Nếu không có hy vọng chắc chắn sẽ được bất diệt, thì đời sống trần gian chỉ là hư không, và điều đó đã được chứng minh bởi từng trải Sa-lô-môn.
Sa-lô-môn, tác giả sách nầy, là vị vua danh tiếng nhứt và oai hùng nhứt thế giới đương thời ông, nổi danh vì sự khôn ngoan, giàu có và sự nghiệp văn chương; xem thêm ở I Các vua 4 và 9.
"Hư không của sự hư không, thảy đều hư không," đó là luận đề của sách nầy. Nó cũng thể hiện sự cố gắng hiến một câu đáp triết lý phải làm thế nào để sống tốt nhứt trong một thế giới mà mọi sự là hư không. Sách nầy chứa nhiều điều đẹp đẽ tột bậc và khôn ngoan tuyệt vời; nhưng điệu nhạc chính của nó thật là buồn rầu, não nuột khôn tả, thật khác hẳn sự vui mừng, hớn hở của các Thi Thiên. Trong cuộc tranh đấu dai dẳng và gây go để xây dựng vương quốc, Ða-vít, cha của Sa-lô-môn, luôn luôn reo hò, vui mừng, ca hát và ngợi khen Ðức Chúa Trời. Còn Sa-lô-môn ngồi bình an, yên ổn trên ngôi vua mà Ða-vít đã kiến tạo, có của cải, danh vọng, huy hoàng, oai lực khó mơ tưởng, và sống trong xa hoa gần như là thần thoại; ông là người duy nhứt trên cả thế giới mà ta có thể gọi là sung sướng. Tuy nhiên, dầu một trong những kết luận triết lý của ông là loài người đáng phải vui mừng, nhưng điệp khúc không dứt của ông lại là: "Thảy đều hư không," và quyển sách nầy, là tác phẩm của ông lúc tuổi già, khiến ta có cảm tưởng rõ rệt rằng ông không phải là người sung sướng. Ông dùng chữ "hư không" 37 lần.
"Sự đời đời" (3:11 -- hoặc dịch là "cõi đời đời" thì hơn) có thể gợi cho ta ý tưởng then chốt của sách nầy. Nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ dùng chữ nầy bảy lần (1:4, 10; 2:16; 3:11, 14; 9:6; 12:5); và dịch nhiều cách khác nhau: "luôn luôn," "sự đời đời," "từ lâu" "Ngài đã đặt Cõi Ðời Ðời ở nơi lòng loài người." Trong nơi sâu thẩm của bổn tánh mình, loài người thèm khát những sự vật đời đời mà không chi ở trần gian có thể thỏa mãn. Nhưng đương thời ấy, Ðức Chúa Trời không khải thị nhiều về những sự vật đời đời. Nhiều chỗ trong Cựu Ước có ngụ ý nói đến hoặc nói thoáng qua về đời sau, và Sa-lô-môn dường như đã có những ý niệm mơ hồ về đời sau. Nhưng chính ÐẤNG CHRIST đã "dùng Tin Lành phô bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ ràng" (II Ti-mô-thê 1:10). Bởi sống lại từ trong kẻ chết, Ðấng Christ đã chứng minh hiển nhiên cho thế giới rằng chắc chắn có sự sống bên kia mồ mả. Sống 1000 năm trước Ðấng Christ, Sa-lô-môn chắc không thể có niềm tin quyết chắc về đời sau mà Ðấng Christ đã ban cho thế giới. Nhưng Sa-lô-môn đã thấy đời sống trần gian tốt đẹp nhứt. Chúng ta hầu như không thể suy nghĩ về một điều nào mình muốn làm hoặc muốn có mà Sa-lô-môn lại không thể làm hoặc có tới cực độ; không có một thị dục nào mà ông không thể làm thỏa mãn bất cứ lúc nào mình muốn; ông dường như đã nhứt định rằng công việc chánh yếu ở đời là làm thỏa mãn các thị dục của mình, để xem thử mình được hoan lạc tới mực nào. Sách nầy chứa triết lý của Sa-lô-môn về đời người, và suốt cả sách có một điệu bi ai khôn tả xiết, dường như Sa-lô-môn nói rằng: "Không có gì đáng kể trong cách tôi đã sống đời mình. Thảy là hư không và làm cho ta phật ý."
Tại sao một quyển sách như vậy lại có thể là Lời Ðức Chúa Trời? Vì Ðức Chúa Trời đã truyền chép nó ra. Không phải tất cả ý tưởng của Sa-lô-môn là của Ðức Chúa Trời (xem lời chú giải I Các vua 11). Song những lời dạy dỗ hiển nhiên, tổng quát của sách nầy là do Ðức Chúa Trời. Ngài đã ban cho Sa-lô-môn sự khôn ngoan và cơ hội vô song để xem xét và dò biết mọi ngành của đời sống trần gian. Sau nhiều ngày nghiên cứu và thí nghiệm, Sa-lô-môn kết luận rằng nói chung, loài người ít tìm thấy hạnh phước lâu bền trong cuộc đời; và ông nhận thấy trong lòng mình có sự mong ước được một cái gì ở ngoài mình, nói ra khôn xiết. Vậy, sách nầy như đã vang lên tiếng loài người kêu xin cho được một Cứu Chúa.
Khi Ðấng Christ ngự đến, thì sự "hư không" của đời tiêu mất. Tiếng kêu la đã được đáp lại. Chẳng còn "hư không" nữa, nhưng là "vui mừng," bình an," và "sung sướng." Thậm chí Ðức Chúa Jêsus chẳng hề dùng chữ "sự hư không," nhưng phán nhiều về "sự vui mừng" của Ngài ngay cả dưới bóng Thập tự giá. "Vui mừng" là một trong những danh từ chánh yếu của Tân Ước. Trong Ðấng Christ, loài người đã tìm được cái mà mọi thời đại mong ước, tức là sự sống đầy dẫy, tràn ngập, vui vẻ, vinh hiển, đời đời.
Ðoạn 1, 2, 3, 4.-- Thảy đều hư không. Trong một thế giới mà mọi sự qua đi và chẳng làm cho thỏa mãn, Sa-lô-môn bèn lo trả lời câu hỏi nầy: "Trong một thế giới như vậy, ta giải quyết vấn đề đời sống thể nào?" (1:3, 13, 17; 2:3; 3:9; 5:16; 6:12; 8:16). Ðoạn 1. Một lời suy gẫm về sự buồn tẻ vô tận của mọi sự trần gian. Ðoạn 2. Sa-lô- môn cảm thấy mọi công nghiệp lớn lao của mình chỉ là hư không, trống rỗng và vô ích. Cả đến sự khôn ngoan mà Sa-lô-môn chuyên tâm tìm kiếm và quí chuộng biết bao, cũng làm cho ông thất vọng (1:17, 18; 2:13). Ðoạn 3.Nói chung, những cuộc truy hoan và khoái lạc của loài người chỉ là chạy theo gió. Ðoạn 4. Mọi sự hóa ra tồi tệ hơn vì cớ tội ác và sự hung bạo của loài người tràn ngập. Nghĩ đến tình trạng ấy, Sa-lô-môn bắt kêu lên rằng: "Thà chẳng sanh ra còn hơn" (2:17; 4:2, 3; 6:3; 7:1).
Ðoạn 5 đến 10.-- Những châm-ngôn linh tinh, xen vào giữa có nhiều điều nhận xét khác nhau, liên quan đến tổng đề của sách nầy. Văn thể mà Sa-lô-môn ưa thích là thể châm-ngôn (xem lời chú giải sách Châm Ngôn). Ðoạn 7:27, 28 dường như nói qua đến hậu cung của Sa-lô-môn. Ông đã có một ngàn người vợ (I Các vua 11:1-11). Do đoạn 7:26-28, ta đoán rằng ông đã khó giữ những cung phi bất chánh của mình trong vòng đạo nghĩa.
Ðoạn 11, 12.-- Sa-lô-môn đáp lại câu hỏi dùng làm luận đề của ông: "Trong một thế giới mà thảy là hư không, thì loài người nên làm chi?" Câu đáp của ông rải rác khắp cả sách, và tóm tắt ở phần cuối: Hãy ăn, uống, vui chơi, làm lành, sống yên vui bên cạnh vợ mình, bất cứ tay mình thấy phải làm gì, hãy hết sức mà làm (2:24; 3:12, 13, 22; 5:18; 8:15; 9:7-10; 11:1, 9), và trên hết, hãy Kính Sợ Ðức Chúa Trời, chăm chú vào ngày phán xét sau cùng (3:14, 17; 5:7; 7:18; 8:12, 13; 11:9; 12:1, 13, 14). Dầu đã hết lời than phiền về tánh chất của muôn vật thọ tạo, nhưng Sa-lô-môn không chút nghi ngờ sự thực hữu và công bình của Ðấng Tạo Hóa. "Ðức Chúa Trời" được ghi danh rất ít là 40 lần trong sách nầy.
Câu hỏi của Sa-lô-môn được đáp lại đầy đủ ở thơ Rô-ma 8:18-25, tại đó Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng đối với con cái Ðức Chúa Trời, thế giới hư không nầy sẽ được thay thế bằng một thế giới vinh hiển đời đời.