Xa-cha-ri



Xây lại Ðền thờ, Dự ngôn về Ðền thờ tương lai vĩ đại hơn
Những sự hiện thấy về Ðấng Mê-si hầu đến và về Nước Ngài gồm cả thế giới.


Xa-cha-ri đồng thời với A-ghê. A-ghê dường như là một người cao tuổi lắm, còn Xa-cha-ri lại dường như trẻ tuồi lắm, vì ông là cháu ni của Y-đô đã trở về Giê-ru-sa-lem 16 năm trước (Nê-hê-mi 12:4, 16). A-ghê đã giảng 2 tháng và công việc xây cất Ðền thờ đã bắt đầu, thì Xa-cha-ri mới khởi sự. Chức vụ của A-ghê chép trong sách tổng cộng được gần 4 tháng; còn chức vụ của Xa-cha-ri chép trong sách tổng cộng được chừng 2 năm. Nhưng chắc suốt cả 4 năm, hai ông đã chuyên cần giục giã, khuyến khích, giúp đỡ và sánh vai làm việc cho Ðền thờ được hoàn thành.
Sách Xa-cha-ri lớn hơn sách A-ghê bội phần. Nó đầy dẫy những tia sáng của Ðấng Mê-si, và ghi nhiều chi tiết theo nghĩa đen về đời sống và công vụ của Ðấng Christ.

Ðoạn 1:1-6 -- Bị lưu đày vì không vâng lời Ðức Chúa Trời
Bài giảng mở đầu của Xa-cha-ri ở giữa các bài giảng thứ hai và thứ ba của A-ghê, tức là giữa câu 9 và câu 10 của đoạn 2, sách A-ghê. Lúc đó, công việc xây cất Ðền thờ đã tiến hành được hơn một tháng, và vẻ tầm thường rõ rệt của nó đang làm cho dân chúng buồn lòng. Xa-cha-ri cảnh cáo họ rằng họ càng ngày càng hiển nhiên có khuynh hướng quay về đường lối của tổ tiên không vâng lời Ðức Chúa Trời, -- chính đường lối ấy đã đưa họ đến tình trạng khốn nạn hiện tại. Ðoạn, ông tiếp tục khích lệ họ bằng những sự hiện thấy mà Ðức Chúa Trời đã ban cho ông về tương lai huy hoàng.

Ðoạn 1:7-11.-- Sự hiện thấy về bầy ngựa
Từ đây cho đến hết đoạn 6, chỉ có ghi chép thời gian một lần (1:7), là lúc công việc xây cất Ðền thờ đã tiến hành được chừng 5 tháng rồi. Vậy, chúng ta đoán rằng các sự hiện thấy đã tiếp theo nhau và chắc đã được chép liền.
Sứ điệp của Ðức Chúa Trời truyền qua các đấng tiên tri thường do Thần của Ðức Chúa Trời trực tiếp cảm hóa tâm trí của các tiên tri ấy. Nhưng đây, sứ điệp truyền qua một thiên sứ nói chuyện nhiều lần với Xa-cha-ri. Xem lời chú giải về thiên sứ ở dưới sách Ma-thi-ơ 4:11.
Sự hiện thấy về bầy ngựa có nghĩa là cả thế giới nằm yên dưới bàn tay sắt của đế quốc Ba-tư, và vua của đế quốc ấy, là Ða-ri-út, có lòng tốt đối với dân Do-thái và đã ra chiếu chỉ cho xây cất Ðền thờ. Vậy, thời cơ thuận hiệp để tiến hành công việc. Kết luận, sự hiện thấy nầy quả quyết rằng một lần nữa, Giê-ru-sa-lem sẽ là một đô thị lớn lao và thạnh vượng (xem ở dưới đoạn 2).

Ðoạn 1:18-21.-- Sự hiện thấy về sừng và thợ rèn
Bốn cái sừng chỉ về các nước đã hủy diệt Giu-đa và Y-sơ-ra-ên. Bốn người thợ rèn (bản "Authorized Version" dịch là: thợ mộc) chỉ về những kẻ mà Ðức Chúa Trời dùng để hủy diệt các nước ấy. Ðó là một cách nói bóng rằng các cường quốc đang làm bá chủ thế giới sẽ bị phá tan và Giu-đa lại được tôn cao. Ðức Chúa Trời hùng mạnh hơn các vua chuyên chế đời nầy. Ðức Chúa Trời ngự trên ngôi, ngay cả khi dân Ngài tạm thời bị đánh bại.

Ðoạn 2.-- Sự hiện thấy về dây đo
Một đoạn sách vĩ đại. Ðây là dự ngôn về Giê-ru-sa-lem đông dân, thạnh vượng, an ninh đến nỗi tràn qua vách thành, và chính Ðức Chúa Trời che chở nó. Suốt 5 tháng, công việc xây cất Ðền thờ tiến hành mỹ mãn, và nhân dân chắc dự tính xây lại vách thành Giê-ru-sa-lem; nhưng mãi 75 năm sau, mới xây được vách ấy. Tuy nhiên, kế hoạch của họ là khung cảnh cho sự hiện thấy nầy. Sự hiện thấy nầy mở rộng thành một lời đầy thi vị kêu gọi những ai còn ở đất Ba-by-lôn hãy trở về, và kết thúc bằng lời tiên liệu một ngày kia, "nhiều dân và nhiều nước hùng mạnh từ mọi thứ tiếng trên mặt đất" sẽ đến cùng Ðức Chúa Trời của dân Do-thái. Xem thêm ở dười đoạn 8.

Ðoạn 3.-- Sự hiện thấy về Giê-hô-sua, thầy tế lễ thượng phẩm
Tiên liệu sự đền tội bởi Ðấng Christ. Thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-sua bận áo dơ bẩn, tượng trưng cho địa vị tội lỗi của nhân dân, Sa-tan được hình dung là đang cố xui giục Ðức Chúa Trời từ bỏ dân Ngài vì cớ tội lỗi của họ. Nhưng dân Ðức Chúa Trời được Ngài coi quí, mặc dầu họ là "cái đóm đã kéo ra từ lửa" (câu 2), nghĩa là phần sót lại được cứu khỏi cảnh lưu đày. Áo xống dơ bẩn của Giê-hô-sua được cất bỏ, nghĩa là tội lỗi nhân dân được tha thứ, và họ được Ðức Chúa Trời tiếp nhận. Ðây là bức tranh mô tả thời kỳ mà ti lỗi của loài người sẽ được cất bỏ "trong một ngày" (câu 9), vì "Chồi" hầu đến của nhà Ða-vít, là Ðấng Mê-si, bị "đâm" (12:10) và "sẽ có một Suối mở ra... vì tội lỗi và sự ô uế" (13:1). Xem thêm ở dưới đoạn 13:1-9.

Ðoạn 4.-- Chơn đèn và hai cây ô-li-ve
Một sự hiện thấy để khuyến khích Xô-rô-ba-bên tiếp tục xây cất Ðền thờ, mặc dầu nó có vẻ tầm thường và công việc rất khó khăn. Lời chép ở đây trực tiếp dành cho Xô-rô-ba-bên và Nhà Ðức Chúa Trời mà ông đang xây cất. Nhưng chắc chắn là có chỉ về Nhà vinh hiển hơn trong đời tương lai, do một Con cháu của Xô-rô-ba-bên, gọi là Chồi, nhờ Thánh Linh giúp đỡ mà xây cất giáo lý ân điển (xem bí chú về đoạn 6:12-15 và A-ghê, đoạn 2). Ðây là một lời khuyên hãy can đảm trong ngày khởi đầu nhỏ nhặt vì để mắt nhìn vào kết cuộc vĩ đại. Chơn đèn tượng trưng cho Nhà Ðức Chúa Trời, hoặc cho Nhà Ðức Chúa Trời có khả năng tỏa ánh sáng. Chơn đèn vốn ở trong Ðền tạm và trong Ðền thờ. Ở sách Khải Huyền đoạn 1:20, nó chỉ về Hội Thánh. Hai cây ô-li-ve dường như chỉ về Giê-hô-sua và Xô-rô-ba-bên, do hai ông đó, Thần Ðức Chúa Trời chỉ huy công việc. Trong đoạn 3, sự hiện thấy đặc biệt dành cho Giê-hô-sua. Ở đây, nó đặc biệt dành cho Xô-rô-ba-bên. Hình bóng ở đây được tiếp tục suốt tới sự hiện thấy về Hai Chứng nhân ở sách Khải Huyền, đoạn 11.

Ðoạn 5:1-4.-- Cuốn sách bay
Ðây là một tấm giấy giống như bản đồ treo trên tường, dài chừng 10 thước tây, rộng chừng 5 thước tây, và ghi những lời rủa sả kẻ trộm cắp và chửi thề. Như con chim săn mồi khổng lồ, cuốn sách nầy bay ở trên xứ, rồi đáp xuống và tiêu nuốt những kẻ mắc tội đó. Nó cất bỏ tội lỗi bằng cách tiêu diệt tội nhân.

Ðoạn 5:5-10.-- Ê-pha bay
Lại một cách khác hình dung sự cất bỏ ti lỗi, giống như sự cất bỏ áo xống ô uế của Giê-hô-sua (3:3-8) và như "Suối mở ra vì ti lỗi" (13:1). Ðây là một lời dự ngôn lặp đi lặp lại luôn của Xa-cha-ri về Ðấng Christ chịu chết để đền ti. Ê-pha là cái thúng để đong, lớn hơn cái thùng (Ma-thi-ơ 5:15) một chút. Nó có người đờn bà ngồi trong đó và có khối chì đóng ấn. Tội lỗi được hình dung bằng người đờn bà và cũng do đờn bà cất bỏ (câu 9). Phải chăng đây có thể là một lời ngụ ý tiên tri rằng Chồi mống hầu đến, là Ðấng sẽ cất ti lỗi của loài người đi trong một ngày (3:8-9), sẽ do người nữ mà ra đời, không cần đến môi giới của người nam? Hình bóng ở đây hơi giống hình bóng về "con dê đực bị đuổi" ở Lê-vi ký, đoạn 16, -- con dê nầy gánh tội lỗi nhân dân trên đầu nó và đem hết ra đồng vắng.

Ðoạn 6:1-8.-- Bốn chiến xa
Ðây là các sứ giả phán xét của Ðức Chúa Trời, tuần hành khắp trái đất, con mắt canh chừng, để gìn giữ Y-sơ-ra-ên khỏi mọi điềm xấu, và thi hành các chiếu chỉ của Ðức Chúa Trời đối với bọn thù nghịch Y-sơ-ra-ên. Ðây là phần mở rộng ý tưởng trong sự hiện thấy về các sừng và thợ rèn (1:18-21).

Ðoạn 6:9-15.-- Lễ phong chức cho Xô-rô-ba-bên
Ðây là một hành động tượng trưng và tiên tri, làm cho mạnh mẽ sự hiện thấy về "Chồi mống" (3:8-9) và sự hiện thấy về Xô-rô-ba-bên (4:6-9).
"Chồi mống" (câu 12) là tên của Ðấng Mê-si hầu đến, thuộc trong gia tộc Ða-vít. Ngài sẽ được gọi là "Người Na-xa-rét" (xem ở dưới Ma-thi-ơ 2:23). Xem Ê-sai 4:2; 11:1, 10; Giê-rê-mi 23:5-6; 33:15-17; Khải Huyền 5:5; 22:16.
Ðương thời đó, Xô-rô-ba-bên, quan trấn thủ, là đại diện đang còn sống của gia tộc Ða-vít; do ông mà các lời hứa về Ðấng Mê-si cứ được lưu truyền. Ông là cháu nội của vua Giê-hô-gia-kin (Giê-cô-nia), là vua đã bị bắt qua Ba-by-lôn; và ông là kẻ kế tự ngôi Ða-vít. Nếu còn nước, thì ông đã làm vua Giu-đa. Lời nói về Xô-rô-ba-bên một phần chỉ về chính mình ông, một phần chỉ về gia tộc ông, tức là gia tộc Ða-vít, và đặc biệt hơn nữa, về Vị Ðại diện Cao trọng của gia tộc Ða-vít, tức là Ðấng Mê-si hầu đến (Chồi mống).
Ngoài nhiều việc khác, Ðức Chúa Trời còn giao cho gia tộc Ða-vít trách vụ xây cất Nhà của Ngài. Chính tay Ðức Chúa Trời đã ghi cho Ða-vít kiểu mẫu và các đặc điểm của Ðền thờ (I Sử ký 28:11, 19) Sa-lô-môn, con trai Ða-vít, đã xây cất Ðền thờ theo những chi tiết ấy (II Sử ký 2-7), và Ðền thờ đó là công trình tạo tác tuyệt mỹ trên cả thế giới đương thời ấy. Ðền thờ do Sa-lô-môn xây cất tồn tại được chừng 400 năm, thì bị quân Ba-by-lôn phá hủy, năm 586 T.C.. Tới nay (520-516 T.C.), Xô-rô-ba-bên, một con cháu của Ða-vít, lo xây lại Ðền thờ. Ðức Chúa Trời quả quyết với ông rằng ông sẽ hoàn thành công cuộc đó (4:6-9); trong lời quả quyết nầy cũng có ngụ ý huyền diệu về một Ðền thờ khác do tay "Chồi mống" xây cất với sự giúp đỡ của "những kẻ ở xa sẽ đến" (6:12-15). Xem ở dưới sách A-ghê, đoạn 2.
"Chồi mống" sẽ thuộc trong gia tộc Xô-rô-ba-bên (Ða-vít), tức là dòng vua. Nhưng đây, Giê-hô-sua, thầy tế lễ, được đội mũ triều thiên và được hình dung là "Chồi mống" ngồi trên ngôi Ða-vít (6:12-13). Mọi điều nầy làm hình bóng về sự phối hiệp hai chức vụ Vua và Thầy Tế lễ trong Thân vị của Ðấng Mê-si hầu đến (Chồi mống).

Ðoạn 7, 8.-- vấn đề kiêng ăn
Việc nầy xảy ra chừng 2 năm sau những sự hiện thấy trước (câu 1), khi Ðền thờ đã xây xong được phần nửa. Suốt 70 năm, cứ đến tháng 4, tháng 5, tháng 7 và tháng 10, nhân dân lại kiêng ăn để than khóc Ðền thờ bị hủy phá. Ðến bây giờ họ lại gần có Ðền thờ, thì vấn đề nêu lên, là họ có nên tiếp tục kiêng ăn nữa không? Ðáp lại, Xa-cha-ri nhắc họ rằng trước kia họ có lý lắm mà kiêng ăn, -- ấy là để ăn năn vì không vâng lời Chúa và bị đau khổ do sự không vâng lời Chúa; nhưng bây giờ họ kiêng ăn chỉ cốt để tỏ ra mình thánh khiết, đạo đức, còn các ngày lễ tôn giáo chỉ cốt cho mình được vui thích.
Ðoạn, theo thường lệ của các tiên tri, là từ sự sầu khổ hiện tại chuyển qua vinh quang tương lai. Xa-cha-ri vẽ bức tranh thời đại Ðấng Mê-si hầu đến, khi ấy sự kiêng ăn sẽ đổi thành ngày lễ vui mừng (8:19).
Người Do-thái trước kia là một dân tộc hùng mạnh, có truyền thuyết từ đời xưa rằng Ðức Chúa Trời đã chỉ định họ làm dân tộc lãnh đạo cả thế giới; nhưng bây giờ họ chỉ là một phần sót lại thưa thớt, bị khinh dể và thất vọng đang thương, chỉ nhờ các vua Ba-tư cho phép mà tồn tại ở quê hương. Ðược Thần của Ðức Chúa Trời dắt dẫn, Xa-cha-ri cố gắng khuyến khích họ bằng cách lặp đi lặp lại rằng chẳng phải như vậy mãi đâu; rằng một ngày kia, đế quốc hùng mạnh đang cầm quyền đó sẽ bị tan vỡ, và dân của Ðức Giê-hô-va sẽ được địa vị xứng đáng của mình.
Xa-cha-ri mô tả Si-ôn thạnh vượng, thái bình, có tinh thần công bình, nhân ái và chân thực cai trị; đường sá đầy dẫy con trai, con gái và ông già, bà cả sung sướng (8:3-5). Si-ôn là trung tâm của nền văn minh thế giới, và muôn dân trên đất sẽ đến cùng người Do-thái để học biết Ðức Chúa Trời của họ (8:22-23). Lời mô tả nầy cũng thấy ở nhiều khúc sách khác (1:17; 2:4, 11; 14:8, 16). Bất cứ mục đích đầu tiên của các khúc sách nầy là gì, lời lẽ của nó chắc cũng là một bức tranh kỳ diệu mô tả việc xảy ra trải qua 20 thế kỷ nay: Nhơn danh đạo Ðấng Christ, nhiều ảnh hưởng lưu xuất từ thành Giê-ru-sa-lem, nắn dòng lịch sử, và đem các dân trên thế giới đến cùng Ðức Chúa Trời của dân Do-thái. Nhưng cuối cùng chưa tới.

Ðoạn 9, 10, 11.-- Ðức Chúa Trời phán xét các nước lân cận
Ðoạn 9 đến đoạn 14 chứa nhiều điều liên quan rõ rệt với các cuộc chiến tranh của đế quốc Hy-lạp, xảy ra 200 năm sau thời Xa-cha-ri, rõ rệt đến nỗi các nhà phê bình (vốn khó tin rằng những đấng tiên tri của Ðức Chúa Trời có thể nói trước điều gì) cho những đoạn ấy là do một tác khác viết ra. Nói chung, các học giả bảo thủ và các tín đồ Ðấng Christ nhìn nhận các đoạn nầy thật thuộc về sách Xa-cha-ri .
Ðoạn 9 dường như dự ngôn cuộc giao tranh của nước Giu-đa với Hy-lạp. Khi xâm lăng xứ Pa-lét-tin năm 332 T.C., A-lịch-sơn đại đế tàn phá các thành có tên ở câu 1-7, theo thứ tự đã ghi, nhưng còn chừa lại Giê-ru-sa-lem (câu 8). Các câu 13-17 dường như chỉ về dân Do-thái tiếp tục tranh đấu với các vua Hy-lạp, thuộc dòng Ptolémée và dòng Séleucos, cho tới thời kỳ Macchabees.
Tại đây (9:9-10), có dựng lên tấm hình Vua hầu đến của Si-ôn giữa những cảnh tượng dân Do-thái đấu tranh kịch liệt với đế quốc Hy-lạp. Tân Ước trưng dẫn câu 9 để chỉ về Ðấng Christ ngự vào thành Giê-ru-sa-lem một cách khải hoàn (Ma-thi-ơ 21:5; Giăng 12:15). Ðồng thời (câu 10), tiên tri Xa-cha-ri tiến mau tới ngày đắc thắng sau cùng. Thoáng thấy Nước Ðấng Mê-si bắt đầu, rồi liền thoáng thấy kỳ sau rốt.
Ðoạn 10 dự ngôn về sự khôi phục dân Ðức Giê-hô-va đang bị tan lạc. Ðương lúc đó, chỉ mới có một phần sót ít ỏi hồi hương.
Ðoạn 11 là một thí dụ về người kẻ chăn chiên. Bầy chiên của Ðức Chúa Trời đã bị tan lạc và làm thịt vì bọn người chăn chúng giả dối. Trong lời tố cáo những kẻ chăn chiên giả dối nầy có bức tranh mô tả việc họ chối bỏ Ðấng Chăn Chiên Hiền lành, là Ðức Chúa Jêsus Christ (câu 12-13). Do thừa tiếp văn, chúng ta không thể cho rằng khúc sách nầy có liên quan với việc Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản nộp Ðấng Christ, trừ ra nó được trưng dẫn trong Tân Ước để nêu rõ việc ấy (Ma-thi-ơ 26:15; 27:9-10; xem ở dưới Mác 14:10-11). Sự trưng dẫn khúc sách nầy để nêu rõ sự phản nộp của Giu-đa chính là chìa khóa mở rõ điều Ðức Chúa Trời muốn bày tỏ ở đây. Kèm theo sự chối bỏ Ðấng Chăn Chiên Chân chánh, đã có việc chặt gãy hai cây gậy tên là Tốt đẹp và Dây buộc, tức là giao ước về Ðức Chúa Trời che chở, săn sóc họ bị dứt và sự tái thống nhất xứ sở của họ bị trì hoãn. Ðoạn, họ bị phó vào tay "kẻ chăn dại dột" (câu 13-15 -- bản "Authorized Version" dịch là: "kẻ chăn giống như hình tượng"). Người ta cho rằng đây chỉ về sự hủy phá Giê-ru-sa-lem bởi tay quân La-mã, sau khi Ðấng Christ chịu chết ít lâu, và về dân Do-thái lại bị tan lạc liền theo đó. Hoặc có lẽ là nhân cách hóa cả một bản kê khai những kẻ bắt bớ dân Do-thái từ thời kỳ phái Macchabées cho đến thời kỳ Con Thú ở sách Khải Huyền, đoạn 13.

Ðoạn 12, 13, 14.-- Sự hiện thấy về tương lai của dân Y-sơ-ra-ên
Các đoạn 9, 10, 11 gọi là "gánh nặng" về các nước lân cận thể nào (9:1), thì cũng một thể ấy, các đoạn 12, 13, 14 gọi là "gánh nặng về Y-sơ-ra-ên" (12:1). Hai phần nầy giống hệt nhau. Cả hai tiếp tục và mở rộng những ý tưởng trong các sự hiện thấy của 8 đoạn đầu; những ý tưởng ấy lặp đi lặp lại luôn dưới hình thức khác.
12:1-6.-- Giu-đa sẽ giao chiến với mọi nước trên mặt đất. Cuộc giao chiến nầy cứ tiếp tục mô tả ở đoạn 14:1-8. Có người cho rằng lời lẽ ở đây nói bóng về cuộc tranh đấu của Ðức Giê-hô-va với các nước suốt cả kỷ nguyên Cơ-đốc-giáo. Kẻ khác lại áp dụng nó theo nghĩa đen cho kỳ sau rốt, sự tấn công của Antichrist và trận Ha-ma-ghê-đôn.
12:7-13:9.-- Tang chế trong nhà Ða-vít. Rõ ràng lắm, các ý tưởng ở đây lấy nhà Ða-vít làm trọng tâm. Tuy lời lẽ khó hiểu và có ngụ ý đến một vài điều ta không biết, nhưng nó mô tả rõ ràng một tấn bi kịch nào đó xảy ra trong nhà Ða-vít, một cơn đau đớn kịch liệt bởi cớ một Nhân vật lãnh đạo trong nhà ấy bị đánh (13:7), hai bàn tay bị đâm (12:10; 13:6), và một Suối được mở ra vì ti lỗi (13:7). Tình trạng nầy xảy ra trong ngày mà "nhà Ða-vít sẽ như Ðức Chúa Trời" (12:8). Chỉ có một Người trong nhà Ða-vít là Ðức Chúa Trời, và đó là Ðức Chúa Jêsus. Nhờ vậy, ta nhận biết Ai là Người được gọi là "Chồi mống" ở đoạn 3:8, tức là Người sẽ "cất sự gian ác khỏi đất trong một ngày" (3:9), sẽ "xây Ðền thờ Ðức Giê-hô-va" (6:12), và sẽ cai trị khắp bốn biển (xem ở dưới 6:9-15). Ðây là một lời tiên tri lạ lùng, tỉ mỉ về sự chết của Ðức Chúa Jêsus, và ta không thể ứng dụng nó cho người nào khác mà ta được biết. Như vậy, sự chết của Chồi mống trong nhà Ða-vít sẽ là Suối quyền năng của Ðức Giê-hô-va chống lại các nước (12:2-4), và hiệu lực của Suối ấy sẽ được tỏ ra trong sự cất bỏ hình tượng và các tiên tri giả khỏi mặt đất (13:2-5). "Hai phần ba" (13:8) có thể chỉ về phần lớn quốc dân Do-thái bỏ mạng trong cuộc hủy phá Giê-ru-sa-lem (năm 70 S.C.), sau khi họ chối bỏ Ðấng Christ; còn "một phần ba" thì chỉ về phần sót lại đã tin và bị bắt bớ vì cớ đức tin của mình.
14:1-2.-- Giu-đa giao chiến với các nước (xem ở đoạn 12:1-6).
14:3-21.-- Ðức Giê-hô-va thắng trận và trị vì cả thế giới. Nào các kỳ vọng của tiên tri được hoàn thành vĩ đại, nào ngày Ðấng Christ tái lâm, nào sự thành lập Nước đời đời của Ngài. Một vài học giả Kinh Thánh tưởng những câu 4-8 có nghĩa rằng khi Ðức Chúa Jêsus trở lại, Ngài sẽ thật đặt ngôi trên núi Ô-li-ve; rằng núi ấy thật sẽ nứt làm đôi; rằng nước sẽ từ Giê-ru-sa-lem thật chảy ra phía Ðông và phía Tây; rằng Giê-ru-sa-lem sẽ thật là trung tâm mà các dân tộc mô tả ở câu 10-21 sẽ kéo dài đến để thờ lạy Chúa. Một số học giả khác lại cho lời lẽ ở đây là cách mô tả các từng trời mới và trái đất mới dưới hình bóng một nước trần gian nhơn lành, thạnh vượng và rất hùng mạnh, cũng như sách Khải Huyền, đoạn 21, mô tả Thiên đàng dưới hình bóng một thành phố trần gian mỹ lệ.

Tóm tắt các lời tiên tri của Xa-cha-ri về Ðấng Christ
Sự chết của Ngài để đền tội và cất bỏ tội lỗi đi (3:8-9; 13:1).
Ngài xây Ðền thờ của Ðức Chúa Trời (6:12).
Ngài là Vua và Thầy tế lễ trị vì cả thế giới (6:13; 9:10)
Ngài ngự vào thành Giê-ru-sa-lem một cách khải hoàn (9:9). Trưng dẫn ở Ma-thi-ơ 21:5 và Giăng 12:15.
Ngài bị phản nộp vì 30 miếng bạc (11:12). Trưng dẫn ở Ma-thi-ơ 27:9, 10.
Thần tánh của Ngài (12:8).
Hai bàn tay Ngài bị đâm lủng (12:10; 13:6). Trưng dẫn ở Giăng 19:37.
Ðấng Chăn Chiên bị đánh (13:7). Trưng dẫn ở Ma-thi-ơ 26:31 và Mác 14:27.
Ðây, lồng vào các bức tranh Xa-cha-ri mô tả cuộc tranh đấu và đắc thắng tương của Y-sơ-ra-ên, ta thấy có lời rõ ràng, đặc biệt, không thể lẫn lộn, chẳng những dự ngôn Ðấng Mê-si chịu chết đền ti cho loài người, có Thần tánh và sẽ lập Nước gồm cả thế giới, song cũng ghi tỉ mỉ các biến cố trong đời Ngài, tỉ như Ngài cưỡi lừa con mà ngự vào thành Giê-ru-sa-lem, Ngài bị phản nộp vì 30 miếng bạc, họ dùng số tiền ấy mua rung của thợ gốm, và hai bàn tay Ngài bị đâm lủng. Như vậy, trong số chi tiết đặc biệt nầy, có 4 chi tiết được trưng dẫn trực tiếp trong Tân Ước, như ta đã nhận thấy trên kia.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.