II Sa-mu-ên


Ðời trị vì của Ða-vít, Ða-vít là đầu của một triều vua đời đờI

Ðoạn 1 đến 6
Ða-vít buồn rầu vì cớ Sau-lơ tử trận. Ða-vít được tôn làm vua miền đất Giu-đa. Giao chiến 7 năm với Ích-bô-sết, con trai Sau-lơ. Ða-vít được tôn làm vua cả nước Y-sơ-ra-ên. Giê-ru-sa-lem được chọn làm thủ đô toàn quốc. Hòm giao ước được đưa về Giê-ru-sa-lem.

Ðoạn 7 -- Ðức Chúa Trời hứa ban cho Ða-vít ngôi vua đời đời
Cựu Ước là truyện tích về Ðức Chúa Trời đối xử với quốc gia Hê-bơ-rơ cốt để một ngày kia, họ có thể ban phước cho muôn dân.
Truyện tích nầy lần lần phát triển, thì có lời giải thích rằng quốc gia Hê-bơ-rơ sẽ bởi gia tộc Ða-vít mà ban phước cho muôn dân.
Truyện tích nầy phát triển hơn nữa, thì có lời giải thích thêm rằng gia tộc Ða-vít sẽ ban phước cho thế giới do trung gian của một Vua Cao Trọng, ngày kia sẽ sanh ra trong gia tộc ấy: Chính Ngài sẽ sống đời đời và sáng lập một Nước Vô Cùng Tận.
Trong đoạn 7 của sách II Sa-mu-ên nầy, bắt đầu một loạt nhiều lời hứa rằng gia tộc Ða-vít sẽ cai trị dân Ðức Chúa Trời cho đến đời đời; nghĩa là từ gia tộc Ða-vít sẽ phát xuất một triều vua mà tuyệt điểm là một Vua Ðời Ðời. Dưới đây là một vài lời hứa thuộc loại ấy.
"Ngôi ngươi sẽ được vững lập đến mãi mãi" (7:16). (Ðức Chúa Trời phán với Ða-vít).
"Nhược bằng các con trai ngươi cẩn thận về đường lối mình, hết lòng, hết ý theo lẽ thật mà đi ở trước mặt Ta, thì ngươi sẽ chẳng hề thiếu người ngồi trên ngôi Y-sơ-ra-ên (I Các vua 2:4). (Ðức Chúa Trời phán với Ða-vít. Lời hứa nầy thoạt tiên có điều kiện, nhưng về sau là bất biến, vì Vua đời đời đã giữ trọn điều kiện).
"Con trai mà ngươi sẽ sanh ra,... tên nó sẽ là Sa-lô-môn;... Ta sẽ lập ngôi nước nó trên Y-sơ-ra-ên được bền vững đời đời" (I Sử ký 22:8, 9, 10). (Ðức Chúa Trời phán với Ða-vít).
"Nếu ngươi khứng đi trước mặt Ta như Ða-vít, cha ngươi đã làm,... thì Ta sẽ lập nước ngươi được bền vững, y theo lời ước Ta đã kết với Ða-vít, cha ngươi, mà rằng: Ngươi sẽ chẳng hề thiếu người quản trị Y-sơ-ra-ên" (II Sử ký 7:17, 18). (Ðức Chúa Trời phán với Sa-lô-môn).
"Ta đã lập giao ước cùng kẻ được chọn của Ta, Ta đã thề cùng Ða-vít, kẻ tôi tớ Ta, mà rằng: Ta sẽ lập dòng dõi ngươi đến mãi mãi, và dựng ngôi ngươi lên cho vững bền đến đời đời...
Lại Ta cũng sẽ làm ngươi thành Con Trưởng nam ta, Vua cao hơn hết các vua trên đất...
Lập cùng ngươi giao ước Ta cho vững bền. ta cũng sẽ làm cho dòng dõi ngươi còn đến đời đời, và ngôi ngươi còn lâu dài bằng các ngày của trời...
Ta sẽ không hề bội giao ước Ta, cũng chẳng đổi lời đã ra khỏi môi miệng Ta. Ta đã chỉ sự thánh Ta mà thề một lần, cũng sẽ không hề nói dối với Ða-vít... Ngôi ấy sẽ được lập vững bền mãi mãi" (Thi Thiên 89:3, 4, 27-29, 34-37).
"Ðức Giê-hô-va đã thề quyết với Ða-vít, Ngài cũng chẳng hề bội mà rằng: Ta sẽ đặt trên ngôi ngươi một con ngươi sanh ra" (Thi Thiên 132:11).
"Trong ngày đó, Ta sẽ dựng lại nhà tạm của Ða-vít, là nhà đã đổ,... đến nỗi chúng nó sẽ thâu được... hết thảy các nước được xưng bởi Danh Ta, Ðức Giê-hô-va phán vậy" (A-mốt 9:11, 12).
"Vì có một Con Trẻ sanh cho chúng ta, tức là một Con Trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Ðấng Lạ lùng, là Ðấng Mưu Luận, là Ðức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Ðời Ðời, là Chúa Bình an. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Ða-vít" (Ê-sai 9:5-7).
"Có một Chồi sẽ nứt lên từ gốc Y-sai, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái... đứng lên làm cờ cho muôn dân, các nước đều tìm đến Ngài" (Ê-sai 11:1, 10).
"Hỡi Bết-lê-hem (thành Ða-vít),... từ nơi ngươi sẽ ra cho Ta một Ðấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng... Ngài sẽ làm lớn cho đến các đầu cùng đất" (Mi-chê 5:1-3).
"Hỡi đất, đất, đất! Hãy nghe lời của Ðức Giê-hô-va... Ðức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ Ta sẽ dấy lên cho Ða-vít một Nhánh Công bình. Ngài sẽ cai trị làm Vua... Người ta sẽ xưng Danh Ðấng ấy là: ÐỨức Giê-Hô-Va Sự Công Bình Chúng Ta" (Giê-rê-mi 22:29; 23:5-6).
"Nếu các ngươi có thể phá giao ước ban ngày của Ta, đến nỗi chẳng có ngày và đêm trong kỳ nó nữa, thì mới có thể phá giao ước của Ta với Ða-vít" (Giê-rê-mi 33:20, 21).
"Nầy, quả thật, ta sẽ làm cho đầy tớ Ta, là Chồi, dấy lên... Ta sẽ cất sự gian ác khỏi đất nầy trong một ngày" (Xa-cha-ri 3:8, 9).
"Có một người tên là Chồi mống,... người ấy sẽ xây Ðền thờ Ðức Giê-hô-va; và chính người sẽ được sự oai nghiêm, ngồi cai trị trên ngôi mình... Quyền thế Ngài sẽ trải từ biển nầy đến biển kia, từ Sông cái cho đến các đầu cùng đất" (Xa-cha-ri 6:12, 13; 9:10).
"Trong ngày đó,... nhà Ða-vít sẽ như Ðức Chúa Trời... Trong ngày đó sẽ có một Suối mở ra cho nhà Ða-vít,... vì tội lỗi và sự ô uế" (Xa-cha-ri 12:8; 13:1).
Như vậy, lời hứa rằng một Vua đời đời sẽ dấy lên từ gia tộc Ða-vít được nhắc đi nhắc lại cho Ða-vít và Sa-lô-môn, trong các Thi Thiên, bởi các đấng tiên tri A-mốt, Ê-sai, Mi-chê, Giê-rê-mi và Xa-cha-ri, trải qua một thời kỳ gần 500 năm.
Rồi khi kỳ hạn đã trọn, thiên sứ Gáp-ri-ên được sai đến thành Na-xa-rét, gặp ma-ri, thuộc dòng Ða-vít, mà phán rằng: Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Ðức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một Con Trai, mà đặt tên là JÊSUS. Con Trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Ðấng Rất cao; và Chúa, là Ðức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Ða-vít, là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, Nước Ngài vô cùng" (Lu-ca 1:30-33).
Trong Con Trai Nầy, các lời hứa cho Ða-vít sẽ được ứng nghiệm.

Ðoạn 8, 9, 10 -- Các cuộc đắc thắng của Ða-vít
Sau khi Sau-lơ qua đời, thì Ða-vít được tôn làm vua đất Giu-đa, đóng đô tại Hếp rôn. 7 năm sau, ông được tôn làm vua cả nước Y-sơ-ra-ên. Lúc lên ngôi vua, ông được 30 tuổi. Ông trị vì đất Giu-đa 7 năm rưỡi, và trị vì cả nước Y-sơ-ra-ên 33 năm; tổng cộng là 40 năm (5:3-5). Lúc qua đời, ông được 70 tuổi.
Sau khi lên làm vua cả nước Y-sơ-ra-ên ít lâu, Ða-vít thiên đô về Giê-ru-sa-lem. Từ thời Giô-suê, chỉ có Giê-ru-sa-lem đương đầu được với quân lực Y-sơ-ra-ên. Vì thành nầy ở vị trí không ai chiếm được và vì có truyền thoại về Mên-chi-xê-đéc, là thầy tế lễ của Ðức Chúa Trời Chí cao, nên Ða-vít cho rằng nó đáng làm thủ đô toàn quốc hơn hết. Ông bèn chiếm lấy Giê-ru-sa-lem, đem hòm giao ước của Ðức Chúa Trời vào đó, và lập kế hoạch xây cất Ðền thờ (đoạn 5, 6, 7).
Ða-vít giao chiến rất thắng lợi. Ông hoàn toàn khắc phục các dân Sy-ri, Phi-li-tin, Mô-áp, Ê-đôm, Am-môn, A-ma-léc và mọi nước lân cận thù địch ở giữa Ai-cập và sông Ơ-phơ-rát. "Hễ nơi nào Ða-vít đi đến, thì Ðức Giê-hô-va cho người được thắng" (8:6).

Ðoạn 11, 12 -- Ða-vít và Bát-sê-ba
Ðây là vết đen thui trên cuộc đời Ða-vít: Ông phạm tội ngoại tình rồi cố sát để che giấu tội ngoại tình ấy. Sự hối hận làm cho lòng ông tan vỡ. Ðức Chúa Trời tha thứ cho ông, nhưng Ngài tuyên án khủng khiếp: "Gươm chẳng hề thôi hủy hoại nhà ngươi" (12:10), và thật đã có như vậy. Ða-vít gặt chính cái mình đã gieo, và hơn nữa; thật là mùa gặt dai dẳng, nặng nhọc và cay đắng. Con gái ông, là Ta-ma, bị anh, là Am-môn, cưỡng hiếp, rồi chính Am-môn lại bị anh, là Áp-sa-lôm, giết chết. Áp-sa-lôm cầm đầu một cuộc dấy loạn chống lại cha mình, là Ða-vít, rồi bị giết trong một trận đánh. Các cung phi của Ða-vít đã bị hãm hiếp công khai, cũng như ông đã lén lút cưỡng hiếp vợ của vị anh hùng U-ri. Như vậy, đời trị vì vinh quang của Ða-vít đã bị mờ ám vì khổ nạn không dứt trong những năm sau cùng. Thật là một bài học quí giá cho những ai tưởng mình có thể phạm tội, phạm tội, phạm tội, rồi tự gỡ thoát tội lỗi được!
Tuy nhiên, đây là "một người theo lòng Ngài" (I Sa-mu-ên 13:14; Công vụ các sứ đồ 13:22). Phản ứng của Ða-vít đối với tội mình tỏ ra ông thật là người như vậy. Một vài Thi Thiên, như Thi Thiên 32 và 51, đã phát sanh từ quá trình cay đắng nầy.

Ðoạn 13 đến 21 -- Các khổ nạn của Ða-vít
Ta-ma bị cưỡng hiếp. Am-môn bị hạ sát. Áp-sa-lôm chạy trốn. Áp-sa-lôm được gọi về.
Áp-sa-lôm lập mưu cướp nước (đoạn 15 đến 19). Chắc Áp-sa-lôm biết rằng Sa-lô- môn đã được chọn làm vua kế vị Ða-vít. Vậy nên chàng cố cướp ngôi của cha mình, là Ða-vít. Xét khoảng dành cho sự tường thuật biến cố nầy, chắc ta thấy đây là một sự rối loạn lớn nhứt trong đời trị vì của Ða-vít. Nó cũng tỏ ra khuyết điểm của mấy cố vấn mà Ða-vít tin cậy hơn hết, và làm cho lòng ông tan nát. Nhưng đến cuối cùng, Áp-sa-lôm đã bị giết, và Ða-vít lại khôi phục được ngôi vua.
Rồi tới sự dấy loạn của Sê-ba (đoạn 20).-- Vì Áp-sa-lôm toan cướp ngôi, nên chắc oai quyền của Ða-vít trên dân chúng suy giảm đi. Vậy, Sê-ba toan lợi dụng cơ hội ấy, nhưng chẳng bao lâu, hắn bị đè bẹp. Bấy giờ, quân Phi-li-tin lại trở thành bạo dạn (đoạn 21), nhưng Ða-vít lại toàn thắng.

Ðoạn 22 -- Bài ca ngợi khen của Ða-vít
Tại đây, cũng như trong nhiều Thi Thiên khác, Ða-vít bày tỏ lòng mình tin cậy Ðức Chúa Trời, chẳng hề mòn mỏi, cùng lòng cảm kích vô biên đối với Ðức Chúa Trời vì Ngài hằng săn sóc mình.

Ðoạn 23 -- Những lời cuối cùng của Ða-vít
Ðây là Thi Thiên cuối cùng của ông. Nó tỏ ra tâm trí Ða-vít chú trọng vào những gì lúc ông đi hết đường đời vinh quang mà đầy hoạn nạn: Ấy là sự công bình trong đời trị vì của ông, việc ông trứ tác các Thi Thiên, lòng ông quí mến Lời Ðức Chúa Trời, giao ước của Ðức Chúa Trời lập với ông về một triều vua đời đời, và đến cuối cùng, kẻ không tin thờ Ðức Chúa Trời sẽ bị tiêu diệt.

Ðoạn 24 -- Kiểm tra dân số
Chúng ta khó thấy tại sao kiểm tra dân số trong nước lại là tội lỗi. Chính Ðức Chúa Trời đã ra lịnh kiểm tra dân số lúc bắt đầu và lúc chấm dứt 40 năm lưu lạc trong đồng vắng (Dân số ký 1:2; 26:2) Có lẽ trong trường hợp nầy, sự kiểm tra dân số tỏ ra rằng Ða-vít vốn suốt đời bền lòng và tuyệt đối tin cậy Ðức Chúa Trời, nhưng bây giờ lại bắt đầu sa sút mà toan nương cậy sự hùng cường của nước mình. Sự kiểm tra dân số là ý tưởng của quỉ Sa-tan (I Sử ký 21:1). Có lẽ nó cho đó là cơ hội để khiến Ða-vít bỏ lòng tin cậy Ðức Chúa Trời mà tự tin cậy mình. Dầu sao, Ðức Chúa Trời coi hành động đó là một tội lỗi đáng bị hình phạt.
Theo sự kiểm tra dân số, thì có chừng một triệu rưỡi chiến sĩ, không kể người Lê-vi và người Bên-gia-min (I Sử ký 21:5), hoặc tổng số nhơn dân chừng 5 triệu.
Ðể hình phạt, Ðức Chúa Trời giáng dịch lệ hành hại thành Giê-ru-sa-lem. Ða-vít dựng một bàn thờ tại chỗ tay của thiên sứ ngừng lại (câu 25). Và Sa-lô-môn đã xây cất Ðền thờ tại chỗ Ða-vít dựng bàn thờ đó (II Sử ký 3:1).

Ða-vít
Tổng quát, Ða-vít là một nhơn vật vĩ đại: Ông có nhơn tánh mãnh liệt, xung động, tận tụy, khoan hồng đối với kẻ lầm lỗi. Ông đã làm một vài điều rất trái phép, nhưng với tư cách một vua Ðông-phương, ông là người rất đáng kính chuộng. Ông tận tâm, tận tụy với Ðức Chúa Trời và các đường lối của Ngài. Trong một thế giới thờ lạy hình tượng và trong một quốc gia luôn luôn sa ngã vào sự thờ lạy hình tượng. Ða-vít đứng vững như một vầng đá về phía Ðức Chúa Trời. Trong mọi trường hợp ở đời, ông đi thẳng đến Ðức Chúa Trời bởi lời cầu nguyện, cảm tạ và ngợi khen. Hai công trạng vĩ đại của ông là: Thực hiện vương quốc và trứ tác các Thi Thiên.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.