Thơ Phi-líp



Một thơ tín truyền giáo

Không dễ đặt một đề mục cho thơ tín nầy. Một vài sách trong Kinh Thánh có đề mục rõ rệt, một vài sách khác lại không có như vậy. Ðây là một trong những sách thuộc loại thứ hai. Nó giống như một bức thơ thường, nói đến nhiều việc. Tuy nhiên, ta gọi nó là thơ tín truyền giáo vì nó được viết ra nhơn dịp nhận lãnh số tiền lạc quyên của một chi hội do Phao-lô sáng lập, để hỗ trợ ông trong công cuộc truyền giáo ở nước ngoài.
Theo nguyên tắc, Phao-lô không nhận trợ cấp cho công việc của ông, nhưng làm nghề may trại để tự túc, vì có rất nhiều kẻ thù và giáo sư giả thường bài bác tấm gương của ông, hoặc dùng gương ấy để gây nên một điều hư tệ. Theo chỗ chúng ta biết, Phao-lô chỉ nhận trợ cấp của một chi hội mà thôi, thức là chi hội Phi-líp. Ít ra họ cũng đã hai lần gởi tiền quyên giúp ông đang khi ông ở thành Tê-sa-lô-ni-ca (Phi-líp 4:16); cũng có gởi khi ông ở Cô-rinh-tô (II Cô-rinh-tô 11:9), và bây giờ gởi tới thành Rô-ma (Phi-líp 4:18).
Thành Phi-líp.-- Thuộc xứ Ma-xê-đoan, là Bắc phần của nước Hi-lạp ngày nay (xem bản đồ ở dưới Công vụ các sứ đồ, đoạn 16). Ðây là một thị trấn quan trọng, nằm trên đại lộ phía Bắc, giữa Ðông phương và Tây phương. Nổi tiếng vì có mỏ vàng. Năm 42 T.C., chính trên đồng bằng Phi-líp đã diễn ra một trận đánh, kết quả Brutus và Cassiusbị thua, Cộng hòa La-mã sụp đổ, và đế quốc La-mã khai sanh. Hoàng đế Auguste đã biến Phi-líp thành một thuộc địa.
Hội Thánh tại thành Phi-líp.-- Ðây là Hội Thánh đầu tiên do Phao-lô sáng lập ở Âu-châu, khoảng năm 51 S.C., vào lúc ông mới bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ hai. Hãy đọc truyện tích ở sách Công vụ các sứ đồ, đoạn 16, để mở đường cho ta đọc thơ tín nầy. Trong số người trở lại tin Chúa ở đó, có bà Ly-đi và viên chủ ngục. Lu-ca, vị lương y yêu dấu, đã làm Mục sư ở đây trong 6 năm đầu (xem lời chú giải mở đầu sách Công vụ các sứ đồ). Có lẽ Phi-líp là quê hương của Lu-ca, nơi ông hành nghề lương y. Có lẽ ông là người mà trách nhiệm đầu tiên là lo làm nảy nở tánh chất trọn lành của Hội Thánh ở đây. Theo chỗ chúng ta biết, thì Hội Thánh Phi-líp đứng đầu các Hội Thánh Tân Ước về sự trong sạch và trung tín.
Cơ hội viết thơ nầy.-- Phao-lô ở thành La-mã (61-63 S.C.), chừng 10 năm sau khi đã sáng lập Hội Thánh Phi-líp, và chừng 3 hoặc 4 năm sau khi ông thăm viếng thành ấy lần chót. Dường như ông không nhận được tin tức của họ từ ít lâu nay ("anh em lại lo tưởng về tôi lần nữa" -- 4:10), và có lẽ ông tự hỏi họ đã quên mình chăng, hay là một giáo sư giả nào đã lẻn tới cướp chi hội ấy khỏi tay ông, như thường xảy ra tại các chi hội do ông sáng lập. Bấy giờ, Ép-ba-phô-đích từ thành Phi-líp xa xôi tới nơi, đem theo một số tiền quyên giúp. Phao-lô cảm động và cảm kích sâu xa, vì ông đang cần tiền lắm. Ép-ba-phô-đích thiếu điều mất mạng sống trong khi giúp Phao-lô việc ấy. Ðến khi người bình phục, thì Phao-lô gởi người trở về, đem theo thơ tín kỳ diệu nầy (2:25-30; 4:18).

Ðoạn 1 -- Tin-Lành ở Thành La-mã
Ti-mô-thê (câu 1) có lẽ đã viết thơ nầy theo lời Phao-lô đọc. Ti-mô-thê đã giúp Phao-lô sáng lập Hội Thánh Phi-líp. Vậy nên Phao-lô để Ti-mô-thê cùng đứng tên gởi lời chào thăm. Ti-mô-thê cũng đã viết giúp Phao-lô những thơ II Cô-rinh-tô, Cô-lô-se, I và II Tê-sa-lô-ni-ca, Phi-lê-môn.
Phao-lô cầu nguyện cho họ (câu 3:11). Ông hầu như luôn luôn mở đầu các thơ tín như vậy. Hãy tham khảo các lời cầu nguyện tuyệt diệu ở Ê-phê-sô 1:16-23; 3:14-19; Cô-lô-se 1:9-12. "Ðược thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành" (câu 5). Ðây có lẽ chỉ về những số tiền lạc quyên họ đã gởi cho ông. Như vậy, họ đã gánh chung công việc của ông. Xem thêm ở dưới, đoạn 4:17.
Tin Lành tấn triển tại La-mã (câu 12-18). Ông đến La-mã như một tù nhân, nhưng đã giúp đỡ, chớ không ngăn trở việc rao truyền Ðấng Christ ở kinh thành đó. Ông đã được vào những công đường, thậm chí có thể dắt đem một số người ở triều đình Néron trở về tin Chúa (4:22). Ông đã vui mừng đêm đó trong khám tù thành Phi-líp thể nào (Công vụ các sứ đồ 16:25), thì bây giờ cũng vui mừng trong xiềng xích tại thành La-mã thể ấy (câu 18).
Phao-lô ước mong được chết (câu 19-26). Chắc hẳn trong thân thể đầy sẹo và mòn mỏi của ông lúc nào cũng có sự đau đớn, vì thường bị ném đá và đánh đòn. Ông đã già rồi. Ông biết các chi hội cần ông. Nhưng ông mong mỏi về Nhà Cha. Tuy nhiên, đó không phải là việc hệ trọng. Ở khám tù hay là ở Thiên đàng, Ðấng Christ cũng vẫn là sự sống và sự vui mừng của ông. Ông phải về trời hay là còn ở đời nầy, điều đó ở trong tay Ðức Chúa Trời. Ông hy vọng trở lại thành Phi-líp (câu 26, 2:24).
Những sự đau đớn của tín đồ Phi-líp (câu 27-30). Ðã 10 năm rồi, mà họ vẫn còn bị bắt bớ. Phao-lô chăm chú vào ngày báo trả, khi ấy tình hình sẽ đổi ngược, và những kẻ bắt bớ sẽ gặt cái chúng đã gieo (câu 28; II Ti-mô-thê 1:5-10).

Ðoạn 2 -- Sự Khiêm Cung Của Ðấng CHRIST
Một gương khiêm cung (câu 1-11). Trong thơ tín nầy có ít lời quở trách hơn hầu hết các sách khác trong Tân Ước. Nhưng vì cớ khung cảnh đặt lời khuyên bảo khả ái hãy khiêm cung, nên ta tự hỏi phải chăng Ép-ba-phô-đích đã gợi cho Phao-lô nghĩ rằng có mầm bè đảng do sự kiêu căng của một vài thủ lãnh ở chi hội Phi-líp, tỉ như Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ? "Là sự nên nắm giữ" (câu 6). Sự khiêm cung và thương khó của Ðấng Christ thường được đem đối chiếu với sự tôn cao và vinh hiển của Ngài (xem câu 8-11: xem thêm Hê-bơ-rơ 2:9-10 và I Phi-e-rơ 1:11). Tâm trí ta hãy chăm chú vào ngày đăng quang khánh hỉ, là lúc "mọi đấu gối       đều quì xuống."
* * *
Thơ Phi-líp 2
Sự vui mừng của Phao-lô trong ngày Ðấng Christ (2:12-18). Phao-lô quan niệm rằng tình thân hữu trên mặt đất sẽ cứ còn đến đời đời. Ông trông mong sự vui sướng của mình sẽ lên tới cực điểm hoan hỉ khi ông chào mừng bạn hữu yêu dấu trong Nước Thiên thượng. Nơi chơn Ðức Chúa Jêsus; họ là của lễ ông dâng cho Chúa, vì ông đã dắt đem họ đến cùng Ðức Chúa Jêsus để được cứu rỗi đời đời (câu 16).
Ông toan định trở lại thành Phi-líp (câu 19-30). Dường như ông trông mong cuộc xét xử mình sẽ mau kết liễu (xin đặc biệt chú ý câu 24). Ðây không ngụ ý chi hết đến cuộc du hành qua Y-pha-nho, theo như ông đã toan định lúc đầu (Rô-ma 15:24). Dường như vì ở tù lâu ngày, nên ông đã thay đổi chương trình. Ý kiến thường được thừa nhận là ông đã được phóng thích và lại ghé thăm thành Phi-líp cùng nhiều chi hội khác ở Ðông phương (I Ti-mô-thê 1:3). Rồi chừng 5 năm sau, ông lại bị bắt, dẫn về La-mã và bị xử tử vì Danh Chúa.

Ðoạn 3 -- Mục Ðích Thiên Thượng
"Một điều" (câu 1-21). Bối cảnh của bức tranh trong đoạn nầy dường như là bọn Do-thái hóa đã xuất hiện ở thành Phi-líp; dầu không tấn bộ bao nhiêu, song họ cũng đã nhấn mạnh vào sự vâng giữ luật pháp, cãi lẫy về những vấn đề không quan hệ, và có khí chất như "loài chó" (câu 2). Chính Phao-lô đã có sự công bình của luật pháp (mà họ đang rao giảng) với một mức rất cao (câu 4-6). Nhưng bây giờ ông kể sự công bình đó như "rơm rác" (câu 8). Ông hoàn toàn nương cậy Ðấng Christ. Mục đích duy nhứt của ông là được biết Ngài. Phao-lô tự mô tả là đang chạy đua, vận dụng hết gân cốt và bắp thịt, đem ra hết sức mạnh, căng tất cả mạch máu, e rằng không đạt tới mục đích chăng. Mục đích ấy là ông "được đến sự sống lại từ trong kẻ chết" (câu 11). Ðó là bí quyết của đời sống Phao-lô. Ông đã thoáng thấy sự vinh hiển của Thiên đàng (II Cô-rinh-tô 12:4), và quyết định rằng về phần mình, ông sẽ cậy ân điển của Ðấng Christ mà đi tới đó, cùng với những người mình có thể thuyết phục đi theo, càng nhiều càng tốt. Ðoạn nầy là một trong những lời tuyên bố đầy đủ hơn hết của Phao-lô về ông hy vọng được đến Thiên đàng. "Công dân" (câu 20). Chúng ta là khách lạ trên mặt đất nầy, và quê hương ta ở trên trời. Ta đi trên mặt đất, nhưng lòng ta ở trên trời.

Ðoạn 4 -- Sự Vui Mừng
Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ (câu 2-3). Hai phụ nữ làm thủ lãnh, hoặc có địa vị xã hội, hoặc làm nữ chấp sự, hoặc nhà riêng của họ dùng làm nhà thờ. Hai bà đã để những mối hiềm khích riêng trở thành sự buồn phiền cho Hội Thánh.
Hãy vui mừng, vui mừng, vui mừng (câu 4-7). Sự vui mừng là nhạc điệu trội nhứt của thơ tín nầy. Nó do cây viết của một người ở trong khám tù, suốt 30 năm đã bị công kích, đánh đập, ném đá, bạc đãi, đủ làm cho các vị thiên sứ phải kinh ngạc. Tuy nhiên, ông VUI MỪNG tràn ngập. Những sự trạng tự nhiên đáng làm cho ông cay đắng, thì trái lại, chỉ gia tăng sự sung sướng của ông. Lạ lùng thay, công việc Ðấng Christ có thể làm trong đời sống người ta! "Chúa đã gần rồi" (câu 5). Mười năm trước, trong thơ II Tê-sa-lô-ni-ca, đoạn 2. Phao-lô đã nói rằng nếu chưa có sự bội đạo, thì Chúa chưa ngự đến, nhưng sự bội đạo đó đã hoành hành mau lẹ trong một vài chi hội do Phao-lô sáng lập, và trí óc không bao giờ dời khỏi ý tưởng về ngày Chúa ngự đến gần rồi. Ðó là một trong những bí quyết khiến ông vui mừng mãi mãi, còn một bí quyết khác, là ông cầu nguyện luôn luôn, kèm theo sự cảm tạ Chúa (câu 6). Nếu chúng ta biết ơn Ðức Chúa Trời về những phước Ngài thật đã ban cho mình, thì chắc sẽ khiến Ngài sẵn lòng ban cho ta những phước ta chưa có.
Ép-ba-phô-đích đến nơi (câu 10-20). Ông đã đem số tiền lạc quyên đến cho Phao-lô (câu 18). Phao-lô cảm kích sâu xa, vì là một tù nhân, ông không có cách gì để sống trừ ra những thứ khám tù cấp cho. Lời đẹp đẽ và tế nhị hơn hết của cả thơ nầy là câu 17. Trong câu nầy, khi cảm ơn họ vì số tiền quyên giúp, ông nói với họ rằng ông cảm kích vì không những vì đang cần tiền (thật ông đang cần lắm -- 2:25), song cũng vì họ được chia phần thưởng cho công việc của ông: "Sự kết quả nhiều bởi lễ vật đến cho anh em." Vì họ ủng hộ ông, nên công việc của ông là công việc của họ. Trong Ngày Sau rốt, họ sẽ được ban thưởng vì cớ đã giúp ông cứu vớt vô số linh hồn. Bài học nầy còn dành cho chúng ta trong thế giới ngày nay, khi ta quyên trợ công cuộc truyền giáo. Mỗi số tiền nhỏ quyên trợ không đáng kể bao nhiêu. Song những giọt nước mưa rơi xuống Trung phần đại lục Bắc Mỹ châu hợp thành thác nước Niagara thể nào, thì cũng một thể ấy, những số tiền nhỏ của hàng trăm ngàn tín đồ khắp mọi nơi hợp thành ngân khoản ủng hộ đạo quân đông đúc gồm các giáo sĩ đang ở chiến tuyến Thập tự giá xa xôi, đang vì Ðấng Christ chịu lắm nỗi nhọc nhằn mà chúng ta không hề nghĩ rằng mình phải chịu ở nơi đây(1). Các giáo sĩ đó là đạo quân nam, nữ cao thượng, anh dũng hơn hết từng có dưới mặt trời. Những ai quyên giúp các Hội Truyền giáo, thì được dự phần phong trào hùng mạnh nhứt các thời đại, và đến ngày tính sổ sau cùng, họ sẽ được quyền chia phần thưởng.
Ðịa vị xã hội của các tín đồ Tân Ước (câu 22). "Người nhà Sê-sa," tức là những người ở trong cung điện Néron. Phần nhiều tín đồ trong Hội Thánh đầu tiên thuộc về giai cấp thấp kém. Rất nhiều người làm tôi mọi. Song trong số người trở lại tin Chúa có một ít nhân vật cao sang, tỉ như người nầy ở cung điện Sê-sa. Quan cai kho xứ Ê-thi-ô-bi (Công vụ các sứ đồ 8:27), viên bách nhân đội trưởng Cọt-nây (Công-vụ các Sứ- đồ 10:1), một anh em cùng vú nuôi với Hê-rốt (Công vụ các sứ đồ 13:1), quan trấn thủ đảo Chíp-rơ (Công vụ các sứ đồ 13:12). Tại thành Tê-sa-lô-ni-ca, chẳng phải ít người đờn bà sang trọng (Công vụ các sứ đồ 17:4). Tại Bê-rê, có những bậc phụ nữ cao quí (Công vụ các sứ đồ 17:12). Quan cai kho thành Cô-rinh-tô (Rô-ma 16:32). Gian-nơ, vợ quan nội vụ của Hê-rốt (Lu-ca 8:3).




(1) Tác giả nói với anh chị em tín đồ bên Mỹ.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.