Chúa Giê-Xu Christ Thăng Thiên

Chúa Giê-Xu Christ Thăng Thiên

Kinh ThánhHê-bơ-rơ 7:23-28; 8:6-13.
Câu gốc:        "Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Ðức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy." Hê-bơ-rơ 7:25.
Mục đích:      Dạy rằng nhờ Chúa Giê-xu Christ đã thăng thiên và Ngài hiện đang sống để cầu thay cho chúng ta, chúng ta có sức mạnh để thi hành sứ mạng mà Ngài đã giao phó.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chúa Nhật:
Thầy tế lễ cả của chúng ta
 Hê-bơ-rơ 9:1-14
Thứ Hai:
Sự hy sinh của Ngài
 Hê-bơ-rơ 10:11-25
Thứ Ba:
Thầy tế lễ cả của thời xưa
 Lê 16:1-34
Thứ Tư:
Bức màn bị xé
 Ma-thi-ơ 27:45-46
Thứ Năm:
Một thầy tế lễ cả toàn hảo
 Hê-bơ-rơ 7:11-28
Thứ Sáu:
Chúa Giê-xu là Ðấng Trung Bảo
 Ê-phê-sô 2:13-22
Thứ Bảy:
Chỉ có một Ðấng Trung Bảo
 ITim 2:1-6; IGiăng 2:1

            Sau khi sống lại, Chúa Giê-xu đã thăng thiên, kế đó Ðức Thánh Linh giáng lâm. Nhưng không phải Ðức Chúa Giê-xu đã chấm dứt công việc của Ngài đâu mà vẫn còn tiếp tục cho đến nay và cho đến khi Ngài trở lại để đem chúng ta về với Ngài (Giăng 14:2-3; Công 1:9-11).

I. Chúa Giê-xu tiếp tục công việc của Ngài trên đất. (Ma-thi-ơ 28:16-20)
            Chúa có quyền hành trên trời và dưới đất, Ngài sai các môn đồ đi truyền giảng Tin lành và hứa cùng họ, làm việc với họ luôn cho đến tận thế.
            Trước khi lên thập tự giá, Chúa hứa ban Ðức Thánh Linh đến với các môn đồ "Ta không để các ngươi mồ côi đâu, Ta sẽ đến cùng các ngươi... Nội ngày đó, các ngươi sẽ nhận biết rằng Ta ở trong Cha Ta, các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi" (Giăng 14:18-20). Vậy Chúa vẫn tiếp tục ở với các môn đồ, ở trong các môn đồ, cùng làm việc với họ và làm việc qua họ trong công tác truyền giảng Tin lành cho nhân loại.
            Chúa Giê-xu đã hiện ra với Phao-lô trên con đường Ða-mách và chinh phục ông trở nên sứ đồ của Ngài (Công 9:3-6). Khi Phao-lô truyền giảng cho các dân tộc, đã nhiều lần Ngài hiện ra với ông để ban lịnh, để an ủi (Công 18:9-10; 23:11).
            Không những trong đời các sứ đồ mà cho đến ngày nay và cho đến cuối cùng, Chúa vẫn ở với chúng ta trong mọi nơi , cộng tác với chúng ta trong mọi việc của Ngài; lúc nào chúng ta cũng thấy sự hiện diện của Ngài, cũng nghe tiếng phán dạy của Ngài. Chúa đi giữa Hội thánh biết công việc của mỗi người nên Ngài khen, Ngài trách, Ngài khuyên, Ngài hứa, Ngài cảnh cáo (Khải huyền đoạn 2 và 3). Chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài đang làm việc Ngài trong Hội thánh.

II. Chúa Giê-xu làm việc của Ngài trên trời. (Hê-bơ-rơ 7:23-28)
            Chúa Giê-xu là Ðấng vô sở bất tại, cùng một lúc Ngài ở với tất cả con cái Ngài trên thế giới mà cũng đồng thời ngự bên hữu Ðức Chúa Trời (Công 7:55; Hê-bơ-rơ 1:3; IPhi 3:22). Tại đó Ngài cầu thay cho chúng ta.
            Ðời xưa, dân Y-sơ-ra-ên được thầy tế lễ cả cầu thay cho họ. Mỗi năm một lần, thầy tế lễ cả được vào nơi chí thánh để làm lễ chuộc tội cho dân chúng. Song khi làm lễ ấy xong, phải ra ngay chứ không được phép ở lại đó. Ngoài ra, thầy tế lễ là người hay chết nên bị thay đổi luôn. Ngày nay, chúng ta có Chúa Giê-xu là một thầy tế lễ cả, có những đặc điểm mà các thầy tế lễ của dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa không có:
            1. Các thầy tế lễ cả của dân Y-sơ-ra-ên dâng huyết con sinh, còn Chúa Giê-xu dâng chính huyết Ngài một lần đủ cả để làm lễ chuộc tội đời đời cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 9:12).
            2. Vì huyết Ngài được dâng lên một lần đủ cả nên sau khi dâng xong, Ngài ngồi bên hữu Ðức Chúa Trời, chứ không như thầy tế lễ cả của dân Y-sơ-ra-ên phải đi ra (Hê-bơ-rơ 1:3).
            3. Các thầy tế lễ cả của dân Y-sơ-ra-ên vì sự chết mà phải thay đổi luôn, không giữ được chức vụ lâu dài, còn Chúa Giê-xu sống đời đời, nên Ngài hằng cầu thay cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 7:24-25).
            4. Các thầy tế lễ cả của dân Y-sơ-ra-ên chỉ vào nơi chí thánh dưới đất do tay người làm ra, còn Chúa Giê-xu vào nơi chí thánh trên trời do Ðức Chúa Trời dựng nên (Hê-bơ-rơ 8:1-2).
            5. Ðang khi các thầy tế lễ cả của dân Y-sơ-ra-ên mỗi năm một lần vào nơi chí thánh, thì bức màn vẫn còn phủ xuống, con đường vào nơi chí thánh chưa được mở, còn khi Chúa Giê-xu vào nơi chí thánh trên trời thì bức màn liền bị xé hai từ trên chí dưới, và con đường đã được mở cho mọi người đến gần Ðức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 27:50-51).
            Vậy, thầy tế lễ cả của dân Y-sơ-ra-ên chỉ làm tượng trưng thôi, còn Chúa Giê-xu mới là thầy tế lễ cả thật, có đủ tư cách đem chúng ta đến gần Ðức Chúa Trời trong nơi chí thánh trên trời. Vì Ngài đang ngồi tại đó để cầu thay cho chúng ta, nên có lời mời gọi ân cần và tha thiết "Vậy chúng ta hãy vững lòng đến gần nơi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng... Nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong mà đến gần Chúa" (Hê-bơ-rơ 4:16; 10:22). Với chức vụ cầu thay của Chúa Giê-xu bên hữu Ðức Chúa Trời, Phao-lô thách đố "Còn ai chống nghịch với chúng ta? Ai kiện chúng ta? Ai lên án chúng ta? Ai phân rẽ chúng ta?" Ông quả quyết rằng: hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo, sự chết, sự sống, thiên sứ, kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, bề sâu hoặc một vật nào đều chẳng có thể phân rẽ, chống nghịch, cáo kiện, lên án chúng ta cả (Rô-ma 8:31-39)

III. Chúa Giê-xu làm việc của Ngài trong chúng ta (Hê-bơ-rơ 8:6-13)
            Ngoài việc ở với chúng ta để cùng làm việc với chúng ta, cầu thay cho chúng ta bên hữu Ðức Chúa Trời, Chúa Giê-xu còn làm việc của Ngài trong đời sống chúng ta.
            Trong giao ước cũ mà Ðức Chúa Trời đã lập với dân Y-sơ-ra-ên qua Môi-se khi họ được giải phóng khỏi Ê-díp-tô, thì luật pháp mà Chúa ban cho họ được Ngài viết trên bảng đá, nên dân Y-sơ-ra-ên đã không giữ được(Xuất 19:4-5; 24:1-8). Vì vậy Ðức Chúa Trời đã nhờ miệng tiên tri Giê-rê-mi mà hứa sẽ lập với họ một giao ước mới. Chúa Giê-xu đã thực hiện giao ước đó khi Ngài lập tiệc thánh. Vì vậy, Kinh thánh có hai phần: Cựu Ước và Tân Ước (Giê-rê-mi 31:31-34).
            So sánh hai giao ước ấy thì giao ước mới tốt hơn giao ước cũ (Hê-bơ-rơ 8:6-13). Xin kể các lẽ sau đây:
            1. Giao ước cũ được lập bởi Môi-se, giao ước mới được lập bởi Chúa Giê-xu (Lu-ca 22:20; ICô 11:25).
            2. Giao ước cũ được đóng ấn bởi huyết con sinh, giao ước mới được đóng ấn bởi huyết Chúa Giê-xu.
            3. Giao ước cũ, luật pháp được viết ra trên bảng đá; giao ước mới, luật pháp được viết trên bảng lòng (Ê-xê-chi-ên 36:26-27; Hê-bơ-rơ 8:8-10).
            4. Giao ước cũ dân Y-sơ-ra-ên không giữ được, nên đã bị thay thế bởi giao ước mới.
            Giá trị của hai giao ước khác nhau, nên ơn phước cũng khác nhau. Bốn phước hạnh của giao ước mới là:

            1. Ðức Chúa Trời để luật pháp trong trí và ghi tạc vào lòng (Hê-bơ-rơ 8:10a). Luật pháp bày tỏ bản tính của Ðức Chúa Trời, nên được để luật pháp trong trí và ghi tạc vào lòng là làm cho người đó được dự phần vào bản tánh của Chúa, được sự sống của Ngài. Chim bay trên trời, cá lội dưới nước là tại Chúa đã ghi tạc luật của Ngài trong chúng nó. Trái cam ngọt, trái ớt cay cũng như vậy. Ðó là lý do dân Y-sơ-ra-ên không giữ được luật pháp, mặc dầu họ rất muốn, còn chúng ta giữ được (IICô 3:3).

            2. Ðược thuộc về Ðức Chúa Trời và Ngài thuộc về chúng ta (Hê-bơ-rơ 8:10b): Nhờ Chúa để luật pháp Ngài vào trí và ghi tạc vào lòng chúng ta mà chúng ta đương nhiên thuộc về Chúa và đồng thời Chúa cũng thuộc về chúng ta. Tất cả các loại máy móc đều được ghi tên của xưởng sản xuất, quyển sách cũng mang tên người chủ. Phao-lô nói rằng ông mang dấu vết của Chúa Giê-xu là nói ông thuộc về Ngài (Ga-la-ti 6:17).

            3. Ðược biết Ðức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 8:11): Người được Chúa ghi tạc luật pháp Ngài vào lòng là được thuộc về Ðức Chúa Trời, cũng được biết Ngài. Ðây không có nghĩa là biết qua loa như biết người hàng xóm mà biết rõ ràng thân mật như cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè. Càng biết Chúa chúng ta càng tin cậy Ngài, càng yêu mến Ngài đến nổi tận hiến đời mình cho Ngài. Môi-se ước ao biết Chúa hơn (Xuất 33:13). Phao-lô cũng ước ao như vậy (Phi-líp 3:10-11).

            4. Ðược tha tội (Hê-bơ-rơ 8:12): Ðược tha tội là phước hạnh cuối cùng song cũng là phước hạnh đầu tiên, là nền tảng cho 3 phước hạnh kia. Nhờ được tha tội mà chúng ta được Chúa ghi tạc luật pháp vào lòng, được thuộc về Chúa, được biết Chúa. Ðây là phước hạnh mà Ða-vít đã phải la lên "Phước cho người nào được tha sự vi phạm mình... Phước thay cho người nào được Ðức Giê-hô-va không kể gian ác cho" (Thi 32:1-2)
            Trên đây là những công việc vĩ đại mà Chúa Giê-xu đã làm, đang làm và sẽ còn làm trong chúng ta. Nguyện chúng ta hưởng được tất cả phước hạnh Chúa dành cho.

Câu hỏi
1. Tại sao chúng ta biết dầu Chúa Giê-xu thăng thiên, công việc Ngài chưa chấm dứt?
2. Hiện nay ở trên trời Chúa đang làm gì?
3. Tại sao chúng ta biết Chúa Giê-xu là thầy tế lễ cả của chúng ta cao trọng hơn thầy tế lễ cả của dân Y-sơ-ra-ên?
4. Vì được Chúa Giê-xu ngồi bên hữu Ðức Chúa Trời để cầu thay nên Phao-lô thách đố như thế nào?
5. Tại sao giao ước mới tốt hơn giao ước cũ?
6. Ðược Chúa để luật pháp vào trí và ghi tạc vào lòng có nghĩa gì?
7. Ðược thuộc về Chúa và Chúa thuộc về mình có nghĩa gì?
8. Chúng ta phải biết Chúa đến mực độ nào?

9. Tại sao được tha tội là phước hạnh lớn nhất?



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.