Giữa Cựu Ước Và Tân Ước 4



Các Tác Phẩm Khác

Ngoài các Ngụy kinh giải luận ở mấy trang trước, còn có những tác phẩm Do-thái khác, biên trứ trong thời gian giữa thế kỷ thứ 2 T.C., và thế kỷ thứ 1 S.C. . Phần lớn có tánh chất như sách Khải Huyền, trong đó tác giả "đội tên một vị anh hùng đã chết từ lâu mà viết lại lịch sử dưới hình thức lời tiên tri." Những sách nầy phần lớn gồm các sự hiện thấy giả định là của nhiều nhân vật thượng cổ trong Kinh Thánh, và một vài sự hiện thấy trong số đó đầy tưởng tượng quái dị, cuồng loạn hơn hết. Phần lớn những sách nầy luận về Ðấng Mê-si hầu đến. Nỗi thống khổ trong thời kỳ các Macchabées làm cho dân Do-thái càng nóng lòng trông đợi gần tới ngày Ðấng Mê-si ngự đến. Một phần dựa vào các truyền thoại vô bằng, một phần dựa vào trí tưởng tượng. Một vài tác phẩm có tiếng nhứt là

Các sách của Hê-nóc
Ðây là một loạt đoạn ngắn, do nhiều tác giả, mà ta không biết là ai, đã viết nhằm thế kỷ thứ 1 và thứ 2 T.C.. Gồm những sự khải thị mà người ta kể là Ðức Chúa Trời đã ban cho Hê-nóc và Nô-ê
Những sách nầy luận về Ðấng Mê-si hầu đến và Ngày Phán xét. Xem thêm ở dưới Giu-đe 14.

Môi-se lên trời
Do một người Pha-ri-si viết, vào khoảng Ðấng Christ giáng sanh. Chứa những lời tiên tri kể là của Môi-se viết ra lúc gần qua đời và giao cho Giô-suê.
Ê-sai lên trời  Thuật truyện hoang đường về Ê-sai tuận đạo, và một vài sự hiện thấy kể là của ông. Người ta tưởng sách nầy đã viết tại kinh thành La-mã, bởi một người Do-thái tin theo Ðấng Christ, đương thời hoàng đế Néron bắt bớ người Do-thái.

Sách các năm Hân hỉ
Ðây là bài bình luận sách Sáng thế ký. Có lẽ viết trong thời kỳ các Macchabées, hoặc sau đó ít lâu. Sách nầy đặt tên theo cách nó tính thời gian, căn cứ trên lệ định cứ 50 năm lại có 1 năm Hân hỉ.

Các Thi Thiên của Sa-lô-môn
Một loạt bài ca do một người Pha-ri-si vô danh trứ tác, luận về Ðấng Mê-si hầu đến. Có lẽ đã viết sau thời kỳ các Macchabées ít lâu.

Di chúc của 12 Tộc trưởng
Một tác phẩm của thế kỷ thứ 2 T.C., giả định là lúc gần qua đời, 12 con trai của Gia-cốp đã truyền huấn thị cho con cháu mình. Mỗi tộc trưởng ấy thuật lại tiểu sử đời mình và các bài học đã rút được.

Các Sấm ngôn của Sybilline
Viết đương thời các Macchabées, và về sau có thêm vào; bắt chước các sấm ngôn của người Hy-lạp và người La-mã. Luận về sự suy sụp của các đế quốc chuyên ức hiếp, và sự dấy lên của thời đại Ðấng Mê-si.

Bản Septante
Ðây là bản dịch Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ ra tiếng Hy-lạp. Phiên dịch tại thành phố Alexandrie, là nơi có nhiều người Do-thái nói tiếng Hy-lạp. Theo truyền thoại, thì nhơn lời yêu cầu của Ptolémée Philadelphe (285-247 T.C.), 70 người Do-thái, là những nhà ngữ âm tài giỏi, đã được đưa từ Giê-ru-sa-lem qua Ai-cập. Trước hết, họ dịch Ngũ kinh của Môi-se. Rồi sau các sách còn lại của Cựu Ước đã được thêm vào bản dịch. Bản dịch nầy gọi là "Septante" (70), vì cớ 70 dịch giả được kể là đã bắt đầu làm công việc ấy. Một vài truyền thoại về việc nầy không có gì chắc chắn. Nhưng người ta thường đồng ý rằng sự phiên dịch đã bắt đầu dưới đời trị vì của Ptolémée Philadelphe, và được hoàn thành trong vòng 100 năm sau. Ðương thời ấy, tiếng Hy-lạp là thế giới ngữ. Bản dịch nầy thông dụng đương thời Ðấng Christ. Tân Ước viết bằng tiếng Hy-lạp. Nhiều câu Tân Ước trưng dẫn đã rút ở bản Septante.

Bản Văn Của Cựu-Ước
Người ta tin rằng các sách Cựu Ước nguyên thủy viết trên những tấm da. Hết thảy viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, trừ ra một vài khúc sách E-xơ-ra và sách Ða-ni-ên viết bằng tiếng Araméen. Người ta đã sao lại bằng tay. Tiếng Hê-bơ-rơ có những chữ vuông, viết từ bên phải qua bên trái, có chấm hoặc dấu nối liền với nhau bằng nhiều cách mà biến thành mẫu tự (voyelles) (mãi đến thế kỷ thứ 6 S.C. mới có hệ thống mẫu tự). Dầu chép hết sức cẩn thận, vẫn dễ sanh ra nhiều cách viết khác nhau. Cho tới lúc dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày, các bản chánh thức vẫn được giữ trong Ðền thờ. Sau đó, đã sao nhiều bản cho các nhà hội, và chắc chắn có nhiều cách viết khác nhau. Dường như trong một vài trường hợp, người biên chép đã chú giải ở ngoài lề, rồi người biên chép sau điền luôn lời chú giải vào trong chính bản văn. Nhưng một vài nhà học giả kim thời đã quá ư phóng đại sự điền chung đó. Cuộc phát minh máy in đã cất bỏ hiểm họa do các sự sai lầm trong bản văn; ngày nay, sau nhiều năm làm việc khó nhọc và cố gắng so sánh những bản thảo khác nhau, các nhà học giả đã đạt tới kết quả, là bây giờ chúng ta có một bản văn Hê-bơ-rơ gọi là bản "Massorétique."

Tiếng Araméen
Ðây là tiếng thông dụng tại xứ Pa-lét-tin đương thời Ðức Chúa Jêsus. Ðó là tiếng Sy-ri đời cổ, rất giống tiếng Hê-bơ-rơ. Sau khi dân Y-sơ-ra-ên từ cảnh lưu đày ở Ba-by-lôn trở về, tiếng nầy đã lần lần thay thế tiếng Hê-bơ-rơ, và dùng làm ngôn ngữ thông dụng của dân chúng.
Các Targums
Ðây là những bản dịch các sách Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ ra tiếng Araméen. Vì tiếng Araméen thông dụng khắp nơi, nên khi đọc Kinh Thánh ở nơi công cộng, cần phải giải nghĩa các danh từ Hê-bơ-rơ. Sau đó, những bản dịch miệng, những lời chú giải và những lời giải thích đã được chép thành sách.
Talmud
Ðây là sách sưu tầm các truyền thoại của dân Do-thái và các lời giải thích Cựu Ước bằng miệng đã được viết ra nhằm thế kỷ thứ 2 S.C.; về sau có thêm phần bình luận các truyền thoại và lời giải thích đó.



Giữa Cựu Ước Và Tân Ước 5

"Nhà hội lớn"

Ðó là tên của Giáo-nghị-hội gồm 120 hội viên, và truyền rằng do Nê-hê-mi tổ chức chừng năm 410 S.C., dưới quyền chủ tọa của E-xơ-ra, cốt để khôi phục cuộc thờ phượng và đời sống tôn giáo của đoàn phu tù đã hồi hương. Theo truyền thoại, thì Giáo-hội-nghị nầy đã thực hiện phần lớn sự thâu thập, sắp đặt và khôi phục các sách thuộc Kinh điển Cựu Ước. Người ta cho rằng Giáo-nghị-hội nầy cứ tồn tại và cai trị những người Do-thái hồi hương cho tới khoảng năm 275 T.C., rồi nhường quyền cho tòa Công luận.

Tòa Công luận
Là cơ quan được thừa nhận cầm đầu dân Do-thái đương thời Ðấng Christ. Người ta cho rằng nó có từ thế kỷ thứ 3 T.C.. Nó gồm 70 nhân viên, phần nhiều là thầy tế lễ và quí nhân thuộc phe Sa-đu-sê, vài người thuộc phe Pha-ri-si, vài thầy thông giáo, một số trưởng lão (của chi phái hoặc của gia tộc). Tòa Công luận do thầy tế lễ thượng phẩm chủ tọa, và tiêu mất khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, năm 70 S.C..

Các nhà hội
Các nhà hội mọc lên đương thời dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày. Ðền thờ bị phá hủy, dân tộc bị tan lạc, nên cần phải có những nhà hội để dạy đạo và thờ phượng Ðức Chúa Trời bất cứ nơi nào có đoàn thể người Do-thái. Sau khi hồi hương, các nhà hội vẫn tồn tại vừa ở quê hương, vừa ở các trung tâm Do-thái nơi nước ngoài. Hết thảy thị trấn lớn có một hoặc nhiều nhà hội. Ðứng đầu nhà hội có một ủy ban trưởng lão, hoặc quan trưởng. Mỗi nhà hội có bản sao các sách Kinh Thánh, họ mở đọc thường xuyên và công khai. Các cuộc nhóm họp và nơi nhóm họp của tín đồ đầu tiên một phần rập theo mẫu các nhà hội.

Sự tan lạc
Ðó là tên chỉ những người Do-thái sống ngoài xứ Pa-lét-tin và cứ giữ các tập tục tôn giáo giữa vòng dân ngoại. Rất nhiều người Do-thái nhứt định cứ ở các nước mình đã làm phu tù. Trong thời gian giữa Cựu Ước và Tân Ước, thì người Do-thái ở ngoài xứ Pa-lét-tin sanh sản đông hơn người Do-thái ở trong xứ Pa-lét-tin bội phần. Có những khu vực Do-thái đông đúc ở mỗi xứ và mỗi đô thị lớn của thế giới văn minh, như Ba-by-lôn, A-si-ri, Sy-ri, Phê-ni-xi, Tiểu-Á-tế-á, Hy-lạp, Ai-cập, Bắc phi và La-mã. Ba khu vực quan trọng của sự Tan lạc là Ba-by-lôn, Sy-ri và Ai-cập. Ðương thời Ðấng Christ, người Do-thái ở Ai-cập tính phỏng có tới 1 triệu. Người Do-thái cũng ở rất đông đúc tại Ða-mách và An-ti-ốt. Mỗi chỗ họ đều có nhà hội và Kinh Thánh. Vậy, do hóa cơ của Ðức Chúa Trời, đang khi người Do-thái bị đem đi làm phu tù tại ngoại bang (vì Ngài hình phạt tội lỗi của họ), thì tình trạng lưu đày của họ đã trở thành ích lợi cho các dân tộc mà họ bị tan lạc tới đó. Họ có ảnh hưởng đến tư tưởng các dân tộc, và cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng các dân tộc ấy.

Phe Pha-ri-si
Người ta cho rằng phe Pha-ri-si phát sanh từ thế kỷ thứ 3 T.C., trước cuộc khởi nghĩa của đoàn thểMacchabées. Khi xứ Do-thái ở dưới quyền cai trị của Hy-lạp và người Hy-lạp cố gắng Hy-lạp hóa người Do-thái, thì giữa vòng người Do-thái có một khuynh hướng mạnh mẽ muốn tiếp nhận văn hóa Hy-lạp cùng những tập tục tôn giáo thờ hình tượng của họ. Sự dấy lên của phe Pha-ri-si là một phản ứng và phản kháng khuynh hướng nầy giữa vòng đồng bào Do-thái. Mục đích của họ là bảo tồn sự toàn vẹn quốc gia và sự tuyệt đối tuân theo luật pháp Môi-se. Vậy, phe Pha-ri-si phát sanh từ lòng ái quốc nồng nhiệt và mộ đạo, nhưng sau đã biến thành một phe chú trọng nghi thức, cậy công bình riêng và giả hình. Xem thêm ở dưới, Ma-thi-ơ đoạn 23.

Phe Sa-đu-sê
Người ta cho rằng phe Sa-đu-sê phát sanh độ cùng một lúc với với phe Pha-ri-si. Bị những nhận xét trần tục hướng dẫn, họ thuận theo tập tục Hy-lạp, và đứng chung cương vị với các người theo văn hóa Hy-lạp. Họ không dự phần cuộc khởi nghĩa của phái Macchabées để giành tự do cho dân tộc. Họ thuộc về đoàn thầy tế lễ, và dầu là phẩm chức tôn giáo của quốc gia, nhưng họ thẳng thắn và công nhiên vô tôn giáo. Họ không đông lắm, nhưng giàu và có thế lực. Dầu duy lý và có tinh thần thế gian, nhưng họ lại kiểm soát tòa Công luận rất chặt chẽ.

Các thầy thông giáo(1)
Các thầy thông giáo là người chép Kinh Thánh. Ðây là một chức nghiệp có từ thời rất xưa, và rất quan trọng đương lúc chưa có máy in. Người ta cho rằng họ bắt đầu xuất hiện đương lúc dân bị lưu đày và hợp thành một đoàn thể có tổ chức chánh thức. Công việc của họ là kê cứu, giải thích và biên chép Kinh Thánh. Vì họ hiểu biết luật pháp tỉ mỉ, nên cũng được gọi là thầy dạy luật (luật sư), và được thừa nhận là người có thẩm quyền. Các quyết định của thầy thông giáo trở thành luật pháp truyền bằng miệng, tức là "lời truyền khẩu" (cựu tập). Ðương thời cácMacchabées, họ đông lắm và rất có thế lực trong vòng dân chúng.

Cuộc dự bị cho Ðấng Christ
Cựu Ước là truyện tích về cách Ðức Chúa Trời đối xử với dân tộc Hê-bơ-rơ vì mục đích dùng họ đem vào thế giới một Ðấng Mê-si cho Muôn Dân. Cựu Ước ví như một bài chúc tụng Ðấng Mê-si hầu đến. Bắt đầu bằng các nhạc điệu thấp, lẻ tẻ và không rõ ràng, nó theo thời gian mà lần lần lên cao, thành các nhạc điệu rõ ràng, mạnh mẽ, dồi dào, hân hoan của Ðấng Mê-si gần ngự đến. Ðồng thời, tùy theo hóa cơ của Ngài, Ðức Chúa Trời cũng sắm sẵn các dân tộc. Hy-lạp hợp nhứt các nền văn minh Á, Âu, Phi, và đã đặt ra một thứ tiếng phổ thông khắp thế giới. La-mã gồm cả thế giới thành một đế quốc, và đắp đường lớn đi tới mọi địa hạt của đế quốc ấy. Dân Do-thái bị tản lạc giữa các nước, đem theo nhà hội, Kinh Thánh, tôn giáo, chủ nghĩa độc thần, đã làm cho bốn phương hiểu biết họ đang trông đợi một Ðấng Mê-si. Như vậy, Ðức Chúa Trời dọn đường cho cuộc rao truyền Tin Lành giữa các nước.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.