TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI THÁNH

TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI THÁNH
Kinh Thánh: Công-vụ 8:1-7, 26-40
Câu gốc: “Đức Chúa Jêsus đến gần phán cùng môn đồ như vầy: Hết thảy quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi, và nầy ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:18-20).
Mục đích: Cho chúng ta thấy rằng Chúa Jêsus muốn Hội Thánh Ngài đem Tin Lành cho khắp muôn dân.
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Thứ Hai:
THÍ DỤ VỀ SỰ HẦU VIỆC
(Ma-thi-ơ 13:1-23)
Thứ Ba:
LỜI KÊU GỌI HẦU VIỆC
(Giăng 4:35-38)
Thứ Tư:
TẤM GƯƠNG TRUYỀN GIẢNG
(Lu-ca 10:1-2)
Thứ Năm:
SỨ MẠNG CỦA CHÚA JÊSUS
(Ma-thi-ơ 28:18-20)
Thứ Sáu:
BÀI HỌC VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP
(Công-vụ 8:26-40)
Thứ Bảy:
TỰ TRUYỆN CỦA MỘT NHÀ TRUYỀN GIÁO
(IITi-mô-thê 4:1-8, 16-18)

Hội Thánh gồm những người được cứu rỗi bởi ân điển của Chúa. Người được cứu rỗi trở nên con cái Chúa là người có giá trị. Người có giá trị là người có trách nhiệm và làm trọn trách nhiệm. Vậy trách nhiệm của Hội Thánh là gì?
I. CHÚA JÊSUS TRUYỀN LỆNH CHO HỘI THÁNH (Ma-thi-ơ 28:18-20)
Sau khi sống lại và trước khi về trời, Chúa cho các môn đồ biết rằng quyền hành của Ngài là vô cùng, vô hạn, cả trên trời lẫn dưới đất. Rồi Ngài truyền lệnh:
1. “VẬY HÃY ĐI KHIẾN MUÔN DÂN TRỞ NÊN MÔN ĐỒ TA”: Đó là bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem mà truyền giảng Danh Ngài cho mọi dân tộc về sự ăn năn để được tha tội. Đó là mắc nợ cả người Hy-lạp lẫn người dã man, cả người khôn ngoan lẫn người ngu dốt. Vì Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật. Công cuộc cứu rỗi nhân loại, Chúa đã hoàn thành, song nhân loại có được cứu rỗi hay không còn tùy thuộc các môn đồ có làm trách nhiệm của mình hay không.
Không phải chỉ 12 sứ đồ hoặc 120 môn đồ phải làm trách nhiệm truyền giảng Tin Lành cho mọi dân tộc đâu. Việc truyền giảng như vết dầu loang trên mặt nước, từ người này sang người khác, từ gần đến xa, từ ít đến nhiều, như một sợi xích có nhiều vòng nối lại. Khi một người đã được bạn bè hướng dẫn về với Chúa là một cái vòng mới thêm vào sợi xích, song người ấy không nên là cái vòng cuối cùng mà đến phiên mình phải hướng dẫn người khác thêm vào sợi xích đó làm một mối nữa. Cứ như vậy, làm sợi xích dài vô tận, không ai có thể đếm được là có bao nhiêu vòng. Đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Chúa là trách nhiệm của cá nhân.
2. “LÀM BÁP-TÊM CHO HỌ, NHÂN DANH CHA, CON VÀ THÁNH LINH”: Khi một tín đồ đã hiểu giáo lý căn bản và có dấu hiệu tái sanh, thì đáng được Báp-têm để hiệp nên một thân, có sự thông công trong Hội Thánh hữu hình cũng như Hội Thánh vô hình, trong Hội Thánh địa phương cũng như Hội Thánh phổ thông. Vì vậy, mỗi tín đồ nên ước ao sớm được Báp-têm nhân danh Chúa Ba Ngôi.
3. “VÀ DẠY CHO HỌ GIỮ HẾT CẢ MỌI ĐIỀU MÀ TA ĐÃ TRUYỀN CHO CÁC NGƯƠI”: Học giáo lý căn bản, kinh nghiệm sự tái sanh để chịu Báp-têm chỉ mới là bước đầu thôi. Sau đó cần phải học suốt đời giáo lý Cơ đốc, kinh nghiệm suốt đời ân huệ lớn lao của Chúa. Phải luôn luôn tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa. Vì càng biết Chúa, càng yêu Chúa, càng yêu Chúa, càng tin cậy Chúa, càng tin cậy Chúa, càng tôn vinh Chúa.
4. “NÀY TA THƯỜNG Ở CÙNG CÁC NGƯƠI CHO ĐẾN TẬN THẾ”: Đấng có toàn quyền trên vũ trụ ở với Hội Thánh cho đến tận thế để bảo đảm cho trách nhiệm của Hội Thánh được kết quả. Nên chúng ta vâng lệnh Chúa, Ngài đồng công với chúng ta. Có Ngài ở với, được Ngài đồng công thì chẳng có việc gì lớn và khó nào mà không thành. Đành rằng kẻ thù là ma quỷ dùng trăm mưu ngàn kế để phá hoại ngày và đêm, thì Chúa đã biết hết, mọi việc Ngài làm được, nên kẻ thù phải hối tiếc, đau đớn mà nhìn Hội Thánh tiến bộ không ngừng, chinh phục vô số tội nhân.
Tin cậy và vâng lời là hai yếu tố cần thiết để làm trọn trách nhiệm Chúa giao.
II. HỘI THÁNH VÂNG LỊNH CHÚA JÊSUS
Sau khi Chúa thăng thiên, Đức Thánh Linh giáng lâm, các sứ đồ bắt đầu truyền giảng:
1. TẠI GIÊ-RU-SA-LEM (Công-vụ 1:28): Dầu Hê-rốt, Phi-lát, dân Do Thái, dân ngoại bang đã họp nhau tại đây để đóng đinh Chúa Jêsus trên thập tự giá, thì Tin Lành cứu rỗi cần truyền giảng trước nhất cho họ, hầu họ có dịp ăn năn. Vì vậy, sau bài giảng của Phi-e-rơ có 3000 người tin Chúa. Rồi số đó lên đến 5000, đông lắm, nhiều lắm, tràn ra.
2. TẠI GIU-ĐÊ VÀ SA-MA-RI: Sau một thời gian mà Hội Thánh chỉ quanh quẩn tại Giê-ru-sa-lem chứ chưa nghĩ đến việc đem Tin Lành đi xa hơn. Nhờ cơn bắt bớ dữ dội xảy ra khi Ê-tiên bị ném đá, tín đồ phải bỏ Giê-ru-sa-lem hay tan tác đến nhiều nơi trong Giu-đê và Sa-ma-ri, truyền giảng Tin Lành. Tại Sa-ma-ri, Phi-líp giảng một cách quyền năng, có kết quả lớn lao. Ông cũng được Chúa sai đến Ga-xa để hướng dẫn hoạn quan Ê-thi-ô-pi về với Ngài, và quan ấy đã đem Tin Lành truyền giảng cho lục địa Phi Châu.
3. TẠI ĐA-MÁCH VÀ AN-TI-ỐT, XỨ SY-RI: Sau-lơ đuổi theo các tín đồ tại Đa-mách để bắt bớ họ, song dọc đường, ông bị Chúa bắt phục trở nên sứ đồ của Ngài. Cơn bắt bớ đã đem Tin Lành đến Đa-mách, An-ti-ốt và cùng đến đảo Chíp-rơ, đến xứ Phê-ni-xi. Nơi nào cũng có kết quả rất nhiều… (Công-vụ 11:19-21).
4. TẠI AN-TI-ỐT VÀ CÁC NƯỚC Á CHÂU, ÂU CHÂU: Bấy giờ một cơn phục hưng xảy ra tại An-ti-ốt qua chức vụ của Ba-na-ba và Phao-lô, biến An-ti-ốt trở thành trung tâm truyền giáo cho thế giới. Hội Thánh An-ti-ốt trở thành trung tâm truyền giáo cho thế giới. Hội Thánh An-ti-ốt đã cử hai giáo sĩ là Phao-lô và đoàn truyền giáo đem lại nhiều kết quả lớn lao.
Suốt hai thế kỷ đầu tiên, Hội Thánh đã chịu bắt bớ dữ dội. Có khi chỉ trong một ngày 500 tín đồ bị giết. Các bạo quan của La-mã ông này thì tẩm dầu lên tín đồ, cột họ vào các trụ, rồi châm lửa làm những cây đuốc sống, ông kia thì ném tín đồ vào chuồng sư tử tại hí trường để làm trò giải trí. Các tín đồ bị giết bằng đủ mọi cách ghê gớm nhất. Song họ vẫn trung tín theo Chúa, truyền giảng Tin Lành của Ngài cho đến chết. Họ đã truyền giảng bằng lời nói mà cũng chính bằng đời sống hy sinh như vậy, nên Hội Thánh trong hai thế kỷ đó được phát triển mạnh mẽ.
Từ sau thế kỷ thứ hai đến nay, Hội Thánh Chúa trên thế giới cứ tiếp tục truyền giáo Tin Lành. Người thì phiên dịch Kinh Thánh, kẻ thì tổ chức Trường Chúa Nhật, người thì mở trường dạy Kinh Thánh, kẻ thì dâng mình làm giáo sĩ, kẻ thì viết sách, người thì soạn nhạc, người thì dâng tiền bạc, kẻ thì dâng của cải… Mỗi người một cách hoạt động trong một công trường thuộc linh vĩ đại là truyền giảng Tin Lành cứu rỗi tội nhân, xây dựng Hội Thánh ngày càng mạnh mẽ như lịnh Chúa ban ra. Nhờ đó, Tin Lành đã đến Việt Nam, Hội Thánh Việt Nam đã được thành lập từ năm 1911. Ban đầu chỉ có một người Việt Nam tin nhận Chúa, ngày nay có hàng mấy mươi vạn người Việt Nam tin Ngài. Tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa.
III. CÔNG VIỆC CỦA CHÚNG TA TRONG HỘI THÁNH
Trong phạm vi trách nhiệm của chúng ta đối với đồng bào, chúng ta phải làm gì? Hàng triệu người chưa được nghe tình thương của Đức Chúa Trời đối với mình, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài chịu chết đền tội cho mình. Ngoài ra, sự cứu rỗi không phải là vấn đề truyền thống hễ cha mẹ tin Chúa thì con cái đương nhiên được cứu, song mỗi người tin Chúa cách riêng mới được cứu. “Hãy tin Chúa Jêsus thì ngươi và cả nhà sẽ được cứu rỗi”. Câu đó không có nghĩa là truyền thống mà chỉ là ảnh hưởng, khi một người tin Chúa là mở đường, là tạo cho người trong gia đình có cơ hội biết Chúa, để tin Ngài mà được cứu rỗi. Song nếu có người không chịu tin, thì cũng bị hư mất.
“Đâu có ý chỉ, đó có phương pháp”. Các bạn hãy tìm phương pháp giới thiệu Chúa Jêsus cho người thuộc phạm vi trách nhiệm của bạn. Trong nhà có cha mẹ, con cái, anh chị em, bà con, họ hàng. Ngoài nhà có thân hữu, láng giềng quen thuộc. “Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình, ấy là đã làm trọn luật pháp” (Rô-ma 13:8).
CÂU HỎI
1.      Hãy giải thích 3 phần trong lệnh truyền của Chúa?
2.      Tại sao một người tin Chúa, chịu Báp-têm vẫn chưa đủ?
3.      Điều gì bảo đảm cho trách nhiệm của Hội Thánh sẽ hoàn thành tốt đẹp?
4.      Hội Thánh đầu tiên đã vâng lệnh Chúa truyền giảng trước nhất tại đâu?
5.      Cơ hội nào đã thúc đẩy họ truyền giảng cho Giu-đê và Sa-ma-ri?
6.      Hội Thánh nào là trung tâm truyền giáo lúc bấy giờ?
7.      Hai nhà truyền đạo đầu tiên là ai?
8.      Trong hai thế kỷ đầu tiên Hội Thánh đã gặp cơn bắt bớ thế nào?
9.      Từ đó đến nay, Hội Thánh đã làm gì mà vẫn tồn tại và truyền đến Việt Nam ta?

  1. Chúng ta phải làm gì cho đồng bào? 

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.