Các lời nói khôn ngoan phần nhiều của Sa-lô-môn,
luận về các việc thực tế ở đời, và nhứt là nhấn mạnh
vào sự công bình cùng sự kính sợ Ðức Chúa Trời
Sách nầy, cũng như sách Thi Thiên và Ngũ kinh của Môi-se, đã tùy theo các đầu đề của nó mà chia làm năm phần: Các châm ngôn của Sa-lô-môn (1-9); các châm-ngôn của Sa-lô-môn (10-24); các châm ngôn của Sa-lô-môn mà những tôi tớ của Ê-xê-chia đã sao lại (25-29; xem ở đoạn 25); những lời của A-gu-rơ (30; xem ở đoạn nầy); những lời của vua Lê-mu-ên (31; xem ở đoạn nầy).
Như vậy, phần lớn các Châm Ngôn được kể là của Sa-lô-môn. Ông liên quan với sách Châm Ngôn cũng gần như Ða-vít liên quan với sách Thi Thiên vậy. Hai ông đều là tác giả chánh yếu. Thi Thiên là một sách dùng khi thờ phượng Ðức Chúa Trời. Còn Châm Ngôn là một sách luân lý thực hành.
Sa-lô-môn, lúc còn thanh niên, đã khát khao, thèm muốn sự tri thức và sự khôn ngoan (I Các vua 3:9-12). Ông đã trở nên một văn hào kỳ diệu của thế giới. Kiến thức của ông là kỳ quan của thời đại. Các vua từ đầu cùng trái đất đã đến để nghe ông giảng luận. Ông đã diễn thuyết về thảo mộc học và động vật học. Ông chẳng những là một nhà khoa học, một nhà chánh trị, một nhà kinh doanh lớn lao (xem ở I Các vua 9), song còn là một thi sĩ, một nhà luân lý và một nhà truyền đạo (xem thêm ở I Các vua 4).
Châm Ngôn là một câu nói ngắn ngủi, khúc triết, minh bạch nhờ sự đối ngẫu (anthithèse) và so sánh mà thành ra linh động. Các Châm Ngôn hoàn toàn không liên lạc với nhau. Cốt dùng cho thanh niên trước hết. Phương pháp dạy dỗ của người Ðông phương là luôn luôn lặp lại những tư tưởng khôn ngoan hoặc thực tế, dưới một hình thức làm cho dính chặt vào trí óc.
Các đề mục: Khôn ngoan. Công bình. Kính sợ Ðức Chúa Trời. Tri thức. Luân lý. Thanh khiết. Cần mẫn. Tự chế. Tin cậy Ðức Chúa Trời. Dâng phần mười. Sử dụng tiền của cho phải cách. Tử tế với người nghèo. Giữ lưỡi mình. Khoan hồng đối với kẻ thù nghịch. Chọn bạn. Tránh người đờn bà xấu nết. Ngợi khen người nữ hiền đức. Dạy dỗ con trẻ. Siêng năng. Lương thiện. Tránh sự ăn không ngồi rồi. Tội biếng nhác. Công lý. Giúp ích kẻ khác. Sự thỏa lòng.Sự vui vẻ. Sự cung kính. Lương tri.
Kỹ thuật giải luận: Sách nầy nhằm mục đích ghi tạc trong trí những đức tánh đã được Kinh Thánh chú trọng từ đầu đến cuối. Suốt cả Kinh Thánh, bằng rất nhiều cách và bởi những phương pháp khác nhau, Ðức Chúa Trời đã ban cho loài người sự dạy dỗ phong phú, từ dòng nầy đến dòng khác, từ qui tắc nầy đến qui tắc khác, đây một chút, kia một chút, để tỏ ra Ngài muốn họ sống thế nào; như vậy, nếu chúng ta không đạt tới mục đích, thì không thể chữa chối nữa. Các sự dạy dỗ trong sách Châm Ngôn nầy không được giãi bày dưới hình thức: "Ðức Giê-hô-va có phán như vầy" như trong luật pháp Môi-se, trong luật pháp đó, chính những điều nầy đã được truyền dạy như là mạng lịnh trực tiếp của Ðức Chúa Trời. Trái lại, các sự dạy dỗ trong sách Châm Ngôn được truyền ra như là phát xuất từ từng trải của một kẻ đã thử nghiệm đầy đủ mọi sự mà người ta có thể nhúng vào. Môi-se nói rằng: "Ðây là các điều răn của Ðức Chúa Trời." Còn đây, Sa-lô-môn nói rằng: "Những điều Ðức Chúa Trời truyền dạy đã được từng trải chứng minh là tốt nhứt cho loài người, và yếu tố sự khôn ngoan loài người là kính sợ Ðức Chúa Trời cùng vâng giữ các điều răn của Ngài." Trong bản dài ghi chép sự khải thị chính mình Ngài và ý chỉ Ngài cho loài người, Ðức Chúa Trời dường như đã dùng mọi phương pháp có thể dùng được, nào điều răn, nào qui tắc, nào tấm gương (xem bí chú về sách Truyền đạo), để thuyết phục loài người rằng các điều răn của Ðức Chúa Trời là thật và đáng làm khuôn phép cho đời sống. Danh tiếng của Sa-lô-môn đã làm cho lời ông nói vang dậy đến đầu cùng trái đất, và khiến ông trở thành một tấm gương cho cả thế giới về các ý tưởng của Ðức Chúa Trời là rất khôn ngoan. Sách Châm Ngôn nầy được gọi là: "Quyển sách chỉ nam tốt nhứt mà thanh niên có thể làm theo để được thành công."
Ðoạn 1.-- Mục đích của sách nầy: Ðể tăng gia sự khôn ngoan, khuyên dạy, thông sáng, công bình, lý đoán, chánh trực, khôn khéo, tri thức, dè dặt, học vấn và mưu trí lành mạnh (câu 2-6). Những lời tuyệt mỹ thay! Khởi điểm là kính sợ Ðức Chúa Trời (câu 7). Rồi phải chăm theo sự dạy dỗ của cha mẹ (câu 8-9). Rồi phải tránh những bạn bè hư xấu (câu 10-19). Sự khôn ngoan được nhơn cách hóa, kêu lớn tiếng để cảnh cáo loài người (câu 20-33).
Ðoạn 2.-- Muốn có sự khôn ngoan, phải hết lòng tìm kiếm nó. Lời Ðức Chúa Trời là nơi tìm thấy sự khôn ngoan (câu 6). Tiếp theo có lời cảnh cáo về "dâm phụ" (câu 16), và lời cảnh cáo nầy thường được lặp lại.
Ðoạn 3.-- Một đoạn tuyệt mỹ luận về sự nhơn từ, thành thực, sống lâu, bình an, tin cậy Ðức Chúa Trời, lấy tài vật tôn vinh Ðức Chúa Trời, thạnh vượng, an ninh, hạnh phước và được phước lành.
Ðoạn 4.-- Sự khôn ngoan là điều chánh yếu. Vậy, hãy nhận lãnh sự ngôn ngoan. Ðường của người công bình càng ngày càng sáng láng, còn đường của kẻ gian ác càng ngày càng tối tăm.
Ðoạn 5.-- Sự vui mừng và thủy chung trong đạo vợ chồng. Cảnh cáo về tình yêu không thuần khiết. Sa-lô-môn có nhiều vợ, nhưng lại khuyên người ta chớ đa mang. Ông dường như nghĩ rằng độc thê tốt hơn (câu 18-19; xem truyền đạo 7:28).
Ðoạn 6.-- Cảnh cáo về trách nhiệm trong sự giao dịch khả nghi, về tánh biếng nhác, sự giả hình xảo quyệt, kiêu căng, nói dối, gây rối, khinh thường cha mẹ và tình yêu bất chánh.
Ðoạn 7.-- Cảnh cáo về dâm phụ mà chồng vắng nhà. Các đoạn 5, 6, 7 luận về bọn phụ nữ phóng túng. Vì Sa-lô-môn dành nhiều chỗ luận về chúng, nên chắc đương thời ấy bọn chúng khá đông.
Ðoạn 8, 9.-- Sự khôn ngoan được nhơn cách hóa thành một người nữ, mời ai nấy đến dự bữa tiệc dọn đủ cao lương mỹ vị, thật khác hẳn những người nữ hoang dâm mời họ đến uống "nước ăn cắp lấy làm ngọt ngào" (9:13-18).
Ðoạn 10.-- Những điểm khác nhau rõ rệt giữa người khôn ngoan và kẻ điên dại, giữa người công bình và kẻ gian ác, giữa người siêng năng và kẻ biếng nhác, giữa người giàu và kẻ nghèo.
Ðoạn 11.-- Cái cân không đúng là điều gớm ghiếc cho Ðức Giê-hô-va. Người đờn bà có nhan sắc mà không dè dặt thì ví như đồ trang sức đeo ở mũi con heo. Linh hồn rộng rãi sẽ được béo bổ. Người nào chinh phục được linh hồn thì là khôn ngoan.
Ðoạn 12.-- Người nữ hiền đức là vinh quang của chồng mình. Môi miệng nói dối là điều gớm ghiếc cho Ðức Chúa Trời. Những vật quí báu của loài người dành cho kẻ siêng năng. Không có sự chết trên con đường của người công bình.
Ðoạn 13.-- Ai giữ môi miệng mình, thì giữ được mạng sống mình. Hy vọng chậm đến làm cho đau lòng. Con đường của kẻ vi phạm thật là hiểm trở. Hãy cùng đi với người khôn ngoan, thì anh em sẽ hóa ra khôn ngoan.
Ðoạn 14.-- Ai mau giận dữ, ắt sẽ hành động dại dột; ai chậm giận, thì có sự hiểu biết hơn. Sự kính sợ Ðức Chúa Trời là một suối sanh mạng. Lòng bình tĩnh là sự sống của xác thịt. Ai ức hiếp kẻ nghèo, thì làm nhục Ðấng tạo nên mình.
Ðoạn 15.-- Lời đáp êm nhẹ tránh được cơn thạnh nộ. Con mắt Ðức Chúa Trời canh chừng khắp mọi nơi. Lưỡi nhu mì là một cây sự sống. Lời cầu nguyện của kẻ ngay thẳng làm cho Ðức Chúa Trời vui thỏa. Ai có lòng vui mừng, thì được dự tiệc luôn. Con khôn ngoan làm cho cha nó vui sướng.
Ðoạn 16.-- Lòng người ta toan định đường lối của mình, nhưng Ðức Chúa Trời hướng dẫn bước đi của họ. Sự kiêu ngạo đi trước sự hủy diệt. Mái tóc bạc là mũ triều thiên vinh hiển nếu ta thấy nó trên đường công bình.
Ðoạn 17.-- Ai sanh ra kẻ dại dột, thì sẽ bị buồn khổ. Lòng vui mừng là vị thuốc hay. Ngay kẻ ngu dại, nếu giữ lòng bình tịnh, cũng được kể là khôn ngoan.
Ðoạn 18.-- Miệng kẻ ngu dại gây cho nó bị hủy diệt. Chết và sống đều do quyền của lưỡi. Ai tìm được vợ, tức là tìm được điều tốt lành và nhận được ân huệ của Ðức Chúa Trời. Sự khiêm nhường đi trước danh vọng.
Ðoạn 19.-- Người vợ cẩn trọng do Ðức Chúa Trời ban cho. Ai thương xót kẻ nghèo thì cho Ðức Chúa Trời vay mượn, Ngài sẽ báo lại việc lành của người ấy. Trong lòng người ta có nhiều mưu toan, nhưng ý định của Ðức Chúa Trời sẽ đứng vững.
Ðoạn 20.-- Rượu là một kẻ chế nhạo. Ai tránh xa sự cãi lẫy, thì là một vinh dự, song kẻ ngu dại nào cũng ưa gây lộn. Môi miệng hiểu biết giống như ngọc báu. Những trái cân khác nhau và cái cân gian dối là điều gớm ghiếc cho Ðức Chúa Trời.
Ðoạn 21.-- Thà ở xó nóc nhà hoặc ở một xứ hoang vắng còn hơn ở chung với một người nữ hay tranh cạnh và hay quạu trong một nhà rộng lớn. Người nào bịt tai không nghe tiếng kêu cứu của kẻ nghèo, ắt cũng sẽ kêu cứu mà chẳng ai nghe. Ai giữ lưỡi mình, ắt giữ được linh hồn mình khỏi khổ nạn. Ngựa sẵn sàng ra trận, nhưng sự đắc thắng là do Ðức Chúa Trời.
Ðoạn 22.-- Thà chọn lấy danh tiếng tốt còn hơn được tiền của nhiều. Người giàu và kẻ nghèo gặp nhau: Ðức Chúa Trời đã làm nên cả hai. Hãy dạy dỗ con trẻ theo đường nó phải đi, thì đến lúc già nua, nó cũng không xây bỏ đường ấy. Ai có con mắt từ thiện, thì sẽ được phước. Anh có thấy người siêng năng làm công việc chăng? Người ấy sẽ đứng trước mặt các vua.
Ðoạn 23.-- Chớ lo làm giàu. Hãy lắng tai nghe lời cha mẹ. Hãy để khi già cả, cha mẹ được vui thỏa nơi anh. Ai mắc khổ nạn? Ấy là kẻ nán trễ bên rượu. Ðến cuối cùng, rượu sẽ cắn như con rắn và chích như rắn lục.
Ðoạn 24.-- Có sự an toàn giữa đám đông mưu sĩ. Chớ bối rối vì cớ kẻ làm ác. Tôi đi qua ruộng của kẻ biếng nhác. Nó mọc đầy gai. Tôi thấy và được dạy dỗ: Ngủ chút nữa, khoanh tay ngủ chút nữa, thì ma nghèo sẽ đến.
Ðoạn 25.-- Một lời nói phải thời giống như trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc. Nếu kẻ thù có đói, hãy cho nó ăn, nếu khát, hãy cho nó uống, thì Ðức Chúa Trời sẽ thưởng cho anh (trưng dẫn ở Rô-ma 12:20).
"Các người của Ê-xê-chia" (câu 1) -- Ðây nói rằng "các người của Ê-xê-chia" đã sao lại bộ Châm Ngôn nầy của Sa-lô-môn (đoạn 25-29). Ê-xê-chia sống hơn 200 năm sau Sa-lô-môn, có lẽ bản thảo của Sa-lô-môn đã rách nát, hoặc giấu trong một chỗ khuất của Ðền thờ. Ðiểm then chốt trong cuộc cải cách của Ê-xê-chia là lại làm cho ai nấy quí chuộng Lời Ðức Chúa Trời (II Các vua 18).
Ðoạn 26.-- Anh có thấy người nào khôn ngoan theo ý niệm của mình chăng? Kẻ ngu dại còn có hy vọng hơn hắn. Cửa xây trên bản lề thể nào, thì kẻ biếng nhác cũng trăn trở trên giường hắn thể ấy. Lưỡi dối trá ghét những kẻ nó đã làm thương tổn.
Ðoạn 27.-- Chớ khoe mình về ngày mai, vì anh không biết một ngày có thể đem chi đến cho mình. Còn nhiều Châm ngôn về kẻ ngu dại.
Ðoạn 28, 29.-- Kẻ nào che mắt khỏi người nghèo, ắt bị nhiều điều rủa sả. Kẻ ngu dại xổ ra tất cả sự giận dữ của mình, nhưng người khôn ngoan giữ nó lại và dẹp nó đi. Giải luận thêm về kẻ ngu dại. Sa-lô-môn chẳng ưa kẻ ngu dại, và đả kích chúng không chán.
Ðoạn 30.-- Các Châm ngôn của "A-gu-rơ." Ta chẳng biết A-gu-rơ là ai. Có lẽ ông là một người bạn của Sa-lô-môn. Sa-lô-môn ưa thích các Châm Ngôn của ông đến nỗi tưởng nên sắp chung vào sách của mình.
Ðoạn 31.-- Lời mẹ khuyên vua. Người ta nghĩ rằng "vua Lê-mu-ên" có lẽ là một tên khác của Sa-lô-môn. Nếu vậy thì Bát-sê-ba là người mẹ đã dạy ông bài thơ tuyệt mỹ nầy. Dầu có một đám mây mờ phủ cuộc hôn nhơn của bà với Ða-vít (có lẽ bà là nạn nhơn vô phương tự vệ trong vấn đề nầy, vì Ða-vít là vua), nhưng chưa từng có bà mẹ nào nuôi dạy được đứa con lỗi lạc hơn. Là một thanh niên, Sa-lô-môn đã có tâm tình cao quí như bất cứ người nào trong lịch sử. Tuy nhiên, lúc tuổi già, ông thật đã "lìa khỏi đó," trái hẳn chính Châm Ngôn của ông (Châm Ngôn 22:6). Ðúng ra, bài thơ nầy luận về các bà mẹ hơn là về các vua. Ðây là một bài thơ theo thể chiết cú.