Ðến Ni-ni-ve thi hành sứ mạng thương xót
Ni-ni-ve là thủ đô của đế quốc A-si-ri. A-si-ri là một đế quốc bá chủ thế giới chừng 300 năm (900-607 T.C.). Nó bắt đầu dấy lên địa vị cường quốc trên thế giới vào khoảng nước Hê-bơ-rơ bị chia hai, lúc hết đời trị vì của Sa-lô-môn. Nó lần lần chiếm cứ và tiêu diệt nước Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc. Các vua A-si-ri đã có liên quan với nước Y-sơ-ra-ên và nước Giu-đa là:
Sanh-ma-na-sa II (860-825 T.C.). Bắt đầu "diệt Y-sơ-ra-ên."
Adad-Nirari (808-783 T.C.). Nhận cống phẩm của Y-sơ-ra-ên. Giô-na tới viếng Ni-ni-ve (?)
Tiếc-la-Phi-lê-se III (747-727 T.C.). Ðem hầu hết người Y-sơ-ra-ên đi đày.
Sanh-ma-na-sa IV (727-722 T.C.). Vây thành Sa-ma-ri.
Sa-gôn II (722-705 T.C.). Bắt phần sót lại của Y-sơ-ra-ên đi làm phu tù. Ê-sai.
San-chê-ríp (705-681 T.C.). Xâm lăng nước Giu-đa. Ê-sai.
Ê-sạt-ha-đôn (681-668 T.C.). Rất oai hùng.
Assur-banipal (668-626 T.C.). Hùng mạnh và hung ác hơn hết. Na-hum (?)
Hai vua nhu nhược (626-607 T.C.). Ðế quốc rộng lớn nầy sụp đổ năm 607 T.C..
Như vậy, Giô-na được Ðức Chúa Trời kêu gọi để kéo dài đời sống của nước thù nghịch đã khởi sự tiêu diệt chính nước ông. Thế thì ông chạy đi phía khác, cũng chẳng lạ gì. Các nhà Truyền đạo thường dùng Giô-na làm tỉ dụ về sự kỳ thị chủng tộc. Không đúng hẳn như vậy, nhưng do lòng yêu nước, ông khiếp sợ một guồng máy quân sự tàn bạo, không chút thương xót, đang xiết chặt dân Ðức Chúa Trời.
Giô-na quê ở Gát-Hê-phe. Ông sống dưới đời trị vì của Giê-rô-bô-am II (790-749 T.C.), và giúp phần chiếm lại một ít lãnh thổ Y-sơ-ra-ên đã mất (II Các vua 14:25). Việc nầy có lẽ đã theo sau lúc ông thăm viếng Ni-ni-ve, trong thời gian tạm yên vì thành Ni-ni-ve ăn năn ít lâu. Như vậy, Giô-na vừa là chánh khách, vừa là tiên tri, và là người có danh tiếng nhứt trong nước sau vua.
Sách nầy có phải là lịch sử chăng?
Lẽ tự nhiên, vì cớ truyện tích con cá, nên trí óc không tin chẳng chịu nhìn nhận sách nầy là xác thực. Họ cho nó là hoang đường, là bày đặt, hoặc một thí dụ, một thi ca bằng văn xuôi, v.v... Một cách hiển nhiên, Ðức Chúa Jêsus kể sách nầy là một thực sự lịch sử (Ma-thi-ơ 12:39-41). Phải gò ép nhiều lắm, mới có thể nói rằng Ngài đã phán về một điều khác. Ngài cho đó là một "dấu lạ" về chính sự sống của Ngài. Ngài đặt con cá, sự ăn năn của người Ni-ni-ve, sự sống lại của Ngài, và ngày phán xét vào cùng một loại. Khi Ngài phán về sự sống lại của Ngài và về ngày phán xét, thì Ngài chắc đã luận đến Sự Thực. Như vậy, Ðức Chúa Jêsus đã thừa nhận truyện tích Giô-na. Ðối với chúng ta, chừng đó đủ giải quyết vấn đề. Chúng ta tin rằng truyện tích ấy thật xảy ra như đã chép; rằng do lịnh của Ðức Chúa Trời, chính Giô-na đã viết sách nầy, không cốt để bào chữa hành động chẳng xứng đáng của mình; rằng do Thánh Linh của Ðức Chúa Trời hướng dẫn, sách nầy đã được đặt chung với các Sách Thánh trong đền thờ như là một phần sự khải thị của Ðức Chúa Trời về chính mình Ngài.
Con cá. Ðây là một con cá lớn. Ðã tìm thấy nhiều con cá lớn có thể nuốt chửng một người. Tuy nhiên, điểm chính của truyện tích nầy là: Ðó là một PHÉP L , một cách Ðức Chúa Trời chứng minh rằng Ngài sai Giô-na đi đến Ni-ni-ve. Nếu không có pháp lạ lớn lao ấy, ắt người Ni-ni-ve ít để ý tới Giô-na (Lu-ca 11:30).
Sự chứng quyết của khảo cổ học. Theo chỗ chúng ta biết, thì các bi văn A-si-ri không có chép rằng thành Ni-ni-ve ăn năn. Ta chẳng nên mong thấy chép như vậy. Các vua thời xưa chỉ chép công nghiệp hiển hách của mình, chứ không hề chép sự hổ nhục của mình. Tuy nhiên, có dấu tích tỏ ra Adad Nirari đã thực hiện những cuộc cải cách giống như những cuộc cải cách của Amenophis IV ở Ai-cập. Và dưới đời trị vì của ba vua theo sau Adad-Nirari, người A-si-ri đã giảm bớt các cuộc chinh phục. Trong thời gian nầy, Y-sơ-ra-ên chiếm lại được phần lãnh thổ đã mất (II Các vua 14:25). Ðó là những điểm ngụ ý rằng Giô-na có ảnh hưởng sâu xa đến thành Ni-ni-ve.
Mục đích của Ðức Chúa Trời trong sự trạng nầy
Có một điều chắc chắn, là sự trạng nầy đã trì hoãn cảnh lưu đày của Y-sơ-ra-ên, vì một trong những điều mà người Ni-ni-ve ăn năn chính là sự ham hố chinh phục (3:8).
Ðức Chúa Trời dường như muốn dùng sự trạng nầy để ngụ ý dạy dân Ngài rằng Ngài cũng chú ý đến các nước khác.
Hơn nữa, Giô-na quê ở Gát-hê-phe (II Các vua 14:25), gần Na-xa-rét, quê hương của Ðức Chúa Jêsus; Giô-na là một "dấu lạ" về Ngài, và Ngài được sai đến các nước khác cũng như Giô-na vậy.
Hơn nữa, Giốp-bê(1), nơi Giô-na xuống tàu để tránh trách nhiệm giảng cho một dân tộc khác, chính là nơi, 800 năm sau, Ðức Chúa Trời đã lựa chọn để bảo Phi-e-rơ hãy tiếp nhận người thuộc về những dân tộc khác.
Hơn nữa, Ðức Chúa Jêsus trưng dẫn sự trạng nầy như là bức tranh tiên tri về Ngài sống lại nhằm ngày "thứ ba" (Ma-thi-ơ 12:40). Ðó là lời tiên tri duy nhứt trong Cựu Ước về Ngài sống lại ngày "thứ ba" (xem ở dưới Ma-thi-ơ 2:22).
Vậy, về toàn thể, truyện tích Giô-na là bức tranh lịch sử vĩ đại, làm hình bóng về Ðấng Mê-si sống lại và thi hành sứ mạng đối với muôn dân.
Ðoạn 1 -- Giô-na chạy trốn
Người ta nghĩ rằng "Ta-rê-si" (câu 3) là hải cảng Tartessus, thuộc Tây-ban-nha. Giô-na đi tới biên giới xa nhứt của thế giới mà người ta biết thời đó.
Ðoạn 2 -- Lời cầu nguyện của Giô-na
Xét lời cầu nguyện tuyệt diệu nầy, ta thấy chắc ông quen cầu nguyện theo lời lẽ của các Thi Thiên. Ông đã được cá "mửa ra trên đất khô" (câu 11), có lẽ ở gần Giốp-bê, và có lẽ được nhiều người chứng kiến.
Ðoạn 3 -- Thành Ni-ni-ve ăn năn
Khi giảng, chắc Giô-na có nói đến sự từng trải của mình trong bụng cá, và được nhiều người làm chứng truyện đó là thật. Vì ông nói nhơn Danh Ðức Chúa Trời của nước mà người Ni-ni-ve đã bắt đầu cướp phá, nên họ chăm chú nghe và bắt kinh khiếp.
Ðoạn 4 -- Sự thất vọng của Giô-na
Ông đã đến không phải để mong họ ăn năn, nhưng để báo cáo họ sắp bị đoán phạt. Nhưng khi Ðức Chúa Trời thấy họ ăn năn, thì Ngài đẹp lòng và hoãn sự hình phạt, làm cho Giô-na buồn phiền lắm. Xem thêm ở dưới sách Na-hum. Chúng tôi nghĩ rằng vẻ đẹp nhứt của sách nầy ở trong câu chót: Ðức Chúa Trời thương xót con trẻ. Ðức Chúa Trời chịu cảm động mà ngưng không hủy diệt thành Ni-ni-ve, vì lòng Ngài chẳng nỡ tàn sát con trẻ vô ti. Ðức Chúa Jêsus yêu mến con trẻ và tâm tình như con trẻ của những người lớn.
Ni-ni-ve
Chính thành Ni-ni-ve bề dài 3 dặm và bề rộng một dặm rưỡi. Còn thành Ni-ni-ve lớn gồm Ca-lách ở 20 dặm về phía Nam, và Khorsabad ở 10 dặm về phía Bắc. Khu tam giác do sông Ti-gơ-rơ và sông Zab tạo thành, gồm trong các chiến lũy của Ni-ni-ve.
Ca-lách, tiền đồn phía Nam của Ni-ni-ve, gồm 4 cây số vuông. Tại đây, ông Layard và ông Loftus phát giác được cung điện của Assur-nasipal, Sanh-ma-na-sa (và Tiêm-bi đen do vua nầy xây cất), Tiếc-la-Phi-lê-se và Ê-sạt-ha-đôn.
Khorsabad, tiền đồn phía Bắc của Ni-ni-ve, được xây cất bởi Sa-gôn, là vua đã hủy diệt Y-sơ-ra-ên năm 721 T.C.; cung điện của vua nầy nguy nga hơn hết, chỉ kém cung điện của San-chê-ríp.
Gò nỗng "Giô-na." Ðây là gò nỗng lớn thứ nhì trong số di tích của thành Ni-ni-ve, tên là "Yunas." Theo thổ ngữ, "Yunas" là "Giô-na." Gò nỗng gồm 16 mẫu tây, và cao chừng 33 thước tây. Nó chứa mộ phần danh tiếng của Giô-na. Ðối với ông Rich, đó là một bằng cớ tỏ ra đây là di tích của thành Ni-ni-ve, và nó khiến ông nhận ra di tích nầy. Người bổn xứ coi mộ phần nầy là thánh đến nỗi không cho phép đào bới đại qui mô ở gò nỗng nầy. Layard đề nghị đào cái hầm rượu cho một người bổn xứ sắp xây cất nhà, với điều kiện là ông được giữ lại bất cứ cổ vật nào mình tìm thấy. Nhờ dó, ông phát giác được di tích cung điện của Ê-sạt-ha-đôn. Người ta hy vọng một ngày kia, có thể khám phá những bí mật của cung điện nầy.