Sự bội đạo hầu gần
Ðạo(1) truyền cho các thánh một lần đủ cả (câu 3)
Giu-đe. Có hai Giu-đe: Giu-đe, một trong 12 Sứ đồ (Lu-ca 6:16) và Giu-đe, em trai của Chúa (Ma-thi-ơ 13:55). Người ta thường kể ông thứ hai (em Chúa) là tác giả thơ tín nầy. Chúng ta tự hỏi tại sao khi xưng danh trong lời chào thăm, ông lại không nói rằng mình là bà con của Ðức Chúa Jêsus? Có lẽ chính Ðức Chúa Jêsus đã cấm các em trai Ngài lợi dụng mối liên quan phần xác của họ với Ngài.
Các cháu nội của Giu-đe. Ông Eusèbe thuật lại rằng năm 96, khi Hoàng đế Domitien bắt bớ tín đồ Ðấng Christ, hắn đã tìm kiếm những người thừa kế nước của Ða-vít và truyền lịnh bắt các cháu nội của Giu-đe, em Ðức Chúa Jêsus. Họ nói với Hoàng đế rằng mình là nông dân, sống nhờ bàn tay làm lụng khó nhọc, và "Nước Ðấng Christ không thuộc về thế gian nầy, song sẽ xuất hiện lúc tận thế, tức là lúc Ngài tái lâm trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết."
Nơi và niên hiệu viết thơ tín nầy. Vì tình trạng mô tả trong thơ nầy giống như tình trạng mô tả trong thơ II Phi-e-rơ, nên khiến ta tưởng rằng có lẽ thơ nầy gởi cho cùng những chi hội đã nhận thơ II Phi-e-rơ. Dựa vào II Phi-e-rơ 3:1, thì dường như những chi hội nầy cũng là những chi hội đã nhận thơ I Phi-e-rơ và ở miền Tiểu-Á-tế-á (I Phi-e-rơ 1:1). Thơ nầy có lẽ viết vào khoảng 67 S.C.. Nó chậm được thừa nhận là thành phần của Kinh điển Tân Ước, có lẽ vì lúc đầu nó không được lưu hành rộng rãi (xem "Kinh điển Tân Ước").
Cơ hội viết thơ nầy. Rõ ràng lắm, Giu-đe định viết một bức thơ dài hơn để giải luận tổng quát về Tin Lành cho nhóm chi hội nầy mà ông dường như đặc biệt muốn dự phần chăn dắt (câu 3). Ðang định vậy, thì hay tin có một tà giáo phát xuất và tàn phá Hội Thánh, nên ông phải vội vã gởi lời cảnh cáo nghiêm khắc nầy. Ông nói rất ngay thẳng về tánh cách của những kẻ dụ dỗ họ.
Các giáo sư giả (câu 4-9). Những hình dung từ khủng khiếp mà Giu-đe dùng không chỉ về thế gian, song chỉ về một số thủ lãnh ở trong Hội Thánh (câu 4): "Chẳng tin kính" (câu 4); "Ðổi ơn Ðức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác" (câu 4); "Chối Ðức Chúa Jêsus Christ" (câu 4); "Như thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, buông theo sự dâm dục và sắc lạ" (câu 7); "Khinh dể quyền phép rất cao" (câu 8); "Nói hỗn các đấng tôn trọng" (câu 8); "hễ điều gì không biết, thì khinh dể hết" (câu 10); "Cũng như con thú vật vô tri" (câu 10); "Theo đường của Ca-in" (câu 11), tức là giết người (Sáng-thế Ký 4:3-8); "Gieo mình vào sự sai lạc của Ba-la-am" (câu 11), là kẻ nói tiên tri thuê (Dân số ký đoạn 23, 24; 31:8, 16; Khải Huyền 2:14); "bị hư mất về sự phản nghịch của Cô-rê" (câu 11), là bọn chống lại Môi-se (Dân số ký, đoạn 16); "Dấu vít trong đám tiệc anh em" (câu 12); "Người chăn chiên chỉ tưởng nuôi mình cho no nê" (câu 12); "Ðám mây không nước" (câu 12); "Cây không có trái" (câu 12); "Sóng cuồng dưới biển, sôi bọt ô uế của mình" (câu 13); "Sao đi lạc" (câu 13); "Những kẻ hay lằm bằm" (câu 16); "Hay phàn nàn" (câu 16); "Làm theo sự ham muốn mình" (câu 16); "Miệng đầy những lời kiêu căng" (câu 16); "Vì lợi mà nịnh hót người ta" (câu 16); "Hay nhạo báng" (câu 18); "Gây nên phe đảng" (câu 19); "Thuộc về tánh xác thịt" (câu 19); "Không có Ðức Thánh Linh" (câu 19).
Những giáo sư nầy đã len lỏi vào (câu 4), nhưng Giu-đe nói rằng chúng sẽ hiện ra "trong các thời kỳ sau rốt" (câu 18). Dầu nó trước hết chỉ về một hạng người đặc biệt đương thời Giu-đe, nhưng có thể đó là đặc điểm tổng quát của toàn thể giáo sư giả, trải qua các thế kỷ, đã ở ngay trong Hội Thánh mà làm cho Hội Thánh bại hoại. Do đó, chúng làm cản trở công ơn cứu chuộc của Ðấng Christ. Những người thông thạo Sử ký Hội Thánh đều biết rõ Hội Thánh đã bị bọn người như vậy làm hại là dường nào!
Các thiên sứ sa ngã (câu 6). Trong Kinh Thánh chỉ có câu nầy và thơ II Phi-e-rơ 2:4 nói đến sự sa ngã của một số thiên sứ (Khải Huyền 12:9 dường như luận đến sự thất bại về sau của chúng). Có người tưởng rằng đây là ngụ ý nói đến sách Sáng-thế Ký 6:1-5, tại đó "các con trai của Ðức Chúa Trời" cưới "con gái loài người" làm vợ. Có lẽ lắm, nó chỉ về một biến cố lâu đời hơn, tức là lúc Sa-tan cầm đầu một số thiên sứ loạn nghịch cùng Ðức Chúa Trời.
Mi-chen tranh đấu với ma quỉ (câu 9). Sách Ða-ni-ên 10:13, 21 gọi Mi-chen là "một trong các quan trưởng đầu nhứt," còn sách Khải Huyền 12:7 gọi Mi-chen là tướng lãnh của các thiên sứ; nhưng chỉ có câu nầy gọi Mi-chen là "thiên sứ trưởng". Sự an táng Môi-se được chép ở Phục truyền luật lệ ký 34:5-7. Nhưng ở đó không có nói đến việc Mi-chen "chống với" Sa-tan để "giành xác Môi-se." Origène nói rằng lời Giu-đe nói đây liên quan đến một đoạn của ngụy kinh nhan đề: "Sự thăng thiên của Môi-se," đã viết vào khoảng Ðấng Christ giáng sanh; nhưng ngày nay chỉ có một phần ngụy kinh ấy còn lại, mà phần còn lại thì không có đoạn nầy. Theo Origène, biến cố ấy đại khái như sau đây: "Khi Môi-se qua đời, thì Mi-chen và các thiên sứ trực thuộc lập tức đến tiếp đón linh hồn ông và an táng thân thể ông. Lập tức Sa-tan tố cáo Môi-se là kẻ sát nhân, vì ông đã giết một người Ai-cập, và nó cãi rằng ông không đáng được an táng. Mi-chen giận lắm, nhưng tự cầm giữ mình, và để cho Ðức Chúa Trời quở trách Sa-tan." Có lẽ Giu-đe nhờ những điển cứ khác mà biết biến cố nầy. Josèphe nói rằng Ðức Chúa Trời giấu thi hài của Môi-se đi, kẻo dân chúng sẽ đặt lên làm thần tượng. Có lẽ Sa-tan muốn dùng thi hài ông cám dỗ dân Y-sơ-ra-ên vào vòng thờ lạy hình tượng. Giu-đe dùng biến cố nầy, thì dường như xác chứng tánh cách lịch sử của nó. Nó dùng làm gương răn chớ có "nói hỗn." Ngay đến thiên sứ trưởng Mi-chen, là vị thọ tạo cao quí nhứt, cũng không nói hỗn với quỉ Sa-tan, là vị thọ tạo hư hoại hơn hết.
Lời tiên tri của Hê-nóc (câu 14, 15). Cả Kinh Thánh chỉ có hai câu nầy nói đến lời tiên tri của Hê-nóc. Truyện tích ngắn ngủi của đời ông chép ở Sáng-thế Ký 6:18-24, song không có chép một lời nói nào của ông. Giu-đe trưng dẫn lời của ngụy kinh nhan đề: "Sách của Hê-nóc," trứ tác khoảng 100 năm T.C.. Ngoài sách nầy ra, có lẽ trong vòng dân Do-thái còn có những truyền thoại thông thường về lời giảng của Hê-nóc. Giu-đe có lẽ nhờ những điển cứ khác đáng tin cậy hơn mà biết chi tiết nầy. Rõ ràng lắm, ông kể đó là một lời thật do Hê-nóc nói ra. Như vậy, đang khi A-đam, tổ tông loài người còn sống, thì Hê-nóc (đồng thời với A-đam trong 300 năm) đã nói về sự tái lâm vị định (éventuel) của Chúa cùng với các thiên sứ của Ngài, để thi hành sự phán xét loài người không vâng phục Ngài. Giu-đe xác nhận một đoạn trong "sách của Hê-nóc," thì không có nghĩa là ông đã xác nhận cả sách ấy.