II Cô-rinh-tô





Phao-lô binh vực chức Sứ đồ của mình
Vinh quang của chức vụ ông
Suốt đời ông tuận đạo

Cơ hội viết thơ nầy. Sau khi Phao-lô viết thơ I Cô-rinh-tô ít lâu, thì cuộc náo loạn lớn lao xảy ra tại thành Ê-phê-sô (Công vụ các sứ đồ, đoạn 19), làm cho ông thiếu điều mất mạng sống. Từ giã thành Ê-phê-sô, ông đi vào xứ Ma-xê-đoan, trên đường đi đến Cô-rinh-tô. Tại xứ Ma-xê-đoan, giữa bao nhiêu lo lắng và đau đớn, sau khi chờ nghe tin tức Hội Thánh Cô-rinh-tô rất lâu, ông đã gặp Tít từ Cô-rinh-tô trở về phúc trình rằng thơ của Phao-lô đã có nhiều kết quả tốt đẹp, nhưng vẫn còn một số thủ lãnh ở Cô-rinh-tô chối không nhận rằng Phao-lô là một Sứ đồ chân chánh của Ðấng Christ. Vậy, Phao-lô viết thơ nầy, giao cho Tít cầm đi trước, và chính ông trông mong ít lâu nữa sẽ tới Cô-rinh-tô. Mục đích chánh yếu của thơ nầy dường như để Phao-lô tự binh vực mình là Sứ đồ của Ðấng Christ và để nhắc họ nhớ rằng ông đã sáng lập Hội Thánh Cô-rinh-tô, do đó ông có quyền lên tiếng trong vấn đề quản trị Hội Thánh ấy.
Một vài vấn đề giải luận trong thơ I Cô-rinh-tô cũng chạy suốt thơ nầy nữa; dầu được giải luận có thứ tự, nhưng theo lối viết thơ, các vấn đề ấy cứ lặp đi lặp lại luôn và xen lẫn với nhiều vấn đề khác.

Ðoạn 1 -- Phao-lô Toan Ðịnh Ði Tới Cô-rinh-tô
Sự "yên ủi" (câu 3-4) ông nói tới ở đầu thơ nầy đã do gặp gỡ Tít mà có (7:6, 7); vì Tít từ Cô-rinh-tô trở về, đem tin vui rằng tín đồ ở đó trung thành. Thêm vào đó, Phao-lô còn hớn hở cảm tạ Chúa vì đã thoát chết ở thành Ê-phê-sô (câu 8, 9; Công vụ các sứ đồ 19:23-41), và bởi vậy, đã nổi lên khúc hoan ca giữa cảnh đau khổ không ngừng của ông.
Ông đổi chương trình (câu 15:24). Ông định vào xứ Ma-xê-đoan trước nhứt, rồi tới thành Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 16:5-7), (xem bản đồ ở dưới Công vụ các sứ đồ, đoạn 18). Về sau, ông định tới thành Cô-rinh-tô trước nhứt (câu 15, 16). Rồi ông lại đổi ý và đi đến xứ Ma-xê-đoan trước nhứt (câu 17, 23). Kẻ thù bèn tố cáo ông khi thì nói "phải, phải," khi thì nói "không, không," nghĩa là ông nhẹ dạ, nói "phải" và "không" cùng một lúc. Ông đáp rằng "ấy là tại nể anh em" (câu 23) mà ông chậm đến với họ.
Theo đoạn 2:1; 12:14 và 13:1-2, thì dường như Phao-lô đã đến thăm thành Cô-rinh-tô "lần thứ hai." Trong sách Công vụ các sứ đồ chỉ chép ông đến thăm thành ấy một lần. Vậy, lần thăm thứ hai nầy chắc là ông từ Ê-phê-sô đến đó, có lẽ sau khi viết thơ I Cô-rinh-tô. Ê-phê-sô và Cô-rinh-tô chỉ cách nhau hơn 200 dặm, và có tàu đi lại luôn luôn. Lần thăm "thứ hai" có sự "buồn rầu" cặp theo (2:1). Rõ ràng lắm, một cơn khủng hoảng trầm trọng đã nổi lên trong mối quan hệ của ông với Hội Thánh Cô-rinh-tô. Ông nóng lòng muốn gặp Tít một phần vì ước ao biết kết quả cuộc viếng thăm thư hai ngắn ngủi của mình.

Ðoạn 2 -- Trường Hợp Sửa Phạt
Ðây dường như là người phạm tội loạn luân mà trong thơ tín thứ nhứt (I Cô-rinh-tô 5:3-5), Phao-lô đã truyền lịnh phải "phó cho quỉ Sa-tan;" do đó, khắp trong Hội Thánh có rất đông người nổi lên chống Phao-lô.
Sự chống đối nầy trầm trọng đến nỗi chính Phao-lô phải từ Ê-phê-sô đến Cô-rinh-tô (câu 1) nhưng ông bị cự tuyệt kịch liệt đến nỗi ở đây ông nói rằng đó là một cuộc viếng thăm buồn rầu.
Lại nữa, do các đoạn 2:3, 9; 7:8, 12 và 10:10 (mấy câu nầy chép những điều không thấy nói đến trong thơ I Cô-rinh-tô), người ta nghĩ rằng Phao-lô đã viết một thơ tín khác giữa hai thơ tín chúng ta có đây, nhưng nay thất truyền. Bức thơ đó chắc lời lẽ nghiêm khắc lắm, vì đã thay đổi trào lưu ở Cô-rinh-tô, đến nỗi những người ủng hộ kẻ bị sửa phạt đã hung hăng xây lại nghịch cùng hắn (7:11). Nhưng Phao-lô không biết điều đó cho tới khi gặp Tít (7:6, 7).
"Cơn khốn nạn lớn, tấm lòng quặn thắt, nước mắt dầm dề" (câu 4) đã do bước khủng khiếp ông trải qua tại thành Ê-phê-sô (1:8, 9), và cũng do ông quá lo lắng về tình hình tại Cô-rinh-tô. Ông buồn rầu vì không gặp Tít tại Trô-ách theo như đã dự định, đến nỗi đã bỏ qua cơ hội lớn lao rao truyền Tin Lành ở đó, để vội vàng đi đến xứ Ma-xê-đoan, hy vọng tìm thấy Tít mà ông biết là đang đi đường, đem tin tức của Hội Thánh Cô-rinh-tô.
"Mùi thơm" (câu 14-16) là một cách nói bóng, dựa vào đám rước khải hoàn có đốt trầm hương để đón hoàng đế trở về La-mã, theo sau có những đoàn dài phu tù, trong số đó kẻ thì bị giết chết, kẻ thì được tha cho sống sót. Cũng một thể ấy, Phao-lô đem theo "mùi thơm" của Ðức Chúa Trời làm cho người ta sống hay chết tùy theo phản ứng của họ. Phao-lô kể đời mình như một cuộc diễn hành khải hoàn.

Ðoạn 3 -- Vinh Quang Của Chức Vụ Ông
"Thơ gởi gắm" (câu 1). Mấy chữ nầy có lẽ được dẫn khởi bởi cái thực sự rằng các giáo sư theo phong tục Do-thái đã đem theo thơ gởi gắm của người ở Giê-ru-sa-lem cấp cho. Họ luôn luôn xen vào công việc của Phao-lô, ở trong số những kẻ gây cho ông bị rắc rối hơn hết, và lợi dụng mọi lý do hoặc cơ hội để đánh bại ông. Lúc nầy họ hỏi: Phao-lô là ai? Ông có thể trình thơ giới thiệu của nhân vật quan trọng nào ở Giê-ru-sa-lem chăng? Hỏi như vậy thật là phi lý. Phải có thơ gởi gắm với một Hội Thánh mà chính ông đã sáng lập sao? Chính Hội Thánh đó là thơ gởi gắm ông vậy.
Do đó có sự đối chiếu chức vụ của ông với chức vụ của họ, -- tức là đối chiếu Tin Lành với luật pháp. Luật pháp viết trên bảng đá, còn Tin Lành viết trên tấm lòng. Luật pháp là chữ, còn Tin Lành là thần linh.(1) Luật pháp làm cho chết, còn Tin Lành làm cho sống. Luật pháp bị che khuất, còn Tin Lành không bị che khuất. Luật pháp đưa đến sự đoán phạt, còn Tin Lành đưa đến sự công bình. Luật pháp qua đi, còn Tin Lành tồn tại. Nhìn xem Ðấng Christ, chúng ta được đổi ra giống hình ảnh Ngài.

II Cô-rinh-tô 2
Ðoạn 4 -- Phao-lô Sống Trong Cảnh Tuận Ðạo
Trong thơ tín nầy, nhứt là ở các đoạn 4, 6, 11, Phao-lô nói nhiều về những nỗi đau đớn của mình. Lúc ông trở lại tin Chúa, Ngài có phán rằng: "Ta lại sẽ tỏ ra cho người biết phải chịu đau đớn vì Danh Ta là bao nả" (Công vụ các sứ đồ 9:16). Sự đau đớn bắt đầu ngay, và cứ tiếp tục không ngớt suốt hơn 30 năm.
Họ toan mưu giết ông tại Ða-mách (Công vụ các sứ đồ 9:24), và tại Giê-ru-sa-lem (Công vụ các sứ đồ 9:29); đuổi ông ra khỏi An-ti-ốt (Công vụ các sứ đồ 13:50); toan ném đá ông tại Y-cô-ni (Công vụ các sứ đồ 14:5); ném đá ông, tưởng ông chết rồi và để mặc đó tại Lít-trơ (Công vụ các sứ đồ 14:19). Tại Phi-líp, họ dùng roi đánh ông và cùm ông lại (Công vụ các sứ đồ 16:23, 24). Tại Tê-sa-lô-ni-ca, người Do-thái và đám quân hỗn loạn cùng bọn lưu manh xông vào ông (Công vụ các sứ đồ 17:5). Họ đã đuổi ông ra khỏi Bê-rê (Công vụ các sứ đồ 17:13, 14); toan mưu nghịch cùng ông tại Cô-rinh-tô (Công vụ các sứ đồ 18:12). Tại Ê-phê-sô, ông thiếu điều bỏ mạng vì tay đám dân hỗn loạn (Công vụ các sứ đồ 19:29; II Cô-rinh-tô 1:8, 9). Lại ở thành Cô-rinh-tô, sau khi ông viết thơ tín nầy ít lâu, họ toan mưu giết ông (Công vụ các sứ đồ 20:3). Lại ở thành Giê-ru-sa-lem, nếu không nhờ quân lính La-mã, thì họ đã thủ tiêu ông mau lẹ (Công vụ các sứ đồ 22 và 23). Ðoạn, ông bị cầm tù 2 năm ở Sê-sa-rê và 2 năm nữa ở kinh thành La-mã. Ngoài ra, ông còn bị đánh đòn, cầm tù, chìm tàu và luôn luôn thiếu thốn đủ thứ, nhưng Kinh Thánh không chép rõ chi tiết (II Cô-rinh-tô 11:23-27). Rốt lại,ông bị bắt về La-mã và bị xử tử như một kẻ sát nhân (II Ti-mô-thê 2:9).
Chắc ông phải có sức chịu đựng lạ lùng, vì ông ca hát đang khi chịu khổ nạn. Phải có thân thể mạnh như sắt, bằng không, thì sống sao nổi qua mọi tình cảnh ấy. Nhưng còn phải có ân điển lạ lùng của Ðức Chúa Trời nữa, vì thân thể mạnh như sắt cũng chưa đủ. Ông luôn luôn nhận thấy Chúa hiện diện, và "cảm biết mình không thể chết trước khi làm xong chức vụ."

Ðoạn 5 -- Sau Sự Chết, Có Gì?
Ðoạn nầy tiếp tục bày tỏ lý do khiến ông vui mừng giữa các khổ nạn. Ông vừa mới nói rằng trong đời nầy càng chịu đau khổ, thì trong cõi đời đời càng được vinh hiển (4:17, 18). Tâm trí ông hướng vào thế giới tương lai.
Sự dạy dỗ ở đây là gì? Có phải ta được mặc thân thể mới lúc qua đời chăng? Ông nói rằng chết chẳng phải là "bị lột trần," nhưng là "được mặc lại" (câu 4). "Lìa bỏ thân thể nầy" tức là "ở cùng Chúa" (câu 8). Trong thơ Phi-líp 1:23, ông kể sự chết như là "đi ở với Ðấng Christ, là điều rất tốt hơn." Nhưng ở thơ I Cô-rinh-tô, đoạn 15, và thơ I Tê-sa-lô-ni-ca, đoạn 4, ông liên kết thân thể sống lại với sự tái lâm của Ðấng Christ. Rõ ràng lắm, những tín đồ qua đời trước khi Chúa ngự đến, thì được ở với Chúa trong địa vị hạnh phước tự cảm biết, "là điều rất tốt hơn" sự sống trong xác thịt, nhưng vẫn chưa bằng đời sống vinh hiển theo sau sự sống lại.

Ðoạn 6 -- Lại Nói Ðến Những Khổ Nạn Của Ông
Phao-lô tiếp tục binh vực chức vụ của mình. Chắc trong Hội Thánh Cô-rinh-tô có sự chán ghét ông lớn lắm (câu 12). Bằng không, chắc ông không dành phần lớn thơ tín nầy để tự binh vực mình. Ở câu 14-18, ông dường như, ít ra là một phần nào, đổ sự hỗn loạn cho không khí ngoại đạo mà họ đang sống trong đó. Người Cô-rinh-tô vốn có phong hóa rất lỏng lẻo.

Ðoạn 7 -- Phúc Trình Của Tít
Ti-mô-thê đã được sai đi sớm hơn (I Cô-rinh-tô 4:17; 16:10). Ti-mô-thê vốn tánh nhút nhát, và thật không thích hợp để thi hành những biện pháp sửa trị nghiêm khắc mà tình hình Hội Thánh Cô-rinh-tô đang đòi hỏi. Phao-lô bèn sai Tít đi (II Cô-rinh-tô 2:13; 7:6, 13; 12:18), -- có lẽ Tít là người giúp việc đắc lực hơn hết của Phao-lô trong những tình hình như vậy. Có lẽ Tít đi sau cuộc viếng thăm "thứ hai" của Phao-lô, và đem theo bức thơ có nói đến ở đoạn 2:3. Sứ mạng của Tít đã thành công. Kẻ làm nguyên cớ cho cuộc rối loạn dấy lên (I Cô-rinh-tô 5:1-5) có lẽ là một người rất có thế lực; lúc đầu hắn cứ cố chấp trong tội lỗi, cầm đầu vụ công khai loạn nghịch chống Phao-lô, và kéo theo nhiều thủ lãnh. Nhưng do ảnh hưởng bức thơ "thứ hai" của Phao-lô và nhờ hiện diện của Tít, nên toàn thể Hội Thánh đã trở lại trật tự, và kết quả là kẻ phạm tội hạ mình xuống. Ðó là tin tức tốt lành mà Tít đã phúc trình (câu 7-16).

Ðoạn 8, 9 -- Lạc Quyên Giúp Mẫu Hội
Hai đoạn nầy chứa những chỉ thị về sự dâng tiền giúp các thánh đồ nghèo ở Giê-ru-sa-lem. Ðây là một biến cố trọng đại trong đời Phao-lô (xem lời chú giải ở dưới Công vụ các sứ đồ, đoạn 21). Có lẽ ông đã quyên tiền khắp các chi hội ở Tiểu-Á-tế-á và Hi-lạp, mặc dầu chỉ nói đến các chi hội ở xứ Ma-xê-đoan, xứ A-chai và xứ Ga-la-ti mà thôi. Cuộc lạc quyên nầy đã khởi sự từ một năm trước (8:10). Các chi hội ở xứ Ma-xê-đoan đã hết lòng dự phần vào đó. Cả đến những người rất nghèo cũng quyên rộng rãi. Phao-lô ở đó đang khi viết thơ tín nầy. Chi hội Phi-líp, đứng đầu xứ Ma-xê-đoan, là nơi duy nhứt mà Phao-lô nhận trợ cấp cho chức vụ mình; và sau khi ông đi rồi, họ vẫn còn trợ cấp.
Trong 2 đoạn nầy, chúng ta có những chỉ thị đầy đủ hơn hết của Tân Ước về sự dâng tiền trong Hội Thánh. Dầu là quyên tiền làm việc từ thiện, nhưng chúng tôi phỏng đoán rằng những nguyên tắc nêu lên ở đây phải hướng dẫn Hội Thánh trong sự lãnh mọi khoản tiền dâng, vừa cho nền tự trị, vừa cho công cuộc truyền giáo và từ thiện. Phải dâng tình nguyện, tùy sức và có phương pháp. Sự quản trị tiền dâng phải không chỗ trách được (8:19-21). Phao-lô đặc biệt nhấn mạnh rằng Ðức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho những người quyên dâng rộng rãi. Theo thừa tiếp văn, thì "sự ban cho của Ngài không kể xiết" (9:15) dường như là mối liên quan hạnh phước phát sanh như vậy giữa kẻ quyên dâng và người nhận lãnh.
* * *
II Cô-rinh-tô 3

Ðoạn 10 -- Diện Mạo Của Phao-lồ
Lời Phao-lô nói trong đoạn nầy dường như được dẫn khởi bởi kẻ thù chê ông có bộ dạng yếu đuối (câu 1, 10). Trong Tân Ước không có chỗ nào ám chỉ dung mạo Phao- lô ra sao. Theo một truyền thoại của thế kỷ thứ 2, thì Phao-lô là "một người tầm thước, tóc xoăn, ống chơn gầy guộc và cong, mắt xanh lơ, lông mày dài và xoăn, mũi dài. Ông đầy dẫy ân điển và lòng thương xót của Chúa, khi thì có dung mạo của một người, khi thì có dung mạo của một thiên sứ." Theo một truyền thoại khác, ông "dáng dấp thấp nhỏ, đầu sói, ống chơn cong, người mập mạp, mũi hơi cao, và ông đầy dẫy ân điển."
Tân Ước ngụ ý rằng ông có bịnh đau mắt, nên thỉnh thoảng vẻ mặt xấu xí. Nhưng kẻ thù chê ông có bộ dạng yếu đuối (câu 10), thì chắc là vô căn cứ. Không thể nghĩ rằng một người như Phao-lô, đã đảo ngược hết thành khác đến thành khác, lại có bộ dạng yếu đuối. Không còn nghi ngờ chi nữa; ông là một cá tánh hùng mạnh, xuất chúng, và về toàn diện, ông là bậc vĩ nhân tột bậc từng sống trên mặt đất nầy, chỉ trừ ra Ðức Chúa Jêsus.
Ðáp lời chê ông yếu đuối, ông bảo họ rằng ít ra ông cũng đã sáng lập được nhiều chi hội, chớ không đi phá rối Hội Thánh do người khác sáng lập như họ đang phá rối đó.

Ðoạn 11 -- Phao-lô Biện Giải Tại Sao Ông Tự Khoe Mình
Trong nhiều phần của thơ tín nầy, Phao-lô nói với đa số trung thành; còn ở những phần khác, ông lại nói với thiểu số không trung thành. Trong 4 đoạn sau chót, dường như ông chú ý đến thiểu số nầy.
Ông hoàn toàn nhận thức tự khoe mình là không thích đáng, và ông không ưa sự cần thiết phải tự khoe mình; nhưng họ bắt buộc ông phải tự khoe mình.
Họ đã lợi dụng cái thực sự rằng ông không nhận trợ cấp cho chức vụ mình tại Cô- rinh-tô, trái hẳn với hành động của một người có óc công bình (câu 7-9). Ông giải thích rằng dầu là Sứ đồ của Ðấng Christ, ông có quyền nhận trợ cấp (I Cô-rinh-tô 9), nhưng ông đã quyết định không nhận, e gương mình nêu lên sẽ bị lạm dụng bởi những giáo sư giả vẫn tìm cách thương mại hóa Hội Thánh. Ngay từ lúc bắt đầu làm việc Chúa tại Cô-rinh-tô, Phao-lô đã nhận thấy một số tín đồ do mình dắt đem tin Chúa có những khuynh hướng làm thủ lãnh vì tham lợi; vậy nên ông đã tự chế. Một trong những điều ông có thể tự khoe mình, ấy là họ không thể nào tố cáo ông tham lợi.
Rồi trong một khúc sách có sức mạnh bi đát (câu 22, 23), ông thách thức những kẻ chỉ trích hãy tự so sánh mình với ông về mọi phương diện: Ông là một người Hê-bơ-rơ trung kiên; là một tôi tớ hữu hiệu của Ðấng Christ (ông làm việc nhiều hơn cả bọn họ cộng chung lại); và cũng là người chịu khổ vì Ðấng Christ (cả sự nghiệp ông, với tư cách Sứ đồ của Ðấng Christ, là một cuộc sống trong tuận đạo liên tục).

Ðoạn 12 -- Cái Giằm Xóc Vào Thịt Phao-lô
Ông được sự hiện thấy về Thiên đàng (câu 1-7). Ông "được đem lên đến (1) chốn Ba-ra-đi" (câu 4), "lên đến(2) từng trời thứ ba" (câu 2), dường như "Ba-ra-đi" và "từng trời thứ ba" là hai khu đặc biệt của thế giới tương lai. Ðức Chúa Jêsus vào Ba-ra-đi ngay sau khi chết (Lu-ca 23:43). Còn "từng trời thứ ba" thì không có chỗ nào khác trong Kinh Thánh dùng danh từ ấy, khả dĩ soi sáng ý nghĩa của nó. Có người cho rằng đó là hai danh từ đồng nghĩa chỉ về nơi ở của Ðức Chúa Trời. Nhưng Phao-lô dùng chữ "vào " cho "Ba-ra-đi" và chữ "tận" cho từng trời thứ ba, thì dường như đây là hai chỗ đặc biệt. Vì Ðức Chúa Jêsus vào ngay Ba-ra-đi, nên người ta cho rằng Ba-ra-đi là nơi ở của các thần linh đã lìa khỏi thân thể, giữa sự chết và sự sống lại. Còn từng trời thứ ba, thì người ta cho là nơi ở sau chót của những người được cứu chuộc khi thân thể họ đã sống lại rồi. Ðó là cuộc sống bội phần vinh hiển hơn cuộc sống ở Ba-ra-đi, cũng như Ba-ra-đi bội phần vinh hiển hơn cuộc sống trên mặt đất. Sự dạy dỗ của Tân Ước dường như hàm ý rõ ràng rằng có một tình trạng ở giữa sự chết và sự sống lại (xem lời chú giải ở dưới, đoạn 5). Những điều Phao-lô thấy và nghe, thì ông "không có phép nói ra" (câu 4). Ðây có thể có nghĩa là Ðức Chúa Trời muốn bổ sức cho Phao-lô để thi hành sứ mạng đặc biệt và để chịu sự đau đớn đặc biệt, nên Ngài cho ông sự hiện thấy đặc biệt về vinh hiển tương lai mà một phần ông không được phép bày tỏ cho kẻ khác. Nhưng nếu dịch là: "không thể nói ra" thì có lẽ đúng hơn dịch là: "Không có phép nói ra;" trong trường hợp nầy, sẽ có nghĩa là ngôn ngữ loài người không đủ diễn tả sự vinh hiển của Thiên đàng; ấy cũng như không thể bày tỏ ý niệm về màu sắc cho một người mù từ thuở sanh ra.
Cái giằm xóc vào thịt Phao-lô (câu 7). Một vài học giả Kinh Thánh cho rằng đây là chứng kinh phong. Người khác cho là bịnh sốt rét, hoặc chứng nhức đầu dữ dội. Nhưng ý kiến thông thường hơn hết là ông mắc chứng nhãn viêm kinh niên (ophtalmie chronique), chẳng những đau đớn, nhức nhối vô cùng, song còn nhiều lúc khiến ông có dung mạo xấu xí. ý kiến nầy dường như rút ra từ lời lẽ dùng trong các thơ tín của ông. "Giằm xóc vào thịt" ông từ 14 năm trước khi ông viết thơ tín nầy (câu 2, 7), tức là khoảng ông vào xứ Ga-la-ti, trong hành trình truyền giáo thứ nhứt. Sở dĩ ông vào xứ Ga-la-ti là vì bị một thứ tật nguyền nào đó trong thân thể (Ga-la-ti 4:13); dung mạo ông xấu xí đến nỗi trở thành một sự thử thách nặng nề cho mỗi người ở trước mặt ông (Ga-la-ti 4:14). Họ muốn tặng ông chính "con mắt" của mình (Ga-la-ti 4:15). Tại sao lại tặng con mắt, nếu đó chẳng phải là nhu cầu đặc biệt của ông? Ông cũng thường viết "chữ lớn" (Ga-la-ti 6:11), có lẽ vì mắt kém; đó là lý do ông đọc thơ tín cho người khác chép.

Ðoạn 13 -- Phao-lô Toan Ðịnh Ðến Thăm Hội-Thánh Cô-rinh-tô
Sự toan định nầy nhằm mùa hạ, năm 57 S.C.. Ông tới Cô-rinh-tô nhằm mùa thu, và ở đó 3 tháng (Công vụ các sứ đồ 20:3). Mùa xuân sau đó, ông ra đi, đem theo tiền lạc quyên đến Giê-ru-sa-lem.





(1) Chữ "Thánh Linh" ở câu 6 đáng nên dịch là "thần linh," vì không chỉ về Ngôi thứ Ba của Ðức Chúa Trời.
(1) Theo bản tiếng Anh là: "được cất lên vào chốn..."
(2) Theo bản tiếng Anh là: "lên tận từng trời..."

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.