A-bên. Abel (A-bên theo tiếng Hê-bơ-rơ là Hebel, nghĩa là "hơi nước" hay "ngắn ngủi").
Ông là con trai thứ hai của A-đam (Sáng thế ký đoạn 4). Ca-in nghĩa là"của" vì khi Ca-in sanh ra thì Ê-va nói rằng: "Nhờ Ðức Giê-hô va giúp đỡ, tôi mới sanh được một người" (Sáng thế ký 4:1). Nói như vậy, bà ngụ ý đến sự bắt đầu ứng nghiệm lời hứa ban Ðấng Cứu Chuộc (Sáng thế ký 3:15). Trái lại, A-bên được đặt tên như thế vì cớ thân thể yếu đuối; vả lại, sự khải thị tiên tri đã khiến bà Ê-va chọn một tên tỏ ra con sẽ chết yểu. Nhưng chính tại đó mà đường lối Ðức Chúa Trời được tỏ ra từ lúc ban đầu: "Sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối" (II Cô-rinh-tô 12:9; Hê-bơ-rơ 11:34).
Ca-in sanh lòng ghen ghét "bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình" (I Giăng 3:12). Hờn ghen người tin kính, đó là "đường của Ca-in" (Giu-đe 11). A-bên có đức tin, còn Ca-in thì không có (Hê-bơ-rơ 11:4); bởi vậy, tế lễ (cách bày tỏ đức tin) của A-bên dâng đó "tốt hơn" của Ca-in. "Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Ðức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in" (Hê-bơ-rơ 11:4), nghĩa là hơn về chỗ có tánh chất thật của một tế lễ, vì là tế lễ bằng con đầu lòng trong bầy súc vật, làm bằng cớ về đời người hư hoại bởi tội lỗi, và làm hình bóng về Ðấng Cứu Chuộc bị cắn nát gót hầu cho có thể "gày đạp đầu con rắn" (Sáng thế ký 3:15).
Ðức Chúa Trời lấy da thú làm áo cho loài người (Sáng thế ký 3:21), đủ tỏ ra rằng phải giết một vài con thú; việc ấy hàm nghĩa rằng A-bên dâng tế lễ bằng mạng sống con thú là một việc bởi đức tin dựa theo mạng lịnh của Ðức Chúa Trời (dầu không chép rõ) truyền rằng phải dâng tế lễ như thế. Nếu không phải mạng lịnh của Ðức Chúa Trời, thì chính là "thờ lạy theo ý riêng" (Cô-lô-se 2:23), chính là cất một mạng sống mà loài người không có phép cất trước nạn nước lụt (Sáng thế ký 9:2-4).
Ca-in không tin vì cậy sự công bình riêng, không chịu xưng rằng mình vi phạm và cần được đền tội (do tế lễ làm hình bóng), cho nên chỉ dùng thổ sản dâng một của lễ cảm tạ. Ca-in không giống như A-bên cảm thấy mình cần một của lễ chuộc tội.
Của lễ bằng chiên con bị giết của A-bên làm hình bóng về Ðức Chúa Jêsus đổ huyết trên cây thập tự, vì "không đổ huyết thì không có sự tha thứ" (Hê-bơ-rơ 9:22). Vậy, "Ðức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy" và A-bên "được xưng công bình" (Hê-bơ-rơ 11:4), nghĩa là như một người thật ăn năn tội được xưng công bình bởi đức tin. Ðấng Christ cũng kêu A-bên "là người công bình" (Ma-thi-ơ 23:35).
A-bên chỉ về người được tái sanh. Ca-in chỉ về người thiên nhiên không được tái sanh. A-bên dâng thứ tốt nhất; Ca-in dâng thứ dễ kiếm hơn hết. "Ðầu lòng" và "mỡ" (Sáng thế ký 4:4) bày tỏ sự oai nghiêm của Ðức Chúa Trời và sự đầy dẫy vô cùng của Ðức Thánh Linh trong Ðấng Mê-si hầu đến. "Dầu người chết rồi hãy còn nói" (Hê-bơ-rơ 11:4), và "tiếng của máu em ngươi (A-bên) từ dưới đất kêu thấu đến ta" (Sáng thế ký 4:10), hai câu nầy tỏ ra Ðức Chúa Trời coi sự chết của các thánh đồ là quí báu dường nào (Thi Thiên 116:15; Khải Huyền 6:10).
Ðổ huyết của A-bên là tội ác thứ nhứt, cũng như đổ huyết của Ðức Chúa Jêsus là tội ác cuối cùng và lớn hơn hết đã chất chứa sự báo thù giáng vào dân Do thái (Lu-ca 11:51; Ma-thi-ơ 23:34, 35-38). Ðức Chúa Trời sẽ còn giáng sự báo thù vào "các dân sự trên đất" (Khải Huyền 11:) vì cớ làm đổ máu oan, là tội lỗi chất chứa ghê gớm hơn nữa.
Thơ Hê-bơ-rơ 12:24 có chép rằng: "Anh em đã tới... gần Ðức Chúa Jêsus, là Ðấng trung bảo của giao ước mới, và gần huyết rưới ra, huyết đó nói tốt hơn huyết của A-bên vậy". Ấy nghĩa là huyết Ðức Chúa Jêsus quí hơn huyết chiên con của A-bên. Vì A-bên chỉ là một hình bóng, còn Ðức Chúa Jêsus là chơn tượng và là của lễ chuộc tội độc nhứt vô nhị. Nếu chối bỏ sự chuộc tội thì sẽ làm cho tế lễ của Ca-in cũng có giá trị như tế lễ của A-bên. Cầu xin Ðức Chúa Cha ban ơn tha tội cho tôi! (Hê-bơ-rơ 12:24).
Theo lời truyền khẩu thì A-bên bị giết và chôn ở gần thành Ða-mách.
Tiến sĩ Scofield luận về Sáng thế ký 4:3 rằng: A-bên nghĩa là "hơi thở" hay là "hơi bay lên" làm hình bóng về người thuộc linh. Vậy nên của lễ A-bên trong đó có huyết chuộc tội đổ ra (Hê-bơ-rơ 9:22) vừa là xưng tội mình, vừa là sự bày tỏ lòng tin của lễ đó thay cho mình (Hê-bơ-rơ 11:4).