Hậu Quả Của Tội Lỗi

Hậu Quả Của Tội Lỗi

Kinh Thánh:      Sáng 4:6.
Câu gốc:        "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Ðức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Ðức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta" Rô-ma 6:23.
Mục đích:      Cho chúng ta biết rằng tội lỗi đưa đến sự chết nhưng Ðức Chúa Trời đã sắm sẵn một phương pháp cứu rỗi cho chúng ta.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chủ Nhật:
Tội lỗi của loài người.
 Sáng 6:1-7
Thứ Hai:
Ân điển của Ðức Chúa Trời.
 Sáng 6:8; 7:1; Rô-ma 5:20
Thứ Ba:
Lời cảnh cáo.
 Lu-ca 17:22-37
Thứ Tư:
Loài người cần một của lễ sống.
 Hê-bơ-rơ 9:16-28
Thứ Năm:
Ðấng Christ đổ huyết làm của lễ chuộc tội.
 Hê-bơ-rơ 10:11-18
Thứ Sáu:
Sự bất nghĩa của loài người.
 Rô-ma 3:9-20
Thứ Bảy:
Sự công nghĩa của Ðức Chúa Trời.
 Rô-ma 4:3-7; 5:15-21

            Hậu quả của tội lỗi là tai hại xảy ra sau khi loài người phạm tội. Hậu quả của tội lỗi thật lớn lao, lâu dài và khủng khiếp quá sức tưởng tượng của con người. Chúng ta phải run sợ khi nghĩ đến hậu quả của tội lỗi.
            Nếu mọi người trên thế gian đều có đủ cơm ăn, áo mặt, nhà ở, học có trường, đau có thuốc, thì ai nấy sẽ sống ngay lành chăng? Không đâu! Hãy xem A-đam và Ê-va trong cảnh vườn Ê-đen. Họ có thiếu chi không? song họ ham muốn những điều Chúa cấm, tưởng được nhiều hơn. Kết quả họ không được nhiều hơn mà bị mất hết, tức là bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen và phải chịu đau đớn, nhọc nhằn cho đến chết. Sau khi phạm tội A-đam và Ê-va biết phân biệt điều thiện và điều ác, song họ không thể làm điều thiện, tránh điều ác. Loài người là dòng dõi của ông bà cũng vậy.

I. Loài người sống theo ý riêng.
            Khi A-đam và Ê-va đã theo ý riêng mà ăn trái cấm, con của ông bà là Ca-in cũng hành động như vậy. Chúa đã dạy ông bà, rồi ông bà dạy lại hai con, song chỉ có một người vâng lời.
            Khi phải dâng lễ lên Chúa, A-bên dâng chiên đầu lòng và mỡ nó, song Ca-in dâng thổ sản. Nào có lạ gì khi Ðức Chúa Trời đoái xem A-bên và nhậm lễ của ông mà không đoái xem Ca-in và từ chối tế lễ của ông này. Vì một bên vâng lời, còn một bên không. Vâng lời là tin Ðấng Cứu Thế, không vâng lời là vì không tin Ðấng Cứu Thế. "Bởi đức tin của A-bên đã dâng cho Ðức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in và được xưng công bình, vì Ðức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhận lễ vật ấy" (Hê-bơ-rơ 11:4). Tại sao Chúa nhậm tế lễ của A-bên? "Vì mạng sống của xác thịt ở trong huyết, ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh hồn mình vì nhờ sanh mạng mà huyết mới chuộc tội được" (Lê 17:11).
            Toàn thể nhân loại hôm nay cũng được chia làm hai hạng, đi hai con đường và đi đến hai kết quả như Ca-in và A-bên. Tội lỗi đã làm cho con người tự thị, tự mãn, tự kiêu, tự phụ, lấy chính mình làm trung tâm mà không chịu phục tùng ai cả.
            Pha-ra-ôn của Ai-cập đã nói "Giê-hô-va là ai mà trẩm phải vâng lời người?... Trẩm chẳng biết Giê-hô-va nào hết" (Xuất 5:2). Kẻ gian ác nói với Ðức Chúa Trời "Ngài hãy lìa xa chúng tôi vì chúng tôi không muốn biết đạo của Ngài. Ðấng toàn năng là chi mà chúng tôi phải phục sự Ngài? Nếu chúng ta cầu khẩn thì được ích gì?" (Gióp 21:14-15). Ðã vậy, Ca-in vẫn là ngoan cố, không chịu ăn năn lòng vô tín của mình mà còn giận lắm và gầm nét mặt. Tội lỗi của Ca-in đang làm cho Chúa giận ông, song ông lại giận Chúa. Dầu vậy, Ngài dịu dàng phán hỏi Ca-in "Cớ sao ngươi giận và nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành há chẳng ngước mắt lên sao? Còn như ngươi chẳng làm lành, thì tội lỗi nằm đợi trước cửa, thèm ngươi lắm, nhưng ngươi phải quản trị nó" (Sáng 4:6-7).
            Chúa muốn nói với Ca-in rằng có gì mà phải giận. Nếu ông có thiện chí được Ngài đẹp lòng nhận lấy, thì nên dâng lên Ngài một tế lễ khác bằng chiên con, nếu trái lại ông không ăn năn việc sai lầm của mình thì đây là lời cảnh cáo: Tội lỗi như một ác thú chực sẵn một bên để tấn công ông bất cứ lúc nào thuận tiện, nên ông phải chiến thắng nó. Than ôi! Ca-in chẳng hề đáp lại tiếng gọi nhân từ của Chúa, mà cứ giữ một thái độ im lìm đáng sợ của một người đang giận lắm và gằm nét mặt. Lòng của Ca-in lúc nầy như một hỏa diệm sơn sắp phun lửa. Ðó là hiệu quả của tội lỗi!
            Nhân loại đã và đang đi con đường của Ca-in, là không tin cậy, không vâng lời Chúa mà còn thù người, hận Trời, "Dọc ngang nào biết trên trời có ai".

II. Loài người trở thành gian ác.
            Ca-in thật gian ác, lòng căm giận, mặt gằm xuống, nhưng cố giấu A-bên và trò chuyện như không có gì cả. Rồi thình lình, Ca-in xông vào em mình và giết đi. Hành động của Ca-in là để hả giận với A-bên và đồng thời trả thù Ðức Chúa Trời.
            Tại sao Ca-in giết A-bên ? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình (IGiăng 3:12). Ghen ghét, tức giận đưa đến giết người là tức nhiên (IGiăng 3:15). Xưa nay, kẻ gian ác giết người công bình là sự thường. Tội lỗi đã ăn sâu vào đời sống con người và phát triển hết sức mau lẹ. Một khi con người đã thù nghịch cùng Chúa thì đồng thời cũng thù nghịch với nhau.
            Ca-in sanh Hê-nóc, Hê-nóc sanh Y-rát, Y-rát sanh Mê-hu-đa-ên, Mê-hu-đa-ên sanh Mê-tu-sa-ên, Mê-tu-sa-ên sanh Lê-méc. Ca-in giết người, sanh con cũng là kẻ giết người. Lê-méc là cháu 5 đời của Ca-in biết rèn đủ khí giới bằng đồng, bằng sắt. Bài ca của Lê-méc là bài ca giết người khoe khoang lòng gian ác và chí căm thù của mình với hai vợ (Sáng 4:23-24). Vì vậy, không lạ gì hôm nay con người cũng khoe khoang khí giới giết người và khả năng giết người của mình. Nhân loại đã vô tình tôn thờ Ca-in và dòng dõi của ông ấy. Ðó là hậu quả của tội lỗi.

III. Chương trình cứu chuộc của Ðức Chúa Trời.
        Dầu A-bên đã bị giết, Ðức Chúa Trời vẫn dự bị một dòng dõi kính sợ Ngài do Sết mà ra, từ đây người ta bắt đầu cầu khẩn danh Ðức Giê-hô-va" (Sáng 4:26). Sết sanh ra Ê-nót, Ê-nót sanh Kê-nan, Kê-nan sanh Ma-ha-la-le, Ma-ha-la-le sanh Giê-rết, Giê-rết sanh Hê-nóc, Hê-nóc sanh Mê-tu-sê-la, Mê-tu-sê-la sanh Lê-méc, Lê-méc sanh Nô-ê. Hai dòng dõi đó tên trùng nhau. "Hê-nóc cùng đi với Ðức Chúa Trời rồi mất biệt, bởi vì Ðức Chúa Trời tiếp người đi... Nô-ê trong đời mình là người công bình và trọn vẹn đồng đi cùng Ðức Chúa Trời " (Sáng 5:24; 6:9). Từ dòng dõi nầy Ðấng Cứu Thế ra đời như chiên con của Ðức Chúa Trời đổ cất tội lỗi thế gian đi. Suốt dòng lịch sử nhân loại, Ðức Chúa Trời hoạt động không ngừng để đưa Ðấng Cứu Thế vào đời. Công tác trọng đại nhất của Ðức Chúa Trời không phải là dựng nên vũ trụ mà là cứu tội nhân khỏi tội lỗi, khỏi trầm luân.
            Mỗi chúng ta phải biết sự thực này, chúng ta là dòng dõi của A-đam và Ê-va, ai nấy cũng đều phạm tội y như ông bà ấy và mang lấy hậu quả là sự chết (Rô-ma 5:12; 6:23). Khi ông bà đưa tay hái trái cấm mà ăn thì chúng ta cũng đã làm y như ông bà vậy vì lúc đó chúng ta đang ở trong dòng máu của ông bà. Toàn thể nhân loại, nam giới là A-đam con, nữ giới là Ê-va con. Bản chất của A-đam và Ê-va cũng là bản chất của chúng ta. Từ ông bà sanh ra hai dòng dõi dữ và lành, thuộc về Ca-in và thuộc về A-bên hay Sết. Lành không có nghĩa là hoàn toàn thánh thiện mà chỉ nhận biết tội mình, cầu khẩn Ðức Chúa Trời, tin lấy cứu Chúa đã chết đền tội cho mình như chiên con của A-bên, đồng đi cùng Ðức Chúa Trời như Hê-nóc và Nô-ê.
            Các bạn thuộc dòng dõi nào? Các bạn có nhờ ân điển của Ðức Chúa Trời, tin Chúa Giê-xu mà được tha tội, được xưng công bình, được tái sanh làm con trai, con gái của Ngài chưa? Lòng của các bạn có bình yên, thanh thản như lòng của A-bên dầu phải chết? Hay lòng các bạn đang căm giận, mặt các bạn đang gầm xuống, chực giết người như Ca-in? Hay giống như dòng dõi của Sết? Các bạn hãy quyết định ngay bây giờ cho đời mình, cho dòng dõi mình cho số phận tương lai vô tận của mình. Tôi nhân Danh Chúa tha thiết khuyên nài các bạn hãy hết lòng ăn năn, dâng lên Chúa một tế lễ như A-bên, tức là tin nhận cứu Chúa chịu chết về mình như chiên con chịu giết, để nhờ đó bạn được cứu rỗi. Bằng không tôi cũng nhân Danh Chúa cảnh cáo các bạn qua lời Chúa "Còn như ngươi chẳng làm lành thì tội lỗi rình đợi ngươi trước cửa, thèm ngươi lắm, nhưng người phải quản trị nó" (Sáng 4:7). Tội lỗi như một ác thú ham mồi, như sư tử rống rình mò xung quanh, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó (IPhi 5:8).

Câu hỏi
1. Tại sao Ca-in dâng một tế lễ khác hơn tế lễ của A-bên?
2. Tại sao Chúa đoái xem và nhận tế lễ của A-bên mà từ chối của Ca-in?
3. Ca-in có thái độ nào khi ông không được Chúa đoái xem và nhận tế lễ của mình?
4. Ca-in có thái độ nào khi Chúa nhân từ kêu gọi ông ăn năn?
5. Vì không ăn năn Ca-in đã phạm thêm tội gì?
6. Dòng dõi của Ca-in ra sao? Họ khoe khoang về điều gì?
7. Chúa dự bị cho nhân loại dòng dõi của ai?
8. Do dòng dõi của Sết, có ai ra đời để cứu nhân loại?
9. Công tác trọng đại nhất của Ðức Chúa Trời trải qua các đời là gì?

10. Chúng ta thuộc dòng dõi của ai?


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.