SỰ CỨU RỖI

CHƯƠNG TRÌNH VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI:
SỰ CỨU RỖI
Kinh Thánh: Xuất 12:1-28
Câu gốc: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con Ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16)
Mục đích: Dạy rằng chương trình vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi chúng ta qua sự chết đền tội của Chúa Jêsus Christ.
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
CHIÊN CON CỦA LỄ VƯỢT QUA
(Xuất 12:1-28)
Thứ Hai:
CHIÊN CON CỦA CHÚNG TA
(Giăng 1:29; ICô-rinh-tô 5:6-7; IPhi-e-rơ 1:18-19)
Thứ Ba:
NGÀI CHẾT THAY TÔI
(Ê-sai 53:1-9, Giăng 3:1-16)
Thứ Tư:
HUYẾT NGÀI TẨY SẠCH
(IGiăng 1:3-10)
Thứ Năm:
LUẬT PHÁP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
(Xuất 20:1-17)
Thứ Sáu:
TỘI LỖI TRƯỚC MẶT CHÚA
(Rô-ma 3:9-20)
Thứ Bảy:
ĐẤNG CHRIST VÀ LUẬT PHÁP
(Rô-ma 10:4-15)

Trong 3 tháng tới đây chúng ta học về chương trình của Đức Chúa Trời. Qua các bài học này, tín hữu sẽ hiểu thấu đáo niềm tin của mình và giữ vững niềm tin ấy.
Hôm nay, chúng ta học về lý do khiến Chúa Jêsus  phải giáng sinh, chịu chết và sống lại. Đó là công trình vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời, vĩ đại hơn công trình dựng nên vũ trụ. Để dựng nên vũ trụ, Đức Chúa Trời chỉ dùng lời phán của Ngài, song để cứu rỗi nhân loại Ngài phải giáng sinh chịu chết và sống lại. Công trình dựng nên vũ trụ đã chấm dứt sau một thời gian, song chương trình cứu rỗi nhân loại vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay là kêu gọi tội nhân ăn năn và áp dụng cứu ân vào đời sống của họ. Chúa Jêsus phán: “Cha Ta làm việc cho đến bây giờ, Ta đây cũng làm việc như vậy” (Giăng 5:17).
I. KHÔNG VÂNG PHỤC LÀ PHẠM TỘI
A-đam đã phạm tội vì không vâng phục Chúa. Con cháu của A-đam cũng phạm tội như ông. “Cho nên bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian… Vì như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội” (Rô-ma 5:12-19). Con người bẩm sinh là tội lỗi, nên từ khi tấm bé, con người tỏ ra ích kỷ, bướng bỉnh, thích chống cự chứ không vâng phục. Không phải vì chúng ta đã phạm tội nên mới bị kể là tội nhân, song vì chúng ta đã là tội nhân nên mới phạm tội.
Vậy, không ai có thể sống cuộc đời thánh thiện, nhưng cứ miệt mài trong tội. Không những tự mình phạm tội, lại còn ưng thuận cho kẻ khác cũng phạm tội nữa (Rô-ma 3:23, Ê-phê-sô 4:19, Rô-ma 1:32).
Có người có ý chối tội. Làm như vậy không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm cho nó càng nặng hơn thôi. Vì như một người mắc bệnh ung thư mà cứ quyết là không có, thì không phải cớ quyết như vậy là khỏi bệnh ung thư, trái lại bệnh sẽ ngày càng nặng hơn cho đến chết. Thà là chúng ta thành thật nhận mình có bệnh để lo chạy chữa kịp thời. Dầu muốn dầu không, chúng ta đều là những tội nhân; tội lỗi ở khắp nơi, cũng ở trong lòng chúng ta nữa. “Nếu chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta… Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta” (IGiăng 1:8,10).
II. TỘI LỖI LÀ MỘT ĐIỀU KINH KHỦNG
Không có gì đáng kinh khủng bằng tội lỗi. Tội lỗi phá hủy mọi sự, cướp mất mọi sự. Kết quả của nó là sự chết cả xác lẫn hồn đời đời trong hỏa ngục.
1. TỘI LỖI PHÁ HỦY GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI: Khi tội lỗi đã vào gia đình A-đam và Ê-va thì ông tố cáo bà: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi” (Sáng-thế Ký 3:12). Kế đó Ca-in giết A-bên, rồi nhân loại vốn từ một gốc sinh ra vẫn tiếp tục giết nhau một cách không gớm tay. Trong muôn loài mà Đức Chúa Trời đã dựng nên, không có loài nào bóc lột, hà hiếp, tàn sát lẫn nhau bằng loài người. Kết quả, nhan nhãn khắp mọi nơi có biết bao bệnh viện, khám tù, nghĩa địa.
2. TỘI LỖI PHÁ HOẠI ĐỜI SỐNG CÁ NHÂN: Tội lỗi làm cho con người mất tự do mà trở nên nô lệ. Tội lỗi làm cho con người cao quý trở nên đê hèn, sắp mình thờ lạy hình tượng vô tri và điểu thú, côn trùng. Tội lỗi chúng ta ngăn trở chúng ta được phước (Giê-rê-mi 5:25). Tội lỗi làm cho con người xa cách Đức Chúa Trời và xa cách nhau (Ê-sai 59:1-2, Cô-lô-se 1:21, Ê-phê-sô 2:13). Lìa bỏ Chúa đưa mình đến một đời sống xấu xa, cay đắng (Giê-rê-mi 2:17). Nhưng chưa hết, cuối cùng tội lỗi còn đưa chúng ta đến chốn trầm luân là xa cách Đức Chúa Trời cho đến đời đời để chịu khổ hình. Thật, không có lời nào đủ để mô tả sự kinh khủng của tội lỗi, không ai tưởng tượng nổi sự đau đớn của tội nhân trong hỏa ngục (Lu-ca 16:24, Ê-sai 33:14; Khải-huyền 14:11; 20:10).
Vì vậy không có phước nào lớn bằng được tha tội. Đa-vít đã la lên như mình được một bửu vật  quý hơn ngôi vua, rằng: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình. Phước thay cho người nào mà Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho và trong lòng không có sự giả dối” (Thi 32:1,2).
Nếu chúng ta được dịp gặp một anh tù chung thân mà hỏi: Anh muốn gì, chọn một trong bốn điều này: Một bộ áo đẹp, một bữa cơm ngon, một số tiền lớn và được ra khỏi tù? Chắc chắn anh ta sẽ đáp ngay: Được ra khỏi tù!
III. ĐỨC CHÚA TRỜI SẮM SẴN MỘT ĐẤNG CỨU THẾ
Ngay khi A-đam và Ê-va phạm tội, Đức Chúa Trời đã hứa ban một Đấng Cứu Thế ra từ dòng dõi người nữ (Sáng-thế Ký 3:15). Đấng Cứu Thế đó được hình dung bằng chiên con chịu giết.
1. CHIÊN CON CỦA A-ĐAM (Sáng-thế Ký 3:21): “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam và mặc lấy cho”. Đã có da thú, tất nhiên phải có con thú bị giết. Thú đó là chiên con, và chiên con đó làm tượng trưng cho Chúa Cứu Thế chịu chết đền tội cho chúng ta.
2. CHIÊN CON CỦA A-BÊN (Sáng-thế Ký 4:4): Đức Chúa Trời đã dạy A-đam, và A-đam dạy lại hai con về cách nào phải dâng tế lễ để được chuộc tội. Nhưng A-bên vâng lời còn Ca-in thì không, nên Đức Chúa Trời đã nhậm của lễ A-bên mà không nhậm tế lễ của Ca-in. Tế lễ của A-bên bằng chiên chon, làm tượng trưng cho Đấng Cứu Thế chịu chết mới đền tội được.
3. CHIÊN CON LỄ VƯỢT QUA (Xuất 12:1-13): Để được giải phóng khỏi ách nô lệ tại Ê-díp-tô, Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho người Y-sơ-ra-ên, mỗi nhà phải giết một chiên con, thịt thì ăn, huyết dùng bôi lên hai cây cột và mày cửa, nhà nào ăn thịt chiên nấy. Tối lại, Chúa đến quan sát mọi nhà trong cả xứ Ê-díp-tô. Nhà người Y-sơ-ra-ên có huyết bôi trên cửa nên Ngài vượt qua, không làm hại gì cho nhà ấy, dầu con chó cũng không sủa (Xuất 11:7). Nhưng cả nhà của Ê-díp-tô, từ vua chí dân, từ chủ đến nô lệ, vì không có huyết chiên con bôi trên cửa nên nhà nào cũng có người chết: Con đầu lòng của người và con đầu lòng của súc vật. Nhà của người Y-sơ-ra-ên bình an, nhà của người Ê-díp-tô kinh hoàng.
Phao-lô giải thích rằng: “Vì Đấng Christ là con sinh lễ vượt qua của chúng ta đã bị giết rồi” (ICô-rinh-tô 5:7). Cảm tạ ơn Chúa, nhờ huyết Ngài, chúng ta được bảo vệ an toàn.
4. CHIÊN CON DÂNG TẾ LỄ (Lê 1:3-5): Khi một người Y-sơ-ra-ên đã phạm tội mà muốn được tha thứ, phải bắt một chiên con không tì vít chi cả trong bầy mình, đem đến trước cửa hội mạc. Người phạm tội đã đặt tay mình trên đầu con chiên mà xưng hết tội lỗi của mình ra, nghĩa là chiên con vô tội phải mang lấy tội của người ấy mà chết thế cho, chính người phải giết con chiên rồi thầy tế lễ dùng huyết nó để chuộc tội cho người đã phạm.
Làm việc đó, không phải người Y-sơ-ra-ên tin vào sự chết của con chiên chuộc tội mình, vì giá trị của con chiên đâu có đủ thay cho mạng người. Làm việc đó đức tin của họ hướng về Đấng Cứu Thế sẽ chịu chết đền tội cho họ mà chiên con chỉ làm tượng trưng. Vì thế, khi Giăng Báp-tít thấy Chúa Jêsus đi ngang qua thì chỉ vào Ngài mà giới thiệu với các môn đồ mình rằng: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29).
Sự cứu rỗi chúng ta nhận được là quý báu vô cùng, vì nó là mạng sống của Đức Chúa Trời đã đổ ra. Điều đó cũng làm chứng rằng tội lỗi của chúng ta rất nhiều, sự hình phạt rất nặng, mà chỉ có Chúa Jêsus mới cứu chuộc được (Công-vụ 4:12). Đức Chúa Trời đã làm việc đó chỉ vì yêu thương chúng ta, muốn chúng ta thuộc về Ngài, được ở với Ngài đời đời.
Vậy, chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã được trọn trong đời sống của bạn hay chưa? Bạn đã nếm trải sự cứu rỗi của Chúa, đến mức sẵn sàng chia xẻ cho người khác chưa? Nếu chưa, hãy tin nhận Ngài hôm nay đi (Giăng 1:12-13).
CÂU HỎI
1.      Công trình lớn nhất của Đức Chúa Trời là gì?
2.      Tại sao chúng ta gọi đó là công trình lớn nhất?
3.      Thế nào là tội?
4.      Chúng ta bị kể là tội nhân khi nào?
5.      Tội lỗi kinh khủng như thế nào?
6.      Vậy khi được tha tội chúng ta phải xem mình được gì?
7.      Đấng Cứu Thế mà Đức Chúa Trời đã hứa được hình dung bằng gì?
8.      Xin kể ra các chiên con làm tượng trưng cho Đấng Cứu Thế?
9.      Khi dâng chiên con làm lễ chuộc tội, dân Y-sơ-ra-ên hướng đức tin về ai? Tại sao?

  1. Làm sao bạn biết chắc mình đã được cứu rỗi? 

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.