Vài hàng về soạn giả
Mục sư Ðoàn Văn Miêng sinh ngày 1-1-1914
tại làng Giai Xuân tỉnh Cần Thơ trong một gia đình nho giáo
gồm có 2 anh trai và 5 chị gái.
Ông được nghe giảng Tin lành lần đầu tiên vào năm 1931,
tin nhận Chúa vào năm 1933 tại Hội thánh Ô Môn.
Ông dâng mình hầu việc Chúa vào năm 1935
và theo học ở Trường Kinh Thánh Ðà Nẵng.
Năm 1937, ông được bổ nhiệm đến Hội thánh Trà Ôn 2 năm
và Hội thánh Gia Rai 4 tháng.
Ông trở về Trường Kinh Thánh
và tốt nghiệp Thần học vào năm 1942.
Ông tiếp tục hầu việc Chúa tại
các Hội thánh Lộc Thuận, Bình Ðại, Mỹ Tho và Tân Thạnh.
Năm 1943, ông được phong chức Mục sư,
làm chủ tọa Hội thánh Bến Tre năm 1944,
Hội thánh Hàm Long năm 1948
và Hội thánh Long Xuyên vào năm 1953.
Năm 1956, ông được mời làm
Giáo sư Trường Kinh Thánh Ðà Nẵng.
Năm 1960, ông được cử làm Chủ Nhiệm Ðịa Hạt Trung Phần
và đến tháng 8 năm 1960,
ông giữ Chức vụ Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam
cho đến năm 1976.
Từ đó ông giữ chức vụ Phó Hội Trưởng cho đến khi
ông về với Chúa vào ngày 19 tháng 12 năm 1994,
ông hưởng thọ được 80 tuổi.
Cách Sử Dụng
I. Cách sử dụng bài học (Phần dành cho giáo viên)
1. Xin giáo viên đừng cầm bài học mà đọc từng chữ cho học viên nghe. Vì làm vậy họ sẽ chán. Giáo viên nên đọc bài học nhiều lần ở nhà riêng, làm dấu bằng viết mực hay viết chì màu những chổ quan trọng, những câu kinh thánh phải trưng dẫn để khi nhìn vào là biết ngay mình phải nói gì. Giáo viên có thể dùng lời riêng của mình mà diễn tả ý nghĩa của bài học, không cần phải dùng đúng mỗi lời trong đó. Cách này khiến cho các giáo viên tự do nhìn thẳng vào học viên nói chuyện cùng họ, khiến họ chú ý, nhất là giữa giáo viên và học viên có sự cảm thông với nhau.
2. Sau mỗi bài học có một số câu hỏi. Ðành rằng sau khi dạy xong, giáo viên cần ôn lại bằng những câu hỏi đó để xem học viên có lãnh hội được sự dạy dỗ hay không. Tuy nhiên nếu giáo viên vừa dạy vừa hỏi để học viên trả lời ngay không cần ôn lại cũng được, vì học viên đã trả lời hết rồi. Ngoài ra, cách này còn làm cho lớp học hào hứng, hấp dẫn thêm.
3. Sau khi dạy xong bài học, giáo viên xin mỗi học viên viết đại ý, sự dạy dỗ, sự cảm động của bài học đó rồi nộp cho giáo viên vào tuần tới. Cách này sẽ giúp học viên tiến bộ nhanh chóng đồng thời làm nền tảng cho sự khen thưởng của giáo viên mỗi tháng hay mỗi ba tháng.
4. Nếu học viên vô tình ngồi rải rác, giáo viên nên mời họ ngồi lại gần nhau thành một nhóm nhỏ. Như vậy sẽ khiến mỗi học viên chú ý nghe, giáo viên không cần phải nói lớn, khỏi làm ồn cho lớp học bên cạnh.
5. Nếu có một buổi học vì thời tiết, hoặc vì một một việc bất thường nào mà chỉ có rất ít học viên, xin giáo viên cũng cứ giữ lớp mình, đừng bao giờ sáp nhập với một lớp khác. Dầu chỉ có một người, giáo viên vẫn có thể dạy một bài học rất hay như Chúa Giê-xu đã dạy cho Ni-cô-đem, cho người đàn bà Sa-ma-ri.
II. Cách soạn bài dạy
Trước hết, giáo viên phải dọn lòng mình. Hãy xin Chúa ba điều:
1. Xin Chúa dạy bạn bài học này để bạn có thể dạy lại cho học viên.
2. Xin Chúa cảm động bạn qua lời của Ngài để khi bạn dạy, học viên cũng chịu sự cảm động.
3. Xin Chúa cho bạn thấy đúng nhu cầu của học viên trong lớp bạn và bạn có sự khôn ngoan để biết đúng lời Ngài mà đáp ứng các nhu cầu ấy.
Kế đó, bạn soạn bài dạy. Hãy nhớ lại bài học tuần qua và xem đại ý bài học tuần tới, để biết bạn đang ở đâu, trong khung cảnh nào. Vì luôn luôn có một cái móc giữa bài học này với bài học kia mà bạn cần phải nối lại. Trong mỗi bài học có một vài điểm thích ứng với nhu cầu lớp bạn, phải nhấn mạnh các điểm ấy. Có điểm nào không rõ ràng , học viên khó hiểu, bạn nên dùng một thí dụ, một hình ảnh để soi sáng. Mỗi bài học đều có một mục đích ghi sẵn ở phần đầu, bạn dạy thế nào để đạt mục đích đó.
Một bữa cơm ngon phải do một đầu bếp khéo. Dầu đầu bếp khéo cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cậy ân điển và quyền năng của Chúa mà thi hành trách nhiệm. Ðược vậy chắc chắn bạn sẽ luôn luôn thành công.