Thơ Ê-phê-sô




Hội Thánh thống nhứt
Người Do-thái và người dân ngoại hiệp một trong Ðấng Christ.

Suốt đời Phao-lô dạy người dân ngoại rằng họ có thể làm tín đồ Ðấng Christ mà không cần phải theo đạo Do-thái. Nói chung, người Do-thái lấy vậy làm mếch lòng, vì họ có quan niệm rằng mọi người phải vâng giữ luật pháp Môi-se, và có thành kiến quyết liệt nghịch cùng những người dân ngoại không chịu phép cắt bì kia dám tự xưng là môn đồ của Ðấng Mê-si Do-thái.
Dầu Phao-lô dạy tín đồ dân ngoại hãy đứng vững như trên vầng đá để binh vực sự tự do của mình trong Ðấng Christ, tỉ như ông đã dạy tín đồ Ga-la-ti và Rô-ma, song ông không muốn họ có thành kiến nghịch với tín đồ gốc Do-thái; trái lại, phải coi những người ấy là anh em trong Ðấng Christ.
Phao-lô không muốn thấy hai Hội Thánh: một Hội Thánh Do-thái và một Hội Thánh dân ngoại; song chỉ muốn thấy Một Hội Thánh. Người Do-thái và người dân ngoại hiệp một trong Ðấng Christ. Vì cớ sự thống nhứt, ông đã có một nghĩa cử đối với những phần tử Do-thái trong Hội Thánh: Ấy là số tiền rất lớn mà ông đã quyên của các chi hội dân ngoại, lúc chấm dứt hành trình truyền giáo thứ ba, để giúp đỡ các thánh đồ nghèo trong Mẫu hội tại thành Giê-ru-sa-lem (xem Công vụ các sứ đồ, đoạn 21). Ông hy vọng rằng sự biểu thị lòng yêu thương trong Ðấng Christ đó có thể khiến tín đồ gốc Do-thái có cảm tình thân ái hơn đối với anh em thuộc về dân ngoại.
Vì sự thống nhứt, ông lại có nghĩa cử khác đối với các phần tử dân ngoại ở trong Hội Thánh. Ấy là ông gởi thơ tín nầy cho trung tâm trọng yếu của các tín đồ dân ngoại do ông dẫn về tin Chúa, để nêu cao sự Duy Nhứt, Phổ Thông và Vĩ Ðại Khôn Xiết của Thân thể Ðấng Christ.
Ðối với Phao-lô, Ðấng Christ là Ðấng Tối cao, Tối đại, trong Ngài có chỗ cho những người thuộc về các chủng tộc và có các quan điểm cùng thành kiến rất khác nhau; nhưng Ngài có đủ quyền phép để giải quyết mọi vấn đề của loài người, và để làm cho hợp nhứt và hòa hiệp với Ðức Chúa Trời chẳng những mọi xã hội và gia đình trên mặt đất (5:22-6:9), song cả vô vàn thân vị trong vũ trụ vô hình, vô biên nữa (3:10).
Ðây là một trong bốn thơ tín của Phao-lô viết đang khi bị cầm tù tại La-mã (61-63 S.C.); ba thơ tín kia là thơ Phi-líp, thơ Cô-lô-se, và thơ Phi-lê-môn. Trong số nầy, ba thơ tín viết cùng một lúc và do cùng một người đem đi, tức là thơ Ê-phê-sô, thơ Cô-lô-se, và thơ Phi-lê-môn. Còn một thơ tín nữa, nhưng nay đã thất lạc (Cô-lô-se 4:16).

Ðoạn 1 -- Các ơn Phước Thiêng Liêng
"Ở thành Ê-phê-sô" (câu 1). Trong một vài bản thảo cũ nhứt, không có hai chữ nầy. Người ta cho rằng có lẽ thơ nầy định dùng làm thơ gởi chung cho các chi hội ở Á-châu, vì Ti-chi-cơ đem một số bản sao, có chừa chỗ để ghi tên mỗi thành, và thơ Ê-phê-sô là bản chánh của phần nhiều (chớ không phải hết thảy) bản thảo khác. Thơ gởi cho Hội Thánh Lao-đi-xê (Cô-lô-se 4:16) có lẽ là một trong những bản sao nầy. Do đó, ta hiểu vì sao thơ nầy không có các lời chào thăm riêng mà phần nhiều thơ tín của Phao-lô vẫn có nhiều. Phao-lô đã ở Ê-phê-sô ba năm, và có lắm bạn thân thiết tại đó. Nhưng nếu thơ nầy gởi chung cho Hội Thánh ở Ê-phê-sô và ở mấy thành phụ cận nữa, thì ta hiểu tại sao nội dung của nó có tánh cách công cộng hơn.
Ý định đời đời của Ðức Chúa Trời (câu 3-14). Ðây là bản tóm tắt kỳ diệu các kế hoạch của Ðức Chúa Trời: Sự cứu chuộc, nhận làm con, tha thứ và đóng ấn cho một dân để thuộc về Ðức Chúa Trời, đã được quyết định từ đời đời, và bây giờ thực hiện nhờ ý chỉ của Ðức Chúa Trời được thi hành hữu hiệu.
"Các nơi trên trời" (câu 3) là mấy chữ chìa khóa của sách nầy (1:10, 20; 2:6; 3:10; 6:12). Nó chỉ về cõi vô hình ở bên trên thế giới của tri giác nầy, tức là nơi ở sau cùng của tín đồ Ðấng Christ, và hiện nay ta được thông công với nơi ấy tới một mực nào.
Lời Phao-lô cầu nguyện cho họ (câu 16-23). Ðó là cách Phao-lô thường mở đầu các thơ tín của ông. Có 4 lời cầu nguyện kỳ diệu đặc biệt thuộc loại nầy, tức là lời cầu nguyện ở đây và ở 3:14-19; Phi-líp 1:9-11 và Cô-lô-se 1:9-12.

Ðoạn 2, 3 -- Hội Thánh Phổ Thông
Ðược cứu bởi ân điển (câu 1-10). Thân thể Ðấng Christ đang được cấu tạo bằng những người đầy tội lỗi và không xứng đáng để muôn đời biểu thị lòng nhân ái của Ðức Chúa Trời. Khi công việc của Ðức Chúa Trời trong chúng ta được hoàn thành, thì ta sẽ là những người có phước khôn tả xiết, ở một tình trạng vinh hiển thiên thượng vượt quá mọi điều ngày nay ta tưởng tượng được. Ðó sẽ là công việc của Ðức Chúa Trời, chớ chẳng phải của chúng ta. Trải qua các đời, Thiên đàng sẽ không dứt tiếng "Ha-lê-lu-gia" vui mừng, vang lừng từ tấm lòng cảm kích của những kẻ được cứu chuộc.
Trước kia là một dân, bây giờ là muôn dân (2:11-22). Danh từ "Người chịu cắt bì" đã được dùng làm một danh hiệu của người Do-thái, để phân biệt họ với các dân khác được gọi là "Người không chịu cắt bì" (câu 11). Trong một thời gian, người Do-thái là đoàn thể dân Ðức Chúa Trời, có phép cắt bì làm dấu riêng trên xác thịt, và các dân khác bị loại trừ khỏi đoàn thể ấy. Nhưng bây giờ, tiếng Ðức Chúa Trời vang lừng, rõ ràng, mạnh mẽ, kêu gọi Mọi Người, từ mọi bộ lạc và mọi dân tộc, hãy đến nhập vào gia đình Ngài.
Sự "mầu nhiệm của Ðấng Christ" (3:3-9), giấu kín trải qua các đời trong Ðức Chúa Trời (câu 10) mà khúc sách nầy nói đến, có nghĩa rõ ràng rằng muôn dân được kế tự lời hứa của Ðức Chúa Trời ban cho người Do-thái, nhưng từ trước đến nay, người Do-thái tưởng lời hứa ấy thuộc riêng về họ mà thôi. Giai đoạn đó của kế hoạch Ðức Chúa Trời đã được giấu kín cho tới khi Ðấng Christ ngự đến, mặc dầu Ngài đã ấn định nó từ lúc ban đầu (1:5), nhưng bây giờ thì được khải thị đầy đủ. Ấy là thế giới vinh hiển tương lai của Ðức Chúa Trời sẽ được xây dựng không phải bằng dân Do-thái, nhưng bằng tất cả loài người.
Hội Thánh vĩ đại (3:8-11). Bởi Hội Thánh, Ðức Chúa Trời liên kết các phần tử thù địch của loài người thành Một Ðoàn thể, và bày tỏ sự khôn ngoan của Ngài cho các đẳng cấp siêu nhân, thiên thượng bằng cách gồm tóm mọi sự trong Ðấng Christ.

Thơ Ê-phê-sô 2
Ðoạn 4 -- Hội Thánh Duy Nhứt
Một thân thể (câu 1-16). Ðây là một cơ cấu phức tạp, có nhiều cơ năng, mỗi phần ở vị trí riêng, làm việc hòa hợp với nhau, và có nguyên tắc căn bản là sự yêu thương (câu 16). Chính Ðấng Christ là Cái Ðầu và là Năng lực điều khiển.
Vì Thân thể nầy cấu tạo bằng nhiều chi thể có tài năng và tâm tình khác nhau, nên điều kiện căn bản cho nó điều hành thích đáng là tinh thần khiêm tốn và dung chịu lẫn nhau (câu 2).
Mục đích của Thân thể nầy là trưởng dưỡng mỗi chi thể cho tới mức có hình ảnh trọn vẹn của Ðấng Christ (câu 12-15). Ý niệm về sự lớn lên, theo như bày tỏ trong mấy câu nầy, dường như ứng dụng vừa cho các cá nhân, vừa cho toàn thể Hội Thánh. Bậc thơ ấu của Hội Thánh sẽ qua đi. Bậc thành nhân của Hội Thánh sẽ tới. Hãy tham khảo I Cô-rinh-tô 12, 13, là những đoạn tương đồng.
Hội Thánh đã gần 2000 tuổi, và về phương diện nầy (tức là sự duy nhứt), vẫn còn ở giai đoạn thơ ấu. Nói chung, Hội Thánh chưa trải biết thế nào là duy nhứt trong sự biểu hiện hữu hình. Phao-lô luôn luôn chống trả những phần tử chủ trương bè phái trong các Hội Thánh địa phương, cùng mối bất hòa giữa tín đồ gốc Do-thái và tín đồ dân ngoại. Rồi tới các cuộc phân tranh từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 4. Rồi tới Hội Thánh của đế quốc, bề ngoài dường như duy nhứt dưới quyền hành của quốc gia, song đời thiêng liêng vì đó mà bị nhuốm độc địa. Rồi tới hệ thống thủ lãnh có quyền hành duy nhứt, cướp mất quyền tự do tư tưởng của người ta và ngăn cản Kinh Thánh không được lưu hành nữa. Rồi 400 năm sau, Hội Thánh Tin Lành nổi lên đòi tự do. Lẽ tự nhiên, sau đêm tối dày đặc dưới quyền cai trị của Thủ lãnh kia, khi người ta lại bắt đầu vì mình mà suy nghĩ, thì họ nhìn sự vật hơi khác nhau; vậy, trải qua năm, tháng, Phong trào Tin Lành không tránh khỏi đi vào những dòng khác nhau. Thế là giới tín đồ Ðấng Christ vẫn còn chia rẽ. Chúng ta không biết trong đời nầy, Hội Thánh hữu hình sẽ có sự duy nhứt về tổ chức bề ngoài hay chăng? tánh vị kỷ và kiêu căng của người ta chống lại sự duy nhứt đó. Nhưng bao giờ cũng có và ngày nay vẫn còn có sự duy nhứt trong Hội Thánh vô hình gồm các thánh đồ thật của Ðức Chúa Trời. Một cách nào đó, một lúc nào đó và ở một nơi nào đó, sự duy nhứt nầy sẽ thực hiện đầy đủ để đáp lại lời cầu nguyện của Ðấng Christ (Giăng 17), và sẽ phát hiện như là Thân thể phát triển đầy đủ của Ðấng Christ.
Những phận sự mới mẻ (câu 25-32). Vì Hội Thánh là một tổ chức huynh đệ, nên các chi thể cần phải rất thận trọng đối với nhau. "Cơn giận" (câu 26): Có lẽ Phao-lô nghĩ rằng bảo họ đừng nổi giận chi hết thì hơi quá, nên ông khuyên răn họ hãy cẩn thận, chớ giữ sự giận. "Trộm cắp" (câu 28): Rõ ràng lắm, một vài người trong vòng họ vốn là tay trộm cướp, nhưng bây giờ họ phải tôn trọng quyền lợi của kẻ khác. Xem lời chú giải II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-15.

Ðoạn 5, 6 -- Những Phận Sự Mới Mẻ
Trong hai đoạn nầy, Phao-lô tiếp tục nói đến những điều đã bắt đầu nói đến ở 4:17, tức là họ buộc phải sống khác với cuộc đời trước kia.
Sự gian dâm (5:3-14), tức là việc phạm luân lý và phóng túng hỗn loạn theo nhục dục. Ðó là một tội lỗi rất thông thường đương thời Phao-lô, và ở nhiều nơi lại là một phần của cuộc thờ lạy thần tượng. Phao-lô nhiều lần cảnh cáo họ chớ phạm tội đó. Xem các lời chú giải I Cô-rinh-tô 7 và I Tê-sa-lô-ni-ca 4:1-8.
Hát (5:18-21). Ðây, sự vui vẻ hát ngợi khen Chúa trong các cuộc nhóm họp của tín đồ Ðấng Christ được đem đối chiếu với sự ồn ào, phóng túng, nhộn nhịp, say sưa, ăn uống của người ngoại đạo khi họ thờ lạy hình tượng (câu 18, 19). Trong cuộc nhóm họp thờ phượng Chúa, sự hát thánh ca là phần tự nhiên, giản dị hơn hết, được ưa thích hơn hết, và thật làm phấn khởi phần thiêng liêng hơn hết. Nhưng trung bình cuộc nhóm họp trong nhà thờ rất ít có ca hát, mà lại có nhiều cái khác chẳng có ý nghĩa chi cả.
Vợ chồng (5:22-23). Nếu chúng ta là tín đồ Ðấng Christ, thì phải tỏ ra như vậy trong mọi mối liên quan của đời sống, như công việc làm ăn, xã hội và gia đình. Mối liên quan giữa vợ chồng được hình dung ở đây là đối chiếu của mối liên quan giữa Hội Thánh và Ðấng Christ (câu 25, 32). Phao-lô khuyên bảo vợ chồng phải yêu thương nhau, tận tụy vì nhau, và không hề gợi ý rằng đờn ông có quyền bắt vợ làm tôi mọi cho mình. Vợ chồng tùy thuộc lẫn nhau, vì trong xã hội loài người, vợ chồng có những thiên chức khác nhau. Khi phụng sự lẫn nhau, thì vợ và chồng phụng sự quyền lợi của mình đắc lực nhứt (câu 28). "Ai yêu vợ mình, thì yêu chính mình vậy." Hỡi người làm chồng, hãy chú ý!
Cha mẹ và con cái (6:1-4). Một trong Mười Ðiều răn dạy chúng ta phải hiếu kính cha mẹ đã sanh ra mình. Làm vậy, chúng ta sẽ được sống lâu. Ðó là một lời hứa của Ðức Chúa Trời và là một thực sự tự nhiên. Ở đây và ở Cô-lô-se 3:21, Phao-lô khuyên bảo cha mẹ chớ quá nghiêm khắc với con cái mình. Ðương thời ấy, quyền phụ mẫu thường khắc khe quá; còn thời nay thì lại thường lỏng lơi quá. Chỉ nói đến cha, vì mẹ tự nhiên nhân từ hơn. Chúng tôi ngờ rằng đương thời ấy, cha mẹ nuôi dạy con cái theo khuôn mẫu riêng của mình dễ dàng hơn ngày nay, vì con cái không sớm sủa và liên tục chịu nhiều ảnh hưởng ở ngoài gia đình như ngày nay.
Chủ, tớ (6:5-9). Phần nửa dân thành La-mã và phần lớn nhân dân của đế quốc La-mã làm tôi mọi. Nhiều tín đồ Ðấng Christ cũng làm tôi mọi. Ðây, Phao-lô bảo họ rằng sự trung tín hầu việc chủ mình là điều kiện cần thiết đầu tiên cho đức tin của mình nơi Ðấng Christ. Ðây là một sự dạy dỗ kỳ diệu: Trong khi làm công việc trần gian, dầu là hèn mọn như tôi tớ, chúng ta cũng luôn luôn ở dưới con mắt chăm xem của Ðấng Christ, để được Ngài khen ngợi hoặc bị quở trách, tùy theo ta xứng đáng thể nào. Người làm chủ cũng như vậy trong cách đối xử với tôi mọi của mình.
Giáp trụ của tín đồ Ðấng Christ (6:10-20). Khúc sách nầy chắc có ý nghĩa rằng tín đồ phải giao chiến với một cái gì mạnh hơn những sự cám dỗ tự nhiên của xác thịt. Trong thế giới vô hình có những quyền lực mà nếu không nhờ Ðấng Christ tiếp trợ, thì ta chẳng có sức đâu để đối địch với chúng. Lẽ thật, sự công bình, bình an, đức tin, sự cứu rỗi, Lời Kinh Thánh và sự cầu nguyện, đó là khí giới chống được các mũi tên của kẻ thù nghịch mà mắt ta không trông thấy.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.