Lê-vi Ký



Các của lễ, Ban thầy tế lễ
Các mùa thánh, Các luật pháp linh tinh


Theo nguyên văn, chữ "Lê-vi ký" nghĩa là "thuộc về người Lê-vi." Ấy nghĩa là sách nầy chứa một chế độ luật pháp do ban thầy tế lễ Lê-vi thi hành, và dân tộc Hê-bơ-rơ phải sống dưới chế độ luật pháp ấy. Phần nhiều luật pháp nầy đã ban bố trên núi Si-na-i, và suốt hành trình qua đồng vắng, đã có gia thêm, lặp lại và giải thích.
Người Lê-vi là một trong 12 chi phái, được biệt riêng để làm công việc Ðức Chúa Trời. Ngài lấy họ thay cho các con đầu lòng của toàn dân Y-sơ-ra-ên. Ðức Chúa Trời đòi các con đầu lòng về phần Ngài, cả của người và của súc vật. Người Lê-vi được cấp dưỡng bằng số dâng phần mười, và họ có 48 thành (Dân số ký 35:7; Giô-suê 21:49).
Một gia đình người Lê-vi, là A-rôn và các con trai ông, đã được biệt riêng làm thầy tế lễ.
Còn những người Lê-vi khác thì phụ tá các thầy tế lễ. Phận sự của họ là trông nom, khiêng vác Ðền tạm, và về sau trông nom Ðền thờ. Họ cũng làm giáo sư, ký lục, nhạc công, sĩ quan và quan xét (xem I Sử ký 23).

Ðoạn 1 đến 5 -- Các thứ của lễ
Của lễ thiêu bằng bò, chiên, dê, chim bò câu. Của lễ nầy bị thiêu trọn, có nghĩa là dâng hết cho Ðức Chúa Trời.
Của lễ chay bằng bột lọc hoặc bánh không men. Chỉ thiêu đốt một ít, còn thì dành cho thầy tế lễ.
Của lễ thù ân bằng bò, chiên, hoặc dê. Thiêu mỡ, còn lại thì thầy tế lễ ăn một phần và người dâng tế lễ ăn một phần.
Của lễ chuộc tội và của lễ chuộc sự mắc lỗi.-- Phải dâng nhiều của lễ khác nhau vì những tội lỗi khác nhau. Thiêu mỡ, còn thì thiêu ngoài trại quân trong một vài trường hợp, hoặc để các thầy tế lễ ăn trong một vài trường hợp khác. Nếu làm thiệt hại cho kẻ khác, thì phải bồi thường và thêm một phần năm, rồi mới được dâng của lễ. Ðây có nghĩa là tội lỗi phải được nhìn nhận và đền chuộc.

Ðoạn 6, 7 -- Chỉ thị bổ túc về các của lễ
Ngoài những của lễ trên đây, còn có của lễ quán, của lễ đưa qua đưa lại, của lễ dâng giơ lên; đó là phần bổ túc cho những của lễ khác.
Cách dâng của lễ.-- Người dâng đem con vật tới Ðền tạm, đặt tay trên nó để khiến nó đại diện cho mình. Rồi con vật bị giết. Huyết nó đem rưới hoặc rảy trên bàn thờ, còn thì đổ hết xuống chơn Ðền thờ. Ðoạn, phải thiêu đốt phần đã chỉ định.
Thường dâng của lễ.-- Hằng ngày phải dâng của lễ thiêu, buổi sáng một chiên con, và buổi chiều một chiên con. Ngày Sa-bát, phải tăng gấp đôi. Ngày mồng một mỗi tháng, phải dâng thêm của lễ. Nhằm các ngày Lễ Vượt Qua, lễ Ngũ tuần và lễ Lều tạm, họ dâng rất nhiều súc vật làm của lễ. Ngày đại lễ chuộc tội cũng vậy. Ngoài những của lễ thường xuyên vì toàn dân dâng lên, còn có những của lễ dâng trong cơ hội đặc biệt, dâng vì cá nhơn, vì tội lỗi, vì hứa nguyện, và dâng để cảm tạ Ðức Chúa Trời, vân, vân.

Ðoạn 8, 9 -- Lễ phong chức cho A-rôn
Và các con trai ông làm thầy tế lễ. Trước thời Môi-se, các của lễ đều do gia trưởng dâng lên Ðức Chúa Trời. Nhưng bây giờ quốc gia đã được tổ chức, một chỗ đã được biệt riêng để dâng của lễ, và một lễ chế đã được qui định, nên phải có một đoàn người đặc biệt được cử lên do lễ long trọng để truyền tử lưu tôn phụ trách việc tế lễ. A-rôn và con trai đầu lòng kế tiếp ông, đã làm thầy tế lễ thượng phẩm. Các thầy tế lễ được trợ cấp bằng phần mười của các phần mười dành cho người Lê-vi và bằng một phần các của lễ. Họ cũng được cấp 13 thành (Giô-suê 21:13-19).
Y phục của thầy tế lễ thượng phẩm.-- Chính Ðức Chúa Trời đã ban huấn thị về mọi chi tiết (Xuất Ê-díp-tô ký 28). Một cái áo dài bằng vải gai mịn, thêu chỉ màu xanh lơ, đỏ điều, đỏ sặm; ở trôn áo có những chuông nhỏ kêu lên khi ông vào trong Ðền tạm.
Chiếc ê-phót, giống như cái áo choàng gồm hai miếng nối nhau trên vai, dủ xuống một miếng trước ngực và một miếng sau lưng, và trên mỗi vai có một viên bích ngọc, mỗi viên ghi tên 6 chi phái. Ê-phót làm bằng vải gai mịn, thêu kim tuyến, chỉ xanh lơ, đỏ điều và đỏ sặm.
Một tấm bảng đeo ngực, chừng 65 phân vuông, làm bằng vải gai mịn, thêu kim tuyến, chỉ xanh lơ, đỏ điều và đỏ sặm. Bảng có hai bề chập lại, phía trên mở ra như một cái túi tiền; có dây chuyền bằng vàng cột vào ê-phót; có gắn 12 viên ngọc, mỗi viên mang tên một chi phái; và bên trong có chứa U-rim và Thu-mim, dùng để tìm biết ý chỉ Ðức Chúa Trời, nhưng chính nó là cái gì, thì ta chẳng biết.

Lễ chế nầy phát nguyên từ Ðức Chúa Trời
Và do Ngài đặt ở chính trung tâm cuộc sanh hoạt quốc gia của dân Do-thái. Dầu lễ chế nầy áp dụng trực tiếp cho dân Do-thái thể nào và bao gồm trực tiếp những gì cho dân ấy, nhưng chắc chắn là Ðức Chúa Trời muốn dùng sự dâng súc vật làm của lễ luôn luôn và ngọn lửa không ngừng cháy trên các bàn thờ để khiến loài người cảm biết sâu xa tội lỗi của mình và để làm hình bóng lâu đời về Của lễ mà Ðấng Christ sẽ dâng bằng chính thân thể Ngài. Quả thật, các của lễ kia chỉ về Ngài và được ứng nghiệm trong Ngài.

Ban thầy tế lễ Lê-vi
Do Ðức Chúa Trời phong chức cho để làm trung gian giữa Ngài và dân Hê-bơ-rơ trong chức vụ dâng thú vật làm của lễ. Những của lễ ấy đã được ứng nghiệm trong Ðấng Christ. Không cần dâng thú vật làm của lễ nữa. Cũngkhông cần thầy tế lễ nữa. Chính Ðấng Christ là Thầy Tế lễ Thượng phẩm của loài người, Ngài là Ðấng Trung bảo duy nhứt giữa Ðức Chúa Trời và loài người. Thơ Hê-bơ-rơ, đoạn 8, 9, 10 giải luận điểm nầy rất rõ ràng.
Các chức dịch của đạo Ðấng Christ không phải là thầy tế lễ đâu. Không có chỗ nào trong Tân Ước kêu họ là "thầy tế lễ" (thầy cả). Danh từ nầy chỉ ứng dụng cho tín đồ Ðấng Christ ở I Phi-e-rơ 2:5, 9 và Khải Huyền 1:6; 20:6. Nhưng là ứng dụng cho hết thảy tín đồ Ðấng Christ, chớ không hề ứng dụng cho các chức dịch của đạo Ðấng Christ.
"Ðiều tai hại hơn hết từng gây nên cho đạo Ðấng Christ chính là các chức dịch đã tự nhận lấy danh hiệu và nhiệm vụ của Thầy Tế Lễ." Ban thầy tế lễ của Giáo hội kia đã tự nhận mình là trung gian giữa Ðức Chúa Trời và loài người; đó là động lực chính của ma quỉ để phá hoại đạo Ðấng Christ, và là tai họa lớn nhứt từng xảy đến cho Hội Thánh.

Ðoạn 10 -- Na-đáp và A-bi-hu
Sự hình phạt mau lẹ và kinh khiếp giáng trên họ là một lời cảnh cáo những ai coi thường mạng lịnh của Ðức Chúa Trời, luôn với những thủ lãnh Hội Thánh đã làm sai lệch Tin Lành Ðấng Christ bởi mọi thứ truyền thuyết của loài người.

Ðoạn 11 -- Những thú vật sạch và không sạch
Trước nạn nước lụt, đã có sự phân biệt giữa thú vật sạch và thú vật không sạch (Sáng thế ký 7:2). Môi-se đã đặt sự phân biệt thành luật pháp. Luật pháp nầy căn cứ một phần vào lẽ nó dùng làm đồ ăn tinh khiết, và một phần vào những lý do tôn giáo, vì cốt dùng làm dấu hiệu phân rẽ dân Y-sơ-ra-ên với các dân khác. Ðức Chúa Jêsus đã bãi bỏ sự phân biệt ấy, "làm cho mọi đồ ăn được sạch" (Mác 7:19). Sách Công vụ các sứ đồ 10:12-15 ngụ ý rằng sự phân biệt không còn nữa, và người dân ngoại không còn là "dơ dáy" cho người Do-thái.
Ðoạn 12 -- Tẩy uế sản phụ
Nếu sanh con trai, thì phải biệt riêng 40 ngày; nếu sanh con gái, thì phải biệt riêng 80 ngày. Có người nghĩ rằng luật lệ nầy nhằm mục đích giữ sự thăng bằng giữa hai giống, vì đờn ông phải ra trận, nên phải chịu tử nạn nhiều hơn đờn bà.

Ðoạn 13, 14 -- Thử nghiệm bịnh phung
Các định lệ nầy cốt để chế ngự một bịnh gớm ghiếc và kinh khủng nhứt thời ấy, không cho nó lan rộng.

Ðoạn 15 -- Sự ô uế
Ðây là một loạt chi tiết kỹ lưỡng để nhứt định người nào có thể trở nên "ô uế" theo phương diện nghi lễ và những sự đòi hỏi liên quan đến sự ô uế ấy; mọi điều nầy dường như cốt để khuyến khích người ta giữ vệ sinh cá nhơn và luôn luôn nhìn nhận Ðức Chúa Trời trong mọi đường đời. Lệ phạt là phải phân rẽ khỏi đền thánh và hội chúng. Còn sự tẩy uế thì một phần do tắm rửa, một phần do dâng của lễ.

Ðoạn 16 -- Ðại lễ chuộc tội hằng năm
Lễ nầy cử hành ngày 10, tháng 7. Ðây là ngày lễ long trọng hơn hết trong một năm, tức là ngày mà thầy tế lễ thượng phẩm vào Nơi Chí thánh để chuộc tội cho toàn dân. Sự cất bỏ tội lỗi chỉ trong vòng một năm (Hê-bơ-rơ 10:3), nhưng nó chỉ bóng về sự cất bỏ đời đời (Xa-cha-ri 3:4, 8, 9; 13:1; Hê-bơ-rơ 10:14).
A-xa-sên (câu 8).-- Có người cho rằng A-xa-sên là một tên để chỉ Sa-tan. Sau khi con dê về phần Ðức Giê-hô-va được dâng làm của lễ rồi, thì thầy tế lễ thượng phẩm đặt tay trên con dê dành cho A-xa-sên mà xưng tội lỗi của nhơn dân. Rồi họ dẫn con dê đi, thả vào đồng vắng; như vậy, nó đem tội lỗi của nhơn dân đi mất. Cũng như chiên con của Lễ Vượt Qua hằng năm được dâng lên, lễ nầy là một trong những hình bóng lịch sử của Ðức Chúa Trời dùng để chỉ về sự chuộc tội loài người sẽ được thực hiện bởi sự chết của Ðấng Christ. Nếu không, thì còn có ý nghĩa chi nữa?

Ðoạn 17 -- Cách dâng của lễ
Luật pháp đòi phải trình những con vật tại cửa Ðền tạm. Cấm ngặt không được ăn huyết (3:17; 7:26-27; 17:10-16; Sáng thế ký 9:4; Phục truyền luật lệ ký 12:16; 23-25); và ngày nay vẫn còn cấm ngặt (Công vụ các sứ đồ 15:29).

Ðoạn 18 -- Những tội gớm ghiếc của dân Ca-na-an
Nếu chúng ta ngạc nhiên vì có ghi chép cả các tội nầy: loạn luân, kê gian và ăn nằm với súc vật, thì phải biết rằng nó rất thông thường giữa vòng những kẻ lân cận của người Y-sơ-ra-ên. Vậy, Ðức Chúa Trời phải cảnh cáo họ nghịch cùng các tội ấy.

Ðoạn 19, 20 -- Các luật pháp linh tinh
Về ngày Sa-bát; sự thờ lạy hình tượng; của lễ thù ân; mót lúa, trộm cắp; thề dối, tiền công; tòa án; ngồi lê đôi mách; lòng yêu thương anh em; cho súc vật khác giống phủ lẫn nhau và gieo nhiều thứ giống cùng một thửa ruộng; gian dâm; các vườn cây trái; bói khoa; pha khóe râu và cắt thịt; kỵ nữ; kính trọng người già cả; tử tế với người khách lạ; trái cân và thước đo đúng mực; sự thờ lạy tà thần Mo-lóc; tà thuật; đối với cha mẹ; tội loạn luân; kê gian; thú vật sạch và không sạch.

"Hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình" (19:18)
Ðây là một trong những yếu điểm của luật pháp Môi-se. Phải tỏ lòng rất kính trọng người nghèo. Phải trả tiền công từng ngày một. Không được cho mượn tiền ăn lời. Phải cho người thiếu thốn mượn, hoặc tặng họ luôn. Khi gặt lúa, phải để lại cho người nghèo mót. Suốt cả Cựu Ước, không có chỗ nào khuyến khích người ta biếng nhác, nhưng lại luôn luôn nhấn mạnh phải tử tế với quả phụ, cô nhi và khách lạ.

Lấy vợ bé, đa thê, ly dị và chế độ tôi mọi
Ðều cho phép, nhưng rất hạn chế (19:29; Phục truyền luật lệ ký 21:15; 24:1-4; Xuất Ê-díp-tô ký 21:2-11). Luật pháp Môi-se nâng hôn nhơn lên bậc bội phần cao hơn ở các nước lân cận. Chế độ tôi mọi đã bị hạn chế bởi những quan điểm nhơn đạo; vả, nó không lan rộng trong vòng dân Do-thái, và cũng chẳng tàn ác hoặc khủng khiếp như ở Ai-cập, A-si-ri, Hy-lạp, La-mã và nhiều nước khác.

Tử hình
Những tội phạm đáng bị tử hình là: sát nhơn (Sáng thế ký 9:6; Xuất Ê-díp-tô ký 21:12; Phục truyền luật lệ ký 19:11-13); bắt cóc (Xuất Ê-díp-tô ký 21:16; Phục- truyền Luật-lệ Ký 24:7); gây án mạng vì cầu thả (Xuất Ê-díp-tô ký 21:28, 29); đánh và rủa sả cha mẹ (Xuất Ê-díp-tô ký 21:15-17; Lê-vi ký 20:9; Phục truyền luật lệ ký 21:18-21); thờ lạy hình tượng (Lê-vi ký 20:1-5; Phục truyền luật lệ ký 13; 17:2-5); tà thuật (Xuất Ê-díp-tô ký 22:18); tiên tri giả (Phục truyền luật lệ ký 18:10, 11, 20); lộng ngôn (Lê-vi ký 24:15, 16); không giữ ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô ký 31:14); gian dâm (Lê-vi ký 21:10; Phục truyền luật lệ ký 22:22); cưỡng hiếp (Phục truyền luật lệ ký 22:23-27); Thất tiết trước khi lấy chồng (Phục truyền luật lệ ký 22:13-21); kê gian (Lê-vi ký 20:13); ăn nằm với súc vật (Lê-vi ký 20:15, 16); loạn luân (Lê-vi ký 20:11, 12, 14).

Những luật pháp nầy là luật pháp của Ðức Chúa Trời
Một vài luật pháp nầy giống như luật pháp của Hammurabi mà Môi-se chắc biết rõ lắm. Dầu Môi-se có thể chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Ai-cập và của cổ phong Ba-by-lôn, nhưng biết bao lần ông nhắc lại: "Ðức Giê-hô-va phán," tỏ ra rằng những luật pháp nầy là do Chính Ðức Chúa Trời trực tiếp ban hành.
Ðối với chúng ta, một vài luật pháp dường như nghiêm khắc. Nhưng nếu ta có thể lùi về thế giới đương thời Môi-se, thì sẽ thấy như là chưa nghiêm khắc đủ. Về đại cương, vì luật pháp Môi-se "nhấn mạnh vào đạo đức cá nhơn và sự bình đẳng của mọi người, coi trọng người già, người trẻ, người tôi mọi, kẻ thù và súc vật, ban hành các thể lệ về vệ sinh và thực phẩm, nên nó thuần khiết, hợp lý, nhơn đạo và dân chủ bội phần hơn, lại cũng tỏ ra sự khôn ngoan bội phần hơn bất cứ cái gì trong pháp chế thượng cổ của xứ Ba-by-lôn, Ai-cập, hoặc nước nào khác." Luật pháp Môi-se là "phép lạ đạo đức của thế giới trước khi có đạo Ðấng Christ."
Ðức Chúa Trời đã chỉ định luật pháp Môi-se làm "thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Ðấng Christ" (Ga-la-ti 3:24). Theo như đã giải rõ cho tín đồ Ga-la-ti và tín đồ Hê-bơ-rơ, thì một vài điều khoản của Luật pháp cốt để hòa giải với "lòng cứng cỏi" của dân Y-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 19:8) và dành cho những kẻ "còn thơ ấu" đang ở địa vị phải "phục" (làm tôi mọi). Trong ánh sáng của Tin Lành Ðấng Christ, các điều khoản ấy bị coi là "lề thói hèn yếu, nghèo nàn" (Ga-la-ti 4:3, 9).

Ðoạn 21, 22 -- Các thầy tế lễ và các của lễ
Ðây giải luận rộng hơn những điều khoản ở đoạn 1 đến 9. Các thầy tế lễ phải có thân thể không tì vít, và chỉ có thể cưới nữ đồng trinh làm vợ. Các súc vật dâng làm của lễ cũng phải không tì vít, và rất ít là đã sanh ra được 8 ngày.

Ðoạn 23, 24 -- Các ngày lễ, đèn, bánh trần thiết, tội lộng ngôn
Và các ngày lễ, xin xem thêm ở Phục truyền luật lệ ký, đoạn 16. Chơn đèn phải sáng luôn luôn; bánh trần thiết phải thay mỗi ngày Sa-bát. Kẻ lộng ngôn phải bị xử tử. Pháp chế "mắt đền mắt" là một phần dân luật, và hoàn toàn công bình. Xin xem Ma-thi-ơ 5:38 và Lu-ca 6:27.

Ðoạn 25 -- Năm Sa-bát, năm hân hỉ
Cứ 7 năm lại có một năm Sa-bát. Phải để cho đất ruộng nghỉ; không gieo; không gặt; không tỉa sửa vườn nho. Những sản vật tự nhiên thì phải để cho người nghèo và người kiều ngụ. Ðức Chúa Trời hứa ban đủ trong năm thứ 6 để có mà dùng trong năm thứ 7. Phải xóa hết nợ nần cho đồng bào Do-thái.
Cứ 50 năm lại có một năm hân hỉ. Năm hân hỉ tiếp theo năm Sa-bát thứ 7, như vậy là có hai năm nghỉ liền. Năm hân hỉ bắt đầu nhằm ngày Ðại lễ Chuộc Tội. Phải tha hết nợ nần, giải phóng tôi mọi, và đất ruộng đã bán đi thì được trả lại. Ðức Chúa Jêsus dường như coi năm hân hỉ là hình bóng về Năm Ðại hân hỉ mà Ngài đã đến để công bố (Lê-vi ký 25:10; Lu-ca 4:19).

Quyền sở hữu đất đai
Xứ Ca-na-an chia cho 12 chi phái, và các chi phái lại chia cho các gia tộc. Trừ một vài ngoại lệ, không thể ban phần sản nghiệp của gia tộc một cách vĩnh viễn. Bán cũng coi như là cho mướn, tới năm hân hỉ thì sản nghiệp lại trả về gia đình cố chủ. Ðó là kế hoạch của Ðức Chúa Trời để giữ cho tài sản trong nước khỏi bị một số ít người thâu tóm hết.

Số Bảy
Qui tắc về các mùa thánh trong sách Lê-vi ký xây dựng trên một loạt số 7:
Cứ 7 ngày lại có một ngày Sa-bát.
Cứ 7 năm lại có một năm Sa-bát.
Mỗi năm Sa-bát thứ 7 lại có một năm hân hỉ theo sau.
Tháng 7 nào cũng đặc biệt thánh, vì có 3 kỳ lễ.
Có 7 tuần lễ giữa Lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần .
Lễ Vượt Qua kéo dài 7 ngày.
Lễ Lều tạm kéo dài 7 ngày.
Nhằm kỳ Lễ Vượt Qua, mỗi ngày dâng 14 chiên con (2 lần 7).
Nhằm kỳ lễ Lều tạm, mỗi ngày dâng 14 chiên con và 70 con bò tơ.
Nhằm ngày Lễ Ngũ Tuần, dâng 7 chiên con.

Ðoạn 26 -- Vâng lời và không vâng lời
Cũng như Phục truyền luật lệ ký, đoạn 28, đoạn nầy chứa những lời hứa tuyệt mỹ và những lời cảnh cáo kinh khiếp; nó là một trong những đoạn trọng đại nhứt của Kinh Thánh. Hãy thường đọc đoạn nầy.

Ðoạn 27 -- Các lời hứa nguyện và các thuế phần mười
Các thuế phần mười: Sáng thế ký 14:20; 28:22; Lê-vi ký 27:30-32; Dân số ký 18:21-28; Phục truyền luật lệ ký 12:5, 6, 11, 17, 18; 14:23, 28, 29; 26:12). Phải dâng cho Ðức Chúa Trời một phần mười thổ sản và một phần mười súc vật sanh ra trong các bầy chiên và bầy bò.
Ðây kể ra ba loại phần mười: Cho người Lê-vi, cho các kỳ lễ, và cho người nghèo cứ 3 năm một lần. Có người cho rằng chỉ dâng một phần mười, dùng một phần cho các kỳ lễ, và cứ ba năm lại một lần dùng một phần cho người nghèo. Lại có người cho rằng phần mười dâng cho các kỳ lễ trích ở 9 phần 10 còn lại sau khi nộp một phần mười cho người Lê-vi.
Lệ dâng một phần mười đã thi hành lâu lắm trước thời Môi-se. Áp-ra-ham và Gia- cốp đã nộp một phần mười. Trong vòng dân Do-thái, thuế một phần mười dùng để cấp dưỡng người Lê-vi; vả, người Lê-vi phục vụ trong nền hành chánh cũng như trong nghi lễ tôn giáo (xem I Sử ký 23). Chắc hẳn tín đồ Ðấng Christ sẽ vui lòng dâng tiền của để ủng hộ Tin Lành cũng nhiều như dân Do-thái đã dâng cho nghi lễ tôn giáo của họ, và hơn nữa.
Trái đầu mùa: Ðức Chúa Trời đòi về phần Ngài chẳng những các phần mười, song luôn cả con đầu lòng của mọi gia đình (Ngài đã nhận chi phái Lê-vi thay cho những con đầu lòng nầy) và con đầu lòng của các bầy chiên, bầy bò, cùng trái đầu mùa của đất ruộng. Phải dâng trái đầu mùa gặt nhằm ngày Lễ Vượt Qua, và nếu chưa dâng, thì không được sử dụng phần nào của mùa màng cả (Lê-vi ký 23:14). Nhằm năm thứ tư, phải dâng bông trái đầu tiên của vườn cây cho Ðức Chúa Trời, và nếu chưa làm như vậy, thì không được sử dụng bông trái nào hết. Ý ở đây là nếu chưa dâng sản phẩm của vườn lên Ðức Chúa Trời, thì vườn ấy vẫn là ô uế. Sự dạy dỗ ở đây là: Phải đặt Ðức Chúa Trời ở hàng đầu cuộc đời mình.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.