Ma-thi-ơ


Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si

Ma-thi-ơ đặc biệt nhấn mạnh rằng Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si mà các tiên tri Cựu Ước đã dự ngôn. Ông trưng dẫn Cựu Ước luôn luôn. Dường như tâm trí ông đặc biệt chăm chú vào các độc giả Do-thái. Mấy chữ "Nước Thiên đàng" thường dùng luôn, nên sách Tin Lành nầy hay được gọi là "Tin Lành của Nước." Dầu về đại cương, chớ không phải từng biến cố, sách nầy theo thứ tự niên đại tổng quát, song tài liệu lại sắp đặt theo đề mục. Sách nầy chép hoàn toàn đầy đủ các bài giảng của Ðức Chúa Jêsus. Nhứt là Bài Giảng Trên Núi, bài giảng về sự tái lâm của Chúa và kỳ tận thế.

Ma-thi-ơ
Sách Tin Lành nầy không chỉ đích danh tác giả. Tuy nhiên, từ thời các Giáo phụ Hội Thánh đầu tiên, bắt đầu từ Papias (một môn đệ của sứ đồ Giăng) trở đi, người ta đã công nhận đây là tác phẩm của sứ đồ Ma-thi-ơ.
Chúng ta hầu như không biết gì về Ma-thi-ơ. Ông cũng có tên là Lê-vi. Tên ông có ghi trong 4 danh sách 12 Sứ đồ (Ma-thi-ơ 10:2; Mác 3:18; Lu-ca 6:15; Công-vụ các Sứ-đồ 1:13). Chỉ còn một lần nữa nói đến ông, tức là lúc Ðức Chúa Jêsus kêu gọi ông theo Ngài (Ma-thi-ơ 9:9-13; Mác 2:14-17; Lu-ca 5:27-32).
Ma-thi-ơ chỉ nói một lần về chính mình ông, ấy là ông là nghề "thâu thuế," một danh từ nhục nhã. Nghề nầy chuyên thâu thuế cho chánh quyền La-mã, thường bóp nặn của dân và bị khinh dể. Lu-ca cho chúng ta hay rằng Ma-thi-ơ dọn đại tiệc thết Ðức Chúa Jêsus, rồi "bỏ hết mọi sự, đứng dậy, đi theo Ngài" (Lu-ca 5:28). Nhưng Ma-thi- ơ cũng chẳng vì đó mà tự nhận mình có ít nhiều giá trị. Ông hoàn toàn không thấy mình nữa trong khi thờ lạy Ðấng Anh hùng của mình. Chúng ta quí mến Ma-thi-ơ vì ông có lòng khiêm nhường, tự xóa bỏ mình đi.
Chúng ta phải ngạc nhiên trước ân điển của Ðức Chúa Trời đã lựa chọn một người như vậy làm tác giả quyển Tin Lành gọi là "Sách được đọc nhiều nhứt trên khắp thế giới."
Theo truyền thoại, thì Ma-thi-ơ giảng ở xứ Pa-lét-tin mấy năm, rồi đi ra ngoại quốc; ông đã viết sách Tin Lành trước hết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, rồi mấy năm sau, khoảng năm 60 S.C., mới ra một bản hoàn bị hơn bằng tiếng Hi-lạp. Không có chép lời giảng của ông. Nhưng ông trứ tác sách nầy, thì đã phục vụ loài người biết bao!
Ông làm nghề thâu thuế, nên quen biên chép. Ông là thiết hữu của Ðức Chúa Jêsus trong vòng 2 năm, hoặc hơn nữa. Ngày nay nhiều người có giả thuyết rằng Ma-thi-ơ đã "cóp" sách Tin Lành của Mác. Giả thuyết nầy không có gì chứng minh, và "ngay trên mặt nó" đã là phi lý. Không có gì chắc chắn rằng Mác đã quen biết Ðức Chúa Jêsus (xem ở dưới Mác 1:1). Tại sao Ma-thi-ơ phải "cóp" của một người không mắt thấy, tai nghe những điều mà chính mắt ông đã thấy và tai ông đã nghe đi nghe lại nhiều lần?

Bốn Sách Tin-Lành
Về mọi phương diện, bốn sách Tin Lành là phần quan trọng nhứt của Kinh Thánh, -- quan trọng hơn mọi phần khác của Kinh Thánh hợp lại, quan trọng hơn tất cả sách vở của thế gian nầy hợp lại. Ấy vì chúng ta có thể không biết mọi sự khác, chớ không thể không biết Ðấng Christ. Các sách Kinh Thánh ở trước 4 sách Tin Lành đã dự ngôn, còn các sách ở sau thì giải thích Vị Anh hùng của 4 sách Tin Lành.
Tại sao lại 4? Trước hết, ta nên biết có nhiều sách hơn là con số 4. Ðương thời ấy có sự hoạt động lớn lao về văn chương; ấy là thời đại của César, Cicéron, Salluste, Virgile, Horace, Sénèque, Livie, Tacile, Plutarque, và Pline. Có thể nói đó là "thời đại Elizabeth"(1) của đế quốc La-mã. Trong vòng một thế hệ, truyện tích Ðức Chúa Jêsus đã truyền khắp thế giới mà người ta được biết thời đó, và thâu được hàng muôn vạn người tận tụy theo Ngài. Lẽ tự nhiên, cần có rất nhiều sách vở trần thuật đời sống của Ngài. Chính Ðức Chúa Trời đã dự phần soạn thảo và gìn giữ bốn sách Tin Lành nầy; và chúng tôi tin rằng Ngài đã làm cho chúng chứa đựng người điều Ngài muốn ta biết về Ðấng Christ. Trong Cựu Ước có một vài bản trần thuật hai lần. Nhưng trong cả Kinh Thánh, chỉ phần nầy có bốn sách luận về một Ðấng. Vậy, tỏ ra Ðấng nầy hệ trọng tuyệt đối.
Các tác giả.-- Ma-thi-ơ vốn làm nghề thâu thuế. Lu-ca là thầy thuốc. Giăng làm nghề đánh cá. Không nói rõ Mác làm gì. Ma-thi-ơ và Giăng là đồng bạn của Ðức Chúa Jêsus. Mác là đồng bạn của Phi-e-rơ. Sách Tin Lành của Mác chứa những điều ông đã nghe Phi-e-rơ thuật lại rất nhiều lần. Lu-ca là đồng bạn của Phao-lô. Sách Tin Lành của ông chứa những điều ông đã nghe Phao-lô kể từ đầu đến cuối đế quốc La-mã, và chính ông đã điều tra để minh xác. Phao-lô và Lu-ca cùng thuật một truyện tích. Hai ông đi khắp bốn phương, và thường đi cùng nhau. Giăng và Phi-e-rơ là hai đồng bạn thân thiết. Mác hợp tác với cả Phi-e-rơ và Phao-lô. Lu-ca và Mác cùng ở La-mã giữa năm 61 và 63 S.C, không xa lúc hai ông chép sách Tin Lành (Cô-lô-se 4:10-14).
Có lẽ các tác giả đã chép sách Tin Lành thành nhiều bản, hoặc một phần, hoặc trọn quyển, cho các chi hội hoặc cá nhân khác nhau. Có thể rằng hết thảy Sứ đồ và những bạn giúp việc họ từng hồi từng lúc, đã viết ra mọi điều họ rao giảng về Ðức Chúa Jêsus cho các chi hội mà họ sáng lập hoặc thăm viếng. Nhưng bất cứ các tác phẩm ấy là gì, chắc phần nhiều đã tiêu mất trong những cuộc bắt bớ của đế quốc La-mã, nhằm ba thế kỷ đầu tiên, trừ ra các tác phẩm ta có trong Tân Ước mà do thiên cơ của Ngài, Ðức Chúa Trời đã canh giữ và bảo vệ, kể đó là đủ truyền Lời Ngài cho mọi thế hệ trong tương lai.
Xem thêm ở dưới Mác 1:1; Lu-ca 1:1; và Giăng 1.

Ðoạn 1:1-17 -- Gia hệ của Ðức Chúa Jêsus
Gia hệ nầy cũng có chép ở Lu-ca 3:23-28. Sự ngự đến của Ðấng Christ đã được dự liệu chẳng những từ cõi đời đời ở trên trời, song cũng từ lúc khởi thủy của lịch sử trên trái đất.
Trong đời thái cổ, Ðức Chúa Trời đã chọn một gia tộc đặc biệt, tức là gia tộc Áp-ra-ham; về sau, Ngài lại chọn một gia tộc khác, thuộc trong dòng dõi Áp-ra-ham, tức là gia tộc Ða-vít, làm môi giới do đó Con Ngài sẽ ngự vào thế giới nầy. Quốc gia Hê-bơ-rơ đã được thành lập và được Ðức Chúa Trời che chở trải qua các thời đại, để bảo tồn huyết thống của gia tộc ấy.
Gia hệ trong sách Ma-thi-ơ đã được rút ngắn, bỏ sót vài tên, nhưng chẳng vì đó mà huyết thống nầy thành vô giá trị. 42 thế hệ gồm 2000 năm. Chia ra làm ba phần, mỗi phần 14 thế hệ, có lẽ để cho dễ nhớ: Phần thứ nhứt gồm 1000 năm, phần thứ hai gồm 400 năm, phần thứ ba gồm 600 năm. 3 nhóm, mỗi nhóm có 14 người. 14 là 2 lần 7; 3 và 7 là hai con số thánh.
Tuy nhiên, nhóm thứ ba chỉ nêu tên 13 thế hệ; rõ ràng lắm, thế hệ thứ 14 định dành cho Ma-ri.
Gia hệ chép trong sách Lu-ca hơi khác. Ma-thi-ơ đi ngược lại tới Áp-ra-ham, còn Lu-ca đi ngược lại tới A-đam. Ma-thi-ơ từ trên xuống dưới -- "sanh;" còn Lu-ca đi từ dưới lên trên -- "con."
Từ Ða-vít trở đi, thì có hai huyết thống đặc biệt, riêng rẽ, chỉ hợp nhất trong Sa-la-thi-ên và Sô-rô-ba-bên.
Quan điểm được mọi người thừa nhận là Ma-thi-ơ trình bày tông tộc của Giô-sép, tỏ ra Ðức Chúa Jêsus là Ðấng thừa kế hợp pháp các lời hứa ban cho Áp-ra-ham và Ða-vít, còn Lu-ca trình bày tông tộc của Ma-ri, tỏ ra huyết thống của Ðức Chúa Jêsus, "theo xác thịt thì bởi dòng dõi Ða-vít sanh ra." Theo phong tục Do-thái, thì gia hệ của Ma-ri ở trong tên chồng bà. Giô-sép là "con Hê-li" (Lu-ca 3:23, tức là "con rể" của Hê-li vậy. Hê-li là cha của Ma-ri, còn Gia-cốp là cha của Giô-sép.
Hai gia hệ nầy, dầu đối với chúng ta dường như khô khan, nhưng lại là "xương sống" của sử ký Cựu Ước. Hai gia hệ nầy được gìn giữ cẩn thận trải qua bao nhiêu thế kỷ đầy thăng trầm lịch sử, và chứa "một dòng dõi lưu truyền một lời hứa qua 4000 năm, -- là một thực sự vô song trong lịch sử."

So Sánh 4 Sách Tin-Lành Với Nhau
Bốn sách Tin Lành là bốn bản trần thuật song song về cùng Một Người, phần lớn kể lại những sự trạng giống nhau, song cũng có một vài điều khác nhau.
Chỉ có Ma-thi-ơ và Lu-ca thuật lại sự giáng sanh và thời thơ ấu của Ðức Chúa Jêsus. Ma-thi-ơ và Mác chuyên chú vào chức vụ của Ngài tại xứ Ga-li-lê. Lu-ca là người xứ Pê-rê (Pérée), còn Giăng là người xứ Giu-đê. Giăng bỏ qua phần lớn chức vụ của Chúa ở xứ Ga-li-lê, và ghi chép những cuộc Ngài thăm viếng Giê-ru-sa-lem mà mấy tác giả kia bỏ qua. Mấy tác giả kia bỏ qua chức vụ của Ngài ở xứ Giu-đê, trừ ra tuần lễ cuối cùng mà cả bốn ông kể lại khá đầy đủ. Tuần lễ cuối cùng chiếm 1/3 sách Ma-thi-ơ, 1/4 sách Lu-ca và 1/2 sách Giăng. Giăng dành 7 đoạn (gần 1/3 sách của ông) cho ngày Chúa bị đóng đinh vào Thập tự giá , từ lúc mặt trời lặn hôm trước cho tới lúc mặt trời lặn hôm sau.
Ma-thi-ơ có 28 đoạn. Mác có 16 đoạn. Lu-ca có 24 đoạn. Giăng có 21 đoạn. Lu-ca chiếm nhiều trang nhứt và là sách nhiều chữ nhứt. Mác là sách ngắn nhứt.
Quan Sát So Sánh 4 Sách Tin Lành

Ma-thi-ơ
Mác
Lu-ca
Giăng
Sự thực hữu của Ðức Chúa Jêsus trước khi thành nhục thể



Giăng 1:1-3

Sự giáng sanh và thời thơ ấu của Ðức Chúa Jêsus
Ma-thi-ơ 1, 2;

Lu-ca 1, 2


Giăng Báp-tít
Ma-thi-ơ 3:1-12;
Mác 1:1-8;
Lu-ca 3:1-20;
Giăng
1:6-42

Ðức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm
Ma-thi-ơ 3:13-17;
Mác 1:9-11;
Lu-ca 3:21-22

Sự cám dỗ
Ma-thi-ơ 4:1-11;
Mác 1:12-13;
Lu-ca 4:1-13

Phép lạ đầu tiên



Giăng
2:1-11
Khoảng đầu chức vụ tại xứ Giu-đê (chừng 8 tháng)



Giăng
2:13 đến 4:3
Thăm viếng xứ Sa-ma-ri



Giăng
4:4-42
Chức vụ tại xứ Ga-li-lê (chừng 2 năm)
Ma-thi-ơ 4:12 đến 19:1;
Mác 1:14 đến 10:1;
Lu-ca 4:14 đến 9:51;
Giăng 4:43-54; 6:1 đến 7:1
Thăm viếng thành Giê-ru-sa-lem



Giăng 5:1-47

Chức vụ tại xứ Pê-rê và khoảng đầu chức vụ tại xứ Giu-đê (chừng 4 tháng)
Ma-thi-ơ 19, 20;
Mác 10;
Lu-ca 9:51 đến 19:28;
Giăng 7:2 đến 11:57
Tuần lễ cuối cùng
Ma-thi-ơ 21 đến 27;
Mác 11 đến 15;
Lu-ca 19:29 đến 24:1;
Giăng 12 đến 19
Chức vụ sau khi sống lại
Ma-thi-ơ 28;
Mác 16;
Lu-ca 24;
Giăng 20 đến 21

Ðoạn 1:18-25 -- Sự giáng sanh của Ðức Chúa Jêsus
Chỉ có Ma-thi-ơ và Lu-ca thuật lại sự giáng sanh và thời thơ ấu của Ðức Chúa Jêsus, mỗi ông kể những biến cố khác nhau. Xem ở dưới Lu-ca 1:5-8.

Ðoạn 1:18-24 -- Báo tin cho Giô-sép
Trong ba tháng đầu, sau khi sứ giả thiên thượng đến thăm, thì Ma-ri đi tới nhà Ê-li-sa-bét. Khi nàng trở về Na-xa-rét và Giô-sép biết tình trạng của nàng, thì ông chắc đã đầy "kinh ngạc, bối rối và đau đớn thấm thía." Nhưng ông là người hiền đức, nên sẵn lòng che chở Ma-ri khỏi tình trạng mà ông dự đoán, tức là sự sỉ nhục công khai, hoặc tệ hại hơn nữa. Bấy giờ thiên sứ hiện đến cùng ông mà giải thích. Tuy nhiên, ông vẫn phải giữ sự bí mật của gia đình đó để tránh khỏi lời gièm pha, bêu xấu, vì không một ai chịu tin truyện của Ma-ri. Về sau, khi thần tánh của Ðức Chúa Jêsus đã được chứng minh bởi các phép lạ và sự sống lại từ trong kẻ chết, bấy giờ Ma-ri có thể tự do nói ra sự bí mật thiên thượng của mình và sự thai dựng siêu nhiên của Con Trẻ. Về lời chú giải sự giáng sanh do nữ đồng trinh, xin xem ở dưới Lu-ca 1:26-38.

Giô-sép
Các sách Tin Lành ít nói về Giô-sép. Ông cùng Ma-ri đi đến Bết-lê-hem, và ở cùng bà khi Ðức Chúa Jêsus sanh ra (Lu-ca 2:4, 16). Ông ở với Ma-ri lúc dâng Ðức Chúa Jêsus tại Ðền thờ (Lu-ca 2:33). Ông dẫn Ma-ri và Ðức Chúa Jêsus trốn qua Ai-cập, rồi trở về Na-xa-rét (Ma-thi-ơ 2:13, 19-23). Ông đưa Ðức Chúa Jêsus lên Giê-ru-sa-lem năm Ngài 12 tuổi (Lu-ca 2:43, 51). Kinh Thánh chỉ còn nói thêm rằng ông làm nghề thợ mộc và là chủ một gia đình có rất ít là 7 con (Ma-thi-ơ 13:55, 56). Chắc ông là một người hiền đức, đáng làm gương mẫu, nên đã được Ðức Chúa Trời chọn làm cha nuôi của Con Ngài. Người ta thường giả định rằng ông qua đời trước khi Ðức Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ công khai, mặc dầu lời lẽ ở Ma-thi-ơ 13:55 và Giăng 6:42 dường như ngụ ý rằng lúc đó ông còn sống. Dầu sao, ông chắc đã qua đời trước khi Ðức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên cây Thập tự; bằng không, chắc Ngài chẳng có lý do giao mẹ Ngài cho Giăng săn sóc (Giăng 19:26, 27).

Ma-ri
Sau truyện tích Ðức Chúa Jêsus giáng sanh và sau khi Ngài thăm viếng Giê-ru-sa- lem lúc 12 tuổi, thì Kinh Thánh ít chép về Ma-ri. Theo cách thường giải thích sách Ma-thi-ơ 13:55-56, thì ngoài Ðức Chúa Jêsus ra, bà còn sanh hạ rất ít là 6 con nữa. Theo lời đề nghị của bà, Ðức Chúa Jêsus đã làm phép lạ thứ nhứt tại Ca-na, tức là biến nước thành rượu (Giăng 2:1-11). Về sau, Kinh Thánh chép rằng bà toan rẽ đám đông mà đến gần Ngài (Ma-thi-ơ 12:46; Mác 3:31; Lu-ca 8:19). Trong trường hợp nầy, lời Ðức Chúa Jêsus phán tỏ rõ rằng mối liên lạc gia đình của bà với Ngài chẳng ban cho bà một ưu thế thiêng liêng đặc biệt nào cả. Bà có mặt lúc Ðức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên Thập tự giá, và Ngài đã phó thác bà cho Giăng phụng dưỡng (Giăng 19:25-27). Kinh Thánh không chép Ðức Chúa Jêsus hiện ra với bà sau khi Ngài sống lại, mặc dầu Ngài thật đã hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len. Kinh Thánh chép lần chót về bà Ma-ri ở sách Sứ đồ 1:14, lúc bà hiệp với các môn đồ mà cầu nguyện. Ðó là mọi điều Kinh Thánh đã nói về bà Ma-ri. Nói về các bậc phụ nữ có mặt trong đời sống công khai của Ðức Chúa Jêsus, thì Ma-ri Ma-đơ-len dường như đã đóng vai quan trọng bội phần hơn mẹ của Ðức Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 27:56, 61, 28:1; Mác 15:40, 47, 16:9; Lu-ca 8:2, 24:10; Giăng 19:25; 20:1-18). Xem chú giải ở dưới Lu-ca 8:1-3.
Ma-ri là một bậc phụ nữ trầm tĩnh, hay suy gẫm, sùng đạo, khôn ngoan, được tôn trọng hơn hết; bà là nữ hoàng của các người mẹ, và đã chịu những nỗi lo âu thông thường của kẻ làm mẹ. Chúng ta ngưỡng mộ, tôn trọng bà, và kính mến bà vì bà đã sanh ra Cứu Chúa của chúng ta. Nhưng chúng ta không cầu nguyện bà. Chúng tôi nghĩ rằng người ta thường không tán thành việc Giáo hội Công giáo tôn bà Ma-ri làm thần, nên giới tín đồ không phải Công giáo chẳng tỏ lòng tôn trọng bà một cách thích đáng. Chúng tôi ngờ rằng chính bà Ma-ri ở Thiên đàng, dầu tự hào đời đời vì đã được làm mẹ của Cứu Chúa, song cũng không khỏi sững sốt, buồn rầu vì người ta đã tạc hình tượng bà lên mà thờ lạy.
Ai là "anh em" và "chị em" của Ðức Chúa Jêsus, đã ghi chép ở Ma-thi-ơ 13:55-56 và Mác 6:3? Có phải là con cái do Ma-ri sanh ra chăng? Hay là con cái đời vợ trước của Giô-sép? Hay là anh chị em họ? Ý nghĩa rõ ràng, đơn sơ và tự nhiên của những khúc sách nầy là họ chính là con cái do Ma-ri sanh ra. Ðó là ý kiến thông thường của các nhà bình luận Kinh Thánh trong Hội Thánh Tin Lành. Vả, ý kiến nầy được chứng minh bởi lời chép ở Lu-ca 2:7 rằng Ma-ri "sanh con Trai ÐẦU LÒNG." Tại sao lại gọi là đầu lòng, nếu chẳng có con cái nào khác?
Chúng tôi ngờ rằng nếu không phải muốn tôn sự độc thân làm một hình thức sanh hoạt thánh khiết hơn, thì người ta đã chẳng gán cho những khúc sách nầy một ý nghĩa khác. Giáo lý về Ma-ri "đồng trinh trọn đời" (nghĩa là bà cứ ở đồng trinh mãi, và không sanh con cái nào khác) đã xuất hiện lần đầu tiên nhằm thế kỷ thứ hai, trong những ngụ ngôn và tưởng tượng của các sách vở liên quan đến những ý niệm giáo lý rằng ở độc thân thì thánh khiết hơn. Sau đó người ta lại đặt truyện "thân thể không tì vít và quí báu của bà" được biến hóa mà cất lên trời. Sự thờ phượng "Nữ đồng trinh thánh" càng ngày càng thêm, cho đến năm 1854, thì Giáo hoàng Pie IX thi hành đặc quyền cho phép Giáo hoàng tạo ra những thực sự lịch sử, bèn ra sắc lịnh tuyên bố Ma-ri "được hoài thai tinh khiết" (nghĩa là bà vô tội, sanh ra và được giữ gìn "khỏi mọi tì tích của nguyên tội").
Về sự "đồng trinh trọn đời" của Ma-ri, thì ta sẽ nói chi về Ma-thi-ơ 1:25? Lời chép rằng Giô-sép "không hề ăn ở với bà cho đến khi người sanh một trai," há chẳng gồm ý rõ ràng, không sao lầm lẫn được, rằng ông thật đã "ăn ở với" bà, như chồng và vợ, sau khi Ðức Chúa Jêsus sanh ra, sao? Lại nữa, câu: "Chưa ăn ở cùng nhau" (Ma-thi-ơ 1:18) há chẳng gồm ý rằng về sau họ thật có "ăn ở cùng nhau," sao? Hơn nữa, phải chăng có lý rằng Giô-sép và Ma-ri chỉ giả làm vợ chồng, và thật ra cuộc hôn nhân bề ngoài của họ chỉ là công khai giả mạo? Họ cố che giấu sự đồng trinh ở dưới đời sống gia đình chăng? Ta có thể nghĩ rằng Ðức Chúa Trời đã dự phần vào sự dối gạt và giả hình dường ấy, chăng? Hơn nữa, sự đồng trinh có phải là thánh khiết hơn địa vị làm mẹ chăng?
Còn thuyết "anh em họ" và "anh em nuôi," chỉ là phỏng đoán, không căn cứ trên ngữ học hoặc Kinh Thánh chi hết. Thuyết nầy chỉ đặt ra để binh vực giáo lý Ma-ri "đồng trinh trọn đời," và dùng giáo lý nầy làm bối cảnh mà tôn giới thầy cả tự nhận là độc thân lên trên thường nhân.

Ma-thi-ơ 2:1-2 -- Các bác sĩ tới thăm
Việc nầy chắc đã xảy ra giữa khoảng Ðức Chúa Jêsus được 40 ngày và lên 2 tuổi (Ma-thi-ơ 2:16; Lu-ca 2:23, 39). Hai tuổi nầy dường như chỉ tỏ lúc ngôi sao hiện ra lần đầu tiên (câu 7) để thúc đẩy họ lên đường trong một hành trình kéo dài mấy tháng, chớ không phải là định đúng lúc hài nhi sanh ra. Nhưng Hê-rốt muốn chắc chắn, nên đã lấy thời hạn xa nhứt. Ít ra Hài nhi cũng không còn ở trong máng cỏ nữa, như các hình vẽ thường mô tả, nhưng Ngài đã ở trong "nhà" (câu 11). Xem ở Lu-ca 2:6-7.
Ba bác sĩ nầy đến từ Ba-by-lôn, hoặc từ xứ xa hơn, là nơi phát tích của loài người, tức là quê hương của Áp-ra-ham, nơi dân Do-thái bị lưu đày và nhiều người Do-thái còn cư ngụ. Ba bác sĩ nầy thuộc về hạng tri thức, và là cố vấn của vua chúa. Có lẽ họ biết Kinh Thánh của dân Do-thái và biết rằng dân ấy trông đợi một Ðấng Mê-si ngự đến làm Vua. Ba-by-lôn là nơi Ða-ni-ên đã ở, và chắc họ có biết lời tiên tri của ông về 70 tuần lễ, cùng lời tiên tri của Ba-la-am về "một Ngôi Sao hiện ra từ Gia-cốp" (Dân số ký 24:17). Họ là những người có địa vị cao, vì được phép vào triều kiến Hê-rốt. Người ta thường nói là có "ba bác sĩ," những Kinh Thánh không nói rõ là có bao nhiêu. Có lẽ có nhiều hơn, hoặc ít ra họ cũng có bọn tùy tòng tới vài trăm người, vì một nhóm ít ỏi du hành hàng ngàn dặm qua những đồng vắng hoang vu, giặc cướp nhan nhản, thì không được an ninh. Họ tới Giê-ru-sa-lem, tỏ ra có việc quan trọng, đủ làm cho cả thành xôn xao.
Sự thăm viếng của ba bác sĩ nhằm mục đích tượng trưng sự sùng kính của giới trí thức và của những xứ xa đối với VUA mới sanh ra, cùng kêu gọi dân Giê-ru-sa-lem chú ý rằng Ngài đã ngự đến. Nhưng cũng còn nhằm một mục đích nữa mà chính các bác sĩ không biết, ấy là cung cấp tiền bạc cho Hài nhi trốn qua Ai-cập. Cha mẹ vốn nghèo, và nếu chẳng nhờ số vàng của các bác sĩ dâng cho, thì gia đình Chúa không thể nào trốn thoát tay Hê-rốt.

Ngôi sao
Người ta tính rằng Mộc tinh (Jupiter) và Thổ tinh (Saturne) đã giao hội năm 6 T.C.. Nhưng điều nầy hầu như không thể cắt nghĩa tại sao "ngôi sao đi trước mặt họ cho đến chừng ngay trên chỗ Con Trẻ ở mới dừng lại" (câu 9). Có người tưởng có lẽ là một "tân tinh" (nova), tức là một ngôi sao nổ ra và cháy sáng trong một thời gian. Các nhà thiên văn cho chúng ta hay rằng trên Ngân hà, hằng năm có chừng 30 ngôi sao nổ ra như vậy, sáng rực gấp hơn 10.000 lần khi trước, rồi lại trở về mực sáng thường. Nhưng hiện tượng ấy làm thế nào tương ứng với trường hợp này được?
Chắc ngôi sao mà các bác sĩ thấy là một hiện tượng rõ rệt, một ánh sáng siêu nhiên do sự khải thị trực tiếp của Ðức Chúa Trời mà đi trước mặt họ và chỉ vào đúng chỗ. Ðó là sự báo cáo siêu nhiên về một sự giáng sanh siêu nhiên. Các bác sĩ là những nhà thiên văn và chiêm tinh. Ðức Chúa Trời dùng cái gì ở trong phạm vi tư tưởng của họ để dẫn đưa họ đến Ðấng họ đang tìm kiếm. Có lẽ khi họ trở về xứ sở và thuật lại điều mình được thấy, thì đã dọn đường để mấy chục năm sau, các Sứ đồ đến rao giảng Tin Lành, vì một vài vị đã đi tới Ba-by-lôn.

Ðoạn 2:13-15 -- Trốn qua Ai-cập
Ngay đến biến cố nầy cũng không tránh khỏi con mắt sáng suốt, không hề lầm lẫn của Ðức Chúa Trời trong hàng dài những lời tiên tri về Ðấng Mê-si (câu 15; Ô-sê 11:1). Vị thiên sứ (câu 13) truyền lịnh cho họ trốn qua Ai-cập có lẽ là Gáp-ri-ên mà Ðức Chúa Trời đã giao cho nhiệm vụ chăm nom Hài nhi (xem ở dưới Lu-ca 2:8-20).
Họ ở Ai-cập không lâu, có lẽ chỉ 1 hoặc 2 năm thôi, vì chẳng bao lâu Hê-rốt đã chết, và họ có thể trở về bình an vô sự. Xem niên biểu thời thơ ấu của Ðức Chúa Jêsus ở dưới Lu-ca 2:39.
Không chỉ rõ tại Ai-cập, Giô-sép, Ma-ri và Hài nhi đã ở nơi nào. Theo truyền khẩu, thì gia đình Giô-sép ngụ tại thành Ôn, cũng gọi là Héliopolis. Ðây cũng là nơi mà một Giô-sép khác đã cai trị nước Ai-cập từ bao nhiêu thế kỷ trước (Sáng-thế Ký 41:45). Một tiêm bi dựng từ thời Áp-ra-ham, vẫn còn đó và đánh dấu vùng di tích.

Ðoạn 2:16-18 -- Tàn sát con trẻ
Khá kỳ lạ thay! Một người tin rằng Ðấng Christ ngự đến (câu 4) mà lại có thể tự kiêu và ngu dại đến nỗi tưởng ngăn trở được sự ngự đến của Ngài!

Hê rốt
Nhà Hê-rốt là một triều vua gốc ở xứ Ê-đôm, dưới quyền đô hộ của người La-mã, họ đã được cai trị xứ Giu-đê trước khi Ðấng Christ xuất hiện ít lâu. Hê-rốt đại vương (37-3 T.C.) đã đoạt được và giữ lấy ngôi bởi những hành động tàn bạo khôn tả xiết, thậm chí ông đã giết cả vợ và hai con trai. Ông là người hung ác, quỉ quyệt và vô tình. Chính ông đã giết những con trẻ ở Bết-lê-hem vì toan hạ sát Ðấng Christ.
Chừng 33 năm sau, con trai ông, là Hê-rốt Antipas, giết Giăng Báp-tít (Mác 6:14-29), và chế nhạo Ðấng Christ (Lu-ca 23:7-12).
14 năm sau nữa, cháu nội ông, là Hê-rốt [1]c-ríp-ba I giết Sứ đồ Gia-cơ (Công-vụ các Sứ-đồ 12:1-12).
16 năm nữa, chắt nội ông, là vua Hê-rốt [1]c-ríp-ba II, đã xét xử Phao-lô (Công-vụ các Sứ-đồ 25:13 đến 26:32).

Ðoạn 2:19-21 -- Từ Ai-cập hồi hương
Việc nầy cũng do một thiên sứ truyền bảo. Do câu 22, dường như Giô-sép định trở về Bết-lê-hem. Có lẽ ông toan định như vậy vì muốn chọn Bết-lê-hem, quê hương của tổ phụ Ða-vít, làm nơi cư trú vĩnh viễn và nơi thích hợp để dưỡng dục Ðấng Mê-si còn thơ ấu. Nhưng Ðức Chúa Trời có kế hoạch khác, nên đã bảo họ trở về xứ Ga-li-lê.

Các Danh hiệu của Ðức Chúa Jêsus
Cựu Ước đã dự ngôn sự ngự đến của một Vua oai hùng, lạ lùng, thuộc trong gia tộc Ða-vít, và Ngài sẽ cai trị cùng ban phước cho cả thế giới. Lâu lắm trước khi xuất hiện, Vua ấy đã được đặt tên là "Ðấng Mê-si" (tiếng Hê-bơ-rơ), hoặc "Ðấng CHRIST" (tiếng Hi-lạp). Hai chữ nầy cùng có nghĩa là: "Chịu xức dầu." Vậy, Ngài là Ðấng mà Ðức Chúa Trời xức dầu cho để làm giữa thế giới công việc mà các tiên tri đã nói đến. "JÊSUS" là Danh hiệu riêng của Ngài, còn "Ðấng Mê-si" hoặc "Ðấng Christ" là Danh hiệu tỏ ra chức vụ mà Ngài đã ngự đến để gánh vác.

Ðoạn 2:22-23 -- Trở về Na-xa-rét
Ma-thi-ơ không chép rằng Na-xa-rét vốn là nơi cư ngụ của Giô-sép và Ma-ri. Chúng ta nhờ Lu-ca mới biết điều đó.
Ðiều mà Ma-thi-ơ đặc biệt nêu lên, ấy là sự trở về Na-xa-rét đã làm ứng nghiệm một lời tiên tri.
Lời tiên tri mà Ma-thi-ơ trưng dẫn ở đây thì người ta cho là Ê-sai 11:1, tại đó Ðấng Mê-si được gọi là "Nhánh," (cũng xem Giê-rê-mi 23:5 và Xa-cha-ri 3:8). Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chữ "Nhánh" gần giống như chữ "Na-xa-rét." Ðây là một lời song quan (jeu de mots). Ðức Chúa Jêsus "là người Na-xa-rét" theo hai ý nghĩa.
Vì Ma-thi-ơ hay trưng dẫn Cựu Ước, tỏ ra ông có khuynh hướng "ráp" các biến cố và đặc điểm của đời sống Ðấng Christ vào các lời tiên tri, nên đây là chỗ rất tốt cho chúng ta liệt kê những lời tiên tri Cựu Ước được trưng dẫn trong 4 sách Tin Lành , nhứt là trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ, có liên quan đến Ðấng Christ. Phần nhiều lời tiên tri ấy hoàn toàn rõ ràng chỉ về Ðấng Mê-si. Có một vài lời tiên tri mà chúng ta không thể giải thích như vậy, trừ ra nó đã được các tác giả (do Chúa soi dẫn) trưng dẫn theo ý nghĩa như vậy. Tuy nhiên, đối với chúng ta, thì ta hoàn toàn hài lòng về cách Tân Ước giải thích các đoạn Cựu Ước. Ấy vì lời giải thích Tân Ước đã ghi ý nghĩa Ðức Chúa Trời đã định dành cho các đoạn Cựu Ước.

Những Lời Tiên Tri Cựu Ước Về Ðấng CHRIST được
Trưng Dẫn Trong Bốn Sách Tin Lành
Rằng Ngài sẽ thuộc về gia tộc Ða-vít (Ma-thi-ơ 22:24; Mác 12:36; Lu-ca 1:69, 70; 20:42-44; Giăng 7:42; II Sa-mu-ên  7:12-16; Thi Thiên 89:3, 4; 110:1; 132:11; Ê-sai 9:6-7; 11:1).
Rằng Ngài sẽ sanh ra bởi nữ đồng trinh (Ma-thi-ơ 1:23; Ê-sai 7:14).
Rằng Ngài sẽ sanh tại Bết-lê-hem (Ma-thi-ơ 2:6; Giăng 7:42; Mi-chê 5:2).
Rằng Ngài sẽ kiều ngụ tại Ai-cập (Ma-thi-ơ 2:15; Ô-sê 11:1).
Rằng Ngài sẽ ở xứ Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 4:15; Ê-sai 9:1-2).
Rằng Ngài sẽ ở thành Na-xa-rét (Ma-thi-ơ 2:23; Ê-sai 11:1).
Rằng sự ngự đến của Ngài sẽ được báo cáo bởi một sứ giả giống như Ê-li (Ma-thi-ơ 3:3; 11:10-14; Mác 1:2-3; Lu-ca 3:4-6; 7:27; Giăng 1:23; Ê-sai 40:3-5; Ma-la-chi 3:1; 4:5).
Rằng sự ngự đến của Ngài sẽ gây cho con trẻ thành Bết-lê-hem bị tàn sát (Ma-thi-ơ 2:18; Sáng-thế Ký 35:19-20; 48:7; Giê-rê-mi 31:15).
Rằng Ngài sẽ rao một năm hân hỉ cho thế giới (Lu-ca 4:18-19; Ê-sai 58:6; 61:1).
Rằng Ngài sẽ thi hành sứ mạng đối với các dân ngoại (Ma-thi-ơ 12:18-21; Ê-sai 42:1-4).
Rằng Ngài sẽ thi hành chức vụ chữa bịnh (Ma-thi-ơ 8:17; Ê-sai 53:4).
Rằng Ngài sẽ dạy dỗ bằng thí dụ (Ma-thi-ơ 13:14, 15, 35; Ê-sai 6:9-10; Thi Thiên 78:2).
Rằng những kẻ cầm quyền không tin Ngài, ghen ghét và chối bỏ Ngài (Ma-thi-ơ 15:8, 9; 21:42; Mác 7:6, 7; 12:10, 11; Lu-ca 20:17; Giăng 12:38, 40; 15:25; Thi Thiên 69:4; 118:22; Ê-sai 6:10; 29:13; 53:1)
Rằng Ngài sẽ ngự vào thành Giê-ru-sa-lem một cách khải hoàn (Ma-thi-ơ 21:5; Giăng 12:13-15; Ê-sai 62:11; Xa-cha-ri 9:9; Thi Thiên 118:26).
Rằng Ngài sẽ như một Người Chăn Chiên bị đánh (Ma-thi-ơ 26:31; Mác 14:27; Xa- cha-ri 13:7).
Rằng Ngài sẽ bị một người bạn phản nộp vì 30 miếng bạc (Ma-thi-ơ 27:9, 10; Giăng 13:18; 17:12; Xa-cha-ri 11:12, 13; Thi Thiên 41:9).
Rằng Ngài sẽ chết chung với bọn ác nhân (Lu-ca 22:37; Ê-sai 53:9, 12).
Rằng Ngài sẽ được người giàu an táng (Ê-sai 53:9; Ma-thi-ơ 27:57-60). Lời tiên tri nầy không được trưng dẫn trong các sách Tin Lành.
Rằng người ta sẽ cho Ngài uống dấm và mật đắng (Ma-thi-ơ 27:34; Giăng 19:29; Thi Thiên 69:21).
Rằng chúng sẽ bắt thăm chia áo xống Ngài (Giăng 19:24; Thi Thiên 22:18).
Cả lời Ngài phán khi hấp hối cũng được dự ngôn (Ma-thi-ơ 27:46; Mác 15:34; Lu-ca 23:46; Thi Thiên 22:1; 31:5).
Rằng không một cái xương nào của Ngài sẽ bị gãy (Giăng 19:36; Xuất Ê-díp-tô Ký 12:46; Dân số ký 9:12; Thi Thiên 34:20).
Rằng hông Ngài sẽ bị đâm lủng (Giăng 19:37; Xa-cha-ri 12:10; Thi Thiên 22:16).
Rằng Ngài sẽ sống lại nhằm ngày thứ ba (Ma-thi-ơ 12:40; Lu-ca 24:46). Không trưng dẫn một câu đặc biệt nào về vấn đề nầy. Sách Công vụ các sứ đồ 2:25-32 và 13:33-35 trưng dẫn Thi Thiên 16:10-11 để chứng minh sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết. Ðức Chúa Jêsus phán rằng có lời chép Ngài sẽ sống lại "ngày thứ ba" (Lu-ca 24:46). Chắc Ngài đã nhớ đến mấy câu Kinh Thánh nầy: Ô-sê 6:2 và Giô-na 1:17. Có lẽ Ngài cũng thấy cảnh tượng Y-sác được thoát khỏi sự chết nhằm ngày thứ ba (Sáng-thế Ký 22:4). Mười Ðiều răn cũng được ban bố ngày thứ ba (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16).
Rằng theo sau sự chối bỏ Ngài, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy phá và có cơn Ðại nạn (Ma-thi-ơ 24:15; Mác 13:14; Lu-ca 21:20; Ða-ni-ên 9:27; 11:31; 12:1, 11).
Chính Ðức Chúa Jêsus nhìn nhận rằng sự chết của Ngài sẽ làm ứng nghiệm Kinh Thánh (Ma-thi-ơ 26:54, 56).
Ðây, một sự kiện lạ lùng: Cả truyện tích về đời sống của Ðức Chúa Jêsus, nào các đặc điểm chính, nào các biến cố, nào các việc ngẫu nhiên kèm theo, thậm chí phần nhiều chi tiết nhỏ nhặt nhứt, đều đã được dự ngôn rõ ràng trong Cựu Ước! Ðó há chẳng phải chứng cớ hiển nhiên rằng có một TÂM TRÍ thực tại và hoạt động, vượt quá tâm trí loài người, đến nỗi làm cho chúng ta phải kinh sợ, ngạc nhiên và hạ mình xuống, sao?

Ðoạn 3:1-12 -- Sự giảng dạy của Giăng Báp-tít
Xem thêm ở Lu-ca 3:1-12. Ma-thi-ơ đi từ sự dời khỏi Ai-cập mà hồi hương thẳng đến sự giảng dạy của Giăng Báp-tít, bỏ qua một thời gian gần 30 năm.

Ðoạn 3:13-17 -- Ðức Chúa Jêsus chịu lễ báp-têm
Việc nầy cũng có chép ở Ma-thi-ơ 1:9-11 và Lu-ca 3:21-22. Trong cả ba đoạn tường thuật và ở Giăng 1:31-33, có những đặc điểm, là Ðức Thánh Linh giáng xuống và tiếng phán từ trên trời. Theo Giăng 1:31-33, thì dường như Giăng báp-tít không biết Ngài. Nhưng Ma-thi-ơ 3:14 gồm ý rằng ông thật có biết Ngài. Chắc hẳn lúc còn thiếu niên, Ðức Chúa Jêsus và Giăng Báp-tít đã quen biết nhau, vì hai gia đình có bà con (Lu-ca 1:36), và hai bà mẹ đã ở cùng nhau 3 tháng ngay trước khi Ðức Chúa Jêsus và Giăng Báp-tít sanh ra (Lu-ca 1:39, 56). Dường như chắc chắn rằng hai Thiếu niên đã được cha mẹ nói cho biết lời thiên sứ báo cáo liên quan đến sứ mạng của mình. Nhưng từ lúc Giăng Báp-tít rút lui để làm một người khổ tu trong đồng vắng (Lu-ca 1:80), thì có lẽ ông không còn thấy Ðức Chúa Jêsus cho đến ngày Ngài chịu lễ báp-têm. Lẽ tự nhiên, ông không nhận biết Người mà mình đã thấy lúc còn thiếu niên, cho đến khi Ðức Chúa Trời chỉ Ngài ra. Bấy giờ, do chính thiên đàng xác nhận, Ðức Chúa Jêsus được công khai xức dầu với tư cách Con Ðức Chúa Trời, Ðấng Mê-si của nước Do-thái và Cứu Chúa của thế gian.

Nơi Ðức Chúa Jêsus chịu lễ báp-têm
Nơi Ðức Chúa Trời đã lựa chọn để giới thiệu Ðấng Mê-si với dân tộc Do-thái chính là hạ lưu sông Giô-đanh, tại chỗ hoặc gần chỗ nước rẽ ra cho Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên đi qua để vào xứ Ca-na-an. Giăng Báp-tít đã ở đây và bắt đầu công việc khơi lòng trông đợi của nhân dân. Chẳng bao lâu, mọi mắt chuyên chú vào ông và ai nấy tự hỏi chính ông có phải là Ðấng Mê-si chăng? Bấy giờ dựa vào một sự phát hiện từ Thiên đàng, ông bèn tuyên bố Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si. Chẳng bao lâu, tại chính miền nầy, phần đầu chức vụ của Ðức Chúa Jêsus đã tiếp theo chức vụ của Giăng Báp-tít. Cũng tại đây, Ðức Chúa Jêsus đã thi hành phần chót của chức vụ. Biết bao kỷ niệm sâu xa dồn lại ở đây! Ngay phía Ðông, ở bìa thung lũng Giô-đanh, có những ngọn núi Nê-bô cao ngất, tại đó Môi-se được xem thấy Ðất Hứa, và cũng tại đó, Ðức Chúa Trời đã an táng ông. Cũng tại đó, khoảng giữa sông Giô-đanh và núi Nê-bô, các xe thiên thượng đã chở Ê-li đi họp mặt với Môi-se trong nơi vinh hiển. Cách 5 dặm về phía Tây, ở bìa thung lũng, là thành Giê-ri-cô mà chiến lũy đã đổ xuống khi tiếng kèn của Giô-suê vang dậy. Ngay trên Giê-ri-cô, chỗ khe Kê-rít chảy mau, các chim quạ đã nuôi sống Ê-li. Xa hơn chút nữa, trên chót dãy núi, là Bê-tên, tại đó, Áp-ra-ham đã lập một bàn thờ cho Ðức Giê-hô-va, và cũng tại đó, Gia-cốp đã thấy cái thang thiên thượng có các thiên sứ lên, xuống (Ðức Chúa Jêsus đã nhắc đến truyện nầy khi trò chuyện với Na-tha-na-ên, ngay sau khi bị ma quỉ cám dỗ ở vùng lân cận ấy). Gần đó, về phía Nam, cũng trên dãy núi ấy, là Giê-ru-sa-lem, Thành Thánh, thành của Mên-chi-xê-đéc và Ða-vít, thủ đô của Ðức Chúa Trời trong khi Ngài cố gắng cứu chuộc loài người. Ở phía Nam, bên kia Biển Chết, là đồng bằng, tại đó có di tích của Sô-đôm và Gô-mô-rơ.
Bản đồ số 45
Ðoạn 4:1-10 -- 40 Ngày cám dỗ
Việc nầy cũng được chép ở Lu-ca 4:1-13 và chép rất vắn tắt ở Mác 1:12-13. Ðức Thánh Linh, Sa-tan (xem lời chú giải ở dưới Lu-ca 4:1-13) và thiên sứ (xem lời chú giải ở dưới Ma-thi-ơ 4:11) đã dự phần trong sự Ðức Chúa Jêsus bị cám dỗ. Ðức Thánh Linh dắt dẫn Ngài và thiên sứ giúp đỡ Ngài đang khi Sa-tan nhiều lần toan kéo Ngài khỏi sứ mạng cứu chuộc loài người. Cả vũ trụ chú ý. Số phận của muôn loài thọ tạo sẽ được định đoạt. Nếu Ðức Chúa Jêsus chịu nổi sự thử thách đầu tiên, thì đó là điềm Ngài sẽ thắng trận cuối cùng.
Chúng ta tự hỏi tại sao Ðức Chúa Jêsus bị cám dỗ ngay sau khi chịu lễ báp-têm? Sự Ðức Thánh Linh giáng xuống trên Ngài lúc đó có thể gồm hai điều mới mẻ trong sự từng trải của Ðức Chúa Jêsus với tư cách một Người: Một là quyền năng để làm phép lạ không hạn chế; hai là hoàn toàn khôi phục sự tri thức mà Ngài có từ trước khi thành nhục thể.
Trong cõi đời đời, Ðức Chúa Jêsus đã biết rằng Ngài đến thế gian để làm Chiên Con của Ðức Chúa Trời, chịu đau thương vì tội lỗi loài người. Nhưng Ngài ngự đến như một Hài nhi. Phải chăng chúng ta sẽ giả định rằng khi còn là Hài nhi, Ðức Chúa Jêsus cũng biết mọi điều mà Ngài đã biết trước khi chưa chịu lấy những sự hạn chế của thân thể loài người? Há chẳng tự nhiên hơn mà suy nghĩ rằng sự hiểu biết của Ngài trước khi thành nhục thể đã lần lần đến cùng Ngài theo mức Ngài lớn lên và được giáo dục như loài người? Lẽ tự nhiên, mẹ Ngài đã thuật cho Ngài biết trường hợp Ngài sanh ra. Ngài biết mình là Con Ðức Chúa Trời và là Ðấng Mê-si. Chắc hẳn Ngài và mẹ Ngài thường trò chuyện về kế hoạch và phương thức do đó Ngài sẽ làm công việc với tư cách Ðấng Mê-si của thế giới. Nhưng khi Ðức Thánh Linh giáng trên Ngài "không chừng mực" (Giăng 3:34) lúc Ngài chịu lễ báp-têm, thì lần thứ nhứt theo tư cách một Người, Ngài được biết đầy đủ, rõ ràng một vài điều mà Ngài đã biết trước khi thành Người. Trong số những điều ấy, có Thập Tự Giá, là con đường do đó Ngài làm trọn sứ mạng. Thập tự giá làm cho Ngài kinh ngạc, khiến Ngài không muốn ăn nữa, đưa Ngài đi xa những chỗ đông người; và suốt 40 ngày, Ngài ngạc nhiên trước Thập tự giá.
Tánh chất sự cám dỗ mà Ngài đã chịu là gì? Có lẽ nó gồm những sự cám dỗ thông thường của loài người khi họ tranh đấu lấy bánh ăn, và ham muốn danh tiếng, quyền thế. Nhưng còn hơn nữa. Ðức Chúa Jêsus cao cả quá, đến nỗi ta không thể nghĩ rằng những cớ tích dường ấy có thể được Ngài coi trọng. Do các tiền tích và bối cảnh của Ngài, chúng ta phải tin rằng Ngài đã tự tạo một ước vọng thiết tha cứu chuộc thế giới. Ngài biết đó là sứ mạng của Ngài. Vấn đề nêu lên là: Làm trọn sứ mạng ấy thể nào? Bởi dùng quyền phép lạ lùng vừa mới ban cho mình -- quyền phép mà không một người nào trước kia từng biết, -- để ban bánh ăn cho loài người mà không cần họ phải làm việc, và để thắng những sức mạnh thông thường của cõi thiên nhiên, Ngài có thể tự tôn lên làm Bá chủ thế giới và lấy Cương Quyền bắt người ta làm theo ý chỉ Ngài. Ðó là sự xui giục của Sa-tan. Nhưng sứ mạng của Ðức Chúa Jêsus không phải là bắt loài người vâng phục, mà là thay đổi lòng họ.
Bổn chất sự cám dỗ mà Ðức Chúa Jêsus phải chịu ấy là đạt tới mục đích bởi những phương pháp trần gian, chớ không bởi sự thương khó; là tạo ra kết quả thiêng liêng bởi phương thức trần gian. Ðiều Ðức Chúa Jêsus không chịu làm, thì trải qua các đời, Hội Thánh đã làm, và ngày nay Hội Thánh còn làm nhiều lắm: Ấy là buông theo sự ham muốn quyền thế trần tục.
Ma quỉ thật có mặt ở đó chăng? Hay đó chỉ là một cuộc giao tranh trong tâm hồn? Kinh Thánh không cho ta biết ma quỉ hiện đến cùng Ðức Chúa Jêsus dưới hình thức nào. Nhưng Ðức Chúa Jêsus chắc đã nhận biết rằng các sự xui giục đó đến từ Sa-tan; nó có ở đó, quyết định và hết sức hăng hái cản trở sứ mạng của Ngài (xem bài chú giải về Sa-tan ở dưới Lu-ca 4:1-13).
Người ta cho rằng chỗ Ðức Chúa Jêsus bị cám dỗ ở trên đỉnh trống trải và hoang vu của miền núi nhìn xuống Giê-ri-cô, bên trên khe Kê-rít, là nơi chim quạ đã nuôi sống Ê-li. Có lẽ xa xa trông thấy núi Gô-gô-tha, là nơi Ngài phải trải qua cơn thử thách sau cùng. Xem bản đồ số 45, ở dưới Ma-thi-ơ 3:13-17.
Ðức Chúa Jêsus đã kiêng ăn 40 ngày (câu 2). Môi-se cũng đã kiêng ăn 40 ngày trên núi Si-na-i, trong dịp ban bố Mười Ðiều răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28). Ê-li cũng đã kiêng ăn 40 ngày trên đường đi đến núi ấy (I Các Vua 19:8). Môi-se đại diện cho Luật pháp, Ê-li đại diện các Tiên tri, còn Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si mà Luật pháp và các Tiên tri đã đề cao. Ðây là ba Vị Ðại diện cao trọng của sự khải thị Ðức Chúa Trời cho loài người. Từ đỉnh núi, là nơi Ðức Chúa Jêsus kiêng ăn, nhìn về phía Ðông ở bên kia sông Giô-đanh, Ngài có thể thấy dãy núi Nê-bô, là nơi Môi-se và Ê-li đã được cất lên tới Ðức Chúa Trời từ bao nhiêu thế kỷ trước.
Chừng 3 năm sau, ba Vị đã gặp nhau giữa cảnh trạng vinh quang thiên thượng của Sự Hóa hình trên núi Hô-rếp (bản đồ số 48 -- xem ở dưới Mác 10), cách 100 dặm về phía Bắc. Từ núi Cám dỗ, ta có thể thấy rõ đỉnh núi Hô-rếp có tuyết phủ kín. Ba Vị là bạn cùng chịu thương khó, và sau là bạn cùng được vinh hiển.
Sau cơn cám dỗ, Ðức Chúa Jêsus quay về sông Giô-đanh, là nơi Giăng Báp-tít đang làm lễ báp-têm cho dân chúng (xem lời chú giải ở Giăng 1:19-34).

Ðoạn 4:11 -- Các thiên sứ
Ðây có chép rằng các thiên sứ hầu việc Ðức Chúa Jêsus.

Các thiên sứ đóng một vai quan trọng trong đời Ðức Chúa Jêsus
Một thiên sứ báo tin Giăng Báp-tít sắp sanh ra (Lu-ca 1:11-17) và đặt tên cho ông (Lu-ca 1:13).
Một thiên sứ báo tin cho Ma-ri rằng Ðức Chúa Jêsus sắp sanh ra (Lu-ca 1:26-37).
Một thiên sứ báo tin cho Giô-sép rằng Ðức Chúa Jêsus sắp sanh ra (Ma-thi-ơ 1:20- 21) và đặt tên cho Ngài (Ma-thi-ơ 1:21).
Các thiên sứ báo tin cho mấy gã chăn chiên biết Ðức Chúa Jêsus giáng sanh (Lu-ca 2:8-15), và hát ngợi khen Ðức Chúa Trời (Lu-ca 2:13-14).
Một thiên sứ truyền lịnh trốn qua Ai-cập, rồi truyền lịnh hồi hương (Ma-thi-ơ 2:13, 20).
Các thiên sứ hầu việc Ðức Chúa Jêsus sau khi Ngài bị cám dỗ (Ma-thi-ơ 4:11; Mác 1:13).
Một thiên sứ đến cùng Ðức Chúa Jêsus lúc Ngài đau đớn vô cùng tại vườn Ghết-sê- ma-nê (Lu-ca 22:43).
Một thiên sứ lăn vầng đá ở mộ phần Ngài (Ma-thi-ơ 28:2), báo tin Ngài sống lại cho mấy bà biết (Ma-thi-ơ 28:5-7), và giới thiệu Cứu Chúa phục sanh với Ma-ri Ma-đơ-len (Giăng 20:11-14).

Ðức Chúa Jêsus đã phán nhiều về các thiên sứ
Ngài phán rằng các thiên sứ lên, xuống trên Ngài (Giăng 1:51).
Ngài phán rằng Ngài có thể gọi 12 đạo thiên sứ đến giải cứu Ngài (Ma-thi-ơ 26:53).
Các thiên sứ sẽ đi theo Ngài khi Ngài ngự đến (Ma-thi-ơ 25:31; 16:27; Mác 8:38; Lu-ca 9:26).
Các thiên sứ sẽ gặt (Ma-thi-ơ 13:39).
Các thiên sứ sẽ thâu nhập những người được chọn (Ma-thi-ơ 24:31).
Các thiên sứ sẽ phân rẽ kẻ gian ác với người công bình (Ma-thi-ơ 13:41, 49).
Các thiên sứ đem người ăn mày đặt vào lòng Áp-ra-ham (Lu-ca 16:22).
Các thiên sứ vui mừng khi tội nhơn ăn năn (Lu-ca 15:10).  Con nít có thiên sứ hộ vệ (Ma-thi-ơ 18:10).
Ðức Chúa Jêsus sẽ nhìn nhận kẻ thuộc về Ngài trước mặt các thiên sứ (Lu-ca 12:8).
Thiên sứ không có nam, nữ, và không thể chết (Lu-ca 20:35-36; Ma-thi-ơ 22:30).
Ma quỉ cũng có thiên sứ (Ma-thi-ơ 25:41 -- bản Việt-nam dịch là "quỉ sứ").
Chính Ðức Chúa Jêsus đã phán những điều trên đây.
Những lời Ngài phán về thiên sứ thật là đặc biệt, dồi dào và khác nhau; vậy, nếu ta giải thích những lời ấy mà lại căn cứ vào lý thuyết rằng Ngài chỉ dung hòa với sự tín ngưỡng thông thường, thì sẽ phá hiệu lực lời Ngài phán, không còn kể là chân lý nữa.

Trong sách Công vụ các sứ đồ
Một thiên sứ mở cổng khám tù cho các Sứ đồ đi ra (Công vụ các sứ đồ 5:19).
Một thiên sứ đưa Phi-líp đến cùng hoạn quan Ê-thi-ô-bi (Công vụ các sứ đồ 8:26).
Một thiên sứ thả Phi-e-rơ ra khỏi khám tù (Công vụ các sứ đồ 12:7, 8, 9), và được gọi là "thiên sứ của người" (Công vụ các sứ đồ 12:15), tức là thiên sứ bảo vệ ông.
Một thiên sứ truyền lịnh cho Cọt-nây đi mời Phi-e-rơ (Công vụ các sứ đồ 10:3).
Một thiên sứ ở bên cạnh Phao-lô trong trận bão (Công vụ các sứ đồ 27:23).

Cựu Ước giả định có các thiên sứ:
Một thiên sứ giải cứu A-ga (Sáng-thế Ký 16:7-12).
Các thiên sứ báo tin Y-sác sắp sanh ra (Sáng-thế Ký 18:1-15) và sự hủy diệt Sô-đôm (Sáng-thế Ký 18:16-33).
Các thiên sứ hủy diệt Sô-đôm và giải cứu Lót (Sáng-thế Ký 19:1-29).
Một thiên sứ ngăn cản cho Y-sác khỏi bị giết (Sáng-thế Ký 22:11-12).
Các thiên sứ đã canh giữ Gia-cốp (Sáng-thế Ký 28:12; 31:11; 32:1; 48:16).
Một thiên sứ trao cho Môi-se trách vụ giải cứu dân Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:2).
Một thiên sứ dắt dẫn dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:19; 23:20-23; 32:34).
Một thiên sứ hướng dẫn cuộc hôn nhân của Y-sác với Rê-bê-ca (Sáng-thế Ký 24:7).
Luật pháp do thiên sứ ban bố (Công vụ các sứ đồ 7:38, 53; Ga-la-ti 3:19; Hê-bơ-rơ 2:2).
Một thiên sứ quở trách Ba-la-am (Dân số ký 22:31-35).
Một "Tướng đạo binh của Ðức Giê-hô-va" hiện ra với Giô-suê (Giô-suê 5:13-15).
Một thiên sứ quớ trách dân Y-sơ-ra-ên thờ lạy hình tượng (Các Quan Xét 2:1-5).
Một thiên sứ giao cho Ghê-đê-ôn nhiệm vụ giải cứu dân Y-sơ-ra-ên (Các Quan Xét 6:11-40).
Một thiên sứ báo tin Sam-sôn sắp sanh ra (Các Quan Xét 13).
Một thiên sứ hành hại dân Y-sơ-ra-ên bằng dịch lệ (II Sa-mu-ên  24:16-17).
Một thiên sứ giải cứu Ê-li (I Các Vua 19:5-8) trong lúc ông trốn khỏi Giê-sa-bên.
Ê-li-sê đã được các thiên sứ vô hình bao quanh (II Các Vua 6:14-17).
Một thiên sứ cứu Ða-ni-ên khỏi nanh vuốt sư tử (Ða-ni-ên 6:22).
Một thiên sứ đánh đạo quân A-si-ri (II Các Vua 19:35; Ê-sai 37:36).
Các thiên sứ đóng trại chung quanh dân Ðức Chúa Trời (Thi Thiên 34:7; 91:11).
Các thiên sứ giúp việc chép sách Xa-cha-ri (Xa-cha-ri 1:9; 2:3; 4:5; v.v...).

Thiên sứ ở trong các thơ tín và sách Khải Huyền
Có những thiên sứ được chọn (I Ti-mô-thê 5:21).
Các thiên sứ đông "vô số" (Hê-bơ-rơ 12:22; Khải Huyền 5:11).
Các thiên sứ giúp việc những người được thừa hưởng ơn cứu rỗi (Hê-bơ-rơ 1:13-14).
Các thiên sứ sẽ cùng đến với Ðức Chúa Jêsus giữ ngọn lửa hừng (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7).
Một thiên sứ điều khiển sự trứ tác sách Khải Huyền (Khải Huyền 1:1).
Các Hội Thánh có thiên sứ bảo vệ (Khải Huyền 1:20; 2:8, 12, 18; 3:1, 7, 14).
Phần lớn sách Khải Huyền gồm vai trò của các thiên sứ.
Chúng ta không nên thờ lạy thiên sứ (Cô-lô-se 2:18; Khải Huyền 22:8-9).
Có nhiều ban thiên sứ, mỗi ban gồm nhiều đẳng trật và phẩm chức. Các thiên sứ được tổ chức thành "quyền, phép, thế lực, quân chủ" và "ngôi vua, quyền cai trị," v.v... (Rô-ma 8:38; Ê-phê-sô 1:21; 3:10; Cô-lô-se 1:16; 2:15; I Phi-e-rơ 3:22).
Mi-ca-ên (Mi-chen) là tên một thiên sứ trưởng. Mi-ca-ên là thiên sứ phò hộ dân Do-thái (Ða-ni-ên 10:13, 21; 12:1). Mi-ca-ên giao chiến với ma quỉ để giành xác Môi-se (Giu-đe 9); vì Hội Thánh mà giao chiến với Sa-tan (Khải Huyền 12:7); sẽ đi cùng Ðấng Christ khi Ngài ngự đến, và cất tiếng kêu làm cho kẻ chết sống lại (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16). Gáp-ri-ên là tên của một thiên sứ cao cấp (xem lời chú giải ở dưới Lu-ca 2:8-20).
Thỉnh thoảng chữ "thiên sứ" dường như chỉ về các sức mạnh vô tri trong cõi thiên nhiên. Nhưng nói chung, chữ ấy chắc chắn chỉ về những thân vị trong thế giới vô hình. Kinh Thánh nói nhiều về chức vụ của các thiên sứ, đến nỗi chúng ta buộc phải tin rằng một phần nào, Ðức Chúa Trời có dùng thiên sứ để thi hành ý chỉ Ngài và quản trị vũ trụ.

Chức vụ của Chúa tại xứ Ga-li-lê
Ðể chép về chức vụ của Ðức Chúa Jêsus tại xứ Ga-li-lê,
Ma-thi-ơ dành một nửa sách, tức là 14 đoạn, từ 4:12 đến 19:1.
Mác dành một nửa sách, tức là 8 đoạn, từ 1:14 đến 10:1,
Lu-ca dành gần 6 đoạn, từ 4:14 đến 9:51.
Giăng gần như bỏ qua.

Ðoạn 4:12 -- Ðức Chúa Jêsus khởi làm chức vụ tại xứ Ga-li-lê
Giữa câu 11 và câu 12 có khoảng một năm, trong thời gian đó, Ðức Chúa Jêsus thi hành phần đầu chức vụ tại xứ Giu-đê. Phần nầy gồm các biến cố chép ở Giăng 1:19 đến 4:54 và Lu-ca 4:16-30. Xem lời chú giải ở dưới Mác 1:14-15.

Chức vụ của Chúa tại xứ Ga-li-lê
Khảo sát so sánh 4 bản tường thuật

Ma-thi-ơ
Kêu gọi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng (4:18-22).
Các cuộc hành trình, giảng dạy, chữa bịnh; các đoàn dân đông, và Chúa nổi tiếng lừng lẫy (4:23-25).
Bài Giảng trên Núi (đoạn 5, 6, 7).
Một người phung và đầy tớ của viên bách nhân đội trưởng được chữa lành (8:1-13).
Bà gia Phi-e-rơ và nhiều người khác được chữa lành (8:14-17).
Dẹp cơn bão tố (8:23-27). Hai người miền Ra-đa-ra bị quỉ ám (8:28-34).
Một người bại được chữa lành (9:1-8).
Ma-thi-ơ được kêu gọi và dọn tiệc đãi Chúa (9:9-13). Sự "kiêng ăn" (9:14-17).
Con gái Giai-ru và người đờn bà mất huyết (9:18-26).
Hai người mù và một người bị quỉ câm ám được chữa lành (9:27-28).
Mười hai Sứ đồ được sai đi (đoạn 10).
Các sứ giả do Giăng Báp-tít sai đến (11:1-19).
Các thành bị quở trách (11:20-24). "Hãy đến cùng Ta" (11:25-30).
Bứt bông lúc mì ăn và chữa bịnh trong ngày Sa-bát (12:1-14).
Một người bị quỉ câm và điếc ám được chữa lành (12:15-23).
Ðức Chúa Jêsus bị tố cáo là liên kết với Bê-ên-xê-bun (12:24-45).
Mẹ và anh em của Ðức Chúa Jêsus (12:45-50).
Các thí dụ: Người gieo giống, cỏ lùng, hột cải, men, của báu, ngọc châu, đánh lưới (13:1-50).
Thăm viếng thành Na-xa-rét (13:54-58).
Giăng Báp-tít bị chém đầu (14:1-12).
5000 người được ăn no nê. Ðức Chúa Jêsus đi bộ trên mặt nước (14:13-33).
Rất đông người được chữa lành tại Ghê-nê-xa-rết (14:34-36).
Người Pha-ri-si, lời khẩu truyền và sự bị ô uế (15:1-20).
Người đờn bà Ca-na-an (15:21-28).
4000 người được ăn no nê (15:29-39).
"Men của người Pha-ri-si" (16:1-12).
Phi-e-rơ xưng nhận Chúa là Ðấng Christ, và Chúa phán trước về sự thương khó của Ngài (16:13-28).
Sự Hóa hình; Chúa lại phán trước về sự thương khó của Ngài (17:1-13).
Ðức con trai bị kinh phong; Chúa lại phán trước về sự thương khó của Ngài (17:14-23). Nộp thuế cho Ðền thờ (17:14-27). "Các con trẻ" và "sự tha thứ" (đoạn 18).

Mác
Kêu gọi Si-môn, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng (1:14-20).
Người bị quỉ ám, bà gia Phi-e-rơ và nhiều bịnh nhân khác được chữa lành (1:21-34).
Các cuộc hành trình và phép lạ; một người phung và một người bại được chữa lành (1:40 đến 2:12).
Sự kêu gọi Lê-vi và bữa tiệc (2:13-17). Sự "kiêng ăn" (2:18-22).
Bứt bông lúa mì ăn và chữa bịnh trong ngày Sa-bát (2:23 đến 3:6).
Các đoàn dân đông; Chúa nổi tiếng lừng lẫy; các phép lạ (3:7-12).
12 Sứ đồ được lựa chọn (3:13-19).
Ðức Chúa Jêsus bị tố cáo là liên kết với Bê-ên-xê-bun (3:20-30).
Mẹ và anh em của Ðức Chúa Jêsus (3:31-35).
Các thí dụ: Người gieo giống, giống mọc lên, hột cải (4:1-34).
Dẹp cơn bão tố (4:35-41). Người Giê-ra-sê bị quỉ ám (5:1-20).
Con gái Giai-ru và người đờn bà mất huyết (5:21-43).
Thăm viếng thành Na-xa-rét (6:1-6).
12 Sứ đồ được sai đi (6:7-13).
Giăng Báp-tít bị chém đầu (6:14-29).
5000 người ăn no nê. Ðức Chúa Jêsus đi bộ trên mặt nước (6:30-52)
Rất đông người được chữa lành tại Ghê-nê-xa-rết (6:53-56).
Người Pha-ri-si, lời truyền khẩu và sự bị ô uế (7:1-23).
Người đờn bà Sy-rô-phê-ni-xi; một người điếc và ngọng (7:24-37).
4000 người được ăn no nê. "Men của người Pha-ri-si" (8:1-21).
Người mù ở Bết-sai-đa được sáng mắt (8:22-26).
Phi-e-rơ xưng nhận Chúa là Ðấng Christ, và Chúa phán trước về sự thương khó của Ngài (8:27 đến 9:1).
Sự Hóa hình; Chúa lại phán trước về sự thương khó của Ngài (9:2-13).
Ðứa con trai bị kinh phong; Chúa lại phán trước về sự thương khó của Ngài (9:14-32).
"Ai là người cao trọng nhứt?" Người vô danh làm việc lạ lùng (9:33-50).

Lu-ca
Thăm viếng thành Na-xa-rét (4:14-30).  Người bị quỉ ám, bà gia Phi-e-rơ và nhiều bịnh nhân khác được chữa lành (4:31-44).
Kêu gọi Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng (5:1-11).
Một người phung và một người bại được chữa lành (5:12-26).
Sự kêu gọi Lê-vi và bữa tiệc (5:27-32); Sự "kiêng ăn" (5:33-39).
Bứt bông lúa mì ăn và chữa bịnh trong ngày Sa-bát (6:1-11).
12 Sứ đồ được lựa chọn (6:12-19).
Bài Giảng trên Núi (6:20-49).
Ðầy tớ của viên bách nhân đội trưởng; con trai của bà góa; các sứ giả của Giăng Báp-tít sai đến (7:1-35).
Người đờn bà tội lỗi; mấy bậc phụ nữ ; thí dụ về người gieo giống (7:36-8:18).
Mẹ và anh em của Ðức Chúa Jêsus; cơn bão tố, người Giê-ra-sê bị quỉ ám (8:19-39).
Con gái Giai-ru và người đờn bà mất huyết (8:40-48).
12 Sứ đồ được sai đi (9:1-6).
Giăng Báp-tít bị chém đầu (9:7-9). 5000 người được ăn no nê (9:10-17).
Phi-e-rơ xưng nhận Chúa là Ðấng Christ, và Chúa phán trước về sự thương khó của Ngài (9:18-27).
Sự hóa hình (9:28-36).
Ðứa con trai bị kinh phong; Chúa lại phán trước về sự thương khó của Ngài (9:28-43).
"Ai là người cao trọng nhứt?" Người vô danh làm việc lạ lùng (9:46-50).

Giăng
Phép lạ đầu tiên tại Ca-na-an; ngụ tại Ca-bê-na-um (2:1-12).
Con trai quan thị vệ được chữa lành (4:43-54). 5000 người được ăn no nê (6:1-15).
*   *   *
Ðoạn 4:13-17. Cư ngụ tại Ca-bê-na-um.-- Ðây là một trong những điều đã dự ngôn về Ðấng Mê-si (xem ở dưới Ma-thi-ơ 2:22-23). Cũng xem ở dưới Mác 1:21.
Ðoạn 4:18-22. Kêu gọi Si-môn, Anh-rê, Gia-cơ, và Giăng.-- Xem ở dưới Mác 1:16-20. Cũng xem ở dưới Ma-thi-ơ, đoạn 10.
Ðoạn 4: 23-25Các cuộc hành trình; Chúa nổi tiếng lừng lẫy và làm nhiều phép lạ.-- Xem ở dưới Mác 1:38-39.

Thời Gian Và Niên Biểu Của Chức Vụ Chúa Tại Xứ Ga-li-lê
Chức vụ của Chúa tại xứ Ga-li-lê bắt đầu 4 tháng trước mùa gặt, tức là tháng 12 dương lịch (Giăng 4:35-43).
Chức vụ nầy chấm dứt ngay trước lễ Lều tạm (tháng 10 dương lịch), hoặc ngay trước lễ Cung hiến Ðền thờ (tháng 12 dương lịch). Xem Lu-ca 9:51; Giăng 7:2; 10:22.
Nó gồm một lễ Vượt qua (Giăng 6:4), và một lễ Vượt qua nữa nếu lễ chép ở Giăng 5:1 cũng là lễ Vượt qua như người ta thường tưởng.
Như vậy, nó trải qua gần 2 năm, vì bắt đầu tháng 12 dương lịch, và kéo dài quá lễ Vượt qua thứ hai cho tới tháng 10 hoặc tháng 12 dương lịch kế tiếp; hoặc chỉ trải qua một năm nếu lễ chép ở Giăng 5:1 không phải là lễ Vượt qua.
Một cách chung, dường như Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca theo thứ tự niên đại, mặc dầu không theo từng chi tiết; ấy vì ba ông khác nhau về thứ tự của nhiều biến cố. Về điểm trong ba ông, ông nào theo thứ tự niên đại đúng nhứt, thì các nhà chuyên học Kinh Thánh có nhiều ý kiến khác nhau. Vì các tác giả sách Tin Lành dường như được hướng dẫn bởi những nhận xét khác nhau trong lúc xếp đặt tài liệu, và vì họ nhiều khi không cần để ý đến thời gian và vị trí, nên ta chẳng có thể xếp đặt mọi tài liệu ghi chép theo thứ tự niên đại thật đúng.
Tuy nhiên, trong chức vụ của Chúa ở xứ Ga-li-lê, có một vài biến cố và thời gian quan trọng mà các tác giả lấy làm trung tâm để thử thâu góp các biến cố và thời gian khác chung quanh đó.
5000 người được Chúa cho ăn no nê trong kỳ lễ Vượt qua (Giăng 6:4). Giăng Báp-tít bị chém đầu ngay trước kỳ lễ ấy (Ma-thi-ơ 14:12-13). Cũng khoảng đó, 12 Sứ đồ trở về sau khi đi truyền đạo lưu hành (Lu-ca 9:10).
Cả ba tác giả đặt sự Hóa hình ở khoảng ít lâu trước khi Chúa dời khỏi xứ Ga-li-lê lần chót.
Sự dời khỏi xứ Ga-li-lê lần chót đó đã xảy ra hoặc ngay trước lễ Lều tạm (tháng 10 dương lịch), hoặc ngay trước lễ Cung hiến Ðền thờ (tháng 2 dương lịch). Xem Lu-ca 9:51; Giăng 7:1-10:22.
Như vậy, có một khoảng 5 hoặc 8 tháng ở giữa việc Chúa cho 5000 người ăn no nê và sự Hóa hình; một phần thời gian nầy, Ðức Chúa Jêsus ở các miền phía Bắc xứ Ga-li-lê, và Kinh Thánh ít chép đến.
Phần chính của truyện tích về chức vụ của Chúa tại xứ Ga-li-lê liên quan đến khoảng 16 tháng trước khi Chúa cho 5000 người ăn no nê, tức là thời gian Chúa hoạt động rất hăng hái và được nhân dân hết lòng kính mộ.
Mục biểu dưới đây trình bày tổng quát chức vụ của Chúa tại xứ Ga-li-lê, có những biến cố trọng yếu in bằng chữ đậm; tuy nhiên, vị trí niên đại của một vài biến cố chỉ là phỏng đoán mà thôi.

Chức Vụ Của Chúa Tại XứỨ Ga-li-lê
Thử xếp đặt theo thứ tự niên đại
Tháng 12 dương lịch, năm 27 S.C.:
·        Chúa bắt đầu chức vụ tại xứ Ga-li-lê.
·        Chúa ở Ca-na mà chữa lành bịnh cho con trai quan thị vệ tại Ca-bê-na-um.
·        Chúa thăm viếng thành Na-xa-rét, và bị chối bỏ.
·        Chúa đặt trụ sở tại Ca-bê-na-um.
·        Chúa kêu gọi Si-môn, Anh-rê, Gia-cơ, và Giăng.
·        Chúa chữa lành người bị quỉ ám, bà gia Phi-e-rơ và nhiều người khác.
·        Chúa đi tới các miền phụ cận, chữa lành một người phung và một người bại.
·        Chúa kêu gọi Ma-thi-ơ.
·        Những câu hỏi về sự kiêng ăn và ngày Sa-bát.
Năm 28 S.C.. Lễ Vượt qua (?):
·        Chúa thăm viếng thành Giê-ru-sa-lem.
·        Chúa chữa bịnh trong ngày Sa-bát, gây cho các quan quyền chống đối Ngài. Chúa quả quyết Ngài là Ðức Chúa Trời, và trở về xứ Ga-li-lê.
Giữa mùa hạ:
·        Các cuộc hành trình, các đoàn dân đông. Các phép lạ, và Chúa nổi tiếng lừng lẫy.
·        Chúa chọn 12 Sứ đồ.
·        Bài giảng trên Núi.
·        Chúa đi tới các miền phụ cận và phán nhiều thí dụ.
·        Chúa dẹp yên bão tố và chữa lành người Giê-sa-rê bị quỉ ám.
·        Chúa khiến con gái Giai-ru từ kẻ chết sống lại.
·        Chúa bị tố cáo là liên kết với Bê-ên-xê-bun.
·        Chúa khiến con trai bà góa ở Ca-in từ kẻ chết sống lại.
·        Chúa tiếp các sứ giả của Giăng Báp-tít sai đến.
·        Chúa lại thăm viếng thành Na-xa-rét.
·        Chúa chữa lành đầy tớ của viên bách nhân đội trưởng và tha thứ cho người đờn bà tội lỗi.
Năm 29 S.C.. Tháng 2 dương lịch:
·        12 Sứ đồ được Chúa sai đi.
Lễ Vượt qua:
·        12 Sứ đồ trở về. Giăng Báp-tít bị chém đầu.
·        Chúa cho 5000 người ăn no nê. Chúa đi trên mặt nước.
·        Chúa diễn giảng về Bánh Sự Sống.
·        Chúa không chịu dân chúng tôn Ngài làm vua.
·        Chúa chữa lành nhiều người, và diễn giảng về sự bị ô uế.
·        Chúa quở trách các thành và phán: "Hãy đến cùng Ta!"
·        Chúa lui về phía Bắc và nhận lời cầu xin của người đờn bà Sy-rô-phê-ni-xi.
·        Chúa trở về xứ Ga-li-lê, chữa lành người vừa điếc, vừa ngọng, và cho 4000 người ăn no nê.
·        Tại xứ Ma-ga-đan, Chúa phán về "dấu lạ của Giô-na" và chữa lành một người mù.
Tháng 10 dương lịch (?):
·        Chúa thăm viếng thành Giê-ru-sa-lem.
·        Ngài giảng luận. Người đờn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm. Người mù được chữa lành. Chúa công khai xung đột với các quan quyền.
·        Chúa trở về xứ Ga-li-lê.
Tháng 11 dương lịch:
·        Chúa lui về thành Sê-sa-rê Phi-líp. Lời xưng nhận của Phi-e-rơ.
·        Sự Hóa hình. Ðứa con trai bị kinh phong. Chúa phán ba lần về Ngài sẽ chịu thương khó.
·        Chúa lại đến xứ Ga-li-lê. Tiền đóng thuế.
·        "Ai là người cao trọng nhứt?"
·        "Các con trẻ." Người vô danh làm việc lạ lùng. "Sự tha thứ."
Tháng 12 dương lịch (?):
·        Chúa dời khỏi xứ Ga-li-lê lần chót.
(hoặc tháng 10 dương lịch?).
*   *   *
Ðoạn 5, 6, 7 -- Bài Giảng Trên Núi
Ma-thi-ơ đặt Bài Giảng trên Núi ở ngay đầu truyện tích ông chép về chức vụ của Chúa ở xứ Ga-li-lê, mặc dầu Chúa giảng vào mấy tháng sau, lúc lựa chọn 12 Sứ đồ (Lu-ca 6:12-20), nếu quả thật Lu-ca thuật lại cùng một bài giảng ấy. Chắc vì Ma-thi-ơ kể Bài Giảng trên Núi là yếu lược sự dạy dỗ của Ðức Chúa Jêsus mà cả chức vụ của Ngài đã chứng minh cho.
Chúng ta chưa từng thấy ai phân tích Bài Giảng trên Núi một cách mỹ mãn. Dường như phải gò ép nhiều lắm, mới làm cho nó ăn khớp với một bố cuộc phác định bởi những người coi nó, về toàn thể, là thân thuyết (développement) hợp lý của một luận án đặc biệt nào, theo như nhiều nhà phê bình vẫn coi nó. Có hai phần (5:17-48 và 6:1-18) dường như là sự giải luận có thứ tự của hai đề mục riêng biệt: Mối liên quan của Ðức Chúa Jêsus với Luật pháp, và cớ tích trong lòng của đời sống tôn giáo. Phần còn lại giống nhiều hơn một loạt châm ngôn những vấn đề khác nhau, -- sự lặp đi lặp lại các châm ngôn ấy luôn là một cách dạy dỗ mà người Ðông phương ưa dùng lắm.
Không nói rõ Chúa giảng bài nầy trên núi nào. Theo truyền thoại, thì là núi mang tên "Cái Sừng của Hát-tin" (xem bản đồ số 47 ở dưới Mác 6:45-52).
Về lời chú giải so sánh với bản văn của Lu-ca, xin xem ở dưới Lu-ca 6:20-49.

Ðoạn 5:1-12 -- Các phước lành
Một cách mâu thuẩn, Ðức Chúa Jêsus gọi là "có phước" những kẻ mà thế gian thường thương hại: Những kẻ thất vọng, đau đớn, thấp hèn, suy kiệt phần thiêng liêng, có lòng thương xót, có sự thanh sạch bên trong, có khuynh hướng hòa hoãn, và những kẻ chịu bắt bớ. Ðó là trái hẳn với với tiêu chuẩn của thế gian. Nhưng trong mỗi trường hợp, phước lành không ở nơi chính tình trạng cùng khốn, mà là ở nơi phần thưởng vinh hiển tương lai. Ðối với Ðức Chúa Jêsus, là Ðấng biết rõ, thì Thiên đàng vô cùng cao quí hơn đời sống trần gian, đến nỗi bất cứ tình trạng nào khiến ta thêm lòng mong ước Thiên đàng cũng được Ngài coi là một phước lành.

Ðoạn 5:13-16 -- Tín đồ Ðấng Christ là muối và sự sáng của thế gian
Nghĩa là tín đồ bảo tồn và hướng dẫn thế gian. Ðức Chúa Jêsus phán rằng Ngài là sự sáng của thế gian (Giăng 8:12). Ngài chiếu sáng qua những kẻ theo Ngài, và họ phản chiếu vinh quang của Ngài. Cớ tích cao trọng nhứt mà người ta có thể có ấy là cách sanh hoạt của mình khiến cho kẻ đồng loại buộc phải tôn vinh, khen ngợi Ðức Chúa Trời.

Ðoạn 5:17-48 -- Ðức Chúa Jêsus và Luật pháp
Ðây, không có gì mâu thuẫn giữa sự dạy dỗ của Ðức Chúa Jêsus và sự dạy dỗ của các thơ Rô-ma, Ga-la-ti, Hê-bơ-rơ rằng chúng ta được xưng công bình bởi tin Ðấng Christ chớ không phải làm theo Luật pháp. Ðức Chúa Jêsus có ý phán rằng luật pháp luân lý của Ðức Chúa Trời bày tỏ chính sự thánh khiết của Ngài, và buộc dân Ngài phải tuân theo đời đời. Ðức Chúa Jêsus cũng có ý phán rằng quả thật, Ngài đến để đem cho lời tuyên bố xưa kia của luật pháp một ý nghĩa sâu xa hơn, và để thi hành luật pháp chẳng những trong hành động bên ngoài , mà cũng trong nơi sâu thẳm của lòng người nữa. Ðoạn. Ngài tiếp tục biểu minh luật pháp trong năm chi tiết đặc biệt: Giết người, tà dâm, thề (hoặc chửi thề), báo thù và ghét kẻ thù.

Ðoạn 5:21-26 -- Tội giết người
Luật pháp nghịch cùng tội giết người là một trong Mười Ðiều răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13). Ðức Chúa Jêsus cấm chúng ta nuôi sự giận trong lòng, vì nó sẽ đưa tới hành động sát nhân.

Ðoạn 5:27-32 -- Tội tà dâm
Luật pháp nghịch cùng tội tà dâm cũng là một trong Mười Ðiều răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14). Ðức Chúa Jêsus cấm chúng ta ôm ấp sự thèm muốn, vì nó sẽ đưa tới hành động tà dâm. Hãy chú ý: Khi luận về sự giận và sự thèm muốn, Ðức Chúa Jêsus đều cảnh cáo chúng ta về "lửa địa ngục" (câu 22, 29, 30). Chẳng những Ngài cảnh cáo chúng ta phải coi chừng sự cảm xúc trong lòng, song Ngài còn đi xa hơn Môi-se, là hạn chế sự để bỏ (câu 32). Cũng xem Ma-thi-ơ 19:3-12; Mác 10:2-12; I Cô-rinh-tô 7.

Ðoạn 5:33-37 -- Sự thề (hoặc chửi thề)
Lời nầy chắc áp dụng cho sự thề trước pháp đình, sự nói phạm thượng thông thường, và cả sự nhẹ dạ kêu Danh Ðức Chúa Trời trong khi nói chuyện thường. Những kẻ làm được có ít mà lại nói lớn mạnh và cuồng võng, thì thật là nói không đúng chỗ.

Ðoạn 5:38-42 -- Sự trả thù
"Mắt đền mắt" là một khoản dân luật mà các quan án áp dụng (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:22-25). Ðây, Ðức Chúa Jêsus không làm luật cho các tòa án. Quyền cai trị do Ðức Chúa Trời thiết lập (Rô-ma 13:1-7) để cứu xã hội loài người khỏi những phần tử tội ác. Các tòa án càng thi hành công lý nghiêm minh, thì càng có ích lợi cho xã hội. Nhưng đây, Ðức Chúa Jêsus dạy những nguyên tắc mà các cá nhân phải theo trong sự đối xử với nhau (xem thêm ở Lu-ca 6:27-38).
Ðoạn 5:43-48. Yêu thương kẻ thù nghịch.-- "Hãy ghét kẻ thù nghịch mình" (câu 43), đó không phải là một lịnh chép trong Ngũ kinh của Môi-se. Có lẽ nó được ngụ ý trong một vài cách đối xử với các kẻ thù nghịch của dân Y-sơ-ra-ên thời Cựu Ước và trong một số Thi Thiên. Bất cứ là thể nào, Ðức Chúa Jêsus cũng cấm làm như vậy (xem thêm ở Lu-ca 6:27-38).
Ðoạn 6:1-18. Các cớ tích sâu kín của đời sống.-- Xem ở Lu-ca 12:1-12. Ðây, cớ tích của đời sống được biểu minh trong ba trường hợp đặc biệt: Sự bố thí (6:2-4); sự cầu nguyện (6:5-15 -- Xem thêm ở Lu-ca, đoạn 11 và 18); sự kiêng ăn (6:16-18 -- xem thêm ở Mác 2:18-22).
Ðoạn 6:19-34. Của báu ở Thiên đàng.-- Xem ở Lu-ca 12:13-34.
Ðoạn 7:1-5. Chớ đoán xét anh em mình.-- Xem ở Lu-ca 6:39-45.
Ðoạn 7:6 "Quăng hột trai trước mặt heo".-- Ðây có nghĩa là chúng ta phải dùng lương tri và cơ trí khi luận về đạo của mình. Bằng không, sẽ có thể làm hại cho chánh nghĩa của mình hơn là làm lợi.
Ðoạn 7:7-11. Bền đỗ cầu nguyện.-- Xem ở Lu-ca 18:1-8.
Ðoạn 7:12. Luật vàng.-- Xem ở Lu-ca 13:22-30.
Ðoạn 7:13-14. Ðường hẹp.-- Xem ở Lu-ca 13:22-30.
Ðoạn 7:15-23. Các giáo sư giả.-- Ðức Chúa Jêsus cảnh cáo và phán tiên tri về các giáo sư giả (Ma-thi-ơ 24:21, 24). Các tác giả Tân Ước cũng làm như vậy nhiều lần. Trở lực tai hại hơn hết cho sự tấn bộ của đạo Ðấng Christ ở giữa loài người chính là đạo Ngài đã bị bại hoại tàn nhẫn nơi tay những kẻ tự nhận là làm cho đạo Ngài tấn triển. Họ đã làm cho đạo Ngài bị ô danh khôn xiết.
Ðoạn 7:24-27. Xây nhà trên Vầng Ðá.-- Xem ở Lu-ca 6:46-49.
Ðoạn 7:28-29. Thẩm quyền.-- Chính Ðức Chúa Jêsus là thẩm quyền của Ngài. "Các ngươi có nghe lời phán... Song Ta phán..." Không hề có ai nói như Ngài.
Ðoạn 8:1-4. Một người phung được sạch.-- Xem ở Mác 1:40-44.
Ðoạn 8:5-13. Ðầy tớ của viên bách nhân đội trưởng.-- Xem ở Lu-ca 7:1-10.
Ðoạn 8: 14-15. Bà gia của Phi-e-rơ.-- Xem ở Mác 1:22-31.
Ðoạn 8:16-17. Rất đông người được chữa bịnh.-- Xem ở Mác 1:32-34.
Ðoạn 8:18-22. "Con cáo có hang".-- Xem ở Lu-ca 9:57-62.
Ðoạn 8:23-27. Dẹp cơn bão tố.-- Xem ở 4:36-41.
Ðoạn 8:28-34. Hai người Ga-đa-ra bị quỉ ám.-- Xem ở Mác 5:1-20.
Ðoạn 9:1-8. Người bại được chữa lành.-- Xem ở Mác 2:1-12.
Ðoạn 9:9-13. Chúa kêu gọi Ma-thi-ơ.-- Xem ở Mác 2:13-17.
Ðoạn 9:14-17. Câu hỏi về sự kiêng ăn.-- Xem ở Mác 2:18-22.
Ðoạn 9:18-26. Con gái Giai-ru.-- Xem ở Lu-ca 8:40-56.
Ðoạn 9:27-31. Hai người mù.-- Xem ở Mác 8:22-26.
Ðoạn 9:32-34. Một người câm bị quỉ ám.-- Xem ở Mác 7:31-37.
Ðoạn 9:35-38. Chúa đi tới các miền phụ cận.-- Xem ở Mác 1:39.

Ðoạn 10-12 Sứ đồ được sai đi
Việc nầy cũng có chép sơ lược ở Mác 6:7-13 và Lu-ca 9:1-6. Chắc đã xảy ra trước lễ Vượt qua ít lâu, vì họ trở về nhằm kỳ lễ Vượt qua, ngay trước khi Chúa cho 5000 người ăn no nê (Lu-ca 9:10-17; Giăng 6:4).
Những chỉ thị của Ðức Chúa Jêsus ban cho 12 Sứ đồ có chứa một vài lời khuyên bảo tín đồ: Phải khôn ngoan như con rắn, hiền lành như chim bò câu, mong chờ chịu khó nhọc, tin cậy Ðức Chúa Trời săn sóc kẻ thuộc về Ngài chẳng hề sơ sót, và luôn luôn chăm chú nhìn vào mục đích đời đời của mình.
Một vài chỉ thị của Ðức Chúa Trời chỉ được áp dụng nhất thời; thí dụ như đừng đem theo tiền bạc. Vì họ được Chúa ban quyền phép chữa bịnh, nên dễ được người ta cung cấp bữa ăn và chỗ ở. Nhưng về sau Chúa bảo họ phải đem tiền bạc theo (Lu-ca 22:35-38).

12 Sứ đồ được kêu gọi
Ðức Chúa Jêsus phải mất chừng 1 năm rưỡi để lựa chọn xong. Rồi họ ở với Ngài chừng 2 năm.
Năm 26 S.C., tháng 11 dương lịch (?). Giăng, Anh-rê, Si-môn, Phi-líp, Na-tha-na-ên tin Ngài lúc Giăng Báp-tít làm lễ báp-têm (Giăng 1:35-51); họ theo Ngài tới Ca-na, rồi trở về công việc cũ cho tới một ngày Chúa kêu gọi họ lần nữa.
Năm 28 S.C, tháng 1 dương lịch (?). Sau khi Chúa làm xong phần đầu chức vụ tại xứ Giu-đê và chính lúc bắt đầu chức vụ tại xứ Ga-li-lê, thì Ngài kêu gọi Si-môn, Anh-rê, Gia-cơ, và Giăng bỏ nghề đánh cá mà dứt khoát liên kết với Ngài (Mác 1:16-20).
Sau đó ít lâu, Ma-thi-ơ được mời nhập đoàn nầy (Ma-thi-ơ 9:9).
Năm 28 S.C., tháng 5 dương lịch (?). 12 Sứ đồ được chánh thức lựa chọn (Lu-ca 6:12-16).
Năm 29 S.C., tháng 3 dương lịch (?). Chúa ban cho họ quyền phép để chữa bịnh, rồi sai họ đi từng đôi để giảng Tin Lành chừng 1 tháng (Ma-thi-ơ 10).
Năm 30 S.C., tháng 5. Chúa giao cho họ sứ mạng sau cùng, là đem Tin Lành đến đầu cùng trái đất (Ma-thi-ơ 28:16-20).

Sự huấn luyện 12 Sứ đồ
Sự lựa chọn và huấn luyện những người mà Ðức Chúa Jêsus sẽ giao cho làm công việc của Ngài chính là một phần tối trọng trong sứ mạng của Ngài trên mặt đất. Mục đích đầu tiên của Chúa Jêsus khi Ngài đến thế gian là chịu chết với tư cách Chiên Con của Ðức Chúa Trời để đền tội loài người, rồi sống lại từ trong kẻ chết để ban sự sống đời đời cho loài người. Nhưng nếu loài người không biết, thì đời sống, sự chết và sự sống lại của Ngài chẳng có ích gì cho họ. Nếu những kẻ Ngài giao cho làm công việc Ngài lại chẳng làm cho Ngài, thì sự Ngài ngự đến thế gian sẽ vô ích.
Sự sai 12 Sứ đồ đi lần đầu tiên chính là một phần huấn luyện họ, chắc để họ có cơ hội thực hành. Ðó cũng là một phần phương thức Ðức Chúa Jêsus báo cáo cho nhân dân biết rằng Ðấng Mê-si đã ngự đến. Thời ấy không có báo chí. Phương pháp độc nhứt để rao truyền một tin tức là dùng miệng nói ra. Về sau, 70 môn đồ được sai đi cũng vì mục đích ấy. Những người nầy chánh thức hóa lời giảng của mình bởi các phép lạ đặc biệt, chẳng những để khiến dân chúng chú ý, song cũng để tỏ cho họ biết tánh chất phi thường của Ðấng mà họ rao truyền.
Huấn luyện họ chẳng phải là chuyện dễ, vì họ được huấn luyện để làm một công việc khác hẳn điều họ mong tưởng. Họ bắt đầu theo Ngài như những chánh khách, và không hề nghĩ rằng mình sẽ trở nên nhà Truyền đạo; vậy mà họ lại trở nên nhà Truyền đạo thật. Họ trông mong rằng là Ðấng Mê-si, Ngài sẽ lập một đế quốc bá chủ thế giới, và họ sẽ được làm quan cai trị. Xem thêm ở dưới Ma-thi-ơ, đoạn 13.
Ðây là phương thức Ngài thay đổi tâm trí họ đối với công việc mà Ngài và họ sẽ làm: Trước hết, Ngài tự giới thiệu với họ trong vinh quang thiên thượng đầy dẫy của Ngài, ngõ hầu dầu Ngài nói năng và hành động khác hẳn cách họ trông mong Ðấng Mê-si nói năng và hành động, họ cũng vẫn tin Ngài là Ðấng đó. Ấy là một trong những lý do Ngài làm phép lạ và hóa hình.
Ðồng thời Ngài phán dạy bằng thí dụ, bằng lời kín giấu, để cho họ có ấn tượng rằng Ngài chẳng luôn luôn định phán đúng những điều Ngài dường như định phán. Ngài làm cho họ phải ngạc nhiên ít lâu. Nếu Ngài phán bảo họ rõ ràng ngay từ lúc đầu, thì có lẽ họ không thấy hào hứng mà theo Ngài chút nào nữa.
Rốt lại, khi Ngài phán rằng Ngài sẽ bị đóng đinh vào Thập tự giá, chớ không phải dựng nên một ngôi vua, thì họ đều choáng váng. Nhưng họ vẫn cứ tưởng đó chỉ là một thí dụ. Ngay trong bữa ăn cuối cùng, trí óc họ vẫn còn mải nghĩ rằng ai trong bọn mình sẽ chiếm địa vị cao trọng nhứt.
Mãi sau khi Ngài sống lại và Ðức Thánh Linh giáng xuống rồi, họ mới hiểu rằng đây là một Nước mà Ðức Chúa Jêsus sẽ cai trị trong lòng người ta, và vai trò của họ chỉ là Thuật Lại Truyện Tích Ðức Chúa JÊSUS. Chỉ có chừng đó. Chính truyện tích ấy sẽ làm công việc của nó. Nều người ta biết Ðức Chúa Jêsus, thì họ sẽ kính mến Ngài. Khi họ kính mến Ngài, thì ảnh hưởng tốt lành của Ngài liền bắt đầu hành động trong lòng họ. Ðó thật là khác hẳn một nước trong đó các Sứ đồ truyền lịnh cho nhiều đạo quân bước đi và được muôn dân làm theo mạng lịnh mình.

Ðoạn 11:1-9 -- Các sứ giả của Giăng Báp-tít sai đến
Việc nầy xảy ra đang khi Giăng Báp-tít ở trong ngục. Ðức Chúa Jêsus được dân chúng hoan nghinh tột bậc. Rõ ràng lắm, Giăng mong chờ một Ðấng Mê-si chánh trị (xem ở Lu-ca 3:1-20), và không hiểu tại sao Ðức Chúa Jêsus không hành động thích ứng để đạt tới mục đích ấy. Quả thật, ông đã bắt đầu tự hỏi có sự lầm lạc ở chỗ nào chăng?
Lời đáp của Ðức Chúa Jêsus tỏ ra rằng Ngài cho các phép lạ Ngài làm là chứng cớ đầy đủ về chức vị Mê-si của Ngài.
Hãy chú ý: Sự nghi ngờ của Giăng Báp-tít chẳng khiến cho ông bị Ðức Chúa Jêsus coi rẻ đi. Trái lại, Ngài phán rằng không có ai cao trọng hơn Giăng Báp-tít.
Nhưng người thấp thỏi hơn hết trong Nước Ðấng Christ còn cao trọng hơn Giăng Báp-tít, ấy là nói về phương diện đặc quyền. Thật là một lời phê bình kỳ diệu biết bao về đặc quyền làm tín đồ Ðấng Christ!
"Bị hãm ép" (câu 12), nghĩa là các môn đồ của Giăng và của Ðức Chúa Jêsus đã hết sức cố ép Ngài lãnh đạo một phong trào chánh trị có tánh chất quân sự và trần gian.
"Ai có tai mà nghe, hãy nghe" (câu 15). Ðó là một câu Ðức Chúa Jêsus ưa phán (Ma-thi-ơ 13:9, 43; Mác 4:9, 23; Lu-ca 8:8; 14:35). Sứ đồ Giăng cũng ưa nói như vậy (Khải Huyền 2:7, 11, 17, 29; 3:6, 13, 22; 13:9). Ðức Chúa Jêsus biết rằng có một số người ở ngoài phạm vi những sự thiêng liêng.
Khi Ðức Chúa Jêsus đối chiếu cách sống của Ngài với cách sống của Giăng, thì Ngài có ý phán rằng Ngài và ông đều từ Ðức Chúa Trời mà đến và cùng dự phần trong sự cố gắng của Ðức Chúa Trời để kêu gọi thế ấy.

Ðoạn 11:20-24 -- Các phép lạ của Ðức Chúa Jêsus
Ba thành ở khu Bắc biển Ga-li-lê được nêu tên ở đây, là "sân khấu" chính cho Ðức Chúa Jêsus làm phép lạ (xem bản đồ số 47 và ở dưới Mác 6:45-52). Ca-bê-na-um là nơi Ngài cư ngụ nhiều nhứt. Bết-sai-đa ở cách ba dặm về phía Ðông bắc, tại cửa sông Giô-đanh, là quê hương của Phi-e-rơ, Anh-rê và Phi-líp. Cô-ra-xin ở giữa hai thành kia, quá về phía Bắc. Ðó là những thành được đặc ân hơn hết trên mặt đất. Ðức Chúa Jêsus tuyên án họ, tỏ ra rằng Ngài coi các phép lạ Ngài đã làm là có giá trị hiển nhiên và chứng minh; vậy nên, hễ ai bất kể đến các phép lạ ấy, thì nguy hiểm lắm.

Ðoạn 11:25-30 -- "Hãy đến cùng Ta"
Ðây là những lời thân ái, dịu dàng hơn hết mà tai loài người từng được nghe. Ðức Chúa Jêsus dường như lấy làm vui sướng vì những thường dân có tâm trí đơn sơ đã tiếp nhận Ngài. Phao-lô cũng đã nói như vậy (I Cô-rinh-tô 1:26). Các bậc học thức có sự kiêu căng về trí óc, dường như khó hạ mình xuống đủ để nhìn nhận mình cần có một Cứu Chúa. Ở đây, Ðức Chúa Jêsus tự nhận Ngài có tánh nhu mì, là tánh Ngài đã chúc phước cho (Ma-thi-ơ 5:5). Cũng có chép rằng Môi-se là người nhu mì (Dân số ký 12:3 -- đây dịch là "khiêm hòa").
Ðoạn 12:1-8. Ăn trong ngày Sa-bát.-- Xem ở Mác 2:23-27.
Ðoạn 12:9-14. Chữa bịnh trong ngày Sa-bát.-- Xem ở Mác 3:1-6.

Ðoạn 12:15-21 -- Nhiều phép lạ
Sách Mác 3:7-12 có chép rằng ngoài những đám dân đông ở xứ Ga-li-lê, còn có những đám dân đông từ xứ Giu-đê, thành Giê-ru-sa-lem, xứ Y-đu-mê (Ê-đôm, ở phía Nam Biển Chết), bên kia sông Giô-đanh, miền Ty-rơ và Si-đôn, kéo tới. Như vậy, đương thời chỉ có cách đi bộ, từ Ðông, Tây, Nam, Bắc, cách xa 100 dặm, những đám dân đông nghe các phép lạ của Ðức Chúa Jêsus, đã kéo đến, đem theo bịnh nhân, và Ngài chữa lành cho họ hết thảy (câu 15).

Ðoạn 12:22-23 -- Một người đui và câm bị quỉ ám được chữa lành
Cũng có chép ở Lu-ca 11:14-15. Ðây là một phép lạ lớn lao, vì mặc dầu dân chúng đã quen với phép lạ, họ cũng phải "lấy làm lạ." "Con cháu vua Ða-vít" (câu 23) là phẩm tước mà ai nấy dành cho Ðấng Mê-si mà họ đang trông đợi (Ma-thi-ơ 1:1; 9:27; 15:22; 20:30; 21:9; 22:42; Giăng 7:42).

Ðoạn 12:24-37 -- Tội lỗi không thể tha thứ
Tội lỗi nầy cũng có chép ở Mác 3:22-30; Lu-ca 11:14-26; 12:8-10. Hãy chú ý rằng dầu người Pha-ri-si hết sức ghét Ðức Chúa Jêsus, nhưng họ không chối các phép lạ của Ngài, vì nhiều quá và nhiều người biết quá, không sao chối được. Dầu các phép lạ có tánh chất hoàn toàn phước thiện, song người Pha-ri-si cứng cỏi và giả hình đến nỗi cho nó phát xuất từ quỉ Sa-tan. Lời tố cáo xấu xa và quỉ quái chứng tỏ một bản tánh hầu như không sao cứu chuộc được nữa. Có lẽ lời Ðức Chúa Jêsus phán đây có nghĩa chỉ về một tâm trạng mà họ gần đi tới, rất là nguy hiểm. Ở Lu-ca 2:10, tội lỗi không thể tha thứ có liên quan đến sự chối bỏ Ðấng Christ. Ðức Chúa Jêsus dường như phân biệt giữa tội lỗi nghịch cùng Ngài và tội lỗi nghịch cùng Ðức Thánh Linh (câu 32). Tội lỗi không thể tha thứ thường được mọi người hiểu như thế nầy: Chối bỏ Ðấng Christ khi Ngài còn ở trong xác thịt và chưa làm xong công việc, là khi cả môn Ngài cũng chẳng hiểu Ngài, thì có thể được tha thứ. Nhưng sau công việc Ngài hoàn thành và Ðức Thánh Linh đã giáng xuống, nếu người ta hiểu biết đầy đủ và lại cố quyết và chung kết chối bỏ lời Ðức Thánh Linh giới thiệu Ðấng Christ thì đó là "tội lỗi đời đời không hề được tha thứ." Tội lỗi tương tự cũng có nói đến ở Hê-bơ-rơ 6:6; 10:26 và I Giăng 5:16. Hãy xem lời chú giải những câu nầy.
"Lời hư không" (câu 36) được nhắc đến ở đây, liên quan đến tội lỗi không thể tha thứ. Lời nói bày tỏ tâm tánh chúng ta (câu 34). Mỗi lời nói cũng như mỗi hành động kín nhiệm của chúng ta (xem ở Lu-ca 12:1-12) đều được "thâu thanh" để diễn lại trong Ngày Phán xét.

Ðoạn 12:38-45 -- Dấu lạ của Giô-na
Cũng nói đến ở Lu-ca 11:29-32. Sau khi tố cáo Ðức Chúa Jêsus nhờ Bê-ên-xê-bun giúp đỡ làm dấu lạ, mà lại xin Ngài làm dấu lạ, thì thật là vô liêm sỉ. Có lẽ họ định xin một cái gì vĩ đại hơn, như sấm sét ở núi Si-na-i, hoặc ma-na rơi xuống. Ðức Chúa Jêsus hứa ban cho họ một dấu lạ hơn bội phần mà Ngài gọi là "dấu là của đấng tiên tri Giô-na," -- tức là Ngài từ kẻ chết sống lại, đó là Dấu Lạ Vĩ Ðại Hơn Hết Của Mọi Thời Ðại. Về các thói quen của các quỉ sứ (câu 43-45), xin xem ở Mác 5:1-20.

Ðoạn 12:46-50 -- Mẹ và anh em Ngài
Cũng có chép ở Mác 3:31-35 và Lu-ca 8:19-21. Lời đáp của Ðức Chúa Jêsus ở đây dạy rằng dây liên lạc thiêng liêng còn mạnh hơn dây liên lạc xác thịt; và Ngài có ý tỏ rõ rằng mẹ Ngài không thân mật với Ngài hơn bất cứ người nào làm theo ý chỉ Ðức Chúa Trời.

Ðoạn 13: 1-53 -- Các thí dụ về Nước
Thí dụ là một "cách nói ẩn ý mà rộng nghĩa," một sự so sánh, dùng sự tầm thường mà chứng minh những sự thiêng liêng. Nói lược qua, thí dụ là truyện tích dùng để chứng minh lẽ thật. Theo một phương diện, Ðức Chúa Jêsus là Ðấng hay kể truyện.
Ngài dùng thí dụ một phần như những lời nói tối nghĩa và dường như có hai nghĩa, để "giấu ít lâu chính điều Ngài muốn bày tỏ." Nước mà Ðức Chúa Jêsus định thiết lập khác hẳn điều người ta mong đợi nơi Ðấng Mê-si; vậy nên Ngài cần phải khéo léo lắm. Vậy, Ngài dùng những truyện tích nầy để chứng minh "căn nguyên, sự tấn triển, tánh chất hỗn hợp và sự hoàn tất" của Nước. Ðối với chúng ta, những truyện tích nầy dường như rõ ràng lắm, song đối với kẻ trực tiếp nghe Ngài lúc đó, thì thật là khó hiểu, vì trí óc họ đang mải theo một quan niệm khác hẳn.
Khi giải nghĩa các thí dụ, vấn đề nêu lên là phải biết chi tiết nào quan trọng, và chi tiết nào chỉ là phần không có ý nghĩa nhưng cần thiết cho cốt truyện. Thường thì một thí dụ cốt để nêu lên một điểm, và không nên gò ép nó cho nảy ra những bài học đầy đủ chi tiết.
Theo nhiều ý kiến khác nhau, thì tổng số các thí dụ từ 27 đến 50. Có cái người nầy gọi là thí dụ (parabole), người khác lại gọi là ám ý (métaphore); tỉ như "chiên và dê," "nhà xây trên vầng đá và nhà xây trên cát," "cây đèn ở dưới cái thùng," "nỉ mới vá vào áo cũ," v.v... Người ta thường cho là có chừng 30 thí dụ. Một vài thí dụ rất giống nhau. Ðức Chúa Jêsus dùng những truyện tích khác nhau để soi sáng cùng một điểm; có khi Ngài lại dùng cùng một truyện tích để soi sáng nhiều điểm khác nhau. Chắc có một vài thí dụ mà Chúa dùng tới cả trăm lần; nhưng Ngài không giống như một Mục sư ở một chi hội phải luôn cho cùng một nhóm người, mà giống như một vị Truyền đạo lưu hành giảng cho những nhóm người khác nhau, ngày nầy qua ngày khác.

Ðoạn 13:1-23 -- Thí dụ về người gieo giống
Cũng có chép ở Mác 4:1-25 và Lu-ca 8:4-16. Hột giống là Lời Ðức Chúa Trời. Linh hồn người ta được sanh ra bởi Lời Ðức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 1:23), chớ không phải bởi những bài giảng vô vị như trấu khô. Thí dụ nầy là lời tiên tri về cách người ta tiếp nhận Tin Lành. có kẻ thậm chí không chịu nghe. Có kẻ chịu tiếp nhận nhưng chẳng bao lâu lại sa ngã. Có kẻ nắm lấy lâu hơn, nhưng lần lần mất hào hứng. Còn kẻ khác nắm vững mãi với nhiều trình độ khác nhau, và cuối cùng kết quả.

Ðoạn 13:24-30, 36-43, 47-53 -- Cỏ lùng và lưới bắt cá
Hai thí dụ có những điểm hơi khác nhau, song cùng tỏ ra rằng dầu trái đất được biến cải vì Tin Lành, nhưng kẻ xấu vẫn cứ tồn tại chung với người tốt cho đến kỳ tận thế, là lúc có sự phân rẽ sau cùng, kẻ ác đi vào số phận khốn cực, còn người công bình đi vào Nước vinh hiển đời đời. Ðức Chúa Jêsus không có ảo tưởng rằng thế giới nầy sẽ trở nên một nước lý tưởng (utopie). Ngài biết rõ ràng, đầy đủ rằng cho đến cuối cùng, Tin Lành của Ngài sẽ bị một phần lớn thế giới chối bỏ. Ngài chỉ nhìn nhận hai hạng người: Người được cứu rỗi và kẻ bị hư mất. Nhiều lần, Ngài phán về tình cảnh khốn cực của kẻ bị hư mất, về họ "khóc lóc và nghiến răng." Chắc Ngài biết mình đang phán tỏ điều chi. Chúng ta tự hỏi tại sao loài người cứ tiến bước mà không để ý tới những cờ hiệu mà Ðức Chúa Jêsus dường như đang hăm hở phất trước mặt họ đó.

Ðoạn 13:31-33 -- Hột cải và men
Cũng có chép ở Mác 4:30-32 và Lu-ca 13:18-20. Hai thí dụ giống nhau, chứng minh Nước Ðấng Christ khởi đầu nhỏ bé, rồi lần lần lớn lên không ngờ, cả trong cá nhân và trên thế giới; rốt lại, Nước Ngài mở mang rộng lớn, biến cải mọi chế độ, triết lý và chánh thể trên mặt đất.

Ðoạn 13:44-46 -- Của báu kín giấu và ngọc châu tốt
Ðây là hai thí dụ về cùng một điều: Ðấng Christ là quí giá vô cùng cho linh hồn người ta. Ðiều Ðấng Christ hiến cho ta thì đáng cho ta từ bỏ mọi sự, cả đến mạng sống, để được điều ấy.

Nước
Hãy chú ý, sách Tin Lành Ma-thi-ơ rất hay dùng chữ "Nước": 3:2; 4:17, 23; 5:3, 10, 19, 20; 6:10, 33; 7:21; 8:11; 9:35; 10:7; 11:11, 12; 12:28; 13:11, 24, 33, 43, 44, 45, 47, 52; 16:19, 28; 18:23; 19:12, 14, 23, 24; 20:1; 21:31, 43; 22:2; 23:13; 24:14; 25:1, 34; 26:29.
Một nước chánh trị.-- Họ đang trông mong một nước chánh trị trong đó dân Do-thái sẽ cai trị thế giới, dưới quyền Ðấng Mê-si của họ. Hê-rốt đồng quan niệm ấy, nên đã tìm cách tiêu diệt Ðức Chúa Jêsus lúc Ngài còn thơ ấu, vì ông nghĩ Nước Ðấng Christ sẽ là địch thủ chánh trị của nước ông. Giăng Báp-tít cũng đồng quan điểm ấy, nên khi Ðức Chúa Jêsus không chứng tỏ rằng Ngài là Vua dường ấy, thì ông bắt đầu nghi ngờ, không biết Ngài có phải là Ðấng Mê-si chăng? (Ma-thi-ơ 11:3). 12 Sứ đồ cũng đồng quan điểm ấy cho đến khi Ðức Chúa Jêsus sống lại. Câu cuối cùng họ hỏi Ðức Chúa Jêsus là: "Có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?" (Công vụ các sứ đồ 1:6). Trí óc họ chăm chú vào nền độc lập chánh trị của xứ sở họ, chớ không chăm chú vào sự cứu rỗi đời đời của chính mình họ.
Nước mà Ðức Chúa Jêsus đến để sáng lập là gì? Không phải một nước chánh trị, song là Chúa Trị Vì Trong Lòng Người Ta, rồi do lòng họ mà kiểm soát và thay đổi cuộc đời họ. Lòng người ta là nước mà Ðức Chúa Jêsus ngự vào để trị vì. Ngài muốn làm cho cả loài người Kính Mến Ngài. Mà sao phải kính mến Ngài? Ấy là để thay đổi chúng ta ra giống như ảnh tượng Ngài và để khiến ta xứng đáng kết bạn đời đời với Ðấng Tạo Hóa. Do sự yêu quí Ngài, tận tụy với Ngài và thờ lạy Ngài, sẽ nảy ra cả vẻ đẹp đẽ và sự yên ủi của đời sống, sự thay đổi tâm tánh và sự tái sanh linh hồn.
Chữ "Nước" dùng trong Tân Ước rất co giãn. Khi thì dường như chỉ về sự cai trị của Ðức Chúa Trời trong lòng cá nhân. Khi thì chỉ về đời trị vì tổng quát của sự công bình ở giữa vòng loài người. Khi thì chỉ về Hội Thánh. Khi thì chỉ về giới tín đồ Ðấng Christ. Khi thì chỉ về đời trị vì 1000 năm. Khi thì chỉ về Thiên đàng. Ý nghĩa căn bản của chữ nầy là Ðức Chúa Jêsus cai trị trong lòng con cái Ngài trải qua mọi thời đại cho đến đời đời vô cùng. Nước có nhiều trạng thái và nhiều giai đoạn. Khi thì chữ "Nước" có thể chỉ đặc biệt về một trạng thái hoặc một giai đoạn nầy; khi thì chỉ về một trạng thái hoặc một giai đoạn khác.
Ðoạn 13:54-58. Thăm viếng thành Na-xa-rét.-- Xem ở Mác 6:1-6.
Ðoạn 14: 1-12. Giăng Báp-tít bị chém đầu.-- Xem ở Lu-ca 3:1-20.
Ðoạn 14:13-21. Chúa cho 5000 người ăn no nê.-- Xem ở Giăng 6:1-15.
Ðoạn 14:22-33. Ðức Chúa Jêsus đi bộ trên mặt nước.-- Xem ở Giăng 6:16-21.


Thời Gian Từ Lúc Chúa Cho 5000 Người Ăn No Nê
Tới Lúc Chúa Hóa Hình
Ðoạn 14:34 đến đoạn 16:12. Xem ở Mác 6:53.
Ðoạn 14:34-36. Các đoàn dân đông ở Ghê-nê-xa-rết.-- Xem ở Mác 6:53.
Ðoạn 15:1-20. Người Pha-ri-si và sự bị ô uế.-- Xem ở Mác 7:1-23.
Ðoạn 15:21-28. Người đờn bà Ca-na-an.-- Xem ở Mác 7:24-30.
Ðoạn 15:29-39. Chúa cho 4000 người ăn no nê.-- Xem ở Mác 8:1-9.
Ðoạn 16:1-12. "Men của người Pha-ri-si".-- Xem ở Mác 8:10-21.

Ðoạn 16:13-20. Lời xưng nhận của Phi-e-rơ.
Việc nầy cũng có chép ở Mác 8:27-29 và Lu-ca 8:27-30. Phi-e-rơ tiếp nhận Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si kể đã được 3 năm rồi (Giăng 1:41, 42). Một năm sau khi tiếp nhận, ông gọi Ngài là "Chúa" (Lu-ca 5:8). Nửa năm sau nữa, ông gọi Ngài là "Ðấng Thánh của Ðức Chúa Trời" (Giăng 6:68, 69). Bây giờ, sau 2 năm rưỡi liên kết với Ðức Chúa Jêsus, ông tỏ lòng tin quyết rằng Ngài là Ðức Chúa Trời.
"Ðá" (câu 18 -- nguyên văn là "Vầng Ðá") trên đó Ðấng Christ sẽ xây dựng Hội Thánh Ngài, chẳng phải là Phi-e-rơ đâu, nhưng là chơn lý mà ông mới tuyên xưng rằng Ðức Chúa Jêsus là Con Ðức Chúa Trời. Thần tánh của Ðức Chúa Jêsus là nền tảng trên đó Hội Thánh được kiến tạo, và là bản tín điều cốt yếu của giới tín đồ Ðấng Christ. Ðó là ý nghĩa của Lời Chúa phán đây, không sao lầm lẫn được.
"Chìa khóa Nước Thiên đàng" (câu 19). Nguyên văn là: "Các chìa khóa." Người ta thường giải thích câu nầy rằng Phi-e-rơ mở cửa cứu rỗi nhằm ngày lễ Ngũ tuần cho người Do-thái (Công vụ các sứ đồ 2), và về sau cho các dân ngoại (Công-vụ các Sứ-đồ 10). Ấy chẳng có nghĩa rằng ông được Chúa ban cho quyền riêng để tha tội, nhưng có ý nghĩa ông được Chúa ban cho quyền riêng để tuyên bố những điều kiện tha thứ tội lỗi. Bất cứ Chúa ban quyền gì cho Phi-e-rơ, thì Ngài cũng ban quyền ấy cho các Sứ đồ khác (Ma-thi-ơ 18:18; Giăng 20:23). Và Ngài ban quyền ấy cho họ theo ý nghĩa tuyên cáo, chớ không phải theo ý nghĩa tuyệt đối. Trong Ðấng Christ có sự thương xót và tha thứ cho mọi người. Chính Ðấng Christ tha tội. Các Sứ đồ của Ngài đã được Ðức Thánh Linh soi dẫn để tuyên cáo và ghi chép trong Tân Ước những điều kiện của sự tha thứ đó.
Phi-e-rơ không hề tự nhận mình cao trọng hơn các Sứ đồ khác. Ông và các Sứ đồ khác cũng không bao giờ tự nhận là mình tha thứ tội lỗi cho ai.
Chúng ta có thể tha thứ các tội lỗi mà kẻ khác phạm nghịch với mình. Hội Thánh có thể tha thứ các tội lỗi đã phạm nghịch cùng Hội Thánh. Nhưng chỉ Ðức Chúa Trời mới có quyền thật tha thứ tội lỗi.
Trong Tân Ước không có chỗ nào chép rằng, hoặc thậm chí ngụ ý nói rằng quyền của Phi-e-rơ, bất cứ nó là gì, đã được truyền lại cho các Thủ lãnh kia. Bất cứ đoạn sách nầy có ý nghĩa gì cho các Sứ đồ, chắc cũng không ai được căn cứ vào đó để đòi có những đặc quyền mà Ðấng Christ đã ban cho các Sứ đồ ấy. Ðây tuyệt đối không có gì ủng hộ lời Giáo hội kia tự nhận rằng các phẩm chức của họ có quyền tha tội. Chỉ Ðức Chúa Trời có quyền tha tội. Người nào hoặc nhóm người nào dám tự nhận có đặc quyền ấy, thì thật là không đúng với Kinh Thánh.
Ðoạn 16:21-28. Chúa dự ngôn sự thương khó của Ngài.-- Xem ở Mác 9:30-32.
Ðoạn 17:1-13. Ðức Chúa Jêsus hóa hình.-- Xem ở Mác 9:2-13.
Ðoạn 17:14-20. Ðứa trẻ bị kinh phong.-- Xem ở Mác 9:14-29.
Ðoạn 17:22-23. Chúa lại dự ngôn sự thương khó của Ngài.-- Xem ở Mác 9:30-32.
Ðoạn 17:24-27. Tiền đóng thuế.-- Ðây là một thứ thuế đầu người thâu cho Ðền thờ, mà mỗi người nam trên 20 tuổi phải đóng (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:11-15). Số tiền nầy bằng chừng 12 đồng Việt-nam. Là Chúa của Ðền thờ, Ðức Chúa Jêsus được miễn thuế nầy. Nhưng để người ta khỏi hiểu sai thái độ của Ngài đối với Ðền thờ, nên Ngài nộp thuế ấy và đã nhờ một phép lạ mà có tiền.
Ðoạn 18:1-6. "Ai là lớn hơn hết?".-- Xem ở Lu-ca 9:46-48.
Ðoạn 18:7-14. "Những cơ hội làm cho vấp phạm".-- Xem ở Mác 9:41-50.
Ðoạn 18:15-35. Sự tha thứ.-- Một ta lâng (câu 24) đáng giá chừng 1000 Mỹ kim. Một đơ-ni-ê (câu 28) đáng giá 17 xu Mỹ (chừng 13 đồng Việt-nam). Người nầy được tha nợ 10 triệu Mỹ kim, nhưng lại không chịu tha nợ 17 Mỹ kim. Ðó là cách Ðức Chúa Jêsus so sánh những tội lỗi chúng ta phạm nghịch cùng Ðức Chúa Trời với những tội lỗi mà kẻ khác phạm nghịch cùng chúng ta. Hãy chú ý lời Ðức Chúa Jêsus tuyên bố quả quyết rằng nếu chúng ta không tha thứ, thì không thể nào được tha thứ (câu 35).

Chức Vụ Của Chúa Tại Xứ Pê-rê
(Ðoạn 19 và 20; xem Lu-ca 9:51)
Ðoạn 19:1-2. Dời khỏi xứ Ga-li-lê.-- Xem ở Lu-ca 9:51.
Ðoạn 19:3-12. Câu hỏi về sự ly dị.-- Lời Ðức Chúa Jêsus dạy về sự ly dị có chép ở đây và ở Ma-thi-ơ 5:31-32; Mác 10:2-12; Lu-ca 16:18. Sứ đồ Phao-lô cũng giải luận vấn đề nầy ở I Cô-rinh-tô, đoạn 7. Một người nam và một người nữ trở nên vợ chồng trọn đời, -- đó là ý chỉ Ðức Chúa Trời đối với loài người. Trong luật pháp Môi-se, Ðức Chúa Trời cho phép một vài sự thỏa hiệp vì cớ loài người yếu đuối. Còn Ðấng Christ dường như chỉ ưng chịu một lý do ly dị (câu 9); rồi sau Ngài sửa đổi lời tuyên bố ấy mà phán rằng: "Chẳng phải mọi người đều có thể lãnh được lời nầy" (câu 11).
Ðoạn 19:13-15. Con trẻ.-- Xem ở Lu-ca 18:15-17.
Ðoạn 19:16-30. Vị quan trưởng trẻ tuổi và giàu có.-- Xem ở Lu-ca 18:18-30.
Ðoạn 20:1-16. Thí dụ về những người làm công trong vườn nho.-- Ðây không có nghĩa là mọi người sẽ được đối xử như nhau trên Thiên đàng, hoặc sẽ chẳng có phần thưởng chi hết. Thí dụ về các ta-lâng (Ma-thi-ơ 25:14-30) dường như dạy rõ rằng sẽ có phần thưởng. và Phao-lô cũng dạy như vậy (I Cô-rinh-tô 3:14-15). Ðây là một trong những thí dụ mà ta không nên gò ép cho ra một bài học về mọi phương diện. Ðây, Ðức Chúa Jêsus chỉ có ý dạy một điều: Ấy là một số người tưởng mình đứng đầu trong thế gian nầy sẽ thấy mình đứng cuối ở Thiên đàng. Ngài phán điều ấy nhiều lần (Ma-thi-ơ 19:30; 20:16; Mác 10:31; Lu-ca 13:30). Mực thước của Thiên đàng và mực thước của trần gian khác nhau đến nỗi nhiều tín đồ thấp hèn nhứt ở đời nầy, chỉ làm tôi mọi và tôi tớ, sẽ có địa vị cao quí nhứt trên Thiên đàng; và nhiều thủ lãnh cao trọng của Hội Thánh nếu được lên Thiên đàng, thì sẽ ở dưới những người đã làm tôi tớ mình trong đời nầy (xem thêm ở dưới Lu-ca 16:19-31).
Ðoạn 20:17-19. Chúa lại dự ngôn về sự thương khó của Ngài.-- Xem ở Mác 9:30-32.
Ðoạn 20:20-28. Lời thỉnh cầu của Gia-cơ và Giăng.-- Ðiểm đáng buồn trong truyện tích nầy là phản ứng của họ đối với lời Ðức Chúa Jêsus vừa mới báo cáo rằng Ngài đang đi đường lên Thập tự giá. Cả đến Giăng yêu dấu của Chúa cũng ích kỷ một cách mù quáng thay! Ông hiểu biết Chúa ít quá! Xem ở Lu-ca 9:46-48.
Ðoạn 20:29-34. Người mù ở thành Giê-ri-cô.-- Xem ở Lu-ca 18:35-43.

Tuần Lễ Cuối Cùng Của Ðức Chúa Jêsus(Ðoạn 21 đến 28)
Ðoạn 21:1-11 -- Chúa ngự vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn
Cũng có chép ở Mác 11:1-10; Lu-ca 19:29-38; Giăng 12:12-19. Việc nầy xảy ra nhằm Chúa nhật trước khi Ðức Chúa Jêsus chịu chết. Ngài đã ngự đến với tư cách Ðấng Mê-si được dự ngôn từ lâu. Trong 3 năm Ngài tự giới thiệu với nhân dân bởi luôn luôn du hành và làm phép lạ, lại cũng bởi những cuộc du hành và phép lạ của 12 Sứ đồ và 70 môn đồ. Ngài thừa biết những kẻ cầm quyền đã quyết định rằng Ngài phải chết. Ngài sẵn lòng chịu chết, và thì giờ của Ngài đã điểm. Ngài tung bỏ hết dè dặt theo gió bốn phương, và trong một cuộc biểu tình vĩ đại để báo cáo cho Thành Thánh lần cuối cùng, Ngài ngự vào Giê-ru-sa-lem giữa những tiếng "Ha-lê-lu-gia!" và "Hô-sa-na!" của đoàn dân đông đảo đang chờ mong. Ðó là một cơ hội quan trọng đủ làm cho đá kêu vang lên (Lu-ca 19:40). Dân chúng hoan hỉ. Họ tưởng giờ giải phóng đã tới rồi. Ðức Chúa Jêsus cỡi lừa con, vì đã có dự ngôn rằng Ðấng Mê-si, là Vua, sẽ ngự đến như vậy (Xa-cha-ri 9:9).

Ðoạn 21:12-17 -- Ðức Chúa Jêsus dẹp sạch Ðền thờ
Cũng có chép ở Mác 11:15-18 và Lu-ca 19:45-47. Ðây là ngày thứ hai. Ba năm trước, Ngài cũng đã làm việc nầy, lúc bắt đầu chức vụ công khai (xem lời chú giải ở Giăng 2:13-16). Những mối lợi lớn thâu được ở các sạp chợ trong khu vực Ðền thờ, dọc theo cổng Sa-lô-môn, đã làm giàu cho gia đình thầy tế lễ thượng phẩm. Ðức Chúa Jêsus bất bình phừng phừng vì chúng dùng Nhà của Ðức Chúa Trời một cách bại hoại như vậy. Ngài biết ý định của chúng đối với Ngài, và với sự thản nhiên hoàn toàn, Ngài đố thách chúng, dường như cố quyết khêu ngòi chống đối của chúng. Hơn nữa, người ta trông mong Ðấng Mê-si hành động như vậy (Ma-la-chi 3:1-3). Xem thêm ở dưới Giăng 2:13-16.

Ðoạn 21:18-22 -- Ðức Chúa Jêsus làm cho cây vả khô héo
Cũng có chép ở Mác 11:15-18 và Lu-ca 19:45-47. Việc nầy nhằm buổi sáng ngày thứ hai, trong lúc Ngài đi từ làng Bê-tha-ni đến Giê-ru-sa-lem, theo đường qua núi Ô-li-ve. Sáng hôm sau, các môn đồ nhận thấy điều đó trong lúc đi vào thành Giê-ru-sa-lem. Rõ ràng lắm, buổi tối ngày thứ hai, Chúa đã từ Giê-ru-sa-lem đi về Bê-tha-ni, theo con đường vòng quanh chơn núi phía Nam.

Ðoạn 21:23-27 -- "Bởi quyền phép nào?"
Cũng có chép ở Mác 11:27-33 và Lu-ca 20:1-8. "Ai cho Thầy quyền cai quản Thành Thánh và Ðền thờ? Thầy là Ai?" Bọn cầm quyền giận dữ cay đắng vì dân chúng theo về phía Ðức Chúa Jêsus, nên chúng tìm đủ cách có thể tưởng tượng để gài bẫy Ngài. Nhưng Ngài là một Nhà Biện chứng đại tài, và đã trả miếng mỗi câu hỏi của chúng, làm cho chúng bối rối.

Ðoạn 21:28-32 -- Thí dụ về hai con trai
Thí dụ nầy nhắm thẳng vào bọn thủ lãnh tôn giáo, tức là các thầy tế lễ cả, trưởng lão, thầy thông giáo và người Pha-ri-si vốn tự nhận là kẻ canh giữ dân Ðức Chúa Trời. Họ đã chối bỏ Ðức Chúa Jêsus. Nhưng thường dân lại vui vẻ tiếp nhận Ngài.

Ðoạn 21:33-46 -- Thí dụ về vườn nho
Cũng có chép ở Mác 12:1-12 và Lu-ca 20:9-19. Thí dụ về hai con trai ở trên đây cốt nhắm vào bọn thủ lãnh của dân tộc Do-thái. Còn thí dụ nầy thì nhắm vào chính dân tộc Do-thái.

Ðoạn 22:1-14 -- Thí dụ về tiệc cưới
Ðây là một thí dụ khác tỏ ra cùng một điều như trên, -- ấy là tuyển dân của Ðức Chúa Trời đã đối xử với các sứ giả Ngài một cách đáng hổ thẹn, nên bây giờ bị loại bỏ, thủ đô của họ sẽ bị thiêu hủy, và các dân tộc khác sẽ được gọi vào. Ðây cũng là một thí dụ có hai ý nghĩa, vì nó cảnh cáo những người mới tới rằng họ phải cẩn thận, kẻo lại chịu chung số phận ấy.
Ðoạn 22:15-22. Nộp thuế cho Sê-sa.-- Xem ở Mác 12:13-17.
Ðoạn 22:23-33. Sự sống lại.-- Xem ở Mác 12:18-27.
Ðoạn 22:34-40. Ðiều răn lớn.-- Xem ở Mác 12:28-34.
Ðoạn 22:41-46. "Con vua Ða-vít".-- Xem ở Mác 12:35-37.

Ðoạn 23 -- Khốn thay cho các thầy thông giáo và người Pha-ri-si!
Trong các giáo phái đương thời Ðức Chúa Jêsus, người Pha-ri-si đông nhứt, có thế lực và ảnh hưởng nhiều nhứt. Họ là những người chú trọng vào luật pháp rất nghiêm nhặt. Họ đại diện cho sự khắt khe vâng giữ văn tự và hình thức của luật pháp, và cũng đại diện cho cổ phong (các lời truyền khẩu). Trong vòng họ có một vài người tốt. Nhưng nói chung, họ nổi tiếng vì tham lam, vô tình, cậy sự công bình riêng và giả hình.
Các thầy thông giáo (hoặc: ký lục, thơ ký) là người chép Kinh Thánh. Vì họ biết luật pháp rất tỉ mỉ, nên được nhìn nhận là có thẩm quyền. Có khi họ cũng được gọi là "thầy dạy luật" (luật sư). Những người danh tiếng hơn hết đã mở trường dạy luật pháp. Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là thủ lãnh tôn giáo của dân tộc Do-thái.
Những lời Ðức Chúa Jêsus phán với họ đây là bản cáo giác gắt gao hơn hết mà môi miệng Ngài từng thốt ra. Ngài gọi họ là "loài rắn," là "dòng dõi rắn lục" (câu 33). Ngài không hề phán như vậy với các tội nhân, người thâu thuế và thường dân. Ngài là Người đạo đức hơn hết từng sống ở đời nầy. Nhưng linh hồn Ngài gớm ghét sự đạo đức giả là dường nào!
Bọn nầy không chết hết trong thế hệ ấy đâu. Trải qua bao nhiêu thế kỷ, Hội Thánh đã bị rủa sả vì có những thủ lãnh mô tả rất đúng trong sách Ma-thi-ơ, đoạn 23. Họ là bọn hành đạo nhà nghề mà chẳng có đạo đức chi hết, diễn hành trong bộ áo thánh, dạy kẻ khác những điều mà chính mình họ chẳng có và chẳng làm. Họ là bọn người lòe loẹt, tự cho là quan trọng, đi dạo quanh như vua chúa, giảng đạo mà chẳng có đạo chi hết.

Từ giã Ðền thờ
Nhằm ngày thứ hai, Chúa đã dẹp sạch Ðền thờ. Ngày thứ ba, sau khi cảnh cáo lần chót rằng bây giờ Nước Ðức Chúa Trời bị cất khỏi người Do-thái mà ban cho các dân tộc khác, thì Ðức Chúa Jêsus tố cáo khủng khiếp, và tỏ lòng thương xót thiết tha, rồi từ giã Ðền thờ, không hề trở lại nữa, mặc nó cho bị phá hủy. Khi Chúa lìa khỏi Ðền thờ, thì Ngài chấm dứt chức vụ công khai để bình tĩnh chờ đợi sự chết xảy đến cho Ngài 3 ngày sau.

Bài Diễn Giảng Quan Trọng Về Kỳ Sau Rốt(Ðoạn 24, 25; cũng có chép ở Mác 13 và Lu-ca 21)
Ðoạn 24:1-44 -- Thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ, Chúa ngự đến và kỳ tận thế
Ðức Chúa Jêsus giảng bài nầy sau khi lìa khỏi Ðền thờ lần chót. Ngài giảng về thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá, về sự tái lâm của Ngài, và về kỳ tận thế. Khi thì Ngài phán về biến cố nầy, khi thì Ngài phán về biến cố kia. Một vài lời của Ngài lẫn lộn đến nỗi khó biết là Ngài phán về biến cố nào đó. Có lẽ Ngài cố ý làm cho lẫn lộn như vậy. Hoặc có lẽ đây chỉ là lược thuật một bài giảng dài hơn bội phần. Dường như rõ ràng rằng Ngài nghĩ đến hai biến cố đặc biệt cách nhau một thời gian, và được chỉ rõ bởi chữ "kia" ở 24:34 và "ngày đó" ở 24:36. Có người lại giải thích mấy chữ "dòng dõi nầy" (Ma-thi-ơ 24:34) là dân tộc nầy, tức là chủng tộc Do-thái sẽ không qua đi trước khi Chúa ngự đến. Quan điểm thông thường hơn là Chúa có ý phán rằng thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy diệt đương thời những người nghe đó còn sống. Một người nhìn hai ngọn núi ở đằng xa, ngọn nọ ở sau ngọn kia, thì hai ngọn dường như gần nhau, mặc dầu hai ngọn có lẽ cách nhau xa lắm. Cũng một thể ấy, dưới tầm mắt của Ðức Chúa Jêsus, hai biến cố nầy gần nhau (vì biến cố nầy giống biến cố kia về nhiều phương diện), mặc dầu thật cách nhau một thời gian dài. Ðiều Ngài phán trong một câu có thể gồm cả một thời đại. Ðiều xảy đến trong trường hợp nầy có thể là "bắt đầu ứng nghiệm" điều sẽ xảy đến trong trường hợp khác.
Những lời Ngài phán về thành Giê-ru-sa-lem đã được ứng nghiệm từng chữ, từng tiếng trong vòng 40 năm sau. Những lâu đài, dinh thự xây bằng cẩm thạch và bằng vàng, từ xa, "trông như ngọn núi phủ tuyết," đã bị hủy phá trơn trọi bởi quân đội La-mã, năm 70 S.C., đến nỗi sử gia Josèphe nói rằng trông nó giống như một vị trí chưa từng có người ở (xem ở dưới Hê-bơ-rơ, đoạn 13).

Sự tái lâm của Ngài
Phần lớn của bài giảng nầy cốt luận về đề mục: "Sự tái lâm của Ðức Chúa Jêsus." Ngài chỉ còn cách sự chết có 3 ngày, và biết các môn đồ sẽ kinh hoảng đến nỗi mất gần hết đức tin nơi Ngài và nơi Nước Ngài; vậy nên Ngài chịu khó giải thích cho họ rằng hy vọng của họ sẽ được thực hiện một cách bội phần vĩ đại hơn là họ từng mơ tưởng.
Tư tưởng của Ðức Chúa Jêsus chú trọng nhiều vào sự tái lâm của Ngài:--
"Khi Con người ngự trong sự vinh hiển mình mà đến với các thiên sứ thánh..." (Ma-thi-ơ 25:31).
"Con người sẽ ngự trong sự vinh hiển của Cha mình mà giáng xuống cùng các thiên sứ, lúc đó, Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy việc họ làm" (Ma-thi-ơ 16:27).
"Như chớp phát ra từ phương Ðông, nhoáng đến phương Tây, thì sự Con người đến cũng sẽ thể ấy" (Ma-thi-ơ 24:27).
"Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy" (Ma-thi-ơ 24:37).
"Việc đã xảy ra trong đời Lót cũng vậy,... ngày Con người hiện ra cũng một thể ấy" (Ma-thi-ơ 17:28-30).
"Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con người dùng đại quyền, đại vinh mà ngự đến trên đám mây" (Lu-ca 21:27).
"Hễ ai hổ thẹn về Ta và đạo Ta, thì Con người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên sứ thánh" (Mác 8:38).
"Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ,... rồi Ta sẽ trở lại, đem các ngươi đi với Ta" (Giăng 14:2-3).
Sự tái lâm của Ngài sẽ được báo bởi "tiếng kèn rất lớn" (Ma-thi-ơ 24:31), cũng như ngày xưa, nhân dân được thâu nhóm bởi tiếng kèn vậy (Xuất Ê-díp-tô Ký 19;13, 16, 19). Khi luận về sự sống lại, Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc lại mấy chữ ấy: "Kèn sẽ thổi" (I Cô-rinh-tô 15:52), và ở thơ I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16, ông nói rằng: "Sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn, cùng tiếng kèn của Ðức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống." Vậy, tỏ ra có lẽ không phải chỉ là một cách nói bóng mà thôi. Ðây là một biến cố lịch sử vĩ đại, thật có và thình lình, trong đó Ngài thâu nhóm những kẻ thuộc về Ngài từ giữa vòng người sống và người chết, tiếp họ lên với Ngài, với một mực độ vĩ đại, tối thượng.
Nào Ngài ngự đến đoán phạt thành Giê-ru-sa-lem năm 70 S.C; nào Ðức Thánh Linh giáng lâm trong ngày lễ Ngũ tuần (các Sứ đồ không nghĩ rằng Ðức Chúa Jêsus đã ngự đến trong ngày lễ Ngũ tuần, vì lâu năm sau ngày lễ ấy, họ vẫn còn trông đợi Ngài ngự đến); nào Ngài ngự đến với con cái Ngài rất nhiều lần, trong những bước từng trải mới mẻ; nào chúng ta đi đến cùng Ngài khi qua đời, -- không một biến cố nào trong mọi biến cố đó có thể làm cạn ý nghĩa của lời Ðức Chúa Jêsus phán về Ngài tái lâm.
Tốt nhứt là đừng quá độc đoán đối với một vài biến cố kèm theo sự tái lâm của Ngài. Nhưng nếu lời nói là môi giới của tư tưởng, thì ta phải cắt nghĩa và giải thích nhiều lắm, mới có thể rút ra từ lời Ðức Chúa Jêsus phán một điều chi khác với điều nầy: Ấy là chính Ngài trông đợi ngày Ngài sẽ tái lâm như một biến cố lịch sử rõ rệt, và khi ấy, chính Ngài sẽ thật hiện ra (không phải trong thân thể xác thịt, nhưng trong thân thể vinh hiển) để thâu nhóm mọi người đã được cứu chuộc bởi Huyết Ngài về ở với Ngài trong nơi vinh hiển đời đời.
Tốt nhứt là đừng làm lu mờ cái hy vọng Ngài tái lâm bởi một lý thuyết tỉ mỉ quá về sẽ có gì xảy ra khi Ngài ngự đến. Chúng tôi ngờ rằng có một số người sẽ thất vọng kinh khủng trong trường hợp Ðức Chúa Jêsus không làm theo đúng chương trình mà họ đã hoạch định cho Ngài.
Người ta thuật rằng Nữ hoàng Victoria, nước Anh, chịu cảm động sâu xa bởi bài giảng của ông F.W.Farrar về Chúa tái lâm, nên đã nói với ông rằng: "Ông Farrar yêu dấu ơi, tôi mong còn sống khi Ðức Chúa Jêsus tái lâm, để có thể đặt vương miện nước Anh dưới chơn Ngài."
Ðoạn 24:45-51. Các tôi tớ trung tín và khôn ngoan.-- Từ đây trở đi, bài giảng của Ðức Chúa Jêsus chuyên khuyên bảo tín đồ phải tỉnh thức. Sự tái lâm của Ngài chiếm địa vị cao nhứt trong tư tưởng Ngài. Nó cũng đáng phải chiếm địa vị cao nhứt trong tư tưởng của chúng ta.
Ðoạn 25:1-13. Thí dụ về 10 nữ đồng trinh.-- Thí dụ nầy chỉ cốt tỏ ra một điều, ấy là trí óc chúng ta phải chuyên chú vào Chúa và ta phải sẵn sàng khi Ngài ngự đến. Người "khôn" dự bị cho trường hợp Ngài "đến trễ" (câu 5).
Ðoạn 25:14-30. Thí dụ về các ta lâng.-- Cũng như thí dụ về các nén bạc (Lu-ca 19:11-27), thí dụ nầy có nghĩa rằng chúng ta đang được huấn luyện để phục vụ cao trọng hơn trong một chế độ tương lai, và địa vị của ta ở đó tùy thuộc cách ta trung tín quản lý cho Chúa trong cõi đời nầy.
Ðoạn 25:31-46. Cảnh tượng phán xét sau cùng.-- Ðây là một trong những khúc sách tuyệt diệu của cả Kinh Thánh, là một bức tranh cụ thể tỏ ra thể nào sự từ ái thông thường sẽ có ảnh hưởng đến địa vị của chúng ta trong cõi đời đời.
Ðoạn 26:1-5. Mưu giết Ðức Chúa Jêsus.-- Xem ở Mác 14:1-2.
Ðoạn 26:6-13. Chúa được xức dầu tại Bê-tha-ni.-- Xem ở Mác 14:3-9.
Ðoạn 26:14-16. Giu-đa hỏi giá bán Chúa.-- Xem ở Mác 14:10-11.

Ðoạn 26:17-29 -- Bữa tối cuối cùng
Cũng có chép ở Mác 14:12-25; Lu-ca 22:7-38; Giăng 13 và 14. Ðây là đêm trước khi Ngài chịu chết. Có hai bữa tối: Bữa tối lễ Vượt qua và bữa tối của Chúa (Tiệc Thánh). Tiệc Thánh được thiết lập khi đã ăn xong bữa tối lễ Vượt qua. Lu-ca ghi chép hai chén (22:17-20). Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca chép cả hai bữa tối. Còn Giăng chỉ chép có lễ Vượt qua.
Trải qua 14 thế kỷ, lễ Vượt qua chỉ bóng về Chiên Con Lễ Vượt qua sẽ hiện đến. Ðức Chúa Jêsus ăn Lễ Vượt qua, và thiết lập Tiệc Thánh thay cho lễ ấy, rồi chính mình Ngài bị giết với tư cách Chiên Con của Lễ Vượt qua. Ðức Chúa Jêsus trút linh hồn trên cây Thập tự nhằm chính ngày mà các chiên con Lễ Vượt qua bị giết trong Ðền thờ.
Lễ Vượt qua đã đạt tới mục đích của nó và bây giờ nó nhường chỗ cho Bữa Tối Kỷ niệm Mới mẻ (Tiệc Thánh) mà ta dự để tưởng nhớ Ðức Chúa Jêsus cho đến khi Ngài tái lâm (I Cô-rinh-tô 11:26).
Lễ Vượt qua khiến người ta nhớ lại sự giải phóng khỏi Ai-cập và tưởng tới sự ngự đến của Ðấng Mê-si thể nào, thì cũng một thể ấy, Tiệc Thánh khiến chúng ta nhớ lại Ðức Chúa Jêsus chịu chết để giải phóng ta khỏi tội lỗi và tưởng đến Ngài sẽ tái lâm trong vinh quang.
Hơi khó tìm ra thứ tự các chi tiết trong bữa tối nầy. Ma-thi-ơ và Mác dường như đặt Tiệc Thánh ở sau lúc Giu-đa đã đi ra. Lu-ca dường như nói rằng Giu-đa có mặt ở đó. Giăng chép về sự tranh giành giữa các Sứ đồ trước. Lu-ca lại chép sự tranh giành nầy sau Tiệc Thánh. Rõ ràng lắm, trong khi sắp đặt các chi tiết, các tác giả đã được dắt dẫn bởi những sự nhận xét khác với thứ tự các chi tiết ấy xảy ra. Dưới đây là thứ tự có lẽ đúng:
1.-- Các Sứ đồ tranh giành địa vị cao trọng. Ðức Chúa Jêsus rửa chơn cho họ.
2.-- Ðức Chúa Jêsus báo tin Ngài sẽ bị phản nộp. Ai nấy hỏi rằng: "Có phải tôi chăng?"
3.-- Chúa cho Giu-đa miếng bánh nhúng. Hắn hỏi: "Có phải tôi chăng?", rồi đi ra.
4.-- Thiết lập Tiệc Thánh.
5.-- "Ðiều răn mới" và những lời êm ái ở sách Giăng, đoạn 14.

Chén
Năm 1910, giữa đống hoang tàn của một đại giáo đường ở vị trí thánh An-ti-ốt thời xưa, người ta tìm thấy một cái chén, bên trong lại có một cái chén nữa. Các nhà học giả có thẩm quyền cho rằng đó có thể là chính cái chén mà Ðức Chúa Jêsus đã dùng trong đêm thánh đó. Cái chén bên trong bằng bạc, không chạm trổ chi hết. Cái chén bên ngoài cũng bằng bạc, nhưng chạm trổ tuyệt xảo 12 hình người, tức là Ðấng Christ và các Sứ đồ. Tay mặt của Chúa đụng tới một dĩa có 5 ổ bánh và 2 con cá. Bên kia dĩa có con bò câu; bên cạnh Chúa có con chiên con và những cây nho. Hết thảy là biểu hiện của đạo Ðấng Christ. Rõ ràng lắm, cái chén bên ngoài dùng để giữ cái chén bên trong, là một vật thánh và quí báu, lâu đời hơn cái chén bên ngoài. Người ta cho là mỹ thuật và thủ công thuộc về thế kỷ thứ nhứt. Theo ý kiến nhiều người, thì Bữa Tối Cuối cùng có lẽ đã dọn trong nhà thân mẫu của Mác. Mác thường ghé thăm thành An-ti-ốt. Sau khi Giê-ru-sa-lem bị hủy phá, thì An-ti-ốt trở thành trung tâm chánh yếu của đạo Ðấng Christ. Không có gì tự nhiên hơn là vật quí báu vô biên cho tín đồ Ðấng Christ nầy đã được gìn giữ trong nhà thờ chánh của thành An-ti-ốt; đến khi nhà thờ nầy bị phá hủy, thì vật ấy đã bị vùi trong đống hoang tàn cho đến khi tìm được cách đây ít lâu. Cái chén nầy thuộc quyền sở hữu của ông Fahim Kouchakji, ở Nữu-ước.
Ðoạn 26:30-46. Chúa hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-nê.-- Xem ở Lu-ca 22:39-46.
Ðoạn 26:47-56. Chúa bị phản nộp và bị bắt.-- Xem ở Giăng 18:1-12.
Ðoạn 26:57-68. Trước mặt thầy tế lễ thượng phẩm.-- Xem ở Mác 14:53.
Ðoạn 26:69-75. Phi-e-rơ chối Chúa.-- Xem ở Giăng 18:15-27.
Ðoạn 27:1-2. Ðức Chúa Jêsus chánh thức bị lên án.-- Xem ở Mác 14:53.
Ðoạn 27:3-10. Giu-đa tự sát.-- Xem ở Mác 14:10-11.

Ðoạn 27:11-25. Cuộc xét xử trước mặt Phi-lát
Về lời chú giải các giai đoạn kế tiếp nhau trong vụ xét xử Ðức Chúa Jêsus, xin xem ở dưới Mác 14:53.
Phi-lát là quan Thống đốc La-mã cai trị xứ Giu-đê (26-37 S.C.). Ông nhận chức vào khoảng Ðức Chúa Jêsus bắt đầu thi hành chức vụ công khai. Ông có trú sở chánh thức tại thành Sê-sa-rê. Ông đến Giê-ru-sa-lem những khi có kỳ lễ để duy trì trật tự. Ông không có lòng thương xót, song tàn ác, và nổi tiếng vì quen thói hung bạo. Như các hoàng đế La-mã đương thời mình, ông hơi vui thích trước cảnh tượng một người bị tra tấn và xử tử. Có lần ông đã trộn huyết của mấy người Ga-li-lê với tế vật của họ (Lu-ca 13:1).
Một trong những bức tranh kỳ lạ hơn hết của lịch sử là sự cảm xúc mà Ðức Chúa Jêsus đã khơi trong quan Thống đốc La-mã có lòng cứng cỏi nầy. Hoặc Ðức Chúa Jêsus đứng hiên ngang và đẹp đẽ theo như một truyền thoại đã kể, hay là Ngài khom vao xuống và xấu xí theo như một truyền thoại khác đã kể, nhưng trong vẻ mặt và dáng điệu của Ngài có một cái gì thiên thượng và oai nghi đến nỗi dầu Ngài đang mặc áo vua giả mạo, đội vương miện bằng gai trên đầu, và máu chảy ròng ròng trên mặt, Phi-lát cũng không xây mặt khỏi Ngài được.
Sự cố gắng của Phi-lát để cứu Ðức Chúa Jêsus khỏi bị đóng đinh vào Thập tự giá, thật là một truyện đáng thương hại. Ông không muốn Ngài phải chết. Ông kêu gọi từ các quan trưởng Do-thái tới Hê-rốt: rồi từ Hê-rốt trở lại các quan trưởng; rồi từ quan trưởng đến đoàn dân đông đảo. Tới khi đoàn dân đông đảo xây qua nghịch cùng Ðức Chúa Jêsus, thì ông kêu gọi lòng thương xót của họ bằng cách truyền lịnh đánh đòn Ngài, vì hy vọng rằng họ sẽ hài lòng khi thấy Ngài bị hình phạt một phần nào, chớ không đòi hỏi Ngài phải đi trọn đường chịu đóng đinh vào Thập tự giá. Khi biện pháp đó thất bại, thì ông không dám quyết định đóng đinh Ðức Chúa Jêsus vào Thập tự giá cho đến khi dân Do-thái dọa mách ông với Sê-sa (hoàng đế La-mã). Rốt lại, khi ông bắt đầu lo sợ có thể mất địa vị Thống đốc xứ Giu-đê, thì ông mới bằng lòng cho chúng giết Ðức Chúa Jêsus.
Sáu năm sau, Phi-lát bị triệu về La-mã để xét xử vì đã vô cớ tàn sát một nhóm người Sa-ma-ri; truyền rằng ông đã tự tử. Theo truyền thoại, thì vợ Phi-lát, là Pờ-rô-qui-la, đã trở lại tin theo Ðấng Christ.
"Xin Huyết Người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi!" (câu 25). Lời nầy đã được ứng nghiệm khủng khiếp biết bao!

Ðoạn 27:26 -- Ðức Chúa Jêsus bị đánh đòn
Sự đánh đòn thường có trước khi xử tử. Trong trường hợp nầy, dường như Phi-lát đã hy vọng rằng đoàn dân đông coi sự đánh đòn Chúa là hình phạt đủ rồi. Thời ấy, họ đánh đòn với một cái roi làm bằng nhiều dây da có cột những miếng chì hoặc kim khí sắc bén. Nạn nhân bị lột áo tới ngang mình, bị trói lom khom vào một cái cột, rồi họ dùng roi ấy đánh đòn lưng trần cho đến khi thịt rách tươm. Có khi vì đòn mà chết.

Ðoạn 27:27-31 -- Ðức Chúa Jêsus bị nhạo báng
Trong lúc xét xử, người Do-thái đã nhạo báng Ngài (Lu-ca 22:63-65). Hê-rốt và quân lính ông đã chế giễu Ngài (Lu-ca 23:11). Bây giờ tới phiên quân lính của Phi-lát nhạo báng Ngài. Sau đó ít lâu, khi Ngài đã bị đóng đinh trên Thập tự giá rồi, thì các thầy tế lễ cả, trưởng lão, thầy thông giáo và quân lính cũng chế giễu Ngài (27:39-43). Ðối với tâm trí tàn ác của chúng, đó là một cảnh tượng vĩ đại, vì họ được thấy Người tự xưng là Con Ðức Chúa Trời phải chịu sỉ nhục và khổ hình như vậy.

Ðoạn 27:32 -- Si-môn quê ở thành Sy-ren
Sách Giăng 19:17 có chép rằng Ðức Chúa Jêsus bước ra, vác Thập tự giá. Ngài bị kiệt sức vì suốt đêm hấp hối và bị đánh đòn, nên chưa đi được bao xa, thì đã hoặc đã bị té dưới Thập tự giá, hoặc yếu quá, không vác được xa hơn nữa. Bấy giờ Si-môn bị chúng bắt phải vác giúp Ngài. Chúng ta ít biết về Si-môn. Nhưng trên Thiên đàng, suốt cả cõi đời đời, ông sẽ tự hào biết bao vì nghĩ rằng mình đã vác Thập tự giá giúp Ðức Chúa Jêsus!

Ðoạn 27:33 -- Ðức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên Thập tự giá
Cũng xem Mác 15:21-41, Lu-ca 23:32-43 và Giăng 19:17-30.

Sự tối tăm
Suốt 3 giờ (câu 45), cõi thiên nhiên vô tri giác đã giấu mặt vì xấu hổ trước sự gian ác khôn tả xiết của loài người. Cũng có lẽ cõi thiên nhiên đã muốn tỏ thiện cảm với Con Ðức Chúa Trời trong cuộc tranh đấu chung kết chí tử của Ngài với các quyền lực của địa ngục. Có lẽ Ðức Chúa Trời định dùng sự tối tăm nầy tượng trưng cho cõi thiên nhiên để tang Ðức Chúa Jêsus đang khi Ngài chịu khổ hình để cứu chuộc loài người hư mất. Ðức Chúa Jêsus trút linh hồn chính giờ các chiên con Lễ Vượt qua được dâng lên trong Ðền thờ.

Ðộng đất
Có cơn động đất, các vầng đá nứt bể, và mồ mả mở ra (câu 51-55); đó là Ðức Chúa Trời chào mừng Cứu Chúa đã toàn thắng. Bức màn trong Ðền thờ xé hai (câu 51) là cách chính Ðức Chúa Trời tuyên cáo rằng bởi sự chết của Ðấng Christ, không còn chi phân cách Ðức Chúa Trời với loài người nữa (Hê-bơ-rơ 9:8). Các thánh đồ sống lại (câu 52-53) là chứng cớ và đảm bảo của Ðức Chúa Trời rằng quyền phép của sự chết đã bị hủy phá. Hãy chú ý: Cả đến viên bách nhân đội trưởng, là sĩ quan chỉ huy bọn lính La-mã đóng đinh Ðức Chúa Jêsus vào Thập tự giá, cũng tin quyết rằng Ngài thật là Con Ðức Chúa Trời (câu 54).
Ðoạn 27:57-61. Sự chôn Chúa.-- Xem ở Giăng 19:38-42.
Ðoạn 27:62-66. Niêm phong phần mộ của Chúa.-- Xem ở Ma-thi-ơ 28:11-15.

"Ngày thứ ba"
"Ngày thứ ba" (câu 64) dùng đây cũng giống như "khỏi ba ngày" (câu 63). Theo cách tính của người Hê-bơ-rơ, thì những phần ngày vào lúc khởi đầu và lúc kết liễu, đều kể là những ngày trọn (Ê-xơ-tê 4:16; 5:1). "Ba ngày ba đêm" (Ma-thi-ơ 12:40) -- một cách nói dài để chỉ về "ba ngày" (xem thêm I Sa-mu-ên  30:12-13) --, "sau ba ngày" (Mác 8:31; 10:34; Giăng 2:19) và "đến ngày thứ ba" (Ma-thi-ơ 16:21; 17:23; 20:19; Lu-ca 9:22; 24:7, 21, 46), đều là những cách nói chỉ về thời gian Ðức Chúa Jêsus ở trong mồ mả, tức là từ chiều ngày thứ sáu đến sáng Chúa nhật (ngày thứ nhứt).

Ðoạn 28:1-8 -- Mấy bà thăm phần mộ Chúa
Việc nầy có chép trong cả 4 sách Tin Lành (Mác 16:1-8; Lu-ca 24:1-11; Giăng 20:1-3). Ma-ri Ma-đơ-len được ghi tên trong cả 4 sách. Ma-ri là mẹ của Gia-cơ và Giô-sê, cũng gọi là "Ma-ri khác" (Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca). Sa-lô-mê là mẹ của Gia-cơ và Giăng (Mác). Gian-nơ là vợ quan nội vụ của vua Hê-rốt (Lu-ca). Và "các đờn bà khác." Hết thảy là 6 người, hoặc có thể là 12 người và hơn nữa. Họ đem theo thuốc thơm để hoàn tất sự xức xác Ngài ngõ hầu an táng vĩnh viễn, và chẳng mảy may suy nghĩ rằng Ngài sống lại.
"Lúc tưng tưng sáng" (Ma-thi-ơ). "Sáng sớm, mặt trời mới mọc" (Mác). "Khi mờ sáng" (Lu-ca). "Lúc rạng đông, trời còn mờ mờ" (Giăng). Rõ ràng lắm, mấy cách ghi thì giờ khác nhau nầy có nghĩa rằng các bà đi ra lúc trời còn tối, và đến mộ phần vào khoảng mặt trời mọc. Họ ở làng Bê-tha-ni hoặc thành Giê-ru-sa-lem, cách phần mộ 1, 2 dặm, hoặc hơn nữa.
"Thiên sứ" ngồi trên vầng đá (Ma-thi-ơ). "Một người trẻ tuổi" ngồi trong phần mộ (Mác). "Hai vị thiên sứ" ngồi trong phần mộ (Giăng). Mấy lời khác nhau nầy chỉ có nghĩa rằng các thiên sứ mượn hình người, đang chờ ở phía ngoài phần mộ để đón chào các bà, rồi dẫn họ vào phía trong mà giải thích rằng Ðức Chúa Jêsus đã sống lại rồi. Có lúc họ thấy hai thiên sứ, và có lúc chỉ thấy một. Có lẽ buổi sáng đó có muôn triệu thiên sứ bay là là trên phần mộ, chờ nghinh đón Cứu Chúa phục sanh, vì đó là một lúc toàn thắng trong sử ký của Thiên đàng. Các thiên sứ sẽ phụ trách sự sống lại toàn thể (Ma-thi-ơ 24:31). Xem lời chú giải về "Thiên sứ" ở dưới Ma-thi-ơ 4:11.
"Sau ngày Sa-bát" (câu 1). Nói thật đúng, thì ngày Sa-bát kể từ lúc mặt trời lặn hôm trước tới lúc mặt trời lặn hôm sau. Nhưng theo cách dùng thông thường, như ở đây, thì nó kéo dài tới đêm khuya, và được chỉ rõ bởi lời nầy: "Khi bắt đầu hừng đông qua ngày thứ nhứt của tuần lễ" (theo nguyên văn). Có người cho rằng đây có nghĩa là các bà đi đến phần mộ nhằm buổi tối ngày thứ bảy, rồi lại đến nữa, nhằm sáng Chúa nhựt.
"Ðất rúng động dữ dội" (câu 2). Cũng đã có động đất khi Ðức Chúa Jêsus trút linh hồn trên cây Thập tự (Ma-thi-ơ 27:51), và khi ban bố luật pháp tên núi Si-na-i (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16, 18). Ðó là một cách Ðức Chúa Trời kêu gọi người ta chú ý vào những biến cố trọng đại.

Ðoạn 28:9-10 -- Ðức Chúa Jêsus hiện ra với các bà
Do xem xét bài tường thuật trong các sách Tin Lành khác, chúng ta nhận thấy rằng giữa khoảng câu 8 và câu 9, mấy bà đã đi báo tin cho các môn đồ, rồi trở lại phần mộ; trong khoảng thì giờ đó, Phi-e-rơ và Giăng đã chạy tới phần mộ, rồi lại đi. Bấy giờ Ma-ri Ma-đơ-len chạy trước các bà kia, tới phần mộ một mình, và Ðức Chúa Jêsus hiện ra với bà. Sau đó ít lâu, Ngài hiện ra với các bà kia. Xem ở dưới sách Mác, đoạn 16, mục "Thứ tự các Biến cố." Như vậy, hai lần hiện ra đầu tiên của Ðức Chúa Jêsus dành cho phụ nữ. Tội lỗi do người đờn bà mà xen vào. Cũng do người đờn bà, không có đờn ông giúp đỡ, mà Cứu Chúa hiện đến. Và sau khi thắng tội lỗi, Ðấng Cứu chuộc toàn thắng đã hiện ra với phụ nữ trước nhứt.
"Ði qua xứ Ga-li-lê" (câu 7, 10). Họ chờ đợi một tuần lễ, cho đến khi xong lễ Vượt qua, rồi mới trở về xứ Ga-li-lê.

Ðoạn 28:11-15 -- Hối lộ bọn lính canh
Theo lời yêu cầu của tòa Công luận, bọn lính được đặt ở mộ phần Ðức Chúa Jêsus để đề phòng có ai đánh cắp thi hài Ngài chăng. Bọn lính khủng khiếp trước cơn động đất cùng vị thiên sứ, và vì thi hài Ðức Chúa Jêsus đã biến mất, bèn chạy đi báo với tòa Công luận. Tòa Công luận bèn hối lộ chúng để nói rằng mình đã ngủ quên (theo kỷ luật quân đội La-mã, người lính gác ngủ quên phải bị tử hình). Họ cũng nói rằng nếu cần, họ sẽ khuyên giải(1) (bằng cách hối lộ) Phi-lát để che chở chúng. Sự hiểu biết (trong nội bộ) việc xảy ra ở mồ mả chắc có liên quan tới sự hối cải của "rất nhiều thầy tế lễ" sau đó ít lâu (Công vụ các sứ đồ 6:7).
Chiều hôm đó, Ðức Chúa Jêsus hiện ra với hai môn đồ (Lu-ca 24:13-32).
Và với Phi-e-rơ cũng vào khoảng ấy (Lu-ca 24:34).
Và buổi tối, Ngài hiện ra với 11 sứ đồ (Giăng 20:19-25).
Một tuần sau, Ngài hiện ra với 11 sứ đồ tại thành Giê-ru-sa-lem (Giăng 20:26-29).
Sau đó ít lâu, Ngài hiện ra với 7 sứ đồ (Giăng 21).
Và Ngài hiện ra với Gia-cơ nhằm một thì giờ và tại một chỗ mà ta không biết (I Cô-rinh-tô 15:7).

Ðoạn 28:16-20 -- Ðức Chúa Jêsus hiện ra với 11 Sứ đồ
Trên một hòn núi thuộc xứ Ga-li-lê, theo lời Ngài hẹn trước (26:32, 28:7). Người ta cho rằng đây là cơ hội "hơn 500 anh em" có mặt (I Cô-rinh-tô 15:6). "Sứ mạng trọng đại" được chép đại cương 4 lần (xem ở Mác 16:14-18). "Làm lễ báp-têm cho họ" (câu 19) là mạng lịnh trực tiếp của Ðức Chúa Jêsus, và là lời Ngài phê chuẩn lễ báp-têm đẹp đẽ trong đạo Ðấng Christ (xem ở Công vụ các sứ đồ 8:36-39).
"Ta thường ở cùng các ngươi luôn" (câu 20). Ðây là câu chúng ta ưa thích nhứt trong cả Kinh Thánh. Ðức Chúa Jêsus sống lại và không hề chết nữa. Hiện nay Ngài SỐNG, và ở cùng con cái Ngài luôn, tỏ quyền phép để dắt dẫn và che chở họ.
Chẳng những Ngài là Tổng tư lịnh một tổ chức lớn lao gồm các thiên sứ và thiên sứ trưởng. Ngài thật là như vậy. Chúng tôi tin có thiên sứ hộ vệ tín đồ. Nhưng còn hơn nữa. Vị Tổng tư lịnh các đạo thiên binh cũng đặc biệt chú ý tới và đặc biệt ở với mỗi con cái Ngài luôn luôn.
Chúng ta không hiểu thể nào một Ðấng lại có thể đồng thời ở cùng hàng triệu, hàng tỉ người. Nhưng Ðấng nầy là Ðức Chúa Trời. Và Ðức Chúa Jêsus phán điều đó bằng lời lẽ rõ ràng hơn hết: "Ta Thường ở Cùng Các Ngươi Luôn." Ðức Chúa Jêsus đã phán lời đó, và Ngài chẳng dùng những lời vô ích đâu. Ngài chẳng phán chỉ để mà phán suông thôi. Khi phán như vậy, thì Ngài có ý bày tỏ một điều gì. Chúng ta tin rằng Ngài ở với mỗi người chúng ta theo một ý nghĩa thiết thực, vượt quá sự hiểu biết của ta, một cách thần bí nhưng hiển nhiên.
Bất cứ chúng ta yếu đuối, hoặc hèn hạ, hoặc thấp thỏi chừng nào, Ngài vẫn là Thiết hữu của ta. Ta không thể thấy Ngài, nhưng Ngài có đó. Chính lúc nầy. Ban đêm, đang khi ta ngủ. Ngày mai, đang khi chúng ta làm việc. Tuần lễ sau. Năm tới. Ngài che chở ta dưới bóng Ngài trọn đời. Ngài đi bên cạnh ta. Do sự chăm chút từ ái, Ngài canh chừng mỗi một chi tiết trong cuộc tranh đấu đáng thương của đời người, và lấy lòng nhịn nhục mà dẫn dắt chúng ta lên nơi hạnh phước bất diệt trong Nhà Cha Ngài. Mọi sự nầy giống như một giấc mộng đẹp. Nhưng đó là một Thực Sự, -- thực sự căn bản duy nhứt của đời chúng ta.
Sau đó, Ðức Chúa Jêsus còn hiện ra một lần nữa (Lu-ca 24:44-51).



(1) Nữ hoàng nước Anh về thế kỷ 16, đã giúp cho văn chương Anh phát triển rất mạnh.
(1) Nguyên văn là: "thuyết phục."



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.