Khi Ðức Chúa Trời Ðoán Phạt Loài Người Bằng Nước Lụt

Khi Ðức Chúa Trời Ðoán Phạt Loài Người Bằng Nước Lụt

Kinh Thánh:      Sáng 7:17-24; 9:8-17
Câu gốc:        "Ðức Giê-hô-va phán rằng: Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn" Sáng 6:3
Mục đích:      Dạy chúng ta rằng Ðức Chúa Trời đoán phạt tội nhân và ban thưởng cho những kẻ vâng phục Ngài.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chủ Nhật:
Tội lỗi.
 IGiăng 3:1-10
Thứ Hai:
Lời cảnh cáo của Chúa Giê-xu.
 Lu-ca 17:22-37
Thứ Ba:
Chiếc tàu của Nô-ê.
 Sáng 7:1-8:19
Thứ Tư:
Bàn thờ của Nô-ê lập.
 Sáng 8:20-22
Thứ Năm:
Giao ước của Ðức Chúa Trời.   
 Sáng 9:9-17
Thứ Sáu:
Giao ước mới.
 Hê-bơ-rơ 8 : 6-13
Thứ Bảy:
Sự đoán phạt bằng lửa.
 IIPhi 3:3-13

            Chúng ta thấy hậu quả của tội lỗi lớn lao và kinh khiếp là dường nào! Ban đầu chỉ có 2 người phạm tội, bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen phải chịu nhọc nhằn, đau đớn cho đến chết. Con trai của ông bà ấy còn phạm tội ghê gớm hơn là giết em mình, bị rủa sả, phải lưu lạc khổ sở. Dòng dõi của ông bà ngày càng đông đúc, thì tội lỗi cũng ngày càng phát triển đến mức Ðức Chúa Trời phải quyết định giết cả loài người lẫn loài vật. Thật không lạ gì mà Chúa phải hành động như thế, vì các con trai của Ðức Chúa Trời là dòng dõi Sết đã lấy các con gái của loài người là dòng dõi Ca-in, làm cho loài người không còn bản chất thuộc linh mà chỉ là xác thịt. Sự hung ác của họ rất nhiều, và ý tưởng của họ đều xấu luôn (Sáng 6:1-7).
            Chúng ta biết rằng Ðức Chúa Trời rất yêu thương, song cũng rất thánh khiết. Bởi yêu thương, Ngài đã dựng nên loài người và muôn vật. Bởi thánh khiết, Ngài đoán phạt họ. Không ai được phép khinh dể sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục, khoan dung của Chúa, song biết rằng mọi sự đó cốt để đem tội nhân đến sự ăn năn. Nếu ai không ăn năn thì tự chứa cho mình sự thạnh nộ của ngày thạnh nộ như một cơn lụt.

I. Lời cảnh cáo về sự đoán phạt.
            Dầu nhân loại thời bấy giờ rất bại hoại nhưng còn có gia đình của Nô-ê gồm 8 người là công bình trọn vẹn, đồng đi cùng Ðức Chúa Trời. Vì thế khi Nô-ê được 480 tuổi, Chúa bảo ông đóng một chiếc tàu để cứu cả nhà mình và các loài súc vật. Suốt 120 năm gia đình Nô ê chỉ làm một việc là vừa đóng tàu vừa giảng đạo. "Còn 120 năm nữa Ðức Chúa Trời sẽ hủy diệt thế gian bằng nưóc lụt". Nhưng chẳng ai tin lời của Nô-ê. Họ có tài chăn nuôi, trồng tỉa, đánh đàn thổi sáo, chế tạo khí giới, mạnh dạn, nổi danh. Họ tưởng mình có tài năng tự vệ, không gì có thể làm hại mình được. Vả lại, chưa hề có một dấu hiệu nào tỏ ra sẽ có nước lụt.
            Thay vì ăn năn, chắc ai nấy đã không tiếc lời chế nhạo Nô-ê, vì không có sự điên dại nào bằng đóng một chiếc tàu lớn trên đất khô để dành cho một cơn nước lụt mà phải bao nhiêu công phu, thì giờ. Song Nô-ê và gia đình ông quyết làm xong công việc Chúa giao. Nếp sống của gia đình Nô-ê không giống như người đồng thời của họ. Khi mỗi người chung quanh lo ăn uống, cưới gả, vui chơi như thường thì gia đình ông "thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu cả nhà mình" (Hê-bơ-rơ 11:7). Kinh thánh gọi Nô-ê là thầy giảng đạo công bình (IIPhi 2:5). Ðó là hành động của con người có đức tin.
            Ngày nay, chúng ta phải sống như Nô-ê, "Hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Ðức Chúa Trời không tì, không vít, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian" (Phi-líp 2:15)

II. Phương pháp thoát khỏi sự đoán phạt.
            Chiếc tàu Nô-ê đóng không hoàn toàn giống như một chiếc tàu thường, thật ra nó là một cái thùng khổng lồ, có thể nổi lềnh bềnh trôi trên mặt nước vì được trét chai cả trong lẫn ngoài. Kích thước của nó lại giống như một chiếc tàu thường: bề dài 137m, bề ngang 23m, bề cao 14m, có một cửa sổ và một cửa ra vào. Tàu có ba tầng gồm nhiều phòng dành cho người và súc vật.
            Sau khi chiếc tàu đã đóng xong, Ðức Chúa Trời bảo Nô-ê và cả gia đình ông vào tàu, và các loài vật thanh sạch mỗi loại 7 cặp, các loài vật không thanh sạch mỗi loại 1 cặp, đực và cái, trống và mái, với lương thực đầy đủ cho chúng. Mọi việc ấy phải hoàn tất trong 7 ngày. Thời gian 7 ngày đó rất quan trọng như đặc ân cuối cùng dành cho tội nhân. Ðang khi ai nấy nhìn xem công việc của Nô-ê, họ có đủ thì giờ vào tàu với ông. Song than ôi! chẳng ai buồn nghỉ đến nên cuối cùng bị nước cuốn đi hết thảy! Nhân loại trong đời Nô-ê hư mất không phải tại nước lụt mà tại lòng hững hờ, vô tín của họ. Vì dầu nước lụt, song đã sẳn tàu. Nhân loại hôm nay hư mất đời đời trong hỏa ngục không phải vì tội lỗi của họ lớn lao, nặng nề mà tại lòng hững hờ, vô tín của họ. Vì tội lỗi của họ đã có Chúa Giê-xu chết thế cho rồi.
            Bảy ngày trôi qua, nhằm năm Nô-ê 600 tuổi, mọi sự đã xong, Ðức Chúa Trời đóng cửa tàu lại, trời bắt đầu mưa như cầm chĩnh mà đổ trọn 40 ngày và 40 đêm, đồng thời các nguồn vực lớn nổ ra, các đập trên trời mở xuống. Nhân loại bấy giờ không ngờ chi hết, kẻ leo lên mái nhà, kẻ trèo lên cây, người chạy lên đồi, lên núi, cuối cùng các đỉnh núi cao nhất đều ngập suốt 150 ngày. Song nước càng dâng cao bao nhiêu, nâng hỏng chiếc tàu bấy nhiêu, chiếc tàu nổi trên mặt nước. Tất cả các loài có hơi thở đều chết, chỉ có gia đình Nô-ê và các loài vật ở với ông trong tàu đều được sống.
            Trong tàu Nô-ê, con chuột cũng được cứu như con voi, ngoài tàu Nô-ê, con voi cũng chết như con chuột. Ðược cứu hay phải chết không phải tại lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, mà tại ở trong tàu hay ở ngoài tàu. Nhân loại ngày nay cũng vậy, được cứu rỗi hay bị hư mất không phải tại lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, tốt hay xấu, mà tại ở trong Chúa Giê-xu hay ngoài Chúa Giê-xu. Trong Chúa Giê-xu, người nghèo cũng được cứu rỗi như người giàu, ngoài Chúa Giê-xu, người giàu cũng bị hư mất như người nghèo.

III. Ðức Chúa Trời lập giao ước với loài người.
            Sau khi nước hạ, mặt đất khô, Nô-ê và gia đình được chỉ thị của Ðức Chúa Trời ra khỏi tàu cùng các loài súc vật. Với tấm lòng tràn ngập vui mừng vì biết ơn sâu xa, Nô-ê liền lập một bàn thờ, bắt các loài vật thanh sạch làm lễ thiêu dâng lên Ðức Chúa Trời để tôn vinh và cảm tạ Ngài. Chúng ta được cứu rỗi trong Chúa Giê-xu khỏi bị hình phạt đời đời mà được hạnh phúc đời đời nên ai nấy phải tỏ lòng biết ơn mà dâng chính mình làm của lễ sống và thánh trên bàn thờ của Ngài (Rô-ma 12:1).
            Khi ra khỏi tàu, nhìn cảnh hoang tàn của nước lụt, là những di tích rùng rợn, con người cảm thấy sợ hãi lắm. Ai nấy tự hỏi, chừng nào sẽ có một cơn nước lụt như vậy nữa? Ðộng lòng thương xót, Chúa đã trấn an và bảo đảm với họ "Ta sẽ lập giao ước cùng các ngươi và các loài xác thịt, chẳng bao giờ lại bị nước lụt hủy diệt và cũng chẳng có nước lụt để hủy hoại đất nữa" (Sáng 9:11). Ðể chứng minh giao ước của Chúa là chắc chắn, không bao giờ thay đổi, Ngài cho một dấu hiệu là chiếc mống (cầu vòng) đặt trên các từng mây, nói lên rằng Ngài sẽ giữ lời cam kết với họ. Từ đó đến nay, không còn cơn nước lụt nào như trong đời Nô-ê, mặc dầu nhân loại trong đời này không tốt hơn nhân loại trong đời Nô-ê. Vậy khi mây đến giăng bủa khắp nơi, bầu trời tối mịt, mưa tuôn xối xả, chúng ta cũng không cần sợ hãi, vì chiếc móng còn đó, Chúa sẽ chẳng bao giờ hủy diệt toàn thể loài người bằng nước lụt nữa. Về phương diện thuộc linh, thập tự giá là dấu hiệu của giao ước mới của Chúa với Hội thánh, nên đôi khi dầu có giông tố phũ phàng, ba đào nổi dậy, chúng ta chỉ cần nhìn xem thập tự giá, vì nó bảo đảm cho chúng ta lời hứa của Chúa (Rô-ma 8:1; 31-39).

            Bài học cho chúng ta là:
            1. Nô-ê làm y như lời Chúa phán dặn (Sáng 6:22; 7:5).
            2. Nô-ê vừa đóng tàu vừa giảng đạo, đó là lời giảng hùng hồn như sấm sét.
            3. Ðức Chúa Trời bảo Nô-ê "Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu" (Sáng 7:1). Các bạn có đem cả nhà mình vào tàu cứu rỗi của Chúa Giê-xu chưa? Hãy làm ngay bây giờ đi!
            4. Ðức Chúa Trời đứng phía sau cõi thiên nhiên, bàn tay Ngài điều khiển mọi sự. Nếu Chúa chẳng cho phép thì chẳng có gì xảy ra. Dầu khi Chúa cho nước lụt xảy ra thì đồng thời Ngài cũng dự bị chiếc tàu cho những kẻ thuộc về Ngài. "Bởi cớ ấy phàm người nhân đức đều cầu nguyện cùng Chúa trong khi có thể gặp Ngài, quả thật trong lúc có nước lụt lan ra, thì sẽ chẳng lan đến người" (Thi 32:6).
            5. Thế gian đời xưa để dành cho nước, thế gian đời này để dành cho lửa (Ha-ba-cúc 2:13; IIPhi 3:10-12).

Câu hỏi
1. Hãy kể những phát triển của tội lỗi từ A-đam đến Nô-ê.
2. Ðức Chúa Trời đã dùng Nô-ê cảnh cáo nước lụt trong bao lâu?
3. Suốt thời gian đó, gia đình Nô-ê đã làm gì?
4. Thái độ của người thế gian đối với gia đình Nô-ê thế nào?
5. Nhân loại lúc bấy giờ có thể thoát khỏi cơn đoán phạt bằng cách nào?
6. Cơ hội cuối cùng cho nhân loại là bao lâu?
7. Ai bị nước lụt cuốn đi, và ai được cứu?
8. Tại sao Ðức Chúa Trời lập giao ước với loài người?
9. Thế gian ngày nay để dành cho gì?

10. Bài học hôm nay dạy chúng ta phải làm gì?


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.