Ðức Chúa Trời Ðối Ðãi Với Tuyển Dân Của Ngài

Ðức Chúa Trời Ðối Ðãi Với Tuyển Dân Của Ngài

Kinh Thánh:      Giô-suê 3:9-17.
Câu gốc:        "Vậy nên, phải nhận biết rằng Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, tức Ðức Chúa Trời thành tín, giữ sự giao ước và nhơn từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài" Phục truyền luật lệ ký 7:9.
Mục đích:      Cho chúng ta thấy rằng Ðức Chúa Trời thành tín luôn luôn giữ lời hứa của Ngài.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chủ Nhật:
Lời tiên tri trong kinh thánh.
 IIPhi 1:15-21
Thứ Hai:
Những kẻ nhạo bán lời tiên tri.
 IIPhi 3:1-14
Thứ Ba:
Ðức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham.
 Sáng 12:1-3; 13:14-18; 15:1-21; 17:4-8
Thứ Tư:
Dân Do thái không vâng lời Chúa.
 Lê-vi ký 26:27-34; Nê-hê-mi 9:26-29; Ê-xê-chi-ên 36:19
Thứ Năm:
Ðức Chúa Trời luôn luôn thành tín.
 Lê-vi ký 26:40-46
Thứ Sáu:
Dân Y-sơ-ra ên bị bắt làm phu tù.
 IICác 17:5; 21-23
Thứ Bảy:
Dân Giu-đa bị bắt làm phu tù.
 IICác 24:11-25:10
           
            Ðức Chúa Trời đã chọn Áp-ra-ham và dòng dõi ông là dân Y-sơ-ra-ên để từ đó Ðấng Cứu Thế ra đời làm nguồn phước cho nhân loại. Chương trình của Chúa không những cứu dân Y-sơ-ra-ên mà còn cứu cả nhân loại, lịch sử dân Y-sơ-ra-ên là lịch sử Ðấng Cứu Thế theo phần xác. Mọi việc Chúa làm trải qua các thời đại đều hướng về thập-tự-giá là nơi con độc sanh của Ngài phải dâng mình làm của lễ đền tội cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 9:26).

I. Dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa.
            Ðức Chúa Trời thành tín đã rẽ sông Giô-đanh, đưa dân Y-sơ-ra-ên vào tận Ca-na-an như Ngài đã hứa cùng tổ phụ họ (Xuất 3:8, 17; 13:5; Giô-suê 24:11). Giô-suê phân chia sứ Ca-na-an cho 12 chi phái theo tên 12 con trai của Gia-cốp. Hai lần ông lập lại câu nầy "Trong các lời lành mà Ðức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên chẳng có lời nào không thành, thảy đều ứng nghiệm hết" (Giô-suê 21:45; 23:14), để xác nhận sự thành tín của Chúa đối với họ. Câu gốc bài học hôm nay nhấn mạnh về sự thành tín đó. Kinh thánh mô tả sự thành tín của Chúa là lớn lắm (Ca thương 3:23), đến tận các mây (Thi 36:5), tồn tại đời đời (Thi 100:5).
            Không những đối với dân Y-sơ-ra-ên, song đối với chúng ta, Ðức Chúa Trời cũng thành tín như vậy. Ngài tha thứ cho chúng ta (IGiăng 1:9). Ngài không thể thất tín (IITim 2:13), mọi lời Ngài hứa đều chắc chắn (ICô 1:9; IICô 1:18; Hê-bơ-rơ 10:23), nên chúng ta có thể an tâm phó mình cho Ngài (IPhi 4:19).

II. Dân Y-sơ-ra-ên phạm tội.
            Vào xứ Ca-na-an đượm sữa và mật, dân Y-sơ-ra-ên đã không giữ được lòng kính mến Chúa như lúc ban đầu. Sau khi Giô-suê và những người đồng thời với ông qua đời, con cháu họ không nhìn biết Chúa, làm ác trước mặt Ngài, thờ lạy hình tượng (Quan 2:10-13). Ðức Chúa Trời nổi thạnh nộ, phó họ vào tay kẻ thù nghịch của họ và họ bị khốn khổ lắm. Mỗi khi họ ăn năn, Chúa dấy lên một quan xét giải phóng họ. Việc nầy cứ lập lại nhiều lần như vậy cho đến đời Sa-mu-ên.
            Dầu dân Y-sơ-ra-ên đã trải qua một thời đại tối tăm, hỗn độn mà "ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải" (Quan 17:6; 21:25), thì vẫn có người trung thành với Chúa, nên được Ngài trọng dụng, nam có mà nữ cũng có như bà Ðê-bô-ra. Trong vòng dân sự cũng không thiếu những người yêu mến Ngài, nam có mà nữ cũng có như Na-ô-mi, An-ne. Ðiều đó giống như trong đền thờ Ðức Chúa Trời, lúc nào đèn cũng cháy luôn chứ không hề tắt (Xuất 27:20, 21; Lê-vi ký 24:1-4). Hội thánh đang trong thời kỳ tối tăm cuối cùng, thời kỳ bội đạo. Mỗi chúng ta là một ngọn đèn, cũng như Giăng Báp-tít là một cây đuốc đang cháy (Ma-thi-ơ 5:14-16; Giăng 5:35). Giữa dòng dõi gian ác, bội nghịch nầy, chúng ta phải giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian (Phi-líp 2:15).

III. Dân y-sơ-ra-ên bị lưu đài và tan lạc.
Ðến đời Sa-mu-ên, dân Y-sơ-ra-ên xin ông lập lên trên họ một vua như các dân tộc chung quanh đã có. Lời xin đó không đẹp lòng Chúa chút nào, song họ cố xin cho kỳ được (ISa 8:4-9). Chúa vốn là vua của họ. Trong Xuất 19:4-6, Chúa đã dùng đến 8 lần chữ "ta" hoặc "của ta" mà nói với dân Y-sơ-ra-ên, tỏ ra Ngài đã cứu họ, và họ thuộc về Ngài. Song đến đây, họ từ chối Ngài. Vua thứ nhất của họ là Sau-lơ, kế đến Ða-vít và Sa-lô-môn. Khi còn thanh niên và trung niên, Sa-lô-môn rất tốt, song khi trở về già, Sa-lô-môn rất xấu, mặc dầu ông rất giàu và khôn ngoan hơn tất cả mọi người sau ông và trước ông. Sa-lô-môn thăng hà, nước ông bị chia ra làm 2:Nam và Bắc. Miền Nam có 2 chi phái là Giu-đa và Bên-gia-min do Rô-bô-am, con của Sa-lô-môn cai trị, lấy Giê-ru-sa-lem làm kinh đô, tên nước là Giu-đa. Miền Bắc có 10 chi phái do Giê-rô-bô-am là một trong những bầy tôi của Sa-lô-môn cai trị, lấy Sa-ma-ri làm kinh đô, tên nước là Y-sơ-ra-ên. Nước Y-sơ-ra-ên rộng đất, đông dân hơn nước Giu-đa, song các vua Giu-đa yêu mến Chúa hơn các vua Y-sơ-ra-ên (ICác 12:16-24).

            1. Nước Y-sơ-ra-ên ở miền Bắc bị mất:
            Dân Y-sơ-ra-ên lìa bỏ Ðức Chúa Trời là Ðấng đã giải phóng tổ phụ họ khỏi Ê-díp-tô mà đem qua Ca-na-an. Họ bắt chước các dân tộc xung quanh mà thờ các thần bằng đủ thứ hình tượng gớm ghê (ICác 16:32; 18:19; IICác 13:6). Mặc dầu Chúa đã dùng nhiều tiên tri như Ô-sê, A-mốt, Ê-li, Ê-li-sê, vv... không ngớt khuyên lơn, cảnh cáo nhưng họ không ăn năn. Vì vậy, Ðức Chúa Trời đã phó họ trong tay vua A-si-ri. Kinh đô Sa-ma-ri bị hạ, dân Y-sơ-ra-ên bị giết, kẻ sống sót bị bắt làm phu tù. Người ta đem các dân khác đến ở Sa-ma-ri thế chỗ cho dân Y-sơ-ra-ên. Việc này xảy ra nhằm năm 722 trước Chúa giáng sinh (IICác 17:5-24). Về sau dân Do thái không thừa nhận dân tại Sa-ma-ri là dân Do thái mà cứ kể họ là dân Sa-ma-ri. Ðến đời Chúa Giê-xu dân Do thái không chịu giao thiệp với dân Sa-ma-ri, kể họ như là dân ngoại bang, mặc dầu Sa-ma-ri nằm trong địa phận nước Do thái (Lu-ca 11:15-18; Giăng 4:9)
            "Sự công bình làm cho nước cao trọng, song tội lỗi là sự hổ thẹn cho các dân tộc" (Châm 14:34). Kết quả của tội lỗi là hổ thẹn và cuối cùng là sự chết, còn được giải phóng khỏi tội lỗi thì kết quả là sự thánh khiết và cuối cùng là sự sống đời đời (Rô-ma 6:21-22).

            2. Nước Giu-đa ở miền Nam bị mất:
            Các vua rất tốt của Giu-đa là A-sa, Giô-sa-phát, Ê-xê-chi-a, Giô-si-a, còn các vua rất xấu là A-cha, Ma-na-se, Có một cơn phục hưng xảy ra trong đời vua Giô-si-a, khi ông nầy ra lịnh hủy diệt tất cả mọi hình tượng và vật dụng trong cuộc thờ lạy các tà thần. Ðồng thời thầy tế lễ Hinh-kia tìm được quyển luật pháp trong đền thờ Ðức Chúa Trời (II Sử ký đoạn 34, 35).
            Nước Giu đa bị quân đội Ba-by-lôn đánh phá nhiều lần. Lần thứ nhất nhằm năm 605 TC. Nê-bu-cát-nết-sa bắt những thành phần ưu tú của Giu-đa đem qua Ba-by-lôn (IICác 24:1; Ða-ni-ên 1:1). Ðến năm 586 TC, nước Giu-đa bị hủy phá hoàn toàn, của cải bị cướp, người bị giết hoặc bị bắt lưu đày để làm nô lệ (IICác 25:1-20; IISử 36:11-21).

            Nước Giu-đa mất vì những lý do sau đây:
            1. Sau khi nước Y-sơ-ra-ên ở miền Bắc bị thôn tính, nước Giu-đa ở miền Nam bị cô lập.
            2. Thay vì hết lòng ăn năn nhờ cậy Chúa, họ đã cầu cứu các lân bang. Do đó có những mối liên hệ về xã hội, chính trị, kéo theo mối liên hệ về tín ngưỡng làm cho nước Giu-đa bị ảnh hưởng sự thờ lạy hình tượng.
            3. Dầu đã được các tiên tri nhiều lần, nhiều cách kêu gọi họ cũng chẳng vâng lời.
            Sau 70 năm bị lưu đày ở xứ người, dân Giu-đa hoàn toàn tuyệt vọng xem mình như trũng xương khô, thì Ðức Chúa Trời đã đem họ trở về tổ quốc như Ngài đã hứa (IISử 36:22-23; Giô-suê 25:9; 29:10). Xô-rô-ba-bên và Nê-hê-mi đã hướng dẫn họ. Ngay từ đó, họ không còn thờ lạy tà thần như trước. Song cũng ngay từ khi bị lưu đày, họ mất quyền tự chủ luôn luôn ở dưới sự đô hộ của Ba-by-lôn, Mê-đô Ba-tư, Hy-lạp và La-mã cho đến đời Chúa Giê-xu. Trong đời Chúa Giê-xu, lại một lần nữa, dân Giu-đa chối bỏ Ngài, nộp Ngài để chịu đóng đinh trên thập tự giá, nên họ bị tan lạc khắp nơi trên thế giới từ năm 70 cho đến 1947 họ mới được độc lập.
            Qua cách đối đãi của Ðức Chúa Trời đối với tuyển dân của Ngài chúng ta thấy Chúa vừa thương xót, vừa công bình, nhất là Ngài thành tín mặc dầu họ thất tín. Lịch sử của dân Do thái được Ðức Chúa Trời điều khiền để thực hiện chương trình cứu rỗi nhân loại.

Câu hỏi
1. Ðức Chúa Trời lựa chọn Áp-ra-ham và dòng dõi của ông với mục đích gì?
2. Tại sao Chúa đem dân Y-sơ-ra-ên vào tận Ca-na-an?
3. Khi vào Ca-na-an thì lòng dân Y-sơ-ra-ên thế nào?
4. Mỗi khi dân Y-sơ-ra-ên ăn năn thì Chúa làm gì cho họ?
5. Tại sao chúng ta biết Chúa không bao giờ bỏ hẳn dân Y-sơ-ra-ên?
6. Sau khi Sa-lô-môn qua đời thì nước ông bị chia ra hai phần nào?
7. Tại sao nước Y-sơ-ra-ên ở miền Bắc bị mất luôn cho đến ngày nay?
8. Dầu dân Giu-đa bị lưu đày 70 năm thì còn được gì?
9. Kể từ khi bị lưu đày đó, dân Giu-đa đã mất gì quí hơn hết?

10. Kết quả của sự chối bỏ Chúa Giê-xu, dân Giu-đa còn bị hình phạt nào nữa?



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.