Tiên tri về Ðấng Mê-si
Ê-sai được gọi là "Tiên tri về Ðấng Mê-si," vì ông hoàn toàn thấm nhuần ý tưởng rằng dân tộc ông sẽ ban Ðấng Mê-si cho thế giới, nghĩa là bởi dân tộc ấy, một ngày kia, ơn phước lớn lao và kỳ diệu sẽ từ Ðức Chúa Trời giáng trên mọi nước. Ông luôn luôn mơ tưởng một thời kỳ mà công việc lớn lao, kỳ diệu giữa muôn dân đó sẽ thực hiện.
Tân Ước chép rằng Ê-sai đã "thấy sự vinh hiển của Ðấng Christ và nói về Ngài" (Giăng 12:41).
Con người Ê-sai
Ông là Tiên tri của nước Giu-đa ở phía Nam, vào thời nước Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc đã bị quân A-si-ri tiêu diệt.
Ê-sai sống dưới đời trị vì của các vua Ô-xia, Giô-tham, A-cha, và Ê-xê-chia. Ông được Chúa kêu gọi năm vua Ô-xia băng hà; nhưng một vài sự hiện thấy của ông đã xảy ra sớm hơn (xem ở Ê-sai 6:1). Theo truyền thoại của người Do-thái, thì ông đã bị Ma-na-se giết chết. Chúng ta có thể phỏng định niên hiệu chức vụ tích cực của ông vào khoảng năm 745-695 T.C.., như vậy là gồm 50 năm hoặc hơn nữa.
Theo truyền thoại của các đạo sư Do-thái, thì A-mốt (không phải tiên tri A-mốt), cha của Ê-sai, là anh em vua A-ma-xia. Như vậy, Ê-sai là anh em thúc bá với vua Ô-xia, và là cháu nội của vua Giô-ách. Thế thì ông có dòng máu nhà vua, và là một quí nhơn ở triều đình.
Văn phẩm của ông.-- Ông còn viết nhiều sách khác, nhưng đã thất truyền: Một tiểu sử của vua Ô-xia (II Sử ký 26:22), một "sách các vua Giu-đa và Y-sơ-ra-ên" (II Sử ký 32:32). Ông vừa là sử gia, vừa là đấng tiên kiến. Tân Ước trưng dẫn lời của ông nhiều hơn bất cứ đấng tiên tri nào khác. Ông có trí óc phi thường biết bao! Trong một vài đoạn văn, ông đã trổi hơn cả Shakespeare, Milton, hoặc Homère.
Ông tuận đạo.-- Trong sách "Talmud" mà nhiều Giáo phụ của Hội Thánh công nhận là chơn chánh, có một truyền thoại rằng ông phản đối các chiếu chỉ của Ma-na-se liên quan đến sự thờ lạy hình tượng, nên bị bắt, bị cột giữa hai tấm gỗ, rồi cưa làm đôi. Như vậy, ông đã chết đau đớn và khủng khiếp hơn hết. Người ta cho rằng thơ Hê-bơ-rơ 11:37 ngụ ý nói đến cảnh tuận đạo của Ê-sai đây.
Bối cảnh A-si-ri trong chức vụ của Ê-sai
150 năm trước thời của Ê-sai, đế quốc A-si-ri đã bành trướng và "nuốt" nhiều nước lân cận. Vào năm 840 T.C., nước Y-sơ-ra-ên, dưới đời trị vì của Giê-hu, đã bắt đầu triều cống đế quốc A-si-ri. Năm 734 T.C., khi Ê-sai còn là một thanh niên, thì quân A-si-ri đã bắt hầu hết dân Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc đi làm phu tù. 13 năm sau (721 T.C.), thành Sa-ma-ri sụp đổ, và phần dân Y-sơ-ra-ên còn sót lại cũng bị bắt đi. Rồi mấy năm sau nữa, quân A-si-ri xông vào xứ Giu-đa, hủy phá 46 thành trì kiên cố, và bắt 200.000 người đi làm phu tù. Rốt lại, năm 701 T.C., khi Ê-sai đã cao tuổi, quân A-si-ri bị chặn lại trước vách thành Giê-ru-sa-lem, rồi chúng bị một thiên sứ của Ðức Chúa Trời đánh cho đại bại. Như vậy, suốt đời Ê-sai ở dưới bóng hăm dọa của đế quốc A-si-ri, và chính ông đã chứng kiến tay chúng hủy phá cả nước mình, chỉ trừ ra thành Giê-ru-sa-lem.
Bí Chú Khảo Cổ: Cuốn sách của Ê-sai
Theo chỗ chúng ta biết, thì hết thảy nguyên bổn các sách Kinh Thánh đã thất lạc, Kinh Thánh của chúng ta ngày nay gồm những bản sao của những bản sao. Các bản sao nầy chép bằng tay cho tới khi sáng chế được máy in, nhằm năm 1454 S.C..
Các sách Cựu Ước đã viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Còn các sách Tân Ước viết bằng tiếng Hy-lạp. Các bản thảo toàn bộ Kinh Thánh cũ nhứt mà ta được biết và hiện còn đã có từ thế kỷ thứ 4 và thứ 5. Các bản ấy bằng tiếng Hy-lạp, và về phần Cựu Ước, thì có quyển Septante, là bản dịch Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ ra tiếng Hy-lạp, nhằm thế kỷ thứ 2 T.C..
Các bản thảo Cựu Ước bằng tiếng Hê-bơ-rơ cũ nhứt mà ta được biết và hiện còn, thì đã có từ khoảng 900 năm S.C.. Bản Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ gọi là "Messoretic Text" đã căn cứ vào các bản thảo trên đây và được dùng để dịch Cựu Ước ra tiếng Anh. Bản "Messoretic Text" là kết quả của sự so sánh mọi bản thảo sẵn có và do nhiều dòng văn sĩ (scribes) khác nhau sao lại những bản sao có từ trước. Các bản thảo nầy khác nhau rất ít, nên các nhà chuyên khảo cứu tiếng Hê-bơ-rơ đều đồng ý rằng trừ một vài điểm dị đồng không đáng kể, bản Kinh Thánh (tiếng Anh) của chúng ta đúng như nguyên bổn.
Tới nay, năm 1947, tại 'Ain Fashkha, cách Giê-ri-cô chừng 7 dặm về phía Nam và cách Biển Chết 1 dặm về phía Tây, một số người Ả-rập du mục chở hàng hóa từ thung lũng sông Giô-đanh tới làng Bết-lê-hem, đang tìm một con dê lạc mất tại một dòng suối nông cạn đổ vào Biển Chết, bỗng tới cái hang đã sụp đổ một phần; trong đó, họ tìm thấy một số bình vỡ có những cuốn sách góc ló ra ngoài. Bọn người du mục bèn kéo các cuốn sách ra, đem đi giao cho Nữ tu viện Thánh Mác của Giáo hội Chánh thống phái Si-ry tại Giê-ru-sa-lem, rồi những vị phụ trách nơi đây lại giao cho Mỹ quốc Ðông phương Khảo cứu Học viện để xét xem giá trị thể nào.
Người ta nhận ra một trong những cuốn sách nầy là Sách Ê-Sai chép cách đây 2000 năm, và 1000 năm cũ hơn bất cứ bản thảo nào của bất cứ sách nào trong Kinh Cựu Ước bằng tiếng Hê-bơ-rơ mà ta được biết. Thật là một Sự Phát Giác Lạ Lùng!
Cuốn sách nầy viết trên giấy da chiên thô sơ, dài chừng 8 thước tây, do nhiều mảnh dài 38 phân và rộng 25 phân khâu liền với nhau, toàn là chữ Hê-bơ-rơ thời cổ; và có bằng cớ chứng tỏ rằng sách đã viết vào thế kỷ 2 T.C..
Cuốn sách nầy và nhiều cuốn sách khác nguyên thủy, đã được bọc trong vải gai, ngoài phết sáp ong đen, rồi giấu kín trong những bình bằng đất. Rõ ràng lắm, chúng là một phần thơ viện của dân Do-thái, đã được giấu nơi hang đá chơ vơ nầy trong lúc nguy hiểm, có lẽ đương thời quân La-mã chinh phục xứ Giu-đê.
Về nội dung, cuốn nầy giống in sách Ê-sai trong Kinh Thánh của chúng ta; thật là tiếng nói ở trong bụi đất từ 2000 năm nay, do Ðức Chúa Trời gìn giũ một cách lạ lùng, để xác nhận Kinh Thánh là chơn chánh. Ông W.F.Albrightgọi nó là "bản thảo quan trọng nhứt phát giác được đương thời nay" (xem số 1948 và 1949 của tạp chí "Mỹ quốc Ðông phương Nghiên cứu Học viện" và tạp chí "Nhà Khảo cổ Kinh Thánh").
Sự nghiệp vĩ đại của Ê-sai là giải cứu thành Giê-ru-sa-lem khỏi tay quân A-si-ri. Chính là nhờ lời ông cầu nguyện, lời ông khuyên bảo vua Ê-xê-chia và sự can thiệp trực tiếp lạ lùng của Ðức Chúa Trời, mà đạo quân A-si-ri dũng mãnh đáng sợ đã bị đánh bại trước vách thành Giê-ru-sa-lem. Chính Ê-sai đã cứu thành ấy lúc sự đoán phạt dường như chắc chắn (xem đoạn 36 và 37). Dầu San-chê-ríp, vua A-si-ri, còn sống 20 năm sau cuộc thất bại nầy, nhưng hắn không hề tiến đánh thành Giê-ru-sa-lem nữa.
Những vua Giu-đa đồng thời với Ê-sai
Ô-xia: (787-735 T.C.). Một vua tốt. Ðời trị vì lâu dài và thành công mỹ mãn.
Giô-tham: (749-734 T.C.). Một vua tốt. Phần lớn đồng trị vì với Ô-xia.
A-cha: (741-726 T.C.). Một vua rất gian ác. Xem thêm ở dưới II Sử ký 28.
Ê-xê-chia: (726-697 T.C.). Một vua tốt. Xem ở dưới II Sử ký 29.
Ma-na-se: (697-542). Một vua rất gian ác. Xem ở dưới II Sử ký 33.
Các vua Y-sơ-ra-ên đồng thời với Ê-sai
Giê-rô-bô-am II: (790-749 T.C.). Một đời trị vì lâu dài, thạnh vượng, chuyên thờ lạy hình tượng.
Xa-cha-ri: (748). Bị mưu sát.
Sa-lum: (748). Bị mưu sát.
Ma-na-hem: (748-738 T.C.). Tàn ác tột bậc.
Phê-ca-hia: (738-736 T.C.). Bị Phê-ca mưu sát.
Phê-ca: (748-730 T.C.). Dân Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc bị bắt làm phu tù (734 T.C.).
Ô-sê: (730-721 T.C.). Thành Sa-ma-ri bị chiếm (721 T.C.). Nước phía Bắc bị diệt vong.
Bí Chú Khảo Cổ: Sa-gôn
Sách Ê-sai 20:1 có chép: "Sa-gôn, vua A-si-ri, sai Ta-tân đến Ách-đốt vây thành và chiếm lấy." Trong tất cả văn chương cổ hiện còn, ta chỉ biết đó là chỗ duy nhứt có ghi tên Sa-gôn. Các nhà phê bình đã nói rằng Kinh Thánh ghi tên một vua mà không hề ai biết là có thật, thì đã phạm một lầm lỗi về phương diện lịch sử.
Nhưng, lạ lùng thay, năm 1842, ông Botta đã tìm thấy di tích của cung điện Sa-gôn tại Khorsabad, ở phía Bắc thành Ni-ni-ve, có những kho tàng và bi văn tỏ ra rằng Sa-gôn là một trong những vua A-si-ri oai hùng nhứt! Nhưng tên ông đã biến mất khỏi lịch sử, trừ ra lời ghi đơn độc trong sách Ê-sai, cho tới khi nhà khảo cổ Botta ngày nay phát giác được.
Những năm gần đây, nhơn viên Ðông phương Học viện đã đào bới di tích cung điện Sa-gôn, gồm nơi Sa-gôn thiết triều, ngai của ông và con bò rừng to lớn bằng đá canh gác lối vào cửa, v.v...
Do các bi văn, ta được biết rằng Sanh-ma-na-sa đã chết đang lúc vây hãm thành Sa-ma-ri, có Sa-gôn kế vị và hoàn tất cuộc chiếm cứ thành ấy. Hơn nữa, để chứng minh lời trưng dẫn sách Ê-sai 20:1 trên kia, một bi văn của Sa-gôn chép rằng: "Azuri, vua Ách-đốt, toan tính trong lòng không triều cống nữa. Trong cơn tức giận, ta kéo đoàn vệ binh thường trực đi đánh Ách-đốt. Ta chiếm được Ách-đốt và Gát: Ta cướp của báu và nhơn dân của hai thành nầy, rồi đem dân các xứ phía Ðông đến ở đó. Ta nhận cống phẩm của các xứ Phi-li-tin, Giu-đa, Ê-đôm và Mô-áp."
Ðoạn 1 -- Tội ác khủng khiếp của nước Giu-đa
Lời khủng khiếp tố cáo dân chúng đây dường như ở vào khoảng giữa đời trị vì của Ê-xê-chia, sau khi nước phía Bắc bị diệt vong, và sau khi A-si-ri đã xâm lăng xứ Giu-đa, bắt một phần lớn nhơn dân đi làm phu tù, chỉ còn sót lại thành Giê-ru-sa-lem (câu 7-9). Ê-xê-chia là một vua hiền đức, nhưng các cuộc cải cách của ông chỉ mới "cào sơ" cái vỏ ngoài đời sống thúi nát của nhơn dân. Trận gió lốc khủng khiếp do quân A-si-ri mỗi ngày mỗi gần hơn. Nhưng họ vẫn chẳng đổi khác chi, cứ việc nhảy múa. Quốc gia bại hoại không tự làm cho mình tinh sạch, nhưng lại càng tỉ mỉ chú ý che đậy bằng sự giả bộ nhiệt thành dự các nghi lễ tôn giáo. Lời Ê-sai đay nghiến tố cáo sự đạo đức giả hình của họ (câu 10-17) khiến ta nhớ lời Ðức Chúa Jêsus lên án các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, chẳng chút thương xót (Ma-thi-ơ 23). Ta không nên hiểu rằng những lời nầy có ý giảm bớt cái phận sự trung tín dự các cuộc thờ phượng trong Nhà Ðức Chúa Trời. Chính Ðức Chúa Trời truyền lịnh phải có các cuộc thờ phượng ấy. Ý chính ở đây là đối với "Sô-đôm" (câu 10), sự phô trương tôn giáo chẳng có ích lợi chi cả. Chỉ có sự ăn năn thành thật và sự vâng lời mới cứu được họ (câu 16-23). Ðoạn, Ê-sai từ bức tranh thê thảm xây qua ngày Si-ôn được tẩy sạch và được cứu chuộc, còn kẻ ác bị bỏ mặc cho cháy đời đời (câu 24-31).
Ðoạn 2, 3, 4 -- Sự hiện thấy về thời đại Ðấng Christ
Ba đoạn nầy dường như giải rộng ý tưởng sau chót của đoạn 1: Vinh quang tương lai của Si-ôn khác hẳn với sự đoán phạt giáng trên kẻ ác. Lời nhắc đến hình tượng và thói tục ngoại bang lan tràn (2:6-9) khiến ta có thể minh xác rằng sự hiện thấy nầy xảy ra dưới đời trị vì của A-cha.
Si-ôn sẽ là trung tâm của nền văn minh thế giới, trong một kỷ nguyên bốn phương thiên hạ hòa bình vô tận (2:2-4). Những lời lạc quan tuyệt diệu nầy đã thốt ra trong thời kỳ thành Giê-ru-sa-lem thật là một "hố phân" ô uế, bại hoại. Bất cứ thời đại ấy được thực hiện thể nào, lúc nào và ở đâu, nó cũng sẽ là cơ nghiệp của dân Ðức Chúa Trời, còn kẻ ác thì bị loại ra. Xem thêm ở dưới đoạn 11:6-9.
Hình tượng và kẻ thờ lạy hình tượng sẽ bị đoán phạt (2:5-22). Sự đau đớn và lưu đày đang đợi chờ dân Giu-đa vì cớ tội lỗi họ (3:1-15), kể cả bọn phụ nữ Giê-ru-sa-lem chai đá, ăn bận đúng thời trang (3:16-26). Ấy cũng như bọn phụ nữ xa hoa ở thành Sa-ma-ri (A-mốt 4:1-3). "Bảy người nữ sẽ bắt lấy một người nam" (4:1), vì bọn đờn ông bị giết ngoài mặt trận.
"Chồi" hầu đến (4:2-6). Ðây là lần đầu tiên Ê-sai nói đến Ðấng Mê-si hầu đến. Danh Ngài là "CHỒI," nghĩa là một Nhánh nứt ra từ cái gốc cây nhà Ða-vít đã đổ nát (11:1; 53:2; Giê-rê-mi 23:5; 33:15; Xa-cha-ri 3:8; 6:12). Ngài là Ðấng sẽ tẩy sạch sự ô uế của Si-ôn, và khiến Si-ôn thành nguồn ơn phước cho thế giới.
Ðoạn 5 -- Bài ca về vườn nho
Ðây là một bản ai ca. Sau bao nhiêu thế kỷ được Ðức Chúa Trời săn sóc lạ lùng hơn cả, tới nay vườn nho của Ngài, tức là dân Ngài, chẳng sanh trái chi cả, làm cho Ngài thất vọng, đến nỗi bị Ngài từ bỏ và chặt đi. Lời Ðức Chúa Jêsus phán thí dụ về vườn nho (Ma-thi-ơ 21:33-45) dường như là hồi thanh và bài giải rộng thí dụ trên đây. Những tội lỗi bị đặc biệt tố cáo ở đây là: Tham lam, bất công và say sưa. Những sản nghiệp rộng lớn của người giàu đã thâu được bằng cách bốc lột kẻ nghèo, chẳng bao lâu sẽ trở thành đất hoang. Một "bát" (câu 10) có 36 lít. Một "ô-me" có 11 thùng; một "ê-pha" là một thùng. Ấy nghĩa là mùa gặt sẽ kém số hột giống đã đem theo. "Phải bắt làm phu tù" (câu 13); trong nguyên văn, câu nầy ở thì quá khứ cũng như Ê-sai 53; ấy vì tương lai chắc chắn xảy ra đến nỗi nói như là việc đã qua rồi. Lại nữa, đương thời ấy, một phần lớn nhơn dân cũng đã đi làm phu tù rồi. "Dùng đõi xe kéo tội lỗi" (câu 18), nghĩa là bào chữa sự hư hoại của mình bằng cách ngụy biện và giễu cợt cái ý tưởng rằng Ðức Chúa Trời sẽ hình phạt họ. Những dân tộc từ xa sẽ đến xâm lăng (25-30). Người A-si-ri đương thời Ê-sai và, 100 năm sau, người Ba-by-lôn hủy phá thành Giê-ru-sa-lem. Rồi tới năm 70 S.C., người La-mã đánh một đòn chí tử, làm cho quốc gia Do-thái không sanh tồn nữa.
Ðoạn 6 -- Ê-sai được kêu gọi
Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh không đồng ý về sự hiện thấy nầy có thể xảy ra trước các sự hiện thấy ở năm đoạn đầu. Các niên hiệu ghi trong sách nầy đều theo thứ tự niên đại: 6:1; 7:1; 14:28; 20:1; 36:1. Sự kiện nầy tỏ ra rằng sách viết theo thứ tự niên đại tổng quát, nhưng không buộc phải đúng từng chi tiết. Có lẽ lúc về già, Ê-sai sắp lại các sự hiện thấy mình đã viết ra ở những giai đoạn khác nhau của chức vụ lâu dài; ông đã theo thứ tự ý tưởng một phần nào, nên việc ở một vài đoạn sau lại thật xảy ra trước những đoạn trước.
Người ta cũng có ý kiến khác nhau về đây là Ê-sai được kêu gọi lần đầu tiên đi hành chức tiên tri, hay là ông được giao cho một sứ mạng đặc biệt. Ở 1:1 chép rằng một phần chức vụ của ông đã thi hành đương thời vua Ô-xia, còn sự kêu gọi ở đây lại xảy ra năm vua ấy băng hà; như vậy, ngụ ý rằng trước đó ông cũng đã rao giảng, và sự kêu gọi nầy là Ðức Chúa Trời cho phép ông lên tiếng.
Cứ bề ngoài mà xét, thì chức vụ đặc biệt mà Chúa kêu gọi ông làm dường như là khiến cho quốc dân cứng lòng cực điểm ngõ hầu sự hủy diệt chắc chắn xảy đến (câu 9-10). Nhưng, lẽ tự nhiên, mục đích của Ðức Chúa Trời chẳng phải là làm cho quốc dân càng cứng lòng trong tội lỗi, mà là khiến họ ăn năn để được cứu khỏi bị hủy diệt. Tất cả chức vụ của Ê-sai, cùng với những sự hiện thấy kỳ diệu, mà tuyệt điểm là một trong những phép lạ vĩ đại nhứt của các thời đại, có thể nói là dường như Ðức Chúa Trời nôn nả phất cờ đỏ để làm cho dân Y-sơ-ra-ên dừng lại, chớ không cứ điên cuồng nhào tới vùng nước xoáy. Nhưng khi một dân tộc cố quyết chống lại Ðức Chúa Trời, thì cả đến sự thương xót của Ngài kết quả cũng chỉ làm cho họ cứng lòng hơn.
"Cho đến chừng nào?" (câu 11). Nghĩa là: Phương thức làm cho cứng lòng nầy sẽ tiếp tục cho đến chừng nào? Ðáp lại: Cho đến khi xứ sở bị hoang vu và nhơn dân bị bắt đi (câu 11-12). "Một phần mười" (câu 13). Sẽ có một phần sót lại, nhưng rồi cũng bị hủy diệt, và chỉ còn lại cái gốc từ đó một Nhánh sẽ nẩy ra. Lời nầy rao truyền năm 735 T.C.. Một năm sau, người Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc bị quân A-si-ri bắt đi làm phu tù. Và 14 năm sau, tất cả phần sót lại của nước phía Bắc sụp đổ (721 T.C.), chỉ có nước Giu-đa còn lại (gần "một phần mười," vì là một trong số 12 chi phái). Một trăm năm sau, nước Giu-đa cũng bị tiêu diệt.
Ðoạn 7 -- Con trẻ "Em-ma-nu-ên"
Lời tiên tri nầy rao truyền trong cơ hội nước Y-sơ-ra-ên và xứ Sy-ri liên minh xâm lăng nước Giu-đa. Ban đầu, chúng tấn công nước Giu-đa riêng biệt (II Sử ký 28:5-6), rồi sau chúng hiệp nhau mà tấn công (II Các vua 16:5). Mục đích của chúng là đặt một vua khác thế cho A-cha (câu 6). A-cha bèn xin vua A-si-ri tiếp cứu (II Các vua 16:7. Ðáp lời xin ấy, vua A-si-ri xâm lăng nước Y-sơ-ra-ên và xứ Si-ry, bắt dân chúng đi làm phu tù (II Các vua 15:29; 16:9). Ðó là cuộc lưu đày "Ga-li-lê" (734 T.C.).
Lúc quân Sy-ri và Y-sơ-ra-ên mới tấn công thành Giê-ru-sa-lem, thì Ê-sai dám quả quyết với A-cha rằng cuộc tấn công ấy sẽ thất bại, nước Y-sơ-ra-ên và xứ Sy-ri sẽ bị tiêu diệt, còn nước Giu-đa sẽ được cứu thoát. Người ta cho rằng "65 năm" (câu 8) gồm khoảng thì giờ từ cuộc lưu đày người Y-sơ-ra-ên lần thứ nhứt (734 T.C.) cho tới khi Ê-sạt-Ha-đôn định cư những người ngoại bang vào khoảng năm 670 T.C.. (IICác- vua 17:24; E-xơ-ra 4:2).
"Nữ đồng trinh" và con trai nàng, là "Em-ma-nu-ên" (câu 10-16). Sự trạng nầy được gọi là "một điềm," cốt để làm cho A-cha đang hoài nghi sẽ tin quyết ở sự giải cứu mau lẹ. Có thể có nghĩa rằng hai nước xâm lăng kia bị tiêu diệt vào lúc một thiếu nữ khi ấy còn đồng trinh, sẽ lấy chồng, sanh một con trai, và nuôi dạy nó cho tới khi phân biệt được điều lành, điều dữ. Nhưng sự trạng ấy là "một điềm" ở chỗ nào? "Ðiềm" là một phép lạ thực hiện cốt để chứng minh điều gì. "Nữ đồng trinh" không được chỉ đích danh, nhưng chắc chỉ về một điều gì rất phi thường sẽ xảy ra ngay lập tức trong gia tộc Ða-vít (tức là chính gia tộc A-cha). Ðiều gì đó đã không được giải thích thêm. Ðây là một trường hợp hòa trộn các bức tranh ở chơn trời gần và chơn trời xa, rất thông thường trong các sách tiên tri. Tánh cách đế vương của con trẻ được tỏ ra ở đoạn 8:8, và thừa tiếp văn tỏ ra con trẻ ấy chính là Con Trẻ Lạ lùng ở đoạn 9:6-7; vả Con Trẻ Lạ lùng đó không thể là người nào khác trừ ra Ðấng Mê-si hầu đến. Sách Ma-thi-ơ 1:23 đã trưng dẫn lời nầy theo ý nghĩa ấy. Vậy, đang khi Ê-sai nói với A-cha về điềm trong chính gia tộc ông, tức là gia tộc Ða-vít, thì Ðức Chúa Trời chiếu trong trí óc ông hình ảnh của điềm vĩ đại hơn bội phần sẽ hiển hiện trong gia tộc Ða-vít: Ấy là Con Trai Ða-vít, oai hùng hơn ông, sẽ do nữ đồng trinh sanh ra.
Nước Giu-đa sẽ bị quân A-si-ri làm cho hoang vu (câu 17-25). Ðây chính là quân A-si-ri đang giúp đỡ nước Giu-đa chống lại nước Y-sơ-ra-ên và xứ Sy-ri. Việc nầy đã xảy ra lúc sanh tiền của Ê-sai, chỉ có thành Giê-ru-sa-lem còn lại.
Ðoạn 8 -- "Ma-he-Sa-la-Hát-Bát"
Có ba con trẻ được ghi tên, liên quan đến cuộc xâm lăng của quân Y-sơ-ra-ên và quân Sy-ri: Một người thuộc về gia tộc Ða-vít, là "Em-ma-nu-ên" (7:13-14), hai người thuộc về gia đình Ê-sai, là "Sê-a-gia-súp" (7:3) và "Ma-he-Sa-la-Hát-Bát" (8:1-4).
"Sê-a-gia-súp" nghĩa là: "Một phần còn sót sẽ trở về." Một trăm năm trước khi xảy ra, Ê-sai đã coi việc dân Giu-đa bị bắt qua Ba-by-lôn làm phu tù như thực hiện rồi; nhưng ông được sự hiện thấy về một phần còn sót lại sẽ được cứu, bèn đặt tên con trai mình theo ý đó. Phần sót lại ấy và tương lai vinh hiển của họ chính là đề tài của sách Ê-sai.
"Ma-he-Sa-la-Hát-Bát nghĩa là: Chiến lợi phẩm đến mau, mồi tới vội vàng," tức là xứ Sy-ri và nước Y-sơ-ra-ên sẽ bị cướp bốc gấp. Như vậy, Ê-sai đặt tên con để tỏ ý sẽ có sự giải cứu mau lẹ, thì đó là cách ông đã nhấn mạnh vào những điều mình đã dự ngôn ở 7:4, 7, 16. Việc nầy xảy ra mau chóng, đúng như Ê-sai đã nói. Ðạo quân A- sy-ri toàn thắng tràn vào nước Giu-đa (theo như đã dự ngôn -- câu 8), và chỉ bị chận lại nhờ sự can thiệp trực tiếp của Ðức Chúa Trời (37:36).
Như vậy, tên các con trai của Ê-sai thể hiện ý tưởng trong sự giảng dạy hằng ngày của ông: Sự giải cứu hiện tại, cảnh lưu đày hầu đến, và sự vinh hiển tương lai.
Sự sầu thảm và bóng tối tăm của cảnh phu tù (câu 9-22). Chúa truyền cho Ê-sai hãy chép lời tiên tri của mình, và giữ lại để tham chiếu trong ngày nó được ứng nghiệm (câu 16).
Ðoạn 9 -- Con Trẻ Lạ lùng
Sự hiện thấy tuyệt vời về Ðấng Mê-si nằm trong khung cảnh suy vong của nước Y- sơ-ra-ên mà Ê-sai vừa mới dự ngôn ở đoạn 7 và đoạn 8. Sa-bu-lôn và Nép-ta-li (câu 1), là khu vực Ga-li-lê, sẽ sụp đổ đầu tiên trước mặt quân A-si-ri (II Các vua 15:29). Nhưng một ngày kia, chính khu vực ấy sẽ được cái vinh dự cao tột, là hiến cho thế giới Ðấng cứu chuộc loài người và Vua muôn đời. Ở 2:2-4, Ê-sai đã thấy trong tương lai, Si-ôn sẽ cầm quyền cai trị cả thế giới; ở 4:2-6, ông thấy chính vua (Giăng 12:41); tới 7:14, ông dự ngôn về Ngài do nữ đồng trinh sanh ra. Tại đây (9:6-7), thần tánh và ngôi đời đời của Ngài được mô tả bằng những lời vừa ôn hòa, vừa oai nghiêm (xem thêm ở dưới đoạn 11 và 12).
Sa-ma-ri cố quyết chẳng ăn năn (9:8-10:4). Theo thói quen thường đột ngột chuyển từ lúc đương thời mình qua tương lai và ngược lại, Ê-sai thình lình xây mắt qua Sa-ma-ri. Phần lớn dân Y-sơ-ra-ên đã bị bắt đi làm phu tù năm 734 T.C.; nhưng Sa-ma-ri cầm cự được cho tới năm 721 T.C.. Những dòng chữ nầy dường như liên quan đến khoảng 13 năm ở giữa hai biến cố trên đây; trong thời gian nầy, đám dân còn sót không tự tỉnh trước quốc nạn khủng khiếp, nhưng cứ bất chấp cả Ðức Chúa Trời lẫn quân A-si-ri. Ðây là một bài thơ có 4 đoạn, mỗi đoạn chấm dứt bằng cùng một điệp khúc cảnh cáo dân Sa-ma-ri về số phận dành cho họ.
Ðoạn 10:5-34 -- Quân A-si-ri tiến đến
Ðoạn nầy chép sau khi Sa-ma-ri sụp đổ (câu 11), và tỏ ý bất chấp đạo quân A-si-ri đang khoe khoang mà tiến vào nước Giu-đa, đến tận cổng thành Giê-ru-sa-lem. Các thành ghi tên ở câu 28-32 ở ngay phía Bắc Giê-ru-sa-lem. Ðức Chúa Trời đã dùng quân A-si-ri hành phạt nước Y-sơ-ra-ên, nhưng đây Ngài cảnh cáo họ chớ đánh giá sức mạnh của chúng quá mức (câu 15), và hứa sẽ đánh cho chúng thảm bại (câu 26), y như quân Ma-đi-an đã bị Ghê-đê-ôn đánh bại (Các quan xét 7:19-25) và quân Ê-díp-tô đã bị đánh bại tại Biển Ðỏ (Xuất Ê-díp-tô ký 14). Cả hai cuộc thắng đó là phép lạ vĩ đại. Một năm sau khi hủy diệt Sa-ma-ri, Sa-gôn đã quay về phía Nam, xâm lăng nước Giu-đa (720 T.C.), chiếm một số thành Phi-li-tin, và đánh bại đạo quân Ai-cập. Lại nữa, năm 713 T.C., đạo quân của Sa-gôn (người ta cho là do San-chê-ríp, con trai ông, thống lãnh) xâm lăng nước Giu-đa và các xứ Phi-li-tin, Ê-đôm, Mô-áp. Rồi tới năm 701, San-chê-ríp cầm đầu một đạo quân đông đảo, xông vào nước Giu-đa. Lúc nầy Ðức Chúa Trời làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài, là đánh cho quân A-si-ri một đòn thình lình và mạnh mẽ đến nỗi chúng không hề kéo đến đánh Giê-ru-sa-lem nữa (37:36).
Ðoạn 11, 12 -- "Chồi" và Nước của Ngài
Ðây là giải rộng các đoạn 2:2-4, 4:2-6, và 9:1-7. Tại đây, Ê-sai lại thình lình đưa mắt từ sự chiến thắng đạo quân A-si-ri qua tương lai và hiến chúng ta một bức tranh vinh hiển hơn hết về thế giới hầu đến mà ta được thấy trong cả Kinh Thánh. Ðây là một thế giới chẳng có chiến tranh, dưới quyền trị vì của một Vua công bình, nhơn ái, thuộc dòng Ða-vít; thế giới nầy gồm những người được cứu chuộc giữa muôn dân cùng phần dân Do-thái còn sót lại và được khôi phục trong ngày toàn thắng; khi ấy, hết thảy phần tử đối nghịch, gọi bóng là những quân thù lân cận của Giu-đa (câu 14), sẽ bị hạ xuống. Chúng ta không biết tình trạng nầy sẽ xảy ra trong thế giới bằng thịt và huyết của ta đây, hay là trong một kỷ nguyên ở bên kia bức màn. Nhưng ta biết chắc sẽ có, cũng như buổi sáng tiếp theo ban đêm vậy. Ðề mục nầy được tiếp tục được giải luận ở 25:6. Ðoạn 12 là một bài ca ngợi ngày chiến thắng hân hỉ mà Ðức Chúa Trời đã đặt ở môi miệng Ê-sai; đây là một bản thánh ca của Thiên đàng mà hết thảy chúng ta sẽ hát khi tới đó.
Ðoạn 13 đến 23 -- Sự Phán Xét Các Nước: Ba-by-lôn, Phi-li-tin, Mô-áp, Ða-mách, Ê-thi-ô-bi, Ai-cập, Ðu-ma, A-ra-bi, Ty-rơ.
Ðoạn 13, 14:1-27 -- Ba-by-lôn suy vong
Ðương thời Ê-sai, A-si-ri là bá chủ thế giới. Ba-by-lôn vốn là một chư hầu của A-si-ri. Ba-by-lôn lên địa vị cường quốc bá chủ thế giới năm 606 T.C., và suy vong năm 536 T.C.. Như vậy Ê-sai báo cáo sự suy vong của Ba-by-lôn 100 năm trước khi nó dấy lên. Vậy, các nhà phê bình kim thời phát biểu ý kiến rằng đó không thể là dự ngôn của Ê-sai, mà là của một tiên tri nào sau ông. Tuy nhiên, 13:1 đặc biệt quả quyết rằng đây là lời của Ê-sai.
Sự huy hoàng mà Ba-by-lôn vươn tới 100 năm sau thời Ê-sai, để trở thành thủ đô của thế giới trước kỷ nguyên Ðấng Christ, "sự vinh hiển các nước" (13:19), đã được tỏ rõ trong sự hiện thấy ở đây, dường như Ê-sai đã có mặt ở đó. Ấy là Thần Ðức Chúa Trời đã soi sáng trí óc Ê-sai một cách lạ lùng. Nhưng gánh nặng của lời tiên tri nầy là sự suy vong của Ba-by-lôn, đã được mô tả tỉ mỉ đến nỗi chúng ta kinh sợ và ngạc nhiên vô cùng. Người Mê-đi là một dân tộc hầu như chẳng ai biết đến đương thời Ê-sai, nhưng đã được chỉ danh là kẻ hủy diệt Ba-by-lôn (13:17-19).
Ðại ý của lời tiên tri: Ba-by-lôn sẽ thay thế A-si-ri (14:25); Mê-đi sẽ thay thế Ba-by-lôn (13:17), và Ba-by-lôn sẽ tiêu diệt đời đời (13:19-22; 14:22-23). Hãy xem ở dưới II Các vua 25 để thấy lời tiên tri lạ lùng nầy đã được ứng nghiệm.
Ðiểm hào hứng đặc biệt cho dân Do-thái, đồng bào của Ê-sai, là sư suy vong của Ba-by-lôn có nghĩa là đoàn phu tù sẽ được phóng thích (14:1-4). Trong vòng một năm sau khi Ba-by-lôn suy vong, Si-ru, vua Mê-đi-Ba-tư, đã ra chiếu chỉ cho phép dân Do-thái trở về cố quốc (E-xơ-ra 1:1).
Một trăm năm sau Ê-sai, khi Ba-by-lôn đã lên địa vị cường quốc, đã phá tan đế quốc A-si-ri và đang hủy phá thành Giê-ru-sa-lem, thì Giê-rê-mi tiếp theo Ê-sai mà kêu đòi báo thù (xem Giê-rê-mi 50, 51).
Ba-by-lôn, đế quốc đã hà hiếp dân Do-thái, là phần đối chiếu và kiểu mẫu của một cường quốc đời Tân Ước bắt Hội Thánh làm tôi mọi (Khải Huyền 17 đến 19).
Ðoạn 14: 28-32 -- Phi-li-tin
Chữ "Pa-lét-tin" (xứ Do-thái) do chữ "Phi-li-tin" mà ra. "Rắn" (câu 29) có lẽ chỉ về Tiếc-la-phi-lê-se, người đã chiếm một số thành Phi-li-tin và đã chết đúng một năm trước A-háp (câu 28). Còn những thuồng luồng và rắn lửa bay có lẽ chỉ về Sa-gôn và San-chê-ríp, là kẻ đã làm cho xứ Phi-li-tin hoàn toàn hoang vu. "Sứ giả" (câu 32) có lẽ là các sứ thần mà Phi-li-tin đến yêu cầu Giê-ru-sa-lem giúp chúng chống lại quân A-si-ri. Ta còn thấy nhiều lời khác tố cáo dân Phi-li-tin ở Giê-rê-mi 47, A-mốt 1:6-8, Sô-phô-ni 2:4-7 và Xa-cha-ri 9:5-7.
Ðoạn 15, 16 -- Mô-áp
Mô-áp là một cao nguyên không bằng phẳng, gồm những đồng cỏ xanh tươi, ở phía Ðông Biển Chết. Người Mô-áp là dòng dõi của Lót (Sáng thế ký 15:37), và như vậy, họ có bà con với dân Do-thái. Ðây là một trong những lời tiên tri đầu tiên của Ê-sai, và bây giờ được lặp lại, nói thêm thời hạn 3 năm (16:14). Các thành nêu tên đã bị cướp phá bởi Tiếc-la-phi-lê-se năm 734 T.C., bởi Sa-gôn năm 713 T.C., và bởi San-chê-ríp năm 701 T.C.. Không nói rõ lời tiên tri của Ê-sai chỉ về cuộc cướp phá nào. Tuy nhiên, Ê-sai khuyên họ rằng họ sẽ được lợi nếu lại chịu đầu phục nhà Ða-vít (16:1-5); khi nhắc tới nhà Ða-vít, thì có hình ảnh Ðấng Mê-si hầu đến trong sự hiện thấy của ông (câu 5). Bởi Ru-tơ, người Mô-áp đã dự phần sáng lập nhà Ða-vít. Về các lời tiên tri khác liên quan đến xứ Mô-áp, xin xem Giê-rê-mi 48, A-mốt 2:1-3, Sô- phô-ni 2:8-11.
Ðoạn 17 -- Ða-mách
Tiếp tục ý tưởng ở đoạn 7, có lẽ đã viết cùng một lúc, đang khi quân Sy-ri và quân Y-sơ-ra-ên tấn công nước Giu-đa (năm 734 T.C.). Sau ít lâu, lời tiên tri đã được ứng nghiệm, khi Tiếc-la-phi-lê-se và Sa-gôn xâm lăng. Lời tiên tri nầy cũng nghịch cùng người Y-sơ-ra-ên (câu 3-4), vì chúng liên minh với Ða-mách. "Ngó về Ðấng tạo mình" (câu 7): Việc dân sót lại của nước phía Bắc quay về với Ðức Giê-hô-va đã được tỏ ra ở II Sử ký 34:9. Cuối lời tiên tri nầy có sự hiện thấy về quân A-si-ri bị đánh bại sau khi thắng Sy-ri và Y-sơ-ra-ên (câu 12-14); nhứt là câu 14 dường như chỉ rõ về đoạn 37:36.
Ðoạn 18 -- Ê-thi-ô-bi
E-thi-ô-bi ở phía Nam Ai-cập, vua hùng cường của Ê-thi-ô-bi đương thời ấy cầm quyền cả Ai-cập. Ðây không phải một lời tiên tri đoán phạt; trái lại, nó dường như nói đến sự hăng hái và động viên giữa vòng người Ê-thi-ô-bi khi đạo quân của San-chê-ríp tiến vào nước Giu-đa, vì một khi nước Giu-đa suy vong, thì con đường sẽ mở rộng cho quân A-si-ri kéo vào Ai-cập (câu 1-3); cũng nói đến thành Giê-ru-sa-lem được giải cứu lạ lùng (câu 4-6; 37:36), và người Ê-thi-ô-bi gởi dâng lễ vật tạ ơn vì đạo quân A-si-ri đã bị hủy diệt (câu 7; II Sử ký 32:23).
Ðoạn 19 -- Ai-cập
Một thời kỳ hỗn loạn và nội chiến (câu 1-4).-- Tình trạng nầy đã bắt đầu ở triều đại thứ 25, vào khoảng Ê-sai qua đời. "Chúa hung dữ" (câu 4). Sau khi Ê-sai qua đời ít lâu, thì Ê-sạt-ha-đôn khắc phục Ai-cập, chia ra làm nhiều chánh phủ nhỏ mà phận sự chánh yếu là "giết, cướp phá và bóc lột" thần dân.
Dự ngôn về sự suy sụp và phân chia Ai-cập (câu 5-17).-- Mọi điều nầy đã xảy ra. Xem Giê-rê-mi 46 và Ê-xê-chi-ên 29.
Ai-cập và A-si-ri dầm thấm đạo Do-thái (câu 18-25). Sau cuộc lưu đày, nhiều người Do-thái cứ ở thung lũng Ơ-phơ-rát, và cũng có một số lớn định cư tại Ai-cập. Alexandrie (Công vụ các sứ đồ 6:9; 18:24, v.v...), thành phố thứ hai của thế giới đương thời Ðức Chúa Jêsus, là nơi người Do-thái ở gần hết. Tại đó, Cựu Ước đã được dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ ra tiếng Hy-lạp, gọi là bản Septante. Tại Héliopolis, "thành hủy diệt" (câu 18), năm 149 T.C., đã cất một Ðền thờ theo kiểu Ðền thờ ở Giê-ru-sa-lem, làm trung tâm thờ phượng của người Do-thái ngụ ở Ai-cập. Người ta cho rằng đó là "bàn thờ" ở câu 19. Ðương thời Ðấng Christ xuất hiện, quốc gia Hê-bơ-rơ gồm ba khu vực chính, có những "đường cái" nối liền (câu 23): Khu vực Pa-lét-tin, khu vực Ai-cập, và khu vực Mê-sô-bô-ta-mi, dường như thành ra ba quốc gia (câu 24). Ba miền nầy ở trong số tiếp nhận đạo Ðấng Christ trước nhứt. Như vậy, đoạn nầy thuật đúng trước một giai đoạn lịch sử Y-sơ-ra-ên gồm 600 năm theo sau.
Ðoạn 20 -- Ai-cập và Ô-thi-ô-bi
Ê-sai rao báo rằng hai nước nầy sẽ thua trận và bị bắt làm phu tù, cốt để làm cho nước Giu-đa chán nản, đừng trông mong Ai-cập giúp mình chống đánh quân A-si-ri nữa. "Ði trần" (câu 2-3), có lẽ không phải là hoàn toàn lõa thể, nhưng là mặc áo của kẻ phu tù. Có lẽ ông không ăn bận như vậy luôn, nhưng từng hồi từng lúc, trải qua 3 năm. Việc nầy xảy ra năm 713 T.C., và lời tiên tri được ứng nghiệm 12 năm sau. Năm 701 T.C., biên niên sử của San-chê-ríp chép rằng: Ta giao chiến với các vua Ai-cập, lật đổ chúng, bắt sống những kẻ đánh xe ngựa và những con trai của chúng." Về sau, Ê-sạt-Ha-đôn lại làm cho Ai-cập hoang vu thêm (xem ở dưới 19:1-4). "Ta-tân" (câu 1) không phải là tên một người, mà là một chức vị tương đương với "tổng tư lịnh." "Sa-gôn" (câu 1): Ta chỉ biết có đây nói đến tên Sa-gôn, cho đến khi các nhà khảo cổ của thế kỷ trước phát giác rằng ông là một trong những vua A-si-ri hùng mạnh nhứt.
Ðoạn 21 -- Ba-by-lôn, Ê-đôm, A-ra-bi
Ba-by-lôn (câu 1-10) có rất nhiều đê và kinh bao bọc chung quanh, giống như một thành ở giữa biển. Ðây là lời linh động rao báo nó sẽ suy sụp. Ê-lam và Mê-đi được nhắc đến (câu 2), tỏ ra nó sẽ bị Si-ru chiếm lấy, năm 536 T.C. (xem thêm ở dưới các đoạn 13, 14).
Ðu-ma (câu 11-12) là tên một địa hạt ở phía Nam Ê-đôm, và đây dùng để chỉ về Ê- đôm mà Sê-i-rơ là trung tâm. Câu hỏi nầy dường như có nghĩa là: Cuộc xâm lăng, tàn phá của quân A-si-ri có lan tới Ê-đôm chăng? Tiên tri dường như cố ý đáp lại cho khó hiểu. Xem thêm đoạn 34:5-17.
A-ra-bi (câu 13-17) là sa mạc ở giữa Ê-đôm, và Ba-by-lôn. Ðê-đan, Thê-ma và Kê- đa là những bộ lạc Ả-rập hùng mạnh nhứt. Ðây là lời dự ngôn rằng trong vòng một năm, họ sẽ bị một đòn nặng khủng khiếp. Sa-gôn xâm lăng xứ A-ra-bi năm 716 T.C..
Ðoạn 22 -- Giê-ru-sa-lem
Giê-ru-sa-lem được gọi là "Trũng của sự hiện thấy" (câu 1) vì ngọn đồi, vị trí của nó, có nhiều trũng bao quanh, bên ngoài lại có những ngọn đồi cao hơn nữa, và đó là nơi Ðức Chúa Trời tự khải thị. Ðây, thành Giê-ru-sa-lem bị quở trách vì phóng túng, chẳng lo lắng gì, đang khi bị đạo quân A-si-ri vây hãm. Cuộc dự bị phòng thủ của họ (câu 9-11; II Sử ký 32:3-5) gồm hết mọi sự, trừ ra không quay về với Ðức Chúa Trời.
Giáng chức Sép-na (câu 15-25).-- Là một thượng quan của nhà Ða-vít, có lẽ ông đã cầm đầu những hành vi phóng túng tại Giê-ru-sa-lem ở trước hiểm họa nặng nề. Trong sự nhắc Ê-li-a-kim lên ngôi vua, có hơi ngụ ý nói đến Ðấng Mê-si (câu 22-25).
Ðoạn 23 -- Ty-rơ
Trải qua bao nhiêu thế kỷ, Ty-rơ là hải cảng trung tâm của nền thương mại thế giới. Nó đã tạo lập thuộc địa ở khắp các bờ biển Ðịa-trung-hải. Lúa mì của Ai-cập là một trong những món hàng chánh yếu do nó buôn bán. Nó chịu đau đớn kinh khiếp bởi tay quân A-si-ri vừa mới mở rộng quyền bá chủ trên Ba-by-lôn (câu 13). Ðây dự ngôn rằng nó bị lật đổ và suy sụp trong 70 năm, rồi được khôi phục (câu 14-18). Người ta cho rằng đây nói đến thời kỳ nó bị Nê-bu-cát-nết-sa khắc phục (xem thêm ở dưới Ê-xê-chi-ên, đoạn 26 đến 28).
Ðoạn 24 đến 27 -- Ðến Cuối Cùng Trái Ðất Sẽ Bị Tiêu Hủy
Từ đoạn 13 đến 23, có lời phán xét nghịch cùng những quốc gia đặc biệt. Tới đây có sự phán xét sau cùng cho cả thế giới.
Ðoạn 24 -- Thế giới bị đảo lộn
Sự hiện thấy nầy dường như liên quan đến cùng một thời kỳ mà Ðức Chúa Jêsus đã giải luận ở sách Ma-thi-ơ, đoạn 24. Nó mô tả những tai họa kinh khiếp làm cho trái đất tiêu mất luôn với những giai cấp, chức vị và danh vọng xã hội. Cũng như nạn nước lụt đời Nô-ê, những tai họa nầy do sự gian ác của loài người gây nên. Giê-rê-mi đã nói rằng: "Ba-by-lôn sẽ chìm xuống" và "sẽ chẳng còn chổi dậy nữa" (Giê-rê-mi 51:64); và ở đây, Ê-sai cũng nói về trái đất như vậy (câu 20). Về sau, Ê-sai nhìn xa và thấy các từng trời mới và trái đất mới (65:17-66:24).
Ðoạn 25 -- Sự chết bị thủ tiêu
Ðây, Ê-sai đi xa hơn cảnh tượng các thế giới tan vỡ mà vào thời đại của các từng trời mới và trái đất mới. Ông đặt vào miệng những kẻ được cứu chuộc một bài hát ngợi khen Ðức Chúa Trời vì các công việc lạ lùng của Ngài. Lạ lùng hơn hết là sự tiêu diệt Tử thần (câu 8) "tại trên núi nầy" (câu 6) của Giê-ru-sa-lem. Lời nầy không thể chỉ về biến cố nào khác ngoài ra sự Ðức Chúa Jêsus sống lại từ trong kẻ chết, là biến cố độc nhứt vô nhị đã thủ tiêu Tử thần và bảo đảm cho loài người được sự sống đời đời; là "diên rượu ngon cho mọi dân tộc" (câu 6); là tiếng reo vui của muôn đời; là biến cố "lau nước mắt khỏi mọi mặt" (câu 8). Trong phần nầy, Ê-sai cũng nói đến Mô-áp (câu 10), chứng tỏ rằng trí óc ông quen thình lình chuyển từ vinh hiển tương lai qua những tình cảnh địa phương hiện tại, và ngược lại. Ðây ta có thể dùng số phận của Mô-áp, kẻ thù truyền tử lưu tôn của Giu-đa, làm hình bóng về số phận của những kẻ thù nghịch với Si-ôn nói chung.
Ðoạn 26 -- Một bài ca tin cậy và đắc thắng
Ðây là tiếp tục bài ca ở đoạn trước. "Thành bền vững" (câu 1) là nơi trung tâm gặp gỡ của dân Ðức Chúa Trời "Thành cao ngất" (câu 5) là thành lũy lý tưởng của kẻ ác. Câu 3 là một câu vĩ đại. Nhưng câu vĩ đại nhứt của đoạn nầy là câu 19, luận về sự sống lại. Ðoạn 25:8 nói về sự sống lại của Ðấng Christ; còn đây nói về sự sống lại chung của con cái Ðức Chúa Trời. "Tỏ bày huyết nó ra" (câu 21) trong ngày phán xét, khi ấy đời trị vì lâu dài, gian ác và đổ huyết của loài người sẽ bị đem ra ánh sáng và bị báo trả.
Ðoạn 27 -- Vườn nho của Ðức Chúa Trời được phục hưng
Ở đoạn 5:1-7, Ê-sai hát bài ai ca về vườn nho của Ðức Chúa Trời. Ðây là một khúc hoan ca về vườn nho ấy sống lại. Ðó là một hình bóng tuyệt diệu về đạo Ðấng Christ trổ bông từ phần sót lại của nước Giu-đa hoang vu, và rải ảnh hưởng tốt lành trên khắp trái đất! "Lê-vi-a-than," "con rắn" và "con vật lớn dưới biển" (câu 1) có lẽ chỉ về A-si-ri, Ba-by-lôn và Ai-cập, hoặc là tên bóng của các quyền lực tội ác. Sự đoán phạt để sửa trị nước Giu-đa (câu 7-11). Rốt lại, dân Y-sơ-ra-ên được thâu nhận vào Hội Thánh khải hoàn (câu 12-13).
"Trong ngày đó" (câu 1, 2, 12, 13). Hãy chú ý mấy chữ nầy được dùng luôn trong sách Ê-sai 4:2; 7:20, 23; 11:10, 11; 12:1; 14:3; 17:4, 7, 9, 23, 24; 22:12; 26:1; 28:5; 29:18; 30:23; v.v... Chúng ta hầu như có thể gọi "Ngày đó" là đề mục của sách nầy; cũng có những khúc, những câu luận về "Ngày đó" và chính ngày (thời) của Ê-sai lẫn lộn với nhau.
Ðoạn 28 -- Tố cáo Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem
Từ những sự hiện thấy về "Ngày đó" trở về, Ê-sai nghiêm nghị cảnh cáo dân mình (đang phóng túng theo nhục dục) về tai họa hầu gần, như ở đoạn 22. Lời cảnh cáo nầy chắc có trước lúc Sa-ma-ri sụp đổ (721 T.C.). "Ðẹp nhứt" (câu 1): Sa-ma-ri, thủ đô của nước phía Bắc, ở trên một trái đồi tròn, trong thung lũng phì nhiêu, đẹp đẽ, và có những cung điện nguy nga, vườn tược tuyệt mỹ. "Một người mạnh và có quyền" (câu 2) là cường quốc A-si-ri, sau 3 năm vây hãm, đã chiếm Sa-ma-ri, nhưng phải quay lại "nơi cửa thành" Giê-ru-sa-lem (câu 6). Những kẻ vui chơi nhạo báng, cho các lời cảnh cáo của Ê-sai là chuyện con nít (câu 9-10). Ê-sai đáp (câu 11-13) rằng họ sẽ thấy ách nô lệ của A-si-ri cũng buồn tẻ như lời cảnh cáo của ông vậy. Các quan trưởng ở Giê-ru-sa-lem chế giễu Ê-sai (câu 14-22). Ê-xê-chia là một vua tốt, nhưng nhiều quyền thần trong chánh phủ ông nhạo báng cả Ê-sai lẫn Ðức Giê-hô-va, nương cậy sức mạnh của mình và Ai-cập. "Ước kết với sự chết" (câu 15), mặc dầu họ chế giễu và khoe khoang mình được an toàn. "Ðá góc" (câu 16): Ðó là lời Ðức Chúa Trời hứa với Ða-vít mà họ đáng phải nương cậy. "Việc khác thường" (câu 21): Ðó là Ðức Chúa Trời dùng gươm của người ngoại bang mà hình phạt dân Ngài. Có sự yên ủi cho kẻ trung tín (câu 23-29): Mấy câu nầy dường như có nghĩa là dân Ðức Chúa Trời cần được đối xử nhiều cách khác nhau, hợp thời và thích ứng với tình trạng của họ.
Ðoạn 29 -- Thành Giê-ru-sa-lem sắp bị vây
"A-ri-ên" (câu 1) là một tên khác của Giê-ru-sa-lem, nghĩa là: "Sư tử của Ðức Chúa Trời." A-ri-ên sẽ hiên ngang chống lại đạo quân A-si-ri. Thành nầy sẽ chịu cảnh thiếu thốn do một cuộc vây hãm lâu dài (câu 2-4). Ðạo quân vây hãm gồm lính của nhiều nước, sẽ thình lình bị đè bẹp (câu 5-8), và điều nầy chẳng bao lâu đã xảy ra (37:36). Si-ôn đui mù không thấy Ðức Chúa Trời, dầu lấy môi miệng tôn thờ Ngài (Câu 9-16), nhưng đã lấy các điều răn của loài người thay thế lời Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Jêsus đã trưng dẫn câu nầy để áp dụng cho phe Pha-ri-si đương thời Ngài. Chúng tôi tưởng lời nầy còn đúng cho nhiều người "hành đạo nhà nghề." "Việc lạ lùng" (câu 14) là sự giải cứu Giê-ru-sa-lem bằng một phép lạ (37:36). Ruộng và rừng sẽ đổi chỗ (câu 17-24): Ngôn ngữ khó hiểu nầy có lẽ ngụ ý nói đến ngày các dân ngoại được tháp chung với dân Ðức Chúa Trời (Rô-ma 11).
Ðoạn 30 -- Giu-đa nương cậy Ai-cập
Những đoàn người dẫn lạc đà chở nặng tặng phẩm quí giá, từ Giê-ru-sa-lem đi qua sa mạc ở phía Nam có thú dữ khuấy phá, để cầu viện Ai-cập (câu 6-7). Dân Giu-đa bị bắt làm phu tù (câu 8-17). Ai-cập chẳng ích lợi chi. Giu-đa sẽ bị chà nát. Hãy chép biến cố ấy trong sách, để các thế hệ tương lai thấy rằng nó đã được dự ngôn. Việc xảy ra 100 năm sau, do tay của quân Ba-by-lôn. Có sự khôi phục sau một thời kỳ hình phạt (câu 18-26). A-si-ri bị tiêu diệt (câu 27-33). Sau đó ít lâu, đạo quân A-si-ri bị đánh bại (37:36), và trong vòng 100 năm sau, đế quốc A-si-ri đã bị tiêu diệt.
Ðoạn 31 -- Ðức Chúa Trời hứa giải cứu
Rất nhiều lần Ê-sai quả quyết tỏ lòng tin cậy rằng kết cục Si-ôn sẽ toàn thắng trong cuộc khủng hoảng do quân A-si-ri gây nên (37:36), biến cố tương lai đó dường như là bối cảnh của hầu hết mọi câu trong đoạn nầy.
Ðoạn 32 -- Ðời trị vì của Ðấng Mê-si
Ðang khi Ê-sai mải nghĩ đến kết quả vui mừng do sự giải cứu Si-ôn khỏi tay đạo quân A-si-ri và uy tín của nước Ê-xê-chia nhờ đó mà tăng lên rất nhiều, thì ở phía xa sự hiện thấy của ông, hiện ra hình ảnh của Vua tương lai thuộc dòng Ða-vít; mọi lời tiên tri Cựu Ước chỉ vào Vua ấy, tất cả lịch sử Cựu Ước tiến về phía Vua ấy, và dưới đời trị vì công bình, hạnh phước của Vua ấy, người và vật sẽ đứng vào địa vị xứng đáng, sẽ được gọi bằng danh hiệu thích hợp. Ta khó tìm thấy mối liên lạc trong bài giảng lạc đề cho "những con gái không hay lo" (câu 9-15). Chắc trong triều đình có một nhóm phụ nữ quyền thế, không kính sợ Ðức Chúa Trời, đã chống nghịch mọi điều mà Ê-sai binh vực (3:12, 16-26). Ðây dường như ông có ý nói rằng sẽ có một thời kỳ khổ nạn xen vào giữa sự thất bại của đạo quân A-si-ri và đời trị vì của Ðấng Mê-si. "Rừng" (câu 19) là đạo quân A-si-ri. "Thành" (câu 19) là Ni-ni-ve, hoặc những lực lượng tội ác tập trung trong thời kỳ sau rốt. "Gieo giống ở bên mọi dòng nước" (câu 20): Ðó là kỷ nguyên hạnh phước vì nền thạnh vượng được phục hồi, hoặc (đang khi chờ đợi kỷ nguyên ấy) là bình tĩnh và kiên nhẫn cứ lo tròn phận sự hằng ngày để tỏ lòng tin cậy Ðức Chúa Trời.
Ðoạn 33 -- Ngay trước lúc giao tranh
Ðoạn 28 đến 33 liên quan đến những ngày khủng khiếp do quân A-si-ri vây hãm thành Giê-ru-sa-lem như có mô tả ở các đoạn 36 và 37. Ðạo quân của San-chê-ríp đang cướp phá thành thị và thôn quê (câu 8-9). Các cuộc thương thuyết thất bại (câu 7). San-chê-ríp đã nhận một số tiền lớn lao (II Các vua 18:14-16), nhưng rồi lại bội lời kết ước (câu 8) và vây hãm Giê-ru-sa-lem. Dân chúng đều hoảng sợ (câu 13-14), trừ ra những kẻ tin cậy Ðức Chúa Trời (câu 2, 15-16). Trong cả tình cảnh nầy, Ê-sai bình tĩnh đi đây đó, quả quyết với dân chúng rằng Ðức Chúa Trời sẽ làm cho quân thù khủng khiếp, và chúng sẽ bỏ lại rất nhiều chiến lợi phẩm (câu 3-4). Chính Ðức Chúa Trời che chở Giê-ru-sa-lem như một dòng nước bao quanh, và những tàu tan rã của quân thù sẽ chìm ở đó (câu 21-23). Xem các đoạn 36, 37.
Ðoạn 34 -- Cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời giáng trên các nước
Cũng như đoạn 34, đoạn nầy dường như là sự hiện thấy về thời kỳ sau rốt. Ê-đôm được dùng làm kiểu mẫu đặc biệt của cơn thạnh nộ Ðức Chúa Trời. Xưa kia, nó đông dân ở và phì nhiêu, nhưng bây giờ là một trong những chỗ hoang vu nhứt trên mặt đất, phần lớn chỉ có thú dữ, chim và rắn ở (câu 10-15). Hãy xem ở dưới sách Áp-đia. Hãy chú ý, Ê-sai đố thách các thế hệ tương lai so sánh lời ông với mọi sự sẽ xảy ra trong xứ Ê-đôm (câu 16-17).
Ðoạn 35 -- Ngày Hội Thánh khải hoàn
Ðây là một trong những đoạn quí báu nhứt của Kinh Thánh. Ðây là một bài thơ đẹp đẽ hiếm có. Ðây là bức tranh về thời kỳ sau rốt, là lúc Hội Thánh đã chịu hoạn nạn rất lâu rồi, cuối cùng sẽ chói sáng tất cả vinh quang thiên thượng của mình. Câu 5-6 dường như là sự hiện thấy về Ðấng Christ làm các phép lạ chữa bịnh. Bức tranh phu tù hồi hương đi dọc theo đường cái (câu 8-10) chính là một bài tuyệt diệu diễn tả mọi người được cứu chuộc đang đi đường về ở với Ðức Chúa Trời.
Ðoạn 36, 37 -- Ðạo quân A-si-ri bị đánh bại
Biến cố nầy được ghi chép ba lần: Ở đây, II Các vua 18, 19 và II Sử ký 32. Ðây là một trong những phép lạ vĩ đại nhứt của Cựu Ước: Trong một đêm, đạo quân A-si-ri đã bị lực lượng của Thiên đàng trực tiếp tấn công và tiêu diệt (37:36). Ðó là chiến công vĩ đại mà Ê-sai đã nhiều lần quả quyết sẽ xảy ra (10:24-34; 17:12-14; 29:5-8, 14; 30:27-33; 31:4-9; 33:3-4, 21-23; 38:6). Các đoạn nầy dường như thuật lẫn lộn hai cuộc xâm lăng. San-chê-ríp thống lãnh quân đội của cha, là Sa-gôn, đã xâm lăng nước Giu-đa năm 713 T.C., và chiếm nhiều thành của Giu-đa. E-xê-chia nộp tiền cho hắn kéo quân đi. Năm 701 T.C., hắn lại kéo quân đến, và lần nầy thiên sứ của Ðức Chúa Trời tiêu diệt chúng. Xem ở dưới II Các vua 17.
Ðoạn 38, 39 -- Ê-xê-chia lâm bịnh.Các sứ giả Ba-by-lôn
Theo niên biểu, thì hai đoạn nầy ở trước đoạn 37, nhưng lại đặt ở sau, có lẽ cốt để dẫn (39:6) đến các đoạn kế tiếp chép về cuộc lưu đày qua Ba-by-lôn. Ê-xê-chia lâm bịnh 15 năm trước khi qua đời (38:5), nghĩa là năm 721 T.C.. Còn sự giải cứu khỏi tay quân A-si-ri thì mãi sau nữa mới xảy ra (38:6). Ê-xê-chia được lành bịnh một cách lạ lùng, thì đã khiến cho người Ba-by-lôn chú ý (II Sử ký 32:31; Ê-sai 38:7-8). Phái đoàn ngoại giao Ba-by-lôn đến Giê-ru-sa-lem chắc làm cho San-chê-ríp nghi ngờ, nên có lẽ hắn đã vội vã xâm lăng lần thứ hai.
Ðoạn 40-66 -- Những Bản Ca Tuyệt Diệu Về Tương Lai
Hầu suốt cả đời, Ê-sai đã sống dưới sự hăm dọa của đế quốc A-si-ri khủng khiếp. Quân A-si-ri đã hủy diệt nước Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc (734 T.C.) và phần sót lại của nước phía Bắc đó (721 T.C.), đã xâm lăng nước Giu-đa (713 T.C.). Và vào khoảng 701 T.C., chúng đã chiếm cả nước Giu-đa, trừ ra thành Giê-ru-sa-lem. Suốt những năm ấy, Ê-sai cứ kiên quyết dự ngôn rằng Giê-ru-sa-lem sẽ đứng vững. Và nó thật đã đứng vững. Ðó là công nghiệp vĩ đại của đời Ê-sai. Ông đã cứu thủ đô khi sự hủy diệt hầu như chắc chắn. Nhưng bây giờ cơn khủng hoảng do quân A-si-ri qua hết, thì Ê-sai (trước kia đã dự ngôn rằng Giê-ru-sa-lem sau nầy sẽ sa vào tay quân Ba-by-lôn -- 39:6-7) lại coi cuộc lưu đày tại Ba-by-lôn như một sự trạng hoàn thành rồi. Và trong trí óc, ông đứng chung với đoàn phu tù. Các sự hiện thấy của ông rõ ràng, đến nỗi ông nói về tương lai chẳng khác chi nói về quá khứ.
Hai Ê-sai chăng?
Không một chỗ nào trong sách nầy, hoặc trong Kinh Thánh, hoặc trong truyền thoại của dân Do-thái và của tín đồ Ðấng Christ, có chép hoặc ngụ ý nói rằng sách nầy có hai tác giả, hoặc nhiều hơn. "Ê-sai thứ hai" là do sự tưởng tượng của phái phê bình kim thời. Trong Kinh Thánh của chúng ta và đương thời Ðức Chúa Trời, sách Ê-sai là Một, chớ chẳng phải Hai. Nó không phải là nhiều mảnh ghép lại, nhưng từ đầu đến cuối, đặc điểm của nó là Sự Thống Nhứt tư tưởng bày tỏ bằng ngôn ngữ tuyệt vời, khiến nó trở thành một trong những tác phẩm vĩ đại hơn hết xưa nay. Nếu, theo phái phê bình quả quyết, phần thứ hai do một "tiên tri vô danh" của thời kỳ lưu đày trứ tác, thì thật đáng tiếc quá, vì ta không được biết tác giả của văn phẩm tuyệt mỹ nầy. Chúng tôi không tin rằng có một số "Ê-sai phụ."
Ðoạn 40 -- Những tiếng phán yên ủi
Một vài câu trong đoạn nầy dường như là lời của các thiên sứ nói với Ê-sai hoặc với nhau, để bày tỏ niềm vui vì những sự lạ lùng dành sẵn cho dân Ðức Chúa Trời khi đêm tối hoạn nạn dai dẳng đã qua. Sự ngự đến của Ðấng Christ là đầu đề của câu 1-11. Cả bốn sách Tin Lành trưng dẫn câu 3-5 để tỏ ra Ngài ngự tới mặt đất (Ma-thi-ơ 3:3; Mác 1:3; Lu-ca 3:4-6; Giăng 1:23). Về điểm nầy, ghi nhắc rằng Lời Ðức Chúa Trời muôn đời vững chắc (câu 6-8), thì có nghĩa các lời hứa tiên tri của Ngài không thể nào không ứng nghiệm. Ðấng Christ và Thiên đàng là Chắc Chắn. Quyền phép vô biên của Ðức Chúa Trời và tuổi thanh xuân đời đời của những kẻ tin cậy Ngài là đề mục của câu 12-31. Ðây thật là một đoạn sách vĩ đại.
Ðoạn 41 -- Si-ru dấy lên
Si-ru không được chỉ đích danh ở đây, nhưng ở đoạn 44:28 và 45:1. Không còn lầm lẫn chi nữa, ông là "người dấy lên từ phương Ðông" (câu 2) và "người từ phương Bắc" (câu 25). (Các đạo quân từ phương Ðông luôn luôn do phương Bắc mà vào xứ Pa-lét- tin). Ê-sai qua đời 150 năm trước thời Si-ru; nhưng đây là một sự hiện thấy về Si-ru mau lẹ chinh phục cả thế giới, và người ta cho rằng cuộc chinh phục nầy là do thiên mạng (câu 4). Các nước khủng khiếp trước sự lan tràn thình lình của các đạo quân Si- ru, bèn hối hả làm các thần tượng (câu 5-7), hy vọng được chúng bảo hộ. Ðức Giê-hô-va hứa che chở dân Y-sơ-ra-ên (câu 8-20), rồi Ngài đố thách thần của các dân khác hãy tỏ tài dự ngôn tương lai (câu 21-29). Xem thêm ở dưới đoạn 44.
Ðoạn 42 -- Tôi tớ của Ðức Giê-hô-va
Một sự hiện thấy khác về Ðấng Mê-si hầu đến và về công việc của Ngài giữa các dân (câu 1-17). Lời nầy đã được trưng dẫn ở Ma-thi-ơ 12:17-21. Nhưng ở câu 18-25, thì tôi tớ của Ðức Giê-hô-va lại là quốc gia Y-sơ-ra-ên bị sửa phạt nhiều lần vì cớ đui mù và bại hoại.
Ðoạn 43 -- Ðức Chúa Trời săn sóc dân Y-sơ-ra-ên
Ðức Chúa Trời đã tạo lập dân tộc Y-sơ-ra-ên cho chính mình Ngài. Nhưng họ luôn luôn không vâng lời Ngài. Dầu vậy, họ vẫn là dân tộc của Ngài, và Ngài sẽ hành động qua mọi tội lỗi và thống khổ của họ để chứng tỏ rằng một mình Ngài là Ðức Chúa Trời.
Ðoạn 44, 45 -- Si-ru
Hai đoạn nầy dự ngôn rằng dưới đời trị vì Si-ru, dân Y-sơ-ra-ên sẽ từ chốn lưu đày trở về cố hương; cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng Ðức Giê-hô-va có quyền phép vô song để Dự Ngôn tương lai. Si-ru, vua Ba-tư, trị vì từ 538 đến 529 T.C.. Ông đã cho phép dân Do-thái trở về Giê-ru-sa-lem, và ra chiếu chỉ cho phép họ xây lại Ðền thờ (II Sử ký 36:22-23; E-xơ-ra 1:1-4). Ê-sai nói tiên tri từ 745 đến 695 T.C., tức là hơn 150 năm trước thời Si-ru. Tuy nhiên, Ê-sai gọi đích danh ông và dự ngôn rằng ông sẽ xây lại Ðền thờ; vả, đương thời Ê-sai, Ðền thờ nầy chưa bị phá hủy.
Ðiểm chính của hai đoạn nầy là: Sự Ðức Giê-hô-va cao trọng hơn các hình tượng được chứng minh bởi Ngài có khả năng dự ngôn tương lai. Ý tưởng nầy được lặp lại luôn từ đoạn 40 đến đoạn 48-41:21-24; 22:8-9; 43:9-13; 44:6-8; 45:20-21; 46:9-11; 48:3-7. Việc gọi đích danh Si-ru lâu lắm trước khi ông sanh ra được nêu lên làm tỷ dụ về Ðức Giê-hô-va có quyền phép để tuyên bố những việc chưa xảy đến (45:4-6). Nếu đây không phải là một Dự Ngôn, thì nó chẳng có ý nghĩa chi hết theo phương diện mà nó được dùng. Các nhà phê bình gán những đoạn nầy cho một tác giả sau thời kỳ lưu đày, thật có những ý kiến kỳ lạ về sự thống nhứt của thừa tiếp văn.
Lời tiên tri làm chứng rằng có Ðức Chúa Trời,-- đó là một trong những luận đề chánh yếu của Ê-sai. Ông rất thích chế giễu các hình tượng và kẻ thờ lạy hình tượng mà rằng: "Những hình tượng nầy mà các dân thờ lạy thậm chí không thể làm việc loài người làm được. Chúng không thể thấy, hoặc nói, hoặc nghe." Rồi Ê-sai nói rằng: "Nhưng Ðức Chúa Trời của chúng ta mà chúng ta thờ phượng trong nước Y-sơ-ra-ên, chẳng những có thể làm việc loài người làm được, mà còn làm được nhiều việc loài người không thể làm. Ngài có thể phán trước những việc sẽ xảy đến." Ðoạn, Ê-sai mời các dân họp hội nghị để so sánh các thần; ông hỏi có dân nào có trong nền văn chương của họ những dự ngôn từ thời xưa về những việc sau xảy ra chăng? Ông nói rằng: "Từ đời xưa, trong quốc sử của chúng ta, có một dòng dự ngôn không dứt về các biến cố về sau luôn luôn xảy ra." Bây giờ tôi cũng xin hỏi câu mà Ê-sai đã hỏi 2500 năm trước: "Ngoài Kinh Thánh của chúng ta ra, trong văn chương của cả thế giới, nào tôn giáo, nào chánh trị, nào triết lý, nào thi ca có lời tiên tri nào từ thời xưa về tất cả lịch sử tôn giáo của một người nào chăng?" Ðó há chẳng phải là bằng cớ tỏ ra Kinh Thánh là tác phẩm do một Trí Óc trổi hơn trí óc của loài người, sao?
Ðoạn 46, 47, 48 -- Ba-by-lôn suy vong
Tiếp tục các đoạn 13, 14. Cảnh cáo chớ chịu ảnh hưởng bởi các thần tượng lộng lẫy của Ba-by-lôn (46:3-7), chớ ngần ngại tin cậy lời dự ngôn của Ðức Chúa Trời (46:8-13). Các hình tượng và thầy pháp đông đúc của Ba-by-lôn sẽ chẳng có hiệu lực gì để chống lại đạo quân của Si-ru (47:12-15). Trái lại, hình tượng bằng vàng của các thần mà chúng khoe khoang sẽ chẳng có sức gì để cứu thủ đô của chúng, và cũng không tự cứu mình được; hình tượng sẽ bị chất trên thú vật và trên xe, chở đi làm chiến lợi phẩm (46:1-2). Nhắc lại Ðức Chúa Trời có quyền phép độc hữu và vô song để dự ngôn và kiểm soát dòng lịch sử. Ngài quở trách dân Y-sơ-ra-ên vì không chịu tin cậy Ngài và lời dự ngôn của Ngài, nhưng luôn luôn có khuynh hướng nương cậy hình tượng. Ðây lại long trọng dự ngôn về Ba-by-lôn sụp đổ bởi tay Si-ru và về dân Do-thái được giải phóng. "Người mà Ðức Giê-hô-va yêu" (48:14), tức là Si-ru, là một hoàng đế cao thượng và công bình phi thường.
Ðoạn 49, 50 -- Tôi tớ của Ðức Giê-hô-va
Trong các đoạn trước (40-48), ý tưởng cốt yếu là: Lời Ðức Giê-hô-va dự ngôn tương lai là bằng cớ tỏ ra có Ðức Chúa Trời. Ở các đoạn 49-55, ý tưởng chuyên chú vào Tôi tớ của Ðức Giê-hô-va. Trong một vài khúc sách, tôi tớ dường như là quốc gia Y-sơ- ra-ên; còn trong những khúc khác, Tôi tớ chính là Ðấng Mê-si, trong Ngài nước Y- sơ-ra-ên được nhân cách hóa và những lời hứa cho nước ấy sẽ được thành tựu. Hai hạng khúc sách nầy khá lẫn lộn với nhau, và chính thừa tiếp văn tỏ cho ta thấy định nói về ai.
Ðây là tiếp tục các ý tưởng đã súc tích từ trước: 41:8; 42:1, 19; 43:10; 44:1, 2, 21; 49:3-6; 52:13; 53:11.
Các đoạn nầy dường như là lời Tôi tớ nói một mình, xen vào có lời Ðức Chúa Trời đáp lại, và chuyên luận về nhiệm vụ Ngài dắt đem muôn dân trên thế giới đến cùng Ðức Chúa Trời.
Ðoạn 51, 52 -- Si-ôn được cứu chuộc và được khôi phục
Sự giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi cảnh lưu đày đau khổ cũng chắc chắn như các công việc lạ lùng của Ðức Chúa Trời trong quá khứ. Ðó là một phần kế hoạch đời đời của Ðức Chúa Trời: Từ một cặp vợ chồng (51:2), trải qua các đời, Ngài đã xây dựng một thế giới được cứu chuộc có sự vinh hiển vô tận (51:6). Ðoạn 52 là một bài ca về ngày Si-ôn toàn thắng.
Ðoạn 53 -- Tôi tớ của Ðức Giê-hô-va là Người chịu thương khó
Ðây là một trong những đoạn Kinh Thánh được quí mến hơn hết. Ðây là bức tranh mô tả Cứu Chúa chịu thương khó. Nó bắt đầu ở 52:13 và có những chi tiết linh động đến nỗi ta gần như tưởng Ê-sai đang đứng ở chơn Thập tự giá. Cảnh tượng rõ rệt trong trí óc ông đến nỗi ông dùng thì quá khứ mà tường thuật nó, dường như nó đã xảy ra rồi. Nó không thể thích ứng với một nhơn vật nào khác trong lịch sử. Tuy nhiên, đoạn sách nầy đã được chép 700 năm trước khi Ðấng Christ chịu chết trên núi Gô-gô- tha.
Ðoạn 54, 55 -- Si-ôn được mở mang rộng lớn
Vì đã chịu thương khó, nên Tôi tớ của Ðức Chúa Trời sẽ làm cho Si-ôn tươi trẻ lại, có diện tích vô biên và vinh quang vô tận. Ðoạn 55 là lời Tôi tớ mời cả thế giới vào Nước Ngài và chia xẻ ơn phước của Ngài.
Ðoạn 56, 57, 58, 59 -- Các tội lỗi đương thời Ê-sai
Phạm ngày yên nghỉ; các thủ lãnh Y-sơ-ra-ên tham ăn, mê uống; sự thờ lạy hình tượng lan tràn và có những lề thói hư hoại; câu nệ kiêng ăn, nhưng làm việc bất công hiển nhiên; mọi sự đó chắc chắn sẽ bị báo trả.
Ðoạn 60, 61, 62 -- Ðấng cứu chuộc Si-ôn
Bài ca về thời đại Ðấng Mê-si, bắt đầu ở 59:20, mô tả kỷ nguyên rao giảng Tin Lành khắp thế giới, và hòa lẫn với vinh quang đời đời của Thiên đàng . Ðoạn 60 tiếp tục ý tưởng của đoạn 49, mô tả các vua và các dân từ bốn phương thế giới họp lại để đi đến Si-ôn mà triều kiến Vua Si-ôn. Ðây là một trong những đoạn vĩ đại nhứt của Kinh Thánh. Ðức Chúa Jêsus trưng dẫn 61:1-3 và phán rằng nó chỉ về Ngài (Lu-ca 4:18). "Tên mới" (62:2) của Si-ôn: Ở đoạn 65:15 có nhắc lại rằng các tôi tớ của Ðức Chúa Trời sẽ được gọi bằng một "danh khác." Cho tới ngày Ðấng Christ ngự đến, dân Ðức Chúa Trời vẫn được gọi là "người Do-thái," hoặc "người Hê-bơ-rơ." Sau đó, họ được gọi là "Cơ-đốc-nhân" (tín đồ Ðấng Christ). "Mão triều thiên đẹp đẽ" (62:3). Ðối với Ðức Chúa Trời, Hội Thánh là như vậy đó. Mặc dầu Hội Thánh hữu hình đã bị hư hoại trong tay loài người và không phải là một "mão triều thiên đẹp đẽ," nhưng đoàn thể các thánh đồ trung tín của Ðức Chúa Trời thì thật là như vậy. Suốt cõi đời đời , họ sẽ làm cho Ðức Chúa Trời thỏa thích và vui vẻ (câu 3-5).
Ðoạn 63, 64 -- Lời cầu nguyện của những kẻ bị lưu đày
Ta hơi khó hiểu tại sao lại nói đến Ê-đôm ở đây (63:1-6). Hai đoạn nầy, trừ 6 câu đầu, có tánh chất một lời cầu xin Ðức Chúa Trời giải phóng dân Y-sơ-ra-ên đang làm phu tù. Người Ê-đôm, kẻ thù truyền kiếp của dân Giu-đa, đã liên hiệp với quân Ba-by-lôn mà hủy phá thành Giê-ru-sa-lem (xem dưới sách Áp-đia). Vị chiến sĩ vấy huyết giày đạp Ê-đôm trong cơn thạnh nộ và "có quyền lớn để cứu rỗi Si-ôn" (63:1), giống như Ðức Chúa Trời cứu chuộc Si-ôn trong ba đoạn trước. Ngôn ngữ dùng đây là căn bản cho các biểu tượng về Chúa tái lâm trong sách Khải Huyền 19:11-16.
Ðoạn 65, 66 -- Các từng trời mới và trái đất mới
Hai đoạn nầy là Ðức Chúa Trời đáp lại lời cầu nguyện của những kẻ bị lưu đày trong hai đoạn trước. Lời cầu nguyện của họ sẽ được nhậm. Phần trung tín sót lại sẽ được khôi phục (65:8-10). Còn kẻ chẳng vâng lời sẽ bị hoàn toàn tiêu diệt (65:2-7, 11-12). Các quốc gia mới mẻ sẽ được dẫn vào ràn chiên (65:1; 66:8). Hết thảy sẽ được gọi bằng một tên mới (65:15). Họ sẽ được thừa hưởng các từng trời mới và trái đất mới (65:17; 66:22). Trong chế độ mới sẽ không cần Ðền thờ hoặc của lễ (66:1-4). Người trung tín và kẻ không vâng lời sẽ phân cách nhau đời đời, - người nầy được phước đời đời, còn kẻ kia bị hình phạt đời đời (66:22-24). Chính Ðức Chúa Jêsus đã xác nhận những lời đó (Mác 9:48). Sứ điệp sau chót của Phi-e-rơ cho tín đồ Ðấng Christ là phải chăm xem các từng trời mới và trái đất mới (II Phi-e-rơ 3:10-14). Kinh Thánh lên tới tuyệt điểm sau chót với sự hiện thấy kỳ diệu về các từng trời mới và trái đất mới (Khải Huyền 21, 22); vả, sự hiện thấy nầy chính là bài giải rộng đoạn 66, sách Ê-sai.
Tóm Tắt Các Dự Ngôn Của Ê-sai
Ðã được ứng nghiệm lúc ông còn sống
Giu-đa được giải cứu khỏi Sy-ri và Y-sơ-ra-ên (7:4-7, 16).
Sy-ri và Y-sơ-ra-ên bị A-si-ri tiêu diệt (8:4; 17:1-14).
A-si-ri xâm lăng Giu-đa (8:7-8).
Người Phi-li-tin bị khắc phục (14:28-32)
Mô-áp bị cướp phá (15 và 16).
Ai-cập và Ê-thi-ô-bi bị A-si-ri chiến thắng (20:4).
A-ra-bi bị cướp phá (21:13-17).
Ty-rơ bị khắc phục (23:1-12).
Giê-ru-sa-lem được giải cứu khỏi A-si-ri (xem dưới đoạn 36).
Ê-xê-chia được tăng thọ 15 năm (38:5).
Ðược ứng nghiệm sau khi ông qua đời
Cảnh phu tù tại Ba-by-lôn (39:5-7).
Ba-by-lôn bị Sy-ru lật đổ (46:11).
Ba-by-lôn bị người Mê-đi và Ê-lam lật đổ (13:17; 21:2; 48:14).
Ba-by-lôn bị hoang vu vĩnh viễn (13:28-22).
Si-ru được gọi đích danh (44:28; 45:1, 4).
Si-ru chinh phục thế giới (41:2-3).
Si-ru giải phóng những phu tù (45:13).
Si-ru ra lịnh xây lại thành Giê-ru-sa-lem (44:28; 45:13).
Y-sơ-ra-ên được khôi phục (27:12-13; 48:20; 51:14).
Ðạo của dân Y-sơ-ra-ên thấm nhuần Ai-cập và A-si-ri (19:18-25).
Ðạo của dân Y-sơ-ra-ên lan tràn khắp thế giới (27:2-6).
Ty-rơ phải làm phu tù và được khôi phục (23:13-18).
Ê-đôm bị hoang vu vĩnh viễn (34:5-17).
Về Ðấng Mê-si
một phần đã được ứng nghiệm, một phần sẽ được ứng nghiệm
một phần đã được ứng nghiệm, một phần sẽ được ứng nghiệm
Sự ngự đến của Ngài (40:3-5).
Ngài do nữ đồng trinh sanh ra (7:14).
Miền Ga-li-lê làm sân khấu cho chức vụ của Ngài (9:1-2).
Ngài là Ðức Chúa Trời và làm Vua đời đời (9:6-7).
Ngài chịu thương khó (53).
Ngài phải chết chung với kẻ gian ác (53:9).
Ngài được chôn chung với người giàu (53:9).
Ðời trị vì của Ngài có quyền oai và sự dịu hiền (40:10-11).
Ðời trị vì của Ngài có sự công bình và ban phước lành (32:1-8; 61:1-3).
Ngài công bình và từ ái (42:3-4, 7).
Ngài cai trị các dân ngoại (2:2-3; 42:1, 6; 49:6; 55:4-5; 56:6; 60:3-5).
Ảnh hưởng rộng lớn của Ngài (49:7, 23).
Các thần tượng sẽ biến mất (2:18).
Sẽ thực hiện một thế giới không chiến tranh (2:4; 65:25).
Trái đất bị tiêu hủy (24; 26:21; 34:1-4).
Dân Ðức Chúa Trời được gọi bằng một tên mới (62:2; 65:15).
Sẽ dựng nên các từng trời mới và trái đất mới (65:17; 66:22).
Người công bình và kẻ gian ác sẽ phân cách nhau đời đời (66:15, 22-24)