HỘI THÁNH ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH

HỘI THÁNH ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH
Kinh Thánh: Khải-huyền 2:1-17
Câu gốc: “Vả chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28).
Mục đích: Cho chúng ta biết rằng trung tín cùng Chúa là cách độc đáo nhất bảo vệ chúng ta đứng vững trước sự bắt bớ thù nghịch của thế gian, cũng cho chúng ta thấy rằng Chúa sẽ đem chiến thắng cho người tin cậy Ngài.
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
(Khải-huyền 1:1-7)
Thứ Hai:
ĐẤNG CHRIST HẰNG SỐNG
(Khải-huyền 1:8-11)
Thứ Ba:
ĐẤNG CHRIST ĐƯỢC TÔN VINH
(Khải-huyền 1:12-18)
Thứ Tư:
SỰ KHẢI THỊ ĐƯỢC VIẾT RA
(Khải-huyền 1:19-20)
Thứ Năm:
SỰ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THÁNH
(Khải-huyền 2:8-11)
Thứ Sáu:
HỘI THÁNH BỊ BẮT BỚ
(Khải-huyền 2:8-11)
Thứ Bảy:
HỘI THÁNH THEO TÀ THUYẾT
(Khải-huyền 2:12-17)

Chúng ta biết rằng Chúa cho phép Hội Thánh Ngài bị bắt bớ, bị thử thách, không phải để chúng ta mất đức tin, mà ngược lại để chúng ta tin cậy và yêu mến Ngài hơn, hầu chúng ta được vững vàng và đắc thắng.
Trong Khải-huyền 1:12-20, sứ đồ Giăng mô tả một cách bóng bẩy hình dung, oai nghi, vinh hiển của Chúa Jêsus, đến nỗi ông phải ngã xỉu dưới chân Ngài. Hãy nghe tiếng Ngài phán với ông: “Đừng sợ chi, Ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống.  Ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ”. Đó là Đấng đã gởi thư cho các Hội Thánh Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ và Bẹt-găm…
I. Ê-PHÊ-SÔ, HỘI THÁNH HOẠT ĐỘNG (Khải-huyền 2:1-7)
Chúa cầm 7 ngôi sao là 7 sứ giả của Hội Thánh trong tay hữu quyền năng của Ngài. Chúa đi giữa 7 chân đèn vàng là 7 Hội Thánh. Vì vậy, Ngài thấy hết, biết hết công việc của mỗi người. Chúa khen họ:
1. Hội Thánh Ê-phê-sô đã làm việc Chúa cách khó nhọc và nhịn nhục (nhẫn nại) không mệt nhọc chút nào (câu 2, 3). Vì Danh Chúa họ sẵn sàng chấp nhận mọi sự đó.
2. Hội Thánh Ê-phê-sô giữ gìn giáo lý của Chúa (câu 2b, 6). Họ có tri thức thuộc linh rất cao, phân biệt được sứ đồ thật và sứ đồ giả nên không bị ai lừa dối. Họ cũng ngay thẳng và không dung túng kẻ ác. Họ ghét đảng Ni-cô-la như Chúa ghét, không ghét con người của đảng đó mà ghét việc làm của đảng. Chúa đã từng cho biết các tiên tri giả như muông sói mang lốt chiên. Chúng ta nhờ những trái nó mà nhận biết được (Ma-thi-ơ 7:15-20).
Song Hội Thánh Ê-phê-sô có một điều bị Chúa trách là họ đã bỏ tình thương ban đầu (câu 4, 5). Dầu họ chịu khó nhọc và nhẫn nại đến đâu để làm việc Chúa, dầu họ trung thành giữ các giáo lý của Chúa một cách không chỗ trách được, thì cũng không thể bù vào chỗ thiếu thốn lớn hơn hết là tình thương. Nếu làm việc mà không vì tình thương thì sớm hoặc muộn sẽ cay đắng, chán nản. Nếu làm việc mà không vì tình thương thì dầu có phân phát cả gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, bỏ thân mình để chịu đốt cũng chẳng ích chi (ICô-rinh-tô 13:3). Song nếu làm việc nhọc nhằn lâu dài mà vì tình thương cũng xem như nhẹ nhàng, ngắn ngủi. Vì Ra-chên, Gia-cốp phải làm việc cho La-ban 7 năm, nhưng vì yêu nàng nên ông coi 7 năm bằng chừng đôi ba bữa (Sáng-thế Ký 29:20). Nếu chúng ta yêu Chúa và yêu nhau thì hầu việc Chúa đến trọn đời mà vẫn còn ngắn ngủi quá. Tình thương là dấu hiệu thứ nhất của một Hội Thánh sống.
Vậy nên, Chúa kêu gọi ăn năn. Ăn năn là thành thật nhận mình có tội mà không từ chối, chẳng đòi hỏi một điều gì. Không ăn năn sẽ bị phạt, ăn năn sẽ được thưởng (câu 7).
II. SI-MIỆC-NƠ, HỘI THÁNH BỊ BẮT BỚ (Khải-huyền 2:8-11)
Nếu tình thương là dấu hiệu thứ nhất của Hội Thánh sống, thì đau khổ là dấu hiệu thứ nhì. Dấu hiệu này là kết quả của dấu hiệu kia. Sẵn sàng chịu khổ là chứng minh của tình thương chân thật. Hội Thánh Si-miệc-nơ yêu Chúa nên sẵn sàng chịu khổ vì Danh Ngài. Phi-e-rơ và Giăng “đều hớn hở về mình được kể là xứng đáng chịu nhục vì Danh Chúa Jêsus” (Công-vụ 5:41).
Chúa nói cho Hội Thánh Si-miệc-nơ rằng họ phải chịu:
1. HOẠN NẠN: Kinh Thánh không nói lý do. Song lịch sử cho biết năm 195 TC., một đền thờ của thần tượng La-mã được lập lên tại Si-miệc-nơ mà toàn dân dưới quyền cai trị của chính phủ phải thờ lạy thần đó. Hội Thánh là những người đã tôn thờ Jêsus là Chân Thần độc nhất nên họ không tôn thờ ai nữa, kể cả Hoàng đế. Vì vậy họ bị bắt bớ.
2. NGHÈO KHÓ: Hoạn nạn như trên dễ đưa họ đến nghèo khó. Ngoài ra, trong cách ăn ở trung thành, liêm chính của họ thì nghèo khó là phần chắc. Hơn nữa, như thư Hê-bơ-rơ mô tả tình trạng của Hội Thánh thời đó: “Vì anh em đã thương xót kẻ bị tù và vui lòng chịu của cải mình bị cướp, bởi biết mình có của cải quý hơn hằng còn luôn” (Hê-bơ-rơ 10:34).
3. GIÈM PHA: Người Giu-đa vu khống Hội Thánh Si-miệc-nơ bằng những lời đồn đãi không đâu để đầu độc nhiều người, khiến họ có ác cảm đối với Hội Thánh. Chúa gọi những người Giu-đa đó không phải là người Giu-đa, con cháu Áp-ra-ham, song họ thuộc về Hội của quỷ Sa-tan.
4. TÙ TỘI: Không chịu tôn thờ thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời, ăn ở trung thành, liêm chính, bị vu khống bằng những lời độc ác thì kết quả phải bị tù tội là việc đương nhiên. Các tín đồ tại Giê-ru-sa-lem đã bị tù (Công-vụ 8:3). Sứ đồ Giăng, Phi-e-rơ, Phao-lô cũng bị tù.
5. CHẾT: Hội Thánh Si-miệc-nơ đã trung tín cho đến chết, nghĩa là dầu phải chết cũng cứ giữ lòng trung tín với Chúa. năm 156, Polycarpe, giám mục tại Si-miệc-nơ bị nhà cầm quyền La-mã buộc phải nhân danh hoàng đế phỉ báng Chúa Jêsus thì sẽ được khỏi chết. Ông đáp: “Đã 86 năm qua, tôi phục vụ Chúa, Ngài chẳng hề làm hại tôi, làm sao tôi có thể phỉ báng Đấng đã cứu tôi?” Cuối cùng, ông bị thiêu sống.
Chúa phán với Hội Thánh Si-miệc-nơ: “ngươi chớ ngại (chớ sợ) điều mình sẽ chịu khổ… Hãy trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống… kẻ nào thắng sẽ chẳng bị hại gì về lần chết thứ hai”.
III. BẸT-GĂM, HỘI THÁNH CÓ TÀ THUYẾT (Khải-huyền 2:1-17)
Chúa biết nơi ở của Hội Thánh Bẹt-găm, đó là trung tâm thờ lạy tà thần. Tại đây chiến sĩ của Chúa phải chiến đấu với sự sai lầm vì có nhiều tư tưởng, nhiều tôn giáo, nhiều triết lý khác nhau chống lại lời của Chúa. Đành rằng chúng ta phải yêu Chúa là dấu hiệu thứ nhất, phải chịu bắt bớ vì Danh Ngài là dấu hiệu thứ nhì, song cũng phải đứng vững trong lẽ thật là dấu hiệu thứ ba. Vì cả ba là dấu hiệu của Hội Thánh sống. Vì vậy, dầu Chúa khen Hội Thánh Bẹt-găm đã vững lòng tôn Danh Ngài như An-ti-ba, thì cũng có điều Ngài trách họ là trong họ còn có người theo giáo lý Ba-la-am, và có người theo giáo lý Ni-cô-la.
Chúng ta biết giáo lý của Ba-la-am. Ông này là một tiên tri nổi tiếng mà Kinh Thánh phải để 3 phần đoạn Dân-số Ký (22-24) chép về ông, song không phải là việc tốt, mà là việc xấu. Ông đã bị Ba-lác là vua của Mô-áp mua chuộc, ông đã bán rẻ chức thánh và lương tâm mà rủa sả dân Đức Chúa Trời để được vàng bạc, của cải, danh vọng. Ông còn bày mưu cho Ba-lác cám dỗ dân Y-sơ-ra-ên phạm tội thờ lạy tà thần, ăn của cúng và gian dâm, để rồi 24.000 người bị giết (Dân-số Ký 25:1-9). Từ đó ông bỏ chức vụ để theo dân Ma-đi-an, nên khi dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng dân Ma-đi-an, họ giết luôn kẻ phản bội là Ba-la-am (Dân-số Ký 31:8-16). Kinh Thánh nhiều lần nhắc lại Ba-la-am để cảnh cáo chúng ta (Phục-truyền 23:4, 5; Giô-suê 24:9-10; Nê-hê-mi 13:2; Mi-chê 6:5; IIPhi-e-rơ 2:15; Giu-đe 11; Khải-huyền 2:14). Giáo lý của Ba-la-am trong Cựu Ước cũng là giáo lý của Ni-cô-la trong Tân Ước. Họ nêu lên sự tự do, song không phải sự tự do trong Đức Thánh Linh mà phóng túng trong tư dục của xác thịt, để trở thành nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ. Đồng thời, họ bán rẻ chức thánh và lương tâm để được danh, lợi, quyền.
Chúa gọi những kẻ đó ăn năn, bằng không Chúa sẽ đến mà giao chiến cùng họ. Nếu họ ăn năn sẽ được thưởng.
Những điều chúng ta đang gặp và sẽ gặp là những điều Hội Thánh trải qua các đời đã gặp. Chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời (Truyền-đạo 1:9). Chúa đã giữ gìn Hội Thánh đến ngày nay, Ngài sẽ còn giữ gìn Hội Thánh cho đến cuối cùng. Chúng ta được khích lệ, thương yêu, chịu khổ, trung thành vì Danh Chúa, tức là đắc thắng. Tất cả những lời hứa đều dành cho kẻ đắc thắng (câu 7, 11, 17).
CÂU HỎI
1.      Giăng mô tả hình dung của Chúa như thế nào?
2.      Chúa đang ở đâu và làm gì với Hội Thánh?
3.      Những điều đáng khen của Hội Thánh Ê-phê-sô là gì?
4.      Điều đáng trách của Hội Thánh Ê-phê-sô là gì?
5.      Những sự bắt bớ mà Hội Thánh Si-miệc-nơ phải chịu là gì?
6.      Chúa khích lệ Hội Thánh Si-miệc-nơ như thế nào?
7.      Ba-la-am là vị tiên tri thế nào?
8.      Tại sao Kinh Thánh nhiều lần đề cập tới Ba-la-am?
9.      Ba dấu hiệu của một Hội Thánh sống là gì?

  1. Hội Thánh của chúng ta giống như Hội Thánh nào trong ba Hội Thánh này?  

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.