I Sử Ký



Các gia hệ, Ðời trị vì của Ða-vít

12 sách đầu tiên của Kinh Thánh chấm dứt ở chỗ dân tộc Hê-bơ-rơ bị bắt làm phu tù. Hai sách Sử ký nầy kể lại truyện tích ấy và kết thúc ở cùng một điểm ấy. Hai sách nầy tóm tắt mọi điều xảy ra từ trước, và chú ý đặc biệt đến đời trị vì của Ða-vít, Sa-lô-môn và các vua Giu-đa kế tiếp.
Một phần sách I Sử ký giống như sách II Sa-mu-ên. Nó chép riêng truyện tích Ða-vít, và trước đó có 9 đoạn chép gia hệ dùng làm tiểu dẫn. Các gia hệ gồm cả thời gian từ A-đam cho tới khi dân Giu-đa hồi hương sau cuộc lưu đày, và dường như là một bản tóm tắt cả thánh sử trước đó.

Tác giả
I Sử ký, II Sử ký, E-xơ-ra, và Nê-hê-mi nguyên thủy là một bộ sách. Truyền thoại Do-thái luôn luôn cho rằng E-xơ-ra là tác giả của hai sách Sử ký nầy.
Thường nhắc đến các Sử ký, biên niên sử và công văn: "Sử ký vua Ða-vít" (I Sử ký 27:24); "sách của Sa-mu-ên, đấng tiên kiến,... sách của Na-than, đấng tiên tri,... sách của Gát, đấng tiên kiến" (I Sử ký 29:29); "sách truyện Na-than, là đấng tiên tri, và... sách tiên tri của A-hi-gia, người Si-lô, cùng... sách dị tượng của Giê-đô, đấng tiên kiến" (II Sử ký 9:29); "sách truyện của Sa-ma-gia, đấng tiên tri,... sách Y-đô, đấng tiên kiến" (II Sử ký 12:15); "sách tuyện của tiên tri Y-đô" (II Sử ký 13:22); "truyện Giê-hu, con trai Ha-na-ni, và truyện ấy đã đem vào sách các vua Y-sơ-ra-ên" (I Sử ký 20:34); "sách truyện các vua" (II Sử ký 24:27); "đấng tiên tri Ê-sai đã biên chép các công sự khác của Ô-xia từ đầu đến cuối" (II Sử ký 26:22); "sách dị tượng của Ê-sai, đấng tiên tri" (II Sử ký 32:32); "sách các vua Giu-đa và Y-sơ-ra-ên" (II Sử ký 32:32); "các lời của đấng tiên kiến" (II Sử ký 33:18).
Vậy, ta thấy rằng tác giả đã được đọc các nhựt ký và công văn mà ngày nay ta không biết. Ông cũng được đọc các sách trước đây của Cựu Ước. Do Ðức Chúa Trời giúp đỡ, ông đã sao lại, bỏ bớt, hoặc thêm vào những tài liệu phù hợp với chính tác phẩm của mình. Như vậy, trong phần nầy của Cựu Ước, chúng ta có hai bản tường thuật.

Sự quan trọng của hai bản tường thuật
Vì tin rằng cả Kinh Thánh là Lời Ðức Chúa Trời cốt để cho mọi người sử dụng, nên chúng tôi tự hỏi phải chăng khi lặp lại Hai Lần phần nầy của thánh sử, Ngài còn nhắm mục đích nào khác ngoài ra nhu cầu trực tiếp của E-xơ-ra, là tái định cư nhơn dân trên xứ sở và cải tổ quốc gia?
Thường thì sự lặp lại rất quan trọng. Ít ra, chúng ta cũng phải cẩn thận, chớ xao lãng phần nầy của Kinh Thánh. Mặc dầu chúng ta thường tưởng sự đọc sách Các vua và sách Sử ký là hơi khô khan, nhưng nó có chứa truyện tích về các cách Ðức Chúa Trời đối xử với dân Ngài, và mỗi khi đọc, ta lại tìm thấy trong đó những viên ngọc đẹp nhứt của Kinh Thánh.

Ðiểm khác nhau giữa hai sách Các vua và hai sách Sử ký
Sách Các vua tường thuật song song lịch sử của nước phía Bắc và nước phía Nam, còn sách Sử ký chỉ chuyên chú vào nước phía Nam. Sách Sử ký dường như trước nhứt chuyên chú vào nước của Ða-vít, và cứ mô tả triều đại của ông cho tới lúc đương thời tác giả.

Ðoạn 1 đến 9 -- Các gia hệ
Dường như mục đích trực tiếp của các gia hệ nầy là để tái định cư nhơn dân trong xứ tùy những văn kiện của nhà nước. Những người từ chốn lưu đày trở về được phép nhận đất đai mà gia tộc xưa kia đã chiếm giữ. Trong đời Cựu Ước, đất đai được cấp phát cho các gia tộc, và không thể đem bán vĩnh viễn đến nỗi gia tộc mất hẳn quyền sở hữu. Nếu bán đi, thì đến năm hân hỉ, phải trả về gia tộc vốn là sở hữu chủ (xem dưới Lê-vi ký 25).
Chức thầy tế lễ cũng truyền tử lưu tôn. Thầy tế lễ vẫn có con trai mình kế chức. Ðó là luật pháp trong xứ.
Về dòng vua Ða-vít cũng vậy. Lời hứa quan trọng và quí báu hơn hết: Ðấng Cứu thế sẽ phát xuất từ gia tộc Ða-vít. Các gia hệ nầy cốt ý theo dõi sự lưu truyền dòng dõi Ða-vít.
Hầu hết các gia hệ không đầy đủ, và các bản liệt kê có lắm chỗ gián đoạn. Chắc tác giả đã dựa vào nhiều tài liệu ghi trên tấm bảng, chỉ thảo và giấy da bò non, mà lập các gia hệ nầy; còn một phần thì chép ở các sách trước của Cựu Ước.
9 đoạn chép gia hệ nầy là dây ràng buộc cả lịch sử Kinh Thánh từ trước tới đây, từ thế hệ nầy tới thế hệ khác. Ta không cần đọc để tài bồi đời tin kính, như những phần khác của Kinh Thánh. Nhưng thật ra, các gia hệ nầy và các gia hệ tương tự rải rác khắp Cựu Ước, chính là "bộ xương" của Cựu Ước, là phần liên kết cả Kinh Thánh làm một, khiến cho Kinh Thánh được thống nhứt và có vẻ là LịCH SỬ thật, chớ không phải là thần thoại.

Ðoạn 10, 11, 12 -- Ða-vít được tôn làm vua
Nếu không kể các gia hệ, thì sách II Sa-mu-ên và sách I Sử ký chỉ chuyên chép về đời trị vì của Ða-vít. Cả hai sách gần như kể lại những việc giống nhau. Nhưng sách I Sử ký đặc biệt chú ý đến sự tổ chức cuộc thờ phượng ở Ðền thờ. Vì sách I Sử ký được chép sau khi nhơn dân từ chốn lưu đày trở về, nên tưởng nói điều nầy cũng chẳng phải là sai lạc: Sách I Sử ký ví như một bài giảng lịch sử, căn cứ vào sách II Sa-mu-ên, cốt để khuyến khích những phu tù mới hồi hương hãy khôi phục địa vị xứng đáng cho sự thờ phượng nơi Ðền thờ trong cuộc sanh hoạt quốc gia của họ.
Trong sách II Sa-mu-ên 2-4 có chép thể nào Ða-vít được tôn làm vua xứ Giu-đa (sau khi Sau-lơ băng hà), đóng đô tại Hếp-rôn, là thành của Áp-ra-ham, và trị vì tại đó 7 năm rưỡi. Trong thời gian ấy ông phải giao chiến với Ích-bô-sết, con trai của Sau-lơ. Rồi sau khi Ích-bô-sết qua đời, Ða-vít được tôn làm vua cả nước Y-sơ-ra-ên.
Khi làm vua cả nước Y-sơ-ra-ên rồi, hành động thứ nhứt của Ða-vít là chiếm lấy Giê-ru-sa-lem và chọn nó làm thủ đô toàn quốc. Việc nầy được thuật đầy đủ hơn ở II Sa-mu-ên 5. Giê-ru-sa-lem ở gần trung tâm của xứ hơn mọi thành khác, và khó chiếm vì ở trên ngọn núi, các phía Ðông, Tây, và Nam có thung lũng bao quanh. Trong khoảng 400 năm từ Giô-suê đến Ða-vít, dân Y-sơ-ra-ên đã không chiếm được thành nầy, và người Giê-bu-sít vẫn còn ở đó (Giô-suê 15:63; II Sa-mu-ên 5:6-10; I Sử ký 11:4, 5).

Bí Chú Khảo Cổ:  Khe nước
Năm 1866, ông Warren, nhơn viên "Quỹ Thám hiểm xứ Pa-lét-tin," đã tìm thấy khe nước (II Sa-mu-ên 5:8) do đó các chiến sĩ của Ða-vít vào được thành Giê-ru-sa-lem. Ðây là một đường hầm thoai thoải, có tam cấp, đục trong đá, từ đỉnh đồi chạy xuống khe Ghi-hôn ở chơn đồi phía Ðông; như vậy, từ phía trong vách thành, người ta có thể đi tới một nguồn nước. Ðồi có một vách thành bao quanh, dày gần 8 thước tây. Không ai chiếm được nó cho tới ngày Ða-vít khám phá ra lối bí hiểm nầy đi từ khe nước vào trong thành.

Bí Chú Khảo Cổ:  Tường thành do Ða-vít xây cất
I Sử ký 11:8 chép rằng Ða-vít "xây tường thành bốn phía." Người ta đã tìm thấy di tích của tường thành nầy, dài 130 thước. Ở nhiều chỗ, còn trông thấy nền cũ của người Giê-bu-sít ở dưới tường thành do Ða-vít xây cất.

Ðoạn 13, 14, 15, 16 -- Chở hòm giao ước lên thành Giê-ru-sa-lem
Hòm giao ước đã bị quân Phi-li-tin chiếm mất (I Sa-mu-ên 4:11). Nó ở nơi chúng 7 tháng (I Sa-mu-ên 6:1). Rồi nó được gởi trả dân Y-sơ-ra-ên, và đặt ở Ki-ri-át-Giê-a-rim 20 năm (I Sa-mu-ên 7:2). Ki-ri-át-Giê-a-rim cách thành Giê-ru-sa-lem chừng 10 dặm về phía Tây-bắc. Ða-vít đã chọn Giê-ru-sa-lem làm thủ đô toàn quốc, bèn nhóm họp toàn dân Y-sơ-ra-ên để thỉnh hòm giao ước lên Giê-ru-sa-lem trong một cuộc lễ rước hết sức long trọng.
Nhưng việc U-xa chẳng may xảy ra (13:10), đã làm gián đoạn cuộc lễ rước. U-xa chết vì cử chỉ xung động toan cứu hòm giao ước (13:9), thì ta tưởng như là nghiêm khắc quá. Tuy nhiên, chỉ người Lê-vi được phép khiêng hòm giao ước (15:2, 13). Lại nữa, hành động của U-xa là trực tiếp vi phạm luật pháp (Dân số ký 4:15), nên sự chết của ông là lời cảnh cáo mọi người phải cẩn thận.
Sau 3 tháng đặt tại nhà Ô-bết-Ê-đôm (3:14), là người Lê-vi (15:17, 18, 21, 24), hòm giao ước được rước về Giê-ru-sa-lem giữa sự vui mừng cả thể, và được đặt vào nhà trại mà Ða-vít đã dựng cho nó (15:1). Còn nhà trại nguyên thủy thì ở Ga-ba-ôn (21:29).
Ða-vít cưới nhiều vợ (14:3) thì trái với luật pháp của Ðức Chúa Trời. Nhưng đó là thói tục của các vua thời xưa, và là một dấu hiệu của uy tín và vương quyền mà nhơn dân dường như mong thấy nơi người cai trị họ. Ðương thời Cựu Ước, Ðức Chúa Trời dường như khoan dung sự đa thê đó. Tuy nhiên, trong những lúc gia đình lục đục, Ða-vít thật đã gặt trái của sự đa thê (xem thêm II Sa-mu-ên 13).

Ðoạn 17 -- Ða-vít định xây cất Ðền thờ
Ðó là ý của Ða-vít, Ðức Chúa Trời thỏa lòng với một nhà trại (câu 4-6). Tuy nhiên, Ngài cũng chiều theo Ða-vít. Nhưng Ngài chẳng để ông xây cất Ðền thờ, vì ông "là một tay chiến sĩ" (28:3) và "đã đổ huyết ra nhiều" (22:8). Rồi Ngài giao nhiệm vụ ấy cho Sa-lô-môn (17:11-14; 28:6).

Ðoạn 18, 19, 20 -- Những cuộc chiến thắng của Ða-vít (xem thêm II Sa-mu-ên 8)

Ðoạn 21 -- Kiểm tra dân số (xem thêm II Sa-mu-ên 24)

Ðoạn 22 -- Ða-vít dự bị cho Ðền thờ
Dầu Ðức Chúa Trời cấm Ða-vít xây cất Ðền thờ, nhưng ông đã đặt kiểu Ðền thờ, và để một phần lớn đời trị vì của mình mà thâu góp rất nhiều vàng, bạc, và đủ thứ vật liệu xây cất; theo nhiều người ước lượng khác nhau, thì tổng số vật liệu xây cất đáng giá từ 2 đến 5 tỷ Mỹ kim. Ðền thờ nầy "phải rất nguy nga, có danh tiếng rực rỡ trong các nước" (22:5). Ðền thờ phải là vinh quang tột bậc của nước Y-sơ-ra-ên. Lời Ða-vít khuyên bảo Sa-lô-môn ở đây lại được giải rộng hơn ở đoạn 28.

Ðoạn 23 -- Chỉ định phận sự của người Lê-vi
Không cần khiêng Ðền tạm nữa (câu 26), vì bây giờ Ðền thờ sẽ đặt luôn ở Giê-ru-sa-lem; vậy, công việc của người Lê-vi được xác định lại. Một số người Lê-vi sẽ cai quản công việc của Ðền thờ (câu 4); một số giữ cửa (câu 5); một số làm nhạc công (câu 5); có một ban hát gồm 4000 người Lê-vi (câu 5; 15:16). Một số làm "quan đốc lý và quan xét" (23:4); một số "cai quản các việc ngoài của Y-sơ-ra-ên" (26:29); một số "cai trị các việc của Ðức Chúa Trời và việc của vua" (26:32). Khoản chót nầy dường như tỏ ra người Lê-vi dự phần công việc hành chánh cũng như dự phần công việc tôn giáo.

Ðoạn 24 -- Tổ chức các thầy tế lễ
Họ được tổ chức thành 24 ban để hầu việc trong Nơi Thánh. Họ được gọi là "các trưởng của Nơi Thánh" và "các trưởng của Ðức Chúa Trời" (câu 5). Họ phụ trách dâng các của lễ. Công vụ của họ chấm dứt khi Ðấng Christ ngự đến! Khá hài hước thay, chính "các thầy tế lễ" đã âm mưu đóng đinh Ðấng Christ vào Thập tự giá (Ma-thi-ơ 27:1, 6, 20, 41)! Không có chỗ nào trong Tân Ước gọi các chức dịch Tin Lành là "thầy tế lễ." Thơ Hê-bơ-rơ đã được chép để tỏ ra rằng không cần "các thầy tế lễ" nữa. Chỉ có Khải Huyền 1:6; 5:10 và 20:6 dùng chữ "thầy tế lễ" theo một ý nghĩa của đạo Ðấng Christ, và trong trường hợp nầy, nó ứng dụng cho Hết Thảy tín đồ của Ngài, chớ không ứng dụng cho một hạng tín đồ đặc biệt muốn đè đầu những tín đồ khác.

Ðoạn 25, 26, 27 -- Thêm sự tổ chức
Ðể có hiệu lực trong sự thờ phượng ở Ðền thờ và trong sự cai trị quốc gia; nhứt là tổ chức các nhạc công mà nhiệm vụ không chấm dứt khi Ðấng Christ ngự đến, nhưng lại có ý nghĩa mới mẻ. Ða-vít là một đại nhạc sĩ. Tất cả linh hồn ông vui thỏa vì làm cho các từng trời vang lừng những bài ca khen ngợi Ðức Chúa Trời (15:27, 28; 16:41, 42).

Ðoạn 28, 29 -- Lời nói và lời cầu nguyện sau chót của Ða-vít
Liên quan đến Ðền thờ. Ðó là điều lòng ông chăm chú vào trong lúc linh hồn ông bay lên "nhà đời đời... không phải bởi tay người làm ra" (II Cô-rinh-tô 5:1). "Người theo lòng Ngài" (I Sa-mu-ên 13:14) đã "phụng sự thế hệ mình" một cách cao thượng. Chắc ông vui mừng biết bao vì được gặp Ðấng sau nầy mang danh hiệu "Con vua Ða-vít" (Ma-thi-ơ 22:42).



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.