Khi Con Người Tự Cai Quản

Khi Con Người Tự Cai Quản

Kinh Thánh:      Sáng 11:1-9
Câu gốc:        "Phàm ai có lòng kiêu ngạo lấy làm gớm ghiếc cho Ðức Giê-hô-va. Quả thật nó sẽ chẳng được khỏi bị phạt" Châm 16:5
Mục đích:      Cho chúng ta thấy rằng khi con người tự cai quản và đặt Ðức Chúa Trời ra ngoài đời sống mình thì những hậu quả nào sẽ xảy ra.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chủ Nhật:
Một chính quyền mới.
 Sáng 9:1-6
Thứ Hai:
Sự thất bại của loài người.
 Sáng 11:1-9
Thứ Ba:
Làm tôi mọi cho tội lỗi.
 Rô-ma 6:14-23
Thứ Tư:
Một số người không biết Ðức Chúa Trời.
 Rô-ma 1:18-23
Thứ Năm:
Các nhà cầm quyền phải tôn kính Ðức Chúa Trời.
 E-xơ-ra 7:25-28
Thứ Sáu:
Cầu nguyện cho các nhà cầm quyền.
 ITim 2:1-04
Thứ Bảy:
Nhà cầm quyền gian ác sẽ bị hình phạt.
 Thi 2:1-12

            Có người cho rằng nhân loại sẽ tiến bộ mỗi ngày một cách không ngừng cho đến chừng lên tận các ngôi sao. Ngược lại, chúng ta thấy từ khi sa ngã, nhân loại ngày càng bại hoại một cách đáng sợ. Quỉ Sa-tan đã quả quyết "Ta sẽ lên trời, ta sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao của Ðức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về phương bắc, ta sẽ lên trên cao những đám mây, ta sẽ làm ra mình bằng Ðấng rất cao". Nhưng kết quả, nó phải xuống nơi âm phủ, sa vào nơi vực thẳm (Ê-sai 14:12-15). Dầu ngày nay, nhân loại, đã dùng khoa học đưa một đôi người lên cung trăng, rồi cũng từ đó trở về vị trí cũ của mình mà thôi. Hình thức là như vậy, còn đạo đức thì ngày càng tệ hại hơn. Vì vậy, số phận đời đời của nhân loại là sẽ "Bị ném xuống hồ lửa" (Khải 20:15) nếu không kịp thời ăn năn.
            Sau cơn đoán phạt bằng nước lụt, nhân loại vẩn muốn tự cai quản chứ không chịu phục tùng Chúa. Ðây hãy xem kết quả.

I. Con người sanh ra nhiều thứ tiếng (Sáng 11:1-7)
            Sách Sáng thế ký chép về nguồn gốc của vũ trụ, của sự sống của con người, của tội lỗi, của các thứ tiếng và của các chủng tộc. Nhiều thứ tiếng gây nhiều trở ngại cho sự thông công giữa người với người. Ðó cũng là hậu quả của tội lỗi.
            Từ sau cơn nước lụt cho đến chừng 100 năm sau, gia đình của Nô-ê đã thêm lên khoảng 30 nghìn người "Cả thiên hạ đều có một giọng nói và một thứ tiếng". Nhờ vậy, ai nấy hiệp nhất với nhau thành một sức mạnh đáng kể. Ðiều này cũng rất tốt và cũng rất xấu. Dùng sức mạnh để làm việc lành là rất tốt, song dùng sức mạnh để làm việc dữ thì rất xấu.
            Nhân loại đã đưa nhau đến một đồng bằng rộng rãi phì nhiêu tại xứ Si-nê-a. Họ dùng sức mạnh, sự khôn ngoan và tài nguyên sẵn có mà quyết định xây một thành phố, dựng một cái tháp giữa thành phố đó với 3 mục đích:
                        1. Tháp cao tận trời.
                        2. Ðể được rạng danh.
                        3. Ðể khỏi bị tản lạc khắp nơi.
            Chương trình của nhân loại luôn luôn là ích kỷ, kiêu căng và phản loạn. Song sự cố gắng tối đa của họ cũng như của tổ phụ họ: một chiếc áo bằng lá vả với một cái tháp dở dang, cả hai chỉ là công dã tràng xe cát!
            Họ là những người mạnh khỏe, can đảm, có nhiều tham vọng, song chỉ là tham vọng ích kỷ, kiêu căng gian ác. Họ nói với nhau "Hè, chúng ta hãy làm gạch và hầm trong lửa... Nào! Chúng ta hãy lo làm cho rạng danh". Họ đã hô hào, cổ võ để thống nhất ý chí, tập trung nỗ lực vào một công tác mà thôi. Họ quyết định khắc phục mọi khó khăn vượt qua mọi trở lực cho đến chừng đạt được mục đích. Không có đá, lấy gạch thế cho đá, không có hồ, lấy chai thế cho hồ. Nếu mục đích của họ là tôn vinh Chúa, phục vụ Ngài thì phước biết bao! Song mục đích của họ là tự tôn vinh và chống lại Ngài.

            1. Tháp cao tận trời: Không thể nào xây một cái tháp chót cao tận trời, song lòng kiêu căng của họ thật đã lên tận trời, đến nỗi Ðức Chúa Trời phải xuống để xem xét công việc của họ. Ngày nay, lòng kiêu căng của nhân loại cũng như vậy và còn hơn nữa.

            2. Làm cho rạng danh: Họ không hề nghĩ đến danh Chúa, mà chỉ nghĩ đến danh mình. Họ muốn lưu lại cho muôn đời về sau một kỷ niệm về công trình vĩ đại của họ, tỏ ra họ là những anh hùng, con cháu của anh hùng Nim-rốt (Sáng 10:8-9).

            3. Ðể khỏi bị tản lạc khắp nơi: Chúa bảo họ "Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy trên mặt đất" (Sáng 9:1). Song hành động của họ là chống lại mạng lịnh của Chúa. Từ khi sa ngã, con người thích chống đối, nhất là chống đối Ðức Chúa Trời, thậm chí khinh dể Ngài để tỏ ra ta đây là mạnh mẽ. Song "Ðức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu, vì ai gieo giống chi lại gặt giống ấy" (Ga-la-ti 6:7).
            Ðức Chúa Trời phải trực tiếp can thiệp để hủy phá chương trình và mục đích của nhân loại, Ngài phán "Bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được. Thôi! Chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của người nầy với người kia".
            Không ai biết rõ bởi cách nào và bao lâu, hoặc ngay lập tức hay là từ từ mà nhân loại bắt dầu đổi giọng nói và thứ tiếng, một thành nhiều, làm cho họ không còn hiểu nhau được nữa. Chúa đã dựng nên con người, Ngài chỉ cần sửa lại một chút thôi là có sự thay đổi liền, rồi Chúa đã khiến cho con lừa của Ba-la-am nói tiếng người, đã làm cho Nê-bu-cát-nết-sa mất trí, tưởng mình là một con bò, cũng dể dàng như vậy.
            Nhân loại đã quyết định, nên Ðức Chúa Trời không có phương pháp nào tốt hơn là phải làm lộn xộn tiếng nói của họ, để ai nấy không hiểu nhau, không thể đồng công cộng tác và họ nản lòng mà bỏ việc. Một số người, một giọng nói và một thứ tiếng, một ý chí, một quyết tâm, một mục đích, tất cả thành một lực lượng vô địch như không ai phá hủy nổi, không ai ngăn chặn được. Song đối với Ðức Chúa Trời thì dễ quá. Ngày nay có khác hơn ngày xưa, nhân số đông đúc, nguyên liệu dồi dào, khoa học kỹ thuật cao, thì Ðức Chúa Trời vẫn phán "Kìa, các dân tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng, và kể như một mảy bụi rơi trên cân; Này Ngài dỡ các cù lao lên như đồ vật nhỏ... Mỗi dân tộc ở trước mặt Ðức Giê-hô-va đều như không, Ngài xem như trống không và hư-vô vậy" (Ê-sai 40:15-17).

II. Con người tản lạc khắp nơi (Sáng 11:8-9)
            Dầu rất bực tức, vì không thể tiếp tục công tác, nhân loại đã phải tan ra khắp trên mặt đất, đúng như chương trình của Chúa đã định cho họ. Chúa đã hành động như vậy là vì thương yêu nhân loại, muốn cứu họ khỏi phí thì giờ, sức khoẻ để làm một việc vô ích, chỉ vì kiêu căng khoe khoang.
            Dầu vậy, tinh thần ích kỷ, kiêu căng, phản loạn của nhân loại vẫn còn cho đến ngày nay, nên ai nấy đang lo xây tháp Ba-bên cho mình. Kinh thánh chép gì về công trình của nhân loại ngày nay? "Khốn thay cho kẻ lấy huyết dựng ấp, và lấy sự gian ác xây thành! Phải, ấy há chẳng phải bởi Ðức Giê-hô-va vạn quân mà các dân làm việc cho lửa, và các nước nhọc nhằn cho sự hư không hay sao?" (Ha-ba-cúc 2:12-13) "Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất và mọi công trình trên đất đều sẽ bị đốt cháy cả" (IIPhi 3:10).
            Ngày nay người ta còn tìm thấy di tích của tháp Ba-bên tại Ba-by-ôn, trên bờ sông Ơ-phơ-rát. Nó nói lên cho ai nấy biết đó là công trình vĩ đại của người xưa, là nguồn gốc sinh ra nhiều thứ tiếng, nói chung là hậu quả của tội lỗi.

            Bài học cho chúng ta:
            Ðồng tâm hiệp lực, thống nhất ý chí, san bằng trở ngại để phục vụ Chúa là phước, để chống lại Ngài là nguy.
            A-đam không vâng lời Chúa, làm cho dòng dõi ông bị hư mất, Giê-xu vâng lời Chúa làm cho dòng dõi Ngài được cứu rỗi. Vì vậy, Giê-xu là cứu Chúa của những kẻ vâng lời Ngài (Hê-bơ-rơ 5:9).
            Kẻ gian ác tự tôn vinh, người công bình tôn vinh Chúa (Khải 7:9-10).
            Kẻ gian ác kiêu căng, người công bình khiêm nhường "Ðức Giê-hô-va biết đường người công bình, song đường kẻ ác rồi bị diệt vong" (Thi 1:6).
            Dầu con người gian ác, Chúa vẫn thương yêu, "Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác" (Ma-thi-ơ 5:45).

Câu hỏi
1. Khi con người đòi hỏi cho được quyền tự cai quản, thì họ đã làm điều tốt hay xấu?
2. Ban đầu con người có mấy thứ tiếng và mấy giọng nói?
3. Chương trình và mục đích lúc bấy giờ của con người là gì?
4. Họ dùng vật liệu gì để xây thành và tháp?
5. Họ không xây tháp cao tận trời, nhưng cái gì đã lên đến tận trời?
6. Họ làm vậy để chống lại mạng lịnh nào của Chúa?
7. Chúa đã làm gì để phá hủy chương trình của con người?
8. Công trình của con người ngày nay để dành cho?

9. Bài học cho chúng ta là gì?



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.