ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA CAN ĐẢM

ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA CAN ĐẢM
Kinh Thánh: Giô-suê 1:1-9
Câu gốc: “Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va, hãy vững lòng bền chí. Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va” (Thi 27:14).
Mục đích: Giúp chúng ta phát huy lòng can đảm và biết sống cho Đấng Christ.
MỆNH LỆNH ĐỂ VÂNG THEO: “Hãy vững lòng, bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Giô-suê 1:9).
LỜI CẦU NGUYỆN ĐỂ DÂNG LÊN: “Lạy Chúa, xin giúp con được vững lòng bền chí” (Phục-truyền 31:6).
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
SỰ CAN ĐẢM CỦA ĐA-NI-ÊN
(Đa-ni-ên 1:8-20; 6:1-23)
Thứ Hai:
BA THANH NIÊN CAN ĐẢM
(Đa-ni-ên 3:8-20)
Thứ Ba:
MỘT NGƯỜI GIÀ CAN ĐẢM
(Giô-suê 14:6-15)
Thứ Tư:
SỰ CAN ĐẢM CỦA GHÊ-ĐÊ-ÔN
(Các Quan-xét 7:1-25)
Thứ Năm:
SỰ CAN ĐẢM CỦA Ê-XƠ-TÊ
(Ê-xơ-tê 3:13; 4:1, 2, 12-16; 5:1-14)
Thứ Sáu:
SỰ CAN ĐẢM CỦA ĐA-VÍT
(ISa-mu-ên 17:1-58)
Thứ Bảy:
LÒNG CAN ĐẢM PHI THƯỜNG NHẤT
(Giăng 19:1-20)

Con cái Chúa không thể là người hèn nhát, mà phải là người can đảm. Trên thiên đàng không có chỗ nào dành cho những kẻ hèn nhát, “phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng” (Khải-huyền 21:8).
Để phát huy và tôi luyện lòng can đảm của chúng ta, Đức Chúa Trời thường cho phép những va chạm, những thử thách và bắt bớ xảy ra. Đọc thánh sử, chúng ta thấy nhan nhản các nam nữ anh hùng đức tin, can đảm qua những việc như thế. Vì thế, chúng ta không cần ngạc nhiên, chẳng chút nản lòng khi gặp thử thách, bắt bớ, mà phải can đảm.
I. CAN ĐẢM LÀM CÔNG VIỆC KHÓ KHĂN NHƯ CA-LÉP (Giô-suê 14:6-15)
Hơn một triệu người đã ra khỏi Ê-díp-tô thì suốt 40 năm họ đã chết lần hồi trong đồng vắng, chỉ có con cháu họ được vào Ca-na-an. Nhưng trong số hơn một triệu người đó, có Giô-suê và Ca-lép còn sống. Bấy giờ, Ca-lép đã 85 tuổi mà vẫn khỏe mạnh như lúc mới ra khỏi Ê-díp-tô. Ông có thể xin Giô-suê một nơi đã bình định để an hưởng tuổi già. Song trái lại, ông xin đi chiếm một ngọn núi là chỗ trú ẩn vững bền của dân A-na-kim, nổi tiếng là giềnh giàng đáng sợ. Nhờ đâu Ca-lép có lòng can đảm đó? – Ông nhìn xem Chúa toàn năng đang ở với ông và ông nắm chắc lời hứa của Ngài: “Quả thật, đất mà chân ngươi đã đạp đến sẽ thuộc về ngươi và con cháu ngươi làm sản nghiệp đời đời, vì ngươi trung thành đã vâng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta” (Giô-suê 14:9; Phục-truyền 1:36). Chỉ có kẻ can đảm mới làm được việc lớn cho Chúa, chỉ có kẻ làm được việc lớn cho Chúa mới tôn vinh Chúa, chỉ có kẻ tôn vinh Ngài mới được tôn vinh.
II. CAN ĐẢM ĐƯƠNG ĐẦU VỚI KẺ THÙ NHƯ ĐA-VÍT (ISa-mu-ên 17:1-51)
Có lẽ Gô-li-át thuộc dòng dõi dân A-na-kim, có sức mạnh vượt hẳn mọi người. Trước mặt Gô-li-át, hết thảy tướng sĩ của Sau-lơ đều chạy trốn nên anh ta thách đố và sỉ nhục dân Y-sơ-ra-ên.
Nghe lời của Gô-li-át, thấy thái độ hống hách của anh ta, Đa-vít nổi giận hỏi: “Người Phi-li-tin này, kẻ không chịu cắt bì này là ai mà dám sỉ nhục đạo binh của Đức Chúa Trời Hằng Sống?” (câu 26). Trước mặt Sau-lơ, Đa-vít nói: “Xin chớ ai ngã lòng về người Phi-li-tin kia! Kẻ tôi tớ vua sẽ đi đấu địch cùng hắn”. Sau-lơ đáp: “Ngươi chẳng thể đi đấu địch cùng người Phi-li-tin kia, vì ngươi chỉ là một đứa trẻ, còn hắn là một tay chiến sĩ từ thuở còn thơ”. Đa-vít thưa: “Đức Giê-hô-va đã giải thoát tôi khỏi vấu sư tử và khỏi cẳng gấu ắt sẽ giải cứu tôi khỏi tay người Phi-li-tin kia”. Sau-lơ đáp: “Hãy đi! Nguyện Đức Giê-hô-va ở cùng ngươi” (câu 31-37). Kết quả Gô-li-át bị giết, đạo quân bị tiêu diệt.
Nhờ đâu Đa-vít có lòng can đảm và được thành công một cách lạ lùng như vậy? – Nhờ đức tin đến Đức Chúa Trời Vạn Quân (câu 45-47). Có đức tin thì trẻ như Đa-vít cũng can đảm bằng già như Ca-lép.
III. CAN ĐẢM CHỐNG LẠI TỘI LỖI NHƯ ĐA-NI-ÊN VÀ BA BẠN CỦA ÔNG
1. Đa-ni-ên và ba bạn nhất định không ăn của cúng (1:8-20). Mặc dầu đồ ăn, thức uống của vua là ngon lắm, song đã dâng làm của cúng thần tượng. Mặc dầu lòng tốt của vua, song trái ý Chúa, nên họ nhất định chối từ, mà chỉ ăn rau uống nước. Dù ăn rau, uống nước họ dám cam kết rằng mặt mày của họ sẽ tươi tắn, đầy đặn hơn của những người ăn thức ngon của vua. Kết quả, không những thể xác của họ được như vậy mà tâm trí của họ còn khôn ngoan, sáng suốt gấp 10 lần những người khác. Họ dám hành động can đảm nên thành công vượt mức là nhờ tin cậy Đức Chúa Trời Hằng Sống.
2. Ba bạn của Đa-ni-ên nhất định không thờ lạy hình tượng (Đa-ni-ên 3:1-30). Dầu mạng lịnh của vua cho tất cả các quan, các dân tộc thuộc quyền đế quốc Ba-by-lôn phải tuân hành, nếu ai dám kháng cưỡng lại sẽ lập tức bị quăng vào lò lửa hực. Thế mà đang khi mọi người xung quanh đều sấp mình trước pho tượng vàng của vua đã dựng, thi ba bạn của Đa-ni-ên vẫn đứng thẳng một cách thản nhiên.
Vua Nê-bu-cát-nết-sa tức giận, song vừa vỗ về vừa đe dọa: “Các ngươi sẵn sàng sấp mình xuống đất để quỳ lạy pho tượng mà ta đã làm nên thì được, nhưng nếu các ngươi không quỳ lạy thì chính giờ đó các ngươi sẽ bị quăng vào lò lửa hực. Rồi thần nào có thể giải cứu các ngươi khỏi tay ta”. Hãy nghe lời họ đáp lại: “Hỡi vua, Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể giải cứu chúng tôi khỏi tay vua. Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua và không thờ phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng” (câu 15-18).
Kết quả: Nê-bu-cát-nết-sa đã ca ngợi Đức Chúa Trời và ban chiếu chỉ cấm toàn dân trong đế quốc không được phép nói phạm đến Danh Đức Chúa Trời, vì chỉ một mình Ngài có thể giải cứu.
3. Đa-ni-ên không chịu bỏ sự cầu nguyện với Chúa (6:1-28). Đa-ri-út của nước Mê-đô Ba-tư đã ban một lịnh cấm trong 30 ngày, hễ ai cầu xin với thần nào khác ngoài vua, thì sẽ bị quăng vào hang sư tử. Khi cấm lịnh đã được phổ biến, Đa-ni-ên thản nhiên một ngày ba lần quỳ gối cầu nguyện, cảm tạ Đức Chúa Trời như vẫn thường làm.
Kết quả: Lòng can đảm của Đa-ni-ên, sanh ra từ đức tin đến Đức Chúa Trời đã bịt mồm sư tử, cũng như ba bạn của ông đã tắt ngọn lửa hừng. Đa-ri-út đã ban chiếu chỉ cho toàn dân trong cả đế quốc phải run rẩy kính sợ Đức Chúa Trời Hằng Sống của Đa-ni-ên.
IV. CAN ĐẢM NHẬN LẤY TRÁCH NHIỆM NHƯ GIÔ-SUÊ (Giô-suê 1:1-9)
Sau khi Môi-se qua đời, Đức Chúa Trời kêu gọi Giô-suê hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Ca-na-an. Trách nhiệm đó thật lớn và khó, nên ba lần Chúa bảo ông: “Hãy vững lòng bền chí”, nghĩa là hãy mạnh mẽ và can đảm. Bốn mươi năm phục vụ Chúa bên cạnh Môi-se, Giô-suê đã học tập cùng kinh nghiệm ân điển và quyền năng của Ngài. Bây giờ là lúc phải mạnh mẽ và can đảm hơn bao giờ hết để hoàn thành công tác của Chúa đã giao cho. Giô-suê không phải chỉ can đảm trong một biến cố đặc biệt, mà can đảm suốt đời trong chức vụ lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa, phân chia sản nghiệp cho mỗi chi phái đâu đó một cách chu toàn.
Trong bài từ giã của Giô-suê có câu: “Nhưng tôi và nhà tôi sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15).
Nếu các nhân vật ở trên đã tìm một nơi an toàn, khuất phục kẻ thù, ăn của cúng hình tượng, không dám cầu nguyện, thoái thác trách nhiệm thì họ có thể viện nhiều lý do: Trường hợp của tôi là bất đắc dĩ, trường hợp của tôi là đáng thông cảm, vì tôi muốn sống để hầu việc Chúa lâu dài… Nhưng họ không hèn nhát như thế. Họ thà chết chứ không phạm tội. Hoặc sống hoặc chết, họ đều muốn tôn vinh Chúa, làm đẹp lòng Ngài, lúc nào cũng tỏ ra là can đảm.
“Hãy nhớ lại những lúc ban đầu đó, anh em đã được soi sáng rồi bèn chịu cơn chiến trận lớn về những sự đau đớn: phần thì chịu sỉ nhục, gặp gian nan, như làm trò cho thiên hạ xem, phần thì chia khổ với những kẻ bị đối đãi đồng một cách. Vì anh em đã thương xót kẻ bị tù và vui lòng chịu của cải mình bị cướp, bởi biết mình có của cải quý hơn hằng còn luôn. Vậy, chớ bỏ lòng dạn dĩ mình, vốn có một phần thưởng lớn đã để dành cho” (Hê-bơ-rơ 10:32-35).
CÂU HỎI
1.      Tại sao Đức Chúa Trời cho phép chúng ta gặp bắt bớ thử thách?
2.      Nhờ đâu chúng ta biết được lòng can đảm của Ca-lép?
3.      Tại sao Đa-vít dám đánh nhau với Gô-li-át?
4.      Tại sao Đa-ni-ên và ba bạn của ông không chịu nhận đồ ngon của vua?
5.      Họ ăn rau uống nước vì kính sợ Đức Chúa Trời thì được kết quả gì?
6.      Trước sự chết trong lò lửa và sự thờ lạy hình tượng, ba bạn Hê-bơ-rơ chọn bên nào?
7.      Đối với Đa-ni-ên thì bị quăng vào hang sư tử với không cầu nguyện cái nào nguy hơn?
8.      Vua Nê-bu-cát-nết-sa và vua Đa-ri-út đã làm gì khi Đa-ni-ên và ba bạn của ông đã bởi đức tin để bịt mồm sư tử, tắt ngọn lửa hừng?
9.      Khi Giô-suê lãnh trách nhiệm dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Ca-na-an, Chúa dặn ông thế nào?

      10. Người hèn nhát thường viện lý do gì? 

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.