Một tai vạ cào cào, Ngày của Ðức Chúa Trời hầu đến
Dự ngôn về hoàng kim thời đại, Ðức Thánh Linh đổ xuống
Dự ngôn về hoàng kim thời đại, Ðức Thánh Linh đổ xuống
Sách nầy luận về sự phán xét hầu đến, cũng như sách Sô-phô-ni. Cũng dự ngôn về mùa gặt của trái đất như sách Khải Huyền vậy (3:13, 14; Khải Huyền 15:15, 16).
Niên hiệu của Giô-ên
Không được chỉ tỏ trong chính sách nầy. Ông thường được kể là một trong những tiên tri đầu tiên của nước Giu-đa, về thời vua Giô-ách (khoảng 830 T.C.), hoặc có lẽ dưới đời trị vì của Ô-xia (khoảng 750 T.C.).
Ðoạn 1:1-2:27 -- Tai vạ cào cào
Ðất nước bị tàn phá bởi một nạn đói kém khủng khiếp, gây nên do một tai vạ cào cào từ trước chưa từng có, theo sau có cơn hạn hán kéo dài. Cào cào là một loài sâu bọ, giống như con châu chấu lớn. Bốn tên khác nhau ở 1:4 chỉ tỏ bốn loại cào cào, hoặc bốn giai đoạn gia tăng khác nhau. Những đội quân cào cào đông đúc như đám mây che tối mặt trời, ào xuống mặt đất, ăn nuốt hết cây cỏ, nên dân chúng phải quì gối cầu nguyện. Ðức Chúa Trời nghe tiếng kêu la của họ, cất bỏ hết cào cào và hứa ban một kỷ nguyên thạnh vượng. Tai vạ hiến cho tiên tri cơ hội để nói về một sự đoán phạt hầu đến khủng khiếp hơn. Những cào cào đó gợi cho ta nghĩ đến, hoặc có thể làm hình bóng về cào cào ở sách Khải Huyền 9:1-11 (đây lại dịch là "châu chấu").
Ðoạn 2:38-3:21 -- Ngày của Ðức Chúa Trời hầu đến
Trong sách Công vụ các sứ đồ 2:17-21, Phi-e-rơ trưng dẫn Giô-ên 2:28-32 và nói đó là dự ngôn về "ngày" mà ông đang khai mạc. Ấy có nghĩa rằng Ðức Chúa Trời định dùng khúc sách nầy để nói tiên tri về kỷ nguyên Tin Lành. Ðó sẽ là ngày đoán phạt các dân (3:1-12). Ðối với chính Giô-ên, thì có nghĩa là các dân thù nghịch đương thời ông, tức là người Si-đôn, Phi-li-tin, Ai-cập và Ê-đôm (3:4, 19). Nhưng còn hơn nữa. Trận đánh lớn ở thung lũng Giô-sa-phát, nay là thung lũng Xết-rôn ở phía Ðông Giê-ru-sa-lem (3:9-12), đã được nói đến chung với mùa gặt (câu 13), với "trũng đoán định" (câu 14), với "Ðức Giê-hô-va làm cho vang tiếng mình ra từ Giê-ru-sa-lem" (câu 16), với "các từng trời và đất đều rúng động" (câu 16), với "một cái suối sẽ ra từ nhà Ðức Giê-hô-va" (câu 18), -- mọi sự nầy là phần tiếp tục ý tưởng về Ðức Thánh Linh ở 2:28-32. Như vậy, về toàn thể, khúc sách dường như cốt để mô tả thời đại của đạo Ðấng Christ, trong đó Lời Ðức Chúa Trời (thể hiện bằng Tin Lành Ðấng Christ và do ảnh hưởng từ ái của Ðức Thánh Linh đem đến cho cả loài người) sẽ là lưỡi hái của mùa gặt linh hồn vĩ đại. Những kẻ nào chối bỏ sứ diệp của Tin Lành, ắt tự chuộc lấy sự đoán phạt khủng khiếp hơn tai vạ cào cào. Một phần lời lẽ đặc biệt chỉ về khởi điểm của kỷ nguyên, và một phần chỉ về kỳ sau rốt.