CHƯƠNG TRÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC BÀY TỎ

CHƯƠNG TRÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC BÀY TỎ
Kinh Thánh: Giăng 19:16-37
Câu gốc: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).
Mục đích: Cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã bày tỏ chương trình của Ngài qua con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ và qua việc Ngài đối với dân Ngài.
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
SỰ KHÔNG VÂNG PHỤC CỦA DÂN Y-SƠ-RA-ÊN
(Lê 26:27-34; Nê-hê-mi 9:26-29)
Thứ Hai:
GIẤC MƠ CỦA ÔNG VUA
(Đa-ni-ên 2:1-18)
Thứ Ba:
TRUYỆN TÍCH CÂY THẬP TỰ
(Giăng 19:16-37)
Thứ Tư:
ĐẤNG CHRIST SỐNG LẠI
(Giăng 20:1-18)
Thứ Năm:
ĐẤNG CHRIST LÀ ĐẤNG TRUNG BẢO
(Ê-phê-sô 2:13-22)
Thứ Sáu:
HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN
(Công-vụ 2:1-21)
Thứ Bảy:
ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
(Rô-ma 3:21-23)

Hôm nay chúng ta ôn lại bài đã học quý II (tam cá nguyệt II). Nếu cần, chúng ta hãy cùng nhau mở các bài ấy ra để xem lại để hiểu thêm và nhớ. Xem cái cũ biết cái mới. Sau khi được giải phóng khỏi Ê-díp-tô, dân Y-sơ-ra-ên qua Biển Đỏ vào đồng vắng. Tại đó, họ được Chúa ban luật pháp. Trong luật đó có Luật luân lý hay Luật đạo đức như mười điều răn, cũng có luật lễ nghi hay luật thờ phượng, dân Y-sơ-ra-ên được tha thứ, được giao thông cùng Chúa (Xuất 25:8; 19:45-46; Phục-truyền 12:11)
Bốn mươi năm trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên ở dưới sự hướng dẫn của Môi-se. Khi vào Ca-na-an, phân chia sản nghiệp, dân Y-sơ-ra-ên ở dưới sự hướng dẫn của Giô-suê. Khi Giô-suê qua đời, dân Y-sơ-ra-ên ở dưới sự hướng dẫn của các quan xét. Sau thời các quan xét, dân Y-sơ-ra-ên xin lập một vương quốc. Thế là từ đó họ đã thay đổi, từ chính thể thần quyền sang chính thể quân chủ.
I. VƯƠNG QUỐC Y-SƠ-RA-ÊN
Vị vua thứ nhất của Y-sơ-ra-ên là Sau-lơ, Sau-lơ đã khởi sự rất tốt song kết thúc trở nên rất xấu. Vì vậy, Phao-lô đã khuyên: “Anh em đã nhận Chúa Jêsus Christ thể nào, hãy bước đi trong Ngài thể ấy” (Cô-lô-se 2:6).
Đa-vít, vị vua thứ hai cũng là vị vua tốt nhất của Y-sơ-ra-ên. Dầu ông đã phạm tội, nhưng đã hết lòng ăn năn (Thi 51). Trong thời kỳ cai trị của ông, nước Y-sơ-ra-ên phú cường lắm.
Vị vua thứ ba của Y-sơ-ra-ên là Sa-lô-môn, con vua Đa-vít. Khi còn trẻ, Sa-lô-môn rất tốt, song khi già, ông bị các bà vợ ngoại đạo cám dỗ thờ lạy hình tượng tà thần. Khi Sa-lô-môn qua đời, nước Y-sơ-ra-ên bị chia làm hai: Miền Bắc do Giê-rô-bô-am làm vua cai trị 10 chi phái, lấy tên nước là Y-sơ-ra-ên, miền nam do Rô-bô-am, con trai Sa-lô-môn làm vua cai trị 2 chi phái Giu-đa và Bên-gia-min, lấy tên nước là Giu-đa. Các vua của hai miền đó đã phạm tội cùng Chúa, song các vua miền nam đỡ hơn, nên thỉnh thoảng có cơn phục hưng đạo đức tại đó. Vua hai miền thường tranh chiến với nhau, mặc dù miền Bắc dân đông gấp hai, đất rộng gấp ba miền Nam.
Nước Y-sơ-ra-ên miền Bắc có 19 đời vua nối ngôi cai trị 210 năm. Đức Chúa Trời đã dùng các Đấng tiên tri cáo trách tội lỗi và kêu gọi dân chúng ăn năn, song họ vẫn ngoan cố, chống đối. Kết quả: Năm 722 TC, đạo quân Asyri xâm chiếm cả nước, bắt dân Y-sơ-ra-ên đày qua Asyri rồi đem các dân tộc khác đến ở tại Sa-ma-ri, thủ đô nước Y-sơ-ra-ên (IICác Vua 17:16,24). Phần đông dân Y-sơ-ra-ên không thừa nhận dân tại Sa-ma-ri là dân Y-sơ-ra-ên, mà cứ gọi là dân Sa-ma-ri và không chịu giao thiệp với họ.
Nước Giu-đa miền Nam có 20 đời vua, nối ngôi và cai trị 344 năm, Đức Chúa Trời đã dùng nhiều tiên tri kêu gọi họ ăn năn, song họ cũng không tỉnh thức để thoát khỏi tình trạng đau thương như dân Y-sơ-ra-ên miền Bắc. Vì vậy, năm 579 TC, đạo quân Ba-by-lôn xâm chiếm cả nước, bắt dân Giu-đa đày qua Ba-by-lôn (IICác Vua 24:14-16; 25:2-21). Sau 70 năm bị lưu đày, dân Y-sơ-ra-ên được trở về tổ quốc.
Kể từ khi bị đày qua Asyri và Ba-by-lôn, dân hai miền đã mất quyền tự chủ, phải bị Ba-by-lôn, Mê-đô-ba-tư , Hy Lạp và La-mã thay nhau cai trị (đô hộ). Dầu họ có vua, song chỉ là vua chư hầu như Hê-rốt. Mãi cho đến năm 1948, họ mới được độc lập cho đến ngày nay.
Tất cả hậu quả trên đều do lìa bỏ Chúa mà ra. “Tội ác ngươi sẽ sử phạt ngươi, sự bội nghịch ngươi sẽ trách ngươi, nên ngươi khá biết và thấy rằng lìa bỏ Đức Giê-hô-va ngươi, và chẳng có lòng kính sợ ta, ấy là một sự xấu xa cay đắng…” (Giê-rê-mi 2:19).
II. VƯƠNG QUỐC ĐẤNG CHRIST
Trước khi Đấng Christ đến, sứ giả của Ngài là Giăng Báp-tít đã báo tin và kêu gọi: “Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.” Những người đã ăn năn đều được Giăng làm phép Báp-têm để chuẩn bị đón tiếp Cứu Chúa, cũng là vua Y-sơ-ra-ên. Đồng thời Giăng giới thiệu Jêsus là cao trọng hơn ông đến nỗi ông không đáng mở dây giày cho Ngài. Ông làm Báp-têm bằng nước, còn Ngài làm Báp-têm bằng Thánh Linh và bằng lửa. Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi (Ma-thi-ơ 3:1-12; Giăng 1:29).
Khi bắt đầu chức vụ, Chúa Jêsus đã giảng giải luật pháp của nước Ngài (Ma-thi-ơ 5:7). Kế đó, Ngài làm nhiều phép lạ như chữa lành các thứ tật bệnh và đuổi quỷ trong giây phút qua lời phán của Ngài. Ngài quở bão tố yên lặng, đi bộ trên mặt biển, hóa bánh ra nhiều, kêu kẻ chết sống lại. Ngài làm các điều đó để chứng minh Ngài là Vua của Y-sơ-ra-ên (Đa-ni-ên 7:14). Đồng thời, Ngài giữ trọn luật pháp một cách không chỗ trách được. Thế mà chính quyền Do Thái lại chối bỏ Ngài, rồi bắt nộp cho chính quyền La-mã.
Nước của Chúa Jêsus Christ không thuộc về thế gian nầy (Giăng 6:15; 18:36). Ngài là Vua cai trị trong lòng của mọi thần dân Ngài (Lu-ca 17:20, 21). Ngài không giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách cai trị của La-mã, mà giải phóng toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi (Ma-thi-ơ 1:21), để họ trở thành một dân thuộc về Ngài (Tít 2:14).
Vì không hiểu như vậy nên chính quyền Do Thái và chính quyền La-mã hiệp nhau đóng đinh Jêsus trên thập tự giá. Song chính quyền Do Thái và chính quyền La-mã là ai mà có thể giết chết Chúa Jêsus? Vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, còn họ là những tạo vật của Ngài. Chúa phán: “Chẳng có chi cất sự sống ta đi, song ta tự phó cho; ta có quyền phó sự sống và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh này nơi Cha ta” (Giăng 10:18). Vậy Ngài đã tình nguyện chịu chết đền tội để giải phóng nhân loại khỏi ách của ma quỷ, khỏi kết quả của tội lỗi và quyền lực của nó, để làm vua đời đời trong một nước thánh khiết.
III. ĐỨC THÁNH LINH GIÁNG LÂM
Sau khi Chúa Jêsus về trời, Đức Thánh Linh giáng lâm để thành lập Hội Thánh, tức là đem cứu ân của Chúa Jêsus mà ứng dụng vào đời sống con người. Ngài cáo trách tội lỗi để tội nhân ăn năn (Giăng 16:8-11). Ngài ban cho họ đức tin để tiếp nhận Jêsus làm Cứu Chúa (Giăng 16:13-15). Ngài tái tạo tội nhân trở nên con cái Đức Chúa Trời (Giăng 3:3-5; Tít 3:5). Ngài giải phóng tín đồ khỏi quyền lực tội lỗi (Rô-ma 8:2), Ngài làm cho tín đồ được mạnh mẽ trong lòng (Ê-phê-sô 3:16). Ngài dẫn dắt tín đồ trong mọi bước đi (Rô-ma 8:14). Ngài ngự trong lòng của tín đồ để chứng cho họ biết rằng họ là con cái Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:16). Ngài ban ân tứ cần thiết để tín đồ hầu việc Ngài trong Hội Thánh.
Đó là chương trình của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ trải qua các thời đại. Chương trình đó là cứu rỗi nhân loại qua sự chết đề tội và sự sống lại của Chúa Jêsus. Đó là ân điển ban cho mọi kẻ tin.
CÂU HỎI
1.      Luật pháp Môi-se được chia ra làm hai phần nào?
2.      Ban đầu dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời cai trị qua các nhân vật nào?
3.      Sau đó dân Y-sơ-ra-ên xin được ai cai trị họ?
4.      Vua thứ nhất của nước Y-sơ-ra-ên là ai? Thứ hai là ai? Thứ ba là ai?
5.      Nước Y-sơ-ra-ên đã bị chia ra làm hai thế nào? Ai cai trị miền Bắc? Ai cai trị miền Nam? Mỗi miền bao nhiêu chi phái?
6.      Tại sao dân hai miền phải bị xâm chiếm, và phải bị lưu đày?
7.      Chúa Jêsus đã làm gì để chứng minh Ngài là vua của Y-sơ-ra-ên, Cứu Chúa của nhân loại?
8.      Tại sao dân Do Thái nộp Ngài để chịu giết?
9.      Chính quyền Do Thái và La-mã có thể giết Chúa Jêsus không? Tại sao?
  1. Đức Thánh Linh giáng lâm để làm gì? Hãy kể ra các công việc của Ngài?  

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.