ĐỨC CHÚA TRỜI
MUỐN CHÚNG TA HỌC KINH THÁNH
Kinh
Thánh:
Phục-truyền 6:6-9
Câu
gốc:
“Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ
trách được, lấy lòng ngay thẳng mà giảng dạy lời của lẽ thật” (IITi-mô-thê
2:15)
Mục
đích:
Khuyến khích mỗi chúng ta thường xuyên đọc Kinh Thánh và dùng Kinh Thánh như một
quyển sách hướng dẫn đời sống mình.
LỜI
CẦU NGUYỆN ĐỂ DÂNG LÊN:
“Xin
Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Ngài” (Thi
119:18)
MỆNH
LỆNH ĐỂ VÂNG THEO:
“Hãy
dò xem Kinh Thánh” (Giăng 5:39)
Kinh
Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
|
CHUYÊN TÂM CHO ĐƯỢC ĐẸP LÒNG CHÚA
|
(IITi-mô-thê 2:15; 3:15-17)
|
Thứ Hai:
|
CHUYÊN TÂM ĐỂ BIẾT Ý CHỈ CỦA CHÚA
|
(Phục-truyền 6:6-9)
|
Thứ Ba:
|
HAM THÍCH SỮA THIÊNG LIÊNG CỦA ĐẠO
|
(IPhi-e-rơ 2:1-7)
|
Thứ Tư:
|
HỌC BIẾT ĐƯỜNG LỐI CHÚA
|
(Thi 27:1-14)
|
Thứ Năm:
|
HỌC TẬP ĐỂ BIẾT CÁCH SỐNG
|
(Giăng 6:48-58)
|
Thứ Sáu:
|
HỌC HỎI ĐỂ ĐƯỢC SOI SÁNG
|
(Giăng 5:39-47)
|
Thứ Bảy:
|
HỌC TẬP DƯỚI SỰ HƯỚNG DẪN CỦA THÁNH
LINH
|
(Giăng
16:7-16)
|
Theo
Phục-truyền 6:6-9, Đức Chúa Trời muốn dân Y-sơ-ra-ên học lời Ngài. Chúa cũng
muốn chúng ta học lời Ngài như vậy, vì chúng ta là dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh,
con cháu đức tin của Áp-ra-ham (Rô-ma 4:16; 9:8; Ga-la-ti
3:29).
1.
Lời Chúa phải ở trong lòng chúng ta.
2.
Phải dạy dỗ lời Chúa cho con cái, nghĩa là in vào trí, khắc vào lòng chúng
nó.
3.
Phải nói lời Chúa khi ở nhà hay khi đi đường, khi nằm hay khi ngồi, tức là suy
gẫm lời Chúa ngày và đêm (Thi 1:2), rồi áp dụng lời Chúa vào hành vi của
mình.
4.
Phải buộc lời Chúa nơi tay, để nó nơi trán giữa đôi mắt. Người Do Thái bịt khăn
ngang trán, nên họ để một câu Kinh Thánh tại đó.
5.
Phải viết lời Chúa trên cột nhà và cửa để thấy và ghi nhớ.
Tóm
lại, phải giữ lời Chúa trong nhà, trong thân, trong trí, trong lòng (Giô-suê
1:8)
I.
ĐỨC CHÚA TRỜI PHÁN VỚI CHÚNG TA QUA KINH THÁNH
Đức
Chúa Trời của chúng ta không phải như hình tượng câm, có miệng mà không nói
(ICô-rinh-tô 12:2; Thi 115:5), song Ngài luôn luôn phán với chúng
ta.
Ngài
đã phán qua Môi-se và các tiên tri, Ngài đã phán qua Chúa Jêsus và các sứ đồ
(Hê-bơ-rơ 1:1). Ngài đã bảo họ chép lại các lời phán và việc làm của Ngài để lưu
truyền hậu thế.
Chúa
bảo Môi-se: “Hãy chép điều nầy trong sách làm kỷ niệm (Xuất 17:14). “Môi-se chép
hết mọi lời của Đức Giê-hô-va” (Xuất 24:4). Đức Giê-hô-va cũng chép lời Ngài
trên bảng đá cho dân Y-sơ-ra-ên (Xuất 24:12; 32:15, 16). Chúa lại bảo Môi-se:
“Hãy chép các lời nầy” (Xuất 34:27).
Chúa
bảo Giê-rê-mi: “Hãy lấy một cuốn sách, chép vào đó mọi lời ta đã phán cùng
ngươi…” (Giê-rê-mi 36:2).
Cuối
cùng Chúa bảo với sứ đồ Giăng: “Vậy, hãy chép lấy những sự ngươi đã thấy, những
việc hiện nay có và những việc sau sẽ đến” (Khải-huyền
1:19).
Phao-lô
được Thánh Linh cảm động chép 13 thơ tín từ Rô-ma đến Phi-lê-môn, ông có nhắc:
“Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và
sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được trông cậy” (Rô-ma
15:4).
Vì
vậy, tất cả những người được Chúa dùng chép Kinh Thánh đều nhấn mạnh: “Đức
Giê-hô-va phán…”. Khi Kinh Thánh phán, ấy là lời Đức Chúa Trời phán. Lời Chúa là
chân thật, quyền năng, sống động, đời đời. Kinh Thánh là một quyển sách, một bức
thư của Đức Chúa Trời gởi cho nhân loại. Con cái được đọc thơ của Cha yêu dấu là
sung sướng vô cùng.
II.
ÍCH LỢI CỦA SỰ HỌC KINH THÁNH
Chúa
phán với chúng ta là vì lợi ích cho chúng ta:
1.
LỜI CHÚA LÀM CHO CHÚNG TA ĐƯỢC TÁI SANH (IPhi-e-rơ
1:23; Gia-cơ 1:18): Chúng ta được sanh lại, trở nên con cái Đức Chúa Trời là
công việc của Đức Thánh Linh. Song Thánh Linh dùng Kinh Thánh để cáo trách tội
lỗi, soi sáng, cảm động, đưa chúng ta đến sự ăn năn, tin nhận Cứu Chúa Jêsus
Christ. Kinh Thánh là một dụng cụ đắc lực của Thánh Linh.
2.
LỜI CHÚA LÀM CHO CHÚNG TA ĐƯỢC LỚN LÊN
(IPhi-e-rơ 2:2): Sau khi được tái sanh, chúng ta cần lớn lên để đạt bậc trưởng
thành, có tầm thước, vóc giạc trọn vẹn của Chúa Jêsus. Muốn vậy, chúng ta phải
học hỏi, ăn nuốt lời Chúa như trẻ con ham thích ăn nuốt sữa
mẹ.
3.
LỜI CHÚA LÀM CHO CHÚNG TA ĐƯỢC TẨY SẠCH
(Giăng 15:3): Sau khi được cứu, như vừa kể trên, chúng ta còn có những tội lỗi
dễ vấn vương, những thói quen không tốt, những tư tưởng bất khiết. Song lời Chúa
như lửa để thiêu hủy mọi sự đó, đồng thời lời Chúa như nước tẩy sạch tấm lòng
chúng ta (Hê-bơ-rơ 10:22).
4.
LỜI CHÚA LÀM CHO CHÚNG TA ĐƯỢC NÊN THÁNH
(Giăng 17:17): Sau khi được tẩy sạch, lời Chúa còn giữ gìn chúng ta sạch mãi.
Lời Chúa giữ chúng ta khỏi tội lỗi. Ngược lại, tội lỗi giữ chúng ta khỏi lời
Chúa. Đa-vít nói: “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi để tôi không phạm tội
cùng Chúa” (Thi 119:11).
5.
LỜI CHÚA NÂNG ĐỠ, AN ỦI CHÚNG TA
(Thi 19:7): Lời Chúa có một tác động phi thường để nâng đỡ kẻ ngã lòng, an ủi kẻ
thất vọng, thêm sức kẻ yếu đuối. Không cứ hoàn cảnh nào, lời Chúa đều có thể
nâng đỡ, an ủi cả.
Tại
một xứ kia, có một tín đồ gặp tai nạn mìn nổ làm mất hết hai tay, mù hết đôi
mắt. Ông thất vọng vì không còn được đọc Kinh Thánh. Nhưng có người bảo ông rằng
ông có thể dùng môi đọc Kinh Thánh bằng chữ nổi (Braille). Khi Kinh Thánh được
đưa đến môi mình ông mới hay chất nổ đã làm cho thần kinh ở môi ông bị tê liệt,
nên ông không thể dùng môi mà đọc được. Đang khi thất vọng, ông nhớ đến lưỡi
mình. Thế là ông bắt đầu tập đọc Kinh Thánh chữ nổi bằng lưỡi. Ông cho biết:
“Tôi đã đọc cả Kinh Thánh 4 lần, có nhiều đoạn đã đọc đi đọc lại hằng chục lần
mà không chán”.
Đúng
như Đa-vít đã nói: “Các điều ấy (Lời Chúa) quý hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng;
lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong. Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao!
Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi” (Thi 19:10;
119:103).
III.
PHƯỚC HẠNH CỦA SỰ LÀM THEO KINH THÁNH
Chúng
ta biết Kinh Thánh là Lời Chúa phán với chúng ta. Các lời ấy nhằm mục đích làm
lợi ích cho chúng ta. Song muốn hưởng được lợi ích đó, chúng ta không những học,
hiểu lời Chúa mà còn phải làm theo.
Đa-vít
nói: “Phước cho người gìn giữ chứng cớ Ngài” (Thi 119:2). Chúa Jêsus phán:
“Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn” (Lu-ca 11:28). Gia-cơ
chép: “Những kẻ nào… hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước
trong sự mình vâng lời” (Gia-cơ 1:25).
Chúa
Jêsus đã so sánh người nghe lời Chúa rồi làm theo, giống như người khôn ngoan
xây nhà trên đá, còn người nghe lời Chúa mà không làm theo, giống như người dại
dột, xây nhà trên cát. Đa-vít nói: “Các điều răn Chúa làm cho tôi khôn ngoan hơn
kẻ thù nghịch tôi… Tôi thông hiểu hơn kẻ già cả, vì cớ gìn giữ các giềng mối
Chúa” (Thi 119:98, 100). Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Từ khi con còn thơ ấu đã
biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan…” (IITi-mô-thê
3:15).
Kinh
Thánh là một quyển sách lời hứa, chứa đựng vô số lời hứa quý báu và chân thật
của Chúa chúng ta. Ai muốn hưởng lời hứa đó, phải đọc cho hiểu rồi cẩn thận làm
theo. Lúc nào cũng phải sẵn sàng “quỳ xuống dưới chân Ngài đặng lãnh những lời
của Ngài” (Phục-truyền 33:3).
Một
kẻ sát nhân đang bị giam trong khám, chờ ngày thọ hình. Một quyển Tân Ước được
gửi vào biếu anh, song anh không đọc. Thế rồi, vì tò mò, ngày kia anh mở ra xem.
Anh say mê, đọc mải miết cho đến chỗ Chúa Jêsus bị đóng đinh và Ngài cầu nguyện:
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Anh
viết thơ ra cho bạn: “Lòng tôi cảm động vô cùng. Tôi ăn năn và thưa với Chúa:
Lạy Chúa Jêsus, xin tha tội cho con”. Và anh đã qua đời bình
an.
Xung
quanh chúng ta có rất nhiều tội nhân đang thất vọng. Hãy giúp đỡ họ (Châm-ngôn
24:11).
CÂU
HỎI
1.
Kể
lại 5 điều Chúa dặn phải giữ lời Chúa.
2.
Sách
nào được kể là lời của Chúa?
3.
Tại
sao Kinh Thánh là lời phán của Chúa?
4.
Lược
kể 5 điều lợi ích của sự học Kinh Thánh?
5.
Kể
lại một câu chuyện một tín đồ gặp tai nạn mìn nổ?
6.
Muốn
hưởng được lợi ích của lời Chúa phải làm sao?
7.
Người
theo Chúa giống như ai?
8.
Thuật
lại câu chuyện của một anh sát nhân?
9.
Đa-vít
xem lời Chúa quý giá và ngon ngọt như gì?
- Qua bài học này, chúng ta có quyết định gì đối với lời Chúa?