Giê-Xu Christ Là Con Người

Giê-Xu Christ Là Con Người

Kinh Thánh:      Ma-thi-ơ 16:13-18
Câu gốc:        "Chẳng có sự cứu rỗi trong Ðấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu." Công 4:12.
Mục đích:      Dạy về sự tuyệt đối của Giê-xu Christ và chúng ta phải quyết định tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chủ Nhật:
Thiên sứ báo tin cho Ma-ri.
 Lu-ca 1:26-38
Thứ Hai:
Nữ đồng trinh sinh ra Giê-xu Christ.
 Lu-ca 2:1-20
Thứ Ba:
Ngài cũng chịu cám dỗ như chúng ta.
 Ma-thi-ơ 4:1-11;
 Hê-bơ-rơ 2:17-18; 4:15
Thứ Tư:
Sự trở thành nhục thể.
 Giăng 1:1-14; Cô-lô-se 2:9
Thứ Năm:
Con người.
 Phi-líp 2:5-11
Thứ Sáu:
Lời chứng của Ðức Chúa Trời.
 Mác 9:1-10
Thứ Bảy:
Lời chứng của Phi-e-rơ.
 Ma-thi-ơ 16:13-18

            Giê-xu Christ là Con Ðức Chúa Trời, song Ngài đã trở thành con người. Ngài là Ngôi lời đã trở nên xác thịt, tức là Thượng Ðế vô hình đã mặc lấy hình người ở giữa chúng ta (Giăng 1:14). Tân Ước có 77 lần chép về Ngài là Con người, thuộc về muôn dân, muôn nước. Ngài vừa là Ðức Chúa Trời mà cũng vừa là người, cả hai bản tánh Ngài đều hòa hợp trọn vẹn. Vì vậy, chỉ một mình Ngài là Ðấng trung bảo ở giữa Ðức Chúa Trời và loài người để làm cho ai nấy hoà hợp lại với Ðức Chúa Trời. Giê-xu Christ là một nhịp cầu, một gạch nối giữa trời và người. Nếu không nhờ Ngài thì chẳng hề có ai đến được với Ðức Chúa Trời (Giăng 14:6).

I. Giê-Xu Christ có một đời sống toàn hảo.
            Ngài đã trở thành một hài nhi nằm trong máng cỏ, chuồng chiên lớn lên trong gia đình thợ mộc nghèo nàn tại làng Na-xa-rét nhỏ bé, nhưng Ngài có một đời sống toàn hảo giữa loài người bất toàn (Lu-ca 2:40-52). Ma quỉ đã dùng đủ cách để cám dỗ Ngài, song Ngài chẳng hề phạm tội. Người đồng thời đã cố gắng thổi lông tìm vết, vạch lá tìm sâu nhưng không hề thấy một lỗi lầm nào trong lời nói cũng như trong việc làm của Ngài. Hơn nữa Chúa còn thách đố họ rằng "Trong các ngươi có ai xác minh ta có tội ư?" Hết thảy đều cuối đầu, ngậm miệng tổng đốc Phi-lát phải 3 lần tuyên bố rằng "Ta không thấy người nầy có tội gì cả" (Giăng 18:38; 19:4-6). Kinh thánh mô tả "Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không có chút chi dối trá, Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Ðấng xử đoán công bình" (IPhi 2:22-23). Thậm chí Giu-đa cũng phải thú nhận rằng "Tôi đã nộp huyết vô tội" (Ma-thi-ơ 27:4), còn anh trộm bị đóng đinh bên cạnh Ngài cũng nói "Hình ta chịu xứng với việc ta làm, nhưng người nầy (Giê-xu) không hề làm một điều gì ác" (Lu-ca 23:41).

II. Giê-Xu Christ có sự thông minh toàn hảo.
            Sự thông minh của Ngài bài tỏ Ngài hoàn toàn vô tội như A-đam trước khi sa ngã. Khi 12 tuổi, Ngài đã làm rối trí các giáo sư Do Thái bằng những lời đối đáp của Ngài. Ngài chưa từng tốt nghiệp một trường đại học nào, không có một thư viện, cũng chẳng có một quyển sách nào trong tay, song khi Ngài giảng dạy, tất cả người nghe Ngài phải ngạc nhiên, vì Ngài giảng cách có quyền, chứ không giống như các giáo sư Do thái (Ma-thi-ơ 8:29). Không có một câu hỏi hóc búa nào mà Ngài không trả lời được. Hơn nữa, Ngài còn đọc được tư tưởng trong lòng của mọi người, nên khi họ chưa hỏi, Ngài đã trả lời được cho họ (Mác 2:8; Giăng 2:25; 6:61, 64; 13:11). Sự giảng dạy của Ngài thích hiệp với mọi người thuộc mọi thành phần, trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Ni-cô-đem là một giáo sư nổi tiếng phải thưa "Chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Ðức Chúa Trời đến" (Giăng 3:2). Những kẻ từng chỉ trích Ngài trong lời nói phải cúi đầu ngậm miệng, hoặc nói rằng "Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy" (Giăng 8:46).
            Lời giảng dạy của Ngài đã được chép thành sách và được dịch ra hơn 1500 thứ tiếng trong thế giới, song suốt gần 20 thế kỷ qua chưa hề có ai tìm thấy một lỗi lầm nào trong lời giảng dạy của Ngài. Sư thông minh cũng như đời sống của Ngài là một con người hoàn toàn.

III. Giê-Xu Christ có những hành động toàn hảo.
            Chúa Giê-xu có quyền năng vô cùng. Song Ngài không thi hành quyền năng đó để khoe khoang, để làm cho mình được tiếng tăm lừng lẫy, được thiên hạ hoan nghinh, Ngài cũng không thi hành quyền năng đó để báo thù kẻ làm hại Ngài. Ngài chỉ dùng lời phán mà chữa lành tất cả bệnh tật thậm chí kêu kẻ chết sống lại. Ngài đuổi quỉ khỏi kẻ nó ám ảnh, hóa bánh cho toàn dân ăn no nê mà còn thừa. Mỗi hành động đó đều phát xuất từ lòng yêu thương, nhân tư của Ngài (Ma-thi-ơ 9:36; 14:14; 15:32). Ngài vâng phục Ðức Chúa Trời mà làm mọi việc, nên hai lần Ðức Chúa Trời long trọng tuyên bố rằng "Nầy là Con yêu dấu của Ta đẹp lòng ta mọi đàng" (Ma-thi-ơ 3:17; 17:5). Khi dân chúng thấy Ngài làm nhiều phép lạ, tin rằng Ngài là một tiên tri, muốn tôn Ngài làm vua của họ để giải phóng họ khỏi quyền đô hộ của đế quốc La-mã, thì Ngài lui ở một mình trên núi (Giăng 6:14-15).
            Giê-xu Christ là Con người toàn hảo trong mọi hành động. Sự sống của Ngài không phải là sự sống của con người tội lỗi như chúng ta mà là sư sống của Ðức Chúa Trời, nên mọi hành động của Ngài vừa tỏ ra Ngài là Con Người mà đồng thời cũng là Con Ðức Chúa Trời. Bên miệng giếng Gia-cốp, Chúa mệt mỏi như một người, nhưng Ngài hiểu biết như Ðức Chúa Trời khi Ngài phán với người đàn bà Sa-ma-ri "Ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có chẳng phải là chồng ngươi" (Giăng 4:6, 17, 18). Trong thuyền, Chúa ngủ như mọi người song lời phán của Ngài là lời phán của Ðức Chúa Trời, khi Ngài đứng dậy quở sóng gió và biển thì liền yên lặng như tờ (Ma-thi-ơ 8:24,26). Sáng hôm sau, Chúa đói như một người, song mạng lịnh của Ngài là mạng lịnh của Ðức Chúa Trời. Khi Chúa thấy cây vả chỉ có lá mà không có trái thì phán "Mầy chẳng khi nào sanh trái nữa! Cây vả tức thì khô đi" (Ma-thi-ơ 21:18-19). Khi đứng trước mộ La-xa-rơ, Chúa khóc vì cảm động như một người, song Ngài kêu một tiếng như Ðức Chúa Trời nên La-xa-rơ từ mồ bước ra (Giăng 11:35, 43, 44). Ngài chết trên thập tự giá như một người, song sống lại khỏi phần mộ như Ðức Chúa trời.
            Ngày nọ, Chúa hỏi các môn đồ "Theo lời người ta nói thì Con người là ai?"- Kẻ nầy nói Ngài là Giăng Báp-tít, kẻ kia nói Ngài là Ê-li, kẻ khác nói Ngài là Giê-rê-mi hay một tiên tri nào đó. Chúa hỏi "Còn các ngươi thì xưng ta là ai?" Phi-e-rơ đại diện thưa "Chúa là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời hằng sống". Chúa cho Phi-e-rơ là có phước, vì được Ðức Chúa Trời bày tỏ cho nên ông biết Ngài như vậy. Phước thay cho ai biết Giê-xu như vậy, vì Ngài là Cứu Chúa có một không hai của loài người, ngoài Ngài ra không có một Cứu Chúa nào khác.
            Bài học cho chúng ta: Chúa Giê-xu Christ là con người toàn hảo về mọi phương diện. Cuộc sống của Ngài là cuộc sống gương mẫu cho chúng ta, để ai nấy "Noi dấu chân Ngài" (IPhi 2:21). Chúa muốn chúng ta có một đời sống như Ngài trong sự thánh khiết và công nghĩa (Ê-phê-sô 4:24). Song muốn đạt được nếp sống đạo đức đó, không phải chúng ta cố gắng mà được, bèn là nhận lấy sự sống của Ngài là sự sống thánh khiết và công nghĩa, cũng gọi là sự sống đời đời. Sự sống nầy không bao giờ tìm được ngoài Chúa Giê-xu. Nên muốn có sự sống nầy, chúng ta phải có Chúa Giê-xu, tức là tiếp nhận Ngài, xin Ngài bước vào ngự trị đời mình. Chừng ấy Chúa sẽ tái diễn cuộc đời của Ngài trong chúng ta, làm cho chúng ta mỗi ngày một giống như Chúa hơn trong cách ăn ở của mình. Ðó là lý do Phao-lô đã sẵn sàng chấp nhận mọi sự đau đớn như sự đau đớn của người đàn bà sinh nở cho đến chừng Ðấng Christ thành hình trong tín đồ, tức là ai nấy đều thấy Ngài trong họ (Ga-la-ti 4:19). Chúa Giê-xu có quyền năng vô cùng để ăn ở thánh khiết, đồng thời Ngài cũng có quyền năng giúp đỡ bất cứ ai nhờ cậy Ngài để ăn ở thánh khiết như Ngài. Vậy chúng ta hãy khao khát một đời sống thánh khiết đến nỗi sẵn sàng phục tùng Ngài trọn vẹn, hầu cho chính Ðức Chúa Trời hành động trong chúng ta, để ai nấy vừa muốn vừa làm điều đẹp ý Ngài (Phi-líp 2:13).
            Có người hỏi một tín đồ: Tại sao anh không hút thuốc lá, không xem hát, không đánh bạc và làm một số điều khác, mặc dầu Kinh thánh không cấm? Tín đồ đáp: Tôi không làm những điều đó chẳng phải tại Kinh thánh cấm hay không, song tôi muốn ăn ở giống như Chúa Giê-xu yêu dấu của tôi.
CÂU HỎI.
1. Chúa Giê-xu là ai?
2. Cuộc đời của Ngài là toàn hảo có nghĩa gì?
3. Sự giảng dạy của Ngài là toàn hảo có nghĩa gì?
4. Mọi hành động của Ngài là toàn hảo có nghĩa gì?
5. Kể ra vài trường hợp mà Chúa hành động như vừa là con người vừa là Con ÐCT?
6. Cuộc đời toàn hảo của Chúa Giê-xu có tương quan gì với chúng ta?
7. Làm sao để chúng ta có một cuộc đời thánh khiết và công nghĩa như Ngài?

8. Chúng ta xưng mình là con cái Chúa thì chúng ta muốn giống ai?



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.