Sử Ký Hội Thánh 13
Danh Sách Các Giáo Hoàng Và Chế Ðộ Giáo Hoàng 8
Tóm tắt
Chế độ Giáo hoàng thiết lập tại Ý-đại-lợi.-- Nó dấy lên từ tàn tích của đế quốc La-mã, nhơn Danh Ðấng Christ mà chiếm ngôi các Sê-sa. Nó là sự khôi phục hình ảnh đế quốc La-mã, và nó thừa hưởng tinh thần đế quốc ấy; nó là "thần linh của đế quốc La-mã đã sống lại và mặc áo đạo Ðấng Christ." Hầu hết các Giáo hoàng là người Ý.
Các phương thức của chế độ Giáo hoàng.-- Nó lên cầm quyền nhờ uy tín của thành La-mã, nhờ Danh Ðấng Christ, nhờ những cuộc liên minh chánh trị khôn lanh (như với dân Francs và Charlemagne), nhờ sự dối gạt (như các giáo lịnh giả mạo), nhờ VÕ LỰC (quân đội riêng và quân đội của các vua phục tòng Giáo hoàng). Bởi võ lực và lưu huyết (như Tôn giáo Pháp đình), chế độ nầy đã duy trì quyền lực của mình.
Lợi tức của Giáo hoàng.-- Trải qua phần lớn lịch sử của chế độ Giáo hoàng, bởi bán chức vị trong Giáo hội và bán phiếu ân xá lấy tiền một cách trắng trợn, chế độ ấy đã thâu huê lợi rất lớn, đến nỗi có thể Nhơn Danh Ðấng Christ Khiêm Nhường mà duy trì triều đình xa hoa, huy hoàng bậc nhất Âu-châu gần suốt cả lịch sử của nó.
Tâm tánh của các Giáo hoàng.-- Một vài Giáo hoàng là người tốt; một số hư xấu khôn tả; hầu hết mải miết theo đuổi quyền thế đời nầy. Ðức Chúa Trời đã có các thánh đồ của Ngài trong Giáo hội Công giáo, nhưng phần nhiều họ ở Ngoài điện VATICAN. Phần nhiều "đại diện thật của Ðấng Christ" chỉ là các thánh đồ ấy.
Các Giáo hoàng tự nhận là gì? Mặc dầu tâm tánh của phần đông các Giáo hoàng, mặc dầu các phương thức của họ, mặc dầu sử chép các Giáo hoàng đuổi theo đời nầy và làm đổ nhiều máu, nhưng các "Ðức Thánh Cha" nầy vẫn quả quyết rằng họ là "đại diện của Ðấng Christ," "vô ngộ," "giữ địa vị Ðức Chúa Trời Toàn năng trên mặt đất"," và ai muốn được cứu rỗi, thì cần phải vâng phục họ.
Chế độ Giáo hoàng đối với Kinh Thánh.-- Justin Martyr, Jérôme và Chrysostome đã khuyên giục đọc Kinh Thánh. Augustin coi sự phiên dịch Kinh Thánh là phương pháp hạnh phước để truyền bá Lời Ðức Chúa Trời giữa các nước. Grégoire I đã khuyến nghị đọc Kinh Thánh, không hạn chế chút nào. Nhưng các Giáo hoàng về sau có một thái độ khác hẳn. Hildebrand truyền lịnh cho người Bohémiens đừng đọc Kinh Thánh. Innocent III cấm nhân dân đọc Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ (đối với quần chúng, Kinh Thánh tiếng la-tinh là một Quyển Sách đóng lại).Grégoire IX cấm những người không có phẩm chức Giáo hội không được có Kinh Thánh và dẹp bỏ các bản dịch Kinh Thánh. Các bản dịch Kinh Thánh ở giữa giáo phái Albigeois và giáo phái Vaudois đã bị đốt đi, và ai có các bản ấy cũng bị thiêu sống. Paul IV cấm giữ các bản dịch Kinh Thánh nếu không có phép của Tôn giáo Pháp đình. DòngJésuite xui giục Clément XI lên án sự đọc Kinh Thánh của những người không có phẩm chức Giáo hội. Léon XII,Pie VIII, Grégoire XVI và Pie IX đều lên án các Hội Xuất bản Kinh Thánh. Ảnh hưởng của Giáo hoàng đã làm cho Kinh Thánh bị loại khỏi các học đường. Trong các nước Công giáo, Kinh Thánh là Quyển Sách không được ai biết đến.
Chế độ Giáo hoàng và nhà nước.-- Hildebrand tự xưng là "bá chủ của các vua chúa." Innocent III tự xưng là "vua cao cả của thế giới," và đòi quyền truất phế các vua. Pie IX lên án sự phân rẽ Giáo hội với nhà nước, và truyền cho hết thảy tín đồ Công giáo chân chánh phải vâng phục Ðầu của Giáo hội hơn là vâng phục các quan quyền hành chánh. Léon XIII tự nhận là "Ðầu của hết các bậc cầm quyền." Khi Giáo hoàng làm lễ đăng quang, thì họ đặt đại lễ quan lên đầu ông với những lời nầy: "Ngài là Cha của các vua chúa, là kẻ cai trị thế giới, và là đại diện của Ðấng Christ." Giáo hội La-mã chánh thức dạy rằng trong trường hợp có cuộc xung đột, thì tín đồ Công giáo phải vâng phục Giáo hoàng hơn là vâng phục Tổ quốc họ.
Chế độ Giáo hoàng và Giáo hội.-- Chế độ Giáo hoàng không phải là Giáo hội, nhưng là một guồng máy chính trị chiếm quyền kiểm soát Giáo hội; bởi những đặc quyền tự nhận lấy, chế độ đó xen vào giữa Ðức Chúa Trời và dân Ngài, và mục đích của nó xưa nay là bắt dân chúng làm tôi mọi cho mình.
Chế độ Giáo hoàng và sự khoan dung tôn giáo.-- Giáo hoàng Clément VII tuyên bố rằng "sắc chỉ Nanteskhoan dung tôn giáo, do đó mọi người được tự do tín ngưỡng, là điều đáng rủa sả hơn hết trên thế giới." Innocent X và những người kế vị ông đã lên án, chối bỏ, thủ tiêu và phản đối các điều khoản khoan dung tôn giáo trong hiệp ước Wesphalie, ký kết năm 1648. Léon XII lên án sự tự do tín ngưỡng. Pie VIII mạt sát sự tự do tín ngưỡng. Pie IX tỏ tường lên án sự tự do tín ngưỡng và khoan dung tôn giáo. Léon XIII phê chuẩn sắc lịnh của Pie IX. Dầu các linh mục Công giáo ở nước chúng ta(1) có thể nói: "Khoan dung tôn giáo" tới mực nào, nhưng luật pháp chánh thức và "vô ngộ" của Giáo hội Công giáo chống lại sự khoan dung đó. Người Công giáo CHỈ ủng hộ sự khoan dung tôn giáo tại những nước họ bị thiểu số. Ở các nước Công giáo, chẳng bao giờ họ khoan dung tôn giáo, trừ khi bị bắt buộc. Chế độ Giáo hoàng đã tranh đấu với sự tự do tín ngưỡng từng bước một. Họ tự ban cho mình sự khoan dung tôn giáo, nhưng ở nơi nào họ cầm quyền, thì không chịu cho kẻ khác được sự khoan dung ấy.
Thiên cơ trong chế độ Giáo hoàng.-- Có thể rằng theo thiên cơ của Ðức Chúa Trời, chế độ Giáo hoàng đã dùng vào một việc đương thời Trung cổ, là cứu Tây-âu khỏi sa vào tình trạng hỗn độn, cùng hòa hợp hai nền văn minh La-mã và Ðức. Giả định rằng Giáo Hội không hề trở thành một tổ chức Quốc Gia, nhưng đã tránh không đuổi theo quyền thế đời nầy, và chỉ chuyên chú vào chánh sách Nguyên Thủy, là dắt đưa tội nhơn đến cùng Ðấng Christ và dạy họ đi theo đường lối của Ngài, -- thì có thể Một Ngàn Năm Hòa Bình đã thực hiện thay vì Những Thời Kỳ Hắc Ám.
Lịch sử chế độ Giáo hoàng đã được viết ra làm bối cảnh cho cuộc Cải chánh, vì tôi tin rằng chúng ta cần biết nguyên do Phong trào Tin Lành và các nền tảng lịch sử của đức tin Hội Thánh Tin Lành . Một vài điều thuật lại ở đây dường như không tin được. Ta dường như không thể tưởng tượng rằng loài người có thể lấy đạo Ðấng Christ mà biến thành một guồng máy chánh trị tàn nhẫn để leo lên cầm quyền thế giới. Tuy nhiên, mọi sự trình bày ở đây đều có thể được soát lại bằng cách tham chiếu với bất cứ pho sử ký Hội Thánh nào đầy đủ hơn.