400 năm ở Ai-cập, Ra khỏi Ai-cập
Mười điều răn, Ðền tạm
Môi-se đã căn cứ vào các tài liệu sẵn có mà viết sách Sáng thế ký. Với sách Xuất Ê-díp-tô ký, truyện tích của chính Môi-se đã bắt đầu. Ðời sống và sự nghiệp của ông là đầu đề của các sách Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân số ký, và Phục truyền luật lệ ký. Chính ông đã viết các sách nầy. Truyện tích của Môi-se chiếm chừng 1 phần 7 toàn bộ Kinh Thánh, và gần bằng 2 phần 3 toàn bộ Tân Ước.
Ðoạn 1 -- Dân Y-sơ-ra-ên ở Ai-cập
Giữa sách Sáng thế ký và sách Xuất Ê-díp-tô ký có một khoảng trống gần ba trăm năm, tức là từ lúc Giô-sép qua đời tới lúc Môi-se sanh ra; hoặc tổng cộng là 430 năm từ khi Gia-cốp di cư xuống Ai-cập tới khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập (12:40, 41). Trong thời gian nầy, dân Y-sơ-ra-ên sanh sản hết sức đông đúc (1:7). Sau khi Giô-sép qua đời, một cuộc đổi thay triều đại khiến họ thành ra tôi mọi, vì công lao của họ tỏ ra rất có lợi cho các Pha-ra-ôn (vua Ai-cập). Vào khoảng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, họ có 600.000 người nam trên 20 tuổi, ấy là không kể đờn bà và con nít (Dân số ký 1:46). Tổng cộng suýt soát 3 triệu người. Từ 70 người mà lên đến con số ấy trong vòng 430 năm, thì cần phải cứ 25 năm lại tăng dân số gấp đôi; đó là điều rất dễ xảy ra. Trong khoảng 400 năm, dân số nước Mỹ từ không chi đã tăng lên trên 100 triệu, chẳng phải hoàn toàn do di cư, khiến ta tin được lời quả quyết trên đây về sự gia tăng dân số Y-sơ-ra-ên.
Những ký văn gia đình của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp chắc đã được đem theo xuống Ai-cập, và trở thành một phần quốc sử của người Y-sơ-ra-ên; trải qua những năm nô lệ dài đằng đẵng, họ vẫn nhứt tâm ấp ủ lời hứa rằng ngày kia, xứ Ca-na-an sẽ trở thành Tổ quốc của mình.
Nước Ai-cập và Kinh Thánh
Trước hết, Ai-cập có dòng dõi của Cham đến cư ngụ. Áp-ra-ham đã ở Ai-cập ít lâu. Gia-cốp cũng vậy. Giô-sép cầm quyền nước Ai-cập. Dân tộc Hê-bơ-rơ, trong thời ấu trĩ, đã ở Ai-cập 400 năm. Môi-se là con nuôi của một hoàng hậu Ai-cập, và khi được dự bị làm nhà lập pháp của nước Y-sơ-ra-ên, ông đã được dạy cho mọi khôn ngoan và tri thức của nước Ai-cập. Sa-lô-môn đã cưới con gái của một Pha-ra-ôn (vua) Ai-cập. Tôn giáo Ai-cập, là sự thờ bò con, đã trở thành tôn giáo của nước Y-sơ-ra-ên ở phương Bắc. Giê-rê-mi đã qua đời tại Ai-cập. Từ kỳ Lưu đày cho đến thời Ðấng Christ, có rất đông người Do-thái ở Ai-cập. Bản dịch Cựu Ước "Septante" đã được thực hiện tại Ai-cập. Ðức Chúa Jêsus ở Ai-cập ít lâu đương thời thơ ấu. Ai-cập đã trở nên một trung tâm quan trọng của đạo Ðấng Christ lúc khởi đầu.
Ai-cập
Một thung lũng rộng từ 2 đến 30 dặm, và rộng trung bình chừng 10 dặm, bề dài 750 dặm; có sông Ni-lơ chảy từ Aswan tới Ðịa-trung-hải, qua đầu phía đông của sa mạc Sahara, mỗi bên đều có một cao nguyên hoang vu, cao chừng 310 thước.
Ðáy thung lũng có phù sa đen rất tốt lắng xuống đóng kín, từ cao nguyên xứ A-bít-si-ni đổ xuống; phù sa nầy phì nhiêu vô song, và luôn luôn đổi mới vì sông Ni-lơ tràn lút hằng năm.
Thung lũng nầy được dẫn thủy nhập điền từ lúc khởi đầu lịch sử, do một hệ thống kinh đào cùng hồ chứa nước rộng lớn và kỹ xảo. Ðập Aswan, do người Anh xây ít lâu nay, hiện chế ngự sự tràn lụt của sông Ni-lơ, và nạn đói chỉ là chuyện quá khứ.
"Ai-cập được sa mạc bao quanh, cô lập hóa và che chở; tại đây, đại đế quốc thứ nhứt trong lịch sử đã được phát triển; cũng tại đây, những chứng cớ của nền văn minh thượng cổ đã được bảo tồn hơn nơi nào hết."
Ngày nay, dân số chừng 16 triệu; đương thời đế quốc La-mã, dân số có 7 triệu; đương thời dân Y-sơ-ra-ên kiều ngụ, có lẽ cũng chừng đó hoặc kém.
Trung châu là một hình tam giác, và là nơi cửa sông Ni-lơ mở rộng. Miền nầy đo được chừng 100 dặm từ Bắc tới Nam, và chừng 150 dặm từ Ðông tới Tây, tức là từ Port Said tớiAlexandrie. Ðây là miền phì nhiêu nhứt nước Ai-cập, xứ Gô-sen, trung tâm cư trú chính của người Y-sơ-ra-ên, là phần phía Ðông của trung châu nầy.
Tôn giáo Ai-cập
Huân tước Flinders Petrie, nhà Ai-cập học trứ danh, nói rằng tôn giáo nguyên thủy của Ai-cập là độc thần giáo. Nhưng trước khi thời kỳ lịch sử bắt đầu, đã phát triển một tôn giáo trong đó mỗi bộ lạc có vị thần riêng, hình dung bằng một con vật.
Ptah (Apis) là thần của thành Mem-phi, hình dung bằng con bò.
Amon, thần của thành Thèbes, hình dung bằng con chiên đực.
Hathor, nữ thần thượng đẳng của Ai-cập, hình dung bằng con bò cái.
Mut, vợ của Amon, hình dung bằng con kên kên.
Horus, thần của từng trời, hình dung bằng con chim ó.
Ra, thần mặt trời, hình dung bằng con diều hâu.
Set (Sa-tan), thần của biên giới phía Ðông, hình dung bằng con cá sấu.
Osiris, thần của kẻ chết, hình dung bằng con dê. Isis, vợ của nó, hình dung bằng con bò cái.
Thoth, thần của trí khôn, hình dung bằng con khỉ không đuôi.
Heka, một nữ thần, hình dung bằng con nhái.
Nechebt, nữ thần của Nam bộ, hình dung bằng con rắn.
Bast, một nữ thần, hình dung bằng con mèo.
Còn nhiều thần khác nữa. Các Pha-ra-ôn được tôn làm thần. Sông Ni-lơ là sông thánh.
* * *
Ðoạn 1-- Dân Y-sơ-ra-ên ở Ai-cập2
Lịch sử Ai-cập đương thời nầy
Lịch sử Ai-cập đương thời nầy
Ðang khi dân Y-sơ-ra-ên kiều ngụ tại Ai-cập, thì nước nầy tiến thành một đế quốc cai trị cả thế giới (mà người ta biết thời đó). Khi dân Y-sơ-ra-ên ra đi, Ai-cập bèn suy yếu, trở nên một cường quốc hạng nhì và cứ ở địa vị ấy mãi. Từ thời Giô-sép cho đến sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, đã có các triều đại sau nầy:
Triều đại thứ 13, 14, 17.-- 25 vua. Cai trị ở phương Nam, còn dòng Hyksos cai trị ở phương Bắc. Ðây là một thời kỳ rất rối loạn.
Triều đại thứ 15, 16.-- 11 vua. Dòng Hyksos, hoặc các vua chăn chiên, là một giống Sémitique từ Á-châu đến chinh phục Ai-cập. Họ là bà con gần với người Do-thái, từ phương Bắc tràn xuống, thống nhứt quyền cai trị Ai-cập và xứ Sy-ri. Người ta thường cho rằng Apepi đệ nhị, thuộc triều đại thứ 16, là Pha-ra-ôn đã đại dụng Giô-sép. Ðang khi dòng Hyksos trị vì, thì dân Y-sơ-ra-ên được địa vị tối huệ trong xứ. Nhưng khi dòng Hyksos bị triều đại thứ 18 đuổi đi, thì chánh phủ Ai-cập thay đổi thái độ, bắt đầu dùng những biện pháp đàn áp để kéo dân Y-sơ-ra-ên vào vòng tôi mọi.
Triều đại thứ 18: 13 vua.
Triều đại thứ 19: 8 vua.
Hai triều đại nầy đã đưa Ai-cập lên địa vị đế quốc cai trị cả thế giới (mà người ta biết thời đó). Dưới đây là tên các vua thuộc hai triều đại nầy:
Amosis (Ahmes, Ahmose).-- 1580 T.C.. Ðuổi dòng Hyksos đi. Bắt xứ Pa-lét-tin và xứ Sy-ri làm chư hầu của Ai-cập.
Amenhotep (Amenophis).-- 1560 T.C.
Thothmes (Thothmes, Thutmose).-- 1540 T.C.. Cầm quyền cai trị tới sông Ơ-phơ-rát. Lăng tẩm đầu tiên đục trong vầng đá.
Thothmes đệ nhị.-- 1510 T.C.. Hatshepsut, chị cùng cha khác mẹ và cũng là vợ của ông, thật đã cầm quyền cai trị. Thường đem quân tấn công miền sông Ơ-phơ-rát.
Thothmes đệ tam.-- 1500 T.C.. Hoàng hậu Hatshepsut, là chị cùng cha khác mẹ của ông, đã cầm quyền phụ chánh trong 20 năm đầu đời trị vì của ông. Dầu ông khinh dể bà nầy, nhưng bà đã hoàn toàn cai trị ông. Sau khi bà qua đời, thì ông một mình trị vì 30 năm. Ông là người chinh phục oai hùng nhứt trong lịch sử Ai-cập. Ông khắc phục xứ Ê-thi-ô-bi, cai trị đến tận miền sông Ơ-phơ-rát, tiến đánh xứ Pa-lét-tin và Sy-ri 17 lần. Ông đã tổ chức Hải quân. Ông đã thâu trữ rất nhiều của cải và thực hiện nhiều công trình kiến trúc vĩ đại. Ông ghi công nghiệp của mình rất tỉ mỉ trên các bức tường và đài kỷ niệm. Lăng tẩm ông ở tại thành Thèbes, và xác ướp của ông hiện nay ở tại kinh thành Le Caire (Ai-cập). Nhiều người cho rằng ông là vua đã hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên. Nếu vậy, thì hoàng hậu Hatshepsut trứ danh chính là con gái Pha-ra-ôn đã cứu vớt, trưởng dưỡng Môi-se, và trở nên người bạn oai quyền của Môi-se.
Hatshepsut.-- Con gái của Thothmes đệ nhứt. Làm phụ chánh cho em cùng cha khác mẹ và chồng của mình, làThothmes đệ nhị, và cho em cùng cha khác mẹ của mình là Thothmes đệ tam trong 20 đầu đời trị vì của vua nầy. Bà là hoàng hậu trứ danh đầu tiên trong lịch sử. Bà là bậc phụ nữ rất có tiếng tăm, là một trong những người cai trị nước Ai-cập oai hùng hơn hết. Ðã cho tạc nhiều tượng hình dung mình như một bậc trượng phu. Mở mang đế quốc. Xây cất nhiều đài kỷ niệm, hai tháp lớn tại Karnak, và miễu thờ đồ sộ tại Deir El Bahri trong đó có bày nhiều tượng của bà. Thothmes đệ tam ghét bà, và khi bà qua đời, một trong những hành động đầu tiên của ông là bôi xóa tên bà khỏi mọi đài kỷ niệm và hủy phá hết tượng của bà. Những tượng của bà ở Bahri bị đập ra từng mảnh, quăng vào một hầm đá gần đó. Tại đây, nó bị cát bay phủ kín, và mới đây, nhơn viên Bảo-tàng-viện Thủ đô đã tìm được những mảnh tượng nầy.
Amenhotep đệ nhị.-- 1450 T.C.. Nhiều học giả cho ông nầy là Pha-ra-ôn đương thời dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập. Ông duy trì đế quốc do Thothmes đệ tam sáng lập. Xác ướp của ông ở trong lăng tẩm tại thành Thèbes.
Thothmes đệ tứ.-- 1420 T.C.. Người ta tìm thấy chiếc xe ngựa mà ông đã dùng. Xác ướp của ông hiện nay ở tại kinh thành Le Caire.
Amenhotep đệ tam.-- 1415 T.C.. Ðế quốc lên tới cực điểm vinh quang. Luôn luôn xâm lăng xứ Pa-lét-tin. Xây cất những miễu thờ đồ sộ. Xác ướp của ông hiện nay ở tại kinh thành Le Caire.
Amenhotep đệ tứ.-- Năm 1380 T.C.. Ông là một nhà cải cách tôn giáo, chớ không phải một chiến sĩ. Dưới đời trị vì của vua nầy, Ai-cập mất đế quốc ở Á-châu. Ông toan thiết lập độc thần giáo, là sự thờ lạy mặt trời. Vì các tế sư ở thành Thèbes phản đối chương trình của ông, nên ông dời thủ đô qua Amarna. Nếu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập dưới đời trị vì của Amenhotep đệ nhị, mấy chục năm trước, thì phong trào độc thần nầy có thể do ảnh hưởng gián tiếp của các phép lạ Môi-se đã làm.
Semenka.-- 1362 T.C.. Một vua nhu nhược.
Tutankhamen.-- 360-1350 T.C.. Con rể của Amenhotep đệ tứ. Ông là một trong những vua Ai-cập tầm thường, vào lúc chấm dứt thời kỳ vinh quang nhứt của lịch sử nước ấy. Nhưng ngày nay ông nổi danh vì cớ những vật báu lạ lùng và sự huy hoàng của lăng tẩm ông, do nhà khảo cổ Howard Carter khám phá được năm 1922. Xác ướp của ông vẫn ở trong lăng tẩm. Quan tài phía trong chứa xác ướp làm bằng vàng khối. Xe ngựa và ngai của ông vẫn còn đó. Ðây là lăng tẩm của một Pha-ra-ôn chưa bị trộm cắp mà người ta khám phá được.
Ay (Eye) và Setymeramen.-- 1350 T.C.. Hai ông vua nhu nhược.
Harmhab (Harembeb).-- 1340 T.C.. Khôi phục sự thờ lạy Amon.
Ramsès đệ nhứt.-- 1320 T.C..
Seti (Sethos) đệ nhứt.-- 1319 T.C.. Xứ Pa-lét-tin được khôi phục. Bắt đầu xây cất lâu đài đồ sộ tại Karnak. Xác ướp của ông hiện nay ở tại kinh thành Le Caire.
Ramsès đệ nhị.-- 1300 T.C.. Trị vì 65 năm. Ông là một trong những Pha-ra-ôn oai hùng nhứt, mặc dầu kémThothmes đệ tam và Amenhotép đệ tam; nhưng ông là một nhà đại kiến trúc, một nhà quảng cáo đại tài, và hơi có óc sang đoạt, vì trong một vài trường hợp, ông đã nhận công nghiệp của các tiên vương của mình. Ông khôi phục đế quốc từ xứ Ê-thi-ô-bi tới sông Ơ-phơ-rát. Nhiều lần ông đã xâm lăng và cướp phá xứ Pa-lét-tin. Ông hoàn thành lâu đài đồ sộ tại Karnak cùng nhiều công trình kiến trúc lớn lao khác, như thành lũy, kinh đào, miễu thờ, do công lao xây cất của bọn tôi mọi bắt được trên chiến trường, hoặc của đoàn lũ người da đen từ phương Nam xa xôi đem về, và cũng của giai cấp cần lao bổn quốc. Những bọn người nầy làm lụng khó nhọc tại hầm đá hoặc lò gạch, hoặc kéo tảng đá lớn trên đất mềm.
Merneptah.-- 1235 T.C., có người tưởng ông nầy là Pha-ra-ôn đương thời dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập. Xác ướp của ông ở tại kinh thành Le Caire. Phòng thiết triều của ông tại thành Mem-phi (Ô-sê 9:6) đã do phái đoàn của Bảo tàng viện Ðại học đường Pennsylvania phám phá được.
Arnenmeses, Siptah, Seti đệ nhị.-- Ba vua nhu nhược.
* * *
Ðoạn 1 -- Dân Y-sơ-ra-ên ở Ai-cập3
Ai là Pha-ra-ôn trong sách Xuất Ê-díp-tô ký?
Ai là Pha-ra-ôn trong sách Xuất Ê-díp-tô ký?
Có hai ý kiến đáng kể hơn hết:
Amenhotep đệ nhị.-- (1450-1430 T.C.), hoặc Merneptah (1235-1220 T.C.).
Nếu dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ai-cập dưới đời trị vì của Amenhotep đệ nhị, thì Thothmes đệ tam là vua đã hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên rất tàn khốc, còn chị của ông lại trưởng dưỡng Môi-se. Người chị nầy chính là hoàng hậuHatshepsut trứ danh. Những thực sự trong đời trị vì của bà ăn hiệp với truyện tích Kinh Thánh một cách lạ lùng dường nào! Bà chú ý đến các mỏ ở vùng Si-na-i, và đã trùng tu miễu thờ ở Serabit mà Môi-se có lẽ đã xem thấy khi ông có cơ hội làm quen với vùng Si-na-i nầy. Lại nữa, khi Môi-se sanh ra, thì Thothmes đệ tam còn thơ ấu, vàHatshepsut làm phụ chánh. Ðến khi bà qua đời, thì dân Y-sơ-ra-ên càng bị hà hiếp tàn khốc hơn, và Môi-se chạy trốn. Mấy điều nầy cũng giải thích một phần nào cái uy tín của Môi-se tại Ai-cập.
Nếu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập dưới đời trị vì của Merneptah, thì Ramsès đệ nhị là vua đã hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên rất tàn khốc, còn con gái ông đã trưởng dưỡng Môi-se.
Như vậy, Môi-se đã được trưởng dưỡng hoặc dưới đời trị vì của Thothmes đệ tam, hoặc dưới đời trị vì củaRamsès đệ nhị, -- cả hai ông nầy đứng trong hàng các vua danh tiếng nhứt Ai-cập.
Và Môi-se đã dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập hoặc dưới đời trị vì của Amenhotep đệ nhị, hoặc dười đời trị vì của Merneptah.
Dầu sao đi nữa, người ta cũng đã tìm được xác ướp của cả bốn vua nầy. Vậy, bây giờ ta có thể thấy bộ mặt thực của Pha-ra-ôn đương thời Môi-se, -- với chính Pha-ra-ôn đó, Môi-se đã có liên quan rất mật thiết.
Khám phá được các xác ướp
Năm 1871, trên một ghình đá chưa từng có ai để chơn tới, ở phía sau thành Thèbes, một người Ả-rập đã khám phá được một ngôi mộ chứa đầy bửu vật và quan tài chứa 40 xác ướp của những vua và hoàng hậu Ai-cập. Anh ta giữ bí mật trong 10 năm để bán các bửu vật ấy cho du khách. Những bửu vật của các vua oai hùng nhứt thời xưa bắt đầu thấy lưu hành. Các nhà chức trách của Bảo tàng viện Le Caire bèn đi đến thành Thèbes để điều tra. Họ tìm được người Ả-rập nầy. Bằng cách cho tiền, tra khảo và dọa nạt, họ đã bắt anh ta chỉ chỗ đó cho. Các xác ướp không ở trong phần mộ nguyên thủy, nhưng bị dời tới một nơi giấu bí mật từ thuở xưa vì đã sớm xuất hiện những kẻ chuyên nghiệp quật mồ để ăn trộm. Những xác ướp nầy đã được dời về Le Caire.
* * *
Ðoạn 1 -- Dân Y-sơ-ra-ên ở Ai-cập4
Pha-ra-ôn đương thời dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập:
Pha-ra-ôn đương thời dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập:
Amenhotep đệ nhị hay là Merneptah?
Các bằng cớ tỏ ra là Amenhotep đệ nhị.--
1. Các thơ tín Amarna gởi cho Amenhotep đệ tam và Amenhotep đệ tứ, khẩn cấp xin Pha-ra-ôn tiếp viện, tỏ ra rằng thời ấy (theo niên hiệu sớm hơn của việc dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập), xứ Pa-lét-tin đang bị mất về tay người "Habiri." Ðây là một đoạn trích lục: "Người Habiri đang chiếm thành trì, đô thị của ta, tiêu diệt các quan cai trị của ta, cướp phá toàn xứ của vua. Xin vua gởi quân sĩ đến mau chóng. Nếu nội năm nay, không gởi quân sĩ đến, thì toàn xứ sẽ mất khỏi tay vua."
Nhiều học giả cho rằng người "Habiri" tức là người "Hê-bơ-rơ;" như vậy, đây là thơ của người từ xứ Ca-na-an mô tả cuộc chinh phục xứ ấy bởi tay Giô-suê. Còn các nhà học giả quả quyết dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập nhằm niên hiệu muộn hơn, thì cho rằng người "Habiri" có thể là những kẻ trước đó đã xâm lăng hoặc di cư (I Sử ký 4:21-22; 7:21).
2. Khảo cổ học chứng thực rằng thành Giê-ri-cô đã sụp đổ khoảng năm 1400 T.C.. Tấn sĩ John Garstang, người đã đào bới khắp vùng Giê-ri-cô, tin quyết điểm nầy.
Các bằng cớ tỏ ra là Merneptah.--
1. Tấm bảng "Y-sơ-ra-ên" của Merneptah.-- Năm 1906, Huân tước Flinders Petrie tìm thấy một phiến thiểm trường thạch đen có ghi chép những cuộc chiến thắng của Merneptah, nhằm năm thứ 5 đời trị vì của ông. Phiến đá nầy cao hơn ba thước tây, và bề ngang hơn một thước rưỡi, hiện nay bày trong Bảo-tàng-viện Le Caire. Chữ "Y-sơ-ra-ên" được ghi ở giữa dòng thứ hai, tính từ dưới lên. Ðây là bản ký văn: "Ca-na-an bị cướp phá. Y-sơ-ra-ên bị hoang vu; dòng dõi nó không còn nữa. Ðối với Ai-cập, xứ Pa-lét-tin đã trở thành một quả phụ." Ký văn nầy dường như ngụ ý nói đến việc dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập. Câu: "Dòng dõi nó không còn nữa" có thể chỉ về sự tiêu diệt những con trai nhỏ tuổi. Vì các vua thời xưa không hề chép việc chi trừ ra những cuộc chiến thắng của mình, nên sự thực có lẽ là như vầy: Dầu cố hết sức ngăn cản dân Y-sơ-ra-ên ra đi không được, nhưng ông cũng ghi chép sự họ ra đi khỏi Ai-cập như là mình đã thắng dân ấy.
Các học giả đã quyết đoán dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập nhằm niên hiệu sớm hơn, thì cho rằng ký văn nầy ngụ ý nói đến việc Merneptah xâm lăng xứ Pa-lét-tin chừng 200 năm sau khi dân Y-sơ-ra-ên đã định cư trong xứ Ca-na-an .
2. Ramsès đệ nhị tự nhận rằng mình đã xây cất hai thành Phi-thom và Ram-se với nhơn công Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô ký 1:11).
Năm 1883, ông Naville đã tìm ra vị trí thành Phi-thom. Trên cổng thành, ông thấy một bi văn của Ramsès đệ nhị: "Ta đã xây thành Phi-thom ở cửa phía Ðông của sông Ni-lơ."
Ông tìm thấy một tòa nhà có tường dày phi thường, trên gạch có khắc tên Ramsès đệ nhị. Chỉ có một lối vào do mái nhà. Ðây là những kho tàng mà dân Y-sơ-ra-ên đã xây cất.
Năm 1905, ông Petrie tìm ra vị trí thành Ram-se. Năm 1922, tại thành Bết-san (I Sa-mu-ên 31:10), thuộc xứ Pa-lét-tin, ông Fisher, nhơn viên Bảo-tàng-viện Ðại học đường Pennsylvania, đã tìm thấy một tấm bia của Ramsèsđệ nhị, cao chừng 2 thước rưỡi, rộng chừng 80 phân, trên đó ghi khắc rằng ông "xây cất thành Rase với nhơn công của bọn tôi mọi Sémitique thuộc Á-châu (Hê-bơ-rơ)."
Như vậy, hai bi văn nầy chỉ rõ Ramsès đệ nhị là Pha-ra-ôn đã truyền xây cất hai thành nầy cho mình, và là kẻ đã hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên; và như vậy, cũng chỉ rõ người kế vị ông, là Merneptah, chính là Pha-ra-ôn đương thời dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập. Tuy nhiên, người ta biết rằng Ramsès đệ nhị là một tay hay sang đoạt, đã nhận một số đài kỷ niệm của các vị tiên đế là của mình, và truyền ghi khắc tên mình trên những đài kỷ niệm ấy. Các nhà học giả chấp nhận niên hiệu sớm hơn của việc dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập và chấp nhận Thothmes đệ tam là vua đã xây cất hai thành nầy, đều cho các bi văn trên đây có nghĩa là Ramsès đệ nhị đã xây cất lại hoặc sửa chữa hai thành nầy với công lao của những người Hê-bơ-rơ không cùng ra đi với Môi-se.
Về đại cương, chúng tôi nghĩ rằng các bằng cớ chứng rõ hơn rằng Amenhotep đệ nhị chính là Pha-ra-ôn đương thời dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập.
* * *
Ðoạn 1 -- Dân Y-sơ-ra-ên ở Ai-cập 5
Di tích thành Thèbes
Di tích thành Thèbes
Di tích thành Thèbes mà người Y-sơ-ra-ên đã dự phần xây cất, thật là di tích vĩ đại nhứt thế giới. Vị trí thànhThèbes ở trên cả hai bờ sông Ni-lơ, trong một đồng bằng hình bán nguyệt, giữa các ghình đá phía Ðông và phía Tây. Di tích thành Thèbes chiếm một khu vực chừng 5 dặm từ Ðông qua Tây, và 3 dặm từ Bắc xuống Nam. Không một đô thị nào có nhiều miễu thờ, cung điện và đài kỷ niệm bằng đá như vậy. Ðá chạm những màu lộng lẫy hơn hết và óng ánh vàng thật. Thèbes trở nên một đô thị lớn dưới triều đại thứ 12, tức là 2000 năm T.C., đương thời Áp-ra-ham. Thành nầy được vinh quang từ 1600 đến 1300 T.C., là khoảng dân Y-sơ-ra-ên kiều ngụ tại Ai-cập; chắc nhiều đền đài tráng lệ của nó do công lao khó nhọc, mồ hôi và máu của bao nhiêu ngàn tôi mọi Y-sơ-ra-ên, không sao đếm xiết. Thành bị quân A-si-ri hủy phá năm 661 T.C., rồi được xây cất lại, rồi lại bị quân Ba-tư triệt hạ năm 535 T.C.. Thành bị hủy hoại bởi một nạn động đất năm 27 T.C., và từ đó tới nay, chỉ còn là một đống hoang tàn.
Miễu đồ sộ thờ thần Amon
Tại Karnak, thuộc khu phía Ðông thành Thèbes, có một công trình kiến trúc vào hạng đồ sộ nhứt. Phần chính giữa của công trình kiến trúc nầy gọi là Lâu đài có trụ đỡ; người ta đã tưởng tượng Lâu đài nầy sừng sững đương thời vinh quang và đã nắn lại kiểu mẫu của nó, đem bày tại Bảo-tàng-viện Thủ đô. Trên cổng chính đi vào có một vầng đá dài chừng 13 thước tây và cân nặng 150 tấn. Có 134 cây trụ lớn, mà 12 cây chính giữa cao chừng 24 thước tây và đường kính gần 4 thước. Trên đỉnh một cây trụ nầy đủ chỗ cho 100 người đứng.
Hai ngọn tháp của hoàng hậu Hatshepsut, mà một còn đứng nguyên, cao chừng 31 thước tây, cân nặng 150 tấn, có bi văn ghi rằng nó được chở về trên 30 chiếc thuyền ghép lại, gồm 960 tay chèo, từ các hầm đá cách xa 150 dặm.
Ðoạn 2 -- Môi-se
Nhiều người đã phê bình Môi-se. Họ hiện ra rồi biến đi, nhưng Môi-se vẫn còn nổi bật lên như một người siêu việt nhứt của thế giới trước thời có đạo Ðấng Christ. Ông đã nhận lấy một chủng tộc tôi mọi, và trong những hoàn cảnh khó khăn không tưởng tượng được, đã nắn đúc họ thành một dân tộc hùng mạnh thay đổi cả trào lưu lịch sử.
Ông là người Lê-vi (câu 1). Người chị đã bày mưu cứu ông, tên là Mi-ri-am (15:20). Cha của ông tên là Am-ram, và mẹ tên là Giô-kê-bết (6:20). Bà mẹ quí hóa biết bao! Từ lúc ông còn thơ ấu, mẹ đã cho ông thấm nhuần các cổ phong của dân tộc, đến nỗi tất cả sức quyến rũ của cung điện ngoại đạo kia không hề bôi xóa được những ấn tượng lúc ấu trĩ. Ông hấp thụ được nền giáo dục tối hão mà Ai-cập có thể cung hiến; nhưng nó không thể khiến ông thay đổi đầu óc, và cũng không cướp được đức tin đơn sơ từ hồi ấu trĩ của ông. Môi-se và Phao-lô là hai tỷ dụ tỏ ra Ðức Chúa Trời sử dụng những bậc anh tài xuất chúng để làm công việc Ngài.
40 năm ở trong cung vua
Người ta thường nghĩ rằng "Con gái Pha-ra-ôn" đã nuôi Môi-se làm con chính là hoàng hậu trứ danhHatshepsut. Tình trạng nầy có thể đưa ông lên nối ngôi vua; vậy nên nếu ông từ bỏ sự đào luyện của mẹ, thì ông có thể ngồi trên ngôi vua hiển hách nhứt hoàn cầu. Bạn bè của ông toàn là những hoàng thân ở trong cung điện.
Người ta tưởng rằng khi Môi-se trưởng thành, ông đã được bổ chức cao trọng trong chánh phủ Ai-cập, hoặc ở ngành hành chánh, hoặc trong quân đội. Sử gia Josèphe nói rằng ông chỉ huy một đạo quân ở phương Nam. Chắc ông có quyền thế và danh vọng lớn lao; bằng không, ắt ông chẳng dám gánh vác công việc vĩ đại, là giải phóng dân Y-sơ-ra-ên. Theo Công vụ các sứ đồ 7:25, ông đã có ý ấy khi can thiệp vào cuộc đánh lộn (câu 11-15). Nhưng dầu nhận thức quyền thế của mình và đầy lòng tự tin, ông cũng đã thất bại, vì dân Y-sơ-ra-ên chẳng sẵn sàng nhận ông làm thủ lãnh.
40 năm ở trong đồng vắng
Theo thiên cơ, đây là một phần huấn luyện Môi-se. Ðống vắng hiu quạnh và ngang tàng đã làm phát triển những đức tánh hùng mạnh hầu như không thể phát triển nơi cung điện đầy nhung lụa. Thời gian nầy cũng giúp ông quen biết khu vực mà ông phải dắt dẫn dân Y-sơ-ra-ên trải qua 40 năm nữa.
Xứ Ma-đi-an (câu 15).-- Trung tâm xứ Ma-đi-an, là nơi Môi-se kiều ngụ, ở trên bờ phía Ðông của vịnh Akaba, mặc dầu dân Ma-đi-an đi dông dài rất xa tới phía Bắc và phía Tây. Ðương thời Môi-se, họ kiểm soát những cánh đồng cỏ xanh tốt ở quanh vùng Si-na-i. Chắc trong 40 năm chăn chiên, Môi-se đã trải qua khắp cả miền nầy.
Môi-se cưới một thiếu nữ Ma-đi-an, tên là Sê-phô-ra (câu 21) làm vợ; nàng là con gái của Giê-trô, cũng có tên là Rê-u-ên (câu 18; 3:1). Giê-trô làm thầy tế lễ xứ Ma-đi-an, chắc là một quan cai trị. Dân Ma-đi-an là dòng dõi Áp-ra-ham, do Kê-tu-ra sanh ra (Sáng thế ký 25:2), và chắc theo các truyền thuyết về Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham. Môi-se có hai con trai, là Ghẹt-sôn và Ê-li-ê-se (18:3, 4). Theo một vài truyền thoại, thì Môi-se đã viết sách Gióp đang khi ở xứ Ma-đi-an 40 năm.
Ðoạn 3, 4 -- Bụi gai cháy
Sau bao nhiêu năm ôm ấp sự đau khổ của dân mình và những lời hứa từ lâu đời của Ðức Chúa Trời, rốt lại, lúc Môi-se được 80 tuổi, ông nghe Ðức Chúa Trời trực tiếp, rõ ràng và dứt khoát kêu gọi mình đi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. Song Môi-se không còn tự tin như lúc thanh niên nữa. Ông ngần ngại chẳng muốn đi, và tìm đủ cách thoái thác. Nhưng rồi ông đã đi, vì tin chắc có Ðức Chúa Trời giúp đỡ và được Ngài ban cho quyền năng để làm các phép lạ.
Ðoạn 5 -- Lời yêu sách đầu tiên của Môi-se với Pha-ra-ôn
Pha-ra-ôn rất láo xược, đã ra lịnh cho bọn đốc công bắt dân Y-sơ-ra-ên làm việc nặng nhọc hơn, tức là đòi họ làm đủ số gạch mà đồng thời phải tự đi tìm kiếm rơm (câu 10-19).
Bí Chú Khảo Cổ: Gạch ở thành Phi-thom
Năm 1883, ông Naville và năm 1908, ông Kyle đã tìm thấy tại Phi-thom những lớp gạch ở dưới có nhiều rơm xắt tốt; những lớp giữa có ít rơm đi, và trộn lẫn rạ nhổ nguyên cả rễ, những lớp gạch trên toàn là đất sét, chẳng có một chút rơm nào, lạ lùng thay, điều nầy xác nhận truyện tích trong sách Xuất Ê-díp-tô ký!
Ðoạn 6 -- Gia hệ của Môi-se
Ðây chắc là một gia hệ rút ngắn, chỉ ghi chép những bậc tiên tổ có danh tiếng hơn. Dường như Môi-se là cháu nội của Kê-hát, nhưng đương thời ông đã có 8600 con cháu của Kê-hát (Dân số ký 3:28).
Ðoạn 7 -- Tai vạ thứ nhứt trong mười tai vạ
Nước sông Ni-lơ biến thành huyết. Các thuật sĩ đã bắt chước phép lạ nầy với một mực độ thấp hơn. Tên của các thuật sĩ nầy là Gian-nét và Giam-be (II Ti-mô-thê 3:8).
Bất cứ tánh chất của phép lạ nầy là gì, nó cũng làm chết cá, và nhơn dân không uống nước được.
Sông Ni-lơ là một thần. Mười tai vạ nhằm thẳng vào các thần Ai-cập, và cốt làm bằng cớ quyết chắc rằng Ðức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên cao trọng hơn các thần của dân Ai-cập. Kinh Thánh nhiều lần lặp lại rằng bởi các phép lạ nầy, cả dân Y-sơ-ra-ên và người Ai-cập "biết Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời" (6:7; 7:5, 17; 8:22; 10:2; 14:4, 18); cũng như về sau, ma-na và chim cút cốt để tỏ ra lẽ ấy (16:6, 12).
Tôn giáo Ai-cập
Ở trang 122 đã kể tên một số thần hình dung bằng súc vật. Trong các miễu thờ, những súc vật "thánh" được đoàn thể tế sư nuôi nấng và chăm sóc rất chu đáo, xa hoa. Trong số súc vật nầy, con bò được coi là "thánh" hơn cả. Họ đốt hương và dâng tế lễ trước mặt con bò "thánh". Khi qua đời, nó được xông thuốc thơm, và bỏ vào quan tài bằng đá mà chôn với nghi lễ long trọng chẳng kém gì vị đế vương. Con cá sấu cũng được tôn trọng lắm; trong miễu thờ nó tại Tanis, có 50 tế sư, hoặc hơn nữa, phục dịch nó.
Ðó là đạo của nhơn dân mà giữa vòng họ, dân tộc Hê-bơ-rơ đã được trưởng dưỡng trong 400 năm.
Ðoạn 8 -- tai vạ ếch nhái, chí rận(1) và ruồi mòng
Ếch nhái là một thần của Ai-cập. Theo lịnh của Môi-se, ếch nhái từ sông Ni-lơ tràn lên đông đúc, đầy dẫy nhà cửa, phòng ngủ và bếp. Các thuật sĩ lại bắt chước phép lạ nầy; nhưng Pha-ra-ôn chịu thuyết phục và hứa để cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi. Tuy nhiên, ông đã đổi ý.
Chí rận.-- Môi-se đập bụi đất, nó biến thành chí rận, bu vào người và súc vật. Bọn thuật sĩ thử bắt chước phép lạ nầy, nhưng thất bại; chúng phải tin rằng đó là do Ðức Chúa Trời. Chúng thôi không cố gắng chống trả Môi-se nữa, và khuyên Pha-ra-ôn nhượng bộ.
Ruồi mòng.-- Hằng hà sa số ruồi mòng bu vào người, đất và đầy dẫy nhà cửa của người Ai-cập. Nhưng về phía người Y-sơ-ra-ên thì chẳng có một con nào.
Pha-ra-ôn cứng lòng (câu 15, 32).-- Ðây chép rằng "Pha-ra-ôn cứng lòng..." Chỗ khác lại chép rằng "Ðức Giê-hô-va làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng" (10:20). Cả Pha-ra-ôn và Ðức Chúa Trời đã dự phần trong việc nầy. Mục đích của Ðức Chúa Trời là làm cho Pha-ra-ôn ăn năn. Nhưng khi một người nào định ý chống nghịch Ðức Chúa Trời, thì cả đến sự thương xót của Ngài cũng chỉ làm cho lòng người ấy càng cứng hơn.
Ðoạn 9 -- Các tai vạ súc vật bị dịch lệ, ghẻ chốc và mưa đá
Súc vật bị dịch lệ.-- Ðây là một đòn ghê gớm đánh vào các thần Ai-cập. Con bò là thần thượng đẳng của họ. Lại có sự phân biệt giữa người Ai-cập và người Y-sơ-ra-ên: Súc vật của người Ai-cập chết vô kể, nhưng súc vật của người Y-sơ-ra-ên chẳng có con nào chết cả. Chữ "hết thảy" ở câu 6 không dùng đúng theo tự nghĩa, vì có một số súc vật còn lại (câu 19-21).
Ghẻ chốc.-- Tai vạ nầy giáng trên cả người lẫn súc vật, và trên các thuật sĩ nữa; ghẻ chốc do tro mà Môi-se tung lên không khí.
Mưa đá.-- Trước khi mưa đá, có lời thương xót cảnh cáo những người Ai-cập sẵn lòng tin hãy đem súc vật của mình về chuồng. Ðây lại có sự phân biệt giữa người Ai-cập và người Y-sơ-ra-ên, vì chẳng có mưa đá tại Gô-sen.
Vào khoảng thì giờ nầy, nhơn dân Ai-cập đã chịu thuyết phục rồi (10:7). Các tai vạ thình lình xảy ra và thình lình chấm dứt trên một quy mô rộng lớn như vậy, theo lời truyền khẩu của Môi-se, đều được nhìn nhận là phép lạ hiển nhiên của Ðức Chúa Trời. Nhưng Pha-ra-ôn lưỡng lự, vì ông sẽ thiệt thòi vô kể nếu mất lao công của đoàn tôi mọi Y-sơ-ra-ên. Lao công của họ đã giúp nhiều cho Ai-cập bước lên địa vị hùng cường; khi họ ra đi, thì Ai-cập bắt đầu suy yếu.
Chúng ta không biết Mười tai vạ kéo dài một thời gian chừng nào. Có người cho là gần một năm. Nếu dám, chắc Pha-ra-ôn đã giết Môi-se rồi. Nhưng với những tai vạ đã qua, uy tín của Môi-se ngày càng lên cao (11:3). Nếu Pha-ra-ôn toan làm hại Môi-se, thì sẽ nguy hiểm cho mình lắm.
Ðoạn 10 -- Các tai vạ châu chấu(1) và tối tăm
Chấu chấu là tai vạ kinh khủng hơn hết. Chúng kéo đến như những đám mây lớn, và ăn hết cây cối, rau, cỏ mọc lên từ sau trận mưa đá. Ðến đêm, chúng đậu trên đất, thành từng lớp cao tới 10 hoặc 12 phân tây. Khi chúng bị nghiền nát, thì mùi hôi thúi không sao chịu nổi. Chỉ lời đe dọa sẽ có tai vạ châu chấu cũng đủ khiến quần thần của Pha-ra-ôn xin vua hãy nhượng bộ (câu 7).
Tối tăm.-- Ðây là một đòn đánh thẳng vào Ra, thần mặt trời của Ai-cập. Có sự tối tăm trên khắp nước Ai-cập trong 3 ngày; nhưng nơi dân Y-sơ-ra-ên cư trú thì trời sáng tỏ. Pha-ra-ôn nhượng bộ, những rồi lại đổi ý.
Ðoạn 11, 12 -- Các con đầu lòng của nước Ai-cập phải chết
Gần một năm đã trôi qua. Rốt lại, lúc quyết liệt đã tới. Ðòn giáng mạnh đến nỗi Pha-ra-ôn nhượng bộ, và dân Y-sơ-ra-ên ra đi.
Nếu chẳng nhờ Mười ta vạ nầy, thì dân Y-sơ-ra-ên chẳng hề được giải cứu, và cũng chẳng có quốc gia Hê-bơ-rơ.
"Xin" đồ nữ trang (12:35).-- Không phải là cho mượn, nhưng là cho đứt. Ðây là người Ai-cập trả nợ cho bao nhiêu thế hệ lao công của đoàn tôi mọi mà họ đã dùng để xây dựng vinh quang, oai hùng. Chính Ðức Chúa Trời đã truyền lịnh cho dân Y-sơ-ra-ên xin những tặng phẩm nầy (3:21, 22; 11:2, 3). Người Ai-cập sung sướng chấp thuận, vì họ sợ Ðức Chúa Trời của Môi-se (12:33). Như vậy, một phần lớn của cải Ai-cập chuyển qua dân Y-sơ-ra-ên. Một phần đã dùng để dựng Ðền tạm.
Bí Chú Khảo Cổ: Con đầu lòng của Pha-ra-ôn phải chết (12:29)
Người ta đã tìm những bi văn tỏ ra rằng Thothmes đệ tứ, người kế vị Amenhotep đệ nhị, không phải là con đầu lòng của ông nầy, và cũng không phải là kẻ kế tự.
Con trai đầu lòng của Merneptah cũng chết trong những trường hợp đặc biệt, còn kẻ kế vị ông chẳng phải là con đầu lòng của ông, và cũng chẳng phải là kẻ kế tự mà ai nấy giả định.
Vậy, bất cứ ai là Pha-ra-ôn đương thời đó, lời chép trong Kinh Thánh cũng được xác nhận.
Khởi đầu Lễ Vượt Qua
Chiên con, huyết bôi trên cột cửa, sự chết của các con đầu lòng, sự giải cứu khỏi một nước thù địch, và sự cử hành lễ nầy suốt cả lịch sử dân Y-sơ-ra-ên, _ mọi điều đó dường như đã được Ðức Chúa Trời trù định làm bức tranh lịch sử vĩ đại về Ðấng Christ, Chiên Con của Lễ Vượt Qua, là Ðấng dùng chính Huyết Ngài giải cứu chúng ta khỏi một thế giới thù địch.
Ðoạn 13 -- Bánh không men. Sự dâng các con đầu lòng
Phải ăn bánh không men trong ngày Lễ Vượt Qua để đời đời ghi nhớ đêm giải cứu họ là khẩn cấp dường nào (12:34).
Phải dâng các con đầu lòng của họ cho Ðức Chúa Trời trải qua các đời để ghi nhớ rằng họ đã được cứu chuộc bởi sự chết của các con đầu lòng Ai-cập,
Ðường đi đến xứ Ca-na-an (câu 17).-- Suốt con đường thẳng dọc theo bờ biển, xuyên qua xứ Phi-li-tin, có quân đội Ai-cập đồn trú. Và đương thời ấy, có một vách thành cao ngất chạy từ Biển Ðỏ đến Ðịa-trung-hải. Con đường khả dĩ đi được nhứt là con đường vòng quanh qua đồng vắng. Ðức Chúa Trời đã sắp đặt như vậy; vì dân Y-sơ-ra-ên vốn là một chủng tộc tôi mọi, nên cần được huấn luyện trong đồng vắng để thực hiện cuộc chinh phục xứ Ca-na-an .
Trụ mây ban ngày và trụ lửa ban đêm (câu 21, 22).-- Họ đã ra khỏi Ai-cập, và bây giờ phải đi qua các xứ thù địch; vậy, chính Ðức Chúa Trời săn sóc họ, và Ngài dùng trụ mây cùng trụ lửa làm dấu hiệu hiển nhiên về sự dắt dẫn và che chở của Ngài. Hai trụ nầy không hề lìa khỏi họ cho đến khi họ đi tới Ðất hứa, 40 năm về sau (14:19, 24; 33:9, 10; 40:34-38; Dân số ký 9:15, 23; 10:11).
Ðoạn 14 -- Họ vượt qua Biển Ðỏ
Người ta cho rằng dân Y-sơ-ra-ên đã vượt qua Biển Ðỏ tại một nơi gần vị trí của kinh Suez ngày nay. Ðức Chúa Trời đã dùng một "trận gió Ðông thổi mạnh" làm cho biển cạn (câu 21). Gió làm cho nước dồn lên là một việc thường xảy ra. Nhưng trong trường hợp nầy, nước "dựng" lên "thành một tấm vách ngăn bên bữu và bên tả" (15:8; 14:22). Sự "dựng" nước lên và sự dồn nước trở lại đúng lúc để cứu dân Y-sơ-ra-ên và để tiêu diệt người Ai-cập, chỉ có thể xảy ra bởi phép lạ trực tiếp của Ðức Chúa Trời. Biến cố nầy làm cho các dân tộc lân cận phải khủng khiếp (15:14-15).
Ðoạn 15 -- Bài ca của Môi-se
Sự giải cứu khỏi Ai-cập nầy giống như sự giải cứu Hội Thánh khỏi thế giới trong ngày sau rốt, đến nỗi một bài ca khải hoàn của những kẻ được cứu chuộc được đặt tên là: "Bài ca Môi-se và bài ca Chiên Con" (Khải Huyền 15:3). Những việc quyền năng mà bài ca nầy kể ra để cảm tạ Ðức Chúa Trời dường như làm hình bóng về những việc quyền năng hơn mà người được cứu chuộc sẽ kể ra để hát ngợi khen Ðức Chúa Trời trải qua các thời đại vô tận của cõi đời đời.
Ðoạn 16 -- Ma-na và chim cút
Mới được một tháng, mà những nỗi nhọc nhằn của đời sống nơi đồng vắng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tâm trạng họ. Họ bắt đầu phàn nàn và cứ phàn nàn mãi, mắt chăm chú vào nồi thịt của Ai-cập, chớ không chăm chú vào Ðất hứa nữa (câu 2, 3).
Ma-na là một viên nhỏ, dùng thay bánh mì; Kinh Thánh chép rằng nó có "mùi như bánh ngọt pha mật ông" (câu 31). Hoặc nó là một công trình sáng tạo trực tiếp, hoặc nó là một sản phẩm thiên nhiên đã do phép lạ làm cho tăng thêm gấp bội. Ban đêm, nó sa xuống cùng với sương móc, và trông giống như hột ngò. Họ nghiền nó trong cối xay, hoặc giã trong cối, rồi bỏ vào nồi mà làm bánh. Mỗi người được phép lượm mỗi ngày một ô-me (chừng 3 lít rưỡi). Ðến ngày thứ sáu thì có dư để dùng cả ngày Sa-bát. Ma-na bắt đầu có một tháng sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, và Ðức Chúa Trời cứ ban nó cho họ hằng ngày, suốt 40 năm; cho đến khi họ vượt qua sông Giô-đanh, bấy giờ nó mới thình lình hết cũng như nó đã thình lình bắt đầu có (Dân số ký 11:6-9; Giô-suê 5:12). Ðức Chúa Jêsus kể ma-na là một hình bóng về chính mình Ngài (Giăng 6:31-58).
Chim cút (câu 13).-- Ðức Chúa Trời đưa chim cút đến, nhưng không liên tục như ma-na. Kinh Thánh chỉ chép hai lần, -- ở đây và một năm sau khi dân Y-sơ-ra-ên lìa khỏi núi Si-na-i (Dân số ký 11:31-34). Chúng bay tới đông vô kể và sà xuống thấp. Dân chúng có những bầy súc vật đông đúc (12:38), nhưng phải tiết kiệm, không dùng nhiều làm đồ ăn. Tại Ai-cập, đồ ăn phần nhiều của họ chỉ có cá.
Núi Si-na-i
Cũng gọi là Hô-rếp. Bán đảo Si-na-i có hình tam giác, ở giữa hai cánh của Biển Ðỏ. Bờ phía Tây dài chừng 180 dặm; bờ phía Ðông dài chừng 130 dặm; đường biên giới ở phía Bắc dài chừng 150 dặm. Phần phía Bắc của bán đảo là một sa mạc, còn phần phía Nam là "một chòm nhiều núi gập ghình, hỗn độn."
Có lẽ miền nầy được đặt tên theo thần mặt trăng của người Ba-by-lôn, là Sin. Từ đời thượng cổ, người ta đã biết miền nầy vì các mỏ đồng, sắt, thổ hoàng và bửu thạch. Lâu lắm, trước thời Áp-ra-ham, các vua Ðông phương đã đắp một con đường chung quanh biên giới phía Bắc và phía Tây của sa mạc Ả-rập cho tới vùng Si-na-i.
Ngọn núi đặc biệt, gọi là núi Si-na-i, tại đó người ta cho rằng dân Y-sơ-ra-ên đã tiếp nhận Luật pháp, ở về mỏm phía Nam của bán đảo. Núi Si-na-i nầy là một "khối đá chơ vơ, hiểm trở, từ đồng bằng nhô lên, có vẻ hùng vĩ khủng khiếp." Ở góc Tây-bắc có một đồng bằng dài 2 dặm, rộng nửa dặm, dân Y-sơ-ra-ên có thể đã đóng trại tại đó.
Cách núi Si-na-i 40 dặm về phía Tây-bắc, trong "Thung lũng của các Ðộng," có một bức chạm trổ trên vầng đá nhẵn, cao hơn hầm mỏ chừng 127 thước tây; ấy là vua Semerkhet, thuộc triều đại thứ nhứt của các Pha-ra-ôn Ai-cập, đã truyền lịnh chạm trổ chính mình đang giết vua Si-na-i. Có chừng 250 bi văn của các vua sau Semerkhet. Cách "Thung lũng của các Ðộng" 10 dặm về phía Bắc, là Serabit-el- Khadem, có miễu thờ Hathor, nữ thần Ai-cập; chính tại đây, Huân tước Flinders Petrie đã tìm thấy bản viết chữ cái cổ nhứt mà người ta từng biết.
Bản đồ số 30
Ðoạn 17 -- Nước từ vầng đá tràn ra
Sau mọi việc trên kia ít lâu, Môi-se đã làm cho nước ở Ma-ra hóa ngọt (15:25). Tới đoạn nầy, tại Rê-phi-đim, ông đã làm cho nước từ vầng đá tràn ra. Về sau, ông cũng làm một phép lạ giống như vậy tại Mê-ri-ba (Dân số ký 20:1-13).
Giao chiến với quân A-ma-léc (câu 8-15).-- Ðây là lần đầu tiên, ở ngoài nước Ai-cập, quân thù đã toan cản trở dân Y-sơ-ra-ên tiến vào xứ Ca-na-an. Kết quả là Ðức Chúa Trời truyền lịnh phải tuyệt diệt dân A-ma-léc (câu 14; Phục truyền luật lệ ký 25:17-19).
Ðoạn 18 -- Lời khuyên của Giê-trô
Dầu Môi-se được Ðức Chúa Trời dẫn theo mức dành riêng cho ít người, nhưng do lời khuyên bảo của vị quan trưởng Ma-đi-an, là nhạc phụ mình, ông đã quyết định tổ chức dân chúng một cách hữu hiệu hơn.
Ðoạn 19 -- Tiếng phán của Ðức Chúa Trời trên núi Si-na-i
Dân Y-sơ-ra-ên ở tại vùng núi Si-na-i 11 tháng (câu 1; Dân số ký 10:11). Trong một trận bão có sấm sét khủng khiếp, theo sau có động đất và hồi kèn siêu nhiên, cả núi bị khói bao bọc và trên đỉnh núi có lửa đỏ rực, kìa, Ðức Chúa Trời truyền phán Mười Ðiều răn và ban bố Luật pháp!
500 năm sau, cũng trên núi nầy, Ê-li được ngụ ý tỏ cho biết rằng công việc của Ðức Chúa Trời ở trên mặt đất sẽ được hoàn thành; sự ngụ ý nầy không do lửa và động đất, nhưng do "tiếng êm dịu, nhỏ nhẹ" của một Ðấng Tiên tri Hậu lai (I Các vua 19).
Ðoạn 20 -- Mười Ðiều răn
"Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác.
Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình,... chớ quì lạy trước các hình tượng đó.
Ngươi chớ lấy Danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi mà làm chơi.
Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.
Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.
Ngươi chớ giết người.
Ngươi chớ phạm tội tà dâm.
Ngươi chớ trộm cướp.
Ngươi chớ làm chứng dối.
Ngươi chớ tham vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi."
Những Ðiều răn nầy do chính miệng Ðức Chúa Trời trực tiếp truyền phán từ trên núi, giữa sấm sét, động đất và kèn thổi vang; sau đó đã ghi khắc trên cả hai mặt của hai bảng đá, "bởi ngón tay Ðức Chúa Trời viết ra" (Xuất Ê-díp-tô ký 31:18). Hai bảng đá là công trình của Ðức Chúa Trời, và chữ viết là chính chữ của Ðức Chúa Trời (Sáng thế ký 31:18; 32:15, 16). Hai bảng đá nầy đã được giữ gìn trong hòm giao ước trải qua nhiều thế kỷ. Người ta nghĩ rằng có lẽ nó đã bị đập vỡ đương thời dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày. Nhưng nếu một ngày kia, người ta kiếm được thì sao?
Mười Ðiều răn là nền tảng của luật pháp Hê-bơ-rơ. Bốn điều trên liên quan đến thái độ của chúng ta đối với Ðức Chúa Trời, còn sáu điều dưới liên quan đến thái độ của chúng ta đối với kẻ đồng loại. Ðức Chúa Jêsus đã đúc lại làm hai Ðiều răn: "Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Ðức Chúa Trời ngươi... Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình" (Ma-thi-ơ 22:37-39).
Tôn kính Ðức Chúa Trời là nền tảng của Mười Ðiều răn. Ðức Chúa Jêsus tỏ ra rằng Ngài kể sự tôn kính Ðức Chúa Trời là tư cách sơ đẳng để đến gần Ðức Chúa Trời; Ngài cũng đặt sự tôn kính Ðức Chúa Trời ở đầu Bài Cầu nguyện Chung: "Danh Cha được tôn thánh!" Thật là kỳ lạ, biết bao người trong lúc trò chuyện thông thường, lại luôn luôn nói phạm thượng đến Danh Ðức Chúa Trời và dùng Danh Ngài một cách quá coi thường!
Cấm ngặt thờ lạy hình tượng. Chúng tôi tự hỏi sự thờ lạy hình tượng thạnh hành trong một vài giới tự nhận theo Cơ-đốc-giáo, có thích hợp với Ðiều răn nầy chăng?
Ðoạn 21, 22 , 23, 24 -- "Quyển sách giao ước."
Sau Mười Ðiều răn, đây là bộ Luật pháp đầu tiên trên đó quốc gia Hê-bơ-rơ đã được xây dựng. Những Luật pháp nầy được chép trong một quyển sách, rồi giao ước vâng theo nó đã được đóng ấn bằng huyết (24:4, 7, 8).
Những Luật pháp nầy liên quan đến: Chế độ tôi mọi; kẻ giết người phải xử tử; sự bắt cóc; rủa mắng cha mẹ; sự báo trả "mắt đến mắt"; trộm cắp; làm hại mùa màng; đền thiệt hại; sự dụ dỗ; phù pháp; cấu hợp với thú vật; thờ lạy hình tượng; lòng nhơn ái với quả phụ và cô nhi; sự cho mượn; của cầm; không được rủa sả kẻ cầm quyền; trái đầu mùa và con đầu lòng; lời chứng dối; Sự theo phe đảng; sự công bình; tử tế với súc vật; hối lộ; khách lạ; ngày Sa-bát; Năm Sa-bát; Lễ Vượt Qua; lễ mùa gặt; không được nấu súc vật nhỏ trong sữa mẹ nó; không được lập giao ước với người Ca-na-an; kẻ nào vâng lời sẽ được ban thưởng.
Ðoạn 25 đến 31 -- Các huấn thị dựng Ðền tạm
Chính Ðức Chúa Trời truyền kiểu mẫu rất tỉ mỉ (25:9). Kiểu mẫu nầy được ghi chép hai lần: Ở đây -- "Y như kiểu" -- và ở đoạn 35 đến 40 , tại đó có nhắc lại đúng các chi tiết -- "Y như mọi điều Ðức Giê-hô-va đã phán dặn" (40:6).
Ðền tạm là "hình và bóng của những sự trên trời" (Hê-bơ-rơ 8:5).
Nó có ý nghĩa đặc biệt cho dân tộc Hê-bơ-rơ, tuy nhiên, nó "là hình bóng của sự tốt lành ngày sau" (Hê-bơ-rơ 10:1; xem Hê-bơ-rơ 9 và 10).
Ðền tạm và Ðền thờ (về sau Ðền thờ được xây cất theo kiểu Ðền tạm) là trung tâm sanh hoạt quốc gia của người Do-thái.
Trực tiếp phát xuất từ nơi Ðức Chúa Trời. Ðền tạm là một cách biểu thị vô cùng quan trọng một vài ý tưởng mà Ðức Chúa Trời muốn ghi khắc trên tâm trí loài người, và là hình bóng về nhiều giáo lý của đạo Ðấng Christ.
Ðoạn 32, 33 -- Bò con bằng vàng
Con bò là thượng đẳng thần của người Ai-cập. Về sau, nó được tôn làm thần của 10 chi phái Y-sơ-ra-ên (I Các vua 12:28). Ðức Chúa Trời vừa mới phán như sấm sét từ trên núi rằng "Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác," và bao nhiêu phép lạ cũng mới xảy ra tại Ai-cập; như vậy, sự bội đạo đáng thương nầy chứng tỏ dân Y-sơ-ra-ên đã sa xuống vòng thờ lạy hình tượng của người Ai-cập là dường nào! Ðây là một sự khủng hoảng, cần phải nêu kỷ luật lên ngay, nên sự hình phạt thật mau chóng và nghiêm khắc. Từ ngày đó trở đi, họ "cất đồ trang sức trong lòng mình" (33:4-6).
Môi-se sẵn lòng chịu "xóa tên khỏi sách Ngài đã chép đi" (32:31, 32) vì cớ nhơn dân, đủ tỏ ra tâm tình ông cao cả dường nào!
Ðoạn 34 -- Môi-se lại lên núi
Lần thứ nhứt ông đã ở trên núi 40 ngày, đêm (24:18). Bây giờ ông lại lên ở đó 40 ngày, đêm nữa (34:2, 28). Lần thứ nhứt, ông đã nhận lãnh hai bảng đá và những huấn thị về Ðền tạm. Bây giờ hai bảng đá được làm lại, và giao ước được lập lại.
Mặt Môi-se "sáng rực" (câu 29-35), vì Ðức Chúa Trời ngự trong ông; ấy cũng như khi Ðức Chúa Jêsus hóa hình, thì "mặt Ngài sáng lòa như mặt trời" (Ma-thi-ơ 17:2).
Ðoạn 35 đến 40 -- Dựng Ðền tạm
Bây giờ họ dựng Ðền tạm và làm mọi dụng cụ trong đó đúng theo các chỉ thị Ðức Chúa Trời đã ban cho ở các đoạn 25 đến 31.
Ðền tạm
Dài chừng 14 thước tây, rộng gần 5 thước, và cao cũng gần 5 thước. Làm bằng những tấm ván dọc và có màn phủ kín. Ðền tạm trông về phía Ðông.
Có 20 tấm ván cho phía Bắc, 20 cho phía Nam, và 6 cho phía Tây; mỗi tấm ván dài gần 5 thước tây, và rộng chừng 70 phân. Ván làm bằng gỗ si-tim cứng rắn, thớ sít, và bọc vàng. Ðầu mỗi tấm ván có hai cái mộng để tra vào hai lỗ mộng bằng bạc cho ván dựng thẳng lên. Các tấm ván kết liền nhau bởi năm cây xà ngang chạy qua những khoen bằng vàng ở trên các tấm ván.
Có 10 bức màn, mỗi bức dài chừng 12 thước tây và rộng gần 2 thước tây, làm bằng vải gai mịn, chỉ màu xanh lơ(1), đỏ điều, đỏ sậm, có thêu hình chê-ru-bin cực xảo, những bức màn nầy kết lại với nhau bằng nhiều móc vàng và thắt vòng chỉ màu xanh lơ, làm thành một tấm. Tấm màn nguyên nầy do 10 bức màn hợp thành, dài chừng 18 thước ở phía Ðông và phía Tây, chừng 13 thước ở phía Bắc và phía Nam, còn dư gần 5 thước thì rủ xuống góc phía Tây. Bức màn nầy giăng trên các tấm ván bọc vàng chạy kín, làm thành chính Ðền tạm.
Vàng và bạc dùng để dựng Ðền tạm và làm các dụng dụ trong đó đáng giá chừng 1.250.000 Mỹ kim. Dân chúng trích số bửu vật của người Ai-cập tặng mà quyên dâng (12:35).
Bong che trên Ðền tạm
Bong nầy phủ trên Ðền tạm, và làm bằng vải lông dê: Nó gồm 11 bức màn, mỗi bức dài chừng 14 thước, rộng gần 2 thước, 11 bức màn nầy kết lại với nhau bằng những móc đồng; toàn thể dài chừng 21 thước ở phía Ðông và phía Tây, chừng 14 thước ở phía Bắc và phía Nam. Trên 11 bức màn nầy có một tấm lá phủ bằng da chiên đực nhuộm đỏ, và bên trên nữa lại có một tấm lá phủ bằng da cá nược.
Tấm bong có ba lớp nầy, tức là vải lông dê, da chiên đực nhuộm đỏ và da cá nược, chắc do thượng lương chống đỡ ở trên nóc, và hai phía thoai thoải xuống. Mái của chính Ðền tạm chắc là bằng phẳng.
Nơi Chí thánh
Chính là 15 bộ (gần 5 thước) ở phía Tây của Ðền tạm, và là một khối đều đặn. Nơi Chí thánh hình dung cho nơi ngự của Ðức Chúa Trời. Nó chỉ chứa có hòm giao ước. Mỗi năm thầy tế lễ thượng phẩm vào đó một lần. Nó làm hình bóng về Thiên đàng (Hê-bơ-rơ 9:24).
Hòm giao ước
Là một cái tủ, dài chừng 1 thước 10 phân, rộng chừng 70 phân, và cao chừng 70 phân. Làm bằng gỗ si-tim bọc vàng ròng. Nó chứa hai bảng Mười Ðiều răn, một bình ma-na, và cây gậy của A-rôn.
Nắp thi ân(1) là nắp của hòm giao ước, làm bằng vàng nguyên khối. Mỗi đầu có một chê-ru-bin liền với nắp; hai hình chê-ru-bin nầy đối mặt với nhau, xè cánh ra và nhìn xuống nắp thi ân. Nắp thi ân ở ngay trên hai bảng Mười Ðiều răn, hình dung cho nơi gặp gỡ của Luật pháp và Sự Thương xót. Như vậy là "hình bóng" về Ðấng Christ. Hai hình chê-ru-bin tỏ ra một cách rất linh động rằng các vì thiên thượng đặc biệt chú ý đến sự cứu chuộc loài người. Ðây dường như là điều Sứ đồ Phi-e-rơ nghĩ tới khi ông nói rằng: "Các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó" (I Phi-e-rơ 1:12).
Có lẽ hòm giao ước đã bị mất trong thời kỳ bị lưu đày tại Ba-by-lôn. Trong sách Khải Huyền 11:19, Sứ đồ Giăng thấy hòm giao ước "trong Ðền thờ." Nhưng ông thấy trong một dị tượng, và không có nghĩa là hòm giao ước bằng vật chất có tại đó, vì ở trên trời sẽ chẳng có "đền thờ nào" (Khải Huyền 21:22).
Bề ngoài của Ðền tạm có thể như thế nầy
Nơi thánh
Gồm 30 bộ (hơn 9 thước tây) phía Ðông của Ðền tạm. Nó chứa cái bàn bánh trần thiết ở phía Bắc, chơn đèn ở phía Nam, và bàn thờ xông hương ở ngay trước cái màn. Có lẽ đây là hình bóng về Hội Thánh.
Bức màn
Làm bằng vải gai mịn, chỉ màu xanh lơ, đỏ tía, đỏ sậm, và thêu hình chê-ru-bin cực xảo. Nó phân chia Nơi Thánh với Nơi Chí thánh, hoặc, nói cách khác, điện thiết triều của Ðức Chúa Trời với phòng chờ đợi của loài người. Khi Ðấng Christ chịu chết, bức màn nầy đã bị xé làm hai (Ma-thi-ơ 27:51), có nghĩa là chính lúc đó, cửa của Hiện diện Ðức Chúa Trời được mở toang cho loài người vào.
Còn một bức màn khác, gọi là màn cửa, ở lối vào phía Ðông của Ðền tạm, làm bằng vải gai mịn, chỉ màu xanh lơ, đỏ điều và đỏ sậm.
Chơn đèn
Làm bằng vàng ròng, có một thân chính giữa, và mỗi bên có ba ngọn. Người ta cho rằng chơn đèn cao chừng 1 thước 60 phân, và ngang ở đầu ngọn chừng 1 thước 10 phân. Chơn đèn được đổ dầu ô-li-ve trong nhứt; hằng ngày phải làm đèn và thắp đèn (30:7, 8).
Các chơn đèn trong Ðền thờ do Sa-lô-môn xây cất đã làm theo kiểu mẫu nầy, và có lẽ cũng gồm cả chơn đèn nầy nữa. Chắc các chơn đèn ấy ở trong số bửu vật bị đem qua Ba-by-lôn, rồi sau được trả lại (E-xơ-ra 1:7).
Chơn đèn trong Ðền thờ do Hê-rốt xây cất, đương thời Ðức Chúa Jêsus, có lẽ là một trong những chơn đèn nầy. Năm 70 S.C., nó bị đem qua kinh thành La-mã, khắc vào khải hoàn môn của Titus; rồi được đặt trong miễu thờ Hòa bình; rồi bị Genseric đem qua xứ Carthage, năm 455 S.C.; rồi do Belisarius lấy lại và đem qua kinh thànhConstantinople; rồi "được cung kính đặt trong nhà thờ đạo Ðấng Christ tại Giê-ru-sa-lem" năm 533 S.C.. Sau đó người ta không biết gì về chơn đèn nầy nữa. Chơn đèn khắc trên khải hoàn môn của Titus có lẽ là một công trình kỹ xảo hình dung lại chơn đèn sẵn có.
Chơn đèn có thể là hình bóng về Lời Ðức Chúa Trời ở trong Hội Thánh, mặc dầu trong sách Khải Huyền đoạn 1:12, 20, chơn đèn chỉ về các chi hội.
Chơn đèn khắc vào khải hoàn môn Titus
Bàn bánh trần thiết
Dài 95 phân tây, rộng 48 phân, và cao 80 phân tây. Làm bằng gỗ si-tim, bọc vàng ròng. Phải bày 12 ổ bánh trên bàn nầy luôn luôn; cứ đến ngày Sa-bát thì phải đổi bánh mới. Bàn nầy đặt tại phía Bắc của Nơi Thánh. Ðó là biểu hiện lòng biết ơn Ðức Chúa Trời vì Ngài cho bánh ăn hằng ngày (Lu-ca 11:3).
Bàn thờ xông hương
Cao 95 phân tây, và bề mặt 0,1536 m2. Làm bằng gỗ si-tim, bọc vàng ròng. Ðặt ở trước bức màn. Phải xông hương trên đó luôn luôn, buổi sáng và buổi chiều tối. Có nghĩa là phải cầu nguyện không thôi (Khải Huyền 8:3-5).
Bàn thờ dâng lễ thiêu
Bàn thờ lớn để dâng tế lễ bằng sanh vật. Cao chừng 1 thước 40, và bề mặt 0,7680m2. Làm bằng những tấm gỗ si-tim và bọc đồng. Bàn thờ nầy rỗng và đổ đầy đất. Chừng nửa bề cao có cái bờ chạy bốn phía để cho các thầy tế lễ đứng lên trên. Ðặt bàn thờ nầy ở phía Bắc Ðền tạm, gần lối vào hành lang. Lửa trên bàn thờ nầy được đốt lên do một phép lạ, và không hề tắt (Lê-vi ký 9:24; 6:9). Ðó là hình bóng về loài người không có phép đến gần Ðức Chúa Trời, trừ khi họ là tội nhơn đã được Huyết Chúa Jêsus cứu chuộc. Bàn thờ dâng của lễ thiêu nầy là hình bóng về sự chết của Ðấng Christ.
Thùng rửa
Ðây là một cái thùng lớn bằng đồng để chứa nước, dành cho các thầy tế lễ rửa tay, chơn trước khi hành chức nơi bàn thờ hoặc trong hội mạc. Có nghĩa là phải sạch sẽ trong thân thể và cũng phải sạch tội lỗi. Ðây là hình bóng về sự tẩy sạch tội lỗi bởi Huyết Ðấng Christ, và có lẽ cũng là hình bóng về lễ báp-têm trong đạo Ðấng Christ.
Hành lang
Là hàng rào chung quanh Ðền tạm. Dài gần 50 thước, rộng gần 25 thước, và trông ra phía Ðông. Có những tấm bố vi bằng vải gai đậu mịn, cao chừng 2 thước rưỡi, treo trên trụ bằng đồng cách nhau chừng 2 thước rưỡi, có đinh và nuông trụ bằng bạc, cùng lỗ trụ bằng đồng. Cửa hành lang ở phía Ðông, rộng gần 10 thước tây, làm bằng vải gai mịn, chỉ xanh lơ, đỏ điều và đỏ sặm.
Bản đồ số 31 -- Họa đồ Ðền tạm