Thánh Kinh Phong Tục- Chương Thứ Nhất

 Chương Thứ Nhứt
 
Tiểu Dẫn
 
"Người sanh trước anh một ngày ắt khôn hơn anh một năm" 
Tục ngữ xứ Sy-ri,  ngụ ý phải kính trọng người già cả.
 

1. Luận đề.
Giải rõ Kinh Thánh bởi các phong tục và lề thói hiện thời ở các xứ có chép trong Kinh Thánh, - đó là luận đề của quyển sách này.
Trong xứ Pha-lê-tin và xứ Sy-ri kim thời có nhiều sự thuộc về khí hậu, phong cảnh, cây cối, thú vật, cùng thói quen, công việc, y phục và ngôn ngữ của cư dân, vẫ đúng in như xưa kia Kinh Thánh đã ghi chép.
Trải qua một thời gian dài đằng đẵng mà phong tục vẫn y nguyên không đổi, kỳ lạ như thế là vì những duyên cớ hệ trọng sau này:
(1) Cư dân xứ Ca-na-an hiện nay có liên lạc về huyết thống với người Y-sơ-ra-ên thuở xưa;
(2) Tiếng Hê-bơ-rơ giống hệt với tiếng A-rạp, là tiếng cư dân đương dùng;
(3) Phong tục xưng hiệp với khí hậu cùng các kỹ nghệ trong xứ;
(4) Cư dân không thích và không chịu thay đổi chính thể tộc trưởng, theo chính thể ấy thì các sheikhs, hoặc người đứng đầu các gia tộc cường hào, cứ cha truyền con nối cai trị nhiều địa phương.
Cảnh trí thiên nhiên, y phục, công việc, dư luận dân chúng, quan niệm về đời sống, công việc, gia đình và tôn giáo, ngày nay thật giống như xưa, đến nỗi nếu các sự ấy lại diễn ra trong xứ Pha-lê-tin và các lẽ thật của Kinh Thánh bây giờ mới được rao truyền lần thứ nhứt, thì sự mô tả và công bố không khỏi đúng như khuôn mẫu chúng ta đã quen biết trong Kinh Thánh.

2. Sách này hệ trọng thể nào?
Kê cứu các phong tục và lề thói trong Kinh Thánh, thì được ba điều lợi cốt yếu:
(1) Nó giúp ta hiểu rõ hơn đời sống và tánh tình của những nam, nữ danh nhân trong Kinh Thánh.- Kê cứu loài cây cối và súc vật, nhà bác học nhận biết nguyên tắc nầy: Các loài ấy trước hết vì mình mà sống, rồi sau cùng mới ứng dụng vào những sự nhu cầu của chúng ta. Như vậy, màu và hương của đóa hoa, mật của con ong, điểm óng ánh trên cành của con chim, ngà của con voi, "các dấu hiệu riêng" của con bò câu và con sơn dương, - ta chỉ có thể cắt nghĩa những cái đó theo nguyên tắc rằng nó trước hết giúp ích cho các sinh vật và thực vật có nó, rồi sau mới được đánh giá cao trên thị trường và dùng làm món ăn, áo mặc cho chúng ta. Cũng một lẽ ấy, chúng ta chẳng nên từ chối không cho những nhơn vật trong Kinh Thánh được quyền trước hết vì chính mình mà sống. Chúa dùng họ để giục lòng và răn dạy hậu thế, nhưng họ thật có cuộc đời cá nhânmà họ đã sống trong chính thời ấy, - các cơ hội và bước khó khăn đương thời ấy đã có ảnh hưởng trên đời họ. Chúng tôi muốn luận về các nhân vật ấy, chẳng phải như những tên trong sách, song như những người thật đã sống.Nếu trước hết họ không sống trong thời đại mình và vì thời đại mình, ắt họ cũng không sống vì chúng ta. Chúng ta càng biết cuộc bình sinh của họ và các tình trạng của bình sinh ấy, thì càng hiểu những việc mà Lời Đức Chúa Trời đã làm cho họ và bởi họ.
(2) Nó giải nghĩa và làm nổi những lời nói bóng của Kinh Thánh.- Như vậy, khi Đấng Christ phán rằng: "Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh", và rằng: "Ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được" (Giăng 15:5), thì trong hai trường hợp ấy Ngài đều tỏ ra cái lẽ nhờ cậy, nhưng trong trường hợp thứ nhứt, Ngài dùng một hình bóng, tức là gốc nho và nhánh. Ai muốn nêu cao sự so-sánh ấy lên và tỏ cho kẻ khác thấy những lẽ thật thiêng liêng dầy đủ, thì nên đi thăm một vườn nho và xem xét công việc của người trồng nho khi cày đất, tỉa cành, đóng cọc và hái quả, vân vân. Nhờ cách đó, ta sẽ hiểu rất rõ ý nghĩa từ Đấng giảng dạy truyền qua kẻ nghe khi Ngài dùng các tiếng ấy lần thứ nhứt.
Người phương Đông rất ham chuộng và hay dùng lối nói hình bóng như thế. Họ có thể dùng những danh từ chuyên môn và trừu tượng; cần nhứt phải xác thực, nhưng họ dùng theo nghĩa bóng khi muốn gợi tư tưởng, hứng-thứ và muốn thuyết phục. Vậy nên khi ta nói: "Sự cần yếu không có luật pháp," thì họ nói: "Đói là một kẻ vô tín," nghĩa là: "Kẻ đói không ngần ngại trái phạm luân lý." Họ nói rằng: "Tay hắn mạnh" để tỏ ra một người nào đó được chủ tin cẩn. Cách lý luận đanh thép hơn hết ở phương Đông là tỏ ra rằng một đặc điểm của hành vi hoặc của tâm tánh phù hợp với một vật gì trong cỏi thiên nhiên. Cả trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng A-rạp, tục ngữ có nghĩa là giống, và sự giống ấy là gốc rễ của tất cả châm ngôn phương Đông. Khi giảng đạo, nếu giáo sĩ trưng dẫn một tục ngữ xứng hợp như thế, thì sẽ được thính giả chăm chú và tin-cậy cái điều ông dựa theo tục ngữ ấy mà giải luận. Khi Đấng Christ dạy-dỗ và có ảnh hưởng đến dân chúng, bởi những thí dụ kỳ diệu, thì Ngài dùng "bùa ếm" của sự tương tựa và năng lực của lối văn tục ngữ đó. Ngài chỉ vào những sự vật trong cỏi thiên nhiên, những thói tục và công việc mà thính giả quen biết; như vậy, những kẻ có mắt, có tai bèn vừa khâm phục, vừa vui thích nhận thấy rằng lời Ngài phán có chỗ giống với một vật trong cõi thiên nhiên. Ngoài ra quyền phép do thánh đức và từ tâm của Ngài, sự Ngài dụng ý như thế là một việc khôn khéo sinh ra hiệu quả soi sáng trí khôn kẻ nghe. Đương khi họ chăm chú và có thiện cảm với một truyền thuộc về đời sống và công việc của loài người, thì trước mắt họ hiện lên sự Cứu rỗi, sự Thánh khiết và sự Hầu việc. Tuy vậy, hai cái vẫn giống nhau. Vì Kinh Thánh đầy dẫy cách nói hình bóng như thế, nên khi đọc Kinh Thánh, chúng ta cần biết những sự vật, cơ hội và phong tục làm gốc rễ cho những lời chép trong Kinh Thánh.
Kê cứu các cổ tích trong Kinh Thánh như vậy sẽ luôn luôn tỏ ra một phương diện mới mẽ. Đang khi xem xét cuộc sinh hoạt ở phương Đông trong đó có Đức Chúa Jêsus đã tìm thấy những sự tương tựa mà Ngài có cần đến, chúng ta cũng phải cố bắt chước Ngài mà tìm thấy những sự tương tựa đó trong chính cuộc sinh hoạt của mình. Những thí dụ như thế hiện lên như chớp nhoáng trong tấm lòng đầy dẫy tình yêu thương đối với Ngài và đầu phục trọn vẹn để hầu việc Ngài. Bấy giờ những việc nhỏ mọn mà trước kia ta không để ý tới sẽ "đứng lên" và "đi" trong các thí dụ. Nhiều việc nhỏ mọn trong cuộc sinh hoạt hằng ngày của chúng ta sẽ được ánh sáng thiêng liêng mới mẻ chiếu vào, và bắt đầu nói bằng những miệng lưỡi khác.
(3) Nó giải nghĩa sự tương quan giữa các yếu tố của Đức Chúa Trời và của loài người trong Kinh Thánh.- Điều nầy hệ trọng vì cớ hai lẽ sai lầm. Vì cớ trong Kinh Thánh có rất nhiều điều đầy tính cách phương Đông, nên một vài người dám tuyên bố rằng Kinh Thánh hoàn toàn là văn chương trần gian, và cho lời quả quyết rằng Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời bất-quá như hàng nội-hóa mạo nhận là hàng ngoại-quốc. Kẻ khác lại coi động-lực của loàn người ở trong Kinh Thánh như dân Y-sơ-ra-ên coi dân Ca-na-an ở trong Đất Hứa; phải tránh xa và trừ diệt đi. Lời tuyên bố ấy có ý làm cho Kinh Thánh hóa ra không chân chính và vô vị, chẳng qua như một sự bí mật trong tay một hạng người đặc biệt. Thật ra thì Lời Đức Chúa Trời bao giờ cũng là một nơi thánh, một hiện diện thánh, có loài người đi lại chung quanh và cốt để giúp ích loài người. Khi dân Y-sơ-ra-ên qua đồng vắng, Lời Đức Chúa Trời đã đóng vai trò quan trọng như thế. Quả thật khi ấy có một nơi mà ít người đến được, nhưng nơi ấy ở trong Đền tạm của hội chúng. Cũng như Ngôi lời Hằng sống, Kinh Thánh "ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian." Đức Chúa Trời cũng truyền cho tín đồ phải cư xử như vậy.
Lời nói thích đáng của loài người phải có những điều kiện xứng hợp về thì giờ, nơi chổ và trường hợp. Lời Đức Chúa Trời phán với loài người cũng phải như vậy. Người ta đặt quả táo bằng vàng ở trên đĩa bạc tinh xảo. Đĩa cũng bằng kim khí quí giá; muốn làm nên nó, phải dùng nhiều thỏi bạc, nung đúc cho đẹp đẽ và hữu ích. Nhưng mục đích của nó là để hầu việc, và nó kém quả táo bằng vàng. Cũng vậy, lời khải thị chói sáng trong một cái "đĩa" làm bằng tính cách loài người, công việc gia đình, phong tục xã hội; nó cũng chói sáng giữa khí hậu, xứ sở và chủng tộc đặc biệt.
Khi ta đã nhận biết các yếu tố của loài người ở trong giới hạn của nó, thì đồng thời ta lại nhận biết càng rã ràng hơn cái quyền phép thiêng liêng hành động ờ trong Kinh Thánh và bởi Kinh Thánh, mặc dầu Kinh Thánh được ta đặt tên là gì, giải nhgĩa thế nào và luận theo những lý thuyết nào. Đằng sau Kinh Thánh vẫn có vô số người làm chứng, và Kinh Thánh vẫn nâng đỡ con cái Đức Chúa Trời và khiến họ nên thánh. Đương khi gắng sức để biết rõ hơn về các vai chủ động trong Kinh Thánh, để hiểu rõ hơn cách nói thiêng liêng trong Kinh Thánh, để học biết thể nào là ân điển Đức Chúa Trời đã chứa trong các bình bằng đất, thể nào quyền phép Ngài lưu qua loài người như nước chảy qua sông đào, thì chúng ta được hứng-thứ và ích lợi bởi kê cứu về khí hậu, tình hình, những phong tục còn sót, những sự mê tín thông thường, những tục ngữ phổ thông của dân chúng đương sống trong xứ thánh.

3. Sắp đặt.
 Trong khi khảo sát các thí dụ và hình bóng trong Kinh Thánh, chúng tôi phải mô tả hình thể thiên nhiên của Xứ Thánh: Ở địa giới có đồng bằng và thung lũng, còn ở trung ương thì có đồi, núi. Ấy là chúng ta phải kê cứu:
(1) Phong cảnh, khí hậu và thời tiết trong xứ Pha-lê-tin.
(2) Đời nông phu và mục đồng.
(3) Các nghề nghiệp.
(4) Gia đình và tình máu mủ.
(5) Đại lược tình hình xã hội, chính trị và tôn giáo trong xứ Pha-lê-tin.

4. Có một điều kiện hệ trọng, nếu thiếu thì cuộc viễn du này sẽ mất hứng thú và vô ích nữa. Ấy là khi xem xét Xứ Thánh, chúng ta cũng phải ham thích một cuộc đời thánh. Một ngày kia, có hai người bạn đến thăm Turner, một nhà họa sĩ trứ danh, để xem các tác phẩm của ông. Ông bảo đầy tớ dẩn họ vào ngồi trong phòng tối một lúc, rồi mới đưa họ lên lầu, vào phòng vẽ. Bấy giờ ông xin lỗi họ về cái cử chỉ dường như khiếm nhã kia; ông nói rằng mắt họ phải thôi tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài, rồi mới xem rõ màu sắc các tác phẩm của ông được. Vậy, chúng ta hãy dọn sẵn tấm lòng bởi cầu nguyện trong phòng kín và suy gẫm về cuộc đời thánh khiết.

[ Hết chương thứ Nhất ]

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.