ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA ĐI TRUYỀN GIẢNG

ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA ĐI TRUYỀN GIẢNG
Kinh Thánh: Ê-sai 6:1-9; Ma-thi-ơ 28:18-20
Câu gốc: “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:20)
Mục đích: Khuyến khích mỗi chúng ta nhận lãnh công tác đem Tin Lành của Chúa đến cho thế gian.
MỆNH LỆNH ĐỂ VÂNG THEO: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.” (Mác 16:15)
LỜI CẦU NGUYỆN ĐỂ DÂNG LÊN: “Lạy Chúa tôi phải làm chi” (Công-vụ 22:10)
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
HÃY ĐI KHẮP THẾ GIAN
(Ma-thi-ơ 28:18-20; Mác 16:15-18; Công-vụ 1:8)
Thứ Hai:
RA ĐI LẬP TỨC
(Công-vụ 8:26-37)
Thứ Ba:
VÂNG LỜI MÀ RA ĐI
(Công-vụ 9:1-19)
Thứ Tư:
RA ĐI KHI ĐƯỢC SAI PHÁI
(Xuất 3:1-22)
Thứ Năm:
RA ĐI KHÔNG SỢ HÃI
(Xuất 4:1-13)
Thứ Sáu:
RA ĐI LÀM SỨ MẠNG
(Ê-sai 6:1-9)
Thứ Bảy:
SẴN SÀNG RA ĐI
(Lu-ca 22:33; Công-vụ 21:13; Rô-ma 1:14-17; IITi-mô-thê 4:6)

Dầu Chúa Jêsus đã hoàn thành sự cứu rỗi, song tội nhân vẫn hư mất như thường, nếu chúng ta không đi truyền giảng. Vì vậy, trước khi về trời, Ngài đã giao lại cho các môn đồ một công tác trọng đại nhất:
-“Vậy hãy đi, khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta” (Ma-thi-ơ 28:19 – Bản Nhuận Chánh).
-“Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15).
-“Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các người, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép và làm chứng về Ta tại thàng Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công-vụ 1:8).
-“Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20b).
Lời hứa này bao hàm một mạng lệnh mà chúng ta phải đi truyền giảng cho đến tận thế, tức là ngày Chúa tái lâm.
Nếu chính phủ thiết lập một dự án xây đập lấn nước thì chúng ta không thể nào nghĩ rằng đó là việc của một người làm được, mà phải có hàng vạn người. Song cũng không phải mỗi người làm theo ý mình mà không cần sự giám sát của ai. Trái lại, mỗi người phải một nhất trí thi hành lệnh trên đưa xuống. Đó là một hình ảnh nhỏ mọn cho chúng ta thấy công cuộc truyền giảng Tin Lành cho thế giới là vĩ đại dường nào!
Để thi hành mạng lịnh của Chúa, chúng ta phải suy gẫm mấy điều như sau:
I. LỆNH CHÚA SAI ĐI
Chữ quan trọng trong các câu trên kia là: “HÃY ĐI VÀ LÀM CHỨNG”. Đó là công tác chính của Hội Thánh, đó là nhiệm vụ của mỗi Cơ đốc nhân. Đừng bao giờ nghĩ rằng người chưa tin Chúa sẽ tìm đến chúng ta trong nhà thờ! Không! Chúng ta phải tìm đến họ. Con chiên lạc không thể tìm người chăn, hoặc tự động trở về ràn, mà người chăn phải tìm đến con chiên lạc và đem nó về ràn. Nếu Chúa Jêsus cứ ngồi trên trời thì chúng ta hư mất hết thảy. Song Ngài đã ra đi, Chúa phán: “Con Người đã đến để tìm và cứu kẻ bị mất… Con Người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Lu-ca 19:10; Ma-thi-ơ 20:28).
Khi đã đến trần gian, Chúa không ngừng đi đến các thành phố làng mạc, chữa bệnh, đuổi quỷ, giảng dạy, kêu gọi mọi người (Ma-thi-ơ 4:23; 9:35; 11:1; Mác 1:38). Chưa hết, Ngài đã đến tận đồi Gô-gô-tha, trên thập tự giá. Tại đó, Ngài phán: “Xong rồi” (Giăng 19:30).
Hội Thánh trải qua các đời đã lần lượt và tiếp tục RA ĐI LÀM CHỨNG. Nếu không vậy, chắc Tin Lành chưa đến Việt Nam. Song thực tế Tin Lành đã đến Việt Nam, đến tận thành phố, làng mạc của chúng ta, thậm chí cũng đến tận nhà của chúng ta nữa. Sau khi được cứu, chúng ta có trách nhiệm đem Tin Lành đến tận nhà người khác. Phi-e-rơ đã đến thành Sê-sa-rê, tận nhà Cọt-nây, Phi-líp đã đến gặp hoạn quan Ê-thi-ô-pi đang đi đường. A-na-nia đã đến gặp Sau-lơ tại thành Đa-mách. Phao-lô đã đến giảng giữa dân chúng, giảng từ nhà này sang nhà khác, làm chứng cho người Do-thái lẫn người Hy Lạp (Công-vụ 20:20-21).
Chúa khích lệ chúng ta bằng một câu quý báu: “NHỮNG BÀN CHÂN CỦA KẺ RAO TIN LÀNH LÀ TỐT ĐẸP BIẾT BAO” (Rô-ma 10:15). Chúng ta hãy ước ao có bàn chân đó.
II. CHÚNG TA ĐI ĐÂU?
Đi khắp thế gian? Không! Chúng ta chỉ truyền giảng Tin Lành trong phạm vi trách nhiệm của mình. Hãy bắt đầu từ gia đình mình như Anh-rê làm chứng cho anh là Phi-e-rơ, kế đó là bạn như Phi-líp làm chứng cho Na-tha-na-ên, kế đó nữa là làm chứng trong sở làm, trong trường học, giữa vòng bà con, giữa vòng người lân cận. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn” (Lu-ca 16:10). “Ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều” (Ma-thi-ơ 25:21, 23). Ai sẵn sàng làm bất cứ việc gì hoặc nhỏ hay lớn, đi bất cứ nơi nào hoặc xa hay gần, sẽ được Chúa trọng dụng.
Làm chứng là nói cho mọi người về ân điển của Chúa đã cứu mình. Đừng hổ thẹn về Chúa. Hãy nghe lời Phao-lô khuyên: “Vậy, con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng lấy sự ta vì Ngài ở tù làm xấu hổ, nhưng phải cậy quyền phép Đức Chúa Trời mà chịu khổ với Tin Lành” (IITi-mô-thê 1:8). Hãy nghe lời chứng của ông khi ngồi tù: “Phần nhiều trong anh em nhân tôi bị xiềng xích mà có lòng tin rất lớn trong Đấng Christ, dám truyền đạo Đức Chúa Trời chẳng sợ hãi gì hết” (Phi-líp 1:14). Hãy nghe lời cầu nguyện của Hội Thánh đầu tiên: “Nầy, xin Chúa xem xét sự họ ngăm dọa, và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ”. Và đây là kết quả: “Khi đã cầu nguyện, nơi nhóm lại rúng động, ai nấy đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời một cách dạn dĩ” (Công-vụ 4:29, 31).
Mạng lịnh của Chúa là: “Hãy đi khiến muôn dân… Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người”. Giảng cho muôn dân, giảng cho mọi người. Dầu họ là ai cũng bởi Chúa sanh ra, Chúa thương họ, Chúa chết vì họ. Chúa muốn họ được cứu. Đặc tính của Tin Lành là bớt thù thêm bạn, biến kẻ thù trở nên bạn hữu, biến tội nhân trở nên thánh nhân, biến con cái ma quỷ trở nên con cái Đức Chúa Trời, biến đá trở nên con cháu Áp-ra-ham. Chúa cho cơn bắt bớ xảy ra để đưa Phao-lô đến làm chứng cho tổng đốc Phê-lít và Phê-tu, vua Ạc-ríp-ba, đúng như chương trình đã định (Công-vụ 9:15).
III. TRUYỀN GIẢNG CÁCH NÀO?
1. CHO TỪNG NGƯỜI: Chúa muốn mỗi người phải làm chứng, phải làm chứng cho từng người tại bất cứ nơi nào mình gặp được trên thế giới. Đành rằng phải truyền giảng giữa công chúng như trong nhà thờ, nhưng cách này không phải ai cũng làm được, không phải lúc nào cũng được. Còn sự làm chứng cho từng người thì ai cũng làm được. Trong thế giới có những chiến dịch truyền giảng một lần cho hằng mấy vạn người. Song kết quả là do các Cơ đốc nhân đã làm chứng cho từng người. Chiến dịch tạo cho các thân hữu cơ hội quyết định và bày tỏ đức tin. Nếu một chiến dịch như vừa kể mà không do các Cơ đốc nhân làm chứng trước cho từng người thì không kết quả bao nhiêu hay không kết quả gì cả. Có những người không bao giờ chịu đi đến nhà thờ, hay bất cứ một nơi công cộng nào để nghe giảng, song họ bằng lòng nghe lời làm chứng của bạn bè bên cạnh. Họ quan niệm rằng Mục sư là người ăn lương nên phải giảng, còn tín đồ không vì một lý do nào khác hơn là đã được phước nên muốn người khác cũng được phước như mình. Hai công chức kia được cử đến dự một buổi lễ trong nhà thờ. Khi ra về, một người nói: Ông Mục sư giảng hay quá! Người bạn đáp: Nào có lạ gì, đó là một cán sự chuyên môn mà.
2.  BẰNG ĐỜI SỐNG: Chúng ta hãy đem chính đời sống mình đảm bảo cho lời làm chứng của mình, để đồng bào vừa nghe chúng ta nói mà cũng vừa thấy chúng ta làm. Các sứ đồ đã dùng huyết họ đóng ấn cho đức tin họ, vì hết thảy đều tử đạo. Các tín đồ trong những thế kỷ đầu tiên cũng vậy. Ngày nay, chúng ta chưa cần tử đạo mà phải sống đạo. Tử đạo chỉ có một lần, trong giờ phút nào đó, còn sống đạo là suốt cả đời. Xin Chúa cho chúng ta nói được như Phao-lô: “Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em” (Phi-líp 4:9).
“Đâu có ý chí, đó có phương pháp”, sau khi học bài này, anh chị em thảo luận để biết Hội Thánh của mình có phải là Hội Thánh truyền giảng hay không? Mỗi người có phải là tín đồ truyền giảng hay không? Đời sống của anh chị em có phải là đời sống truyền giảng hay không? Nguyện chúng ta sẵn sàng thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, có con đây xin hãy sai con” (Ê-sai 6:8).
CÂU HỎI
1.      Xin đọc một câu Kinh Thánh về mạng lịnh truyền giảng của Chúa?
2.      Câu nào Chúa bảo chúng ta phải truyền giảng cho đến tận thế?
3.      Hai công tác quan trọng của Hội Thánh là gì?
4.      Chúa Jêsus đã làm gương thế nào về việc này?
5.      Nhờ đâu Tin Lành đã đến Việt Nam 84 năm rồi?
6.      Chúng ta phải làm chứng cho ai trước nhất?
7.      Trong vấn đề này, đặc tánh của Tin Lành là gì?
8.      Tại sao truyền giảng cho từng người là quan trọng hơn giảng cho cả công chúng?
9.      Giảng bằng đời sống mình có nghĩa gì?

      10. Bạn có quyết định gì sau khi học bài này?


 

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.