ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA VÂNG PHỤC

ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA VÂNG PHỤC
Kinh Thánh: Sáng-thế Ký 12:1-3; Xuất 20:1-11; Hê-bơ-rơ 5:8,9
Câu gốc: “Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy thì các ngươi là bạn hữu ta” (Giăng 15:14)
Mục đích: Giúp tín hữu biết vâng phục Đức Chúa Trời là điều tối quan trọng.
MỆNH LỆNH ĐỂ VÂNG THEO: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta” (Công-vụ 5:29).
LỜI CẦU NGUYỆN ĐỂ DÂNG LÊN: “Chúng tôi sẽ vâng theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi” (Giê-rê-mi 42:6).
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI
(Xuất 20:1-11; Công-vụ 5:17-29)
Thứ Hai:
VÂNG PHỤC CHA MẸ
(Xuất 20:12; Ê-phê-sô 6:1-3; Cô-lô-se 3:20)
Thứ Ba:
NÔ-Ê VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI
(Sáng-thế Ký 6:8, 22; 7:1, 5; 8:1, 15-19; 9:1)
Thứ Tư:
SA-MU-ÊN VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI
(ISa-mu-ên 3:1-21)
Thứ Năm:
ÁP-RA-HAM VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI
(Sáng-thế Ký 12:1-9; Hê-bơ-rơ 11:8)
Thứ Sáu:
PHAO-LÔ VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI
(Công-vụ 26:1-23)
Thứ Bảy:
ĐẤNG CHRIST VÂNG PHỤC
(Rô-ma 5:19; Phi-líp 2:5-8; Hê-bơ-rơ 5:8-10)

Sự vâng phục là đức tính tốt nhất của con cái đối với cha mẹ, của học trò đối với thầy giáo, của công dân đối với luật lệ nhà nước.
Sự vâng phục mà Kinh Thánh dạy không giống như sự vâng phục của nô lệ đối với chủ, tức là không phải vâng phục vì sợ hãi trước một uy quyền, thế lực nào, nhưng vâng phục vì yêu thương. Jêsus Christ là Thầy, là Chúa chúng ta, Đấng đã liều thân thể để cứu chúng ta. Vì biết ơn Ngài, vì kính mến Ngài, chúng ta sẵn sàng vâng phục cho đến chết. Tình yêu phải là động cơ mạnh nhất thúc đẩy chúng ta vâng phục Đức Chúa Trời.
I. VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG
Trời đất muôn vật, nói chung là thiên nhiên giới rất đẹp đẽ, vì tất cả đều vâng phục Đức Chúa Trời. Ngài ban cho mỗi chiếc lá mỗi cành hoa một hình dạng, một màu sắc khác nhau, song thảy đều đẹp đẽ. Chim bay trên trời, cá lội dưới nước, thú đi trên đất, loài nào cũng đẹp đẽ trọn vẹn. Thân thể của con người còn tuyệt vời hơn cả chiếc lá, cành hoa và mọi loài động vật. Song thật tiếc, loài người đã lợi dụng sự tự do Chúa cho mà không vâng phục Ngài. Vì thế trong tâm giới, Đức Chúa Trời không thể làm gì cho loài người. Đó là lý do loài người đau khổ.
Trong bài cầu nguyện chung có câu: “Xin ý Cha được nên ở đất như trời”. Trên trời ý Cha được nên lập tức và trọn vẹn. Dưới đất ý Cha chưa được nên như vậy, vì sứ bất phục của loài người. Nếu chấp sự Phi-líp không vâng phục Đức Chúa Trời mà đi ngay đến Ga-xa thì đã bỏ lỡ mất dịp tiện hướng dẫn hoạn quan Ê-thi-ô-pi về cùng Chúa (Công-vụ 8:26, 27).
Dưới đất có nhiều kẻ không vâng phục Đức Chúa Trời lại còn xúi giục kẻ khác không vâng phục Ngài nữa (Rô-ma 1:32). Nê-bu-cát-nết-sa, Đa-ri-út, Chính quyền Do-thái và La-mã đã hành động như vậy. Nếu gặp trường hợp đó, chúng ta phải đồng thanh với Phi-e-rơ và Giăng mà nói rằng: “Thà vâng lời Đức Chúa Trời, còn hơn vâng lời người ta” (Công-vụ 5:29).
Dầu hậu quả ra sao, chúng ta cũng phải can đảm, để cho Đức Chúa Trời có cơ hội thi hành quyền năng siêu việt của Ngài, hầu danh Ngài được vinh hiển.
II. NHỮNG TẤM GƯƠNG VÂNG PHỤC
1. Áp-ra-ham: (Sáng-thế Ký 12:1-3; Hê-bơ-rơ 11:8).
Chúa bảo ông ra khỏi quê hương, vòng bà con, nhà cha ông mà đến một xứ xa, rồi Ngài sẽ ban phước lớn cho ông. Phước lớn thật song sự vâng phục cũng khó thật. Nhưng Áp-ra-ham đã sẵn sàng ra đi, mặc dầu ông không biết mình đi đâu. Ông không biết song Chúa biết, nên ông chỉ vâng phục Ngài còn Chúa dẫn dắt và lo liệu mọi sự cho ông.
Không phải Áp-ra-ham chỉ vâng phục chừng đó. Về sau ông còn vâng phục Chúa mà đuổi A-ga và Ích-ma-ên ra khỏi nhà (Sáng-thế Ký 21:8-14). Hơn nữa ông vâng phục Chúa mà đem con trai một yêu dấu của mình là Y-sác lên núi Mô-ri-a dâng làm của lễ thiêu cho Ngài (Sáng-thế Ký 22:1-19).
2. Môi-se (Xuất 3:1-14; Hê-bơ-rơ 11:27).
Môi-se đã thực hiện một công tác rất vĩ đại là giải phóng hơn một triệu người Y-sơ-ra-ên ra khỏi tay độc ác của hoàng đế nước Ê-díp-tô. Môi-se là một người chăn chiên, trong tay chỉ có cây gậy, còn hoàng đề Ê-díp-tô trong tay có cả lực lượng của một cường quốc. Môi-se chống Pha-ra-ôn như  châu chấu chống với xe, như trứng chọi vào đá. Thế mà binh mã Ê-díp-tô bị tiêu diệt, Môi-se hoàn toàn thắng, buộc Pha-ra-ôn phải phóng thích dân Y-sơ-ra-ên. Thật ra, không phải Môi-se chống với Pha-ra-ôn mà Pha-ra-ôn chống với Đức Chúa Trời. Pha-ra-ôn chống với Đức Chúa Trời như châu chấu chống với xe, như trứng chọi vào đá. Môi-se thành công chỉ vì ông hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời.
Ngoài ra, Môi-se làm sao mà nuôi nổi hơn một triệu người Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng suốt 40 năm? Mọi sự đó có Chúa lo, ông chỉ vâng phục Ngài là đủ. Chúa làm mưa mana từ trời cho họ ăn, khiến hòn đá tuôn ra nước cho họ uống, che phủ họ ban ngày bằng một đám mây, soi sáng họ ban đêm bằng một trụ lửa. Ngài dẫn dắt họ từng bước, cung cấp cho họ đầy đủ mọi nhu cầu. “Phải, Chúa nuôi dưỡng chúng 40 năm trong đồng vắng, chúng chẳng thiếu thốn chi cả, quần áo chúng không cũ rách, và chân chúng chẳng phù lên” (Nê-hê-mi 9:21).
3. CÁC MÔN ĐỒ (Ma-thi-ơ 28:18-20)
Chúa bảo các môn đồ làm một việc mà sức người không ai làm nỗi. Họ là những người quá tầm thường, suốt đời chưa hề ra khỏi xứ, bị kể là thành phần dốt nát, vô học. Thế mà họ phải khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa. Chúa bảo như vậy không phải vô lý đâu, vì Ngài đã phán: “Và này Ta thường ở cùng ngươi luôn cho đến tận thế”. Chúa cũng đã hứa với Môi-se câu đó (Xuất 3:12). Họ ngu dại song Chúa khôn ngoan, họ yếu đuối song Chúa mạnh mẽ, họ vô quyền song Chúa toàn quyền, họ không có gì cả song Chúa có đủ mọi sự. Họ chỉ cần vâng phục, bao nhiêu việc khác Chúa sẽ làm và làm trổi hơn mọi điều họ cầu xin và suy tưởng. Lịch sử chứng minh các môn đồ đã thành công.
Ngày nay, phạm vi trách nhiệm của chúng ta là truyền giảng Tin Lành cho trên 70 triệu đồng bào Việt Nam. Chúng ta phải làm sao? Nếu chúng ta vâng phục Đức Chúa Trời như Áp-ra-ham, Môi-se, như các sứ đồ, chắc chắn Chúa sẽ bày tỏ quyền năng vô cùng của Ngài để thực hiện công tác truyền giảng, cứu vớt tội nhân và Danh Chúa được vinh hiển.
Nguyện Chúa cho chúng ta thảy đều đồng một lòng, một miệng nói lên: “Lạy Chúa, con xin vâng phục Ngài!”
III. KẾT QUẢ CỦA SỰ VÂNG PHỤC
1. So sánh sự không vâng phục của A-đam với sự vâng phục của Chúa Jêsus (Rô-ma 5:12, 19).
A-đam đã không vâng phục, chẳng những mang họa vào đời sống của ông mà còn gây họa cho muôn vàn con cháu trải qua các đời. Chắc A-đam không ngờ, và cho đến bây giờ, không ai có thể lường hết tai họa đó. Thế mà ngày nay cũng còn lắm bậc ông bà, cha mẹ không cẩn thận về cách ăn ở của mình. Dầu đã tin Chúa, nhiều người đang sống cuộc đời không vâng phục nên họ sẽ hối tiếc đời đời khi thấy con cháu mình phải chịu họa lây.
Chúa Jêsus là A-đam cuối cùng đã vâng phục trọn vẹn, nên sự chết đền tội và sự sống lại của Ngài làm cho Ngài trở thành đầu của nhân loại mới, tức là một dòng dõi công bình. Ơn phước tràn ra từ sự vâng phục của Chúa Jêsus thật không xiết kể, đem nhân loại mới trở lại thời A-đam trước khi phạm tội. Những gì A-đam đã làm mất do sự bất phục của ông, chúng ta tìm lại được do sự vâng phục của Chúa Jêsus. Vì vậy, Ngài đã “trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho những kẻ vâng lời Ngài” (Hê-bơ-rơ 5:8, 9). Chúng ta không được kể là dòng dõi của Chúa Jêsus nếu chúng ta không vâng phục.
2. Có rất nhiều phần thưởng dành cho kẻ vâng phục.
Chúng ta biết nhiều lần Chúa buồn rầu vì sự không vâng phục của nhân loại trong đời Nô-ê, của dân Y-sơ-ra-ên, của Sau-lơ và của Hội Thánh ngày nay (Ê-phê-sô 4:30). Nếu yêu Chúa, chúng ta không nỡ nào làm cho Ngài buồn rầu, mà phải làm cho Ngài vui (Lu-ca 15:7, 10, 23, 24, 32).
Các phước lành của Chúa đều dành cho kẻ vâng phục Ngài. Đó là một đời sống hạnh phúc, một đời sống thành công, một đời sống phong phú, một đời sống thánh khiết, một đời sống bất diệt trên trời.
TÔI SỐNG ĐỂ VÂNG PHỤC CHÚA
CÂU HỎI
1.      Đức tính tốt nhất của một người là gì?
2.      Tại sao muôn loài vạn vật được đẹp đẽ?
3.      Tại sao loài người vẫn đau khổ?
4.      Hãy thuật lại gương vâng phục của Áp-ra-ham?
5.      Hãy thuật lại gương vâng phục của Môi-se?
6.      Hãy thuật lại gương vâng phục của các môn đồ?
7.      Bí quyết thành công của họ là gì?
8.      Tại sao con cháu A-đam bị đau khổ?
9.      Tại sao dòng dõi của Chúa Jêsus được phước?
10. Sau khi học bài học này, chúng ta có quyết định gì? 

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.