà làm cho mình mạnh mẽ" (IITim 2:1). Ân điển cao thâm, dư dật của Chúa làm cho người yếu đuối trở nên mạnh, người nghèo trở nên giàu, người hèn hạ trở nên cao trọng.

Câu hỏi
1. Ân điển của Chúa có nghĩa gì?
2. Tại sao chúng ta không thể nhờ việc công bình của mình để được cứu?
3. Ðược cứu bởi ân điển của Chúa có nghĩa gì?
4. Ða-vít nói thể nào về lúc ông chưa được cứu và sau khi được cứu?
5. Ðược sống bởi ân điển có nghĩa gì?
6. Nhờ ân điển của Chúa, chúng ta có thể sống thế nào?
7. Luật pháp khác với ân điển ra sao?
8. Ân điển cao hơn luật pháp thể nào?
9. Hãy giải thích sự kiện dân Y-sơ-ra-ên được cứu bởi ân điển và được sống bởi ân điển trong 40 năm?

10. Tại sao chúng ta không có cớ khoe khoang?



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.