Thi Thiên



Những Bài Hát Tin cậy
Trong tiếng Hê-bơ-rơ, gọi là "Sách Ngợi khen"
150 Bài Thơ Phổ Nhạc để dùng khi thờ phượng
Quyển Thánh Ca và Quyển Cầu nguyện của dân Y-sơ-ra-ên
để dùng trong đời tư và trong cuộc thờ phượng công cộng
Quyển Sách Cựu Ước được quí mến hơn hết
Tác phẩm vinh hiển hơn hết trong Hoàng kim thời đại của dân Y-sơ-ra-ên
Trong số 283 câu Tân Ước trưng dẫn Cựu Ước, thì 116 câu ở sách Thi Thiên


Tác giả của các Thi Thiên
Cứ theo các đầu đề, thì 73 Thi Thiên là của Ða-vít; 12 của A-sáp; 11 của con cháu Cô-rê; 2 của Sa-lô-môn (72, 127); 1 của Môi-se (90); 1 của Ê-than (89); và 50 không ghi tên tác giả. Người ta cho rằng một vài Thi Thiên vô danh có thể kể là của tác giả Thi Thiên ngay trước đó. Chắc Ða-vít là tác giả của một số Thi Thiên vô danh.
Ðầu đề không hẳn chỉ rõ tác giả, vì trong tiếng Hê-bơ-rơ, những chữ "của," "cho," và "vì" là một. Một Thi Thiên "của" Ða-vít có thể do chính ông viết ra, hoặc do người khác viết "cho" Ða-vít, nghĩa là để tặng Ða-vít.
Tuy nhiên, những đầu đề đã có từ lâu đời, và ta rất tự nhiên giả định rằng nó chỉ tỏ tác giả. Theo truyền thoại lâu đời, phổ thông và liên tục, thì Ða-vít là tác giả chánh yếu của các Thi Thiên. Một vài nhà phê bình kim thời đã cố gắng tuyệt vọng để loại trừ Ða-vít ra khỏi sân khấu. Nhưng có đủ lý do để thừa nhận (chớ không có lý do vững vàng nào để nghi ngờ) phần lớn sách Thi Thiên là tác phẩm của Ða-vít. Tân Ước cũng thừa nhận như thế.
Vậy, chúng ta nói rằng các Thi Thiên là của Ða-vít, vì ông là tác giả hoặc soạn giả chánh yếu. Nói chung, người ta thừa nhận rằng một ít Thi Thiên đã có trước thời Ða-vít, làm thành nguyên điểm của cuốn Thánh ca thờ phượng. Cuốn Thánh ca nầy đã được Ða-vít bổ sung, rồi từ thế hệ nọ tới thế hệ kia cứ thêm vào, và rốt lại, do E-xơ-ra hoàn thành dưới hình thức hiện tại.
Ða-vít là một chiến sĩ can đảm chưa từng thấy, có tài thao lược, và cũng là một nhà chánh trị đưa quốc gia lên tuyệt điểm hùng cường. Ông lại là một thi sĩ kiêm nhạc sĩ, và hết lòng kính mến Ðức Chúa Trời. Quả thật, việc ông sáng tác các Thi Thiên là một công trạng bội phần vĩ đại hơn việc ông sáng lập nước Y-sơ-ra-ên. Ðây là một công trình cao quí hơn hết của mọi thời đại. Các Thi Thiên nầy diễn tả tâm tình thật của Ða-vít; và trong đó, con cái Ðức Chúa Trời thường thấy bức tranh khá đẹp mô tả chính mình họ, cùng những tranh đấu, tội lỗi, sầu khổ, hoài vọng, vui mừng và đắc thắng của họ. Vì cớ các Thi Thiên, cho đến đời đời vô cùng. Ða-vít sẽ nhận được lòng cảm kích bất diệt của muôn triệu người mà Ðức Chúa Trời đã cứu chuộc.

Ðức Chúa Jêsus rất ưa thích các Thi Thiên
Các Thi Thiên thật đã trở thành một phần của trí óc Ngài, đến nỗi khi thốt lời hấp hối trên Thập tự giá, Ngài cũng trưng dẫn Thi Thiên (22:1; 31:5; Ma-thi-ơ 27:46; Lu-ca 23:46). Ngài phán rằng nhiều điều viết trong các Thi Thiên chỉ về Ngài (Lu-ca 24:44).

Ông W.E.Gladstone luận về các Thi Thiên
"Tất cả kỳ quan của nền văn minh Hy-lạp chất lại một chỗ, vẫn chưa lạ lùng bằng quyển Thi Thiên đơn sơ nầy."

Các Thi Thiên được viết ra để ca hát
Môi-se đã hát và dạy dân chúng ca hát (Xuất Ê-díp-tô ký 15; Phục truyền luật lệ ký 32, 33). Dân Y-sơ-ra-ên ca hát suốt cả hành trình tới Ðất Hứa (Dân số ký 21:17). Ðê-bô-ra và Ba-rác đã ca hát (Các quan xét 5). Ða-vít là một nhạc sĩ đại tài, và ông hết lòng ca hát (II Sa-mu-ên 6:5, 14, 16). Những ca công của Ê-xê-chia ca hát lời Ða- vít theo tiếng kèn thổi (II Sử ký 29:28-30). Những ca công của Nê-hê-mi hát lớn tiếng lúc khánh thành vách lũy (Nê-hê-mi 12:42). Phao-lô và Si-la hát trong khám tù (Công vụ các sứ đồ 16:25). Lúc mới dựng nên muôn vật "các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Ðức Chúa Trời cất tiếng reo mừng" (Gióp 38:7). Trên Thiên đàng, muôn vàn thiên sứ ca hát, và cả muôn vật được cứu chuộc hòa theo (Khải Huyền 5:11-13). Trên Thiên đàng, mọi người sẽ ca hát, và suốt cõi đời đời, ai nấy sẽ không ngớt tiếng ngợi khen Ðức Chúa Trời, chẳng hề mệt mỏi.

Nhạc cụ
Họ dùng nhạc cụ có dây, nhứt là đờn cầm và đờn sắt; nhạc cụ hơi gió, như quyển, sáo, còi, kèn; và nhạc cụ đánh bằng tay như trống, chập chỏa. Ða-vít có một ban nhạc 4000 người (I Sử ký 23:5).

Phân loại các Thi Thiên
Các Thi Thiên sắp thành năm quyển: 1-41; 42-72; 73-89; 90-106; 107-150. Sự phân chia nầy có trong cả bảnSeptante và bản Hê-bơ-rơ, từ thời thượng cổ, và người ta cho là làm vậy để bắt chước năm sách (Ngũ kinh) của Môi-se. Cuối mỗi quyển có một bài chúc tụng Ðức Chúa Trời. Thi Thiên chót cũng là một bài chúc tụng Ðức Chúa Trời.

Những bộ Thi Thiên nhỏ hơn nữa
Những Thi Thiên của các con trai Cô-rê (42-49; xem ở Thi Thiên 42); những Thi Thiên của A-sáp (73-83; xem ở Thi Thiên 73); những Thi Thiên Michtam (56-60; xem ở Thi Thiên 56; những bài ca từng bậc (120-134; xem ở Thi Thiên 120). Các bộ nhỏ nầy dường như đã được phân ra nhiều lúc khác nhau, rồi sau được nhập vào những quyển lớn hơn.

Những cách phân loại khác
Tùy theo cách cấu tạo và vấn đề: Về Ðấng Mê-si (xem ở Thi Thiên 2); về lịch sử (xem ở Thi Thiên 78); về sự ăn năn (xem ở Thi Thiên 32); về sự rủa sả (xem ở Thi Thiên 35); theo thể chiết cú thi (acrostiche), hoặc theo thứ tự chữ cái (xem ở Thi Thiên 9); về thần chánh (xem ở Thi Thiên 95); các Thi Thiên Hallel (xem ở Thi Thiên 113); các Thi Thiên A-lê-lu-gia (xem ở Thi Thiên 146).
Một vài Thi Thiên rất dài. Một vài Thi Thiên lại rất ngắn. Tính theo quyển Kinh Thánh cỡ trung bình, thì mỗi Thi Thiên được chừng nửa trang. Thi Thiên 119 dài nhứt, và cũng là đoạn dài nhứt trong Kinh Thánh, Thi Thiên 117 ngắn nhứt, cũng là đoạn ngắn nhứt và ở chính giữa Kinh Thánh. Thi Thiên 118:8 là câu ở chính giữa Kinh Thánh, và cũng là một câu quí báu.

Những ý tưởng chính của các Thi Thiên
"Tin Cậy" là ý tưởng đầu tiên và chánh yếu của cả sách nầy, và được lặp đi lặp lại mãi. Bất cứ hoàn cảnh thể nào, hoặc vui mừng, hoặc kinh khiếp, Ða-vít cũng đi thẳng tới Ðức Chúa Trời. Dầu Ða-vít có những nhược điểm nào, ông cũng Sống Trong Ðức Chúa Trời.
"Sự ngợi khen" ở trên môi miệng ông luôn. Ða-vít luôn luôn xin Ðức Chúa Trời ban cho một ơn nào, và ông luôn luôn hết linh hồn cảm tạ Ngài đã đáp lại các lời cầu nguyện của mình.
"Vui mừng" cũng là một tiếng mà ông ưa thích lắm. Những hoạn nạn không dứt của Ða-vít vẫn chẳng bao giờ làm giảm được sự vui vẻ của ông trong Ðức Chúa Trời. Ông luôn luôn kêu lên rằng: "Hãy hát," và "Khá hát mừng rỡ" (Thi Thiên 67:4), nhắc cho ta nhớ Phao-lô (Phi-líp 4:4).
Chữ "nhơn từ" (thương xót) được nhắc hàng mấy trăm lần. Ða-vít thường nói đến sự công bình và cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Nhưng ông khoe mình về lòng nhơn từ của Ngài.
"Kẻ ác." Ða-vít rất bối rối vì cớ sự gian ác thắng thế. Ðối với ông cũng như đối với các tác giả khác của Kinh Thánh, chỉ có hai hạng người: Người công bình và kẻ gian ác, mặc dầu lắm kẻ muốn vừa là công bình, vừa là gian ác.
"Kẻ thù nghịch." Ta ngạc nhiên vì Ða-vít luôn luôn nói đến kẻ thù nghịch. Chúng ta tự hỏi tại sao một vua nhơn đức và công bình như Ða-vít lại bị kẻ thù nghịch khuấy rối luôn? Trong một vài trường hợp, ông nói đến kẻ thù nghịch riêng của mình; trong những trường hợp khác, ông nói đến kẻ thù nghịch của dân Y-sơ-ra-ên, hoặc của Ðức Chúa Trời.
Thi Thiên 1.-- Hạnh phước của những kẻ lấy Lời của Ðức Chúa Trời làm vui thích. Nếu Ða-vít quí mến những tác phẩm ngắn ngủi hợp thành Lời Ðức Chúa Trời, thì ngày nay chúng ta lại càng phải yêu quí Kinh Thánh đã được hoàn thành và có trung tâm là Truyện tích kỳ diệu của Ðấng Christ! Quí báu thay, lời hứa rằng những kẻ lấy Lời Ðức Chúa Trời làm nguồn tư tưởng của đời mình sẽ giống như cây trồng gần dòng nước! Thi Thiên 19 và 119 cũng luận về Lời Ðức Chúa Trời.
Thi Thiên 2.-- Một bài Thánh ca luận về Ðấng Mê-si hầu đến, về Thần tánh Ngài, và về lúc Ngài trị vì cả thế giới. Ðây là Thi Thiên đầu tiên luận về Ðấng Mê-si.

Các Thi Thiên luận về Ðấng Mê-si
Nhiều Thi Thiên chứa lời chỉ về Ðấng Christ; dầu được viết ra hàng ngàn năm trước khi Ngài giáng sanh, nhưng ta hoàn toàn không thể ứng dụng nó cho một nhơn vật nào khác trong lịch sử ngoài ra Ðấng Christ. Trong các Thi Thiên có một vài lời tuyên bố dường như chỉ về Ða-vít theo một nghĩa không quan trọng và không hoàn toàn; nhưng rõ ràng lắm, Ðức Chúa Trời định dùng nó để chỉ tỏ Một Nhơn Vật thuộc về gia tộc Ða-vít, trong Ngài lời hứa ban ngôi vua đời đời cho Ða-vít sẽ được ứng nghiệm tối hậu (xem ở II Sa-mu-ên 7). Ngoài những câu chỉ rõ về Ðấng Mê-si, trong các Thi Thiên còn có nhiều từ ngữ dầu kém trực tiếp, song dường như làm hình bóng lờ mờ về Ðấng Mê-si.

Những Thi Thiên chỉ rõ về Ðấng Mê-si là:
Thi Thiên 2.-- Thần tánh và đời trị vì thế giới của Ðấng được Ðức Chúa Trời xức dầu.
Thi Thiên 8.-- Bởi Ðấng Mê-si, loài người được trở thành chúa tể muôn vật.
Thi Thiên 16.-- Ngài sống lại từ trong kẻ chết.
Thi Thiên 22.-- Sự thương khó của Ngài.
Thi Thiên 45.-- Tân phụ và Ngôi đời đời của Ngài.
Thi Thiên 69.-- Lại luận về sự thương khó của Ngài.
Thi Thiên 72.-- Sự trị vì vinh hiển và đời đời của Ngài.
Thi Thiên 89.-- Ðức Chúa Trời thề rằng Ngôi Ngài sẽ tồn tại đời đời vô cùng.
Thi Thiên 110.-- Ngài là Vua và Thầy Tế lễ đời đời.
Thi Thiên 118.-- Ngài bị các tay thủ lãnh của dân tộc Ngài chối bỏ.
Thi Thiên 132.-- Ngài kế tự ngôi Ða-vít đời đời.

Những câu luận về Ðấng Mê-si
Dưới đây là những câu Thi Thiên mà Tân Ước tuyên bố rõ ràng là chỉ về Ðấng Christ (xem thêm ở dưới Ma-thi-ơ 2:22): --
"Ngươi là Con Ta; ngày nay Ta đã sanh ngươi" (Thi Thiên 2:7; Công vụ các sứ đồ 13:33).
"Chúa khiến muôn vật phục dưới chơn người" (Thi Thiên 8:6; Hê-bơ-rơ 2:6-10).
"Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong Âm phủ, cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát" (Thi Thiên 16:10; Công vụ các sứ đồ 2:27).
"Ðức Chúa Trời tôi ôi! Ðức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?" (Thi Thiên 22:1; Ma-thi-ơ 27:46).
"Người phú thác mình cho Ðức Giê-hô-va, Ngài khá giải cứu người" (Thi Thiên 22:8; Ma-thi-ơ 27:43).
"Chúng nó đâm lủng tay và chơn tôi" (Thi Thiên 22:16; Giăng 20:25).
"Chúng nó chia nhau áo xống tôi, bắt thăm về áo dài tôi" (Thi Thiên 22:18; Giăng 19:24).
"Nầy, tôi đến; trong quyển sách đã có chép về tôi: Hỡi Ðức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa" (Thi Thiên 40:7, 8; Hê-bơ-rơ 10:7).
"Người bạn thân tôi... đã ăn bánh tôi, cũng giơ gót lên nghịch cùng tôi" (Thi Thiên 41:9; Giăng 13:18).
"Hỡi Ðức Chúa Trời, Ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia" (Thi Thiên 45:6; Hê-bơ-rơ 1:8).
"Sự sốt sắng về Ðền Chúa tiêu nuốt tôi" (Thi Thiên 69:9; Giăng 2:17).
"Chúng nó ban mật đắng làm vật thực tôi, và cho tôi uống giấm trong khi khát" (Thi Thiên 69:21; Ma-thi-ơ 27:34, 48).
"Nguyện kẻ khác chiếm lấy chức phận nó đi!" (Thi Thiên 109:8; Công vụ các sứ đồ 1:20).
"Ðức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu Ta, cho đến chừng Ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chơn cho ngươi" (Thi Thiên 110:1; Ma-thi-ơ 22:44).
"Ðức Giê-hô-va đã thề... rằng: Ngươi là Thầy tế lễ đời đời , tùy theo ban Mên-chi-xê-đéc" (Thi Thiên 110:4; Hê-bơ-rơ 7:17).
"Hòn đá mà thợ xây loại ra, đã trở nên đá đầu góc nhà" (Thi Thiên 118:22; Ma-thi-ơ 21:42).
"Ðáng ngợi khen Ðấng nhơn Danh Ðức Giê-hô-va mà đến!" (Thi Thiên 118:26; Ma- thi-ơ 21:9). Xem thêm ở dưới II Sa-mu-ên 7 và Ma-thi-ơ 2:22.
Thi Thiên 3.-- Ða-vít tin cậy Ðức Chúa Trời trong lúc Áp-sa-lôm phản nghịch (II Sa-mu-ên 15). Ông có thể ngủ yên vì "bàn tay Ðức Chúa Trời là cái gối của ông."
"Sê-la" (câu 2). Chữ nầy dùng 71 lần trong các Thi Thiên. Người ta cho là dấu bảo ngừng trong khi hòa nhạc.
Thi Thiên 4.-- Lại một Thánh ca tỏ lòng tin cậy, vì Ða-vít dường như dựa vào ngực Ðức Chúa Trời mà ngủ bình an.
Ở đầu đề của các Thi Thiên 4, 6 và 61, nguyên văn có chữ "Neginoth," nghĩa là: "đờn dây."
Thi Thiên 5.-- Một lời cầu nguyện buổi sáng. Ða-vít bị những kẻ thù nghịch xảo quyệt vây quanh, bèn cầu nguyện, rồi reo mừng vì tin rằng Ðức Chúa Trời sẽ binh vực mình. Trong nguyên văn, ở đầu đề có chữ "Nehiloth," nghĩa là: "Kèm theo nhạc cụ hơi gió."
Thi Thiên 6.-- Tiếng kêu la của một tấm lòng tan vỡ, trong lúc bịnh hoạn, nhục nhã và hổ thẹn, có thể là vì cớ Ða-vít đã phạm tội cùng Bát-sê-ba. Ðây là Thi Thiên Ăn năn thứ nhứt (xem thêm Thi Thiên 32). Trong nguyên văn, ở đầu đề Thi Thiên nầy và Thi Thiên 12 có chữ "Sheminith," nghĩa là "thứ tám" hoặc bát độ âm giai (octave), có lẽ chỉ về giọng trầm, hoặc giọng đờn ông.
Thi Thiên 7.-- Lại một lời cầu xin Ðức Chúa Trời che chở mình khỏi những kẻ thù nghịch gian ác, giống như Thi Thiên 5. Ða-vít binh vực sự công bình của mình (xem thêm Thi Thiên 32).
"Cút" ở đầu đề có lẽ là một võ tướng của Sau-lơ đang đuổi theo Ða-vít (xem thêm Thi Thiên 54).
Theo nguyên văn, ở đầu đề có chữ "Shiggaion," có lẽ là tên của một âm điệu linh hoạt.
Thi Thiên 8.-- Loài người được làm chúa tể muôn vật Ðức Chúa Trời dựng nên (câu 6). Việc nầy sẽ thực hiện khi Ðấng Christ toàn thắng và trị vì (Hê-bơ-rơ 2:6-10). Xem thêm Thi Thiên 2.
Chữ "Ghi-tít" ở đầu đề Thi Thiên nầy và những Thi Thiên 81, 84, có thể là tên một nhạc cụ hoặc nhạc điệu của xứ Gát.
Thi Thiên 9.-- Một Thi Thiên cảm tạ vì thắng trận. Ðức Chúa Trời ngự làm Vua cho đến đời đời. Các dân tộc hãy biết rằng mình chỉ là người. Thi Thiên nầy và Thi Thiên 10 là những chiết cú thi.
Những Thi Thiên theo thể chiết cú hoặc theo thứ tự chữ cái là những Thi Thiên trong đó chữ đầu của các câu kế tiếp nhau theo thứ tự chữ cái Hê-bơ-rơ, người ta cho rằng đó là một phương pháp giúp cho dễ nhớ. Những Thi Thiên 25, 34, 37, 111, 112, 119, 145 cũng thuộc về loại nầy.
"Mút-la-bên" ở đầu đề có lẽ là tên một nhạc điệu.
"Hi-gai-ôn" (câu 16) có lẽ là một âm hiệu.
Thi Thiên 10.-- Ða-vít cầu xin Ðức Chúa Trời tiếp trợ mình để chống trả sự gian ác, hà hiếp và trộm cắp, dường như ở trong chính nước ông.
Thi Thiên 11.-- Số phận của kẻ ác. Ðức Chúa Trời chẳng bỏ mặc chúng đâu. Ngài sẽ mưa lửa, diêm sanh trên kẻ ác, và thổi gió nóng vào chúng.
Thi Thiên 12, 13.-- Kẻ ác đi bốn phía. Dầu Ða-vít đau đớn thấm thía, nhưng ông tin cậy ở kết cuộc và hoan hỉ trong Ðức Chúa Trời.
Thi Thiên 14.-- Cả loài người có tội; gần giống như Thi Thiên 53; được trưng dẫn ở Rô-ma 3:10-12 để chứng tỏ loài người có cần Cứu Chúa.
Thi Thiên 15.-- Công dân chơn chánh của Si-ôn. Thomas Jefferson gọi Thi Thiên nầy là chơn dung của bậc quân tử.
Thi Thiên 16.-- Thi Thiên về sự sống lại. Ða-vít dường như nói về chính mình ông; dầu sao, môi miệng Ða-vít cũng thốt ra những lời thần bí của Vua hầu đến thuộc dòng Ða-vít (câu 10). Tân Ước đã trưng dẫn câu nầy như là dự ngôn về Ðức Chúa Jêsus phục sanh (Công vụ các sứ đồ 2:27). Xem thêm Thi Thiên 2.
Thi Thiên 17.-- Ða-vít bị kẻ thù nghịch gian ác vây kín, bèn cầu nguyện và binh vực sự công bình của mình (xem thêm Thi Thiên 32).
Thi Thiên 18.-- Người ta cho đây là bản Thánh ca của Ða-vít cảm tạ Ðức Chúa Trời trong ngày ông lên ngôi vua. Ðịa vị "làm đầu các nước" (câu 43-45) chỉ đúng với Ða-vít một phần thôi. Nó vượt quá thời Ða-vít, và chỉ về ngôi Vua của Con Ða-vít vốn oai hùng hơn ông bội phần (xem thêm Thi Thiên 2).
Thi Thiên 19.-- Vinh quang của cuộc sáng tạo và sự trọn lành của luật pháp Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời của cõi thiên nhiên được tỏ ra cho loài người bởi Lời Kinh Thánh. Những ý tưởng về Lời Ðức Chúa Trời (câu 7-14) lại được giải luận sâu rộng hơn ở Thi Thiên 119. Thi Thiên nầy có lẽ là hai bài thơ hiệp lại, cũng như các Thi Thiên 24, 27, 36.
Thi Thiên 20.-- Một Thi Thiên tỏ lòng tin cậy; người ta cho rằng Ða-vít hát Thi Thiên nầy lúc ra chiến trận. Có người tưởng rằng Thi Thiên nầy ám chỉ Vua Mê-si, như ta thấy ở các Thi Thiên 2, 18, 21, 45, 61, 72, 89, 110, 132.
Thi Thiên 21.-- Sau cuộc chiến trận, cảm tạ Ðức Chúa Trời vì được thắng; vả, ở Thi Thiên 20, trước khi ra trận, họ đã cầu xin Ðức Chúa Trời cho được toàn thắng. Sự chỉ về Ðấng Mê-si còn rõ hơn là ở Thi Thiên 20. Ðặc tánh vĩnh viễn của đời Vua trị vì chắc chỉ về Ðấng Christ, chớ không phải về Ða-vít.
Thi Thiên 22.-- Thi Thiên về sự đóng đinh vào Thập tự giá, được trứ tác 1000 năm trước khi xảy ra. Lời mô tả linh động đến nỗi ta tưởng chính tác giả có mặt trước Thập tự giá: Nào lời của Ðức Chúa Jêsus khi hấp hối, nào lời chế giễu của kẻ thù nghịch, nào tay và chơn Ngài bị đâm lủng, nào áo xống Ngài bị phân chia. Một vài lời nói ở đây không thể ứng dụng cho Ða-vít, hoặc cho một biến cố nào trong lịch sử mà ta được biết, duy chỉ có thể ứng dụng cho sự đóng đinh Ðức Chúa Jêsus vào Thập tự giá (xem thêm Thi Thiên 2).
Ở đầu đề, chữ "Aijeleth-Shahar" trong nguyên văn có nghĩa là "con nai cái lúc rạng đông". Có lẽ là một dấu chỉ về thì giờ, hoặc tên của một nhạc điệu.
Thi Thiên 23.-- Thi Thiên về Ðấng Chăn Chiên. Ðoạn Cựu Ước được quí mến hơn hết. Ông Beecher luận đại ý như thế nầy: "Như một con chim, Thi Thiên nầy bay lên, bay xuống trên mặt đất, hát bài du dương hơn hết mà ta từng được nghe. Nó ru cho người buồn phiền được yên nghỉ, còn hơn tất cả triết lý của trần gian. Nó cứ hát cho con cái của anh em và của tôi, rồi cho con cái chúng, mãi tới khi chấm dứt thời gian. Khi đã xong việc, nó sẽ bay trở về lòng Ðức Chúa Trời, cụp cánh lại, và cứ hát đời đời trong điệp khúc vui tươi của những kẻ mà nó dự phần đưa tới đó."
Thi Thiên 24.-- Vua ngự đến Si-ôn. Có lẽ Thi Thiên nầy được trước tác cho cuộc lễ rước hòm giao ước vào thành Giê-ru-sa-lem (II Sa-mu-ên 6:12-15). Có lẽ chúng ta sẽ hát Thi Thiên nầy để nghinh đón Vua trong ngày vui mừng Ngài trở lại. Thi Thiên nầy giống như Thi Thiên 15 một phần.
Thi Thiên 25.-- Lời cầu nguyện của một linh hồn bị tội lỗi hà hiếp (câu 7, 11, 18). Ðây, Ða-vít không tự nhận là công bình (xem thêm Thi Thiên 32).
Thi Thiên 26.-- Ðây, Ða-vít binh vực sự công bình của mình bằng những lời khá quả quyết; khác hẳn Thi Thiên trước (xem thêm Thi Thiên 32).
Thi Thiên 27.-- Tận tụy với Nhà Ðức Chúa Trời. Nếu Ða-vít thiết tha yêu mến chỗ thời đó gọi là Nhà Ðức Chúa Trời, là nơi họ dâng súc vật làm tế lễ, thì chúng ta lại càng phải tận tụy với chỗ ngày nay gọi là Nhà Ðức Chúa Trời, tại đó truyện tích kỳ diệu của Cứu Chúa được kể cho ta nghe mãi!
Thi Thiên 28.-- Lời cầu nguyện và cảm tạ vì Chúa đã đáp lại. Ða-vít tin cậy Ðức Chúa Trời và được cứu giúp. Vậy, ông ca hát và hoan hỉ.
Thi Thiên 29.-- Tiếng phán của Ðức Chúa Trời trong trận bão sấm. Ngài ngự làm Vua lúc có nạn lụt; Ngài ngự làm Vua đời đời.
Thi Thiên 30.-- Bài ca ngợi khen của Ða-vít lúc khánh thành cung điện của ông (II Sa-mu-ên 5:11; 7:2). Ða-vít luôn luôn ngợi khen Ðức Chúa Trời.
Thi Thiên 31.-- Thi Thiên luận về sự thương khó và sự đắc thắng. Ðức Chúa Jêsus ưa thích Thi Thiên nầy. Ngài trưng dẫn Thi Thiên nầy khi thốt lời cuối cùng trên Thập tự giá (câu 5; Lu-ca 23:46).
Thi Thiên 32.-- Một Thi Thiên luận về sự ăn năn, xưng tội và được tha thứ, chắc viết trong cơ hội Ða-vít phạm tội cùng Bát-sê-ba (II Sa-mu-ên 11-12). Ông không tìm được đủ lời để diễn tả sự xấu hổ, nhục nhã của mình. Tuy nhiên, chính Ða-vít nầy cũng nhiều lần tự nhận mình là công bình (Thi Thiên 7:3, 8; 17:1-5; 18:20-24; 26:1-4). Làm sao dung hòa được những đặc điểm mâu thuẫn nầy trong cuộc đời Ða-vít? 1) Có lẽ các Thi Thiên "công bình" nầy được viết trước khi Ða-vít phạm lỗi lầm kinh khủng đó. 2) Người ta có thể cảm thấy mình mắc tội lỗi trong lúc nầy nhiều hơn trong lúc khác. 3) Sự công bình của Ða-vít chỉ tương đối, chớ không tuyệt đối. So sánh với hành vi tổng quát của những kẻ ác, thì Ða-vít là một vị thánh, đạo cao đức trọng; nhưng so sánh với Ðức Chúa Trời, thì sự công bình của ông chỉ như giẻ rách dơ bẩn. 4) Một thiện nhân có thể phạm tội, mà vẫn là thiện nhân (xem thêm II Sa-mu-ên 11). Có sự khác nhau (như trời với đất) giữa người thiện, mặc dầu có khi họ chiều theo sự cám dỗ của xác thịt, và kẻ ác vẫn cố ý và cố quyết khinh dể tất cả qui tắc của sự đoan chánh (xem I Giăng 3).
Người ta nói rằng Thánh Augustin đã viết Thi Thiên nầy trên tường, ngay trước giường ngủ của mình, để ông đọc không thôi, và mỗi lần đọc, thì ông khóc dầm dề.
Những Thi Thiên 6, 25, 38, 51, 102, 130 và 143 cũng luận về sự ăn năn.
Trong nguyên văn, ở đầu đề Thi Thiên nầy và những Thi Thiên 42, 44, 45, 52, 53, 54, 55, 74, 78, 88, 89, 142, có chữ "Maschil;" người ta cho chữ nầy có nghĩa là một thi ca dùng để dạy dỗ, hoặc để suy gẫm.
Thi Thiên 33.-- Thi Thiên vui mừng và ngợi khen. Trong sách Thi Thiên thường nói đến "một bài ca mới" (câu 3; 40:3; 96:1; 98:1; 144:9). Có một vài bài hát cũ mà không bao giờ cũ; vì đối với con cái Ðức Chúa Trời, đang khi họ trải qua đường đời, thì luôn luôn có sự giải cứu và vui mừng mới mẻ, làm cho những bài hát cũ có ý nghĩa mới mẻ, và đến cuối cùng, sẽ lên tới tuyệt điểm mà trào ra sự vui mừng mới mẻ lúc vinh quang của Thiên đàng bắt đầu tỏ rõ (Khải Huyền 5:9; 14:3).
Thi Thiên 34.-- Ða-vít cảm tạ và ngợi khen Ðức Chúa Trời vì Ngài đáp lại lời cầu nguyện của ông ở Thi Thiên 54 mà giải cứu ông khỏi tay người Phi-li-tin. Mỗi khi được giải cứu, ông liền đến trước mặt Ðức Chúa Trời mà cảm tạ và ngợi khen Ngài. Sống Trong Ðức Chúa Trời như vậy, thật là vinh hiển biết bao, và cũng đẹp lòng Ngài biết bao! Có người nói rằng: "Hãy cảm tạ Ðức Chúa Trời vì có ánh sáng của ngôi sao, thì Ngài sẽ ban cho anh em ánh sáng của mặt trăng. Hãy cảm tạ Ngài vì có ánh sáng của mặt trăng, thì Ngài sẽ ban cho anh em ánh sáng của mặt trời. hãy cảm tạ Ngài vì có ánh sáng của mặt trời, thì một ngày kia, Ngài sẽ đưa anh em đến nơi chính Ngài là Sự Sáng."
Thi Thiên 35.-- Một Thi Thiên rủa sả. Những Thi Thiên 52, 58, 59, 67, 109 và 137 cũng thuộc về loại nầy. Nó phừng ra sự báo trả kẻ thù nghịch. Ðó chẳng phải lời Ðức Chúa Trời tuyên bố giáng cơn thạnh nộ trên kẻ ác, nhưng là lời một người cầu xin Ngài báo trả kẻ thù nghịch của mình. Thật khác hẳn lời Ðức Chúa Jêsus dạy rằng chúng ta phải yêu thương kẻ thù nghịch. Dưới đời Cựu Ước, mục đích của Ðức Chúa Trời là bảo tồn một Dân Tộc trên thế giới để mở đường cho Ðấng Christ ngự đến. Ngài dường như hành động theo bổn tánh loài người, và không buộc phải phê chuẩn mọi điều mà cả những tôi tớ tận tụy hơn hết của Ngài đã nói hoặc làm. Một vài Thi Thiên nầy là bài ca xuất trận, bày tỏ tinh thần yêu nước nồng nhiệt, cốt để giữ cho quốc gia được sống còn trong cuộc chiến đấu sanh tử với những quân thù hùng mạnh. Khi Ðấng Christ ngự đến, thì sự khải thị của Ðức Chúa Trời về ý nghĩa đời người và những mẫu mực hành vi của đời người đã được hoàn bị. Ðức Chúa Trời bèn đổi hướng công việc Ngài, -- không trực tiếp chú trọng vào sự duy trì một dân tộc nữa, nhưng trực tiếp chú trọng vào sự biến cải các Cá Nhân thành những người hợp với ý muốn của Ngài. Vậy, Ngày Nay Ngài không tha thứ nhiều điều mà Thời Ðó Ngài đã bỏ qua. Trong thời Cựu Ước, vì cớ tùy nghi, Ðức Chúa Trời đã hòa theo ý tưởng của loài người một phần nào. Trong thời Tân Ước, Ðức Chúa Trời bắt đầu đối xử với loài người tùy theo ý tưởng của Ngài (xem thêm ở Lu-ca 6:27).
Thi Thiên 36.-- Một bài suy gẫm về sự gian ác của loài người và sự công bình, thành tín, thương xót, từ ái của Ðức Chúa Trời.
Thi Thiên 37.-- Ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian. Ðây là một trong những Thi Thiên được quí mến hơn hết. Ða-vít luôn luôn bối rối vì cớ ưu thế của tội ác, nhưng ở đây, ông bày tỏ triết lý của mình để sống giữa những kẻ ghét Ðức Chúa Trời cùng các sự vật mà ông ưa thích: Ấy là hãy làm lành, tin cậy Ðức Chúa Trời và chớ lo phiền. Thi Thiên nầy nhắc chúng ta nhớ sách Giăng 15:19 và thơ Phi-líp 2:15.
Thi Thiên 38.-- Một Thi Thiên bày tỏ sự khổ não đắng cay. Một trong những Thi Thiên về sự ăn năn (xem thêm ở Thi Thiên 32). Dường như Ða-vít đang chịu đau đớn vì bịnh tật gớm ghiếc do tội lỗi ông gây nên. Vì cớ bịnh tật ấy, bạn hữu thân thiết nhứt và bà con gần nhứt của ông đã thành ra xa lạ, còn kẻ thù ông đã gia tăng và hóa nên rất táo bạo. Thi Thiên nầy tỏ ra "người theo lòng Ngài" (I Sa-mu-ên 13:14) thường khi cũng sa xuống vực sâu sầu thảm vì cớ tội mình.
Thi Thiên 39.-- Một bản ai ca về đời người ngắn ngủi, yếu hèn và hư không. "Giê-đu-thun" ở đầu đề Thi Thiên nầy và các Thi Thiên 62, 77, là một trong ba nhạc trưởng của Ða-vít, hai người kia là A-sáp và Hê-man (I Sử ký 16:37-42). Theo II Sử ký 35:15, thì ông là "đấng tiên kiến của vua."
Thi Thiên 40.-- Ngợi khen Ðức Chúa Trời vì một sự giải cứu lớn lao. Luật pháp của Ðức Chúa Trời ở trong lòng ông (câu 8), nhưng ông hoàn toàn bị tội ác của mình chà nát (câu 12). Phần cuối Thi Thiên nầy giống như Thi Thiên 70.
Thi Thiên 41.-- Ða-vít cầu xin Ðức Chúa Trời giải cứu mình. Người ta cho Thi Thiên nầy thuộc về thời kỳ Áp-sa-lôm chiếm ngôi vua (II Sa-mu-ên 15); khi ấy, vì Ða-vít lâm bịnh (câu 3-8), nên cuộc mưu phản có cơ hội chín mùi. "Người bạn thân" (câu 9) chắc là A-hi-tô-phe, tên Giu-đa của thời Cựu Ước (II Sa-mu-ên 15:12; Giăng 13:18).
Thi Thiên 42, 43.-- Người tha hương thèm khát Nhà Ðức Chúa Trời. Tác giả dường như ở miền núi Hẹt-môn, thuộc phía Ðông sông Giô-đanh, giữa các người không tin kính Ðức Chúa Trời và thù nghịch với mình. Hai Thi Thiên nầy hợp thành một thi ca.
"Con cháu Cô-rê" ở đầu đề các Thi Thiên 42-49, 84, 85, 87, 88, là một chi tộc người Lê-vi có khiếu thi ca, do Ða-vít (đang khi dự bị cuộc thờ phượng ở Ðền thờ) tổ chức thành một ban nhạc xuất sắc tồn tại trải qua nhiều thế hệ (I Sử ký 6:31-48; 9:19, 22, 23).
Thi Thiên 44.-- Một tiếng kêu la tuyệt vọng trong lúc quốc gia bị tai họa, -- dường như đạo quân của họ đã bị thảm bại.
Thi Thiên 45.-- Bài ca hôn lễ của một Vua mang danh hiệu Ðức Chúa Trời và ngự trên Ngôi đời đời. Thi Thiên nầy có lẽ trực tiếp liên quan đến Ða-vít, hoặc Sa-lô-môn. Nhưng có một vài lời hoàn toàn không thể ứng dụng cho Ða-vít, hoặc Sa-lô-môn, hoặc một ông vua nào khác. Ðây chắc phải là bài ca của Ðấng Mê-si, báo trước hôn lễ của Chiên Con (Khải Huyền 19:7).
Chữ "Sa-san-nim" ở đầu đề Thi Thiên nầy và những Thi Thiên 69, 80, có nghĩa là "bông huệ." Ðây có lẽ là một bài ca mùa xuân, hoặc một ám dụ (métaphore) chỉ về điệp khúc của phụ nữ.
Thi Thiên 46.-- Bài ca xuất trận của Si-ôn. Ðây là nền tảng của bài Thánh ca nổi danh do Martin Luther trứ tác: "Ðức Chúa Trời là Thành kiên cố ta." Thánh ca nầy là bài ca xuất trận của các nhà Cải chánh.
Chữ "A-la-mốt" ở đầu đề có nghĩa là "Trinh nữ," hoặc điệp khúc của các thiếu nữ.
Thi Thiên 47, 48.-- Ðức Chúa Trời là Vua. Ðức Chúa Trời trị vì. Si-ôn là thành của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời nầy là Ðức Chúa Trời của chúng ta đời đời. Vậy, cả trái đất hãy mừng rỡ!
Thi Thiên 49.-- Của cải trần gian là hư không. Giống như một vài lời dạy dỗ của Ðức Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 6:19-34; Lu-ca 12:16-21; 16:19-31).
Thi Thiên 50.-- Ðức Chúa Trời là Chủ của trái đất và mọi vật trong đó. Khi ta dâng tài vật cho Ðức Chúa Trời, thì chỉ trả lại những cái vốn thuộc về Ngài.
Thi Thiên 51.-- Ða-vít cầu xin Ðức Chúa Trời thương xót mình. Kết quả do tội lỗi ông đã phạm với bà Bát-sê-ba (II Sa-mu-ên 11-12). Xem thêm ở Thi Thiên 32.
Thi Thiên 52.-- Bài ca của Ða-vít tỏ lòng tin cậy rằng ông sẽ được giải cứu khỏi tay Ðô-e (I Sa-mu-ên 21, 22).
Thi Thiên 53.-- Cả loài người có tội. Giống như Thi Thiên 14. Ðược trưng dẫn ở Rô-ma 3:10-12. Người ta cho rằng chữ "Ma-ha-lát" ở đầu đề có nghĩa là tật bịnh, hoặc một điệu nhạc u buồn.
Thi Thiên 54.-- Lời cầu nguyện của Ða-vít tại Xíp, đang khi ông ẩn trốn khỏi Sau-lơ (I Sa-mu-ên 23:19-28; 26:1-25). Các Thi Thiên khác mà Ða-vít viết đang khi trốn khỏi Sau-lơ là: Thi Thiên 7 (?), 34, 52, 54, 56, 57, 59, 63(?), 142.
Thi Thiên 55.-- Ða-vít bị bạn hữu phản bội, nhưng tin cậy Ðức Chúa Trời. Cũng như Thi Thiên 41, Thi Thiên nầy dường như thuộc về thời kỳ Áp-sa-lôm dấy loạn; nhứt là nó ám chỉ A-hi-tô-phe (câu 12-14; II Sa-mu-ên 15:12, 13).
Thi Thiên 56.-- Ða-vít cầu xin Ðức Chúa Trời giải cứu mình khỏi tay người Phi-li-tin. Ông triệt để sử dụng các phương tiện của mình, thậm chí đã giả điên, theo như có chép ở I Sa-mu-ên 21:10-13. Nhưng ông đã cầu nguyện và tin cậy Ðức Chúa Trời cho được kết quả tốt đẹp. Thi Thiên 34 là bài ca cảm tạ của ông vì đã thoát nạn.
Trong nguyên văn, ở đầu đề các Thi Thiên 16 và từ 56 đến 60, có chữ "Michtam." Người ta cho rằng chữ nầy nghĩa là "châu ngọc" hoặc "bằng vàng," tức là những thi ca quí như vàng, có tư tưởng đáng ghi trên những bi văn vĩnh cửu.
"Giô-nát-ê-lem-Rô-hô-kim" có lẽ là tên một điệu nhạc.
Thi Thiên 57.-- Lời cầu nguyện của Ða-vít đang khi ẩn trốn khỏi Sau-lơ (I Sa-mu-ên 22:1; 24:1; 26:1). Trong nguyên văn, ở đầu đề các Thi Thiên 57, 58, 59, 75 có chữ "Al-tash-hesh," nghĩa là: "Chớ phá hủy," và dường như ám chỉ vào I Sa-mu-ên 26:9.
Thi Thiên 58.-- Một lời cầu nguyện nghịch cùng kẻ gian ác. Ngày báo trả chúng chắc sẽ tới. Xem thêm ở Thi Thiên 35.
Thi Thiên 59.-- Một lời cầu nguyện nữa, khi Sau-lơ sai lính tới vây bắt Ða-vít tại nhà (I Sa-mu-ên 19:10-17). Nhưng Ða-vít tin cậy Ðức Chúa Trời.
Thi Thiên 60.-- Cầu nguyện lúc quốc gia lâm nạn, cũng như các Thi Thiên 44, 74, 79, 108. Chữ "Shushan-eduth" ở Thi Thiên 60 và 80 nghĩa là: "Bông huệ chứng cớ." Xem thêm ở Thi Thiên 45.
Thi Thiên 61.-- Một Thi Thiên tỏ lòng tin cậy đang khi xa nhà, có lẽ đương thời Áp-sa-lôm dấy nghịch.
Thi Thiên 62.-- Một thi ca mô tả lòng sốt sắng tận tụy với Ðức Chúa Trời và tin cậy Ngài, không chút lay chuyển. Hãy dốc lòng trước mặt Ðức Chúa Trời và tin cậy Ngài luôn luôn.
Thi Thiên 63.-- Một Thi Thiên của đồng vắng; người ta cho rằng có lẽ Thi Thiên nầy thuộc trong thời kỳ Ða-vít trốn khỏi Áp-sa-lôm, nhưng ông tin chắc sẽ khôi phục được ngôi vua.
Thi Thiên 64.-- Ða-vít cầu xin Ðức Chúa Trời che chở mình khỏi âm mưu của những kẻ thù bí mật, và ông tin chắc rằng nhờ Ðức Chúa Trời, mình sẽ thắng trận.
Thi Thiên 65.-- Một bài ca về biển cả và mùa gặt. Ðức Chúa Trời ban ơn lành suốt cả năm. Trái đất reo mừng.
Thi Thiên 66.-- Một Thi Thiên toàn quốc cảm tạ Ðức Chúa Trời. Hãy ngợi khen và kính sợ Ðức Chúa Trời. Hãy ca hát và vui vẻ. Con mắt Ðức Chúa Trời xem xét các dân tộc.
Thi Thiên 67.-- Một Thi Thiên truyền giáo, nói trước về Tin Lành truyền khắp trái đất. Các nước hãy hát mừng.
Thi Thiên 68.-- Một hành khúc xuất trận. Thi Thiên nầy rất được các Thập tự quân, phái Huguenots(1), ôngSavonarole và ông Oliver Cromwell ưa thích.
Thi Thiên 69.-- Một Thi Thiên luận về sự thương khó, giống như Thi Thiên 22. Qua bức màn thương khó của Ða-vít, ta thoáng thấy sự thương khó của Ðấng Christ, nên Thi Thiên nầy đã được trưng dẫn ở Tân Ước (câu 4, 9, 21, 22, 25; Giăng 2:17; 15:25; 19:28-30; Công vụ các sứ đồ 1:20; Rô-ma 11:9; 15:3).
Thi Thiên 70.-- Một tiếng kêu cứu khẩn cấp. Thi Thiên nầy gần giống như phần cuối Thi Thiên 40. Ðức Chúa Trời không hề thất tín với ông.
Thi Thiên 71.-- Một Thi Thiên về tuổi già. Hồi tưởng một cuộc đời tin cậy, bị hoạn nạn và quân thù bao vây suốt cả đường.
Thi Thiên 72.-- Vinh quang và sự vĩ đại của Ðấng Mê-si trị vì. Thi Thiên nầy và Thi Thiên 127 là của Sa-lô-môn. Nước của Sa-lô-môn đã lên tới tuyệt điểm vinh quang. Chúng ta có thể nghĩ rằng Thi Thiên nầy mô tả đời trị vì thái bình và vinh hiển của Sa-lô-môn một phần nào. Nhưng một vài lời trong Thi Thiên nầy và nội dung của nó chỉ có thể ứng dụng cho nước của MộT VUA hùng mạnh hơn Sa-lô-môn. Xem thêm ở Thi Thiên 2.
Thi Thiên 73.-- Về sự thạnh vượng của kẻ ác thì thế nào? Thi Thiên 50 và từ 73 đến 83 đều có ghi: "A-sáp làm." A-sáp là nhạc trưởng của Ða-vít (I Sử ký 15:16-20; 16:5). Ban hợp ca của Ê-xê-chia đã hát những Thi Thiên của A-sáp (II Sử ký 29:30).
Thi Thiên 74.-- Một lời cầu nguyện khi quốc gia lâm nạn, có lẽ là ám chỉ vào cuộc xâm lăng của Si-sắc (I Các vua 14:25, 26; II Sử ký 12:2, 9).
Thi Thiên 75.-- Kẻ ác chắc chắn bị hủy diệt. Người công bình chắc chắn sẽ đắc thắng. Mọi sự nầy sẽ xảy ra trong ngày trái đất tiêu tan.
Thi Thiên 76.-- Cảm tạ Ðức Chúa Trời vì đã đại thắng. Dường như ám chỉ vào sự tiêu diệt đạo quân của San-chê-ríp (II Các vua 19:25).
Thi Thiên 77.-- Lại một tiếng kêu cứu trong thời hoạn nạn. Tác giả nhắc Ðức Chúa Trời nhớ những việc lạ lùng mà Ngài đã làm cho dân Y-sơ-ra-ên trong thời quá khứ.
Thi Thiên 78.-- Thi Thiên nầy và những Thi Thiên 81, 105, 106, 114 được gọi là Thi Thiên "lịch sử." Ðây là những bài thơ thuật lại lịch sử quá khứ của dân Y-sơ-ra-ên để ai nấy nhớ lại những cách Ðức Chúa Trời đối xử diệu kỳ với dân ấy.
Thi Thiên 79.-- Một lời than vãn vì cớ thành Giê-ru-sa-lem bị hoang vu; người ta cho rằng Thi Thiên nầy ám chỉ về sự xâm lăng của Si-sắc hoặc của người Ba-by-lôn.
Thi Thiên 80.-- Lại một Thi Thiên khác đương lúc quốc gia lâm nạn; có lẽ ám chỉ về sự suy sụp của nước phía Bắc.
Thi Thiên 81.-- Sự không vâng lời của dân Y-sơ-ra-ên là nguyên nhơn họ bị hoạn nạn. Nếu họ chịu nghe theo Ðức Chúa Trời, thì tình hình đã khác hẳn.
Thi Thiên 82.-- Các quan án không công bình thật đáng trách vì để cho tội ác thắng thế; họ đã quên trách nhiệm của mình đối với Quan Án Tối cao.
Thi Thiên 83.-- Lời cầu nguyện nghịch cùng sự âm mưu của những người Ê-đôm, Ả- rập, Mô-áp, Am-môn, A-ma-léc, Phi-li-tin, và nhiều dân khác.
Thi Thiên 84.-- Phước lành cho những ai tận tụy với Nhà Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời yêu mến những ai yêu mến con đường đi tới Si-ôn. Xem thêm ở Thi Thiên 27.
Thi Thiên 85.-- Cảm tạ Ðức Chúa Trời vì được từ chốn lưu đày trở về quê hương; cũng có lời cầu nguyện cho đất nước được khôi phục và cho tương lai được tốt đẹp hơn.
Thi Thiên 86.-- Lời kêu xin Ðức Chúa Trời thương xót; giống như nhiều Thi Thiên khác của Ða-vít. Ông là người hiền đức, tin kính, song vẫn cần được tha thứ. Xem thêm ở Thi Thiên 32.
Thi Thiên 87.-- Si-ôn, thành của Ðức Chúa Trời, là một trong những danh hiệu đầy thi vị của Hội Thánh. Si-ôn có sổ ghi tên những kẻ được kế tự Thiên đàng (câu 6; Hê-bơ-rơ 12:22).
Thi Thiên 88.-- Tiếng kêu thương của một người đã chịu khổ nạn suốt đời. "Hê-man" ở đầu đề là một trong những trưởng ban hát của Ða-vít (I Sử ký 15:17-19), đồng thời với Sa-lô-môn (I Các vua 4:31). Trong nguyên văn có chữ "Mahalath-Leannoth," nghĩa là: "Một bài hát trong cơn bịnh hoạn."
Thi Thiên 89.-- Ðức Chúa Trời thề rằng ngôi vua của Ða-vít sẽ vô cùng tận. Một Thi Thiên tuyệt mỹ (xem thêm ở Thi Thiên 2 và II Sử ký 7.) "Ê-than" là một trong những trưởng ban hát của Ða-vít, cùng với A-sáp và Hê-man (I Sử ký 15:16-19).
Thi Thiên 90.-- Sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời. Vì Thi Thiên nầy của Môi-se và Môi-se đã sống 400 năm trước Ða-vít, nên có thể đây là Thi Thiên thứ nhứt đã được viết ra. Môi-se còn viết nhiều bài ca khác (Xuất Ê-díp-tô ký 15; Phục truyền luật lệ ký 32). Theo truyền thoại của các Ra-bi (đạo sư Do-thái), thì 10 Thi Thiên vô danh (91-100) là của Môi-se. Nếu vậy thì loạt Thi Thiên nầy có thể là nguyên điểm của sách Thi Thiên.
Thi Thiên 91.-- Một Thi Thiên tuyệt mỹ về lòng tin cậy. Không một tai họa nào sẽ xảy đến cho anh em. Ðức Chúa Trời sẽ sai thiên sứ gìn giữ anh em trong mọi bước đường. Có đức tin như vậy, thì vinh hiển biết bao!
Thi Thiên 92.-- Một Thánh ca ngợi khen Chúa trong ngày yên nghỉ; dường như nhìn vào ngày yên nghỉ của công việc sáng tạo trong thời quá khứ và sự yên nghỉ đời đời trong thời tương lai.
Thi Thiên 93.-- Ngôi Ðức Chúa Trời có sự oai nghiêm, quyền phép, thánh khiết, và còn đến đời đời. Ðức Chúa Trời trị vì từ đời đời cho đến đời đời.
Thi Thiên 94.-- Một lời cầu xin Ðức Chúa Trời báo thù kẻ gian ác và chấm dứt đời trị vì dai dẳng, nặng tội của chúng. Xem thêm ở Thi Thiên 35.
Thi Thiên 95 đến 100.-- Tiếp tục ý tưởng bày tỏ trong Thi Thiên 93, những Thi Thiên nầy gọi là Thi Thiên "thần chánh" vì nó liên quan đến quyền cao cả của Ðức Giê-hô-va và ngụ ý nói đến đời trị vì của Ðấng Mê-si hầu đến.
Thi Thiên 95.-- Hãy ca hát và mừng rỡ. Ðức Chúa Trời là Vua. Chúng ta hãy quì trước mặt Ngài. Chúng ta là dân của Ngài, hãy lắng tai nghe tiếng Ngài.
Thi Thiên 96.-- Hãy ca hát. Ðức Chúa Trời trị vì. Các từng trời hãy vui mừng, và trái đất hãy hớn hở! Ngày phán xét hầu gần.
Thi Thiên 97.-- Ðức Giê-hô-va ngự đến. Trái đất rung chuyển. Ðây là một bản quốc thiều cử hành trong "Lễ Ðăng quang," có lẽ ám chỉ về cả sự ngự đến thứ nhứt và sự ngự đến thứ hai của Ðấng Christ.
Thi Thiên 98.-- Ðây dường như là bài ca của "Ngày Ðăng quang." Vì là "một bài ca mới" (câu 1), nên có lẽ đây là một trong những bài ca sẽ hát ở trên trời (Khải Huyền 5:9-14).
Thi Thiên 99.-- Ðức Chúa Trời trị vì. Các dân hãy run rẩy. Ðức Chúa Trời là Ðấng Thánh. Ngài ưa thích sự sông bình và đáp lại lời cầu nguyện.
Thi Thiên 100.-- Âm luật của Thi Thiên nầy được gọi là "Thứ một trăm xưa." Ðây là điệu nhạc "Ngợi khen Ðức Chúa Trời, từ Ngài mọi phước lưu ra."
Thi Thiên 101.-- Người ta cho rằng có lẽ Thi Thiên nầy được trứ tác khi Ða-vít lên ngôi vua, và kể ra những nguyên tắc ông sẽ áp dụng để trị nước.
Thi Thiên 102.-- Một lời cầu nguyện ăn năn trong lúc bị hoạn nạn ghê gớm, bị nhục nhã và hổ thẹn. Xem thêm ở Thi Thiên 32. Câu 25-27 luận về sự vĩnh cửu của Ðức Chúa Trời, đã được trưng dẫn ở Hê-bơ-rơ 1:10-12 để ứng dụng cho Ðấng Christ.
Thi Thiên 103.-- Một Thi Thiên về sự thương xót của Ðức Chúa Trời. Người ta cho rằng Thi Thiên nầy được trứ tác khi Ða-vít đã cao tuổi, và tóm tắt cách Ðức Chúa Trời đối xử với ông. Ðây là một trong những Thi Thiên được quí chuộng hơn hết. Chúng ta ưa đọc Thi Thiên nầy biết bao!
Thi Thiên 104.-- Một Thi Thiên về cõi thiên nhiên. Ðức Chúa Trời săn sóc các loài thọ tạo của Ngài. Nhắc ta nhớ lời Ðức Chúa Jêsus phán rằng: "Ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con (chim sẻ) nào rơi xuống đất" (Ma-thi-ơ 10:29).
Thi Thiên 105.-- Một bài thơ tóm tắt lịch sử dân Y-sơ-ra-ên. Xem thêm ở Thi Thiên 78. Ðặt biệt luận về Chúa giải cứu họ khỏi nước Ai-cập một cách kỳ diệu.
Thi Thiên 106.-- Lại một Thi Thiên lịch sử nữa, đem sự thương xót lạ lùng của Ðức Chúa Trời đối chiếu với sự cố quyết không vâng lời của dân Y-sơ-ra-ên.
Thi Thiên 107.-- Những việc lạ lùng do lòng từ ái của Ðức Chúa Trời đang khi đối xử với dân Ngài và đang khi cai quản mọi sự trong cõi thiên nhiên.
Thi Thiên 108.-- Ðây dường như là một trong những bài ca xuất trận của Ða-vít. Nó gần giống nhiều phần của Thi Thiên 57 và 60.
Thi Thiên 109.-- Báo trả những kẻ thù nghịch Ðức Chúa Trời. Ðây là một trong các Thi Thiên rủa sả (xem thêm ở Thi Thiên 35). Tên Giu-đa có mặt trong bức tranh nầy (câu 8; Công vụ các sứ đồ 1:20).
Thi Thiên 110.-- Vua hầu đến sẽ trị vì đời đời và làm Thầy tế lễ đời đời. Thi Thiên nầy không thể ám chỉ vào một nhơn vật nào trong lịch sử trừ ra Ðấng Christ; tuy nhiên, nó được trứ tác 1000 năm trước thời Ðấng Christ (câu 1, 4; Ma-thi-ơ 22:44; Công vụ các sứ đồ 2:34; Hê-bơ-rơ 1:13; 5:6). Xem thêm ở Thi Thiên 2.
Thi Thiên 111.-- Một Thi Thiên luận về sự oai nghiêm, tôn quí, công bình, thương xót, thành tín, chơn thật, thánh khiết và vĩnh cửu của Ðức Chúa Trời.
Thi Thiên 112.-- Phước lành của người nào công bình, hay thương xót và hay làm ơn như Ðức Chúa Trời, nhơn từ đối với kẻ nghèo, và yêu mến các đường lối của Ðức Chúa Trời.
Thi Thiên 113 đến 118.-- Những Thi Thiên nầy được gọi là Thi Thiên "Hallel." Người ta hát chung trong gia đình, nhằm đêm Lễ Vượt Qua: Thi Thiên 113 và 114 lúc bắt đầu dùng bữa; Thi Thiên 115, 116, 117 và 118 lúc đã ăn xong. Ðây chắc là những Thánh ca mà Ðức Chúa Jêsus và các Sứ đồ đã hát khi ăn bữa tiệc cuối cùng (Ma-thi-ơ 26:30).
Thi Thiên 113.-- Một bài hát ngợi khen. Bắt đầu và chấm dứt bằng chữ "Ha-lê-lu- gia," nghĩa là: "Ngợi khen Chúa!" Hãy Ngợi khen Ngài đời đời.
Thi Thiên 114.-- Một Thánh ca nhắc lại những phép lạ trong sự giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ai-cập, tức là lúc bắt đầu có Lễ Vượt Qua.
Thi Thiên 115.-- Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời duy nhứt. Phước thay cho dân Ngài! Phước thay cho những kẻ tin cậy Ngài, chớ không tin cậy tà thần của các nước!
Thi Thiên 116.-- Một bài ca tỏ lòng biết ơn Ðức Chúa Trời vì Ngài đã giải cứu mình khỏi sự chết, khỏi sự cám dỗ, và đã nhiều lần đáp lại lời cầu nguyện.
Thi Thiên 117.-- Một lời kêu gọi các dân hãy tiếp nhận Ðức Giê-hô-va. Ðã được trưng dẫn ở Rô-ma 15:11. Ðây là đoạn ở chính giữa Kinh Thánh, và cũng là đoạn ngắn nhứt.
Thi Thiên 118.-- Ðây là bài Thánh ca từ giã mà Ðức Chúa Jêsus và các môn đồ đã hát khi Ngài dời khỏi phòng dự Lễ Vượt Qua để đi lên Thập tự giá (Ma-thi-ơ 26:30). Thi Thiên nầy gồm có lời dự ngôn về Ngài bị chối bỏ (câu 22, 26; Ma-thi-ơ 21:9, 42).
Thi Thiên 119.-- Vinh quang của Lời Ðức Chúa Trời. Ðây là đoạn dài nhứt Kinh Thánh, gồm 176 câu. Trừ những câu 90, 121, 122, 132, còn thì câu nào cũng nói đến Lời Ðức Chúa Trời dưới một trong những danh hiệu nầy: Luật pháp, chứng cớ, đoán ngữ, luật lệ, điều răn, giềng mối, lời, mạng lịnh, đường lối. Thi Thiên 119 là một bản giải rộng Thi Thiên 1 và 19. Ðây là một Thi Thiên theo thứ tự chữ cái, gồm 22 khúc, mỗi khúc có 8 dòng, và mỗi dòng trong 8 dòng ấy bắt đầu bằng cùng một chữ cái (xem thêm ở Thi Thiên 9). Ðây là Thi Thiên mà nhà văn hào Ruskin rất ưa thích.
Thi Thiên 120 đến 134.-- Những Thi Thiên nầy gọi là "bài ca đi lên từng bậc," hoặc "bài ca của kẻ đi dự lễ.". Những Thi Thiên nầy cốt để hát lên, và nói chung, người ta cho là dân Do-thái đã hát những Thi Thiên nầy trên đường đi dự các đại lễ ở thành Giê-ru-sa-lem, hoặc đang khi họ đi lên 15 bậc để tới hành lang Ðền thờ dành cho đờn ông. Hoặc chữ "đi lên" còn có nghĩa là "hát cao giọng," hay là "lối tư tưởng cao tột."
Thi Thiên 120.-- Lời người sống giữa những kẻ lừa dối, phản phúc, cách xa Si-ôn, cầu xin Ðức Chúa Trời che chở mình.
Thi Thiên 121.-- Ðây có lẽ là Thánh ca mà các người đi dự lễ đã hát khi vừa mới thấy các núi bao quanh thành Giê-ru-sa-lem.
Thi Thiên 122.-- Ðây có lẽ là Thánh ca mà các người đi dự lễ đã hát khi gần tới cổng Ðền thờ, ở bên trong vách thành Giê-ru-sa-lem.
Thi Thiên 123.-- Còn Thi Thiên nầy thì những người đi dự lễ hát ở bên trong Ðền thờ, đang khi họ ngước mắt nhìn lên Ðức Chúa Trời và cầu xin Ngài thương xót mình.
Thi Thiên 124.-- Một bản Thánh ca cảm tạ và ngợi khen Ðức Chúa Trời ở trong Ðền thờ, vì Ngài luôn luôn giải cứu quốc gia những lúc có hiểm họa khủng khiếp.
Thi Thiên 125.-- Một Thánh ca tỏ lòng tin cậy. Các núi bao quanh thành Giê-ru-sa-lem thể nào, thì Ðức Chúa Trời cũng bao phủ dân Ngài đời đời thể ấy.
Thi Thiên 126.-- Một bài hát cảm tạ Ðức Chúa Trời vì được từ chốn lưu đày trở về cố hương. Phước tốt đẹp quá đến nỗi dường như không thật có, và dường như họ đang chiêm bao.
Thi Thiên 127.-- Dường như là hai bài thơ hợp làm một, luận về sự xây dựng Ðền thờ và xây dựng gia đình. Một trong hai Thi Thiên do Sa-lô-môn trứ tác. Thi Thiên kia là Thi Thiên 72.
Thi Thiên 128.-- Một bài ca hôn lễ. Tiếp tục phần cuối của Thi Thiên 127, các gia đình đạo đức, tin kính là nền tảng của sự an lạc quốc gia.
Thi Thiên 129.-- Dân Y-sơ-ra-ên cầu xin cho quân thù của mình bị lật đổ, vì chúng đã làm khổ họ từ lúc thiếu thời, hết thế hệ nầy đến thệ khác.
Thi Thiên 130.-- Tiếng kêu la của một linh hồn nặng trĩu mối cảm biết mình có tội. Ðây là một trong những Thi Thiên Ăn năn. Xem thêm ở Thi Thiên 32.
Thi Thiên 131.-- Một Thi Thiên tỏ lòng khiêm cung tin cậy Ðức Chúa Trời, chẳng khác gì trẻ thơ. Tôi đã làm cho linh hồn mình yên tịnh trong Ðức Chúa Trời, cũng như trẻ thơ ở bên mẹ nó vậy.
Thi Thiên 132.-- Thi ca lặp lại lời Ðức Chúa Trời hứa với Ða-vít, không hề vi phạm, rằng Ngài sẽ ban cho ông một Vị Kế tự ngôi ông đời đời. Xem thêm ở Thi Thiên 2.
Thi Thiên 133, 134.-- Một Thi Thiên luận về tình huynh đệ và sự sống đời đời. Còn một Thi Thiên luận về những kẻ ban đêm canh giữ Ðền thờ và lời họ chào nhau.
Thi Thiên 135.-- Một bài hát ngợi khen Ðức Chúa Trời vì các công việc lạ lùng của Ngài trong cõi thiên nhiên và trong lịch sử. Bắt đầu và chấm dứt bằng chữ "Ha-lê-lu-gia," nghĩa là: "Ngợi khen Chúa!"
Thi Thiên 136.-- Thi Thiên "Hallel" vĩ đại. Câu nào cũng lặp lại mấy chữ: "Sự nhơn từ Ngài còn đến đời đời." Họ hát Thi Thiên nầy lúc bắt đầu cử hành Lễ Vượt Qua. Ðây là một bài hát trong Ðền thờ mà ai nấy ưa thích (I Sử ký 16:41; II Sử ký 7:3; 20:21; E-xơ-ra 3:11).
Thi Thiên 137.-- Một Thi Thiên lúc bị lưu đày. Những kẻ bị lưu đày ở nước ngoài mong ước trở về cố hương. Những kẻ bắt họ đi làm phu tù chắc chắn sẽ bị báo trả.
Thi Thiên 138.-- Một bài hát cảm tạ, dường như nhằm cơ hội Ðức Chúa Trời đặc biệt đáp lại lời cầu nguyện, có lẽ là lúc Ða-vít lên ngôi vua.
Thi Thiên 139.-- Sự hiểu biết vô cùng của Ðức Chúa Trời. Chẳng có gì giấu khỏi Ngài. Ngài biết hết ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta. Sự tối tăm cũng không giấu chi khỏi Ðức Chúa Trời được.
Thi Thiên 140.-- Một trong những lời Ða-vít cầu xin Ðức Chúa Trời che chở mình khỏi những kẻ thù nghịch gian ác và tiêu diệt chúng đi. Ðây là một Thi Thiên rủa sả. Xem thêm Thi Thiên 35.
Thi Thiên 141.-- Lại một lời Ða-vít cầu xin Ðức Chúa Trời che chở mình khỏi kẻ thù nghịch. Dầu đời trị vì của Ða-vít vinh quang, nhưng ông luôn luôn bị quân thù khuấy rối.
Thi Thiên 142.-- Một trong những lời cầu nguyện của Ða-vít lúc thanh niên, đang khi trốn trong hang đá để tránh khỏi Sau-lơ (I Sa-mu-ên 22:1; 24:3). Xem thêm ở Thi Thiên 54.
Thi Thiên 143.-- Lời Ða-vít ăn năn kêu xin Ðức Chúa Trời cứu giúp, có lẽ trong lúc đang bị con trai, là Áp-sa-lôm, truy kích (II Sa-mu-ên 17, 18). Xem thêm ở Thi Thiên 32.
Thi Thiên 144.-- Một trong những bài ca xuất trận của Ða-vít. Có lẽ đạo quân của ông đã hát các Thánh ca như bài nầy đang lúc tiến ra mặt trận.
Thi Thiên 145.-- Một bản Thánh ca ngợi khen Chúa. Có lẽ Ða-vít đã truyền lịnh cho quân đội mình hát những bài thuộc loại nầy sau khi từ mặt trận trở về, để cảm tạ Chúa đã cho mình đắc thắng.
Thi Thiên 146 đến 150.-- Những Thi Thiên nầy gọi là Thi Thiên "Ha-lê-lu-gia," vì mỗi Thi Thiên bắt đầu và chấm dứt bằng chữ "Ha-lê-lu-gia," nghĩa là: "Ngợi khen Chúa." Chữ "Ha-lê-lu-gia" nầy cũng thường thấy trong những Thi Thiên khác. Sách Thi Thiên lên đến tuyệt điểm và chấm dứt với tiếng hô: "Ha-lê-lu-gia" vĩ đại; tiếng ấy cứ chạy suốt cho tới hết Kinh Thánh và vang dội trong ban hát thiên thượng gồm những người đã được cứu chuộc (Khải Huyền 19:1, 3, 4, 6).
Thi Thiên 146.-- Tôi còn sống bao lâu, thì sẽ ngợi khen Ðức Chúa Trời bấy lâu. Ðức Chúa Trời trị vì. Ðang khi thân tôi còn, tôi sẽ ngợi khen Ðức Chúa Trời. Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Ðức Chúa Trời!
Thi Thiên 147.-- Muôn loài thọ tạo hãy ngợi khen Ðức Chúa Trời! Hãy cảm tạ mà hát cho Ðức Chúa Trời. Dân Y-sơ-ra-ên hãy ngợi khen Ðức Chúa Trời! Núi Si-ôn hãy ngợi khen Ngài! Ha-lê-lu-gia!
Thi Thiên 148.-- Ha-lê-lu-gia! Các thiên sứ hãy ngợi khen Ðức Chúa Trời. Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao hãy ngợi khen Ðức Chúa Trời! Các từng trời hãy reo hò: Ha-lê-lu-gia!"
Thi Thiên 149.-- Ha-lê-lu-gia! Các thánh đồ hãy ngợi khen Ðức Chúa Trời! Họ hãy hát mừng đi! Họ hãy hớn hở trong Ðức Chúa Trời! Núi Si-ôn hãy vui mừng! Ha-lê-lu-gia!
Thi Thiên 150.-- Hãy dùng kèn, đờn sắt và đờn cầm mà ngợi khen Ðức Chúa Trời. Mọi vật có hơi thở, hãy ngợi khen Ðức Chúa Trời! Ha-lê-lu-gia!


(1) Phái Tin Lành của Calvin.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.