Cuộc Cải Chánh 2

Sử Ký Hội Thánh 16
Cuộc Cải Chánh 2
Tại Thụy-sĩ, đất lịch sử của tự do, cuộc Cải chánh đã do Zwingli nhóm lên và Calvin tiếp tục. Năm 1549, các môn đệ của họp lại thành "Hội Thánh Cải chánh." Các cuộc Cải chánh của họ táo bạo hơn của Luther.
Zwingli (1484-1531). Ông sanh trưởng ở thành Zurich; khoảng năm 1516, ông sanh lòng tin quyết rằng Kinh Thánh là phương pháp tẩy uế Giáo hội. Năm 1525, thành Zurich chánh thức tiếp nhận sự giảng dạy của ông, và lần lần bãi bỏ phiếu ân xá, lễ Mi-sa, sự độc thân của hàng giáo phẩm, ảnh tượng và dùng Kinh Thánh làm điển cứ duy nhứt.
Jean Calvin (1509-1564), người Pháp, năm 1533, nhìn nhận sự giảng dạy của phái Cải chánh. Năm 1534, ông bị đuổi khỏi đất Pháp, và năm 1536, tới Genève. Tại đó, trường Ðại học của ông trở thành trung tâm trọng yếu của đạo Tin Lành, hấp dẫn các học giả từ nhiều nước đến. Ông được xưng là "nhà thần học trứ danh hơn hết trong đạo Ðấng Christ." Renan gọi ông là "người giống Ðấng Christ hơn hết trong cả thế hệ mình." Hơn mọi người khác, ông đã hướng dẫn tư tưởng của giới Tin Lành.
Tại Hòa-lan, cuộc Cải chánh sớm được tiếp nhận, trước là giáo lý Luther, sau là giáo lý Calvin. Giáo pháiAnabaptiste cũng đã đông đúc. Giữa khoảng 1513 và 1531, đã ấn hành 25 bản dịch Kinh Thánh ra tiếng Hòa-lan,Flamand và Pháp. Hòa-lan là một phần lãnh thổ của Charles V. Năm 1522, vua nầy thiết lập Tôn giáo Pháp đình, và truyền lịnh đốt hết tác phẩm của giáo phái Luthérien. Năm 1525, ông cấm các cuộc hội họp tôn giáo tại đó có đọc Kinh Thánh. Năm 1546, ông cấm in hoặc tàng trữ Kinh Thánh, hoặc bản Vulgate, hoặc bản phiên dịch cũng vậy. Năm 1535, ông ra sắc lịnh "xử thiêu" những người thuộc giáo phái AnabaptistePhilippe II (1566-1598), người kế vịCharles V, lại công bố các sắc lịnh của cha mình, và với sự trợ giúp của dòng Jésuite, đã tiếp tục bắt bớ hung hăng hơn nữa. Bởi một bản án của Tôn giáo Pháp đình, toàn dân đã bị kết tử hình; dưới đời Charles V và Philippe II, hơn 100 ngàn người đã bị tàn sát cách hung bạo không sao tưởng tượng được. Có kẻ bị xiềng xích vào cây trụ gần đống lửa, và lần lần bị quay chết; có kẻ bị bỏ vào ngục tối, bị đánh đòn, bị tra khảo kinh khủng, rồi mới thiêu chết. Phụ nữ bị chôn sống, bị nhận vào quan tài nhỏ quá, bị kẻ hành quyết giày đạp dưới chơn. Những kẻ toan trốn đi nước khác thì bị quân lính chận bắt và tàn sát. Sau nhiều năm không kháng cự và chịu sự hung tàn không tưởng tượng được, các tín đồ Tin Lành ở Hòa-lan bèn liên hiệp dưới sự lãnh đạo của Guillaume d'Orange, và năm 1572, mở cuộc khởi nghĩa lớn lao. Sau bao nhiêu gian khổ khôn tả xiết, năm 1609, họ dành được độc lập. Hòa-lan ở phía Bắc, theo Tin Lành; còn nước Bỉ ở phía Nam, cứ theo Công giáo. Hòa-lan là nước đầu tiên mở trường công do thuế của dân đài thọ, và hợp thức hóa những nguyên tắc khoan dung tôn giáo cùng tự do báo chí.
Ở miền Scandinavie, giáo lý Luther sớm được truyền bá và trở thành quốc giáo tại Ðan-mạch (1536). Thụy-điển (1539), Na-uy (1540) 100 năm sau, Gustave Adolphe, vua Thụy-điển (1611-1632), gây được thành tích lẫy lừng vì đã đánh bại Giáo hoàng khi ông nầy cố sức đè bẹp nước Ðức theo đạo Tin Lành. 
Ở Pháp, năm 1520, giáo lý của Luther truyền bá tới, và chẳng bao lâu, giáo lý của Calvin cũng lan vào. Khoảng năm 1559, có chừng 400.000 tín đồ Tin Lành, mang danh hiệu là "Huguenots." Sự tin kính sốt sắng và đời sống trong sạch của họ khác hẳn với đời sống thấp kém của hàng giáo phẩm La-mã. Năm 1557, Giáo hoàng Pie III thúc giục phải tận diệt họ. Vua ra sắc chỉ tàn sát họ, và truyền lịnh cho hết thảy thần dân trung kiên phải giúp tay tróc nã họ. Dòng Jésuite đi khắp nước Pháp, thuyết phục tín đồ Công giáo hãy cầm khí giới để tiêu diệt họ. Bị các cán bộ của Giáo hoàng săn bắt như vậy, y như thời Dioclétien, họ bèn nhóm họp bí mật, thường là trong hầm, lúc nửa đêm.
Cuộc tàn sát Saint-Barthélemy.-- Hoàng thái hậu Catherine de Médicis là một tín đồ Công giáo sốt sắng và là công cụ đầy thiện chí của Giáo hoàng. Bà ra lịnh, và đêm 24-8-1572, 70 ngàn tín đồ Tin Lành (Huguenots), kể cả phần lớn thủ lãnh của họ, đã bị tàn sát. Tại La-mã, người ta hết vui sướng. Giáo hoàng cùng ban Hồng y Giáo chủ của ông đi kiệu rất long trọng tới nhà thờ San Marco, và truyền lịnh hát bài "Te Deum" (Thánh ca tạ ơn) để cảm tạ Ðức Chúa Trời. Giáo hoàng cho đúc một huy chương để kỷ niệm cuộc tàn sát nầy, và cử một Hồng y Giáo chủ qua Ba-lê để chuyển lời chúc mừng của Giáo hoàng và các Hồng y Giáo chủ tới vua và hoàng thái hậu. Ông ThomasCarlyle nói rằng: "Thiếu điều cả nước Pháp thật đã theo đạo Tin Lành; nhưng nước Pháp đã tàn sát đạo Tin Lành(1)trong đêm Saint-Barthélemy, năm 1572. Vậy nên năm 1792, tại Pháp lại có một cuộc phản đối (Trong tiếng Anh, hai chữ nầy gần giống nhau (Protestantism, protest)) khác" (chỉ về sự tuyên bố Cộng hòa Pháp).
Các cuộc chiến tranh Huguenot.-- Sau cuộc tàn sát Saint-Barthélemy, người Huguenots hiệp nhau lại và võ trang để kháng cự. Rốt lại, năm 1598, do sắc chỉ Nantes, họ được quyền tự do tín ngưỡng và thờ phượng. Nhưng giữa khoảng 1572 và 1598, 200.000 người Huguenots đã tuận đạo. Giáo hoàng Clément VIII gọi sắc chỉ Nanteskhoan dung tôn giáo là "một vật đáng rủa sả;" và sau bao nhiêu năm công tác bí mật của dòng Jésuite, sắc chỉ nầy bị bãi bỏ, năm 1685; 500.000 người Huguenots bèn trốn qua các nước theo đạo Tin Lành.
Cuộc cách mạng Pháp xảy ra 100 năm sau (1789), là một cuộc đảo lộn kinh khủng nhứt trong lịch sử. Trong lúc điên cuồng căm giận những sự tàn ác của giai cấp cầm quyền (trong đó có giới phẩm chức Giáo hội chiếm hữu một phần ba đất đai, vừa giàu có, biếng nhác, hủ hoại, vừa nhẫn tâm đối với kẻ nghèo), nhân dân bèn dấy lên, gây cảnh khủng khiếp và đổ máu, bãi bỏ chánh phủ, đóng cửa nhà thờ, tịch thâu tài sản của Giáo hội, tiêu trừ đạo Ðấng Christ và Chúa nhựt, tôn nữ thần Lý trí lên ngôi (thể hiện bằng một người đàn bà phóng đãng). Nã-phá-luân khôi phục Giáo hội, nhưng không khôi phục tài sản của nó. Năm 1802, ông ban bố sự khoan dung tôn giáo cho mọi người; và ông hầu đã kết liễu quyền hành chánh trị của Giáo hoàng ở khắp mọi nước.
Tại xứ Bohême, khoảng năm 1600, trong số 4 triệu dân, 80 phần 100 theo đạo Tin Lành. Khi triều đạiHabsbourg và dòng Jésuite làm xong công việc của họ, thì chỉ còn lại 800 ngàn người, và hết thảy là Công giáo.
Ở Áo và Hung, quá nửa dân chúng theo đạo Tin Lành, nhưng do tay triều đại Habsbourg và dòng Jésuite, họ đã bị tàn sát.
Ở Ba-lan, khoảng cuối thế kỷ thứ 16, dường như Công giáo sắp bị quét sạch trơn trọi, song tại đây, dòng Jésuite cũng dùng sự bắt bớ mà giết chết cuộc Cải chánh.
Ở Ý, chính quê hương của Giáo hoàng, cuộc Cải chánh chiếm được địa vị vững vàng; nhưng Tôn giáo Pháp đình hoạt động không ngớt, nên đạo Tin Lành hầu như chẳng còn một vết tích gì.




(1) Trong tiếng Anh, hai chữ nầy gần giống nhau (Protestantism, protest).




Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.