HỘI THÁNH BỊ CẢNH CÁO

HỘI THÁNH BỊ CẢNH CÁO
Kinh Thánh: Khải-huyền 2:18; 3:22
Câu gốc: “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với ta” (Khải-huyền 3:20).
Mục đích: Khuyến khích chúng ta theo Chúa một cách trung tín, sẵn sàng, chấp nhận lời quở trách, cảnh cáo và ngay cả sự sửa phạt của Chúa nữa. Bởi vì những điều đó là dấu hiệu Đức Chúa Trời thương yêu chúng ta.
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
HỘI THÁNH THỜ HÌNH TƯỢNG
(Khải-huyền 2:18-19)
Thứ Hai:
HỘI THÁNH CHẾT
(Khải-huyền 3:1-6)
Thứ Ba:
HỘI THÁNH
TRUNG TÍN
(Khải-huyền 3:7-13)


Thứ Tư:
HỘI THÁNH
HÂM HẨM
(Khải-huyền 3:14-22)


Thứ Năm:
HÌNH ẢNH CỦA ĐẤNG CHRIST
(Khải-huyền 1:10-18)
Thứ Sáu:
ĐẶC TÍNH CỦA ĐẤNG CHRIST
(Khải-huyền 2:1, 8, 12, 18; 3:1, 7, 14)
Thứ Bảy:
SỰ CAO QUÝ CỦA ĐẤNG CHRIST
(Khải-huyền 5)

I. THI-A-TI-RƠ, HỘI THÁNH THỜ HÌNH TƯỢNG (Khải-huyền 2:18-29)
Chúa thấy Hội Thánh Thi-a-ti-rơ tốt hơn Hội Thánh Ê-phê-sô là họ có tình thương mà Hội Thánh Ê-phê-sô đã mất. Họ cũng có đức tin, phục vụ, nhẫn nại. Công việc cuối cùng của họ còn nhiều hơn công việc ban đầu nữa. Song Hội Thánh Ê-phê-sô không dung túng kẻ ác, mà phân biệt chân giả, ghét đảng Ni-cô-la, còn Hội Thánh Thi-a-ti-rơ lại chấp nhận đảng Giê-sa-bên.
Hội Thánh Thi-a-ti-rơ như một khu vườn, một đám ruộng tốt mà kẻ thù đã gieo cỏ lùng vào. Hội Thánh Thi-a-ti-rơ như một thân hình mạnh mẽ mà trong đó bệnh ung thư đang phát sinh. Chúa mượn Giê-sa-bên cũng như Ba-la-am để mô tả tội lỗi của Hội Thánh Thi-a-ti-rơ và Ê-phê-sô. Giê-sa-bên là một đàn bà ngoại đạo thuộc dân Si-đôn, được vua A-háp của dân Y-sơ-ra-ên cưới làm hoàng hậu. Bà đã đem thần Ba-anh và Át-tạt-tê theo mình, và được A-háp lập các cuộc thờ phượng đó trong xứ Y-sơ-ra-ên (ICác-vua 16:29-33). Cũng vậy, Hội Thánh Thi-a-ti-rơ dung túng một đàn bà xưng mình là tiên tri, có hành động như Giê-sa-bên là cám dỗ nhiều người phạm tội dâm loạn và ăn của cúng thần tượng. Hội Thánh Ê-phê-sô thiếu tình thương, còn Hội Thánh Thi-a-ti-rơ thiếu sự thánh khiết. Đó là một sự thiếu thốn lớn. “Vì ý muốn của Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế… Bởi chung Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy” (ITê-sa-lô-ni-ca 4:3-7).
1. CHÚA CẢNH CÁO ĐẢNG GIÊ-SA-BÊN (21-23): Chúa nhân từ cho họ có thì giờ để ăn năn mà họ không ăn năn. Loài người dễ bị cám dỗ mà phạm tội, song rất khó để ăn năn. Bởi cớ không ăn năn nên Chúa sẽ quẳng họ trên giường đau đớn, vào tai nạn lớn cho đến chết. Trước Đấng có con mắt như ngọn lửa, thấy hết mọi sự, và dưới cơn thạnh nộ của Đấng có chân như đồng sáng dễ nghiền nát thì thật là điều đáng kinh khiếp. Chúa không muốn ai chết mất, mà muôán mọi người được cứu, song ai nấy phải ăn năn.
2. CHÚA KHUYÊN LƠN NHỮNG NGƯỜI CÒN LẠI (24-25): Không phải hết thảy Hội Thánh Thi-a-ti-rơ đều bị Sa-tan đầu độc qua giáo lý của Giê-sa-bên. Trái lại, một số đã đứng vững mà từ khước mọi cám dỗ. Đối với những người đó, Chúa khuyên họ bền giữ mọi điều mình có cho đến chừng Ngài đến. Hội Thánh ngày nay cũng phải coi chừng kẻo bị đầu độc bởi giáo lý của Giê-sa-bên (Gia-cơ 4:4).
II. SẠT-ĐE, HỘI THÁNH CHẾT (Khải-huyền 3:1-6)
Chúa không có lời nào khen Hội Thánh Sạt-đe, vì Ngài thấy công việc của họ không trọn vẹn chi cả. Họ có tiếng là sống mà kỳ thật đang chết mòn. Tại đây không có đảng Ba-la-am hoặc Ni-cô-la hay Giê-sa-bên. Dường như Sa-tan không cần phí công hoạt động, nó cứ để vậy rồi lần hồi thì Hội Thánh sẽ chết. Phải chăng đang có nhiều Hội Thánh giống như Sạt-đe?
Trong Hội Thánh Sạt-đe, một số người chưa có sự sống của Chúa, một số khác có sự sống nhưng yếu đuối, nghèo nàn chứ không được mạnh mẽ, phong phú. Một số ít chưa làm ô uế áo xống mình, ám chỉ những kẻ kia đã làm ô uế áo xống của họ. Như vậy, tội lỗi đã làm tiêu hao sinh lực của Hội Thánh. Ngày nay, một số Hội Thánh muốn làm cho nổi tiếng mình là sống, song kỳ thật đang chết mòn. Càng cố gắng một cách miễn cưỡng bằng sức riêng, bằng sự sống của xác thịt thì càng uể oải, chán chường, cuối cùng phải gục ngã, nằm dài. Một tội lỗi kín đáo nào còn ở trong Hội Thánh, nó chỉ có một tên đơn sơ là ô uế song rất nguy hiểm. Vì đã bị ô uế thì không còn đứng nỗi trước mặt Ngài như đạo binh của Giô-suê đã bị A-can làm cho ô uế. Chúa chỉ cho Hội Thánh Sạt-đe phương cách giải độc:
1. HÃY THỨC TỈNH VÀ LÀM CHO VỮNG SỰ CÒN LẠI, LÀ SỰ HẦU CHẾT (câu 2): Trong hy vọng cuối cùng, Chúa kêu gọi họ nhen lại ân tứ của Ngài (IITi-mô-thê 1:6). Một chút lửa làm cháy cả rừng.
2. HÃY NHỚ LẠI ĐIỀU MÌNH ĐÃ NHẬN VÀ NGHE THÌ GIỮ LẤY VÀ ĂN NĂN ĐI (câu 3): Mỗi khi nhớ lại những gì đã qua làm cho chúng ta được khích lệ về ơn phước Chúa ban để giữ lấy, vừa đau đớn về những lỗi lầm để ăn năn. Nếu không ăn năn Chúa sẽ đến một cách thình lình như kẻ trộm mà chúng ta không ăn năn kịp. Chúa muốn chúng ta ăn năn ngay, không phải chờ đợi một ngày, một giờ nào khác.
Phước cho người gìn giữ áo xống mình được trắng để cùng đi với Chúa bất cứ lúc nào Ngài đến. Màu trắng chỉ về sự thánh khiết là màu đặc biệt của sách Khải-huyền (2:17; 6:2; 7:9, 14; 19:11, 14; 20:11).
III. PHI-LA-ĐEN-PHI, HỘI THÁNH TRUNG TÍN (Khải-huyền 3:7-13)
Chúa không có lời khen cho Hội Thánh Sạt-đe, song không có lời trách cho Hội Thánh Phi-la-đen-phi. Dầu họ có ít năng lực, nhưng cứ giữ lời Chúa, không chối danh Ngài, tức là muốn cứ được hầu việc Ngài.
1. CHÚA MỞ TRƯỚC MẶT HỌ MỘT CÁI CỬA (câu 7, 8, 9): Cái cửa chỉ về cơ hội. Khi đứng trước một sự khố khăn, chúng ta tưởng như các cửa đều đóng hết và mình hoàn toàn thất vọng. Đó là trường hợp của Hội Thánh Phi-la-đen-phi. Vì thế, Chúa cho họ biết Ngài đã mở một cái cửa trước mặt họ, có lẽ là một cái cửa hẹp mà họ không thấy vì không để ý.
Người khôn thấy cơ hội trong sự khó khăn, kẻ dại thấy sự khó khăn trong cơ hội. Chúng ta hãy bình tĩnh nghe rõ tiếng Chúa, thấy rõ một cái cửa Chúa đang mở trước mặt mình. Tuy nhiên, bên cạnh cái cửa đó luôn luôn có sự chống đối của Sa-tan (ICô-rinh-tô 16:9). Không ai khác hơn là những kẻ giả hình trong Hội Thánh. Song Chúa có chìa khóa của Đa-vít là chìa khóa toàn quyền đóng và mở, và chìa khóa của sự chết và âm phủ nữa. Vậy, hãy xin Chúa mở cửa giảng đạo khắp nơi (Cô-lô-se 4:3-4).
2. CHÚA ĐẾN MAU CHÓNG (câu 10, 11): Đành rằng có sự thử thách, nhưng không hại gì cho kẻ trung tín với Chúa. Hơn nữa, Ngài sẽ đến mau chóng để ban thưởng.
IV. LAO-ĐI-XÊ, HỘI THÁNH HÂM HẨM (Khải-huyền 3:14-22)
Mở đầu, Chúa trách ngay tội hâm hẩm của họ mà Ngài không chịu nỗi, muốn nhả họ ra. Họ có mắt song đui mù, không thấy được thực trạng của mình là khổ sở, khốn khổ, nghèo ngặt, lõa lồ mà cứ tưởng mình là giàu có đến nỗi không cần gì nữa, Chúa ước ao họ nóng nảy hay lạnh chứ đừng hâm hẩm. Hâm hẩm là Hội Thánh lưng chừng, cầu an, thế nào cũng xong thôi, không tiến cũng không thoái, không chống đối cũng không ủng hộ, không chối Chúa, cũng không hầu việc Ngài, đặng không mừng, mất không lo… Người yếu đuối muốn mạnh mẽ, người thối lui muốn tiến bộ, người sa ngã muốn đứng dậy, người nguội lạnh muốn nóng nảy. Song người hâm hẩm không muốn gì cả, cho mình là đủ rồi.
Lịch sử chép rằng Hội Thánh Lao-đi-xê nằm trên một con sông bắt nguồn từ một suối nước nóng. Nước từ suối đó chảy ra rất nóng, song lần hồi pha với nước lạnh nên trở thành hâm hẩm. Hội Thánh Lao-đi-xê bị thế gian xâm nhập và chi phối (Ma-thi-ơ 24:12). Chúa rất gớm Hội Thánh như thế.
1. CHÚA KHUYÊN (câu 18): Dầu Ngài có quyền truyền lệnh song chỉ khuyên. Tất cả mọi nhu cầu của chúng ta được Chúa đáp ứng đầy đủ. Ân điển của Chúa được ban cho vô điều kiện (Ê-sai 55:1).
2. CHÚA GỌI (câu 19): Chúa cảnh cáo sẽ nhả họ ra, song Ngài yêu thương muốn họ sốt sắng và ăn năn để được Ngài tha thứ.
3. CHÚA CHỜ ĐỢI (câu 20): Để được cứu khỏi tình trạng hâm hẩm, mỗi người phải mở cửa nhà, cửa lòng mời Chúa ngự vào. Ai có Chúa thì không thể nào hâm hẩm mà phải nóng nảy như lửa cháy, không nước nào tưới cho tắt được (Lu-ca 24:32; Nhã-ca 8:6,7).
Dầu mỗi Hội Thánh đều có những lỗi lầm khác nhau mà Chúa quở trách, song Hội Thánh nào cũng được lời hứa rất quý, rất lớn, dành cho những kẻ thắng. Đắc thắng là ăn năn và làm những gì Ngài khuyên bảo.
CÂU HỎI
1.      Một người không thờ hình tượng song tham lam thì thế nào?
2.      Dung túng tội lỗi, Hội Thánh sẽ bị hại gì?
3.      Thực trạng của Hội Thánh Sạt-đe là gì? Xin giải thích.
4.      Phương thuốc giải độc cho Hội Thánh Sạt-đe là gì?
5.      Chúa đã mở một cái cửa trước mặt Hội Thánh Phi-la-đen-phi có nghĩa gì?
6.      Hai Hội Thánh nào không có lời trách và hai Hội Thánh nào không có lời khen?
7.      Tại sao Chúa không chịu được Hội Thánh hâm hẩm?
8.      Tại sao Hội Thánh Lao-đi-xê đã trở nên hâm hẩm?
9.      Chúa khuyên Hội Thánh Lao-đi-xê thế nào?
10. Làm sao giải quyết vấn đề hâm hẩm để trở nên nóng cháy?
11. Hội Thánh của bạn giống như Hội Thánh nào trong các Hội Thánh này?

  1. Bạn nhất định làm gì sau khi học xong bài học này? 

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.