Chúng Ta Nhận Ðược KINH THÁNH Thể Nào?



Cấu Tạo Tân Ước
Kinh điển Tân Ước.-- Theo nguyên văn, chữ "canon" (Kinh điển) nghĩa là "cây gậy" hoặc "cây đo." Theo cách dùng trong đạo Ðấng Christ, nó có nghĩa là: "sách chép qui tắc của đức tin," nghĩa là toàn thể các sách nguyên văn và có thẩm quyền, hợp thành Lời do Ðức Chúa Trời soi dẫn. Các sách của "Kinh điển Tân Ước " chính là những quyển được toàn thể Hội Thánh nhìn nhận là tác phẩm đích thực và chân chánh của các Sứ đồ.
Kinh Thánh Cựu Ước.-- Ðương thời Ðấng Christ, trong văn chương của dân Do-thái có một bộ sách gọi là "Kinh Thánh," và bây giờ gọi là "Cựu Ước," mà nhân dân kể là phát xuất từ nơi Ðức Chúa Trời. Họ gọi bộ sách ấy làLời Ðức Chúa Trời. Chính Ðức Chúa Jêsus cũng thừa nhận bộ sách ấy như vậy. Bộ sách ấy được đọc trước công chúng và được đem ra dạy thường xuyên trong các nhà hội của dân Do-thái.
Hội Thánh Ðấng Christ, ngay từ lúc đầu, đã công nhận Kinh Thánh của người Do- thái là Lời Ðức Chúa Trời, và trong các Hội nghị, đã dành cho Kinh Thánh ấy địa vị vốn có trong các nhà hội. Khi những tác phẩm của các Sứ đồ xuất hiện, thì đã được thêm vào Kinh Thánh của người Do-thái và cũng được coi là thánh như vậy. Mỗi chi hội chẳng những muốn có tác phẩm đã gởi cho mình, song cũng muốn có những tác phẩm đã gởi cho các chi hội khác.
Khởi đầu của Kinh điển Tân Ước.-- Chính trong Tân Ước có nhiều chỗ ngụ ý rằng đang khi các Sứ đồ còn sống và do chính họ giám thị, người ta đã bắt đầu sưu tầm tác phẩm của họ cho các chi hội và đem đặt ngang hàng với Cựu Ước, kể là Lời do Ðức Chúa Trời soi dẫn.
Phao-lô tự nhận rằng sự dạy dỗ của ông do Ðức Chúa Trời soi dẫn (I Cô-rinh-tô 2:7-13; 14:37; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).
Giăng cũng tự nhận như vậy cho sách Khải Huyền (Khải Huyền 1:2).
Phao-lô nhất định rằng thơ tín của ông phải được đọc trong các chi hội (Cô-lô-se 4:16; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:27; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:15).
Phi-e-rơ gởi thơ tín hầu cho "sau khi" ông "đi," các chi hội "có thể hằng nhớ điều" ông "đã nói" (II Phi-e-rơ 1:15; 3:1-2).
Phao-lô trưng dẫn một quyển sách của Tân Ước và gọi là "Kinh Thánh" (I Ti-mô-thê 5:18) - "Người làm công thì đáng được tiền công mình." Ta không thấy câu nầy ở sách nào trong Kinh Thánh, trừ ra ở Ma-thi-ơ 10:10 và Lu-ca 10:7. Ðó là bằng cớ tỏ ra rằng sách Ma-thi-ơ hoặc sách Lu-ca đã có khi Phao-lô viết thơ I Ti-mô-thê và đã được kể là "Kinh Thánh."
Phi-e-rơ sắp thơ tín của Phao-lô chung hàng với "các phần Kinh Thánh khác" (II Phi-e-rơ 3:15, 16).
Chúng ta không biết các Sứ đồ đã nhìn nhận tới mức nào rằng tác phẩm của họ sẽ trở thành một phần của Lời Ðức Chúa Trời được chép ra cho các thời đại tương lai. Họ đã viết nhiều thơ tín, và trong trí họ nghĩ đến những nhu cầu tức thời, chớ ít biết số phận các thơ tín ấy sẽ ra sao. Chúng tôi tin rằng chính Ðức Chúa Trời đã theo dõi vấn đề nầy, và theo đường lối riêng của Ngài, đã chọn định tác phẩm nào cần được bảo tồn.
Các sác Tân Ước đã xuất hiện lần đầu tiên ở đâu? Ma-thi-ơ, Gia-cơ, Hê-bơ-rơ (?) ở xứ Pa-lét-tin; Giăng, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Cô-lô-se, I và II Ti-mô-thê , Phi-lê-môn, I và II Phi-e-rơ , I, II và III Giăng, Giu-đe, Khải Huyền ở Tiểu-Á-tế-á; I và II Cô-rinh-tô , Phi-líp, I và II Tê-sa-lô-ni-ca, Lu-ca (?) ở Hy-lạp ; Tít ở Cơ-rết; Mác, Sứ đồ, Rô-ma tại kinh thành La-mã.
Pa-lét-tin, Tiểu-Á-tế-á, Hy-lạp và La-mã cách xa nhau nhiều lắm. Các sách của Cựu Ước đã phát xuất trong cương giới một xứ nhỏ bé; còn các sách của Tân Ước phát xuất tại những xứ cách xa nhau nhiều lắm.
Các bộ sách đầu tiên không đầy đủ.-- Thế giới thời đó không có hỏa xa, phi cơ và máy thâu, phát thanh như thế giới ngày nay. Sự du hành và giao thông rất chậm chạp và nguy hiểm. Hành trình mà thời nay chỉ mất mấy giờ, thì thời đó phải mất mấy tháng hoặc mấy năm. Thời ấy chưa có nghề in, và việc chép bằng tay rất chậm chạp, nhọc nhằn. Hơn nữa, đương thời ấy có sự bắt bớ, nên các tác phẩm quí giá của đạo Ðấng Christ phải được cất kỹ.
Mãi tới đời trị vì của Constantin, mới có các Giáo hội nghị và Hội đồng để các tín đồ ở các phương xa họp lại mà so sánh lời chú giải những tác phẩm họ có trong tay. Như vậy, lẽ tự nhiên, các bộ sách Tân Ước lâu đời nhứt khác nhau từ miền nọ đến miền kia, và phải mất nhiều thì giờ mới đi đến chỗ đồng quan điểm nhất định những sách nào thật thuộc về Tân Ước.
Các sách Tân Ước giả mạo.-- Ngoài các sách thuộc về "Kinh điển" Tân Ước, còn có nhiều sách khác, vừa tốt, vừa giả, mà ta sẽ nhận thấy trong những trang sau đây. Có sách hay và quí giá đến nỗi trải một thời gian, ở một vài miền, nó được coi là Kinh Thánh; có sách lại hoàn toàn giả mạo Tiêu chuẩn duy nhất để phán đoán một quyển sách trước khi tiếp nhận nó là: Nó có thật do các Sứ đồ trứ tác chăng? Ðiều tra như vậy không phải trong trường hợp nào cũng dễ dàng đâu, nhứt là đối với những sách ít ai biết và phát xuất tại một miền xa xôi.
Lời làm chứng lâu đời nhứt về các sách Tân Ước.-- Ngày nay chỉ có ít sách của các tín đồ còn sống đương thời đó, khi các Sứ đồ đã qua đời rồi; ấy vì vật liệu dùng để viết rất mau hư, lại cũng vì thời đó có sự bắt bớ Hội Thánh và tiêu diệt các tác phẩm của đạo Ðấng Christ. Nhưng dầu ít, nó cũng làm chứng quả quyết rằng đương thời ấy, có một bộ tác phẩm đầy đủ thẩm quyền mà tín đồ Ðấng Christ kể là "Kinh Thánh." Các sách ấy trưng dẫn hoặc tham chiếu rất nhiều câu trong bộ tác phẩm gọi là "Kinh Thánh" đó.
Clément ở La-mã, trong thơ tín gởi cho người Cô-rinh-tô (95 S.C.), có trưng dẫn hoặc tham chiếu các sách Ma-thi-ơ, Lu-ca, Rô-ma, I và II Cô-rinh-tô , Hê-bơ-rơ, I Ti-mô-thê, I Phi-e-rơ.
Polycarpe, trong thơ tín gởi cho người Phi-líp (khoảng 110 S.C.), có trưng dẫn thơ Phi-líp, và chép lại nhiều câu trong 9 thơ tín khác của Phao-lô và trong thơ I Phi-e-rơ. Ông nói rằng:"Tôi có nhận được thơ của anh em và củaIgnace gởi đến. Tôi sẽ gởi thơ của anh em đi Sy-ri, theo như anh em đã yêu cầu; tôi cũng gởi thư của Ignace cho anh em, cùng với mấy bức thơ khác, và thơ nầy của chính tôi." Lời nầy tỏ ra rằng đương thời Polycarpe, các chi hội đã bắt đầu thâu thập những tác phẩm của đạo Ðấng Christ.
Ignace, trong bảy bức thơ, viết khoảng 110 S.C., đang khi đi đường từ An-ti-ốt đến La-mã để chịu tuận đạo, có trưng dẫn sách Ma-thi-ơ, I Phi-e-rơ, I Giăng, và 9 thơ tín của Phao-lô. Các bức thơ của ông có in dấu ba sách Tin lành khác.
Papias (70 - 155 S.C.), một môn đệ của Sứ đồ Giăng, có viết sách nhan đề là: "Giải thích các bài giảng của Chúa," trong đó ông trưng dẫn sách Giăng và chép những truyền thoại về sách Ma-thi-ơ cùng sách Mác.
Quyển "Didache," viết khoảng năm 80 và 120 S.C., trưng dẫn sách Ma-thi-ơ 22 lần, tham chiếu các sách Lu-ca, Giăng, Sứ đồ, Rô-ma, I và II Tê-sa-lô-ni-ca, I Phi-e-rơ; cũng nói "sách Tin lành" là một tài liệu đã được chép ra.
Thơ tín của Ba-na-ba viết khoảng năm 90 và 120 S.C., có trưng dẫn các sách Ma-thi-ơ, Giăng, Công-vụ các Sứ đồ, II Phi-e-rơ, và dùng mấy chữ: "Có lời chép rằng..." Ðó là một cách nói thường chỉ áp dụng riêng cho Kinh Thánh.
"Người chăn chiên của Hermas," viết khoảng 100 hoặc 140 S.C., là cuốn "Thiên lộ lịch trình" của Hội Thánh thời xưa; có trưng dẫn thơ Gia-cơ và rất nhiều lần tham chiếu các sách khác của Tân Ước.
Tatien, khoảng 160 S.C., làm một bản "Hòa hiệp Bốn Sách Tin Lành," nhan đề là: "Diatessaron." Ðó là bằng cớ tỏ ra rằng bốn sách Tin Lành, và chỉ bốn thôi, thường được các chi hội nhìn nhận.
Justin Martyr (Tuận đạo), sanh ra khoảng năm Sứ đồ Giăng qua đời, trong sách "Biện giải" viết khoảng 140 S.C., có nói đến sách Khải Huyền và tỏ ra có biết sách Công-vụ các Sứ đồ và 8 thơ tín. Ông gọi các sách Tin lành là "Bút ký của các Sứ đồ," và nói rằng người ta đọc nó luân phiên với các sách "tiên tri" trong những cuộc nhóm họp của tín đồ Ðấng Christ.
Basilide, một tay theo tà giáo thuộc phái duy tri (Gnostique), đã giảng dạy tại thành Alexandrie dưới đời trị vị của Hadrien (117-138), và đã tự nhận là biết những truyền thoại bí mật lưu truyền từ đời các Sứ đồ. Trong khi viết sách để cố gắng làm sai lệch giáo lý của Ðấng Christ mà ai nấy đều công nhận, ông đã trưng dẫn các sách Ma-thi-ơ, Lu-ca, Giăng, Rô-ma, I Cô-rinh-tô, Ê-phê-sô, Cô-lô-se mà người ta đã nhìn nhận là Kinh Thánh của đạo Ðấng Christ.
Marion, một tay khác theo tà giáo, khoảng 140 S.C., để ủng hộ tà giáo của mình, đã tự đặt ra một kinh điển gồm các sách Lu-ca, Rô-ma, I và II Cô-rinh-tô , Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, I và II Tê-sa-lô-ni-ca, Phi-lê-môn.
Irénée (130-200 S.C.), một môn đệ của Polycarpe, trưng dẫn hầu hết các sách của Tân Ước và gọi là "Kinh Thánh." Ðương thời ấy, các sách của Tân Ước được gọi là "Tin Lành và các Sứ đồ," cũng như các sách của Cựu Ước được gọi là "Luật pháp và các tiên tri."
Tertullien (160-220 S.C.), ở Carthage, sống đương thời còn nguyên bản thảo của các thơ tín; ông gọi Kinh Thánh của đạo Ðấng Christ là "Tân Ước" (danh hiệu nầy xuất hiện lần đầu tiên trong văn phẩm của một tác giả vô danh khoảng 193 S.C.). Trong các tác phẩm của Tertullien còn đến ngày nay, có trưng dẫn 1800 câu Tân Ước. Trong sách nhan đề: "Chống bọn tà giáo," Tertullien có viết:
"Nếu anh em muốn sử dụng tánh tọc mạch một cách hữu ích cho vấn đề cứu rỗi linh hồn mình, thì nên đến thăm những nhà thờ của các Sứ đồ, tại đó ghế của họ còn đặt nguyên chỗ cũ; tại đó, người ta đã đọc những thơ tín chân chánh của họ, gợi lên tiếng nói và vẻ mặt của từng vị Sứ đồ. Anh em ở gần A-chai chăng? Anh em có thể đi tới Cô-rinh-tô . Nếu anh em ở gần xứ Ma-xê-đoan, thì có thể đi đến thành Phi-líp và Tê-sa-lô-ni-ca. Nếu anh em có thể đi đến xứ A-si, thì ghé Ê-phê-sô được. Nếu anh em ở gần xứ Ý-đại-lợi, thì ghé thành La-mã được.
Tân bản Muratorien, trứ tác tại La-mã, khoảng 170 S.C., trong có một bản liệt kê các quyển gọi là "Kinh Thánh" của đạo Ðấng Christ. Nó bỏ sót các thơ Hê-bơ-rơ, I và II Phi-e-rơ, Gia-cơ, nhưng thêm vào sách "Khôn ngoan" và sách "Khải Huyền" của Phi-e-rơ.
Bản Syriaque cũ, trứ tác khoảng giữa thế kỷ thứ 2 S.C., bỏ sót các thơ Gia-cơ, I và II Phi-e-rơ, I, II, và III Giăng, và sách Khải Huyền.
Bản La-tinh cũ, trứ tác khoảng giữa thế kỷ thứ 2 S.C., bỏ sót các thơ Hê-bơ-rơ, Gia-cơ và II Phi-e-rơ.
Origène (185-254), ở thành Alexandrie, là một học giả tin theo Ðấng Christ, đi rất nhiều, học rất cao, suốt đời chuyên chú nghiên cứu Kinh Thánh. Ông viết rất nhiều, có khi dùng đến 20 thư ký một lúc. Trong những tác phẩm của ông còn lại tới ngày nay, ta thấy trưng dẫn tới 2 phần 3 Tân Ước. Ông nhìn nhận 27 quyển của Tân Ước như ta có ngày nay, mặc dầu ông không biết chắc ai là tác giả thơ Hê-bơ-rơ, và tỏ ý nghi ngờ các thơ Gia-cơ, II Phi-e-rơ, II và III Giăng.
Những sách nào hợp thành Tân Ước? Do những đoạn dẫn chứng trên đây và do lời trưng dẫn của Eusèbe, ta sẽ thấy rằng trong một thời gian, có những ý kiến hơi khác nhau về sách nào được coi là thuộc về Kinh điển. Ðây, lý do giản dị của tình trạng ấy: Vì cớ phương tiện giao thông chậm chạp trên lãnh thổ bao la của đế quốc La-mã, và vì cớ cơn bắt bớ tàn ác kéo dài không dứt trong 300 năm, nên các chi hội không có lấy một cơ hội để thực hiện sự cố gắng khả quan, công khai và hợp lý, mong đạt tới chỗ toàn thể đồng ý về những sách nào thật có thẩm quyền của các Sứ đồ. Mãi tới đầu thế kỷ thứ 4, hoàng đế Constantin ra chiếu chỉ khoan dung tín ngưỡng, thì sự cố gắng ấy mới thực hiện được.
Còn những sách "khả nghi" thì sao?-- Nó vốn không phải là "khả nghi" ở những khu vực nó xuất hiện lần đầu tiên. Các nỗi khó khăn đương thời đó đã ngăn trở, khiến nó không được nhiều người biết trong một thời gian. Nó chậm được toàn thể tiếp nhận,-- đó là bằng cớ tỏ ra các chi hội rất thận trọng đối với những kẻ phỉnh gạt.

Cấu Tạo Tân Ước
Eusèbe (264-340 S.C.), Giám mục tại thành Sê-sa-rê, chuyên chép sử ký Hội Thánh, đã bị cầm tù, nhưng sống sót trong cơn bắt bớ tín đồ Ðấng Christ dưới đời trị vì của Dioclétien. Cơn bắt bớ nầy là sự cố gắng sau chót và tuyệt vọng của đế quốc La-mã để xóa bỏ Danh Ðấng Christ. Một mục đích đặt biệt của nó là tiêu diệt hết Kinh Thánh của đạo Ðấng Christ. Trải qua 10 năm, Kinh Thánh đã bị các cán bộ của đế quốc La- mã săn bắt và bị thiêu đốt tại những khu chợ công cộng. Trong những ngày khủng khiếp ấy, đối với tín đồ Ðấng Christ, vấn đề những sách nào hợp thành Kinh Thánh không phải là chuyện chơi đâu.
Eusèbe sống tới đời trị vì của Constantin, là hoàng đế tiếp nhận đạo Ðấng Christ, đặt làm tôn giáo của triều đình và đế quốc mình. Eusèbe trở thành trưởng ban cố vấn tôn giáo của Constantin. Một hành động đầu tiên củaConstantin khi lên ngôi là ra lịnh chép NĂM CHụC KINH THÁNH cho các chi hội tại Constantinople, do tay những ký lục tài khéo, trên giấy da bò non tốt nhứt, và phải dùng xe ngựa của nhà vua mà chở từ Sê-sa-rê đếnConstantinople. Trong lịnh gởi cho EusèbeConstantin viết rằng:
"Trẫm nghĩ nên chỉ thị cho ông khiến người ta chép 50 bản Kinh Thánh. Ông biết rằng sự cấp phát và sử dụng Kinh Thánh nầy là rất cần thiết cho cuộc giáo huấn Hội Thánh . Vậy, phải chép trên giấy da tốt, viết rõ ràng, dưới một hình thức tiện lợi, dễ đem theo, do tay của những ký lục hoàn toàn thông thạo.. Chiếu theo thơ nầy, ông cũng có quyền dùng hai chiếc xe ngựa công cộng để chở Kinh Thánh. Nhờ sắp đặt như vậy, sẽ có thể rất dễ dàng gởi các bản Kinh Thánh đã sao cẩn thận đến cho Trẫm khám xét. Có thể giao công việc nầy cho một viên chấp sự trong Hội Thánh của ông; khi tới đây, viên chấp sự ấy sẽ biết Trẫm rộng rãi dường nào. Hỡi người anh em yêu dấu, nguyện Ðức Chúa Trời gìn giữ ông!"
Tân Ước của Eusèbe gồm những sách nào? Ðúng là những sách ngày nay hợp thành Tân Ước.
Nhờ dày công nghiên cứu, Eusèbe biết rõ những sách nào đã được toàn thể Hội Thánh công nhận. Trong quyển "Sử ký Hội Thánh" do ông trứ tác, ông nói đến bốn loại sách:
1.-- Những sách đã được toàn thể nhìn nhận.
2.-- Những sách "đang tranh luận": Gia-cơ, II Phi-e-rơ, Giu-đe, II và III Giăng; những sách nầy dầu có gồm trong các bản Kinh Thánh của ông, song bị một số người nghi ngờ.
3.-- Những sách "giả mạo," trong số đó ông có ghi sách "Công vụ các sứ đồ" của Phao-lô, sách "người chăn chiên của Hermas," sách "Khải Huyền" của Phi-e-rơ, "Thơ tín của Ba-na-ba" và sách "Didache."
4.-- Những "tác phẩm giả mạo của bọn theo tà giáo": "Tin Lành của Phi-e-rơ," "Tin Lành của Thô-ma," "Tin Lành của Ma-thia," "Công vụ các sứ đồ" của Anh-rê, "Công- vụ các Sứ-đồ" của Giăng.
Giáo hội nghị tại Carthage (năm 397 S.C.) đã phê chuẩn 27 quyển Tân Ước như chúng ta được biết ngày nay. Giáo hội nghị nầy không thiết lập Tân Ước làm Kinh điển; song chỉ bày tỏ cái đã trở thành sự phán đoán chung của các chi hội, và nhìn nhận Quyển Sách được chỉ định làm Gia Tài Quí Báu Nhứt Của Loài Người.

Sự phê bình kim thời
Kinh Thánh, gồm cả Kinh điển Tân Ước có 27 quyển, đã được các Giáo phụ Hội Thánh đầu tiên nhìn nhận và, rốt lại, được Giáo hội nghị Carthage phê chuẩn. Như vậy, không còn nghi ngờ chi nữa, Kinh Thánh đã được giới tín đồ Ðấng Christ thừa nhận trải qua 1000 năm.
Vì tinh thần phê bình kim thời dấy lên, nên lại có cuộc điều tra căn nguyên và tánh cách chân chánh của các sách trong Kinh Thánh và của tất cả các sách từ thượng cổ.
Chữ "phê bình" đem áp dụng cho Kinh Thánh, là một danh từ hơi sai, mặc dầu nhiều kẻ tự phụ và bất kính thật đã phê bình Kinh Thánh; hơn nữa, danh từ ấy thường được dùng để chỉ về sự cố gắng của giới trí thức kim thời, hòng phá hoại thẩm quyền thiên thượng của Kinh Thánh. Nếu danh từ ấy có nghĩa là phê bình và bình tâm cứu xét các thực sự hoặc các thực sự dẫn chứng, cốt để thành thực tìm tòi chân lý trong lịch sử, thì nó rất tự nhiên, hữu lý, chánh đáng, và mở rộng sự hiểu biết Kinh Thánh của chúng ta.
Phê bình lịch sử.-- Sự phê bình nầy liên quan với tánh cách chân chánh của các sác Kinh Thánh, tức là: Ai đã trứ tác mỗi quyển sách? trứ tác khi nào? và mỗi quyển sách có phù hợp với lịch sử chăng?
Nói về các sách Tân Ước, thì đó chỉ là tại nêu lên vấn đề mà thế hệ các Giáo phụ Hội Thánh đầu tiên đã nêu lên để được giải đáp mỹ mãn. Sự cố gắng kiên quyết và uyên bác của các nhà phê bình kim thời để xác định tánh cách chân chánh của các sách Tân Ước, cũng chẳng hơn gì sự cố gắng của những thế hệ đương thời các sách ấy được phát hành lần đầu tiên. Quả thật, đối với các nhà phê bình thời xưa, họ ở cương vị tốt hơn để quyết định tánh chất của những sách đó. Ðoàn xe lửa chạy qua đã lâu rồi, mới toan làm cho nó trật đường rầy, thì chẳng phải chuyện dễ đâu. Chẳng bao lâu, người ta cũng khám phá được các văn phẩm giả mạo. Ngay khi một quyển sách xuất bản, người ta đã nhận biết nó có tánh cách lịch sử, hay chỉ là truyện bịa. Nếu tôi viết lịch sử cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ quốc và ký tên tác giả là George Washington, thì tôi có thể khiến ai tin rằng Washinton đã trứ tác chăng?
Có một điểm đáng tiếc ở các nhà phê bình đã loại bỏ quan niệm truyền thống về căn nguyên của các sách trong Kinh Thánh,-- ấy là họ tự nhận lấy cái độc quyền làm "học giả." Ý kiến của họ là "ý kiến chung của giới học giả." Phải chăng họ có trí óc hẹp hòi đến nỗi nghĩ rằng chỉ những ai theo lý thuyết của họ mới là học giả? Hay là họ ngu dốt đến nỗi không biết rằng rất nhiều học giả uyên thâm nhứt thế giới lại thuộc phái bảo thủ? Quan điểm không phải là dấu hiệu của học giả, nhưng chỉ là dấu hiệu của một loại trí óc. Quyển Sách Cổ yêu dấu đã trải qua bao cuộc phê bình, và lâu lắm sau khi các nhà phê bình đã bị lãng quên, nó vẫn còn được hàng bao nhiêu triệu người yêu mến, tôn kính. Sách quí báu thay!
Phê bình bản văn.-- Ðây là so sánh các bản thảo khác nhau để chứng minh đâu là đúng nguyên văn mà họ đã sao ra. Kết quả là bản Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ "Massocrétique" cùng bản Tân Ước tiếng Hy-lạp "Westcolt và Hort," về toàn thể, là nguyên văn Kinh Thánh đúng nhứt. Nghề in đã loại bỏ được nguy cơ sai lạc về bản văn.

Những Ngụy Kinh Tân Ước
Ðây là những sách Tin Lành, Công vụ các sứ đồ và các thơ tín huyền hoặc, giả mạo, bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ hai. Phần lớn giả mạo, và ngay từ lúc đầu đã bị nhận ra là giả mạo. "Những sách nầy đầy dẫy truyện tích phi lý và không xứng đáng về Ðấng Christ và các Sứ đồ, đến nỗi không hề được kể là do Ðức Chúa Trời mà ra, và không hề được sắp trong Kinh Thánh." Trong khi cố quyết thử lấp những khoảng trống của truyện tích Ðức Chúa Jêsus trong Tân Ước, người ta đã dùng điển cứ giả dối để lan truyền những ý niệm tà giáo."
Người ta biết rằng có chừng 50 sách "Tin Lành" giả mạo, ấy là chưa kể nhiều sách "Công vụ các sứ đồ" và "Thơ tín" giả mạo. Những tác phẩm giả mạo nầy nhiều quá, nên Hội Thánh đầu tiên rất cần phải phân biệt sự giả với sự thật.
Người ta nói rằng Mahomet, giáo chủ Hồi giáo, đã nhờ loại sách nầy phần lớn mà có những ý niệm về đạo Ðấng Christ. Loại sách nầy cũng là căn nguyên các giáo lý của Giáo hội La-mã.
Ta không nên lẫn lộn nó với tác phẩm của các "Giáo phụ Hội Thánh đầu tiên" có nói đến sau đây.
Dưới đây liệt kê những sách giả mạo được nhiều người biết nhứt:
Tin Lành của Ni-cô-đem.-- Thể hiện các "Hành động của Phi-lát," tức là bản được mạo nhận là chánh thức báo cáo cuộc xét xử Ðức Chúa Jêsus lên Hoàng đế Tibère, sáng tác nhằm thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 5. Hoàn toàn tưởng tượng.
Mở đầu Tin Lành của Gia-cơ.-- Tường thuật từ lúc Ma-ri sanh ra tới khi các con trẻ vô tội bị tàn sát. Những truyện tích nầy bắt đầu lưu hành ở thế kỷ thứ 2. Hoàn tất ở thế kỷ thứ 5.
Ma-ri biến hóa.-- Ðầy dẫy những phép lạ khó tin, mà tuyệt điểm là "thân thể không tì vít và quí báu" của Ma-ri được dời lên Thiên đàng. Sáng tác ở thế kỷ thứ 4, khi người ta bắt đầu thờ lạy Nữ đồng trinh.
Tin Lành theo người Hê-bơ-rơ.-- Thêm vào bốn sách Tin Lành trong Kinh điển; có ít nhiều lời phán mạo nhận là của Ðức Chúa Jêsus. Khoảng 100 S.C.
Tin Lành của phái Ebionite.-- Soạn thảo dựa theo bốn sách Tin lành, có lợi cho giáo lý của phái Ebionite. Giữa thế kỷ thứ 2 và thứ 4.
Tin Lành của người Ai-cập.-- Những cuộc đàm thoại tưởng tượng giữa Ðức Chúa Jêsus và Sa-lô-mê. Giữa khoảng 130 và 150 S.C. Do phái Sabellius sử dụng.
Tin Lành của Phi-e-rơ.-- Giữa thế kỷ thứ 2. Căn cứ trên bốn sách Tin Lành trong Kinh điển. Sáng tác để ủng hộ giáo lý của phái Docétique bài Do-thái.
Tin Lành giả mạo của Ma-thi-ơ.-- Một bản dịch giả mạo sách Ma-thi-ơ, về thế kỷ thứ 5, đầy dẫy các phép lạ Ðức Chúa Jêsus đã làm khi còn thơ ấu.
Tin Lành của Thô-ma.-- Thế kỷ thứ 2. Ðời sống của Ðức Chúa Jêsus, từ lúc 5 đến lúc 12 tuổi. Mô tả Ngài là Ðấng làm phép lạ để thỏa mãn tánh trẻ con thất thường của mình.
Ma-ri sanh ra.-- Một tác phẩm quyết tâm giả mạo để phát triển sự thờ lạy Nữ đồng trinh Ma-ri. Truyện tích thiên sứ hằng ngày đến viếng thăm Ma-ri. Cùng với sự dấy lên của chế độ Thủ lãnh kia, sách nầy được hoan nghinh nhiệt liệt.
Tin Lành Ả-rập về tuổi thơ ấu.-- Thế kỷ thứ 7. Truyện tích các phép lạ đang khi Chúa kiều ngụ ở Ai-cập. Dị thường cực điểm.
Tin Lành của Giô-sép, người thợ mộc.-- Thế kỷ thứ 4. Phát xuất từ Ai-cập. Cốt để tôn vinh Giô-sép.
Sách Khải Huyền của Phi-e-rơ.-- Những sự hiện thấy cố ý tạo ra về Thiên đàng và địa ngục mà Phi-e-rơ đã được xem. Eusèbe cho là "giả mạo."
Công vụ của Phao-lô.-- Giữa thế kỷ thứ 2. Một quyển tiểu thuyết cốt ghi khắc sự tiết dục vào trí óc người ta. Có chứa thơ tín gởi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô mà người ta giả định là đã thất lạc.
Công vụ của Phi-e-rơ.-- Cuối thế kỷ thứ 2. Một truyện tình của con gái Phi-e-rơ. Tương phản với sách "SimonMagus." Chứa truyện "Quo Vadis."
Công vụ của Giăng.-- Cuối thế kỷ thứ 2. Tường thuật một cuộc viếng thăm kinh thành La-mã. hoàn toàn tưởng tượng. Chứa một đoạn mô tả nhục dục làm cho ta kinh tởm.
Công vụ của Anh-rê.-- Truyện tích Anh-rê thuyết phục Maximilla hãy đoạn tuyệt với chồng nàng; kết quả là Anh-rê phải tuận đạo.
Công vụ của Thô-ma.-- Cuối thế kỷ thứ 2. Cũng như sách "Công vụ của Anh-rê," đây là một tiểu thuyết phiêu lưu, cốt khuyên bảo hãy tuyệt dục.
Thơ của Phi-e-rơ gởi cho Gia-cơ.-- Cuối thế kỷ thứ 2. Kịch liệt công kích Phao-lô. Một tác phẩm bịa đặt hoàn toàn, có lợi cho phái Ebionite.
Thơ từ Lao-đi-xê gởi tới.-- Tự nhận là bức thơ có nói đến ở Cô-lô-se 4:16. Thâu thập nhiều câu nói của Phao-lô.
Các thơ của Phao-lô gởi cho Sénèque.-- Gồm cả các thơ của Sénèque gởi cho Phao- lô. Một tác phẩm giả mạo ở thế kỷ thứ 4. Mục đích hoặc để giới thiệu đạo Ðấng Christ với các môn đệ của Sénèque, hoặc để giới thiệuSénèque với các môn đồ Ðấng Christ.
Ðặc điểm chính của những tác phẩm trên đây là nó hoàn toàn bịa đặt, song lại tự nhận là lịch sử. Phần lớn nó hoàn toàn phi lý đến nỗi sự giả mạo đã hiển nhiên.
Các thơ của Abgarus.-- Các thơ nầy có thể có căn bản thực sự một phần nào. Eusèbe tưởng vậy. Ông kể rằngArbarus, vua thành Edesse, lâm bệnh, và nghe nói về quyền phép của Ðức Chúa Jêsus. Vua bèn gởi thơ mời Ngài đến chữa lành cho mình, và Ngài gởi thơ trả lời rằng: "Ta cần phải làm xong những việc Ta được sai đến để làm, sau đó, Ta sẽ được tiếp lên với Ðấng đã sai Ta đến. Vậy, khi được tiếp lên Thiên đàng rồi, Ta sẽ sai một môn đồ tới chữa lành cho ngươi." Người ta kể rằng Tha-đê đã được sai đi, và được họ chỉ cho xem các bức thơ trong văn khố thành Edesse. Có lẽ Ðức Chúa Jêsus đã nhắn tin ấy, và họ chép lại.

Tác phẩm của các Giáo phụ Hội Thánh
Ta không nên lẫn lộn những tác phẩm nầy với những sách giả mạo kể ở mấy trang trước, trong những sách giả mạo ấy, tác giả lấy tên các Sứ đồ để làm cho người ta tin truyện tích hoang đường của họ.
Giáo phụ Hội Thánh là những người còn sống sau thế hệ các Sứ đồ. Chỉ có ít tác phẩm của họ còn lại đến ngày nay (chúng ta mong ước còn có nhiều hơn là dường nào!), vì vật liệu họ dùng để viết rất mau hư, và vì đương thời họ có sự bắt bớ dữ dội.
Nhưng dầu ít, nó cũng quí giá vô cùng, vì nó là vòng xích nối liền giữa các Sứ đồ và Lịch sử Hội Thánh về sau. Một vài tác phẩm thuộc loại nầy được coi quí đến nỗi ở ít nhiều địa phương, nó tạm thời được coi như là Kinh Thánh.
Thơ tín của Clément gởi cho tín đồ Cô-rinh-tô (95 S.C.). Clément làm Giám mục tại La-mã (91-100 S.C.), là bạn hữu của Phao-lô và Phi-e-rơ. Chắc ông có quen biết Sứ đồ Giăng. Ông viết thơ tín nầy trong năm Giăng bị đày ở đảo Bát-mô. Sử chép rằng ông bị lên án phải đi làm việc trong các hầm mỏ, và đã tuận đạo trong năm thứ 3 đời trị vì của Trajan. Người ta cho rằng có lẽ ông là "Cơ-lê-măn" chép ở Phi-líp 4:3.
Cơ hội viết thơ tín nầy là một cuộc chia rẽ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô , và một số trưởng lão ở đó bị đám thanh niên ham mến thế gian trục xuất. Thơ tín nầy viết nhơn danh Hội Thánh ở La-mã, đầy dẫy lời cao đẹp khuyên bảo phải khiêm nhường, và luận nhiều về sự sống lại. Thơ tín được quí chuộng tột bậc đến nỗi nhiều chi hội đem đọc công khai mãi tới thế kỷ thứ 4. Trong bản thảo Kinh Thánh "A-léc-xăn-đơ-ri," ta thấy nó ở cuối Tân Ước.
Thơ tín của Polycarpe gởi cho tín đồ Phi-líp (khoảng 110 S.C.). Polycarpe, môn đệ của Sứ đồ Giăng, Giám mục tại Si-miệc-nơ, đã viết nhiều bức thơ, nhưng chỉ có bức thơ nầy còn lại. Ông viết nó để trả lời bức thơ của tín đồ Phi-líp thỉnh vấn ông. Thơ tín nầy rất giống thơ tín của Phao-lô mà ông khuyên họ phải kê cứu cẩn thận.
Các thơ tín của Ignace (khoảng 110 S.C.). Ignace là môn đệ của Giăng, Giám mục tại thành An-ti-ốt; ông tuận đạo tại thành La-mã năm 110 S.C.. Trên đường từ An-ti-ốt đến La-mã, trải qua miền Tiểu-Á-tế-á, ông đã viết 7 thơ tín cho các chi hội Ê-phê-sô, MagnésieTrallie, Phi-la-đen-phi, Si-miệc-nơ, La-mã, và cho Polycarpe. Trong số ấy, Phao-lô đã gởi thơ tín cho hai chi hội, và Giăng (trong sách Khải Huyền) đã gởi thơ tín cho ba chi hội. Các thơ tín của Ignace đó đầy dẫy lời khuyên bảo êm ái, và tỏa ra tinh thần vui mừng, hớn hở của ông trước triển vọng sắp tuận đạo. Những thơ tín nầy nhấn mạnh vào sự tai hại của tà giáo và chia rẽ, lại cũng khuyên phải phục tòng các trưởng lão trong Hội Thánh.
Thơ tín của Ba-na-ba. Viết giữa khoảng 90 và 120 S.C.. Có người tưởng đây là Ba- na-ba trong Tân Ước, song có kẻ lại nghi ngờ điều đó. Ðây là một bức thơ chung, gởi cho hết thảy tín đồ Ðấng Christ, trong đó lược giải Kinh Thánh, đặc biệt cốt để chống lại sự quay về với đạo Do-thái. Ta thầy thơ tín nầy trong bản thảo Kinh Thánh "Sinaitique," ở cuối phần Tân Ước; vậy, tỏ ra nó được quí trọng lắm.
Các tàn bản của Papias. Papias là môn đệ của Giăng và Giám mục tại Hiérapolis. Ông tuận đạo gần cùng một lúc với Polycarpe. Ông viết một quyển: "Giải thích các bài giảng của Chúa," còn lưu lại tới thế kỷ thứ 13. Nhưng bây giờ chỉ còn lại ít đoạn trưng dẫn trong các sách của IrénéeEusèbe và một vài tác giả khác.
"Didache," hoặc "Sự dạy dỗ của 12 Sứ đồ," hoặc -- với một nhan đề dài hơn -- "Sự dạy dỗ của Chúa cho các dân ngoại bởi 12 Sứ đồ." Viết khoảng giữa năm 80 và 120, có lẽ lắm chừng 100 S.C.. Không phải thật là tác phẩm của các Sứ đồ, nhưng chỉ là một tác giả vô danh tuyên bố mình hiểu sự dạy dỗ của các Sứ đồ là gì. Nó giống như thơ tín của Gia-cơ. Các trứ giả trong Hội Thánh đầu tiên không nhìn nhận nó là Kinh điển, song cũng quí trọng nó lắm. Nó đầy dẫy những lời trưng dẫn của các sách Tân Ước.
Người chăn chiên của Hẹt-ma.-- Viết khoảng 100 hoặc 140 S.C.. Ðây là một tỷ dụ lâu đời nhứt về loại văn ngụ ngôn trong đạo Ðấng Christ, tức là quyển "Thiên lộ Lịch trình" của Hội Thánh đầu tiên, và đương thời ấy, nó cũng được hoan nghinh như vậy. Tác giả là người mộ đạo nồng nhiệt, và đã thấy những khải tượng mà ông viết trong sách nầy; ông nhấn mạnh vào sự ăn năn, đời thiêng liêng và sự tái lâm hầu gần của Chúa. Sách nầy được đọc trong nhiều chi hội cho đến thời Thánh Jérôme. Ta thấy nó trong bản thảo Kinh Thánh "Sinaitique," ở cuối phần Tân Ước. Nói rằng tác giả là Hẹt-ma ở Rô-ma 16:14, thì chỉ là đoán phỏng.
Biện giải của Aristide.-- Ông là một triết gia ở thành A-thên. Ông viết quyển: "Binh vực đạo Ðấng Christ," gởi cho Hadrien năm 125 S.C., và cho Antonin năm 137 S.C., thỉnh cầu hãy che chở tín đồ Ðấng Christ khỏi sự bắt bớ. Ông nói rằng: "Giới tín đồ Ðấng Christ đáng được phước hơn mọi người, vì họ có tín điều chân chánh, cao thượng, và vì đời sống họ trong sạch, từ thiện." Ðây là văn phẩm lâu đời nhứt mà ta được biết, của một triết gia dành cho đạo Ðấng Christ. Nó lại phát xuất từ A-thên, là "quê hương" của triết lý.
Justin Martyr.-- (100-167 S.C.). Một triết gia sau khi thử theo triết lý khắc kỷ (stoicisme), triết lý của Aristole,Pythagore, và Platon, ông đã tìm được sự thỏa mãn trong đạo Ðấng Christ. Ông viết các sách "Biện giải" gởi cho hoàng đế Antonin, để binh vực đạo Ðấng Christ và phản đối sự hành quyết ba tín đồ mà không xét xử hợp lệ. Ông cũng viết sách "Ðàm thoại với Trypho," tức là bài lý luận với một người Do-thái về Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si.
Thơ tín thứ hai của Clément.-- Giữa khoảng 120 và 140 S.C.. Ðây là một bài giảng. Không biết chắc có phải là cùng một Clément trên kia chăng. Không được quí trọng bằng thơ tín thứ nhứt.
Thơ tín của Diognetus.-- Sách binh vực đạo Ðấng Christ, do một tác giả vô danh tự nhận là "môn đệ của các Sứ đồ."

Các Bản Thảo
Theo chỗ chúng ta biết, thì bản thảo nguyên văn của hết các sách trong Tân Ước đều đã thất lạc.
Ngay từ lúc đầu, người ta đã khởi sự sao các tác phẩm quí báu ấy cho những chi hội khác. Hết thế hệ nầy tới thế hệ khác, người ta đã sao đi sao lại mỗi khi các bản sao cũ rách nát.
Vật liệu thường dùng để viết là giấy chỉ thảo (papyrus). Giấy nầy làm bằng những lát mỏng của một loại cây mọc dưới nước ở Ai-cập. Hai lát mỏng, một dọc, một ngang, được ép lại làm một, rồi đánh bóng. Mực thì làm bằng than, keo và nước.
Những tấm nhỏ dùng để chép bản văn ngắn. Muốn chép bản văn dài, họ dán nhiều tấm liền gốc nhau, làm thành một cuốn. Một cuốn thường dài chừng 10 thước tây, và cao chừng 23 hoặc 26 phân tây.
Nhằm thế kỷ thứ 2 S.C., người ta bắt đầu chép các sách của Tân Ước dưới hình thức sách vở ngày nay, tức là bất cứ bao nhiêu tờ cũng có thể đóng thành một quyển, có đánh số trang. Như vậy, một quyển có thể gồm nhiều sách Tân Ước hơn một cuốn trước kia.
Giấy chỉ thảo không bền lắm. Với thời gian, nó hóa ra dòn, hoặc vì ẩm mà mục đi, và chẳng bao lâu đã rách nát. Chỉ trừ ra ở Ai-cập, khí hậu khô ráo và bãi cát dời chuyển đã giữ một mớ tài liệu lạ lùng từ thượng cổ cho tới ngày nay, chúng ta khám phá được.
Nhằm thế kỷ thứ 4 S.C., giấy da bò non thay thế giấy chỉ thảo, làm vật liệu chánh yếu để biên chép. Giấy da bò non mỏng mịn và bền hơn bội phần, có thể đóng thành sách, chớ không phải cuốn nữa.
 Mãi sau đây mới khám phá được những cuốn sách bằng giấy chỉ thảo Ai-cập; ngoài ra, hết thảy bản thảo Kinh Thánh còn lưu truyền lại và ta được biết đều bằng giấy da bò non.
Khi máy in được phát minh nhằm thế kỷ thứ 15, thì người ta không còn dùng tay chép Kinh Thánh nữa.
Ngày nay, theo chỗ ta biết, có chừng 4000 bản thảo Kinh Thánh hoặc một phần Kinh Thánh, chép giữa khoảng thế kỷ thứ 2 và thế kỷ 15. Ðối với ta, dường như là ít, nhưng còn nhiều hơn bội phần bản thảo của bất cứ tác phẩm thượng cổ nào khác. Người ta không biết có một toàn bộ văn phẩm của Homère trước năm 1300 S.C., hoặc củaHérodote trước năm 1000 S.C..
Các bản thảo trên giấy da bò non mà ta được biết ngày nay đã được chép giữa khoảng thế kỷ thứ 4 và thứ 15. Người ta gọi nó là bản "hình chữ hoa La-mã" (oncial) và bản "viết tháu" (cursif). Bản "hình chữ hoa La-mã" viết bằng chữ hoa lớn. Có chừng 160 bản thuộc loại nầy, chép giữa thế kỷ thứ 4 và thứ 10. Bản "viết tháu" bằng chữ nhỏ thoăn thoắt liền nối với nhau, và chép giữa thế kỷ thứ 10 và thứ 15. Các bản "hình chữ hoa La-mã" quí giá bội phần hơn vì lâu đời hơn.
Ba bản thảo lâu đời nhứt, đầy đủ nhứt, nổi tiếng nhứt và quí giá nhứt, vẫn gọi là "Codices," là: bản "Sinaitique," bản "Vatican," và bản "A-léc-xăn-đơ-ri." Cả ba vốn là toàn bộ Kinh Thánh.
Bản thảo "Sinaitique." hoặc "Codex Sinaiticus," do một học giả người Ðức, tên là Tischendorf, tìm thấy năm 1844, tại tu viện Sainte Catherine, trên núi Si-na-i. Trong giỏ lá bỏ ra để đốt, ông nhận thấy những trang giấy da bò non viết chữ Hy-lạp. Xem xét kỹ hơn, ông nhận thấy là những phần bản thảo cổ của bộ Cựu Ước Septante, gồm 43 tờ. Ông hết sức tìm kiếm, nhưng không kiếm được chi hơn nữa. Năm 1853, ông trở lại tu viện ấy để tìm kiếm nữa, nhưng không thấy chi hết. Năm 1859, ông trở lại lần nữa. Ðang khi nói chuyện với viên quản gia về bảnSeptante, thì viên quản gia nhận thấy mình có một bản sao cổ đó, bèn đem ra; nó bọc kín trong một khăn ăn bằng giấy. Ðây là phần còn lại của bản thảo mà Tischendorf đã có 43 tờ từ 15 năm trước. Nhìn qua các trang giấy da bò non, ông nhận thấy mình cầm trong tay tác phẩm quí báu nhứt trên đời. Sau nhiều cuộc điều đình quốc tế lâu ngày, rốt lại, nó được nhường cho Thơ viện Ðế quốc tại thành phố Saint Pétersbourg (Nga). Nó cứ ở đó cho tới năm 1933, rồi được bán lại cho Anh quốc Bảo tàng viện với giá nửa triệu Mỹ kim. Nó gồm 199 tờ Cựu Ước và tất cả Tân Ước, luôn với "Thơ tín của Ba-na-ba" và một phần quyển "Người chăn chiên của Hẹt-ma." Phần nầy gồm 148 tờ, cộng là 347 tờ, viết rất đẹp trên giấy da bò non mịn mỏng nhứt; các tờ nầy bề dài chừng 40 phân, bề rộng chừng 36 phân, và chép vào phần đầu thế kỷ thứ 4. Ðó là bản thảo cổ duy nhứt có chứa cả Tân Ước. 43 tờ mà Tischendorf tìm được trong cuộc viếng thăm đầu tiên, hiện nay ở Thơ viện trường Ðại học Leipzig (Ðức).
Bản thảo Vativan.-- Chép nhằm thế kỷ thứ 4. Ðể tại Thơ viện Vatican từ năm 1481. Thiếu một vài đoạn Tân Ước. Bản nầy và bản Sinaitique là hai bản cổ nhứt và quí giá nhứt. Tischendorf cho rằng có lẽ cả hai do một người chép, và có lẽ ở trong số 50 bộ Kinh Thánh do Constantin truyền chép.
Bản "A-léc-xăn-đơ-ri." Chép nhằm thế kỷ thứ 5, tại thành Alexandrie (Ai-cập). Ðể tại Anh quốc Bảo tàng viện từ năm 1627. Toàn bộ Kinh Thánh, chỉ thiếu vài đoạn; cũng có các thơ tín của Clément và các Thi Thiên của Sa-lô-môn.
Các bản thảo khác.-- Bản "Ephraem," chép vào thế kỷ thứ 5, hiện nay ở Ba-lê (Pháp), gồm chừng một nửa Tân Ước. Bản "Beza," chép vào thế kỷ thứ 5, hiện nay ở trường Ðại học Cambridge (Anh), gồm 4 sách Tin Lành và sách Công vụ các sứ đồ. Bản "Washington," chép vào thế kỷ thứ 4, tìm thấy tại Ai-cập, năm 1906, hiện nay ở Thơ viện Smithsonian, kinh thành Hoa-thịnh-đốn, và gồm các sách Tin Lành.

KINH  THÁNH  IN
Sự sáng chế máy ấn loát bởi Jean Gutenberg, người Ðức, năm 1454 S.C., làm hạ giá và tăng số Kinh Thánh nhiều. Nó giúp cho Kinh Thánh lưu hành và có ảnh hưởng giữa quần chúng rất nhiều. Trước kia, Kinh Thánh đáng giá cả một năm công xá. Quyển sách Gutenberg in đầu tiên là Kinh Thánh. Một quyển trong số in đó hiện nay để ở Thơ viện Mỹ quốc tại Hoa-thịnh-đốn, giá mua là 350 ngàn Mỹ kim.

Các Bản Chỉ Thảo
Phát minh các bản chỉ thảo.-- Trong khi đào bới trung bộ Ai-cập, Flinders Petrie nhận thấy những tờ chỉ thảo cổ thời lẫn trong các đống rác chôn vùi dưới cát; ông bèn nghĩ rằng có lẽ nó quí giá lắm. Năm 1895, hai học trò của ông tại trường Ðại học Oxford, là Grenfell và Hunt, bắt đầu theo phương pháp mà tìm kiếm những bản chỉ thảo nầy. Trong mười năm sau, tại Oxyrhynchus và những miền phụ cận, họ tìm thấy 10.000 bản thảo và phần bản thảo. Các nhà khảo cổ khác cũng đào bới và tìm thấy rất nhiều bản thảo giống như vậy. Họ đào nó lên từ những đống rác bị cát phủ, những lớp nhồi trong hòm chứa xác ướp, và trong những xác cá sấu xức thuốc thơm. Phấn nhiều là thư từ, hóa đơn, biên lai, nhựt ký, chứng chỉ, niên lịch thông thư, v.v... Có một số tài liệu lịch sử quí giá, niên hiệu từ 2000 T.C.. Tuy nhiên, phần nhiều có niên hiệu từ 300 T.C. đến 300 S.C.. Trong số đó, có một ít tác phẩm của thời sơ khởi đạo Ðấng Christ; đó là điểm khiến người kê cứu Kinh Thánh chú ý đến nó.
Tàn bản của sác Tin Lành Giăng.-- Ðây là một mảnh giấy chỉ thảo nhỏ bé, dài chừng 9 phân, và rộng hơn 6 phân, một mặt chép Giăng 18:31-33, còn một mặt chép Giăng 18:37-38. So sánh hình chữ cái và văn thể với một số bản thảo có niên hiệu, các học giả cho nó ở phần đầu thế kỷ thứ 2. Ðó là bản thảo lâu đời nhứt mà ta được biết, và là chứng cớ tỏ ra rằng sách Tin Lành Giăng thật có và được lưu hành ở Ai-cập trong những năm ngay sau khi Giăng qua đời. Người ta tìm thấy nó năm 1920, và hiện nay để ở thơ viện Rylands, thành phố Manchester (Anh).
Các sách Tin Lành và sách Công vụ các sứ đồ.-- Trong số giấy chỉ thảo, có 30 tờ không toàn vẹn, chép một phần các sách Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng và Công vụ các sứ đồ, vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3. Ðây là một phần của bộ sách "Chester Beatty."
Các thơ tín của Phao-lô gồm 86 tờ (trong số 104 tờ đào bới được), chép các thơ Rô-ma, Hê-bơ-rơ, I và II Cô-rinh-tô, Ê-phê-sô, Ga-la-ti, Phi-líp, Cô-lô-se, I và IITê-sa-lô- ni-ca. Bộ nầy chép khoảng 200 S.C.. Thuộc trong bộ sách chỉ thảo "Chester Beatty."
Bộ sách "Chester Beatty" cũng có gồm một số bản thảo Sáng-thế Ký, Dân số ký, Phục truyền luật lệ ký, Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, Ða-ni-ên, Ê-xơ-tê, và chừng một phần ba sách Khải Huyền. Bộ sách nầy được công bố năm 1931. Một phần thuộc về trường Ðại học Michigan. Nó được coi là công trình phát minh bản văn Kinh Thánh quan trọng hơn hết kể từ khi phát minh bản thảo Sinaitique; và nó là bằng cớ quí giá tỏ ra rằng các sách của Tân Ước là chân chánh và toàn vẹn.
Bộ sách "Logia." Ngoài nhiều mảnh giấy chỉ thảo chép những đoạn sách Kinh Thánh, còn có các mảnh chép "Lời phán của Ðức Chúa Jêsus" từ trước tới nay chưa từng có ai chép, và rất thịnh hành trong thế kỷ thứ 3. Cũng có các mảnh chép nhiều đoạn của một sách Tin Lành vô danh, đối chiếu với 4 sách Tin Lành Kinh điển; và các mảnh khác chép những biến cố tương tự trong đời Ðức Chúa Jêsus.
Ngôn ngữ của các bản giấy chỉ thảo.-- Adolph Deissman, Một học giả Ðức, nhận xét rằng chữ Hy-lạp trên các bản chỉ thảo giống như chữ Hy-lạp của Tân Ước, chớ không phải chữ Hy-lạp cổ điển thời Périclès. Trong tiếng Hy-lạp của Tân Ước, có 500 chữ không thấy trong tiếng Hy-lạp cổ điển. Sự phát minh Tân Ước viết bằng thứ tiếng nhật dụng của thường dân đã thúc đẩy người ta phiên dịch Tân Ước ra ngôn ngữ kim thời ít lâu nay.

Các Bản Dịch Cổ Thời
Cựu Ước viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Tân Ước viết bằng tiếng Hy-lạp. Một bản dịch Cựu Ước ra tiếng Hy-lạp, gọi là "Septante," thực hiện vào thế kỷ thứ 3 T.C., được thông dụng đương thời Ðức Chúa Jêsus. Thời ấy, tiếng Hy-lạp thông dụng khắp đế quốc La-mã.
Bản Syriaque(1) cổ thời.-- Phiên dịch vào thế thứ 2 S.C., để cho người Sy-ri dùng. Không còn bản thảo nào toàn vẹn.
Bản Peshito Syriaque.-- Phiên dịch vào thế kỷ thứ 4. Căn cứ vào bản Syriaque cổ thời, và hoàn toàn thay thế bản ấy. "Peshito" nghĩa là "giản dị". Về sau, còn có nhiều bản dịch Syriaque khác nữa.
Bản La-tinh cổ thời.-- Phiên dịch vào thế kỷ thứ 2. Phần Cựu Ước không dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng từ bảnSeptante.
Bản Vulgate.-- Tức là nhuận chánh bản La-tinh cổ thời, do Thánh Jérôme thực hiện (382-404 S.C.). Phần Cựu Ước, trừ các Thi Thiên, đã được dịch thẳng từ tiếng Hê-bơ-rơ. Nó trở thành Kinh Thánh của Tây phương trong 1000 năm.
Bản Coptique.-- Ðây là thứ tiếng bình dân ở Ai-cập. Dịch vào thế kỷ thứ 2 S.C.. Theo sau còn có nhiều bản dịch nữa.
Các bản dịch khác.-- Vào thế kỷ thứ 4, có bản Ê-thi-ô-bi và Gothique. Vào thế kỷ thứ 5, có bản Arménien, vào thế kỷ thứ 9, có bản Ả-rập và Slave (Ðông Âu).
Khi chế độ Thủ lãnh kia bành trướng, thì Kinh Thánh hoàn toàn bị loại bỏ, vì bị thay thế bởi những sắc lịnh và tín điều do các Giáo hội nghị và các Thủ lãnh kia ban bố.
Với cuộc Cải chánh Tin Lành, người ta lại chú ý đến Kinh Thánh; cho đến ngày nay, thì Kinh Thánh hoặc phần Kinh Thánh đã được dịch ra hơn 1000 thứ tiếng và thổ ngữ. Ước lượng ngày nay, 9 phần 10 dân số trên thế giới có thể đọc hoặc nghe Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

Các Bản Dịch Ra Tiếng Anh
Caedmon (676 S.C.), Bede (672-735), Alfred đại đế (849-901), đã dịch nhiều phần ngắn của Kinh Thánh ra tiếng Anglo-Saxon. Theo sau còn ít người thử dịch từng đoạn.
Kinh Thánh của Wycliffe (1382 S.C.).-- Ðây là bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Anh. Dịch từ bản Vulgate. Ðây chỉ có bản thảo, vì đã dịch trước khi phát minh máy in. Không được lưu hành rộng rãi, nhưng đã tới tay nhân dân, và là một trong những yếu tố mở đường cho cuộc Cải chánh Tin Lành. Thủ lãnh kia chống đối ông. Ông bị dứt phép thông công và sau khi qua đời, hài cốt ông bị đốt và quăng xuống sông.
Kinh Thánh của Tyndale (1525).-- Dịch từ nguyên văn Hê-bơ-rơ và Hy-lạp. Ðúng hơn Kinh Thánh của Wyclif. Bị bắt bớ, Tyndale bỏ nước Anh, chạy qua Hambourg, rồi tới Cologne và Worms, là nơi bản Tân Ước của ông được in và chở lậu vào nước Anh trong những bao hàng hóa. Vì cớ dịch Kinh Thánh ra tiếng mẹ đẻ, ông bị giới linh mục ra lịnh thiêu chết ngày 6-10-1556.
Kinh Thánh của Coverdale (1535).-- Dịch từ tiếng Hà-lan và tiếng La-tinh. Sau đó có Kinh Thánh của Rogers(1537), sao lại hầu hết Kinh Thánh của Tyndale; và có "Kinh Thánh Lớn" (1539), là bản góp nhặt ba quyển Kinh Thánh của TyndaleRogers và Coverdale.
Bản Kinh Thánh Genève (1560).-- Do một số học giả Tin Lành đã chạy trốn qua Genève. Phần lớn dựa vào Kinh Thánh của Tyndale, và có những bí chú thiên mạnh về phái Calvin. bản Kinh Thánh nầy rất được hoan nghinh, sau đó có bản "Kinh Thánh của Giám mục" (1568), được phép dùng trong Giáo hội Anh quốc.
Bản Kinh Thánh của vua James (1611).-- Do vua James ra lịnh phiên dịch, cốt để sự cuộc thờ phượng của xứ Tô-cách-lan thuộc Trưởng lão hội và của nước Anh thuộc Thánh-công-hội được đồng nhứt.Ðây là nhuận chánh các bản dịch dựa vào Kinh Thánh của Tyndale. Suốt 300 năm, bản nầy là Kinh Thánh gia đình của thế giới nói tiếng Anh.
Cuộc nhuận chánh Anh-Mỹ (1881-1885).-- Công tác của 51 học giả Anh và 32 học giả Mỹ. Việc nầy trở nên cần thiết vì một vài danh từ Anh thay đổi ý nghĩa, và vì muốn có một bản văn thuần túy hơn. Nó theo bản dịch của vua James, trừ ra chỗ nào có một danh từ cần thay đổi. năm 1901 có phát hành một bản Mỹ, thể hiện những sự thay đổi nhỏ nhặt mà "Ủy ban Nhuận chánh Mỹ" muốn có. Năm 1952, lại phát hành một bản nhuận chánh nữa, đặt tên là "Bản Nhuận chánh Tiêu chuẩn" (Revised Standrad Version).
Những chữ in nghiêng trong các bản Kinh Thánh tiếng Anh tỏ ra rằng chữ đó không có trong nguyên văn, song đã thêm vào cho ý nghĩa được đầy đủ.
Ðoạn và câu vốn không có trong nguyên văn, nhưng đã do Hồng y Giáo chủ Caro (1236 S.C.) và Robert Stephens (1551 S.C.) thêm vào.

Các Bản Dịch Ra Ngôn Ngữ Kim Thời
Người ta đã cố gắng nhiều lần, nhiều cách để diễn lại trong ngôn ngữ của chúng ta(1) cho đúng ý tưởng của nguyên văn. Dưới đây xin kê khai những bản dịch danh tiếng hơn hết thuộc loại nầy. Dầu nó chiếu sáng vào một vài đoạn, và một vài câu của nó thật là "châu ngọc hoàn toàn," nhưng ít ra là đối với một số trong vòng chúng ta, về toàn thể, nó chỉ là thử nói những điều giống nhau bằng một lối khác.
Tân Ước thế kỷ 20.-- Ðây là bản dịch thứ nhứt ra ngôn ngữ kim thời, có tánh cách bình dân. Phát hành năm 1898. Do chừng 20 học giả Anh phiên dịch. Ðược coi là bản dịch rất đúng.
Tân Ước của Weymouth.-- Ông là một người thuộc hội Baptiste nước Anh, không có chức Mục sư. Phát hành năm 1903, sau khi ông qua đời. Do một số người khác nhuận chánh năm 1924 và 1933.
Toàn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Anh kim thời, của Fenton.-- Ferrar Fenton là một người Anh rất giàu có. Trải qua lâu năm, ông chỉ đọc nguyên văn Kinh Thánh, hầu cho bản dịch của mình khỏi chịu ảnh hưởng những bản dịch khác. Phát hành năm 1903.
Bản dịch của Moffatt.-- Moffatt là người Tô-cách-lan, làm giáo sư trường Thần học Liên hiệp ở Nữu-ước (Mỹ) từ năm 1927. Ông phát hành bản Tân Ước năm 1913, bản Cựu Ước năm 1924, toàn bộ Kinh Thánh năm 1926 và 1935.
Bản Tân Ước Ballantine.-- Ông là Mục sư Hội Tự trị Giáo đoàn (Congregational), và làm hiệu trưởng trường Thần đạo Oberloin. Phát hành năm 1923.
Smith và Goodspeed.-- Goodspeed là giáo sư trường Ðại học Chicago (Mỹ), phát hành Tân Ước năm 1923. J.M.Powis Smith cũng là Giáo sư trường Ðại học Chicago, phát hành bản dịch Cựu Ước năm 1923, với sự hợp tác củaGordon, Giáo sư trường Ðại học McGillMeek, giáo sư trường Ðại học Toronto, và Waterman, giáo sư trường Ðại họcMichigan. Năm 1931, hai bản Tân, Cựu ước nầy hợp một và gọi là: "Bản dịch tiếng Mỹ." Không nên lẫn lộn bản nầy với "Bản Tiêu chuẩn tiếng Mỹ của Kinh Thánh nhuận chánh."
Tân Ước đệ bách chu niên của Montgomery.-- Phát hành năm 1924. Bà Montgomery, ở thành phố Rochester(tiểu bang Nữu Ước), là Chủ tịch Hội đồng của Hội Thánh Baptiste phía Bắc nước Mỹ, năm 1924. Bản Tân Ước của bà là văn phẩm kỷ niệm đệ bách chu niên Hội Xuất bản Baptiste Mỹ quốc.
Tân Ước bằng tiếng Anh căn bản.-- Ðây là bản dịch ra ngôn ngữ kim thời mới nhứt. Phát hành năm 1941. Do ông S.H.Hooke, giáo sư trường Ðai học Luân Ðôn, phiên dịch với sự cộng tác của 8 học giả trứ danh. Chỉ dùng 1000 danh từ đơn sơ nhứt của Anh ngữ. Tân Ước nầy đã được toàn thể báo chí Tin lành nhiệt liệt tán thưởng. Xin nhớ rằng "Tiếng Anh căn bản" là một hình thức giản dị hóa của Anh văn, do ông C.K.Ogden, giáo sư Ðại học đườngCambridge (nước Anh), soạn thảo, nhờ đó, với 850 danh từ, người ta có thể phát biểu bất cứ điều gì thường nói bằng tiếng Anh.



(1) Tức là tiếng Araméenne thông dụng trong xứ Sy-ri thời xưa.
(1) Tác giả muốn nói: Tiếng Anh.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.