300 năm đầu trong Ðất Hứa, Những vụ hà hiếp và giải phóng liên tiếp
Ký thuật những chiến công hiển hách
Rốt lại, dân tộc Hê-bơ-rơ đã ở trong xứ mình; lúc nầy, trong thời kỳ ấu trĩ quốc gia, sau khi Giô-suê qua đời, họ không có một chánh quyền trung ương vững mạnh. Họ là một khối huynh đệ, hoặc một khối liên bang gồm 12 chi phái hoặc tiểu bang độc lập, không có năng lực đoàn kết nào ngoài ra Ðức Chúa Trời của họ. Người ta thường gọi chánh thể đương thời các Quan xét là "thần chánh" (théocratie), nghĩa là họ phỏng định rằng chính Ðức Chúa Trời là Ðấng trực tiếp cai trị quốc gia. Nhưng nhơn dân không long trọng tiếp nhận Ðức Chúa Trời; trái lại, họ luôn luôn sa ngã, bỏ Ngài mà đi thờ lạy hình tượng. Dân tộc Hê-bơ-rơ trong tình trạng vô chánh phủ hoặc ít hoặc nhiều, thường bị nội chiến khuấy rối, và bị vây quanh bởi những quân thù luôn luôn toan tính tiêu diệt kẻ mới chiếm ngụ; vậy, cuộc phát triển quốc gia của họ rất chậm chạp, và họ không trở nên một dân tộc thật hùng mạnh trước khi được tổ chức thành một vương quốc dưới đời Sa-mu-ên và Ða-vít.
Ta không biết chắc thời kỳ Các quan xét kéo dài bao lâu. Số năm kể cho các vụ hà hiếp là 91 (xem trang sau), cho Các quan xét cùng các kỳ thái bình là 299, tổng cộng là 390 năm. Nhưng một vài con số nầy có thể lấn qua con số khác. Giép-thê là người sống gần lúc cuối thời kỳ nầy: ông nói rằng nó gồm 300 năm (Các quan xét 11:26). Người ta thường cho rằng nó gồm chừng 300 năm, ấy là tính chẵn (khoảng 1400-1100 T.C.). Từ lúc ra khỏi Ai-cập cho tới thời Sa-lô-môn, gồm cả những thời kỳ lưu lạc trong đồng vắng, thời kỳ Hê-li, Sa-mu-ên, Sau-lơ và Ða-vít, tổng cộng là 480 năm (I Các vua 6:1).
Các vụ hà hiếp bởi:
|
Các quan xét, hoặc
Các kỳ thái bình:
| ||
Dân Mê-sô-bô-ta-mi
|
8 năm
|
Ốt-ni-ên ở Ki-ri-át - Sê-phe, thuộc chi phái Giu-đa
|
40 năm
|
Dân Mô-áp
Dân Am-môn
Dân A-ma-léc
|
18 năm
|
Ê-hút, thuộc chi phái Bên-gia-min
|
80 năm
|
Dân Phi-li-tin
|
Sam-ga
| ||
Dân Ca-na-an
|
Ðê-bô-ra, thuộc chi phái Ép-ra-im; Ba-rác, thuộc chi phái Nép-ta-li
|
40 năm
| |
Dân Ma-đi-an
Dân A-ma-léc
|
7 năm
|
Ghê-đê-ôn, thuộc chi phái Ma-na-se
|
40 năm
|
A-bi-mê-léc (kẻ chiếm vị), thuộc chi phái Ma-na-se
|
3 năm
| ||
Thô-la, thuộc chi phái Y-sa-ca
|
23 năm
| ||
Giai-rơ, ở miền Ga-la-át, chi phái Ma-na-se phía Ðông
|
22 năm
| ||
Dân Am-môn
|
18 năm
|
Giép-thê ở miền Ga-la-át, chi phái Ma-na-se phía Ðông
|
6 năm
|
Iếp-san, ở Bết-lê-hem, chi phái Giu-đa
|
7 năm
| ||
Ê-lôn, thuộc chi phái Sa-bu-lôn
|
10 năm
| ||
Áp-đôn, thuộc chi phái Ép-ra-im
|
8 năm
| ||
Dân Phi-li-tin
|
40 năm
|
Sam-sôn, thuộc chi phái Ðan
|
20 năm
|
Tổng cộng :
|
91 năm
|
Tổng cộng :
|
299 năm
|
Cũng có những vụ hà hiếp do dân Si-đôn và dân Ma-ôn (10:12).
"40 năm"
Kinh Thánh chép rằng Ốt-ni-ên, Ðê-bô-ra và Ba-rác, Ghê-đê-ôn, mỗi người đã đoán xét dân Y-sơ-ra-ên trong 40 năm; Ê-hút đoán xét 2 lần 40 năm. Về sau, Hê-li đoán xét 40 năm; sau-lơ, Ða-vít và Sa-lô-môn, mỗi vua trị vì 40 năm. "40 năm" dường như là con số chẵn chỉ về một thế hệ, có đủ 40 năm, nhưng không phải đúng như vậy luôn. Hãy chú ý, con số 40 thường được dùng suốt cả Kinh Thánh: Lúc xảy ra nạn nước lụt, trời mưa 40 ngày; Môi-se chạy trốn lúc 40 tuổi, ở xứ Ma-đi-an 40 năm, và ở trên Núi Si-na-i 40 ngày; dân Y-sơ-ra-ên lưu lạc trong đồng vắng 40 năm; các thám tử ở trong xứ Ca-na-an 40 ngày; đấng tiên tri Ê-li kiêng ăn 40 ngày; Ðức Chúa Trời triển hạn cho thành Ni-ni-ve 40 ngày; Ðức Chúa Jêsus kiêng ăn 40 ngày, và sau khi sống lại, Ngài cũng ở trên mặt đất 40 ngày.
Ðoạn 1 -- Những người Ca-na-an còn sót lại trong xứ
Giô-suê đã tiêu diệt hết người Ca-na-an ở một vài khu vực trong xứ, còn những người khác thì ông bắt làm tôi mọi (Giô-suê 10:40, 43; 11:23; 13:2-7; 21:43-45; 23:4; 24:18). Sau khi ông qua đời, chúng còn ở trong xứ rất đông đúc (Các quan xét 1:28, 29, 30, 32, 33, 35).
Ðức Chúa Trời đã truyền cho dân Y-sơ-ra-ên phải hoàn toàn tiêu diệt người Ca-na- an, hoặc đuổi chúng ra (Phục truyền luật lệ ký 7:2-4). Nếu dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn vâng theo mạng lịnh nầy, thì họ đã thoát khỏi nhiều hoạn nạn.
Bí Chú Khảo Cổ: Sắt ở xứ Pa-lét-tin
Kinh Thánh bày tỏ rằng vì cớ người Ca-na-an và người Phi-li-tin có sắt, nên dân Y-sơ-ra-ên không đuổi chúng đi được (1:19; 4:3; Giô-suê 17:16-18; I Sa-mu-ên 13:19-22). Lại cũng bày tỏ rằng chỉ sau khi Sau-lơ và Ða-vít phá tan oai lực của người Phi-li-tin, thì sắt mới được thông dụng trong vòng dân Y-sơ-ra-ên (II Sa-mu-ên 12:31; I Sử ký 22:3; 29:7).
Các cuộc đào bới đã đem ra ánh sáng nhiều di vật bằng sắt trong xứ Phi-li-tin, làm từ 1100 năm T.C.; nhưng ở vùng đồi núi không có di vật nào bằng sắt làm trước 1000 năm T.C..
Ðoạn 2 -- Sự bội đạo sau khi Giô-suê qua đời
Thế hệ dũng cảm, được đào luyện trong đồng vắng, đã chiếm xứ Ca-na-an dưới quyền lãnh đạo hùng mạnh của Giô-suê. Khi thế hệ nầy lần lần qua đời, thì thế hệ mới vì định cư trong một xứ phong phú và thiếu quyền lãnh đạo trung ương, nên chẳng bao lâu đã sa vào lề thói phóng túng của những dân tộc lân cận thờ lạy hình tượng.
Ðiệp khúc chạy suốt sách Các quan xét
"Mọi người cứ làm theo ý mình tưởng là phải" (17:6 v.v...). Dân Y-sơ-ra-ên luôn luôn lìa bỏ Ðức Chúa Trời mà sa vào sự thờ lạy hình tượng. Khi họ làm vậy, thì Ngài phó họ vào tay những kẻ hà hiếp họ. Bấy giờ dân Y-sơ-ra-ên chịu đau khổ và hoạn nạn, bèn quay trở lại, và kêu cầu Ðức Chúa Trời. Ngài động lòng thương xót họ, dấy Các quan xét cứu họ khỏi tay kẻ thù nghịch. Ðang khi Quan xét còn sống, thì nhơn dân phụng sự Ðức Chúa Trời. Nhưng khi Quan xét qua đời, thì nhơn dân lại lìa bỏ Ðức Chúa Trời, đi hành dâm với các hình tượng.
Khi họ phụng sự Ðức Chúa Trời, thì được thạnh vượng; khi họ hầu việc hình tượng, thì bị đau khổ. Luôn luôn như vậy, không hề thay đổi. Sự không vâng lời của dân Y-sơ-ra-ên là nguyên nhơn trực tiếp gây cho họ bị khổ nạn. Họ không tự phân rẽ với các hình tượng. Họ không tuyệt diệt cư dân trong xứ, theo như Ðức Chúa Trời đã truyền dạy; vậy nên từng hồi từng lúc, cuộc tranh giành quyền bá chủ lại diễn ra. Nhiều lần dân Y-sơ-ra-ên gần bị tuyệt diệt, nhưng khi ấy Ðức Chúa Trời lại can thiệp mà cứu họ.
Ðoạn 3 -- Ốt-ni-ên, Ê-hút, Sam-ga
Ốt-ni-ên, quê ở Ki-ri-át Sê-phe, thuộc miềm cực nam của xứ, đã cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay người Mê-sô-bô-ta-mi, là quân xâm lăng từ phía Ðông-bắc kéo tới.
Ê-hút, người Bên-gia-min, đã cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay quân Mô-áp, Am-môn và A-ma-léc.
Dân Mô-áp là dòng dõi của Lót. Họ chiếm vùng cao nguyên ở phía Ðông Biển Chết. Thần của họ tên là Kê-nóc (Dân số ký 21:29), và họ dâng mạng người làm tế lễ để thờ lạy nó. Họ luôn luôn giao chiến với dân Y-sơ-ra-ên. Ru-tơ là người Mô-áp.
Dân A-môn cũng là dòng dõi của Lót. Lãnh thổ của họ tiếp giáp với phía Bắc xứ Mô-áp, và bắt đầu từ khoảng 30 dặm phía Ðông sông Giô-đanh. Thần của họ là Mo- lóc, và họ thờ lạy nó bằng cách thiêu đốt con nít.
Dân A-ma-léc là dòng dõi của Ê-sau; họ là một bộ lạc du mục; họ tụ tập nhiều nhứt ở miền Bắc bán đảo Si-na-i, nhưng cứ đi phiêu lưu thành vòng tròn rộng lớn, tới cả xứ Giu-đa và xa lắm về Ðông phương. Họ là những người đầu tiên đã tấn công dân Y-sơ-ra-ên khi dân nầy ra khỏi Ai-cập. Môi-se cho phép tuyệt diệt họ (Xuất Ê-díp-tô ký 17:8-16). Họ đã tiêu diệt, không còn trong lịch sử nữa.
Sam-ga đã cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay quân Phi-li-tin; Kinh Thánh ít nói đến ông.
Người Phi-li-tin là dòng dõi của Cham. Họ chiếm cứ đồng bằng mé biển, trên biên giới Tây-nam của xứ Ca-na-an. Chữ "Pa-lét-tin" do họ mà có. Về sau, họ lại hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên đương thời Sam-sôn.
Ðoạn 4, 5 -- Ðê-bô-ra và Ba-rác
Họ cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay người Ca-na-an. Người Ca-na-an đã bị Giô-suê khắc phục, nhưng lại trở nên hùng mạnh và với những chiến xa bằng sắt, đã chà nát cuộc sanh hoạt của dân Y-sơ-ra-ên.
Bí Chú Khảo Cổ: Người Ca-na-an hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên (4:3).
Dân Y-sơ-ra-ên thắng trận tại Mê-ghi-đô (5:19)
Dân Y-sơ-ra-ên thắng trận tại Mê-ghi-đô (5:19)
Năm 1937, khi đào bới tại Mê-ghi-đô, nhơn viên Ðông phương Học viện đã tìm thấy ở địa tằng thuộc thế kỷ thứ 12 T.C. (thời Ðê-bô-ra và Ba-rác) những dấu tích của một nạn cháy khủng khiếp. Dưới sàn của cung điện có chừng 200 món trang sức bằng ngà và vàng chạm, -- một cái hình dung vua Ca-na-an đang đón nhận một hàng phu tù trần trụi đã chịu phép cắt bì. Ðây chắc là chứng cớ tỏ ra người Ca-na-an đã bị thất trận khủng khiếp, và cũng tỏ ra trước đó, họ hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên.
Ðoạn 6, 7, 8 -- Ghê-đê-ôn
Quân Ma-đi-an, A-ma-léc và "người phương Ðông" (tức là người Ả-rập -- 6:3; 8:24) đã tràn vào xứ, đông đúc và hùng mạnh, hà hiếp suốt 7 năm, đến nỗi dân Y-sơ-ra-ên phải ẩn núp trong hang đá và đào hố giấu thóc lúa đi (6:2-4, 11). Với một đội quân 300 người, cầm đuốc giấu trong bình, và do Ðức Chúa Trời trực tiếp giúp đỡ, Ghê-đê-ôn đã đại thắng chúng đến nỗi chúng không kéo đến nữa.
Dân A-ma-léc. -- Ðây là lần thứ hai chúng xâm lăng (xem dưới đoạn 3).
Người Ma-đi-an là dòng dõi của Áp-ra-ham và Kê-tu-ra. Họ tập trung ở phía Ðông núi Si-na-i, nhưng họ đi dông dài đây, đó. Môi-se đã ở giũa vòng họ 40 năm, và cưới một người nữ Ma-đi-an làm vợ. Ban đầu họ thân hữu với người Y-sơ-ra-ên. Lần lần họ đồng hóa với người Ả-rập.
Người Ả-rập là dòng dõi của Ích-ma-ên. Xứ Ả-rập là một bán đảo rộng lớn, từ Bắc đến Nam được 1500 dặm, và từ Ðông đến Tây được 800 dặm. Xứ Ả-rập rộng gấp 150 lần xứ Pa-lét-tin. Nó là một vùng cao nguyên, phía Bắc thoai thoải xuống sa mạc xứ Sy-ri. Dân cư thưa thớt, gồm những bộ lạc du mục. Phần nhiều là sa mạc, rải rác có những vùng cây cối xanh tốt và suối nước (oasis).
Bí Chú Khảo Cổ: Các hố giấu thóc lúa
Năm 1926-1928, phái đoàn hỗn hợp của Thánh kinh Học đường Xenia và Mỹ quốc Học đường, do ông Kyle và ông Albright điều khiển, đã đào bới vùng Ki-ri-át-Sê-phe; họ tìm thấy nhiều hố giấu thóc lúa trong một địa tằng thuộc về thời Các Quan- xét, tỏ ra đời sống không an ninh và tài sản không bảo đảm.
Ðoạn 9 -- A-bi-mê-léc
Con của một người cha phi thường, nhưng chính hắn là kẻ tàn bạo, muốn làm vua. Ðó là truyện tích điển hình trong cuộc tranh đấu vĩnh viễn của kẻ bất lương, hung bạo để giành quyền.
Bí Chú Khảo Cổ: A-bi-mê-léc hủy phá thành Si-chem
Với số bạc lấy ở miễu thờ thần Ba-anh (câu 4), hắn đi thuê người tàn sát anh em mình, "rồi phá thành và rắc muối ở đó" (câu 45).
Năm 1913-14 và năm 1926-28, ông Sellin phát giác một gò nỗng ở gần thành Si- chem hiện tại, là di tích của thành Si-chem thời xưa. Ông thấy một địa tằng của dân Ca-na-an vào khoảng 1600 năm T.C., và trên địa tằng ấy có một lớp của người Y-sơ-ra-ên với những dấu tích tỏ ra nó đã bị phá hủy và bỏ hoang vào khoảng 1100 năm T.C. (thời kỳ A-bi-mê-léc). Trong lớp nầy, ông thấy di tích một miễu thờ thần Ba-anh, và ông tin rằng đó là miễu thờ có ghi ở câu 4.
Ðoạn 10, 11, 12 -- Thô-la, Giai-rơ, Giép-thê, Iếp-san, Ê-lôn, Áp-đôn
Thô-la chỉ được ghi chép là làm Quan xét. Giai-rơ-cũng vậy.
Giép-thê quê ở Mích-ba, miền Ga-la-át, cố hương của Gióp và Ê-li, trong địa phận phía Ðông của chi phái Ma-na-se. Dân Am-môn đã bị Ê-hút, một trong những Quan xét đầu tiên, đánh tan quyền lực; nay chúng lại mạnh mẽ và cướp phá nước Y-sơ-ra-ên. Ðiều đáng thương trong truyện tích Giép-thê là ông đã dâng con gái mình làm tế lễ.
Iếp-san, Ê-lôn, Áp-đôn cũng chỉ được ghi chép là đã làm Quan xét.
Ðoạn 13, 14, 15, 16 -- Sam-sôn
Sam-sôn thuộc về chi phái Ðan, giáp giới xứ Phi-li-tin; trước khi sanh ra, ông đã được Ðức Chúa Trời chỉ định làm người giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Phi-li-tin. Ðức Chúa Trời ban cho ông sức lực phi thường; do Ðức Chúa Trời cai quản, ông đã gây được những chiến công lạ lùng. Ông là Quan xét cuối cùng có ghi chép trong sách Các quan xét. Sau đó ít lâu, vương quốc được tổ chức.
Ðoạn 17, 18 -- Người Ðan di cư
Người Ðan đã được dành phần lãnh thổ gồm đồng bằng Phi-li-tin, nhưng họ không thể chiếm được. Vậy, vì thiếu chỗ ở, một phần chi phái Ðan đã ăn cắp một hình tượng, rồi di cư lên miền Bắc xa xôi và định cư gần nguồn sông Giô-đanh.
Ðoạn 19, 20, 21 -- Hành động hổ nhục của người Bên-gia-min
Mấy đoạn nầy tường thuật sự hình phạt dã man báo trả một tội ác gớm ghiếc khôn tả xiết; kết quả là chi phái Bên-gia-min thiếu điều bị tuyệt diệt.
Bí Chú Khảo Cổ: Thiêu đốt thành Ghi-bê-a (20:40)
Năm 1922-1923, trong đống di tích thành Ghi-bê-a, ông Albright tìm thấy lớp tro do hỏa hoạn đã xảy ra khoảng 1200 năm T.C.. Chắc là hỏa hoạn nầy đây.
Các bậc anh hùng đức tin
Ba-rác, Ghê-đê-ôn, Giép-thê và Sam-sôn được liệt vào hàng các bậc anh hùng đức tin trong thơ Hê-bơ-rơ 11:32. Họ có đức tin đến Ðức Chúa Trời mặc dầu trong đời họ có một vài điểm làm cho ta phải ngạc nhiên.
Những phép lạ trong sách Các quan xét
Thiên sứ hiện ra với Ghê-đê-ôn và với cha mẹ của Sam-sôn. Sương đóng trên lốt chiên làm dấu hiệu. Với 300 chiến sĩ, Ghê-đê-ôn đã thắng quân Ma-đi-an. Sam-sôn do người mẹ son sẻ sanh ra và sức mạnh phi thường của chàng. Những phép lạ nầy tỏ ra rằng Ðức Chúa Trời, bởi lòng thương xót, vẫn còn đoái xem dân Ngài, mặc dầu họ đã sa xuống bậc thấp nhứt.
Những sự khám phá của khảo cổ học
Người Phi-li-tin có sắt trong khi người Y-sơ-ra-ên chẳng có chút nào. Tại Mê-ghi-đô, người Ca-na-an hà hiếp người Y-sơ-ra-ên và bị họ đánh bại. Những hố giấu thóc lúa tại Ki-ri-át-Sê-phe. A-bi-mê-léc hủy phá thành Si-chem. Thiêu đốt thành Ghi-bê-a. Ðó là những bằng cớ tỏ ra sách Các quan xét là lịch sử thật.
Tại sao có quyển sách như vậy trong Kinh Thánh?
Nầy, đó là lịch sử thuần túy. Ðức Chúa Trời đã sáng lập một quốc gia với mục đích dùng họ dọn đường cho Ðấng cứu chuộc loài người ngự đến. Ðức Chúa Trời đã quyết dịnh duy trì quốc gia ấy. Và Ngài thật đã duy trì nó, mặc dầu nó thờ lạy hình tượng, yếu đuối và gian ác. Nếu không nhờ những vị thủ lãnh như các Quan xét, không nhờ Ðức Chúa Trời cứu giúp trong những lúc khẩn trương, thì dân Y-sơ-ra-ên chắc đã bị tuyệt diệt.