Ðức Chúa Trời Lựa Chọn Một Dân Tộc

Ðức Chúa Trời Lựa Chọn Một Dân Tộc

Kinh thánh:       Sáng 12:1-9.
Câu gốc:        "Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành một nguồn phước" Sáng 12:2.
Mục đích:      Cho chúng ta thấy việc Ðức Chúa Trời lựa chọn một dân tộc làm nguồn phước cho cả thế gian. Ðức Chúa Trời có thể dùng chúng ta hôm nay để thi hành ý chỉ của Ngài.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chủ Nhật:
Ðức Chúa Trời lựa chọn một người.
 Sáng 12:1-9
Thứ Hai:
Giao ước của Ðức Chúa Trời với Áp ra ham.
 Sáng 15:18; Sáng 17:1-8
Thứ Ba:
Nơi Ðức Chúa Trời ban phước.
 Sáng 13:14-18;
 Sáng 26:1-3
Thứ Tư:
Ð. C. T. ban thưởng cho đức tin của Áp-ra-ham.
 Sáng. 4:1-8; 13-22
Thứ Năm:
Ðức Chúa Trời giao trách nhiệm.
 Hê-bơ-rơ 11:23-29
Thứ Sáu:
Ơn phước của Ð. C. T. tùy thuộc sự vâng lời.
 Lê 26:1-13
Thứ Bảy:
Ơn phuớc Chúa ban trong cơn nguy khốn.
 Sáng 39:1-23

            Sau cơn nước lụt đời Nô-ê, Ðức Chúa Trời đã quyết định không hủy diệt nhân loại nữa, mặc dầu họ vẫn tiếp tục sống cuộc đời gian ác. Nhưng Ngài chia ra kẻ gian ác với người công bình, biệt riêng người công bình khỏi kẻ gian ác, để từ đó Ngài sẽ có một dân và qua dân đó, Ðấng cứu thế giáng trần. Hội thánh cũng là một dân mà Ðức Chúa Trời đã lựa chọn từ giữa thế gian, để riêng ra làm một dân thuộc về Ngài (IPhi 2:9-10).

I. Ðức Chúa Trời lựa chọn một người:
            Người Ðức Chúa Trời lựa chọn là Áp-ram, về sau đổi tên là Áp-ra-ham (Sáng 17:5). Ông vốn sinh trưởng tại thành U-rơ, xứ Canh-đê, là một trung tâm văn hóa và tôn giáo của thế giới thời bấy giờ. Song tôn giáo đó chỉ thờ phượng các thần tượng chứ không thờ Ðức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Chúa biết lòng của Áp-ram và Sa-rai, về sau đổi tên là Sa-ra (Sáng 17:15).
            Ðức Chúa Trời kêu gọi Áp-ram khi ông còn ở tại quê hương, vòng bà con và nhà cha ông mà bảo rằng "Ngươi hãy ra khỏi... mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho" (Sáng 12:1; Công 7:2-3).Chúng ta không biết cách nào Chúa đã kêu gọi ông, song tiếng gọi của Ngài rất rõ ràng đối với ông. Ông phải chấp nhận một điều kiện có ba bước như sau:

            1. Ra khỏi quê hương:
            Con người ai cũng yêu mến quê hương của mình. Vả lại, quê hương của Áp-ram vừa giàu có, vừa văn minh, nên ra khỏi quê hương là một hy sinh không nhỏ của ông.

            2. Ra khỏi vòng bà con:
            Dầu Áp-ram chỉ có 2 em trai, song nếu kể bà con nội ngoại thì rất đông, vì bấy giờ người ta sống rất lâu sinh nhiều con trai, con gái. Ra khỏi vòng bà con mà đi đến một nơi xa lạ là điều không phải dễ

            3. Ra khỏi nhà cha:
            Nhà cha là tổ ấm tại trần gian, không có nơi nào được an ủi bằng tại nhà cha mình. Ra khỏi nhà cha cũng như ra khỏi quê hương và vòng bà con, Áp-ram mất rất nhiều tài sản và quyền lợi.

            4. "Ði đến xứ mà ta sẽ chỉ cho":
            Xứ đó là Ca-na-an (Sáng 11:31), song ông không biết xứ đó ở đâu và ra sao (Hê-bơ-rơ 11:8). Ðời sống theo Chúa là đời sống đức tin, đời sống theo Chúa là đời sống hy sinh. Song tin theo Ðức Chúa Trời sẽ không bao giờ thất vọng, hy sinh theo Chúa sẽ không bao giờ hối tiếc. Phần thưởng của đức tin là sẽ thấy việc mình đã tin. Hy sinh vì Chúa rất ít, nhận lảnh nơi Chúa rất nhiều.
            Có đức tin lớn, Áp-ram mới dám vâng lời Chúa ra đi. Người như thế Chúa mới lựa chọn làm tổ phụ của một dân tộc, gọi là dân tộc có đức tin. Nếu muốn được Chúa lựa chọn và trọng dụng, chúng ta phải học đòi đức tin của Áp-ram.

II. Ðức Chúa Trời hứa ban phước cho một người (Sáng 12:1-3).
            Ai dám tin cậy Chúa và vâng lời Ngài thì sẽ nhận được lời hứa của Ngài. Lời hứa của Ngài là quí báo, lớn lao và lâu dài. Có 7 điều mà Chúa hứa với Áp-ram so với 1 điều mà Chúa đòi hỏi ông:

            1. "Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn":
                        Chữ "lớn" đây có hai nghĩa:
                        a. Là ngày càng lớn, khi lời nầy phán ra thì Áp-ram chưa có con, song kể từ đó, số dân Y-sơ-ra-ên mỗi ngày một nhiều.
                        b. Là cao thượng, vĩ đại, lịch sử chứng minh dân Y-sơ-ra-ên rất khôn ngoan, mạnh mẽ, xứng đáng với danh "một dân lớn".

            2. "Ta sẽ ban phước cho ngươi":
            Lời hứa nầy đã được thực hiện ngay trong đời Áp-ram. Ê-li-ê-xe làm chứng "Ðức Giê-hô-va đã ban phước cho chủ tôi bội phần, trở nên thạnh vượng, Ngài ban cho chủ tôi chiên, bò, bạc vàng, tôi trai, tớ gái, lạc đà và lừa" (Sáng 24:35). Dầu Áp-ram có nhiều lỗi lầm, song Chúa thành tín và nhân từ vẫn ban phước cho ông cả thuộc thể lẩn thuộc linh.

            3. "Ta sẽ... làm nổi danh ngươi":
            Chưa từng có ai nổi danh như Áp-ra-ham, và cũng chưa có ai được trọng vọng bằng ông. Những tín đồ Hồi giáo, Do thái giáo và Cơ đốc giáo đều coi ông là tổ phụ đức tin của họ. Ngay trong thời ông, người ta đã tôn ông là một quan trưởng của Ðức Chúa Trời (Sáng 23:6). Chính Ðức Chúa Trời đã gọi ông là một tiên tri, một bạn hữu, một tôi tớ (Sáng 20:7; Gia-cơ 2:23; Thi 105:5-6). Ngài không dấu diếm điều chi với ông (Sáng 18:17).

            4. "Ngươi sẽ thành một nguồn phước":
            Chúa đã làm cho ông như lời Ngài đã hứa, song chính ông có trách nhiệm trong nếp sống hằng ngày của mình là phải sống thế nào mà để kẻ khác nhờ đó mà được phước, vì họ đã tin Chúa như ông (Ga-la-ti 3:8-9).

            5. "Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi":              
            Chúa xem Áp-ra-ham là một nhân vật rất quan trọng, không những được Ngài ban phước mà bất cứ kẻ nào chúc phước ông cũng được Ngài ban phước. Làm lành cho tiên tri, cho bạn hữu, cho đầy tớ của Chúa được kể như làm lành cho chính mình Ngài (Ma-thi-ơ 25:40).

            6. "Ta sẽ... rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi":                     
            Ngược lại, ai rủa sả Áp-ra-ham thì Chúa cầm bằng rủa sả Ngài, và người đó chắc chắn bị rủa sả. Y-sác lập lại lời đó khi chúc phước cho Gia-cốp (Sáng 27:29). Không những đối với Áp-ram và dòng dõi của ông mà đối với con cái Chúa trải qua các đời cũng vậy, ai rủa sả họ sẽ bị Chúa rủa sả.

            7. "Các chi tộc trên thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước":
            Lời hứa nầy được thực hiện qua Ðấng cứu thế Giê-xu ra từ dòng dõi Áp-ram. Lời hứa nầy rất quan trọng, nên được nhắc lại nhiều lần (Sáng 18:18; 22:18; 26:4; 28:14). Tân ước cũng xác nhận Ðấng cứu thế là dòng dõi Áp-ram (Ma-thi-ơ 1:2).
            Những lời mà Chúa đã hứa với Áp-ram thật lớn lao, đến nỗi phải mất hơn 2.000 năm Ngài mới thực hiện hết. Những phước mà Chúa ban cho Áp-ram thật rất nhiều, đến nỗi qua ông và dòng dõi ông, cả nhân loại cũng được phước. Áp-ram đã tin cậy và vâng lời Chúa, nên Ngài đã dùng ông để thực hiện chương trình vĩ đại của Ngài. Chúa còn có những chương trình khác, nên Ngài cũng muốn dùng chúng ta để thực hiện, miễn là chúng ta cũng tin cậy và vâng lời Ngài. Chúng ta không khao khát một đời sống phước hạnh như Áp-ram sao?

III. Ðức Chúa Trời dẫn dắt một người (Sáng 12:4-9).
            "Rồi Áp-ram đi, theo như lời Ðức Giê-hô-va đã phán dạy". Chúa kêu gọi, Chúa hứa cho, Chúa dẩn dắt, còn ông phải tin cậy và vâng lời. Trên đây là một câu ngắn ngủi song đầy đủ, mô tả đời sống đức tin của Áp-ram. Ông mạnh dạn lên đường, công khai chứng tỏ mình hết lòng theo Chúa. Tin cậy và vâng lời Chúa là tạo một cơ hội thuận tiện để Ngài thực hiện lời hứa của Ngài. Chúng ta hãy bước theo sự dẩn dắt của Chúa.
            Mục tiêu cuộc hành trình của Áp-ram là xứ Ca-na-an. Vì vậy, ông đã thu thập tài sản từ người chí vật, có vợ là Sa-rai và cháu là Lót cùng đi. Họ đã đến Ca-na-an. Ông đã đi chặng đường thứ nhất từ U-rơ đến Cha-ran là 430 dặm, bây giờ ông đi đoạn đường thứ hai là từ Cha-ran đến Si-chem, thuộc xứ Ca-na-an là 300 dặm. Chắc Áp-ram và gia đình đã mệt nhọc nhiều, song chắc chắn cũng vui thoả lắm trên đường theo Chúa.
            "Ðức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram" Ðó là phần thưởng rất lớn cho Áp-ram, vì tỏ ra Chúa đẹp lòng và hoan nghinh ông đã tin cậy và vâng lời Ngài. Ðược Chúa hiện ra trò chuyện với mình là một đặc ân vô giá. Những nỗi gian lao của Áp-ram đã được Chúa bù đắp một cách xứng đáng quá mức. Phước cho ai được Chúa thăm viếng như vậy.
            Chúa phán "Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi xứ nầy". Trước kia, Chúa bảo ông đến xứ Ca-na-an, bây giờ đã đến, Chúa hứa ban xứ đó cho dòng dõi ông. Sự ban cho của Chúa dồi dào quá, tình thương của Ngài bao la là dường nào!
            Ðể bày tỏ lòng biết ơn xâu xa, Áp-ram lập một bàn thờ và dâng của lể thiêu lên Ngài. rồi tiếp tục con đường đến Bê-tên. Tại đó, ông lập một bàn thờ nữa và cầu khẩn Danh Ngài. Cầu khẩn Danh Chúa có nghĩa là ông công khai làm chứng về Chúa cho mọi người chung quanh. Cuộc đời của Áp-ram thật là đẹp, nên không lạ gì khi thấy Chúa đã thực hiện trọn vẹn mọi lời hứa của Ngài dành cho ông. Dầu đôi khi Áp-ram vẫn bị cám dỗ mà phạm tội, thì sau đó, ông đã ăn năn tiếp tục tin cậy và vâng lời Chúa, nên Ngài vẫn tiếp tục ban phước cho ông.

Câu hỏi
1. Sau cơn nước lụt, Chúa không còn hủy diệt loài người gian ác mà Ngài đã làm gì?
2. Trước khi chọn một dân tộc là Y-sơ-ra-ên thì Chúa đã chọn ai?
3. Ðể theo Chúa, Áp-ram phải chấp nhận điều kiện gì?
4. Ðức Chúa Trời đã hứa ban cho Áp-ram 7 phước nào?
5. Trong các phước ấy, phước nào quan trọng hơn cả và có tương quan đến cả nhân loại?
6. Ðể đến chỗ Chúa chỉ cho, Áp-ram phải đi con đường bao xa?
7. Khi đến nơi, Chúa ban cho Áp-ram một phần thưởng gì?
8. Ðể tỏ lòng biết ơn Chúa, Áp-ram đã làm chi?
9. Áp-ram cầu khẩn danh Chúa có nghĩa gì?

10. Muốn được phước như Áp-ram, chúng ta phải sống như thế nào?



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.