ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA BAN CHO

ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA BAN CHO
Kinh Thánh: IICô-rinh-tô 8:1-15; Ma-la-chi 3:8-10
Câu gốc: “Và từ nay, các ngươi khá lấy điều này mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!” (Ma-la-chi 3:10)
Mục đích: Khuyến khích mỗi chúng ta dâng thì giờ, ân tứ, tiền bạc cho Chúa.
MỆNH LỆNH ĐỂ VÂNG THEO: “Hãy cho, thì các ngươi sẽ được lại” (Lu-ca 9:38)
LỜI CẦU NGUYỆN ĐỂ DÂNG LÊN: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết ban cho, không phải phàn nàn hay là vì ép uổng, vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng (IICô-rinh-tô 9:7).
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
DÙNG LỜI CẦU NGUYỆN
(Giăng 14:11-26)
Thứ Hai:
CÁCH DÙNG THÌ GIỜ
(Truyền-đạo 12:1; Ê-phê-sô 5:16; IPhi-e-rơ 4:1-5)
Thứ Ba:
SỰ HẦU VIỆC CHÚA
(Ma-thi-ơ 25:14-30; Công-vụ 2:41-47; ICô-rinh-tô 3:9)
Thứ Tư:
SỬ DỤNG TIỀN BẠC
(A-ghê 2:8; Ma-la-chi 3:8-10; ITi-mô-thê 6:17-18)
Thứ Năm:
CÁCH DÙNG TÀI SẢN
Lê 27:30-32; Thi 24:1)
Thứ Sáu:
ĐỨC CHÚA TRỜI BAN CHO
(Giăng 3:16; Rô-ma 6:23; 8:32; IICô-rinh-tô 9:15; Gia-cơ 1:17)
Thứ Bảy:
CHÚNG TA SẼ CHO NHƯ THẾ NÀO?
(Lu-ca 6:38; Công-vụ 20:35; IICô-rinh-tô 9:6-7)

Mọi điều chúng ta có đều thuộc về Đức Chúa Trời, thậm chí chính mình chúng ta cũng thuộc về Ngài, vì cả vũ trụ là của Ngài.
“Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó đều thuộc về Đức Giê-hô-va” (Thi 24:1).
“Bạc là của ta, vàng là của ta, Đức Giê-hô-va Vạn Quân phán vậy” (A-ghê 2:8). “Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến, mà mọi vật chúng tôi đã dâng cho Chúa, chẳng qua là thuộc về Chúa” (ISử-ký 29:14).
Nhưng Chúa giao cho chúng ta mọi sự như kể trên theo tư cách chúng ta là quản gia, chỉ có quyền quản lý tài sản của Ngài. “Vậy, ai nấy hãy coi chúng ta như đầy tớ của Đấng Christ và kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời” (ICô-rinh-tô 4:1). “Mọi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (IPhi-e-rơ 4:10).
Thế thì, anh chị em và tôi là quản gia của Chúa. Mạng lịnh của Chúa cho các quản gia là gì? – Ban cho, phân phát, phục vụ, sinh lợi. Ai nấy phải sử dụng thì giờ, cơ hội, ân tứ, khả năng, tiền bạc, của cải để làm lợi cho nhà Đức Chúa Trời là Hội Thánh.
I. CÁCH SỬ DỤNG THÌ GIỜ
Chúa cho mỗi người có thì giờ. Thì giờ rất quý, quý hơn tiền bạc. Tiền bạc mất còn dễ kiếm tiền bạc khác, song thì giờ qua rất khó tìm thì giờ nữa. Đời chúng ta rất ngắn ngủi, nên thì giờ rất hiếm hoi. Viết thơ cho tín đồ, Phao-lô khuyên: “Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu” (Ê-phê-sô 5:15-16).
Người khôn ngoan là người xem quý thì giờ và biết lợi dụng thì giờ. Không đợi ngày mai, vì ngày mai là ngày không có. Chúng ta không có quyền ở ngày mai. Việc gì nên làm, phải làm, thì làm ngay bây giờ. “Kìa hiện nay là thì thuận tiện, kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi” (IICô-rinh-tô 6:2).
Hãy chụp lấy cơ hội, vì nó có cánh bay rất mau, không tìm lại được, nhất là cơ hội hầu việc Chúa. Bao nhiêu người đã bỏ mất thì giờ, cơ hội quý hơn vàng, trong khi đáng phải sử dụng vào việc của Chúa. Chúng ta chớ như người dại dột nữa, nhưng như người khôn ngoan. Bà Ê-xơ-tê đã có một cơ hội tốt nhất để hầu việc Chúa, cứu giúp đồng bào mình mà Mạc-đô-chê gọi là cơ hội nầy (Ê-xơ-tê 4:12-15). Ê-xơ-tê là người khôn ngoan, đã tận dụng thì giờ và cơ hội Chúa cho, nên bà đã cứu giúp được đồng bào mình trong cơn tuyệt vọng. Chúa cũng cho chúng ta mỗi người có thì giờ và cơ hội như vậy để hầu việc Ngài tùy phạm vi và quyền hạn của chúng ta.
Môi-se sống 120 tuổi, song so với cõi đời đời, ông cảm thấy thì giờ của ông ngắn ngủi quá. Ông đã kêu lên: “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày của chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi 90:12). Chúng ta không đếm cát đá mà đếm vàng bạc vì vàng bạc rất quý. Chúng ta cũng phải đếm mỗi ngày Chúa cho chúng ta sống, nghĩa là xem chúng ta rất quý và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ để được ích lợi tối đa. Nhiều người đã không quý trọng những ngày Chúa cho mình như quý trọng vàng bạc, nên họ đã phung phí một cách oan uổng trong cuộc cờ, chén rượu. Xin mỗi chúng ta hãy cầu nguyện như Môi-se.
Phao-lô cũng là người khôn ngoan. Sau khi gặp Chúa, ông đã bắt đầu làm chứng cho người thành Đa-mách, trở về Giê-ru-sa-lem, ông làm chứng cho người tại đó. Trọn một năm, ông hiệp tác với Ba-na-ba gây dựng Hội Thánh An-ti-ốt. Kế đó ông được Chúa sai đi 3 vòng truyền giáo cho thế giới với Ba-na-ba và Si-la. Khi dừng chân lại một nơi nào, ông lấy thì giờ viết thơ. Ông đã viết 9 thơ tín gởi cho các Hội Thánh, cho Ti-mô-thê và cho Tít. Trong 2 năm ngồi tù tại La-mã, ông đã viết 4 thơ tín cho các Hội Thánh Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, và cho ông Phi-lê-môn. Trước mặt các trưởng lão Ê-phê-sô, Phao-lô xác nhận ông không tránh né trách nhiệm giảng Tin Lành cho họ, nên ông khẳng định rằng ông tinh sạch về huyết của họ (Công-vụ 20:20, 27). Từ khi tin Chúa cho đến ngày qua đời, Phao-lô chỉ có thời gian 30 năm. Ông đã tận dụng thì giờ ngắn ngủi đó để hầu việc Chúa.
II. CÁCH SỬ DỤNG ÂN TỨ
Trong Ma-thi-ơ 25:14-30, Chúa dùng thí dụ về một người chủ có nhiều đầy tớ. Trước khi đi xa, ông giao cho mỗi người một số ta-lâng bạc để làm lợi ra. Chúa muốn nói về các ân tứ đã ban cho chúng ta để hầu việc Ngài. Người nầy 5, người kia 2, người nọ 1, tùy tài năng của mỗi người. Song kết quả khác nhau, theo lòng trung tín hay không. Nhờ hầu việc Chúa, người nhận 5 làm lợi được 5; người nhận 2 làm lợi được 2. Cả hai đều được Chúa khen thưởng y như nhau. Song người nhận 1 đem đi chôn, không làm gì nữa cả. Khi tính sổ, Chúa trách: “Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác… đầy tớ vô ích”. Người nầy không hề được khen thưởng mà chỉ bị quở phạt.
III. CÁCH SỬ DỤNG TIỀN BẠC
Chúa cho chúng ta quyền quản lý tiền bạc, cũng như quản lý thì giờ và ân tứ. Chúng ta không là chủ của tiền bạc, Chúa mới là chủ. Vậy, chúng ta phải sử dụng tiền bạc đúng với mạng lệnh của Chúa vì ai nấy còn phải tính sổ với Ngài.
Ví dụ: Về thì giờ, chúng ta tưởng rằng mỗi tuần có 7 ngày chúng ta dùng ngày thứ nhất để thờ phượng Chúa, và 6 ngày còn lại chúng ta được tự do, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Không! Cả 7 ngày đều thuộc về Chúa. Chúng ta không phép dùng một ngày một giờ nào đi đâu, làm gì không đẹp lòng Ngài. Về tiền bạc, chúng ta tưởng rằng sau khi dâng phần mười, 9 phần còn lại chúng ta được tự do, muốn tiêu pha thế nào tùy ý. Không! 9 phần kia cũng thuộc về Chúa cả. Chúng ta có thể dùng một số đó mua thức ăn, quần áo và mọi vật cần thiết, mà không được phép mua một đồng thuốc lá hoặc một đồng rượu, hay một đồng vé hát. Chúa đã chịu đổ huyết vô cùng quý báu không phải chỉ để được một phần bảy thì giờ, phần mười tiền bạc của chúng ta, mà để được chúng ta trọn vẹn trăm phần trăm..
Sau khi đã dâng một phần mười vào ngân quỹ Hội Thánh, còn 9 phần kia chúng ta chỉ dùng cho mình? Không! Phải dùng số tiền đó cho nhu cầu của người khác nữa.
Đức Chúa Trời là Đấng ban cho, đã ban cho muôn vật, thậm chí cũng ban cho Con Độc Sanh của Ngài. Ngài muốn chúng ta là kẻ quản lý tài sản của Ngài cũng phải ban cho. Ban cho thì có phước hơn nhận lãnh.
Phao-lô đã viết về Hội Thánh Ma-xê-đoan (IICô-rinh-tô 8:1-5):
Câu 2. Đang khi gặp nhiều hoạn nạn thử thách thì rất nghèo khổ là đương nhiên, song chính lúc ấy, họ đã rộng rãi ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình. Tiền bạc quá eo hẹp, song lòng quá rộng rãi, tiền bạc quá thiếu thốn, song lòng quá dư dật.
Câu 3 và 4. Khi nghe tín đồ Giê-ru-sa-lem đói kém, họ nài xin Phao-lô cho họ được dự phần giúp đỡ. Chắc ban đầu Phao-lô từ chối vì thấy họ nghèo quá, song cuối cùng ông chấp nhận. Khi được phép họ lạc quyên hết sức, hoặc quá sức. Họ muốn được quyên tiền, họ muốn được ban cho.
Câu 5. Phao-lô không ngờ họ quyên được nhiều quá điều ông tưởng. Bí quyết là họ đã dâng mình cho Chúa. Đã dâng mình cho Chúa nên rất dễ mà chịu nhiều hoạn nạn, thử thách, rất dễ mà ban cho, không có tiếc chi cả, có tiếc chăng là tiếc không được ban cho.
Trước đây hơn 10 năm, một thanh niên tín đồ từ Trung Hoa Lục địa ra nước ngoài. Anh đã làm chứng tại một đại hội Tin Lành: “Hội Thánh Trung Hoa ngày nay, không còn là một Hội Thánh nhận lãnh mà là một Hội Thánh ban cho. Mỗi nhóm tín đồ đều dâng tiền mình không ai chịu nhận. Tiền đó chỉ dành cho người đau yếu, thiếu thốn”.
Nguyện Việt Nam là một Hội Thánh ban cho.
CÂU HỎI
1.      Chức vụ Chúa giao cho mỗi chúng ta là gì?
2.      Chúng ta phải lợi dụng thì giờ để làm gì?
3.      Đếm các ngày của mình có nghĩa là gì?
4.      Chúa ban ân tứ cho mỗi chúng ta để làm gì?
5.      Tại sao có một đầy tớ Chúa phải bị trách phạt?
6.      Tại sao chúng ta đã dâng một phần mười tiền bạc mà vẫn chưa đủ?
7.      Ngoài dâng phần mười cho Chúa ra, chúng ta phải phải dùng tiền bạc làm gì nữa?
8.      Hội Thánh Maxêđoan là một Hội Thánh thế nào?
9.      Hội Thánh Trung Hoa ngày nay là một Hội Thánh thế nào?

      10. Chúng ta muốn Hội Thánh Việt Nam như thế nào?



 

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.