Cựu Ước đã được viết ra để tạo nên một tiếng chuông báo trước về Ðấng Christ và để mở đường cho Ðấng Christ ngự đến. Cựu Ước là truyện tích của dân tộc Hê-bơ-rơ, phần lớn luận về những biến cố và nhu cầu cấp bách trong các thời kỳ của dân tộc ấy. Nhưng suốt cả truyện tích nầy, luôn luôn có trông đợi và thấy trước sự ngự đến của Một Ðấng Oai Nghiêm sẽ trị vì và làm một công việc lớn lao, lạ lùng trên cả thế giới. Lâu lắm trước khi ngự đến, Ðấng nầy được người ta biết là Ðấng Mê-si. Những lời tiên tri về Ngài ngự đến hợp thành mối dây "Ðấng Mê-si" thấu suốt Cựu Ước. Ấy là sợi chỉ vàng chạy suốt những quyển sách vừa nhiều, vừa khác nhau của Cựu Ước, và hợp cả lại thành một khối duy nhứt lạ lùng.
Thoạt tiên có những ám chỉ mơ hồ, rồi bắt đầu có những dự ngôn đặc biệt và minh bạch; truyện tích càng tiến xa, thì những dự ngôn ấy càng đặc biệt, càng minh bạch và càng nhiều. Các dự ngôn minh bạch càng nhiều lên, thì các biểu tượng, tranh ảnh, hình bóng và tiên kiến gián tiếp cũng tăng gia. Như vậy, lúc ta tới tận điểm của Cựu Ước, thì cả truyện tích Ðấng Christ đã được viết trước và nói bóng trước bằng những lời lẽ và hình ảnh nếu tổng hợp lại, thì không thể nào chỉ về một nhân vật khác trong lịch sử.
Thêm vào những dự ngôn và hình bóng hết sức rõ ràng, còn có thể có nhiều ngụ ý kín giấu về Ðấng Mê-si, chỉ hơi thấy rõ trên bề mặt mà thôi. Tuy nhiên, chúng tôi tưởng tốt nhứt là đừng quá khai thác vấn đề hình bóng, trừ khi nó được giải thích như vậy trong Kinh Thánh, hoặc rõ ràng đến nỗi không sao lầm lẫn được.
Mục đích của chúng tôi ở đây là trình bày sơ lược các khúc sách chỉ rõ về sự ngự đến của Ðấng Christ.
Sáng thế ký 3:15.-- Lời tuyên bố đầu tiên: "Dòng dõi người nữ sẽ giày đạp đầu con rắn" dường như tỏ ra rằng mặc dầu loài người phạm tội, Ðức Chúa Trời cũng quyết định làm cho sự dựng nên loài người của Ngài được kết quả mỹ mãn. Loài người sa ngã bởi người nữ thể nào, thì cũng sẽ nhờ người nữ mà được cứu chuộc thể ấy. Ðây dường như ám chỉ rằng Ðấng Cứu chuộc sẽ do nữ đồng trinh mà giáng sanh.
Sáng thế ký 4:4-7.-- Tế vật của A-bên. Ðây dường như tỏ ra rằng, ngay từ lúc đầu, tế vật bằng huyết đã được thiết lập làm điều kiện cho loài người được Ðức Chúa Trời tiếp nhận; đây cũng là lần đầu tiên ám chỉ về Ðấng Christ chịu chết đền tội loài người.
Sáng thế ký 12:3; 18:18; 22:18.-- Ðức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham để thành lập một dân tộc do đó muôn dân sẽ được phước. Lời kêu gọi nầy được lặp lại 3 lần. Ðây tuyên bố rõ ràng, dứt khoát mục đích của Ðức Chúa Trời khi Ngài thành lập quốc gia Hê-bơ-rơ, lại có dự ngôn rằng trong quốc gia ấy, Ngài sẽ làm một việc đem phước lành cho cả thế giới.
Sáng thế ký 14:18-20.-- Mên-chi-xê-đéc, vua Sa-lem và thầy tế lễ của Ðức Chúa Trời Chí cao, được Áp-ra-ham dâng một phần mười chiến lợi phẩm; vả, lúc đó, Áp- ra-ham đại diện cho cả quốc gia Hê-bơ-rơ mà ông sẽ thành lập. Ðây dường như là một hình bóng về Ðấng mà dân tộc của Áp-ra-ham sẽ được thành lập để đưa vào trong thế gian. Xem ở thơ Hê-bơ-rơ, đoạn 7.
Sáng thế ký 22.-- Áp-ra-ham dâng Y-sác làm tế vật. Mên-chi-xê-đéc là "hình bóng" đầu tiên trong đời Áp-ra-ham về Ðấng mà dân tộc của Áp-ra-ham sẽ được thành lập để đưa vào trong thế gian thể nào, thì cũng một thể ấy, đây chúng ta có "hình bóng" về Biến Cố trong đời sống của Ðấng hầu đến, do đó Ngài sẽ "ban phước cho cả thế giới." Biến Cố ấy là Ðấng Christ chịu chết thế tội lỗi loài người, rồi sống lại. Ðây là bức tranh: Một người cha dâng con trai làm tế vật; con trai chết (trong trí Áp-ra-ham -- 22:4) 3 ngày; một vật thay thế (22:13); một tế lễ thực sự; và việc xảy ra trên núi Mô-ri-a 22:2), -- chính tại núi nầy, Ðức Chúa Jêsus đã bị đóng đinh vào Thập tự giá, và Áp-ra-ham đã dâng một phần mười chiến lợi phẩm cho Mên-chi-xê-đéc (14:18).
Sáng thế ký 26:4; 28:4.-- Lời hứa đầu tiên cho Áp-ra-ham rằng nhờ dòng dõi ông, "các chi tộc nơi thế gian sẽ được phước" (Sáng thế ký 12:3), tới đây được nhắc lại cho Y-sác, rồi cho Gia-cốp nữa. Lời hứa nầy được nhắc tới 5 lần, -- 3 lần cho Áp-ra-ham, 1 lần cho Y-sác và 1 lần cho Gia-cốp.
Sáng thế ký 49:10.-- "Ðấng Si-lô" sẽ cai trị các nước. Ðây là lời dự ngôn rõ ràng thứ nhứt rằng một ÐẤNG sẽ từ dân tộc Hê-bơ-rơ dấy lên để cai trị mọi nước; như vậy là ngụ ý rằng do Ðấng nầy, dân tộc của Áp-ra-ham sẽ làm trọn sứ mạng thiên thượng, là ban phước cho mọi nước. Danh Ngài là "Ðấng Si-lô." Ngài sẽ hiện ra trong chi phái Giu-đa. Chắc Ngài là Ðấng mà Mên-chi-xê-đéc làm hình bóng cho.
Xuất Ê-díp-tô ký 12.-- Các con đầu lòng của nước Ai-cập phải chết. Thiết lập Lễ Vượt Qua. Chắc chắn đây là một biến cố lịch sử vĩ đại làm hình bóng về sự chết của Ðấng Christ. Ðược giải cứu bởi sự chết của các con đầu lòng. Những ai có dấu Huyết Chiên Con thì được an ninh. Sở dĩ gọi là Lễ Vượt Qua vì thiên sứ hủy diệt đã "đi vượt qua" (Xuất Ê-díp-tô ký 12:27) những kẻ mang dấu huyết. Suốt 1400 năm, dân Y-sơ-ra-ên hằng năm giữ lễ nầy để kỷ niệm sự giải cứu khỏi Ai-cập; hằng năm họ dâng chiên con Lễ Vượt Qua y như họ đã làm trong đêm Vượt qua đầu tiên, cho tới khi Chiên Con Của Ðức Chúa Trời trút linh hồn trên Thập tự giá, trong ngày Lễ Vượt Qua mà bao nhiêu ngàn chiên con bị giết ở Giê-ru-sa-lem. Bởi đó, Ngài đem cho dân Ngài sự giải cứu khỏi tội lỗi, cũng như ngày xưa, họ đã được giải cứu khỏi Ai-cập vậy.
Lê-vi ký 16.-- Ðại lễ chuộc tội. Con dê bị đuổi đi, gánh tội lỗi của nhân dân. Ðây là một bức tranh khác mô tả sự chết của Ðấng Christ để đền tội loài người. Ðại lễ nầy và cả hệ thống tế vật trong sách Lê-vi ký là những đặc điểm liên tục của cuộc sanh hoạt quốc gia Hê-bơ-rơ, và tỏ ra sự chết của Ðấng Christ chiếm địa vị quan trọng trong ý tưởng Ðức Chúa Trời.
Dân số ký 21:6-9.-- Con rắn lửa. Theo như ta hiểu biết trong Tân Ước, thì truyện tích nầy là biến cố lịch sử làm hình bóng về Ðấng Christ có quyền cứu người ta khỏi tội lỗi.
Dân số ký 24:17-19.-- Lại một dự ngôn rõ ràng khác về một Ðấng sẽ dấy lên trong nước Y-sơ-ra-ên: Ngài sẽ là "một Ngôi Sao," "một Cây Phủ việt, " và sẽ "cầm quyền." Rõ ràng đây chỉ về cùng một Ðấng có Danh là "Ðấng Si-lô" và "được các dân vâng phục," ở Sáng thế ký 49:10.
Phục truyền luật lệ ký 18:15-19.-- Ðây cũng lại là một dự ngôn rõ ràng khác về một Ðấng sẽ dấy lên trong nước Y-sơ-ra-ên, một "Ðấng Tiên tri như Môi-se," bởi Ngài, Ðức Chúa Trời sẽ "phán" với loài người. Rõ ràng lắm, đây là một đặc tánh khác của "Ðấng Si-lô" và "Ngôi Sao" đã nói đến trên kia.
Như vậy, trong 5 quyển sách đầu của Cựu Ước có lời dự ngôn đặc biệt, lặp lại 5 lần, rằng dân tộc Hê-bơ-rơ đang được đưa vào thế giới vì một mục đích chánh xác, là ban phước cho muôn dân. Cũng có những lời dự ngôn đặc biệt rằng từ trong dân tộc Hê-bơ-rơ sẽ dấy lên Một Ðấng có Danh là "Ðấng Si-lô," là "Ngôi Sao," là "Ðấng Tiên tri giống như Môi-se." Cũng có nhiều chỗ ngụ ý khá rõ rằng nhờ Ðấng nầy mà dân tộc Hê-bơ-rơ sẽ làm trọn sứ mạng ban phước cho thế giới. Cũng có nhiều chỗ ám chỉ tánh chất công việc của Ðấng nầy, nhứt là mô tả sự chết của Ngài để làm Vãn-hồi-tế. Như vậy, rất sớm, tức là 1400 năm trước khi Ðấng Christ ngự đến, đã có vẻ bằng những nét khá rõ một vài đặc điểm chánh yếu của đời sống và công việc Ðấng Christ.
Giô-suê.-- Sách nầy dường như chẳng có lời nào trực tiếp dự ngôn về Ðấng Mê-si, mặc dầu có người cho rằng theo một phương diện, Giô-suê cũng làm hình bóng về Ðức Chúa Jêsus. Tên thì giống nhau, tiếng Hy-lạp là "JÊSUS.", còn tiếng Hê-bơ-rơ là "Giô-suê." Giô-suê dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Ðất Hứa thể nào, thì Ðức Chúa Jêsus cũng dẫn tín đồ Ngài vào Thiên đàng thể ấy.
Ru-tơ.-- Ru-tơ là bà cố nội của Ða-vít, là nguồn gốc của gia tộc phát sanh Ðấng Mê-si. Ru-tơ vốn là người Mô-áp, thì có thể ám chỉ sứ mạng của Ðấng Christ đối với các dân ngoại.
I Sa-mu-ên 16.-- Ða-vít được xức dầu làm vua Y-sơ-ra-ên. Từ đây trở đi, Ða-vít là nhân vật trọng yếu nhứt trong lịch sử Cựu Ước. Chung quanh tên ông tụ tập những lời tiên tri đặc biệt nhứt và dồi dào hơn hết về Ðấng Mê-si.
II Sa-mu-ên 7:16.-- Ðây, Ðức Chúa Trời hứa ban cho Ða-vít một ngôi vua đời đời. Lời hứa nầy được lặp đi lặp lại mãi, suốt cả các sách Cựu Ước tiếp theo; càng ngày càng thêm nhiều chi tiết, nhiều lời giải thích đặc biệt rằng lời hứa nầy sẽ được ứng nghiệm tối hậu trong Một Vua dấy lên từ nhà Ða-vít, -- chính Vua ấy sẽ sống đời đời và lập một Nước vô tận. Rõ ràng lắm, "Vua đời đời" nầy là một với Ðấng trước đã được gọi là "Ðấng Si-lô," là "Ngôi Sao," và là "Ðấng Tiên tri giống như Môi-se."
I Các vua 2:4; 8:25; 9:5.-- Lặp lại với Sa-lô-môn lời hứa ban ngôi vua đời đời , và Sa-lô-môn cầu nguyện cho được như vậy.
II Các vua.-- Sách nầy chép truyện nước Ða-vít suy vong, và dường như làm tiêu tan lời Ðức Chúa Trời hứa ban cho Ða-vít ngôi vua đời đời. Nhưng suốt thời gian gồm trong sách nầy, nhiều tiên tri đã dấy lên mà kêu la rằng lời hứa ấy sẽ còn được ứng nghiệm. Xin xem lời chú giải sau đây về các sách tiên tri.
I Sử ký 22:8-10.-- Lời hứa ban ngôi vua đời đời được lặp lại lần nữa cho Sa-lô-môn.
II Sử ký 6:16; 7:17, 18.-- Lại chép Sa-lô-môn cầu nguyện cho lời hứa được ứng nghiệm, và Ðức Chúa Trời lặp lại lời hứa.
E-xơ-ra, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê.-- Ba sách nầy tường thuật dân Hê-bơ-rơ đã suy vong và bị tan lạc, nay được hồi hương, nhưng chẳng có lời nào trực tiếp dự ngôn về Ðấng Mê-si. Tuy nhiên, dân tộc được tái lập ở xứ sở, quê hương là một tiền sự cần thiết cho Ðấng Mê-si ngự đến.
Gióp.-- Một bài tranh luận về vấn đề đau đớn, và theo chỗ ta có thể nhận thấy, thì ít trực tiếp nói đến sứ mạng của dân tộc Hê-bơ-rơ, là sanh ra Ðấng Mê-si, chỉ trừ ra lời Gióp hớn hở bày tỏ đức tin: "Tôi biết rằng Ðấng cứu chuộc tôi vẫn sống, đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất" (19:25).
Thi Thiên.-- Bây giờ ta tới một quyển sách đầy dẫy hình bóng về Ðấng Mê-si, viết từ 1000 năm trước khi Ðấng Christ ngự đến. Một vài hình bóng nầy là sự thực trong đời riêng của Ða-vít, theo một ý nghĩa hạn chế và phụ thuộc; nhưng phần nhiều hình bóng nầy không thể ứng dụng cho một nhân vật nào khác trong lịch sử ngoài ra Ðấng Christ.
Thi Thiên 2:2, 6, 8, 12.-- "Vua được xức dầu" của Ðức Giê-hô-va sẽ "cai trị các nước." Rõ ràng lắm, đây là Vua đời đời sẽ dấy lên trong nhà Ða-vít. Ðây, Vua ấy được gọi là "Con" của Ðức Chúa Trời, tức là dự ngôn về Thần tánh của Ðấng Christ.
Thi Thiên 16:10.-- Sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết. Trước kia đã có nhiều câu ám chỉ về sự chết của Ðấng Mê-si. Ðây là một lời dự ngôn minh bạch về Ngài toàn thắng Tử thần.
Thi Thiên 22:1, 16, 18.-- Ðây là bức tranh tiên tri về sự đóng đinh Ðấng Christ vào Thập tự giá. Kẻ thù nghịch chế nhạo Ngài; tay và chân Ngài bị đâm lủng; áo xống Ngài bị phân chia, thậm chí dự ngôn cả lời Ngài thốt ra trước khi chết.
Thi Thiên 41:9.-- Ðấng Mê-si sẽ bị một người bạn phản nộp. Dường như nói về Ða- vít, nhưng Tân Ước trưng dẫn câu nầy để nói về Ðấng Christ bị phản nộp (Giăng 13:18).
Thi Thiên 45.-- Ðời trị vì vinh hiển của một Vua mang Danh là Ðức Chúa Trời, và ngự trên ngôi đời đời. Lời nầy không thể chỉ về một Ðấng nào khác ngoài Vua đời đời sẽ dấy lên từ trong nhà Ða-vít.
Thi Thiên 69:21.-- Lại một đặc điểm khác trong bức tranh Ngài chịu thương khó. Chúng cho Ngài uống mật đắng và dấm.
Thi Thiên 72:11, 17, 19.-- Ðời trị vì của Vua đời đời sẽ bao trùm cả thế giới và vinh hiển lạ lùng.
Thi Thiên 78:2.-- Một chi tiết khác của đời Ngài; ấy là Ngài sẽ phán dạy bằng thí dụ.
Thi Thiên 89:3, 27, 28, 34, 35.-- Lời thề của Ðức Chúa Trời, được lặp đi lặp lại nhiều lần, rằng ngôi vua của Ða-vít sẽ vô cùng tận, do "Con Trưởng nam" của Ðức Chúa Trời ngự trị (câu 27).
Thi Thiên 110:1, 4.-- Ðương thời Ða-vít, chức vua và chức thầy tế lễ phải phân biệt. Còn Ðấng Mê-si vừa làm Vua, vừa làm Thầy Tế lễ.
Thi Thiên 118:22.-- Bị các thủ lãnh của dân tộc Ngài chối bỏ.
Nhã ca của Sa-lô-môn.-- Dầu đây không nói rõ, nhưng người ta thường cho là truyện đặt làm hình bóng về Ðấng Mê-si thành hôn với Hội Thánh Ngài.
Ê-sai.-- Trên hết đây là sách Cựu Ước nói tiên tri về Ðấng Mê-si. Sách nầy dùng lời văn chương vô song mà ngây ngất mô tả những vinh quang của đời Ðấng Mê-si trị vì.
Ê-sai 2:2-4.-- Sự hiện thấy tuyệt diệu về thời đại của Ðấng Mê-si. Muôn dân lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm: Ðó là kết quả tối hậu do đời trị vì của Ðấng Mê-si.
Ê-sai 4:2-6.-- Một "Chồi" sẽ "làm đồ trang sức vinh hiển" và từ trong nhà Ða-vít dấy lên (11:1). Ðối với dân Ngài, Ngài sẽ là "một đám mây bọc khói trong ban ngày, và ngọn lửa soi sáng trong ban đêm," y như đám mây đã dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên qua đồng vắng (Dân số ký 8:15-23).
Ê-sai 7:13, 14.-- Một người trong nhà Ða-vít sẽ do nữ đồng trinh sanh ra. Rõ ràng là "Chồi" (4:2) và "Con Trẻ" (9:5).
Ê-sai 9:1-7.-- Một "Con Trẻ" sanh ra trong nhà Ða-vít, Danh Ngài là " Ðấng Lạ Lùng, Ðấng Mưu Luận, Ðúc Chúa Trời Quyền Năng, Cha Ðời Ðời và Chúa Bình An." Ngài sẽ ngự "trên ngôi Ða-vít," và "quyền cai trị của Ngài cứ thêm mãi không thôi." Ngài sẽ thi hành chức vụ ở "xứ Ga-li-lê"(1) (câu 1, 2). "Con Trẻ" đây không thể là ai khác, ngoài ra Vua Ðời Ðời mà Ðức Chúa Trời đã hứa ban cho nhà Ða-vít. Chính là Ðấng mà nhiều thế kỷ về trước, đã gọi là "Ðấng Si-lô," "Ngôi sao" và "Ðấng Tiên tri giống như Môi-se."
Ê-sai 11:1-10.-- Ðời trị vì của "Chồi mống," tức là của "Vua Lạ lùng", sẽ rất vinh hiển và bao trùm cả trái đất.
Ê-sai 25:6-8; 26:19.-- "Trong ngày đó," nghĩa là trong ngày của "Vua Lạ lùng." thì "sự chết bị nuốt đến đời đời," và "Chúa sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt." Lời nầy có thể chỉ về điều chi khác ngoài ra sự sống lại của Ðấng Christ từ trong kẻ chết?
Ê-sai 32:1-8; 35:1-10.-- Hạnh phước và hân hỉ dưới đời trị vì của Vua Lạ lùng; thoáng thấy các phép lạ chữa bịnh do Ngài làm (35:5, 6).
Ê-sai 40:1-11.-- Ngài sẽ khải thị sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời. Trái đất sẽ vui mừng khi Ngài ngự đến. Ngài sẽ đối xử từ ái với kẻ yếu đuối.
Ê-sai 40:1-13.-- Ðời trị vì của Vua Lạ lùng có sự hiền lành và công bình. Ngài sẽ là Sự Sáng cho các dân ngoại. Ngài sẽ đem một bài ca mới cho trái đất. Lại thoáng thấy các phép lạ chữa bịnh do Ngài làm (câu 7).
Ê-sai 53.-- Các sự thương khó của Ngài. Ðây gọi Vua Vinh hiển hầu đến là "Tôi tớ" của Ðức Chúa Trời (câu 11). Ngài phải làm "Người Thương khó" (theo bản tiếng Anh; bản Việt-nam dịch là: "Người... từng trải sự buồn bực"), và "như chiên con bị dẫn đến hàng làm thịt." Ngài "dâng mạng sống làm tế chuộc tội," chết chung "với những kẻ ác," và "được chôn với kẻ giàu." Trong các lời tiên tri, đặc điểm rõ rệt hơn hết về Vua là Ngài phải chịu thương khó. Ðây có nhiều chi tiết thêm vào những điều đã dự ngôn trước, làm cho bức tranh càng lâu càng rõ hơn.
Ê-sai 54, 55, 60, 61.-- Vua chịu thương khó làm cho trái đất đầy dẫy những khúc hoan ca. Ðó là dự ngôn lạ lùng về kỷ nguyên Cơ-đốc-giáo.
Ê-sai 62:2; 65:15.-- Dân của Ðức Chúa Trời có một tên mới. Trong Cựu Ước, họ được gọi là "Y-sơ-ra-ên;" sau khi Ðấng Christ ngự đến, họ được gọi là "Cơ-đốc- nhân."
Ê-sai 65:17; 66:15-24.-- Vua sẽ làm nên "các từng trời mới và trái đất mới;" người công bình và người gian ác sẽ phân rẽ nhau đời đời .
Giê-rê-mi 23:5, 6; 33:15-17.-- Một "Chồi mống" sẽ dấy lên từ trong nhà Ða-vít; Ngài sẽ làm "Vua" (30:9), và được xưng là "Ðức Giê-hô-va sự công bình chúng ta." Ấy cũng là "Chồi mống " mà Ê-sai đã nói đến, tức là một Nhánh phát xuất từ cái gốc của nước Ða-vít đã sụp đổ.
Giê-rê-mi 31:31-35; 33:20-21.-- "Chồi mống" nầy cũng là "Vua Lạ lùng" trong sách Ê-sai. Ngài "sẽ lập một giao ước mới,... chép vào lòng." Sự ngự đến của Ngài chắc chắn như "giao ước ban ngày và giao ước ban đêm."
Ê-xê-chi-ên 34:23, 24; 37:24, 25; 44;3; 45:7; 46:16-18; 48:21.-- Ðời trị vì của "Vua" hầu đến trong nhà Ða-vít. Ngài sẽ lập một "giao ước đời đời với dân Ðức Chúa Trời. Ấy cũng như "Chồi mống" trong sách Giê-rê-mi.
Ê-xê-chi-ên 47:1-12.-- Dòng sông ban sự sống. Ðây là bức tranh đẹp tuyệt vời, mô tả những ảnh hưởng tốt lành từ thành Giê-ru-sa-lem tràn ra khắp thế giới, dưới đời trị vì của "Vua hầu đến thuộc về nhà Ða-vít."
Ða-ni-ên 2, 7, 8, 9.-- Nước lạ lùng của Ðức Chúa Trời sẽ thực hiện đương thời nước "thứ tư" (đoạn 2), nghĩa là đế quốc La-mã. Phần lịch sử xen vào giữa được mô tả tỉ mỉ ở đoạn 7 và 8. Xác định đúng thì giờ "Vua" ngự đến, tức là 70 tuần lễ từ khi ra chếu chỉ xây lại thành Giê-ru-sa-lem (đoạn 9). "Vua" tức là "Ðấng chịu xức dầu," sẽ "bị trừ đi" (9:25, 26).
Ô-sê 1:10.-- Các dân ngoại được gồm trong nước của Ðấng Mê-si. Lúc thơ ấu, Ðấng Mê-si sẽ ở Ai-cập. (11:1; Ma-thi-ơ 2:15).
Giô-ên 2:28-32; 3:13-16.-- Sẽ có một kỷ nguyên rao truyền Tin Lành khắp thế gian, dưới sự lãnh đạo của Ðức Thánh Linh.
A-mốt 9:11, 12.-- Ngôi vua của Ða-vít đã sụp đổ sẽ lại dựng lên và cai trị cả thế giới.
Áp-đia 1:21.-- "Các kẻ giải cứu" núi Si-ôn, gồm cả Ðấng Giải Cứu (Cứu Chúa).
Giô-na.-- Bức tranh phép lạ 3 ngày chỉ về Ðấng Mê-si từ trong mồ mả phục sanh. Cũng ám chỉ về Ngài trị vì các dân ngoại.
Mi-chê 5:2-5.-- Một Ðấng cai trị thế giới, vốn có từ đời đời, sẽ sanh ra tại Bết-lê-hem. Rõ ràng đây chỉ về VUA thường được nói đến từ trước.
Ha-ba-cúc 2:14.-- Sự vinh hiển của Ngài sẽ bao phủ cả trái đất.
Sô-phô-ni 3:9.-- Một "tiếng nói thuần túy" sẽ được đem vào trái đất; đó là một hệ thống tư tưởng đúng đắn về Ðức Chúa Trời. Rõ ràng là chỉ về Tin Lành của Ðấng Christ.
A-ghê 2;7, 23.-- "Sự ước ao của các nước" sẽ tới. Ðó sẽ là ngày Con Trai của Ða-vít đăng quang (đây do "Xô-rô-ba-bên" làm hình bóng cho).
Xa-cha-ri 3:8.-- "Chồi mống" sẽ đến. Tội lỗi sẽ "bị cất khỏi đất trong một ngày" (3:9). "Chồi mống" sẽ "xây Ðền thờ Ðức Giê-hô-va" (6:12) "chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần Ðức Chúa Trời" (4:6), vì Ngài vừa là Thầy tế lễ, vừa là Vua. Là "Vua," Ngài sẽ cỡi "lừa con" ngự vào thành Giê-ru-sa-lem và cầm quyền cai trị cả thế giới (9:9, 10). Ngài sẽ bị phản nộp vì "ba chục miếng bạc," và số bạc nầy bị "quăng cho thợ gốm" (11:12, 13). Ngài sẽ "như Ðức Chúa Trời" (12:8), và sẽ bị "đâm" (12:10). Ngài sẽ là "một Suối mở ra vì tội lỗi" (13:1). Ngài sẽ là "Kẻ chăn bị đánh" (13:7) và bị vết thương trong nhà bạn" (13:6).
Ma-la-chi 3:1; 4:5.-- Sẽ có một "sứ giả" giống như Ê-li đi trước Ngài, và sứ giả đó "sẽ dọn đường" cho Ngài.