Ðời trị vì của Sa-lô-môn, Ðền thờ
Lịch sử nước Giu-đa sau khi 10 chi phái ly khai
Lịch sử nước Giu-đa sau khi 10 chi phái ly khai
Sách II Sử ký cùng một đề tài như hai sách Các vua, duy nó bỏ qua không tường thuật lịch sử các vua của 10 chi phái ly khai.
Ðoạn 1 đến 9 -- Ðền thờ và vinh quang đời trị vì của Sa-lô-môn(cũng xem thêm I Các vua 1 đến 11)
Trong 400 năm, dân Y-sơ-ra-ên chỉ có một nhà trại làm nơi Ðức Chúa Trời ngự giữa họ; dường như Ðức Chúa Trời cũng hài lòng với sự sắp đặt ấy (II Sa-mu-ên 7:5-7). Tuy nhiên, khi xét là thích đáng cho họ có một Ðền thờ, thì Ðức Chúa Trời muốn phán một lời về Ðền thờ phải được kiến trúc thể nào. Chính tay Ngài "chép ra kiểu mẫu" (I Sử ký 28:19; Xuất Ê-díp-tô ký 25:9) mà trao cho Ða-vít, vì Ngài thỏa hiệp với ước muốn của họ rằng Ðền thờ "phải rất nguy nga, có danh tiếng rực rỡ trong các nước" (I Sử ký 22:5).
Ða-vít muốn xây cất Ðền thờ, nhưng Ðức Chúa Trời không cho phép, vì ông là một chiến sĩ (I Sử ký 22:8). Ðức Chúa Trời đã giúp Ða-vít trong các cuộc chiến tranh của ông. Nhưng dường như Ðức Chúa Trời nghĩ rằng một chiến sĩ xây cất nhà Ngài thì không phải là tốt nhứt, e rằng các dân tộc bị trị phục sẽ thù oán Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; ấy vì rốt lại, mục đích của Ngài khi sáng lập quốc gia Hê-bơ-rơ chính là để nhờ họ dắt đem các dân tộc khác đến cùng Ngài.
Ðền thờ xây bằng những phiến đá lớn, xà và ván bằng gỗ hương nam bên trong cẩn vàng (I Các vua 6:14-22; 7:9-12). Vàng, bạc và những vật liệu khác dùng xây cất Ðền thờ (I Sử ký 22:14-16; 22:2-9) thì nhiều người tính phỏng là đáng giá từ 2 đến 5 tỷ Mỹ kim; chắc hẳn đó là công trình kiến trúc quí giá và nguy nga nhứt trên mặt đất đương thời ấy. Vẻ huy hoàng, đồ sộ của Ðền thờ có lẽ đã hữu ích một phần nào; nhưng vàng của nó gây cho các vua khác tham lam, thèm muốn, do đó mà nước Y-sơ-ra-ên bị rối reng.
Ðền thờ xây cất theo kiểu mẫu tổng quát của Ðền tạm, phần nào cũng rộng gấp hai; ấy nghĩa là nếu tính một "thước" Do-thái được chừng 48 phân tây, thì Ðền thờ dài chừng 28 thước 80 phân tây, ngang chừng 9 thước 60 phân, và cao chừng 14 thước 40 phân (I Các vua 6:2).
Ðền thờ nhìn về phía Ðông. 9 thước 60 ở phía Tây là Nơi Chí thánh, còn 19 thước 20 phân ở phía Ðông thì là Nơi Thánh (I Các vua 6:16-20). Hai nơi nầy có một cái màn phân cách (II Sử ký 3:14).
Trong Nơi Chí thánh có hòm giao ước được hai chê-ru-bin che phủ (I Các vua 6:23- 28). Trong Nơi Thánh, gần cái màn, ở chính giữa, có bàn thờ xông hương bằng vàng; và có 5 chơn đèn bằng vàng ở phía Bắc, 5 chơn đèn bằng vàng ở phía Nam, 5 bàn bánh trần thiết ở phía Bắc, 5 bàn bánh trần thiết ở phía Nam (I Các vua 7:48, 49; II Sử ký 4:8).
Ðằng trước, về phía Ðông, có một cái hiên cửa, bề dài bằng bề ngang của Ðền thờ (chừng 14 thước 40 phân) và rộng chừng 7 thước 20 phân. Trên hiên cửa có hai cây trụ bằng đồng; mỗi cây trụ có đường kính chừng 1 thước 92 phân tây, và cao chừng 11 thước 20 phân; mỗi cây trụ ở một bên hiên cửa (I Các vua 6:3; 7:15-21).
Dựa vào vách Ðền thờ, ở các phía Bắc, nam và Tây, có ba từng lầu, chia làm nhiều phòng cho các thầy tế lễ sử dụng (I Các vua 6:5-10).
Phía trước Ðền thờ có bàn thờ bằng đồng để dâng của lễ thiêu, bề dài và bề ngang chừng 9 thước 60 phần, và cao chừng 4 thước 80 phân (II Sử ký 4:1). Người ta tưởng rằng bàn thờ bằng đồng nầy ở ngay trên vầng đá tại đó Áp-ra-ham đã dâng Y-sác, và bây giờ gọi là "Vầng Ðá Mái Vòm;" hiện nay vầng đá nầy ở ngay dưới trung tâm của giáo đường Hồi giáo. gần đó, ở phía Nam, có cái thùng lớn bằng đồng, hoặc "biển," hình tròn, đường kính chừng 4 thước 80 phân, sâu chừng 2 thước 56 phân, đặt trên 12 con bò bằng đồng, thảy đều đúc nguyên khối. Thùng nầy đựng nước cho các thầy tế lễ tắm rửa. Lại có 10 cái thùng nhỏ hơn, 5 ở phía Bắc, 5 ở phía Nam, để đựng nước rửa các của lễ (I Các vua 7:38, 39; II Sử ký 5:1-6).
Chung quanh Ðền thờ có hai hành lang: "Hành lang phía trong" và hành lang lớn" (I Các vua 6:36; 7:12). Chúng ta không biết kích thước của hai hành lang nầy. Người ta cho rằng có lẽ hành lang lớn gồm cả cung điện của Sa-lô-môn.
Ðền thờ do 30.000 người Y-sơ-ra-ên và 150.000 người Ca-na-an xây cất (I Các vua 5:13-16; II Sử ký 2:17, 18; 8:7-9). Hết 7 năm mới xây cất xong (I Các vua 6:38). Mỗi phần được chuẩn bị ở nơi xa vị trí Ðền thờ, và được đặt vào đúng chỗ mà không có tiếng búa hoặc dụng cụ nào (I Các vua 6:7).
Giê-ru-sa-lem được xây cất trên 5 ngọn đồi. Vách thành của Ða-vít ở trên ngọn đồi ở phía Ðông-nam. Còn vách thành của Sa-lô-môn, thì người ta nghĩ rằng nó ở trên hai ngọn đồi Trung-đông và Tây-nam. Cung điện của Sa-lô-môn ở mạn dưới đồi, ngay phía Nam của hành lang Ðền thờ. Ở ngay phía Tây cung điện, có biệt cung của con gái Pha-ra-ôn; và ở phía Nam cung điện có phòng thiết triều của Sa-lô-môn; ở phía Nam phòng nầy có cái "cung rừng Li-ban" mà người ta cho là một kho chứa võ khí (I Các vua 7:2, 8). Bản đồ số 41 ở trang trước đây phác họa sơ sài những công trình tạo tác trên đây.
Ðền thờ do Sa-lô-môn xây cất đã tồn tại chừng 400 năm (970-586 T.C.). Ðền thờ do Xô-rô-ba-bên xây cất tồn tại được chừng 500 năm (520-20 T.C.). Ðền thờ do Hê-rốt xây cất tồn tại được 90 năm (20 T.C.-70 S.C.).
Bản đồ số 41 --
Ðền thờ và cung điện do Sa-lô-môn xây cất có lẽ được sắp đặt như thế nầy
Các Ðền thờ của Ðức Chúa Trời
Ðền tạm.-- Chỉ là một nhà trại. Nó là nơi ngự nhứt định của Ðức Chúa Trời giữa dân Y-sơ-ra-ên trong 400 năm. Phần lớn thời gian nầy, Ðền tạm đặt tại Si-lô (xem thêm Xuất Ê-díp-tô ký 25 đến 40).
Ðền thờ do Sa-lô-môn xây cất.-- Vinh quang của nó chẳng lâu bền. Bị cướp bóc 5 năm sau khi Sa-lô-môn băng hà. Bị quân Ba-by-lôn phá hủy năm 586 T.C..
Ðền thờ của Ê-xê-chi-ên.-- (Ê-xê-chi-ên 40-43).-- Không phải một Ðền thờ thực sự, nhưng là sự hiện thấy về Ðền thờ tuyệt đẹp sẽ được xây dựng lại trong tương lai.
Các nhà hội.-- Dựng lên trong thời kỳ lưu đày. Không phải Ðền thờ, mà là những nhà nhỏ ở các trú khu Do-thái rải rác, dùng trong những cuộc nhóm họp địa phương.
Ðền thờ do Xô-rô-ba-bên xây cất.-- Xây xất sau khi dân chúng từ chốn lưu đày hồi hương. Xem phần luận về sách "E-xơ-ra" và "Nê-hê-mi." Tồn tại được 500 năm, cho đến khi được thay thế bởi Ðền thờ do Hê-rốt xây cất.
Ðền thờ do Hê-rốt xây cất.-- Ðây là Ðền thờ mà Ðấng Christ đã ngự vào. Do Hê-rốt xây cất bằng cẩm thạch và vàng. Nguy nga khôn tả xiết. Bị quân La-mã phá hủy năm 70 S.C.. Xem dưới Giăng 2:13, 14 và Ma-thi-ơ 24.
Thân thể Ðấng Christ.-- Ðức Chúa Jêsus gọi thân thể Ngài là một Ðền thờ (Giăng 2:19-21). Trong Ngài, Ðức Chúa Trời đã ngự giữa loài người. Ðức Chúa Jêsus phán rằng các Ðền thờ trần gian không cần thiết cho sự thờ phượng Ðức Chúa Trời (Giăng 4:20-24).
Hội Thánh, về toàn thể, là Ðền thờ của Ðức Chúa Trời, nơi Ngài ngự trong thế gian nầy (I Cô-rinh-tô 3:16-19).
Mỗi tín đồ cá nhơn là một Ðền thờ của Ðức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 6:19), mà Ðền thờ huy hoàng do Sa-lô-môn xây cất có thể làm hình bóng cho.
Các nhà thờ mà ta xây cất cũng có khi được gọi là Ðền thờ của Ðức Chúa Trời, nhưng không có chỗ nào trong Kinh Thánh gọi như vậy.
Ðền thờ ở trên trời.-- Ðền thờ là kiểu mẫu của một cái gì ở trên trời (Hê-bơ-rơ 9:11, 24). Sứ đồ Giăng đã thấy một Ðền thờ ở trên trời (Khải Huyền 11:19). Nhưng về sau, chính Ðức Chúa Trời và Chiên Con đã trở nên Ðền thờ (Khải Huyền 21:22).
Ðoạn 10, 11, 12 -- Rô-bô-am, vua Giu-đa (933-916 T.C.)
Con trai của Sa-lô-môn. Trị vì 17 năm. Cũng được chép ở I Các vua 12, 13, 14. Ông là một thanh niên cuồng dại. Dưới đời trị vì của ông, nước huy hoàng của Sa-lô-môn vụt từ tuyệt điểm vinh quang sa xuống đáy hổ nhục và hèn mọn. Trong 12 chi phái, thì 10 đã ly khai khỏi nước ông; và Si-sắc, vua Ai-cập, đã cướp bóc thành Giê-ru-sa-lem (12:2-9).
Bí Chú Khảo Cổ: Si-sắc xâm lăng nước Giu-đa
Chính Si-sắc đã ghi khắc cuộc chiến tranh nầy trên vách phía Nam của miễu lớn thờ thần Amon tại Karnak; ông nói rằng mình dâng 156 thành của xứ Pa-lét-tin cho thần Amon của mình.
Người ta đã tìm thấy một lớp tro do ông thiêu đốt thành Ki-ri-át-Sê-phe. Cũng tìm thấy một đài kỷ niệm mà ông đã dựng tại Mê-ghi-đô.
Năm 1939, người ta tìm thấy xác ướp của Si-sắc tại Tanis, trong một quan tài bằng bạc bọc vàng nguyên khối; có lẽ đây là một số vàng của Sa-lô-môn mà ông đã cướp tại Giê-ru-sa-lem.
Ðoạn 13 -- A-bi-gia, vua Giu-đa (915-913 T.C.)
Trị vì 3 năm. Cũng được chép ở I Các vua 15:1-8. Gian ác như cha mình. Nhưng khi giao chiến với Giê-rô-bô-am, ông "nhờ cậy nơi Giê-hô-va Ðức Chúa Trời" (câu 18) và đánh bại kẻ thù, chiếm lại được một số thành ở phía Bắc.
Ðoạn 14, 15, 16 -- A-sa, vua Giu-đa (912-972 T.C.)
Trị vì 41 năm. Cũng được chép ở I Các vua 15:9-24. Ðời trị vì lâu dài của ông trùm lấn đời trị vì của 7 vua nước phía Bắc, từ lúc hết đời trị vì của Giê-rô-bô-am tới lúc bắt đầu đời trị vì của A-háp. Ông là một vua tốt, rất sốt sắng hầu việc Chúa. Một luồng sóng cải cách lớn lao tràn cuốn khắp xứ. Ông phá hủy bàn thờ thần ngoại bang, nơi cao, trụ thờ, hình mặt trời và A-sê-ra. Ông tống đuổi bọn vĩ gian, và cất chức thái hậu của chính mẹ mình vì bà nầy thờ lạy một hình tượng. Nước rất được thạnh vượng.
Ðoạn 17, 18, 19, 20 -- Giô-sa-phát, vua Giu-đa (874-850 T.C.)
Trị vì 25 năm. Cũng được chép ở I Các vua 22:41-50. Rất mộ đạo, ông "tìm cầu Ðức Chúa Trời của tổ phụ mình" (17:4). Ông thiết lập một chế độ giáo dục công cộng, sai các thầy tế lễ và người Lê-vi đi tuần hành thường xuyên, đem theo sách Luật pháp để dạy dỗ dân chúng. Ông lập những tòa án khắp cả nước, với một tòa thượng thẩm ở Giê-ru-sa-lem. Ông duy trì một đạo quân lớn và tự tỏ ra là hết sức hùng mạnh.
Ðoạn 21 -- Giô-ram, vua Giu-đa (850-843 T.C.)
Trị vì 8 năm. Cũng được chép ở II Các vua 8:16-24. Con trai và cháu nội của hai vua hiền đức, nhưng đã trở nên hư xấu vì cưới phải một người nữ gian ác, là A-tha-li, con gái của Giê-sa-bên vô hạnh. Dưới đời trị vì của ông, thành Giê-ru-sa-lem bị người Ả-rập và người Phi-li-tin cướp bóc. Ông mắc bịnh gớm ghiếc mà chết: "Ruột gan tan rớt ra" và "qua đời chẳng ai tiếc" (câu 19, 20).
Ðoạn 22:1-9 -- A-cha-xia, vua Giu-đa (834 T.C.)
Trị vì 1 năm. Cũng được chép ở II Các vua 8:25-29. Con trai của A-tha-li, cháu ngoại của Giê-sa-bên; một con cháu của nhà Ða-vít do một cuộc kết hôn kinh khiếp. Ông rất gian ác, và bị Giê-hu giết chết. Ấy là "ý Ðức Chúa Trời... gây cho người bị bại hoại" (câu 7).
Ðoạn 22:10-23:21 -- A-tha-li, nữ hoàng Giu-đa (843-837 T.C.)
Trị vì 6 năm. Cũng được chép ở II Các vua 11. Bà là con gái của Giê-sa-bên vô hạnh kia, và cũng quỉ quái như mẹ mình. Bà lấy Giô-ram, vua Giu-đa, và là mẹ của A-cha-xia, vua kế tiếp. Như vậy, ngoài 6 năm tự quyền cai trị, bà còn làm hoàng hậu 8 năm và làm thái hậu 1 năm; tổng cộng là 15 năm. Bà cuồng tín phụng sự tà thần Ba-anh, nên đã tàn sát chính các cháu nội của mình mà cướp ngôi vua.
Ðoạn 24 -- Giô-ách, vua Giu-đa (843-803 T.C.)
Trị vì 40 năm (có lẽ kể cả 6 năm của A-tha-li). Cũng được chép ở II Các vua 12. Giô-ách là cháu nội của A-tha-li. Ðang khi A-tha-li tàn sát dòng dõi nhà vua, thì Giô-ách, con trai của A-cha-xia, còn thơ ấu, đã được người ta đánh cắp và giấu trong Ðền thờ trong 6 năm Khi Giô-ách được 7 tuổi, thì Giê-hô-gia-đa, thầy thầy tế lễ thượng phẩm, là dượng rể của ông, đã lập mưu trừ bỏ A-tha-li và tôn ông lên làm vua. Giê-hô-gia-đa thật đã cầm quyền cai trị trọn đời mình. Dưới sự giám hộ của Giê-hô-gia-đa, Giô-ách đã trừ bỏ đạo Ba-anh trong xứ, sửa chữa Ðền thờ mà A-tha-li đã phá hủy, và lập lại sự thờ phượng Ðức Chúa Trời. Ông dùng một cái "hòm" để lạc quyên tiền bạc cho công cuộc sửa chữa; do đó mà trong các cuộc lạc quyên của Hội Thánh, người ta hay dùng danh từ "cái hòm của Giô-ách."
"Giô-ách làm điều thiện... trọn đời thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa" (câu 2). Nhưng sau khi Giê-hô-gia-đa qua đời, thì ông bội đạo và đặt hình tượng lên. Các quan trưởng vốn trải biết sự phóng túng thờ lạy tà thần A-sê-ra đã gây cho Giô-ách bị diệt vong. Thậm chí Giô-ách truyền lịnh ném đá chết Xa-cha-ri, là con trai của Giê-hô-gia-đa, người đã đặt ông lên ngôi vua. Vậy, trong vòng một năm sau khi Xa-cha-ri bỏ mạng, quân Sy-ri đã kéo đến, cướp bóc thành Giê-ru-sa-lem, giết các quan trưởng và "xử hình phạt cho Giô-ách" vì ông "đã lìa bỏ Giê-hô-va Ðức Chúa Trời" (câu 24). Ông lìa bỏ Chúa, nên dân chúng xây lại nghịch cùng ông.
Ðoạn 25 -- A-ma-xia, vua Giu-đa (803-775 T.C.)
Trị vì 29 năm. Cũng được chép ở II Các vua 14:1-22. Ông "làm điều thiện..., song lòng không được trọn lành" (câu 2). Ông giao chiến với người Ê-đôm, rồi thờ lạy các thần của chúng. Ông cũng giao chiến với quân Y-sơ-ra-ên, và thành Giê-ru-sa-lem bị vua Y-sơ-ra-ên cướp bóc.
Ðoạn 26 -- Ô-xia (A-xa-ria), vua Giu-đa (787-735 T.C.)
Trị vì 52 năm. Cũng được chép ở II Các vua 15:1-7. Người ta cho rằng ông đã đồng trị với cha mình, là A-ma-xia, trong một thời gian. Ông "làm điều thiện..., rắp lòng tìm kiếm Ðức Chúa Trời" (câu 4, 5). Ông "tìm kiếm bao lâu, thì Ðức Chúa Trời khiến cho ông đặng may mắn bấy lâu" (câu 5). Ông có một đạo quân đông đúc và những võ khí tối hảo. Ðã thắng người Phi-li-tin, Ả-rập và Am-môn. Rất chú trọng đến ngành canh nông. Nước được mở mang rộng nhứt kể từ khi mười chi phái ly khai. Nhưng ông đã đổi ra ngạo mạn, nên bị Ðức Chúa Trời giáng cho bịnh phung.
Bí Chú Khảo Cổ: Ô-xia
Một bi văn của Tiếc-lát-Phin-nê-xe(1), vua A-si-ri (747-727 T.C.), người đã bắt dân Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc đi làm phu tù, có ghi 4 lần: "A-xa-ria (Ô-xia), người Giu-đa."
Tấn sĩ E.L.Sukenik, nhơn viên Ðại học đường Hê-bơ-rơ ở Giê-ru-sa-lem, đã tìm thấy mộ chí của Ô-xia trong Nga quốc Khảo cổ Bảo tàng viện ở trên núi Ô-li-ve. Trên mộ chí có ghi bằng chữ A-ram, là thứ chữ đương thời Ðấng Christ, rằng: "Hài cốt của Ô-xia, vua Giu-đa, đã được đem tới đây, chớ mở." Ô-xia đã được táng trong thành Ða-vít (II Các vua 15:7); nhưng dường như vì một lý do nào đó, về sau người ta đã khai quật mộ phần và di chuyển hài cốt ông đến một nơi khác.
Ðoạn 27 -- Giô-tham, vua Giu-đa (749-734 T.C.)
Trị vì 16 năm, phần lớn thời gian đồng trị với cha mình. Cũng được chép ở II Các vua 15:32-38. Ông "trở nên cường thạnh, bởi vì ông đi đường chánh đáng trước mặt Ðức Giê-hô-va, là Ðức Chúa Trời mình" (câu 6), y như cha mình, là Ô-xia, đã làm vậy.
BÍ CHÚ KHẢO CỔ: Giô-tham
Trong đống đào bới tại Ê-xi-ôn-Ghê-be (I Các vua 9:26), người ta đã tìm thấy một cái ấn có ghi rằng: "Của Giô-tham."
Ðoạn 28 -- A-cha, vua Giu-đa (741-726 T.C.)
Trị vì 16 năm. Cũng được chép ở II Các vua 16. Dường như đã đồng trị với cha mình trong một thời gian, nhưng khác hẳn cha. Ông là một vua trẻ tuổi gian ác, làm trái hẳn chánh sách của tổ tiên. Ông tái lập sự thờ lạy Ba-anh, phục hưng sự cúng thờ Mo-lóc, và thiêu chính các con trai mình trong lửa. Nhưng các tà thần ấy chẳng cứu giúp ông chút nào. Quân Sy-ri và quân Y-sơ-ra-ên tấn công ông từ phía Bắc, quân Ê-đôm từ phía Ðông, và quân Phi-li-tin từ phía Tây. Vì cớ A-cha, nước Giu-đa bị hạ xuống rất thấp.
BÍ CHÚ KHẢO CỔ: A-cha
Người ta đã tìm thấy một cái ấn ghi chữ là thuộc về một "văn thần của A-cha."
A-cha và cống phẩm của ông nộp cho Tiếc-la-Phi-lê-se (câu 16; II Các vua 16:6-8). -- Một bi văn của Tiếc-la-Phi-lê-se ghi rằng: "Ta đã nhận cống phẩm của A-cha, người Giu-đa, gồm có vàng, bạc, chì, thiếc, vải gai. Ta hủy phá thành Ða-mách. Ta bắt được Rê-xin. Còn các võ quan của hắn thì ta đóng đít chúng vào cọc cho chết. Ta chặt hết vườn cây trái của hắn, và không để một cây nào còn đứng." Bi văn nầy ăn hiệp với bản tường thuật ở II Các vua 16 và Ê-sai 7.
Ðoạn 29, 30, 31, 32 -- Ê-xê-chia, vua Giu-đa (726-697 T.C.)
Trị vì 29 năm. Cũng được chép ở II Các vua 18, 19, 20. Thừa hưởng một nước hỗn loạn và một gánh nặng do sự tiến cống cho A-si-ri. Khởi sự trị vì với một cuộc cải cách lớn lao. Phá hủy các hình tượng mà A-cha đã dựng lên. Mở lại và dọn sạch Ðền thờ. Khôi phục sự thờ lạy Ðức Chúa Trời. "Nhờ cậy nơi Giê-hô-va Ðức Chúa Trời" (II Các vua 18:5). "Ðức Giê-hô-va ở cùng người; hễ người đi làm sự gì, đều được thành tựu" (II Các vua 18:7). Chiếm lại các thành Phi-li-tin và khôi phục được nền độc lập, chớ không phải lệ thuộc người A-si-ri nữa. Suốt đời ông trị vì, đấng tiên tri Ê-sai là vị cố vấn được ông tin cậy.
Năm thứ 6 đời trị vì của Ê-xê-chia (721 T.C.), nước phía Bắc sụp đổ. Năm thứ 14 đời trị vì của ông (713 T.C.), dường như San-chê-ríp, với tư cách thống tướng các đạo quân của cha mình, là Sa-gôn, đã xâm lăng nước Giu-đa, và Ê-xê-chia nộp cống phẩm cho hắn. Năm sau (713 T.C.), Ê-xê-chia lâm bịnh (II Các vua 20:1-11), và được Chúa hứa cho sống thêm 15 năm nữa. Rồi sứ giả Ba-by-lôn tới thăm ông (II Các vua 20:12-15), làm cho San-chê-ríp sanh lòng nghi ngờ, nên năm 701, hắn lại xâm lăng nước Giu-đa, Ê-xê-chia tu bổ vách thành, xây "kinh dẫn nước" (II Các vua 20:20), và chuẩn bị quân sự hùng mạnh. Sau đó có sự giải cứu cả thể bởi thiên sứ (II Các vua 19:35). Cuộc đắc thắng nầy khiến cho Ê-xê-chia được nhiều uy tín và thế lực.
Bí Chú Khảo Cổ:
Ê-xê-chia sửa sang vách thành (32:5) một cách vội vàng và cẩu thả, vì cớ áp lực do cuộc vây hãm của quân A-si-ri. Ðiều nầy được tỏ rõ nơi các vách thành trong tình trạng ngày nay. Người ta khám phá ra nền móng của "cái vách... ở phía ngoài" (II Sử ký 32:5) chạy song song với vách thành do Ða-vít xây xất; hai vách thành nầy cách nhau gần 10 thước tây.
Kinh(1) mà Ê-xê-chia đã đào (32:3, 4; II Các vua 20:20), để dẫn nước vào trong thành. Ðã tìm thấy cái kinh nầy. Khe Ghi-hôn, cũng gọi là "Suối trinh nữ," ở chơn phía Ðông của ngọn đồi Ô-phên, ở ngay ngoài vách thành.
Công nhân của Ê-xê-chia đục kinh qua đá cứng, ở dưới ngọn đồi, từ khe Ghi-hôn chạy dài chừng 850 thước về phía Tây-nam, đến hồ Si-lô-ê (II Các vua 20:20; Nê-hê-mi 3:15) ở phía trong vách thành; như vậy, nước khe Ghi-hôn không còn tự nhiên chảy vào khe Xết-rôn nữa. Trung bình, kinh nầy bề cao gần 2 thước tây và bề rộng chừng 80 phân tây, và nước từ hơn hai thước tây đổ xuống. Ở ngay miệng kinh, người ta đã tìm thấy bi văn Si-lô-ê.
Bi văn Si-lô-ê.-- Năm 1880, một học sanh trốn học đang chơi ở miệng kinh Ê-xê- chia, bỗng nhận thấy một vài dấu khắc trên vách đá, cách miệng kinh chừng 6 thước tây, ngó như chữ viết. Cậu bèn thưa với giáo sư, là Tấn sĩSchick, và ông nhận thấy đó là một bản tiếng Hê-bơ-rơ tường thuật sự đào kinh. Ông bèn sao lấy nhiều bản, rồi thình lình nó biến mất, nhưng lại tìm thấy trong túp lều của một người bổn xứ; anh nầy muốn bán lấy tiền. Nhà chức trách bèn tịch thâu nó, và gởi đến Bảo tàng viện Constantinople, đến nay vẫn còn ở đó. Bi văn chép rằng:
"Kinh đã đào xong. Và đây là truyện tích của kinh nầy. Ðang khi những thợ đục đá giơ cuốc lên, mỗi người giơ về phía kẻ lân cận mình (vì họ đối đầu với nhau), và đang khi họ còn cách nhau ba thước(2), thì bỗng nghe tiếng kẻ nọ kêu người kia; sau đó thì cuốc bổ vào cuốc, rồi nước từ khe đổ vào hồ, đường dài 1200 thước. Núi đá bên trên cao 100 thước."
San-chê-ríp xâm lăng nước Giu-đa (32:1).-- Trong cuộc xâm lăng nầy, hắn chiếm "các thành kiên cố của Giu-đa" (II Các vua 18:13), vây Giê-ru-sa-lem (II Các vua 18:17), rồi trở về mà không chiếm thành ấy (II Các vua 19:35, 36).
Người ta đã tìm thấy chính bản của San-chê-ríp tường thuật cuộc xâm lăng nầy, ghi trên một giáp trụ bằng đất sét tự tay hắn làm ra. Ngày nay, giác trụ nầy bày trong Bảo tàng viện của Ðông-phương Học-viện ở thành Chicago. Ghi rằng:
"Về phần Ê-xê-chia, vua Giu-đa, không chịu phục dưới ách của ta, thì ta đã dùng chiến cụ công phá, máy móc, mìn, đồ xoi lỗ hỏng và rìu mà vây và chiếm 46 thành kiên cố của nó cùng vô số thành nhỏ. Ta đã cướp chiến lợi phẩm gồm có 200.150 người nam, phụ, lão, ấu và ngựa, la, lừa, lạc đà, bò, chiên, không sao đếm được. Ta đã vây hãm Ê-xê-chia tại Giê-ru-sa-lem, là hoàng thành của hắn, chẳng khác chi một con chim ở trong lồng. Ta xây một dãy đồn lũy để đánh hắn, và đuổi trở về mỗi tên nào thò ra khỏi cổng thành. Những thành của hắn mà ta chiếm được thì ta ban cho vua Ách-đốt, vua Éc-rôn và vua Ga-xa."
Tuy rằng không một vua A-si-ri nào từng ghi chép một cuộc bại trận của mình, tỷ như cuộc bại trận của đạo quân San-chê-ríp trước vách thành Giê-ru-sa-lem (II Các vua 19:35, 36), nhưng thật cũng có ý nghĩa lắm khi ông không tự nhận đã chiếm được thành Giê-ru-sa-lem. Quả thật, đó là một điểm rất kỳ lạ minh xác truyện tích Kinh Thánh.
San-chê-ríp "vây La-ki" với "cả đạo binh của người" (32:1). Trên vách cung điện của San-chê-ríp ở Ni-ni-ve, ông Layard đã tìm thấy một bức chạm nổi mô tả việc ông đóng quân vây thành La-ki, có ghi khắc rằng: "San-chê-ríp, vua của thế giới, vua của A-si-ri, ngồi trên ngai và truyền đem chiến lợi phẩm của La-ki qua trước mặt mình."
Cống phẩm của Ê-xê-chia gởi cho San-chê-ríp (II Các vua 18:14-16). Bi văn ghi rằng: "Ê-xê-chia khiếp sợ oai ta. Hắn đã gởi dâng cống phẩm: 80 ta-lâng vàng, 800 ta-lâng bạc, bửu thạch, phấn hồng, ngà voi, cung nữ, nhạc công, và đủ thứ tặng vật."
La-ki và Ghi-bê-a (32:9; Ê-sai 10:29) được ghi trong số các thành chịu khổ nạn vì tay San-chê-ríp. Tại La-ki, phái đoàn khảo cổ Wellcome tìm thấy một lớp tro do hỏa hoạn xảy ra năm 700 T.C.. Còn tại Ghi-bê-a, ông Albright tìm thấy một lớp tro do hỏa hoạn cùng xảy ra năm ấy. Vậy, di tích xứ Pa-lét-tin vẫn còn mang dấu vết cuộc tấn công của San-chê-ríp.
San-chê-ríp bị chính các con trai mình hạ sát (32:21; II Các vua 19:36, 37). Một bi văn A-si-ri ghi rằng: "Ngày 20 tháng 10, San-chê-ríp đã bị các con trai mình giết trong một cuộc nổi loạn. Ngày 18 tháng 4, con trai ông, là Ê-sạt-ha-đôn, lên ngôi vua" (xem II Các vua 19:37).
Ðoạn 33:1-20 -- Ma-na-se, vua Giu-đa (697-642 T.C.)
Trị vì 55 năm. Cũng được chép ở II Các vua 21:1-18. Là vua Giu-đa gian ác nhứt, mà lại trị vì lâu năm nhứt. Làm lại các hình tượng mà Ê-xê-chia, cha của ông, đã phá hủy. Tái lập sự thờ lạy Ba-anh. Thiêu chính các con trai mình trong lửa. Nước phía Bắc vừa mới bị hủy diệt vì cớ tội ác của nó; nhưng thảm trạng ấy chẳng có ảnh hưởng đến Ma-na-se chút nào. Ông làm cho Giê-ru-sa-lem ngập huyết. Theo truyền thoại, thì ông đã cưa tiên tri Ê-sai làm hai.
Bí Chú Khảo Cổ: Ma-na-se
Một bi văn của Ê-sạt-ha-đôn, vua A-si-ri (681-668 T.C.) chép rằng: "Ta bắt buộc 22 vua ở xứ Tây phương cung cấp vật liệu để xây cất cung điện của ta." Trong số các vua ấy, hắn có ghi: "Ma-na-se, vua Giu-đa."
Ðoạn 33:21-25 -- A-môn, vua Giu-đa (641-640 T.C.)
Trị vì 2 năm. Cũng được chép ở II Các vua 21:19-25. Cũng gian ác như Ma-na-se.
Ðoạn 34, 35 -- Giô-si-a, vua Giu-đa (639-608 T.C.)
Trị vì 31 năm. Cũng được chép ở II Các vua 22, 23. Lên ngôi trị vì lúc mới 8 tuổi. Lúc 16 tuổi, ông đã bắt đầu tìm kiếm Ðức Chúa Trời của Ða-vít. Lúc 20 tuổi, ông khởi xướng những cuộc cải cách. Năm ông 26 tuổi, sự tìm được "quyển sách Luật pháp" đã đẩy mạnh các cuộc cải cách của ông, -- thật là cuộc cải cách triệt để mà nước Giu-đa từng trải qua. Nhưng lòng dân chúng đã chìm đắm trong sự thờ lạy hình tượng, vì đời trị vì lâu dài và gian ác của Ma-na-se hầu như xóa bỏ Ðức Chúa Trời khỏi tư tưởng của họ. Những cuộc cải cách của Giô-si-a đã hoãn lại, chớ không thể cản trở sự đoán phạt giáng trên nước Giu-đa mau lẹ. Các tiên tri Giê-rê-mi và Sô-phô-ni đã giúp việc ông.
Ðương thời Giô-si-a, cuộc xâm lăng của dân Sy-the (Cô-lô-se 3:11) trải qua miền Tây Á-châu như một thiên tai, và làm cho đế quốc A-si-ri suy yếu đi nhiều. Khi Pha-ra-ôn tiến đánh Cạt-kê-mít (35:20-24), thì đế quốc A-si-ri đang suy vi đã bị một đòn chí tử cuối cùng. Là chư hầu của A-si-ri, Giô-si-a cảm thấy mình có bổn phận tấn công Pha-ra-ôn tại Mê-ghi-đô, nên phải bỏ mạng.
Ðoạn 36:1-4 -- Giô-a-cha, vua Giu-đa (608 T.C.)
Trị vì 3 tháng. Cũng được chép ở II Các vua 23:30-34. Bị Pha-ra-ôn truất phế, giải về Ai-cập, và ông qua đời tại đó.
Ðoạn 36:5-8 -- Giê-hô-gia-kim (Ê-li-a-kim), vua Giu-đa (608-597 T.C.)
Trị vì 11 năm. Cũng được chép ở II Các vua 23:34-24:7. Ðược Pha-ra-ôn đặt làm vua, và phải nộp cống phẩm cho Pha-ra-ôn. Sau 3 năm, ông bị vua Ba-by-lôn khắc phục (Ða-ni-ên 1:1). Ông phụng sự vua Ba-by-lôn 3 năm, rối dấy loạn. Vua Ba-by-lôn bèn kéo quân tới, và bất thần xiềng ông mà đem về Ba-by-lôn (II Sử ký 36:6). Nhưng ông chưa dời khỏi thành Giê-ru-sa-lem, thì đã chết, hoặc bị giết, bị quăng ra ngoài và chôn như một con lừa (Giê-rê-mi 22:18, 19; 36:30). Ông vốn tự phụ, cứng lòng và gian ác, khác hẳn cha mình, là Giô-si-a. Ông là kẻ thù sâu cay của Giê-rê-mi và nhiều lần tìm các giết tiên tri nầy (Giê-rê-mi 26:21; 36:26).
Ðoạn 36:8-10 -- Giê-hô-gia-kin (Giê-cô-nia), vua Giu-đa (597 T.C.)
Trị vì 3 tháng. Cũng được chép ở II Các vua 24:6-17. Ông bị đem qua Ba-by-lôn, tại đó ông đã sống rất ít là 37 năm (II Các vua 24:15; 25:27).
Bí Chú Khảo Cổ: Giê-hô-gia-kin
Ấn viên quản gia của Giê-hô-gia-kin.-- Năm 1928, tại Ki-ri-át-Sê-phe, trong lớp tro do hỏa hoạn mà Nê-bu-cát-nết-sa gây nên, ông Kyle và ông Albright đã tìm thấy hai cái quai xách hũ có khắc chữ: "Thuộc về Ê-li-a-kim, quản gia của Giê-hô-gia-kin." Một trong hai cái quai nầy hiện nay để trong trường thần học Xenia, ở Pittsburgh(nước Mỹ). Năm 1930, ông Grant cũng tìm thấy dòng chữ khắc ấy tại Bết-sê-mết.
Giê-hô-gia-kin được tha và được cấp dưỡng (II Các vua 25:27, 30).-- Ông Albright phúc trình rằng trong đống di tích Vườn Treo ở Ba-by-lôn, ông Weidner đã phám phá ra những tấm bảng liệt kê tên những người được thường xuyên cấp phát dầu và lúa mì, trong số ấy có "Giê-hô-gia-kin, vua của xứ Giu-đa."
Ðoạn 36 -- Sê-đê-kia, vua Giu-đa (597-586 T.C.)
Trị vì 11 năm. Cũng được ghi chép ở II Các vua 24, 25. Ông được Nê-bu-cát-nết-sa đặt lên ngôi vua. Một vua nhu nhược. Năm thứ tư đời trị vì, ông đã đi thăm viếng kinh thành Ba-by-lôn. Nhưng về sau, ông dấy nghịch cùng Ba-by-lôn. Bấy giờ, Nê-bu-cát-nết-sa kéo quân tới, hủy phá thành Giê-ru-sa-lem, bắt Sê-đê-kia, móc mắt, xiềng lại mà đem về Ba-by-lôn, tại đó, ông đã chết trong ngục thất (Giê-rê-mi 52:11). Ðó là chung cuộc hiển nhiên của nước Ða-vít (xem thêm ở dưới II Các vua 25).
Ghê-đa-lia được đặt làm tổng đốc (II Các vua 25:22). Xem thêm Giê-rê-mi 40.
Phần dân sót lại chạy xuống Ai-cập (II Các vua 25:26). Xem thêm Giê-rê-mi 42.
Chiếu chỉ của Si-ru (36:32). Xem them E-xơ-ra 1.
Bí Chú Khảo Cổ: Sê-đê-kia
Sê-đê-kia chạy trốn "giữa hai vách thành' (II Các vua 25:4). Con đường ở giữa hai vách thành nầy ở phía Ðông-nam thành Giê-ru-sa-lem, và ngày nay ta có thể nhìn thấy một quãng dài 48 thước tây.